Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Phụ chương



QUAN ĐIỂM THỰC DỤNG

uy hoạch sách lược bắt đầu từ số không.
Cổ nhân nói rằng: “Sáng nghiệp rất khó, thủ thành không dễ”. Thực ra sáng nghiệp so với thủ thành còn khó hơn nhiều.
Cái khó lớn nhất của sự sáng nghiệp là thiếu phương hướng và chuẩn bị, thiếu phương hướng chẳng thể tập trung và tích lũy lực lượng, thiếu chuẩn bị sẽ chẳng thể bước qua thời kỳ vấp ngã, là “giai đoạn đầu tư”, nếu muốn làm tốt công việc của hai mặt này, rất cần phải vạch được sách lược.
Trước khi có được sự giúp đỡ của Gia Cát Lượng, biểu hiện của Lưu Bị trong thời kỳ sáng nghiệp xem ra cũng không có sai lầm gì lớn, ông ta rất hiểu được việc nắm bắt cơ hội, năng lực ứng biến cũng không tồi, hơn nữa rất có nguyên tắc, chấp nhận gian khổ, giữ được tín nghĩa. Tuy mấy lần trồi lên tụt xuống, kẻ anh hùng có tiếng vẫn không có đất dừng chân. Chẳng qua thời vận không giúp, tuy từng có một vùng giang sơn ở Từ Châu, là một ông chủ đàng hoàng, lại vẫn giữ không được, thành một kẻ lưu lạc giang hồ, đến ông ta tự mình đã cân nhắc cũng không sao hiểu được vì đâu lại suy như thế.

Tư Mã Huy sau khi bắt mạch cho sự nghiệp của Lưu Bị, đã chân thành chỉ ra thiếu sót lớn nhất trong trận tuyến của Lưu Bị chính là một con người tuấn kiệt thức thời, một nhà hoạch định sách lược chưa thấy xuất hiện.
“Hoạch định sách lược” (Strategic Plans) là danh từ lưu hành từ năm 1980 trong giới quản lý xí nghiệp phương Tây, thời đại Gia Cát Lượng tất nhiên chưa nghe nói đến, song nhìn suốt công việc một đời Gia Cát Lượng có thể nói chắc rằng ông là một nhà hoạch định sách lược tài năng.
“Trò chơi thương trường” (Businees Wargames) là một cuốn sách của tiến sĩ James có định nghĩa về sách lược như sau:
“Sách lược là một đối sách liên quan dùng để giải quyết vấn đề, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh có tính xung đột. Bởi thế sách lược ắt phải có các điều kiện cần thiết của kế hoạch, để đạt được mục đích, hơn nữa giành được ưu thế cạnh tranh”.
James lại đem hoạch định sách lược chia thành mấy hình thái sau:
1. Sách lược tuần tự: bao quát mấy bước tuần tự liên hoàn dựa theo những bước ấy mà mục tiêu cuối cùng được thực hiện một cách có kế hoạch.
2. Sách lược tích lũy: tập kết các chủng loại sẽ sử dụng được, song lại được sắp xếp theo kế hoạch, để tạo thành một hiệu quả khiến người ta không ngờ được.
3. Sách lược gián tiếp: chẳng cần phải đối kháng trực tiếp mà là dùng tâm lý chiến khiến đối phương phải khuất phục.
4. Sách lược trực tiếp: trực tiếp có hành động phụ giúp cho mục tiêu được thực hiện mau chóng.
5. Sách lược liên hợp: kết hợp các chiến hữu cùng có mục tiêu cùng có hành động chung đối đầu với kẻ địch.
6. Sách lược phản kích: tập trung lực lượng để bẻ gẫy hoặc làm tê liệt một số lực lượng kẻ địch, để ngăn cản kẻ địch đạt được mục đích cuối cùng.

7. Sách lược hoá giải: phá hoại hoặc làm hỏng thiết bị của kẻ địch để giảm thấp năng lực tác chiến của kẻ địch.
Gia Cát Lượng sau khi tiếp thu nhiệm vụ, việc hoạch định sách lược của mình đích xác đã phù hợp với những nguyên tắc trên.
Đương nhiên khó khăn lớn nhất chính là phải bắt đầu thế nào từ số không, Long Trung Sách đề ra sách lược tuần tự. Đầu tiên lợi dụng cơ hội về “lâu đài gần nước”, chiếm lấy Kinh Châu, lấy đó làm cơ sở sự nghiệp, lại nhân cơ hội mà tây tiến sang Ích Châu, đoạt lấy Hán Trung. Ở hướng đông liên hợp với chính quyền họ Tôn, cùng đối đầu với Tào Tháo ở phương bắc. Đợi đến khi thời cục có biến, sẽ chọn một viên thượng tướng dẫn quân Kinh Châu từ Tương Dương đánh lên phía bắc, còn Lưu Bị tự mình dẫn đại quân Ích Châu, ra khỏi Tần Xuyên, hai bên cùng giáp kích vào khu Tư Lệ, chỉ cần chiếm được Tràng An và Lạc Dương, thì việc phục hưng nhà Hán chỉ là vấn đề ngày giờ. Do thực lực của Lưu Bị rất yếu, Long Trung Sách không đưa ra được phương pháp bổ trợ cụ thể nào, song bước đi trong sự phát triến sự nghiệp của Lưu Bị mà mục tiêu từng giai đoạn, ít ra cũng đã kể được rõ ràng.

Để làm cho thực lực của Lưu Bị mạnh lên, Gia Cát Lượng đã vận dụng sách lược tích lũy, ông sớm đề nghị với Lưu Bị sắp xếp lại dân di cư, xây dựng lực lượng cơ bản. Với tình thế Kinh Châu lúc ấy đã lợi dụng được một cách hữu hiệu, làm tăng thêm danh tiếng của Lưu Bị ở Kinh Châu.
Lưu Bị tuy có danh tiếng ở các nơi, song ông không có chỗ dựa ở chính Kinh Châu, kể như khi Lưu Biểu từ trần nói gì cũng không đến được Lưu Bị, dùng võ lực mà cưỡng đoạt lấy, lại trái với nguyên tắc xử thế mà Lưu Bị vẫn theo đuổi, gắn bó với những ngày dựng nghiệp gian khổ.
Gia Cát Lượng đã lợi dụng đầy đủ tình thế Tào Tháo với bất cứ lúc nào cũng có thể xâm lược miền Nam, để tích lũy điều kiện cho Lưu Bị. Trong thành Tương Dương ở Kinh Châu lực lượng của phái thân Tào rất lớn, nếu như chẳng phải là Lưu Biểu ở đấy đã có thái độ từ lâu thân Viên phản Tào, thì tình hình chính trị ở Kinh Châu sớm đã đảo lộn. Song về phía quân đội thì đa số vẫn cảnh giác trước Tào Tháo, các quan tướng của phái thân Tào cũng không dễ hiểu, đặc biệt là sau khi lão tướng Hoàng Tổ vẫn chống lại Tào Tháo phải bỏ mình giữa trận, những người lãnh đạo có xu hướng phản Tào chỉ còn có Lưu Biểu đang lâm trọng bệnh và công tử Lưu Kỳ nhu nhược lắm bệnh tật mà thôi.

Gia Cát Lượng nhìn thấy phái phản Tào ở Kinh Châu như rắn không đầu, bèn có ý nhắc Lưu Bị lôi kéo Lưu Kỳ, để Lưu Kỳ làm vây cánh cho mình. Lập trường này, khiến Lưu Bị trở thành chỗ dựa của dân Kinh Châu, thành người lãnh đạo phía sau của trận tuyến phản Tào. Bởi thế sau khi Lưu Biểu từ trần, Lưu Kỳ còn ở mãi Giang Hạ ở phía Nam, Lưu Bị đã lập tức đứng ra bảo vệ cho dân Kinh Châu. Từ Tương Dương đến Đương Dương, Lưu Bị tuy bị đánh tan tác, suýt nữa thì nguy đến tính mệnh, song với khí thế 10 vạn dân đi theo mà xem, Lưu Bị với tinh thần là trung tâm của dân Kinh Châu đã chính thức thành ra người kế nhiệm của Lưu Biểu.
Danh tiếng và địa vị cố nhiên đã được xây dựng, song đối diện với quân nam chinh của Tào Tháo, trận tuyến của Lưu Bị cũng đã đến ngưỡng cửa của sự tồn vong nguy cấp. Gia Cát Lượng lập tức vận dụng sách lược liên hợp, ông ta đã chuẩn xác tìm ra được những chiến hữu như Lỗ Túc, Chu Du và Tôn Quyền, cuối cùng đã tạo ra được một chiến dịch rất quan trọng trong lịch sử Trung quốc, đó là đại chiến Xích Bích.
Tuy chẳng phải do Gia Cát Lượng chủ đạo, song sách lược chủ yếu Tôn – Lưu liên hợp, đã tập trung lực lượng tác chiến để phản kích có trọng điểm, quả nhiên một trận phản công đã đánh tan thủy quân của Tào Tháo bẻ gẫy tinh thần binh sĩ của Tào Tháo, bức Tào Tháo không thể thực hiện cuộc đại triệt thoái chiến lược suốt 500 dặm, cũng định ra được thế Tam quốc ba chân vạc sau này.
Lúc ấy Gia Cát Lượng có thành công lớn nhất là sách lược chiếm lấy bốn quận nam Kinh Châu; đấy hiển nhiên là một phần của sách lược tích lũy, trong lúc nguy cơ rốt cục cũng đã tóm được cơ hội chuyển biến. Tuy sách lược này chẳng được quang minh chính đại, song với một tập đoàn nhược tiểu mà nói, nếu như chẳng tóm được cơ hội này, sẽ có thể đổ vỡ hết những gì đã có được, không tránh khỏi dẫn đến ngõ cụt bất ngờ.

Ở giai đoạn này, sự hoạch định sách lược của Gia Cát Lượng, có thể nói là táo bạo, hơn nữa lại rất thành công.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.