Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

4. Chu Du từ trần, Lỗ Túc tiếp nhiệm.



Đương khi quan hệ giữa Đông Ngô và Lưu Bị rất căng thẳng, Quan Vũ gây áp lực ở Giang Lăng, làm cho Giang Lăng càng phải tăng cường phòng thủ, Chu Du đang dưỡng bệnh đành phải gượng đứng dậy, từ kinh thành vội đến Giang Lăng. Chẳng ngờ mới đến giữa đường, nhọt tên vỡ ra, chết ở Ba Lăng (thuộc tỉnh Hồ Nam), thiên tài quân sự một thời cuối cùng cũng đành phải nuốt hận.

“Tam quốc diễn nghĩa” tô vẽ thêm, Chu Du và Gia Cát Lượng luôn tranh giành nhau, đã lấy “Tam chí Chu Công Cẩn” để miêu tả cái chết của Chu Du, bầy đặt ra rằng Chu Du vốn có tâm địa nhỏ nhen, còn Gia Cát Lượng thì có trí tuệ dự trắc cao xa, thực ra đều không dựa vào một chút sử liệu nào.

Dẫu là đấu trí hoặc đấu lực, Chu Du chưa từng đọ cao thấp với Gia Cát Lượng; nghiêm chỉnh “vai phụ” chưa đủ tư cách để vượt qua “minh tinh màn bạc siêu hạng” như Chu Du. Thậm chí có thể nói nếu không có sự ưu đãi đặc biệt của Lỗ Túc và Chu Du, Gia Cát Lượng trong công tác ngoại giao liên hợp trận tuyến Tôn – Lưu, có thể đã không được thuận lợi như vậy.
Chu Du lúc đầu vẫn ủng hộ Lưu Bị, song ở chiến dịch Giang Lăng, thái độ của ông ta rất thay đổi. Có thể là trong chiến dịch Giang Lăng, phía Đông Ngô tổn thất rất nặng còn Lưu Bị lại là ngư ông mò cá, nhân cơ hội mà chiếm được một vùng đất rộng lớn của bốn quận phía nam, khiến ông ta có tâm lý bất thường. Huống chi tự mình lại mang trọng thương, vẫn chẳng thể có chuyển biến tốt, khiến ông ta trong lòng lúc nào cũng bị một áp lực lớn, về mặt suy nghĩ có khuynh hướng chết cứng. Hơn nữa ông ta mang trọng trách phòng thủ quốc gia, đối với thế lực Lưu Bị mau chóng bành trướng từ chỗ không có gì, không thể không cảnh giác; bởi thế, sau trận Xích Bích, Chu Du thay đổi thái độ để đối phó tích cực với sự phát triển lực lượng của Lưu Bị.
Song trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, Chu Du vẫn lấy lý trí để dằn tình cảm của mình; ông nhận thức sâu sắc rằng uy hiếp lớn nhất với Đông Ngô vẫn là Tào Tháo, nếu chắng có sự giúp đỡ của Lưu Bị, Đông Ngô sẽ chẳng thể đơn độc chống lại Tào Tháo, hơn nữa sẽ phải trả giá nghiêm trọng. Bởi thê ông viết một lá thư vĩnh biệt gửi lại cho Tôn Quyền, tiến cử người bạn thân thiết của ông, có lập trường vững vàng đủ đối phó được với Lưu Bị, sẽ nối tiêp nhiệm vụ của ông, đó là Lỗ Túc. Ông ta viết rằng:
Đương khi thiên hạ đang giữa thế cờ lớn, đầy xung đột và căng thẳng, cũng là lúc tôi ngày đêm lo lắng muốn đem hết tâm lực, vì sự an toàn của quốc gia mà sớm quy hoạch được tốt nhất, nay tôi xem Tào Tháo là kẻ địch, Lưu Bị thì ở Công An gần kề với Giang Lăng, trăm họ còn chưa theo về với ta, tình thế chưa ổn định, rất nên lấy bậc đại hiền lương tướng mà vỗ yên họ. Lỗ Túc đủ tài chí để làm công việc ấy, xin được cho ông ta thay tôi kế nhiệm chức vụ. Chu Du tôi số mệnh có hạn chẳng thể hầu hạ tướng quân nữa, chỉ có một ý cuối cùng này bày tỏ với tướng quân mà thôi.
Lá thư này lộ rõ tấm lòng lo nước quên thân của Chu Du; ông ta có chí lớn, không chịu bó mình trong sự hạn chế vốn có của ý thức cũ, nỗ lực tìm một người thích hợp nhất với lợi ích quốc gia. Qua đấy có thể thấy Chu Du đích xác là một nhân vật anh hùng thực có khí chất.
Tôn Quyền nhận được tin buồn về Chu Du, bỗng khóc ầm lên. Ông ta nói với các đại thần rằng: “Chu Công Cẩn là chỗ dựa của ta, nay bỗng nhiên ra đi, ta còn dựa vào ai sau này nữa?”. Ông ta thuận theo đề nghị của Chu Du bổ nhiệm Lỗ Túc làm Đô đốc trấn thủ Giang Lăng. Chu Du khi tạ thế mới có 36 tuổi.
Tôn Quyền khi mới kế nhiệm ở Giang Đông, do tuổi còn trẻ lại từ con đường văn nghiệp xuất thân, một số tướng lĩnh cũ, vẫn có ý xem thường, khi yết kiến thường qua loa cho phải lệ mà thôi, chỉ có Chu Du ở vị trí một Đô đốc, vẫn giữ quân lễ long trọng để biểu thị trung thành với lãnh tụ trẻ tuổi ấy, khiến tính hợp pháp và tính uy quyền của Tôn Quyền chỉ trong thời gian ngắn đã được đề cao. “Giang biểu truyện” có chép, lúc mới đầu lão tướng Trình Phổ đối với Chu Du còn trẻ tuổi mà sớm được cất nhắc vào vị trí lớn thường bất mãn, cố ý tỏ thái độ ngạo mạn; song Chu Du không kể đến, lại còn biểu hiện sự khiêm tốn trước mặt Trình Phổ, khiến cho Trình Phổ vốn ngoan cố cuối cùng không thể không cảm phục, hơn nữa còn nói với mọi người rằng: “Tiếp xúc với Chu Công Cẩn, như được uống rượu ngon, đặc biệt lúc mới uống chưa cảm thấy rõ, song uống rồi thì càng say càng thích khẩu”. Tào Tháo khi ở Ký Châu, vẫn thường nghe Chu Du tài hoa hơn người, đối với người thì khiêm tốn lễ độ, bèn phái Tưởng Cán, một người tài ở đất Cửu Giang giỏi ăn nói hùng biện, lấy tình riêng mà đến du thuyết Chu Du, sớm quy phục về với triều đình.

Chu Du với Tưởng Cán là bạn chăn trâu đánh đáo, nghe tin Tưởng Cán đến, lập tức ra tận ngoài cửa đứng đón, lại mỉm cười bảo: “Tử Ký (tức Tưởng Cán) sao phải khổ sở bôn ba là vậy, chắc đang làm thuyết khách cho Tào Tháo chứ gì?”
Tưởng Cán nói: “Sau khi khôn lớn, chúng ta mỗi người một đường, xa xôi cách trở tuy thường nghe danh Công Cẩn, mà không gặp được một lần, khó thấy cơ hội, nay mừng được gặp sao cứ nhất định xem là thuyết khách nhỉ?”.
Chu Du cười bảo: “Tôi tuy chẳng hiểu được thanh âm ngoài tiếng đàn, song cũng tạm hiểu được tiếng đàn nói gì vậy!”.
Thế rồi chủ khách cùng vào trong quân trướng thưởng thức rượu thịt. Sau khi ăn, Chu Du nói với Tưởng Cán: “Tôi đang có việc gấp phải đến họp, chẳng thể ngồi tiếp ông, đợi khi họp về sẽ cùng hàn huyên; ông có thể tự do tùy tiện dạo chơi đâu đó”.
Nói xong để Tưởng Cán ở lại, còn mình đi ra ngoài lo công việc. Ba ngày sau Chu Du lại cho mời Tưởng Cán, dẫn ông ta đi tham quan doanh trại, thậm chí cả nơi để quân khí lương thực. Sau khi về trại lại mở yến tiệc khoản đãi; xong tiệc Chu Du trỏ vào các báu vật xung quanh thản nhiên bảo:

“Trương phụ ở đời gặp được minh chủ tri kỷ, ngoài nghĩa quân thần, trong có ân cốt nhục, mọi lòi nói việc làm, có đủ họa và phúc; kể như Tô Tần, Trương Nghi sống lại, Ly Tẩu xuất hiện tôi cũng vỗ vai mà bắt bẻ; để họ biết đường mà rút, huống chi ông với tôi là chỗ bạn bè thuở nhỏ, hiểu nhau quá rõ, có gì mà phải biện luận nữa?”
Tưởng Cán chỉ biết mỉm cười chẳng thể nói gì thêm; sau này có nói với Tào Tháo rằng: “Chu Du khí chất rất lớn, chẳng phải người có thể dùng biện thuyết mà thuyết phục được”.
Những phần tử thức thời ở Trung Nguyên cũng có nhiều lời tán thưởng hoa mỹ về Chu Du.
Khi Lưu Bị sắp rời Kinh Khẩu về Kinh Châu, Tôn Quyền cùng bọn Trương Chiên, Lỗ Túc đưa tiễn; sau khi yến tiệc, bọn Lỗ Túc đã ra ngoài, Tôn Quyền ngồi với Lưu Bị nói chuyện trong nhà với nhau; Tôn Quyền than thở với Lưu Bị rằng: “Chu Du văn võ thao lược, trong vạn người khó thấy một người tinh anh như thế, tôi thấy ông ta có khí chất rất lớn, dứt khoát chẳng phải là hạng bầy tôi tầm thường, nay bị nhọt tên chữa lâu mà không khỏi vẫn sợ rằng trời cao lại đố kỵ với anh tài vậy!”.

Sau này Tôn Quyền khi nhớ lại trận Xích Bích, thường nói với mọi người rằng: “Quả nhân nếu không có Chu Công Cẩn dứt khoát không bao giờ có ngôi vị hoàng đế này!”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.