Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

4. Định rõ pháp lệnh, nghiêm chỉnh chấp hành.



Khi ban hành pháp luật, ắt nên có tiêu chuẩn rõ ràng, nếu không sẽ làm cho người ta oán hận; bởi thế Gia Cát Lượng mau chóng vì chính quyền mới mà xác định tiêu chuẩn khách quan trong khi chấp hành. Trong cuốn Tam quốc chí của Trần Thọ, phần nói về “Gia Cát Lượng tuyển tập” có nhắc đến những cuốn “Pháp kiểm”, “Khoa lệnh”, “Quân lệnh”, đều gắn liền với việc này.

Trong những cuốn sách ấy, đáng để ý là cuốn “Khoa lệnh”, gồm những luật lệ được Gia Cát Lượng cùng với Y Tịch, Pháp Chính, Lưu Ba, Lý Nghiêm viết ra. Đáng tiếc những điều lệ ấy đều đã thất truyền chẳng thể biết được nội dung cụ thể của nó.
Gia Cát Lượng không nghĩ đến miễn trừ, ông ta cho rằng pháp lệnh phải có chuẩn mực không nên tùy tiện miễn giảm, cho nên nhiều người lúc bấy giờ phê bình ông không thể tất nhân tình. Gia Cát Lượng chỉ đáp rằng: “Cai trị nên dựa vào đại đức, không lạm dụng tiểu đức, kể như Lưu Biểu, Lưu Chương làm ví dụ, thường rộng tha thứ, không thích hợp với việc cai trị quốc gia. Tể tướng Tiền Hán là nhà doanh nho Khuông Hành, lão thần đời Hậu Hán là Ngô Hán, cũng đều phản đối việc đại xá, đã bồi dưỡng cho mọi người sự tôn trọng đầy đủ về pháp lệnh”.
Gia Cát Lượng theo đúng pháp lệnh mà làm việc, không né tránh kẻ quyền quý, không nể tình riêng. Ví như con nuôi của Lưu Bị là Lưu Phong, sau này bởi xem thường quân lệnh mà bị xử tử; Lý Nghiêm sau khi Lưu Bị chết, đảm nhiệm địa vị phụ tá, một chức vụ gần với Gia Cát Lượng, song bởi sai lầm trong việc quân cơ, phải bãi quan làm dân, lưu đầy đến quận Tử Đồng.
Liêu Lập rất được Lưu Bị kính trọng, nhưng lại cậy tài mà ngạo mạn quá đáng, cho rằng đương nhiên mình là người kế thừa Gia Cát Lượng bổ nhiệm những quan lại xét ra là loại người tầm thường, các tướng lĩnh cũng chỉ là đồ trẻ nít, lại thường gây bất hoà với quần thần; Gia Cát Lượng sau khi xem xét kỹ, bãi bỏ quan chức của ông ta, lưu đầy đến quận Vấn Sơn.
Mã Tắc là tướng thân cận của Gia Cát Lượng, là người được bồi dưỡng kế thừa, song sau này trong trận Nhai Đình, có sơ xuất việc trấn thủ, tạo thành sự vấp ngã nghiêm trọng trong cuộc bắc phạt lần thứ nhất, cũng bị Gia Cát Lượng xử tử hình.
Nhưng phía sau sự nghiêm khắc ấy, Gia Cát Lượng cũng khá công bằng; Lý Nghiêm bị bãi miễn quan chức, song con trai là Lý Phong vẫn được trọng dụng. Ông đặc biệt phản đối lạm phát hình phạt, chức quan coi ngục được ông để ý lựa chọn, phải có cá tính trung thực liêm khiết. Ông cũng phản đối dựa vào tình cảm cá nhân mà lộng sát ra oai “lúc vui chẳng thể tha kẻ có tội, lúc giận chẳng thể giết người vô tội”, yêu cầu chức quan chuyên môn khi quyết định hình phạt nặng, nhất định phải đặc biệt cẩn thận, cố nhiên không thể buông tha kẻ xấu, song cũng dứt khoát không thể xử oan người tốt. Đối với việc này, Tập Tạc Sỉ đời Tấn đã bình luận rằng:

“Hành pháp thận trọng, giao hình tựa hồ như mình có lỗi, ban tước lộc không tư riêng, trách phạt mà không giận dữ, người như thế ai mà không nể phục! Có thể nói Gia Cát Lượng thực là người giỏi dùng hình luật; từ Tần Hán đến nay chưa hề có vậy”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.