Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

3. Tôn trọng tập tục địa phương, lựa chọn quan chức hành chính:



Gia Cát Lượng đối với văn hoá của dân tộc thiểu số rất xem trọng. Ông vẫn chú ý việc tuyển người làm Trù hàng đô đốc, đầu tiên là Đô đốc Lý Khôi bản thân là người Nam Trung, khi Lý Khôi từ trần năm Kiến Hưng thứ 9, Gia Cát Lượng lấy Thái thú Thục Quận là Trương Dực vốn người ở Kiện Vi kế nhiệm. Bởi Trương Dực điều hành nghiêm minh, thường ngăn cấm những tập tục tôn giáo của dân tộc Nam Trung, nên đã dẫn đến sự phản loạn của Lưu Trụ, tình hình không yên ổn ảnh hưởng đến các quận khác.

Gia Cát Lượng lập tức khẩn cấp triệu hồi Trương Dực, lại lấy Mã Trung vốn hiểu biết tình hình ở đấy làm Trù hàng đô đốc. Mã Trung mau chóng dẹp yên được Lưu Trụ, khôi phục trị an ở Nam Trung. Mã Trung tên chữ là Đức Tín, người Ba Tây. Sau khi Lưu Bị thất bại ỏ Hồ Đình, Hoàng Quyền theo về với Tào Ngụy, Lưu Bị rất đau xót. Thái thú Ba Tây là Diên Chi phái Mã Trung dẫn đội quân thân tín tăng cường cho Lưu Bị, Lưu Bị sau khi chuyện trò với Mã Trung, đã chuyển lo thành vui nói với mọi người rằng, mất Hoàng Quyền lại được Mã Trung khá thấy trên đời không thiếu những người tài giỏi. Từ đấy coi Mã Trung là người thân tín. Khi Gia Cát Lượng mở phủ Thừa tướng lấy Mã Trung làm môn hạ, lúc nam chinh, Mã Trung được bổ nhiệm làm lãnh tụ đoàn quân chủ yếu đã lập được công lớn, sau khi chiến sự kết thúc, Mã Trung được lệnh thay mặt Gia Cát Lượng ở Hán Trung làm công việc phủ dụ chiêu hồi rất có ân huệ.
Năm Kiến Hưng thứ 3 được triệu về làm Tham quân ở phủ Thừa tướng, từng là thành viên hạt nhân trong chính quyền Gia Cát Lượng, được lĩnh chức Trị trung tòng sự ở Ích Châu. Bời cộng sự lâu dài với Gia Cát Lượng, hai bên thấu hiểu lẫn nhau, nên thấy thái độ chính trị của Gia Cát Lượng.

Ông ta sau khi kế nhiệm Trù hàng đô đốc, xử sự quyết đoán, có ân lại có uy, phù hợp với tinh thần chính sách của Gia Cát Lượng, có thể nói đã phát huy hết mức. Tam quốc chí có chép, người Man Di sợ mà tuân theo. Sau khi Mã Trung từ trần, các họ ở Nam Trung khóc lóc thương xót, lại xây miếu thờ phụng ông, khá thấy công tích của ông rất rực rỡ.

Hoắc Dặc sau này kế nhiệm, cũng giữ chính pháp và giáo hoá, cân nhắc nặng nhẹ, giữ yên ổn được ở đấy. Thành công của việc điều hành Nam Trung, có thể nói việc lựa chọn nhân sự cẩn thận là nguyên nhân rất chủ yếu vậy.
Thái thú Việt Huề là Trương Nghi, cũng là một trưởng quan hành chính rất hiểu rõ chính sách vỗ yên của Gia Cát Lượng. Thái thú trước đó là Cung Lộc đã bị chết trong cuộc phản loạn của người Di, viên Thái thú kế nhiệm sau đó, căn bán không dám đến đóng ở đấy mà đặt bản doanh ở quận An Thượng cách đấy 800 dặm. Quận Việt Huề chỉ có tên, còn hoàn toàn đã rơi vào tay quân phản loạn. Nhận lệnh giữa lúc lâm nguy như thế, chỉnh đốn lại quân Việt Huề chính là Trương Nghi.
Trương Nghi tên chữ là Bá Kì, người Ba Quận, thời trẻ bởi dũng cảm và mưu lược mà nổi tiếng, được phong làm Nha môn tướng, đã cùng với Mã Trung thảo phạt người Khương làm phản ở Vấn Sơn, bởi có nhiều mưu lược mà lập được công lao lớn.
Trương Nghi sau khi chính thức được bổ nhiệm Thái thú Việt Huề, dẫn quân trực thuộc vào sâu bên trong Việt Huề, dùng ân huệ mà chiêu dụ, khiến không ít thủ lĩnh bộ lạc đều đến qui hàng. Trương Nghi chủ động co hẹp phạm vi tấn công, lấy kẻ địch của Kỳ soái Lý Cầu Thừa (người đã giết Thái thú Cung Lộc) làm Hữu quân, khiến Lý Cầu Thừa mau chóng rơi vào cô lập, chẳng bao lâu phải chịu tử hình. Trương Nghi vẫn phản đối dùng vũ lực để giải quyết sự phản loạn của dân tộc thiểu số, ông ta cho rằng điểu hành ở Nam Trung đầu tiên phải xem trọng ân huệ, nhất định phái tôn trọng văn hoá và tôn giáo của họ, đứng ở cùng một trận tuyến thì mới thu được sự vui vẻ qui phục của người Di.

Nhiệm vụ này ông ta làm rất thành công, nghe nói đương khi ông ta tu bổ thành quách cũ ở quận Việt Huề, các trai gái người Di không thể không đem hết sức mà làm, khiến công trình trong thời gian rất ngắn đã hoàn thành. Ngoài sinh hoạt tinh thần, Trương Nghi cũng rất xem trọng sự giàu có về vật chất, ba huyện Đinh Tạc, Đài Đăng, Ti Thủy trong quận, đều có kế hoạch khai thác muối, sắt và sơn, lại thiết lập ra chức quan chuyên môn để quản lý, khiến các bộ lạc các người dân tộc thiểu số đều có thể tham dự, nhằm cải thiện sinh hoạt của họ.
Thành tích rất quan trọng là Trương Nghi đã thành công trong việc khai thông con đường cũ từ Cung Đô qua Mao Ngưu đến Thành Đô, lại tu bổ các cổ đình, dịch trạm làm nơi khách buôn trú ngụ, chẳng những đã tăng cường việc quản lý hành chính của triều đình với vùng Nam Trung, cũng làm cho kinh tế phát triển hẳn lên, Trương Nghi làm Thái thú ở Việt Huề 15 năm, đương khi ông hết thời hạn làm việc theo đường Mao Ngưu về Thành Đô, già trẻ trai gái người Di đứng bên đường tiễn chân, không thể không nhớ thương rơi lệ, chẳng dứt ra được, thậm chí có hơn 100 người đi theo Trương Nghi đến tận Thành Đô. Sau này Trương Nghi theo Khương Duy bắc phạt, hy sinh ở nơi sa trường. Người Di ở Việt Huề được tin, đau đớn than khóc, lại còn lập miếu thờ phụng ông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.