Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

4. Gia Cát Lượng nhân nước đục mò cá.



Dẫu rằng Tam quốc diễn nghĩa đã biểu hiện Gia Cát Lượng trong đại chiến Xích Bích, miêu tả rất ly kỳ xem như chiến cục đều do ông ta chủ đạo, Tào Tháo và Chu Du chỉ là những vai phụ xung quanh ông ta. Song Gia Cát Lượng thực tế trong lịch sử ở giai đoạn này, ngoài việc hiệp thương và đàm phán công tác ngoại giao để liên minh Tôn – Lưu, thực ra chưa có gì là do ông ta chủ động thúc đẩy. Trong vấn đề then chốt này, đối với một người như Gia Cát Lượng còn thiếu kinh nghiệm tác chiến, phần lớn thời gian chỉ có thể là lạnh lùng quan sát mà thôi. Các vai chính của “võ đài chiến tranh” này đều diễn xuất hoàn hảo, bất luận là Chu Du, Lỗ Túc, Tào Tháo hay Lưu Bị đều là nhân tài bậc nhất thời đại, họ đã diễn xuất hết mình, có thể nói là Gia Cát Lượng được đến lớp dự một “khoá huấn luyện tại chức”. Kể từ khi rời Sài Tang trở về Phàn Khẩu, Gia Cát Lượng đem toàn lực với Lưu Bị làm tốt công tác chuẩn bị tác chiến trên mặt đất. Theo sự phân nhiệm của Chu Du trong chiến lược chung, tác chiến trên sông do Đông Ngô phụ trách, tuyến thứ nhất tấn công trên bộ cũng do Đông Ngô phụ trách, quân Lưu Bị chỉ làm nhiệm vụ ở tuyến hai, là chặn đường rút của quân Tào mà thôi. Bởi thế một khi trận thủy chiến ở Xích Bích bắt đầu khua chiêng gióng trống, quân Lưu Bị sẽ lập tức di động lên phía bắc, san khi vượt qua sông Hán Thủy, các tướng Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi sẽ chia làm ba ngả, để chặn đường rút của đội quân chủ lực của Tào Tháo từ Di Lăng về Hoa Dung. Lưu Bị tự nhiên chỉ còn biết nghe Chu Du phân bổ nhiệm vụ, toàn tâm sẽ làm tốt việc phối hợp. Song Gia Cát Lượng sau khi lạnh lùng quan sát tình thế toàn cục, lại đưa ra đề nghị bất đồng. Ông cho rằng nếu chỉ được giao nhiệm vụ hạng hai, sau này nếu có thắng lợi cũng chỉ thu được chiến công và chiến lợi phẩm hạng hai, như vậv tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Huống chi với một thiểu số quân sĩ của Lưu Bị và Đông Ngô ở bờ bắc muốn đánh tan quân Tào triệt thoái, về căn bản là không thể được. Bởi thế ông ta cho rằng Lưu Bị nhân cơ hội nước đục mò cá để tranh thủ một số chiến lợi phẩm. Cứ theo lệnh của Chu Du chỉ cần hư trương thanh thế mà thôi, chẳng để tổn hại binh sĩ của mình, giữ gìn thực lực để làm những công việc cần thiết sau đó.

Gia Cát Lượng cho rằng, Giang Lăng là mục tiêu rất quan trọng song cũng là điều mấu chốt mà Tào Tháo và Chu Du cùng quan tâm, bởi thế chẳng ngại gì khích lệ Chu Du đem toàn lực đoạt lại Giang Lăng, còn mục tiêu thực của Lưu Bị là chớp thời cơ bình định các quận phía nam Kinh Châu giáp Trường Giang, để tự mình có một địa bàn đứng chân, để có thể khôi phục được Kinh Châu sau này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.