Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

7. Nội chính vừa ổn định, ngoại nạn lại liên miên



Ích Châu vừa ổn định Gia Cát Lượng đã nghĩ ngay đến việc bình ổn nhân sự ở Trung ương và pháp chế, Lưu Bị thì thường đến các châu quận để giám sát, triệt để không chế Ích Châu một cách hữu hiệu. Song một điều khiến Lưu Bị và Gia Cát Lượng lo lắng là Tôn Quyền ở phía đông và Tào Tháo ở phía bắc, đối với Lưu Bị mới có được hai châu Kinh, Ích, đỏ mặt tức tối, vẫn thường có hành động khiêu chiến, khiến Lưu Bị và Gia Cát Lượng đang lúc chưa ổn định không khỏi lo lắng, để tâm đối phó cẩn thận.

Năm Kiến An thứ 15, cũng tức là hai năm sau khi Lưu Bị bình định Ích Châu, Tào Tháo phát động tấn công vào Trương Lỗ và Hán Trung, Lưu Bị lập tức phái một số lớn tình báo bí mật chú ý tình hình quân sự phái bắc, lại điều động hai đại tướng Trương Phi và Mã Siêu có kinh nghiệm phong phú đến phía bắc Ích Châu, để tăng cường việc phòng bị.
Không lâu sứ giả của Tôn Quyền là Gia Cát Cẩn, đến Ích Châu yết kiến Lưu Bị, yêu cầu trả lại Kinh Châu.
Lưu Bị đối với việc Tôn Quyền nhân khi ông ta vào Ích Châu, đã triệu hồi em gái là Tôn phu nhân về nước, hơn nữa lại còn bắt cả A Đẩu đi theo, thì tức giận không thôi. Song Gia Cát Cẩn lại là anh ruột của Gia Cát Lượng, một nhân sĩ Đông Ngô vẫn có cảm tình với Lưu Bị, nên Lưu Bị đành phải nói rằng: “Đợi chúng tôi chiếm được Lương Châu, tự nhiên sẽ đem Kinh Châu trả cho các ông”.

Gia Cát Cẩn tuy biết rõ đấy chỉ là lời thoái thác, song cũng không dễ cưỡng bức nữa đành mang ý kiến của Lưu Bị về báo lại cho Tôn Quyền.
Chẳng ngờ Tôn Quyền nghe vậy rất giận dữ, lập tức lệnh cho đại tướng Lã Mông dẫn quân tập kích vào ba quận phía nam là Trường Sa, Linh Lăng và Quế Dương.
Lưu Bị biết được quân tình, lập tức giao Ích Châu lại cho Gia Cát Lượng và Pháp Chính, tự mình dẫn 5 vạn quân chủ lực trở về Kinh Châu, đến đóng trại ở Công An để chỉ huy chung. Lại lệnh cho Quan Vũ dẫn quân Kinh Châu theo đường Giang Lăng xuống phía nam, cùng với quân Trường Sa trấn giữ Ích Dương, để biểu thị thái độ cứng rắn.
Song Tôn Quyền cũng không chịu lùi, ông ta lệnh cho Lỗ Túc và Hạ Khẩu theo phía nam đến Ích Dương chuẩn bị với Quan Vũ cùng lấy cứng trọi cứng còn mình thì đóng ở Lục Khẩu, nắm diễn biến quân sự, trước mắt mối liên minh hai bên sắp bị phá vỡ, tình thế đại chiến có thể sẽ nổ ra.
Đang vào lúc khẩn cấp như thế, có tin ở phía bắc Hán Trung đang có chiến sự, Tào Tháo đã giành được thắng lợi quyết định, Lưu Bị thất kinh, sợ Tào Tháo thuận đà tràn xuống phía nam, Ích Châu có thể có biến, bèn chủ động phái sứ giả đàm phán với Tôn Quyền hai bên ký hiệp định phân chia Kinh Châu, lấy sông Tương Thủy làm ranh giới, ba quận phía đông Tương Thủy là Giang Hạ, Trường Sa, Quế Dương thuộc Tôn Quyền các quận phía tây Tương Thủy là Nam Quận, Linh Lăng, Vũ Lăng thuộc Lưu Bị; như vậy chiến tranh tạm thời hoà hoãn lại, kéo dài thêm liên minh Tôn – Lưu vốn đã rệu rã. Thực ra với tình thế lúc ấy mà nói, chẳng những Lưu Bị đang chịu uy hiếp, nếu như Tào Tháo hoàn toàn khống chế Hán Trung, thì chiến tuyến Hợp Phì ở phía đông cũng ắt sẽ bị nguy cấp, Tôn Quyền sẽ bị áp lực nghiêm trọng cho nên liên minh Tôn – Lưu đối với cả hai bên đều rất cần thiết.

Quân chủ lực của Lưu Bị không dám quay lại Kinh Châu mà đến thẳng Giang Châu ở phía bắc Ích Châu để tuần tra. Trương Lỗ lúc ấy đã chạy khỏi Ba Trung, tham mưu Hoàng Quyền nói với Lưu Bị rằng, Hán Trung đã mất, ba quận Ba Đông, Ba Tây, Ba Trung đều khó phòng thủ hữu hiệu, nếu ba quận ấy mà mất, ví như Ích Châu mất cánh tay, tình huống sẽ rất nghiêm trọng, bởi thế không gì bằng liên hợp với Trương Lỗ, cố thủ ở Ba Trung để chống lại quân Tào Tháo tràn xuống phía nam. Lưu Bị lập tức lệnh cho Hoàng Quyền làm hộ quân, dẫn quân lên phía bắc đón Trương Lỗ.

Không ngờ Hoàng Quyền mới đến Ba Trung (nay là Gia Lăng) Trương Lỗ đã trở về Nam Trịnh, chính thức tuyên bố đầu hàng Tào Tháo.
Hoàng Quyền lập tức tấn công vào ba quận ấy, uy hiếp Thái thú Ba Đông là Phác Hồ, Thái thú Ba Tây là Đỗ Hỗ và Thái thú Ba Quận là Nhiệm Ước, thế là Ba Trung hoàn toàn bị Lưu Bị khống chế.
Lúc đó Tào Tháo cũng phái đại tướng Trương Tích xuất binh thu hồi ba quận ấy, đến đóng đồn ở Nhan Cừ, Lưu Bị lệnh cho Trương Phi đang làm Thái thú Ba Tây dẫn quân nghênh chiến, hai hên đối trận hơn 50 ngày. Trương Phi dùng kế đánh bại được Trương Cát, Trương Cát rút quân về Nam Trịnh. Diện mạo ba quận ở đấy tạm thời được ổn định, thực ra qui mô chiến tranh lại càng lớn, đang ủ men ngấm ngầm. Quân Lưu Bị vừa mới được nghỉ ngơi, lại không tránh khỏi bị cuốn vào cuộc tranh giành Hán Trung với Tào Tháo ở phía bắc.

Lời bình của Trần Văn

Trong chiến dịch công thủ liên tục, không tránh khỏi va chạm với cường địch khó khắc phục, lúc ấy chiến thuật khéo léo đến đâu, hoặc liều mạng quyết đâu, đều rất khó có hiệu quả. Ngô Khởi tác giả cuốn Ngô tử binh pháp cho rằng, như thế phải có binh lực rất lớn, hoặc mưu kế của thánh nhân. Nói cách khác, khi đối diện với cường địch, chiến lược có tầm quan trọng lớn hơn so với chiến thuật.

Trong cuốn Ngô Tử có chép: “Ngụy Vũ Hầu hỏi rằng: Có quân rất đông, lại có võ dũng, hơn nữa địa hình rất có lợi, lưng dựa vào núi lớn, mặt nhìn ra nơi hiểm trở, bên phải là núi, bên trái là sông, hào thì sâu, lũy thì cao, lại có lắm nỏ cứng, công sự phòng ngự cẩn mật, trụ vững như núi, tiến như gió lốc, lương thực rất nhiều, khó đối trận lâu dài với họ, như vậy là thế trận bất lợi với ta, phải đối phó như thế nào?”.
Ngô Khởi đáp rằng: “Đấy là vấn đề rất quan trọng! Song không thể dựa vào số ngựa xe binh lính để giải quyết, mà phải dựa vào mưu kế của bậc thánh nhân, từ đại cục mà cân nhắc, vận dụng trí tuệ, tìm kiếm sách lược, mới có thể giải quyết vấn đề.
Đầu tiên phải bố trí trận địa nhiều tầng lớp, bởi thế binh lực điều động nhất định phải đầy đủ, nếu không quân lực phải chia ra, lực lượng ắt suy yếu, bề mặt nên chia thành năm tuyến, hơn nữa các tuyến đều phải nắm được vị trí xung yếu.
Bố trí chia quân làm năm tuyến, chủ yếu làm cho kẻ địch khó nhận ra, không biết quân ta sẽ hành động ra sao, cũng khiến họ phải phân tán binh lực để phòng thủ.
Nếu quân địch cố thủ không ra, bảo thủ thực lực, nên lập tức phái gián điệp, trinh sát tường tận hành động và mưu toan của kẻ địch, để hiểu rõ phải chăng họ có quân tiếp viện. Đồng thời phái sứ giả hoà bình, đến đàm phán hoặc chiêu hàng. Kẻ địch nghi ngờ thực lực của quân ta, nếu biết rõ tình thế, kẻ địch có thể thấy khó mà rút lui, không cần phải huyết chiến cứng chọi với cứng, sẽ có thể giải trừ được thế đông cứng.
Nếu như đàm phán không xong thì năm tuyến quân cùng nhất tề tiến đánh. Nếu giành được thắng lợi, chẳng nên truy đuổi, để tránh rơi vào cạm bẫy của đối phương; còn không giành được thắng lợi, nên lập tức rút lui mau chóng, vận dụng phương pháp tác chiến cơ động. Song khi giả vờ rút chạy phải chú ý đến trật tự, chẳng thể hỗn loạn. Một tuyến sẽ đánh vào chính diện; một tuyến sẽ dùng chiến thuật vu hồi, chặt đứt phía sau để tác động tinh thần binh sĩ đối phương; hai tuyến khác thì tập kích vào bên trái hoặc bên phải; còn một tuyến nữa thì dùng chiến thuật du kích đánh vào điểm yếu của đối phương. Năm tuyến cùng tương hỗ công kích như vậy, để sáng tạo ra nhiều cơ hội có lợi, đấy chính là phương pháp tốt nhất để tiến đánh cường địch”.

Trận đánh ở Lạc Thành, quân viễn chinh của Lưu Bị, trước sự phòng thủ vững chắc của mãnh tướng Trương Nhiệm bị rơi vào thế đông cứng. Trong lúc nguy cấp, Lưu Bị và Gia Cát Lượng chẳng những không chịu rút lui về thế co cụm, trái lại không để ý đến tuyến phòng thủ ở phía đông và phía bắc, lại chọc vào tổ kiến, tập trung lực lượng để giải quyết gọn vấn đề.
Trong đợt công kích thứ hai, Gia Cát Lượng lại dùng chiến thuật phân tán mà tiến đánh, để Trương Phi mang quân chủ lực đánh vào chính diện, tự mình với Triệu Vân chia làm hai mũi giáp kích, mục đích chủ yếu để tạo ra những nguy cơ làm nhiễu loạn suy nghĩ của đối phương. Hơn nữa cánh quân của Triệu Vân đánh ở phía tây bắc, chẳng những có thể cắt đứt hậu phương của Trương Nhiệm, mà còn bức Trương Nhiệm không thể không ra ngoài thành quyết chiến với Bàng Thống, cũng tạo thành sự uy hiếp khá lớn với quân phòng thủ ở Thành Đô.
Song chiến thuật phân tán mà đánh này nghiêm chỉnh mà nói cũng khá nguy hiểm. Quân đội tác chiến lấy tập chung cơ động làm nguyên tắc. Phân tán rất dễ bị đánh phá từng phần, bởi thế khi vận dụng chiến thuật này cần phải chú ý đặc biệt.
Gia Cát Lượng trong đợt tây tiến thứ hai, có thể nói ông ta trong quá trình phân tán quân đội, vẫn không ngừng hội quân. Hội quân lần đầu ở Giang Châu, lại phân làm ba đường trong thời gian rất ngắn, theo các hướng đông nam tây bắc, hẹn hội quân ở Thành Đô. Mục đích chủ yếu vẫn là khi phân tán binh lực, để sau đó lại tập trung, mà không vấp phải nguy cơ trong khi tiến hành. Trong phân tán có hợp nhất, trong hợp nhất có phân tán, trong chân chính có kỳ ảo, trong kỳ ảo có chân chính, đấy là nguyên tắc rất thần diệu trong vận dụng binh pháp chiến thuật.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.