Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện
l. Lục Tốn phản công, Lưu Bị đại bại
Một người là lão tướng xa trường từng trải trăm trận, kinh nghiệm phong phú, song rất ít thành công; Một người là thống soái thư sinh bước ra từ lều cỏ, sở trường lập kế hoạch, song trưởng thành từ tuổi trẻ, chưa trải qua thất bại;
Một người lòng đầy phẫn nộ, tình cảm xao động quyết tâm trả thù; Một người mưu lược đầu óc bình tĩnh, có suy nghĩ lý tính.
Hai lực lượng này từ tháng 7 năm Hoàng Sơ thứ hai đến tháng 6 năm Hoàng Sơ thứ ba, từ chuẩn bị điều động đến đối trận kéo dài suốt một năm, riêng thời gian giáp trận, cũng kéo dài đến 6, 7 tháng. Tháng 6 nhuận, Lục Tốn rất kiên trì giữ thành, đợi thời cơ chín muồi mới quyết định chủ động phản kích.
Từ Thịnh là tướng lĩnh mà lại khờ khạo, cho rằng “Muốn đánh Lưu Bị thì khi ông ta mới đến Hồ Đình, trận địa chưa ổn định mới là đúng, nay ông ta đã lập trại vững chắc suốt sáu, bảy trăm dặm, đã được 7, 8 tháng, và bố trí binh lực hoàn thiện ở các nơi xung yếu, có đánh ắt sẽ bất lợi vậy”.
Lục Tốn cười mà rằng: “Lưu Bị có kinh nghiệm tác chiến phong phú, hơn nữa lần này lại có chuẩn bị mà đến. Khi họ mới tập kết, suy nghĩ ắt khá chu đáo, có đánh họ cũng rất bất lợi, nay họ đóng đồn đã lâu, lại không có được thuận lợi gì, tướng không lập công, quân thì mỏi mệt, lại không vạch được kế hoạch gì, nghĩ rằng thời cơ đánh được họ chính là lúc này”.
Thế rồi phái đạo quân Chu Nhiên đến tấn công mặt trước doanh trại Lưu Bị, song phải lập tức rút quân ngay về vì bất lợi.
Từ Thịnh nói mát rằng: “Đấy chẳng phải là hiển nhiên tổn thất không ít binh sĩ?”.
Lục Tốn lại rất tự tin mà rằng: “Ta đã biết phải làm gì để đánh bại đại quân của Lưu Bị rồi”.
Tháng 6 nhuận, vùng Hoa Trung gió mùa đông nam rất mạnh, Lục Tốn hạ lệnh cho đại quân Chu Nhiên theo đường thủy ngược dòng mà lên, trực tiếp đánh vào đại bản doanh của Lưu Bị ở Hồ Đình, trên thuyền chứa nhiều cỏ khô và đồ dẫn lửa, dự định sẽ đánh hoả công. Hàn Đương và Phan Chương đi vòng đưòng bên phải tiến sâu vào Trác Hương hai trăm dặm dự định chặt đứt đường rút của đội tiên phong Lưu Bị. Từ Thịnh và Tống Khiêm sẽ đánh vào Di Đạo, giải vây cho Tôn Hoàn, sau sẽ hợp với quân Tôn Hoàn từ Nam Ngạn đánh thẳng vào doanh trại Di Lăng. Nếu tất cả thuận lợi, sẽ vượt sông ở Trác Hương hợp quân với Hàn Đương theo hướng tây đuổi đánh Lưu Bị đên tận Tỉ Qui. Các đội quân mang theo cỏ khô và đồ dẫn lửa, khi đánh vào trại Thục thuận theo chiều gió mà nổi lửa, quân Thục từ Hồ Đình đến Tỉ Qui có 40 trại, chỉ thiêu 20 trại giãn cách mà đốt để tiết kiệm nhân lực và vật lực, chỉ cần tạo ra sự hỗn loạn trong quân Thục là được. Các đạo quân mang theo lương khô, không được nghỉ ngơi và tạm rút, sớm tối truy kích, quân Thục ắt sẽ chạy đến cửa Tam Hiệp, đương nhiên nếu bắt sống được Lưu Bị, được xem là công lớn nhất.
Đối với việc động binh nhanh chóng của quân Đông Ngô, quân sĩ tiền tiêu của Lưu Bị tự nhiên đã phát giác ra. Song do mấy ngày trước đó, từng xảy ra mấy trận đánh ở trước doanh trại, quân Thục cho rằng quân Đông Ngô binh lực không mạnh, bởi thế ngoài việc mau chóng báo cáo với Lưu Bị, đợi chỉ thị, đều chưa có sự ứng biến khẩn cấp nào.
Quả nhiên đúng như Lục Tốn dự liệu, Lưu Bị ở Trại Hồ Đình tiếp tục được báo cáo, lập tức hạ lệnh cho Phùng Tập, Trương Nam vội nghênh chiến, lại thông báo cho Ngô Ban vượt sông lên phía bắc, tự phía nam đánh vào quân chủ lực của Lục Tốn. Lưu Bị lúc đó chẳng ngờ Lục Tốn không kéo quân đến trước Phùng Tập và Trương Nam, mà từ đường thủy đi vòng đánh vào đại bản doanh ở Hồ Đình. Bởi thế sau khi đã sắp đặt đâu đấy, Lưu Bị vẫn ở tại sở chỉ huy chờ đợi tập hợp tin tình báo để bố trí hành động tiếp theo.
Khoảng nửa đêm gần sáng, quân tiêu binh trên bờ phát hiện rất nhiều thuyền Đông Ngô ngược dòng mà lên đánh vào đại bản doanh Hồ Đình. Lưu Bị cả sợ lập tức hạ lệnh toàn doanh trại chuẩn bị chiến đấu. Lúc đó gió đông nam thổi mạnh, Chu Nhiên ở trên thuyền phát động hoả công, doanh trại Lưu Bị lập tức bốc lửa. Lúc ấy đang là mùa hạ, doanh trại Lưu Bị phần nhiều ở bên rừng cây để tránh nóng. Lửa làm cháy cây, doanh trại Hồ Đình lập tức rơi vào biển lửa. Quân Thục trong lúc hoảng loạn, tự giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết không biết bao nhiêu mà kể.
Quan tế tửu Trình Kỳ thấy đại thế đã mất, lập tức hộ tống Lưu Bị chạy về phía tây, lại thông báo cho các trại đến để hộ giá.
Phùng Tập và Trương Nam đang ở tiền tiêu, nghe nói đại bản doanh có biến, lập tức mặc kệ quân chủ lực của Lục Tốn , rút về phía tây, đến cứu viện cho Lưu Bị.
Ngô Ban mới vừa vượt qua sông Trường Giang, chuẩn bị tập kích Lục Tốn ở bờ bắc; lại chỉ thấy trống rỗng, biết có chuyện không hay, lập tức hạ lệnh rút về phía tây. Không lâu lại thấy các trại Thục bên bờ sông bốc lửa; Ngô Ban không nghĩ đến việc ở Di Đạo, chỉ biết khẩn cấp đến Hồ Đình chi viện. Quân Thục đang bao vây Di Đạo, chẳng hề có chuẩn bị, lại bị Từ Thịnh, Tống Khiêm từ phía sau tập kích, Tôn Hoàn nhân cơ hội giáp công, cơ hồ toàn quân tan tác, sốđầu hàng không biết bao nhiêu mà kể.
Quân Chu Nhiên chưa lên bờ, trực tiếp theo đường thủy tiến đánh Trác Hương, chuẩn bị phối hợp với Hàn Đương, Phan Chương cắt đứt đường rút của Lưu Bị.
Từ lúc trời sắp sáng, sức gió rất lớn càng giúp lửa bốc cao, khắp Hồ Đình đến Di Lăng, các trại đều bốc lửa, Lưu Bị chỉ biết vượt qua Di Lăng, chuẩn bị rút về thành Tỉ Qui để phòng ngự.
Song lúc đó Hàn Đương, Phan Chương đã đi vòng phía bắc chiếm được Trác Hương, hoàn toàn cắt đứt đường rút của quân Thục. Quân Từ Thịnh, Tống Khiêm, Tôn Hoàn từ Di Đạo kéo về phối hợp với quân chủ lực của Lục Tốn từ phía đông tiến công lên. Quân Chu Nhiên theo đường thủy giáp công, trước mặt quân Hàn Đương lại bày ra tường đóng vách sắt để ngăn cản. Phùng Tập, Trương Nam, Ngô Ban đều đã hợp quân lại trong lúc hoảng loạn đại bộ phận binh lực đều tan tác. Ngô Ban tự nguyện dẫn đội cảm tử đánh thẳng vào quân Hàn Đương, toan mở một con đường máu. Phùng Tập chặn hậu, Trương Nam thì hộ tống Lưu Bị, rút chạy về Mã Yên Sơn ở phía đông bắc Trác Hương.
Ngô Ban liều chết một mình một ngựa, đột phá tuyến phòng ngự của Hàn Đương, song quân Phan Chương lập tức lấp lỗ trống khiến quân Thục của ông ta chẳng thể vượtqua. Ngô Ban muốn quay đầu lại để hộ tống LưuBị song quân lực ít, căn bản không đủ sức giao chiến chỉ dẫn theo tàn quân, vượt qua thành Tỉ Qui, đến thẳng Giang Châu để báo với Triệu Vân đến chi viện.
Quân chặn hậu của Phùng Tập quay lại đánh dữ, để Lưu Bị tranh thủ có thời gian rút chạy. Chẳng bao lâu, bên mình chỉ còn lại vài chục kỵ binh, lại gặp quân Từ Thịnh, Phùng Tập thét to một tiếng, một ngựa xung sát, lập tức bị chém nhừ như tương.
Trương Nam cùng phó tướng là Phó Đồng, hộ tống Lưu Bị và Trình Kỳ cùng tùy tùng chạy về Mã Yên Sơn, Từ Thịnh, Tống Khiêm, Chu Nhiên đuổi gấp phía sau, Phó Đồng, Trình Kỳ đều bị lạc cả. Trương Nam thấy đại thế đã mất, dặn dò ngự lâm quân hộ tống Lưu Bị rút trước, tự mình dẫn tàn dư đội quân thứ ba quay lại đánh quân Ngô. Từ Thịnh tuy dốc toàn lực tấn công, song Trương Nam cương quyết không lùi, vẫn cố gắng cầm giữ để Lưu Bị an toàn rút về trong núi, tàn quân của Trương Nam cũng tan tác cả, bản thân Trương Nam cũng chết trong đám loạn quân.
Phó Đồng bảo vệ Trình Kỳ rút đến bờ sông, nghe nói Lưu Bị rút về Mã Yên Sơn, Trình Kỳ bèn đốc thúc Phó Đồng lập tức phá vây, đến đó chi viện. Tự mình với các viên tham mưu dẫn tàn quân ở bên sông, đợi quân Đông Ngô đến, chẳng bao lâu đều bị giết cả, Trình Kỳ không muốn bị bắt, tự sát mà chết.
Hồ Vương Sa Ma Kha dẫn quân dự bị đến đóng ở Tỉ Qui trước đó, nghe tin tiền tuyến thua trận, lập tức dẫn quân chi viện gặp ngay Hàn Đương, Phan Chương đánh đến, Sa Ma Kha không địch nổi chết trong đám loạn quân.
Giang Bắc đốc quân Hoàng Quyền nghe có biến cũng dẫn quân xuống phía nam, hăng hái phản kích quân chủ lực của Lục Tốn, song quân lực rất ít bị đánh tả tơi, Hoàng Quyền chỉ biết quay đầu rút chạy, nhìn thấy phía nam đã bị quân Ngô hoàn toàn cắt đứt, chẳng có cách nào rút về Thục Trung, Hoàng Quyền chỉ biết vọng về phía trại của Lưu Bị mà quỳ lạy, dẫn quân ngược phía bắc theo về với Tào Ngụy.
Tàn quân của Lưu Bị sau khi rút về Mã Yên Sơn lập tức phòng bị quanh núi, không lâu lại thấy Phó Đồng đến phối hợp mới thấy yên tâm.
Lục Tốn dẫn quân đến bao vây Mã Yên Sơn, quân Thục liều chết kháng cự, chiến đấu ác liệt hơn một ngày, quân Thục bị chết rất nhiều, Phó Đồng khuyên Lưu Bị đột phá vòng vây. Lưu Bị cũng lo lắng quân Thục tan tác cả, bèn nhân đêm tối mà thoát khỏi vòng vây, bởi thành Tỉ Qui đã mất, Lưu Bị chỉ biết tiếp tục chạy về phía tây vượt qua Vu Huyện, chạy thẳng đến thành Bạch Đế.
Phó Đồng chận hậu, thiêu hủy các xe quân nhu trên đường để làm vật cản, ngăn chặn truy binh vừa đánh vừa chạy, ở vùng gần Tỉ Qui, bị Từ Thịnh, Chu Nhiên đuổi kịp, Phó Đồng bị bao vây trùng trùng không thoát nổi. Từ Thịnh tiếc là người trung dũng, đã gọi hàng, song Phó Đồng cắn chặt hàm răng thúc ngựa tiếp tục chiến đấu, cuối cùng kiệt sức chết trong đám loạn quân.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.