Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

5. Nước lấy quân đội để cậy, vua lấy bề tôi để nhờ.



Dẫu rằng Tam quốc diễn nghĩa coi thiên tài quân sự của Gia Cát Lượng là thần thông vô hạn, song lấy thực tế chiến đấu mà nói, biểu hiện của Gia Cát Lượng không đặc biệt kiệt xuất, Tam quốc chí của Trần Thọ cho rằng ông ta sở trường ở điều hành chính trị, sở đoản ứng biến kỳ mưu. Nói cách khác, Gia Cát Lượng giỏi chỉ ra kế sách chiến lược, định ra chế độ, có thể nói về quản lý việc quân còn có thể được, song về biến hoá kỳ diệu ở chiến thuật cũng tức là phương diện dùng binh, thực chẳng phải sở trường. Bước ra từ lều cỏ ở Long Trung, Gia Cát Lượng đã biết rõ, muốn thực sự sáng nghiệp được ở đời loạn, về quân sự chẳng có thực lực là chẳng thế được. Bởi thế ông đề nghị với Lưu Bị, thu nhập dân lưu vong Kinh Bắc để tăng cường số binh lính, tập hợp lương thảo, tích cực xây dựng quân đội. Gia Cát Lượng từ nhỏ đã đọc thuộc binh pháp, tuy là văn quan, song quan tâm với quân sự cơ hồ là không gián đoạn bao giờ. Từ mục lục cuốn “Gia Cát văn tập” mà Trần Thọ dâng lên Tấn Vũ đế, thấy có các thiên “binh yếu” và “quân lệnh”. Cuốn “Gia Cát Lượng tuyển tập” cũng có ghi trước tác liên quan với khoa học quân sự gồm 10 điều binh yếu và 15 điều quân lệnh, thấy rõ Gia Cát Lượng có dụng tâm về quân sự.

Yếu tố quân sự của ông lại thiên về quản lý, huấn luyện, ứng dụng vũ khí, phương pháp xây dựng doanh trại và bầy trận, tìm kiếm hiệu suất và chẳng có mưu lạ. Nước Thục vốn hẹp lại ít người, muốn đối chọi được với Tào Ngụy có lực lượng gấp bội, không thể không dựa vào tổ chức huấn luyện và công phu bố cục trên dưới, đặc biệt là vấn đề lương thảo, vẫn là điều Gia Cát Lượng đau đầu. Lưu Bị khi nội bộ chưa ổn định, phát động đại quan đánh Đông Ngô lại thảm bại, khiến cho lực lượng trong nước của Thục Hán bị một đòn nặng nề. Gia Cát Lượng thấy rõ tự nhiên ghi nhớ kỹ nỗi đau này. Bởi thế sau khi phụ tá Lưu Thiện cai trị nước Thục, lập tức khôi phục sớm mối bang giao với Đông Ngô, giữ gìn trạng thái hoà bình.
Tiếp đến đóng cửa bồi dưỡng sức dân, động viên tinh thần, nắm nội chính về kinh tế, tăng cường binh lính và lương thảo cho nhu cầu quân sự, đương nhiên bổ sung binh khí và huấn luyện là điều kiện quan trọng nhất để tăng cường sức chiến đấu.
Gia Cát Lượng về điều hành việc quân, xem trọng hai điểm giáo hoá (về tâm lý) và luyện tập (về sức chiên đấu). Ông dẫn lời Khổng Tử ‘‘Không dạy mà chiến đấu, ắt hẳn thất bại” để thuyết minh tinh thần chủ yếu của giáo hoá, lại cụ thể chỉ ra “Bảo ban lễ nghĩa, bồi dưỡng lòng trung thành, răn đe bởi hình luật, lập uy ở thương phạt, để mọi người biết mà cố gắng”. Nói cách khác, chẳng những phải có giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng tâm lý, lại phải có luật lệ quân pháp cụ thể. Ông rõ ràng không giống Tào Tháo nói chung chỉ xem trọng việc kích động tinh thần binh sĩ, xây dựng thanh thế, mà xem trọng sự quản lý hợp lý trong quân đội, để nâng cao sức chiến đấu.
Đối với Gia Cát Lượng mà nói, trị quân cũng như trị quốc, quân đội giữ vững quốc gia làm yên xã tắc. Ông ta cho rằng “Nước lấy quân đội làm cậy, vua lấy bề tôi làm nhờ, cánh tay mạnh thì nước yên, cánh tay yếu thì nước nguy, xem đấy thì biết” Tào Tháo coi trọng sự ứng biến và kỹ xảo lãnh đạo của tướng lĩnh, Gia Cát Lượng thì xem trọng quản lý và nhân cách của tướng lĩnh. Ông ta cho rằng, tướng lĩnh phải đầu tiên là yêu dân, hoà đồng với dân, nếu không chỉ biết đánh đấm, lại không hiểu được việc nắm dân tâm, dứt khoát chẳng phải tướng lĩnh giỏi. Ông lại chỉ rõ: “Làm tướng không có dân, làm phụ tá không có nước, cũng như làm chủ soái mà không có quân”. Trị quân cũng như trị quốc, phải nên lựa chọn người có cả tài lẫn đức, mới là tướng lĩnh giỏi. Trong suy nghĩ của ông ta, tướng soái ưu tú, chẳng giống như mãnh tướng Ngụy Diên thiện chiến. Trong Xuất Sư Biểu ông đặc biệt khen ngợi và tiến cử Hướng Sủng; sau này trong thư gởi Trương Duệ và Tưởng Uyển, cũng đánh giá Khương Duy rất cao. So với người tinh thông quyền biến, giỏi cung kiếm, hiển nhiên đối với người trung thành với công việc, có tầm nhìn đại cục chí công vô tư, ông có phần xem trọng hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.