Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

6. Khoan dung trong mọi mặt, xây dựng công thức chung.



Ngoài những đại thần Ích Châu như Hoàng Quyền năm nào phản đối Lưu Bị vào Thục, hoặc những trưởng lão như Lý Nghiêm, Ngô Ý năm nào ở chiến trường đã đi theo Lưu Bị, Bành Dạng là người có tài năng, song vẫn chưa được Lưu Chương trọng dụng; Gia Cát Lượng đã cân nhắc tài cán và ý nguyện, trao cho chức vị để những người như ông ta tham gia chính phủ mới, phát huy hết tài năng. Trong 5, 6 năm, có được hai châu Kinh, Ích, trận tuyến của Lưu Bị đã khuyếch đại mau chóng, các mặt lập trường, ý kiến, lợi hại cũng có nhiều mặt. Bởi thế Gia Cát Lượng phải đặc biệt chú ý mâu thuẫn giữa các quan lại văn võ mới cũ, để họ dốc lòng cống hiến, vì sự ổn định và phát triển của chính phủ mói mà nỗ lực ở mức lớn nhất.

Lại ví như danh tướng Quan Trung là Mã Siêu, vốn là lãnh tụ hùng cứ một phương, nay mắc nạn phải theo về với mình, đã cấp cho địa vị đặc biệt, bởi thế sau khi vào Thành Đô, Lưu Bị đã phong Mã Siêu làm Bình tây tướng quân.Địa vị ấy đã vượt cả lão tướng Triệu Vân, thậm chí còn bằng vai với Trương Phi.
Triệu Vân vẫn không coi trọng quyền tước, còn Trương Phi đối với danh sĩ có biệt tài, cũng hiểu rằng phải đặc biệt tôn trọng. Song Quan Vũ đang trấn thủ Kinh Châu xa xôi lại có vẻ không vừa ý, Quan Vũ vẫn tự coi mình là bậc cao, ông ta thấy Mã Siêu chỉ một bước đã lên đến chức Bình tây tướng quân, trong lòng sôi sục bất bình, lại đặc biệt viết thư cho Gia Cát Lượng bầy tỏ rằng Mã Siêu có tài năng đến đâu, thao lược so được với ai? Gia Cát Lượng rất hiểu Quan Vũ, bèn viết thư trả lời rằng: “Mã Siêu tài kiêm văn võ, anh hùng hơn người, là người hào kiệt trên đời, ví như Kình Bành có thể tranh cao thấp với Trương Phi, chẳng thể so sánh được với ông râu dài về tài năng phi phàm vậy (người đời vẫn khoe Quan Vũ có bộ râu đẹp)”.
Gia Cát Lượng qua lá thư ấy đã ví Mã Siêu với những mãnh tướng hữu dũng vô mưu như Bành Việt và Anh Bố, hoặc giống như Trương Phi mà thôi, dứt khoát không bằng Quan Vũ có văn võ toàn tài, vượt cả đám quần hùng. Quan Vũ xem thư rất đỗi cao hứng, đặc biệt còn đưa thư cho các tân khách xung quanh cùng thưởng thức, xem thế khá thấy thái độ ngạo mạn tự đắc của Quan Vũ lúc bấy giờ. Đấy cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra việc để mất Kinh Châu sau này. Song Gia Cát Lượng muốn để Quan Vũ yên tâm mới làm như thế. Đương nhiên Gia Cát Lượng cũng tự mình làm gương, có quan hệ tốt với các nhân sĩ, Kinh Ích Châu, ông với Đổng Hòa cùng vui lo với công việc. Hai người đắp đối dài ngắn, đồng lòng đồng trí, trở thành đôi bạn tâm giao. Ví như nhân vật Lưu Ba lại là người không dễ gần, ông ta tài hoa hơn người, có hiểu biết sâu rộng. Năm ấy, khi Lưu Bị bao vây Thành Đô, từng hứa với các tướng lĩnh vây thành là đánh xong Thành Đô, sẽ mang tài vật trong kho làm chiến lợi phẩm để mọi người cùng hưởng. Bởi thế sau khi chiếm được thành, các tướng sĩ đã vơ vét sạch châu báu trong kho, đến nỗi sau này đồ quân dụng không đủ, thường bị tài chính bó buộc, cũng khá đau đầu.

Lưu Ba lại đề nghị với Lưu Bị rằng: “Việc ấy thực ra chẳng khó khăn gì, chỉ cần cho đúc nhiều tiền 100 quan bình ổn vật giá, quan phủ định ra giá cả, sẽ quản lý được tình hình thị trường”. Có thể nói đây là một chính sách kinh tế tốt, lại là một chính sách phối hợp tiền tệ với hàng hoá để chủ động điều chỉnh và không chế thị trường, người có đầu óc như vậy thực không nhiều. Lưu Bị làm theo phương pháp của Lưu Ba, quả nhiên sau vài tháng kho tàng đã mau chóng đầy đủ cả.
Song Lưu Ba rất cao ngạo, ông ta xem thường võ tướng; đến cả Trương Phi cũng vậy. Có rất nhiều lần khi Trương Phi xin ông ta chỉ giáo, ông ta đều thoái thác, khiến Trương Phi rất bất bình.
Gia Cát Lượng khuyên Lưu Ba rằng: “Tướng quân Trương Dực Đức tuy là quan võ, song ông ta rất kính phục túc hạ, chúa công tập hợp cả văn võ để định đại sự. Túc hạ bản tính thanh cao, lẽ ra phải hiểu được một chút mới phải”.
Không ngờ Lưu Ba kiêu ngạo đáp rằng: “Đại trượng phu ở đời, phải rộng giao tiếp với anh hùng bốn biển, còn với kẻ võ phu thô lỗ thì có gì để nói”.
Gia Cát Lượng thấy thế, cũng không muốn nói nữa. Song Lưu Bị nghe được lại rất giận giữ mà rằng: “Ta muốn tập hợp đủ mọi người có văn tài và võ bị, để ổn định thiên hạ, Lưu Ba chỉ chuyên môn chống đối ta, ông ta hẳn muốn thích đến chỗ nào với Tào Tháo để làm quan à! Ông ta chỉ khiêu khích chúng ta mà chẳng có thành ý giúp đỡ chúng ta vậy!”. Lưu Ba thấy Lưu Bị tức giận, phải vội vàng lui lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.