Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

6. Chu Du: một thiên tài quân sự.



Chu Du tên chữ là Công Cẩn người Lư Giang, tổ phụ là Chu Cảnh, bác là Chu Trung đều làm quan đến chức Thái uý nhà Hán, phụ thân là Chu Dị từng làm Lạc Dương lệnh.

Tam quốc chí có chép:
Chu Du thân thể cao lớn, anh tuấn hào kiệt, cá tính cởi mở rộng rãi, được bạn bè nể vì… khi còn trẻ, đã tinh thông âm nhạc, trong lúc say rượu mà người tấu nhạc ở bên chỉ cần sai luật một chút, Chu Du lập tức ngoái đầu lại, cho nên người đương thời nói: “khúc nhạc lỡ sai, Chu Du ngoảnh lại”.

Sau khi nhận được tin Tào Tháo tiến quân vào Kinh Châu, Chu Du đang ở hậu phương lập tức phái một số lớn tình báo thâm nhập vào các vùng ở Kinh Châu, để mau chóng thu thập tình hình bố trí quân đội của Tào Tháo, và con đường mà quân chủ lực tiến công. Bởi thế sau khi nhận được lệnh triệu hồi của Tôn Quyền, Chu Du lập tức hạ lệnh kết thúc tập huấn, toàn quân bước vào trạng thái chuẩn bị chiến đấu, chỉ dẫn theo một số nhân viên tham mưu, hoả tốc phóng đến Sài Tang.
Ngay tối ấy Chu Du, Lỗ Túc bí mật hội đàm, trao đổi ý kiến vê việc ngày mai sẽ gặp Tôn Quyền.
Sáng hôm sau, Tôn Quyền lại triệu tập hội nghị quân sự.

Trương Chiêu đứng đầu phái chủ hoà phát biểu trước rằng: “Tào Tháo giảo quyệt như lang sói, nay lấy danh nghĩa Tể tướng triều đình, ép thiên tử mà đánh bốn phương, nếu công khai đối đầu với ông ta, về danh nghĩa trở thành phản tặc với triều đình, với chúng ta thực rất bất lợi. Hơn nữa Đông Ngô dựa vào Trường Giang hiểm trở, hiện nay Kinh Châu đã mất, đội thủy quân to lớn trong tay Lưu Biểu toàn bộ đã rơi vào quân đoàn nam chinh của Tào Tháo. Quân Tào chỉ cần xuôi theo dòng Trường Giang đánh bằng đường thủy, chúng ta không còn riêng lợi thế Trường Giang, mà địch và ta rất chênh lệch về thực lực. Bởi thế chúng tôi cho rằng kế sách hay nhất là đón rước quân Tào, cùng với họ tiến hành hoà đàm”.

Chu Du nghe vậy, lập tức phản bác rằng: “Các ông đều nhầm cả rồi, Tào Tháo tuy danh là Hán Tướng, thực ra là Hán Tặc, khinh nhờn cả thiên tử, xét về nghĩa lý là không đứng vững. Tôn tướng quân là người anh hùng, lại kế thừa sự nghiệp cha anh, chiếm cứ Giang Đông, bờ cõi có mấy nghìn dặm, quân đội lại tinh nhuệ, lương thảo thực đầy đủ, anh hùng hào kiệt đều theo về với sự nghiệp sáng tạo này, trước mắt nên giơ thẳng cánh tay giáng đòn trừ khử gian đảng triều đình mới đúng, sao lại biểu hiện ra tư thế nhu nhược như vậy? Huống chi nay Tào Tháo mang cái chết lại, vì sao còn phải đi đón rước ông ta nhỉ?”
Tôn Quyền nghe nói thế gật mạnh đầu khẳng định theo.
Tiếp đó Chu Du công bố những tin tình báo quân sự mà mình đã thu thập được bấy nay, phân tích chiến lược một cách sơ bộ. Ông ta cho rằng, tuy đối diện với áp lực quân sự to lớn của Tào Tháo, song về phía Đông Ngô vẫn có điểm mạnh tuyệt đối, lý do như sau:
Thứ nhất, quân Tào nói có 100 vạn người, thực ra đa số là quân họ Viên và quân Kinh Châu mới đầu hàng. Chính quyền họ Viên ở phía bắc mới bị diệt không lâu, ở đấy vẫn không ổn định, bởi thế Tào Tháo phải trụ lại rất nhiều quân lính. Quân đoàn của Mã Đằng, Thứ sử Lương Châu và quân Hàn Toại ở tây bắc, cũng tùy thời mà uy hiếp hậu phương quân Tào. Trong triều đình ở Hứa Đô, sau sự kiện Đổng Thừa, các quan công khanh nhà Hán, không ngừng phản kháng ngấm ngầm. Khiến Tào Tháo không thể không lưu giữ quân trực thuộc rất lớn ở hai châu Cổn, Dự để truy trì sự an toàn của đại bản doanh. Cũng tức là nói quân đoàn nam chinh của Tào Tháo, không thể vượt quá 15 vạn người. Hơn nữa căn cứ vào tình hình nhận được, trong đó có không ít quân của Viên Thiệu, về lòng dạ đối với Tào Tháo vẫn còn chưa biết thế nào.
Thứ hai Tào Tháo lần này tiến đánh Kinh Châu tuy có thuận lợi bất ngờ song trong lúc đột nhiên chiếm lĩnh mau chóng một vùng rộng lớn, quân đội ắt sẽ chẳng thể điều phối thoả đáng, quân chủ lực bị phân tán khiến cho sức chiến đấu bị dàn mỏng. Lại thêm chính quyền Lưu Tông không đánh mà hàng, quân các nơi lại không kịp chuẩn bị, tuy nghe lệnh mà làm, song quân quan các cấp và binh lính về tâm lý là không bình thường; những người này tạo thêm sự bất ổn định về tâm lý trong quân đội, chỉ làm tăng thêm áp lực tâm lý cho đội quân chủ lực mà thôi.
Thứ ba quân phương bắc đi đường dài qua núi cao sông sâu, thủy thổ không hợp, tình hình quân sĩ bệnh tật nảy sinh nghiêm trọng. Hơn nữa từ mùa thu, mùa đông trở đi, khí trời ngày một lạnh hơn, tuyến vận tải lương thực quân Tào rất dài, vấn đề này càng thêm khó khăn. Tào Tháo muốn đánh nhanh, đã bày ra hình thái quyết chiến ở Trường Giang. Quân Tào giỏi đánh trên bộ, nay bỏ sở trường dùng sở đoản, lựa chọn một phương thức tác chiến không quen thuộc, thể hiện sự bận tâm của họ, trạng thái tâm lý này với một trận đánh lớn là rất bất lợi.
Trái lại Đông Ngô ở Giang Đông đã từng trải qua ba đời, quân giỏi lương nhiều, thủy chiến vẫn là sở trường của họ. Bởi thế chỉ cần một đội quân tinh nhuệ khoảng 5 vạn người nhất định sẽ đánh thắng được trận này.
Qua cuộc tranh cãi này chúng ta có thể thấy sự phong phú và chính xác của tin tình báo mà Chu Du có được. Nói cách khác các quan viên của tướng lĩnh ở Sài Tang đều không bằng ông; liên tục ở chiến trường, Gia Cát Lượng vẫn chú trọng công việc tình báo cũng chẳng bằng được ông ta. Chu Du có thiên tài vạch sách lược chiến đấu, có thể thấy rõ ở đấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.