Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

4. Bi kịch đã qua, ý thức đổi mới của giới học thuật.



Một năm sau “tai họa bè đảng” lần thứ nhất, Hoàn Đế từ trần, Lưu Hoành mới 12 tuổi lên kế vị gọi là Ninh Đế, cải niên hiệu là Kiến Ninh. Ninh Đế còn quá nhỏ, phái hoạn quan nhân cơ hội đó lại hoành hành bá đạo. Những phần tử tri thức phái “Thanh lưu” lại tranh đấu ác liệt với phái hoạn quan, cuối cùng sự việc lại càng nghiêm trọng.

Một danh sĩ của phái “Thanh lưu”, Trương Kiệm đứng đầu nhóm Bát cập, lúc đó đang làm quan tuần sát ở quận Sơn Dương. Trong quận có người nhà của quan Trương Thị Hầu Lãm, thường ỷ thế khinh thường người hoặc ngược đãi quá đáng – Trương Kiệm sau khi sưutầm sự thực tội lỗi của người nhà Hầu Lãm, lập tức dâng thư lên Ninh Đế xem xét. Song tờ tấu lại bị hoạn quan ỉm đi, gửi cho Hầu Lãm, Hầu Lãm bởi vậy rất căm giận Trương Kiệm, bèn ngầm mưu với Quan trưởng Trung Thường Thi, muốn cùng với phái “Thanh lưu” quyết một trận sống mái.
Cuối đời Hoàn Đế, có việc phế bỏ hoàng hậu họ Đặng, do đề nghị của Trần Phiên, đưa Đậu quý phi xuất thân thế tộc làm hoàng hậu. Bởi vậy sau khi Ninh Đế lên ngôi, người anh của Đậu thái hậu là Đậu Vũ với Trần Phiên của phái Thanh lưu có quan hệ rất thắm thiết, đây cũng là sau gần 100 năm giữa phái Thanh lưu và hào tộc ngoại thích, lần đầu có sự kết hợp. Thời xảy ra tai họa lần thứ nhất, Trần Phiên toàn tâm ủng hộ phái ấy, Đậu Vũ và Trần Phiên đứng cùng một trận tuyến đối đầu với hoạn quan, cố gắng thuyết phục Hoàn Đế, để nhóm Lý Ưng được xuất ngục phục chức, giữ được ảnh hưởng tốt của “Thanh lưu phái” với triều chánh. Đây cũng là sự thay đổi của ngoại thích, kết hợp với phần tử tri thức, bắt đầu cùng với nhau chống lại hoạn quan.
Lợi dụng quyền lực chính trị trống vắng khi Hoàn Đế từ trần, Đậu Vũ và Trần Phiên kết hợp những người trong phái Thanh lưu ngầm mưu phát động chánh biến võ trang để thanh trừ hoạn quan. Trần Phiên chủ trương lợi dụng khi toàn thể hoạn quan đến cung đình mừng thọ thái hậu, để bức bách hoạn quan phải chuyển giao đại quyền, không may do việc ấy bị hoàng đế trẻ tuổi vô ý tiết lộ với Tào Tiết, một hoạn quan ở trong cung, nên hoạn quan bèn ra tay trước, lấy cấm vệ quân đàn áp, dẹp được quân của Trần Phiên và Đậu Vũ, tăng cường bắt bớ, sát hại, lại phát sinh tai họa bè đảng lần thứ hai.

Lợi dụng sự kiện Trần Phiên và Đậu Vũ, Hầu Lãm và Tào Tiết cũng nhân cơ hội đó vu cáo Trương Kiệm đã tham dự việc chánh biến, Ninh Đế hạ lệnh, bắt tất cả những người theo phái Thanh lưu, khép vào tội phản nghịch mà trừ đi.
Lúc Trương Kiệm bị bắt, Lý Ưng đang lữ du ở xa, có người nhà vội báo cho ông rõ, khuyên ông hãy lập tức trốn đi. Song Lý Ưng cho rằng mình đã ngoài 60 tuổi, quốc gia hữu nạn, sao có thể lánh đi, huống như “sinh tử có mệnh, chẳng thể làm khác”. Bèn chủ động nhận án, bị tra khảo nặng nề, bất khuất chịu chết. Tai họa bè đảng lần này có đến hơn trăm danh sĩ phái Thanh lưu bị giết, những nhà nho học nổi danh thiên hạ, tuy không tham dự sự kiện ấy song bị vu cáo hãm hại cũng đến 600 người, làm chấn động trong triều ngoài nội, tiếng ác của hoạn quan càng lan toả, trở thành đối tượng căm giận của những nhân sĩ trong toàn quốc.
Phạm Bàng là người đứng đầu nhóm “Bát cổ”, sau khi triều đình truy bắt những người bè đảng, tự động gặp tri huyện chịu án, song tri huyện Quách Ấp vốn quý mên Phạm Bàng có ý che dấu.

Phạm Bàng khảng khái nói: “Tôi có chết, thì mọi hoạn nạn mới chấm dứt, tôi trốn thì lụy đến cả nhà, hơn nữa mẹ già cũng phải trăm bề khốn đốn nữa!”
Tuy Quách Ấp vẫn có ý muốn cứu, song lão mẫu của Phạm Bàng cũng đến mà bảo rằng: “Lý Ưng và Đỗ Mật đều biết đã cùng đường, con ta sao nỡ một mình trốn tránh? – Như vậy thì một đời còn được giá trị gì?”.

Người nghe đều không cầm được nước mắt, Phạm Bàng lâm nạn khi mới 33 tuổi.

Sau tai họa bè đảng lần thứ 2, những người phái Thanh lưu còn sót lại, phải lánh mình trong rừng rú, họ không xuất đầu lộ diện, mà lấy giữ mình làm trọng, tu dưỡng tính tình làm kẻ ẩn sĩ, cuối đời Đông Hán thấy không ít những người ở ẩn như vậy, họ nhận được sự kính trọng của dân gian.
Chuyện Viên Hoành trong “Hậu Hán thư” có ghi, Viên Hoành là một người theo bè đảng Thanh lưu, có tiếng tăm, gặp tai họa bè đảng, ẩn cư ở làng xóm, được sự che chở của địa phương suốt 18 năm, khi Hoàng Cân khởi nghĩa, bởi biểu thị sự tôn trọng với Viên Hoành, làng xóm mà ông ta ẩn cư chưa từng bị quấy nhiễu.
Chuyện ẩn sĩ trong “Hậu Hán thư” có ghi, Bàng Đức Công là một ẩn sĩ cư trú ở Hiện Sơn, gần miền Tương Dương Kinh Châu. Nghe nói thứ sử Kinh Châu là Lưu Biểu từng nhiều lần mời ông ta ra làm việc, song đều bị thoái thác. Bàng Đức Công được Gia Cát Lượng rất kính trọng. Tư Mã Huy là bạn vong niên của Gia Cát Lượng, ông thường được gọi là “Thủy kính tiên sinh”, cũng là người có quan hệ với Bàng Đức Công. Tư Mã Huy giỏi quan sát nhân phẩm và khí chất, danh hiệu “Thủy kính tiên sinh” từ đó mà ra. Theo sử liệu hiện có Gia Cát Lượng từng đến học Bàng Đức Công và Tư Mã Huy, chịu ảnh hưởng sâu sắc về suy nghĩ và cử chỉ của họ. Dựa vào niên kỷ của Gia Cát Lượng, thấy ông không tham gia vào cuộc đấu tranh kịch liệt giữa “Thanh lưu” và “Trọc lưu”, song ông cũng có tinh thần và tiết tháo của những phần tử tri thức phái “Thanh lưu” điều này không phải hoài nghi. Gia Cát Lượng lúc tuổi trẻ thích đọc Lương Phụ Ngâm, cũng thấy rõ ông tuy chưa làm quan song đối với thời cục và tình thế chính trị vẫn ôm ấp một sự quan tâm và một sứ mệnh lớn lao.

Điều này khả dĩ giải thích tâm nguyện của Gia Cát Lượng một đời kiên trì “khôi phục nhà Hán”, “Xuất Sư Biểu” đã mở đầu bằng câu: “Hán tặc không ít kẻ”. Tuy đã có nhiều chứng cứ rõ ràng, Xuất Sư Biểu chẳng phải do chính Gia Cát Lượng viết ra mà do ngươi cháu ở Đông Ngô,, là đại tướng Gia Cát Khác viết ra, song có thể thấy ở đó ngôn hành thái độ thường ngày của Gia Cát Lượng, phù hợp với sự thể lúc đó. Thực ra tính hợp pháp của vương triều Đông Hán, trải qua khởi nghĩa Hoàng Cân và loạn Đổng Trác tiếp đó đã sớm bị phá sản. Song những phần tử tri thức từng đấu tranh dẫn đến bi kịch nghiêm trọng, vẫn giữ quan niệm phái “Thanh lưu” của họ, có thể nói là rất cố chấp. Với hình thái ý thức này đeo đẳng, họ gắng gỏi thực hiện suốt một đời. Gia Cát Lượng tuy là một nhà chiến lược thực tế, song vẫn không nghĩ đúng về bản thân thực lực, thời vận, thực hiện cuộc chiến tranh Bắc phạt chống Tào Ngụy, cuối cùng dần đến “Kỳ Sơn giữa trận từ trần, khách anh hùng để tần ngần lệ rơi”, để lại một bi kịch cá nhân, đấy là ảnh hưỏng của phái Thanh lưu, vẫn còn hướng về nhà Đông Hán. Sau tai họa bè đảng lần thứ 2, Ninh Đế tuổi còn nhỏ, bị phái hoạn quan thao túng, triều chính Đông Hán suy vong đến cực điểm.
Ninh Đế đầu óc không sáng suốt, thường rất thích những thứ xa hoa. Năm Quang Hoà nguyên niên, ông hạ lệnh xây ở phía tây Ly Cung một cung thất mỹ lệ. Do dự toán không đủ, Ninh Đế phải nghe theo hoạn quan, công khai bán quan tước, tước quan 400 thạch giá 400 vạn đồng, tước quan 2000 thạch thì giá 2000 vạn đồng. Việc làm này đã vơ vét được không ít vàng bạc. Ninh Đế suốt ngày ở Ly Cung, chăm chút mấy con chó cảnh, lại phong cho quan chức cao, cùng chơi đùa vui vẻ. Quan lại triều đình cũng tranh nhau phong theo, thân phận của chó một thời có giá cao hơn con người nhiều lần. Tình thế chính trị như thế nếu không dẫn đến đại loạn nghiêm trọng có thể xem là chuyện lạ.

Gia Cát Lượng sinh vào năm thứ 4 Quang Hoà đời Ninh Đế nhà Đông Hán, khi mới bốn tuổi, khởi nghĩa Hoàng Cân lan tràn khắp nửa phần Trung Quốc. Hán Ninh Đế tuy đã ân xá cho những người theo phái Thanh lưu, hiệu triệu khắp toàn quốc, những ai có ý chí cùng hợp sức để trấn áp, song thời cục đã chuyển hoá nghiêm trọng đến mức chẳng thể cứu vãn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.