Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

5. Hành pháp và giáo hoá.



Tư tưởng pháp trị của Gia Cát Lượng chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi các quan gia đời Tần như Thương Ưởng và Hàn Phi, hoặc Đổng Trọng Thư đời Tiền Hán, chủ trương trị quốc là pháp luật và lễ nghi cùng vận dụng, uy quyền và đạo đức cùng thi hành; ông ta nhấn mạnh giáo huấn để hiểu rõ pháp luật, khuyến khích điều thiện mà đẩy trừ cái ác, lấy pháp làm thể, đề cao công bằng khách quan; lấy đức mà vận dụng, đề cao giáo hoá làm gốc.

Gia Cát Lượng tuy theo pháp trị của Thương Ưởng, lại không đam mê với chủ nghĩa uy quyền. Ông ta phê bình Thương Ưởng chú trọng ở pháp luật, xem nhẹ giáo hoá, ấy chỉ là thấy một phía. Bởi thế phải lấy dài vá ngắn, kết hợp hành pháp và giáo hoá.
Do vẫn đang ở trạng thái chiến tranh, bởi thế pháp luật điều lệnh trong nước như “Tam thân, ngũ giới” mọi người đều phải hiểu rõ triệt để, để cảnh giác, tránh vi phạm lệnh cấm.
Để khuyên răn các quan viên, tướng sĩ nước Thục, ông đã định rõ các điều luật chấp hành như “Bát vụ”, “Thất giới”, “Lục khủng”, “Ngũ cụ”, chỉ ra cụ thể đâu là thiện đâu là ác, đâu là việc nên làm, đâu là việc không nên làm; cũng giống như những sách gối đầu giường bây giờ, để hướng dẫn mọi người biết đúng làm đúng.
Bùi Tùng Chi cũng đã dẫn lời Lý Hưng đời Tấn nhận định về Gia Cát Lượng, cho rằng ông ta dùng hình pháp phỏng theo nước Trịnh, giáo hoá phỏng theo nước Lỗ, cũng là nói phong cách pháp trị của Gia Cát Lượng vừa có tác phong nghiêm minh mà công bằng của Tử Sản danh tướng nước Trịnh thời Xuân Thu, cũng lại có tinh thần khuyên người không mỏi của Khổng Tử nước Lỗ. Trần Thọ cũng đã nói:
“Cuối cùng trong khắp nước, đều sợ mà cảm mến, hình pháp uy nghiêm mà không oán, lấy lòng thành mà khuyên răn sáng tỏ vậy”.
Tấm lòng nhân ái, xử sự công bằng, định ra pháp luật rõ ràng, khuyến thiện không mỏi, giữ pháp luật nghiêm chỉnh tuyệt đối không tư riêng, tinh thần pháp trị của Gia Cát Lượng trong lịch sử của Trung Quốc được kể là một thí nghiệm lớn thành công.
Gia Cát Lượng lấy mình làm gương để thi hành pháp trị, rõ ràng đã giành được những thành công lớn, các văn võ bá quan nước Thục ở thế hệ thứ hai, đại bộ phận đều chấp pháp nghiêm minh. Tam quốc chí có chép: Dương vũ tướng quân Đặng Chi thưởng phạt rõ ràng, khéo vỗ về binh lính, Trù hàng đô đốc Trương Dực chấp pháp cẩn thận, Đốc quân tòng sự Dương Hí, làm tròn việc trông coi hình ngục, định án rõ ràng, Tang ca thái thú Mã Trung rất có ân uy…
Trải qua cuộc vận động đổi mới pháp trị như vậy, công tác của chính quyền Thục Hán rõ ràng nâng cao hiệu suất, việc quan cũng sáng tỏ, đặc quyền bị tẩy trừ, đời sống nhân dân được cải thiện không ít. Trương Duệ thuộc phái Đại Lão Ích Châu sau này cũng công khai tán dương: Thừa tướng Gia Cát chí công vô tư, thưởng phạt không phân biệt thân sơ xa gần, kẻ không có công thì không được thưởng, kẻ quyền quý cũng không thoát khỏi được, đấy là nguyên nhân chủ yếu nhất để mọi người đều hăng hái. Trần Thọ khi viết Tam quốc chí cũng khẳng định về phương diện này:
Giáo huấn nghiêm minh, thưởng phạt đúng mực, không có tội thì không trừng phạt không có công thì không ban thưởng, làm trong sạch cửa quan, khích lệ được mọi người, giữ đạo phải chẳng rời, mạnh không lấn yếu, phong hoá bởi thế mà hưng thịnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.