Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

5. Rơi rụng sao lớn, Thừa tướng về trời



Từ mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 12, tình hình sức khoẻ của Gia Cát Lượng rõ ràng đã xấu đi. Mấy năm trước từ việc ông liên tục sinh được con gái mà xem sức khoẻ không thể kém đi, mà hai năm nay chẳng có giao tranh, Gia Cát Lượng lẽ ra cũng không đến nỗi phải cháy dạ suy nghĩ nhiều lắm.

Song đến cuối tháng 7, khi Gia Cát Lượng với quạt lông, khăn quấn xuất hiện ở tiền tuyến, tình hình sức khoẻ của ông đã xấu đi nhiều. Sách lượcđưa y phục phụ nữ để nhạo báng đích xác là bởi suy nghĩ nóng nảy mà có cách làm thiếu thận trọng vậy.
Xem xét bệnh tình của Gia Cát Lượng, ông ta quá suy nghĩ, lo lắng mà thổ huyết, sự ăn uống sút kém, song không thấy ghi chép bị ho hắng, căn bệnh thực ra ở dạ dày. Gia Cát Lượng là người cao lớn vạm vỡ, cá tính lại bình tĩnh cẩn thận, vẫn chú trọng đến sức khoẻ, ví như có bệnh dạ dày cũng không mau chóng xấu đến như thế mới phải, bởi có thể ông ta mắc chứng ung thư dạ dày chăng?
Đầu tháng 7, ông viết một lá thư gửi cho Hậu chủ, bầy tỏ sức khoẻ của mình không tốt, hy vọng Hậu chủ Lưu Thiện lưu tâm đến việc nước hơn nữa, tâm lý cần có sự chuẩn bị, hiển nhiên Gia Cát Lượng đã phán đoán được bệnh tình nghiêm trọng của mình, có lo lắng đến mệnh sống. Gia Cát Lượng rất có đầu óc khoa học, lại có nghiên cứu về sinh lý học, lại nữa sức khoẻ vẫn khá tốt, nếu như có bệnh dạ dày nói chung, lẽ ra không đến nỗi khiến ông phải lo lắng như thế, mà sức khoẻ cũng không đến nỗi xấu đi mau chóng như vậy. Hiển nhiên Gia Cát Lượng và các thầy thuốc quân sự của ông, đối với bệnh tình của ông ta đã hoàn toàn bó tay không có cách gì chữa nổi.
Đầu tháng 8, ông ta viết một bức thư mật dâng lên Hậu chủ Lưu Thiện bày tỏ: “Hạ thần nếu như xảy việc chẳng may, việc sau này có thể giao cho Tưởng Uyển”. Ông ta nói Tưởng Uyển có năng lực ổn định được Thục Hán, phục hưng nhà Hán, tiếp tục được công việc của mình, cũng hy vọng Lưu Thiện sớm có xếp đặt để tránh tạo thành sự hỗn loạn chính trị tạm thời, Lưu Thiện tiếp được bức mật thư này tự nhiên rất kinh hãi.
Ông ta lập tức phái Thượng thư Lý Phúc, ngày đêm phóng đến tiền tuyến gò Ngũ Trượng thăm hỏi bệnh tình của Gia Cát Lượng ra sao.
Gia Cát Lượng lúc này đã hoàn toàn không ngồi dậy được, ông ta nằm trên giường bệnh trao đổi hồi lâu nhũng điều cơ mật với Lý Phúc, lại dặn dò Lý Phúc, tự mình chịu sự ủythác của Tiên đế, trước mắt sự nghiệp bắc phạt chưa thành công, là bởi thiên mệnh không thể không chia lìa, hy vọng đại thần triều đình vẫn một lòng như cũ, tận tâm phụ tá vương nghiệp, kế tục hoàn thành sự nghiệp mà rốt cục mình chưa hoàn thành được. Lại yêu cầu Lý Phúc chuyền đến Hậu chủ rằng, sau khi ông ta mất không cần đưa về Thành Đô chôn cất, cứ trực tiếp an táng ở núi Định Quân tại tiền tuyến là được, để tượng trưng chí hướng da ngựa bọc thây chết ở sa trường. Lý Phúc thảy đều ghi nhớ lời di chúc của Gia Cát Lượng, liền mau chóng trở về Thành Đô báo cáo lại với Hậu chủ.

Tiếp đó Gia Cát Lượng triệu tập hội nghị tham mưu trận địa, những người tham gia Trưởng sử Dương Nghi, Tư Mã Phí Vỹ và Hậu quân Khương Duy. Chẳng có các tướng lĩnh quân đoàn tham dự, hiển nhiên Gia Cát Lượng vẫn không muốn để đại quân Thục Hán đang bố trí ở gò Ngũ Trượng biết được mệnh sống của mình chỉ còn sớmtối. Từ hành động sau này của Dương Nghi, Phí Vỹ, Khương Duy mà xem, hội nghị lần này bàn đến việc rút quân sao cho thực thuận lợi.
Mấy ngày sau, Lý Phúc lại vội vã quay lại, ông ta khi chạy vào doanh trại thấy Gia Cát Lượng đã hôn mê không tỉnh lại được, không khỏi đau đớn khóc rằng: “Chỉ đến chậm có một bước mà ta làm hỏng đại sự quốc gia”.
Như là một kỳ tích ở đời, có thể Gia Cát Lượng vẫn còn chưa đi xa chợt nghe thấy tiếng khóc của Lý Phúc lại hồi quang phản chiếu mà chợt tỉnh lại. Ông ta nhìn thấy Lý Phúc, đã nói ngay rằng: “Ta biết việc ông cần hỏi, người có thể lập tức kế thừa công việc của ta là Công Đàm (chỉ Tưởng Uyển)”. Lý Phúc: “Công Đàm sau khi trăm tuổi thì có ai kế thừa được?
Gia Cát Lượng: “Văn Vỹ có thể làm được (chỉ Phí Vỹ)”.
Lý Phúc: “Sau Phí Vỹ đến ai?”
Gia Cát Lượng mặc nhiên không đáp, mọi người đều chạy đến thì đã lạnh hẳn rồi.
Cuối tháng 8 năm Kiến Hưng thứ 12, Gia Cát Lượng người hào kiệt bậc nhất của Thục Hán đã ngã bệnh mà mất ở gò Ngũ Trượng trong doanh trại tiền tuyến lúc 54 tuổi; kể từ khi ông ta ra khỏi lều cỏ Long Trung đến giờ đã trải qua 27 năm; ở chức vụ Thừa tướng Thục Hán cũng đã được 14 năm. Cuốn “Tấn Dương thu” của Tôn Thịnh đời Đông Tấn có chép: “Truyền thuyết kể rằng vào hôm Gia Cát Khổng Minh từ trần, ở trên khoảng trời phía bắc, có một ngôi sao đỏ rất lớn, từ phía đông bắc theo hướng tây nam chợt loé sáng rồi tắt đi…”.
Gia Cát Lượng đột ngột mất đi, trời đất cũng cảm thấy buồn rầu bởi chí hướng cuối cùng chưa hoàn thành vậy! Thánh thơ Đỗ Phủ đời Đường, sau này khi đến thăm đền thờ Gia Cát Khổng Minh đã viết bài thơ “Thừa tướng đất Thục” nổi tiếng nghìn năm.
Miếu thờ Thừa tướng là đây
Cẩm thành rừng bách phủ đầy trước sau
Nắng xuân cỏ biếc một màu
Tiếng oanh trong lá toả vào không gian
Ba lần cầu kiến cao nhân
Hai triều đã tỏ lão thần tận tâm
Kỳ Sơn giữa trận từ trần
Khách anh hùng để tần ngần lệ rơi.
Đền thờ Thừa tướng Gia Cát Lượng ở đâu nhỉ? Ở ngoài Thành Đô có Cẩm Quan Thành là nơi rừng bách rậm rạp, cỏ non xanh rờn mọc đầy những bệ thềm trước nhà, tràn đầy một sức sống mãnh liệt. Trong tán rợp của những cây bách thường toả ra những tiếng hót thánh thót của chim hoàng oanh.

Lại nghĩ đến năm xưa Tiên chủ Lưu Bị ba lần tìm đến thăm lều cỏ Long Trung, gắng hỏi han kế sách lớn thu lấy thiên hạ, cảm kích trước ân nghĩa, Gia Cát Lượng đã dấn thân tận tụy, suốt đời bầy tỏ lòng trung thành với hai triều đại họ Lưu, dốc hết tấm lòng của kẻ lão thần. Chinh phạt Tào Ngụy, sớm phục hưng nhà Hán, hành động quân sự đó tuy chưa hoàn thành, Gia Cát Lượng thân làm chủ tướng lại ngã bệnh mất ở giữa doanh trại, nghe đến sự tích như vậy, mãi khiến những khách anh hùng hậu thế phải cảm động mà rơi lệ vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.