Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

THIÊN THỨ NĂM NHÀ CHÍNH TRỊ TÀI NĂNG Chương XVI NGOẠI GIAO: LIÊN MINH ĐÔNG NGÔ KHỐNG CHẾ TÀO NGỤY



hà chính trị ắt phải hiểu được duy trì thế quân bình, để tất cả những cái chính cái phụ đều phát triển khi thời cơ chưa đến nhất định phải nhẫn nại.
Bởi thế dẫu Tôn Quyền có xưng đế hay không, chỉ cần Tào Ngụy vẫn còn, chính sách liên minh Đông Ngô khống chế Tào Ngụy vẫn rất quan trọng.
Năm Kiến Hưng Nguyên niên, tức là năm 223 sau Công Nguyên, cũng là năm Hoàng Sơ thứ 4, Lưu Bị từ trần, Gia Cát Lượng 43 tuổi một mình điều hành nước Thục với sứ mệnh lớn lao khôi phục nhà Hán. Là hậu duệ của phái Thanh Lưu, lý tưởng chính trị khó thành đạt với trách nhiệm mà ông không thể từ chối.
Lưu Thiện lên ngôi không lâu, các quận phía cực nam của Ích Châu đã không ngừng truyền đi tin tức các thủ lĩnh dân tộc thiểu số khởi binh làm loạn.
Tôn Quyền ở phía đông, tuy sau khi Lưu Bị mất, lập tức phái Tín đô uý Phùng Hy đến viếng tang, nói là nối lại hoà hiếu, thực ra là đến thám thính tình thế của nước Thục. Các cường hào làm phản ở phía nam cũng có không ít liên hệ với Tôn Quyền, Tôn Quyền nói chung vẫn hưởng ứng còn phong cho quan chức. Hiển nhiên về tinh thần cấp cho không ít sự giúp đỡ khiến chính quyền mới ở Thành Đô càng bị thêm áp lực.
Tôn Quyền sau khi chiếm lại Kinh Châu muốn đưa Lưu Chương trước là Ích Châu mục đang ở Công An về Tỉ Qui, vẫn gọi là Ích Châu mục để đợi thời thay thế cho chính quyền Thành Đô hiện có. Tuy Lưu Chương đã mất khi Lưu Bị đông chinh, song sau khi Lưu Bị bại trận, Tôn Quyền lại lấy con Lưu Chương là Lưu Siển làm Ích Châu thứ sử đến đóng ở biên giới Giao Châu và Ích Châu để làm đầu cầu liên hệ giữa Tôn Quyền với tộc thủ lĩnh dân thiểu số Ích Châu phản loạn. Rõ ràng Tôn Quyền vẫn có thái độ không hữu hảo với Thục Hán.
Chính quyền Tào Ngụy ở phương bắc, khi tin tức Lưu Bị từ trần truyền đến, bèn tỏ thái độ đối địch mạnh mẽ, mở hội lớn ăn mừng không ngớt, chỉ có Hoàng Quyền một mình sầu muộn lộ rõ ra mặt. Tào Phi cũng thể tất cho, chưa trách cứ gì. Song Tào Phi nghe nói Tôn Quyền với Thục Hán vẫn có quan hệ qua lại rất không vui. Sứ giả Phùng Hy trước đến Thục Hán dự tang lễ, lại gọi về Lạc Dương để thuyết minh, được Tào Phi trực tiếp hỏi han và giữ ở lại, Phùng Hy sau này chết ở đấy. Tào Phi lại hạ lệnh cho mấy vị danh sĩ của Ngụy quốc trao đổi ý kiến chính trị với Gia Cát Lượng, bao gồm Tư đồ Hoa Hân, Tư không Vương Lãng, Thượng thư Trần Quần, Thái sử Hứa Chi, Phó tạ Gia Cát Chương, muốn Gia Cát Lượng hiểu rõ thời thế, thuận theo thiên mệnh nhân tâm, đem thân qui hàng, làm phên giậu cho Ngụy quốc.
Gia Cát Lượng đối với những lá thư ấy, chẳng hê dao động, lại viết một bức thư công khai trả lời, bày tỏ quan điểm, lập trường của mình trước tình thế chính trị đương thời. Đấy là bài văn chính luận, tỏ thái độ chống đối với Tào Ngụy khôi phục nhà Hán, toàn văn như sau:

“Hạng Vũ ngày xưa, đã phản lại nguyên lý chính trị, có được chính quyền bằng mọi cách, bởi thế tuy chiếm được đại bộ phận vùng đất Hoa Hạ, có được thanh thế của hoàng đế song cuối cùng vẫn thân bại danh liệt, có thể coi là tấm gương soi cho hậu thế.
Chính quyền Tào Ngụy, chưa thấu tỏ sự thực lịch sử, vẫn giẫm lên vết chân Hạng Vũ, phi pháp đoạt lấy chính quyền, tức là cầu may mà có nhất thời, cũng sẽ rước họa về sau vậy. Các vị tiên sinh là những kỳ lão của xã hội, lại vì chính quyền Ngụy mà viết thư cho tôi, đúng như cuối đời Đông Hán Trần Sùng, Trương Tủng lại ca tụng công lao của Vương Mãng, tiếp tay cho việc Vương Mãng thoái vị, thực là những kẻ đầu sỏ tội lỗi đã phá hoại luân lý chính trị.
Năm xưa vua Hán là Quang Vũ đế, kế tục cơ nghiệp cũ của nhà Hán, thúc đẩy chính quyền hợp pháp, bởi thế chỉ với vài nghìn binh mã, đã phá được 40 vạn đại quân Vương Mãng ở Cổn Dương. Kiên trì chính nghĩa, thảo phạt tà đạo không ở số quân nhiều hay ít. Tào Tháo tuy nhiều mưu lược tự dẫn đại quân đến cứu Trương Cáp ở Dương Bình, vẫn khó tránh mất Hán Trung vào tay tiên đế. Tin rằng cái chết của Tào Tháo là sự trừng phạt của thiên mệnh. Song Tào Phi dâm dật không biết tỉnh ngộ, làm việc thoán vị xấu xa mà các ông lại thuyết lý, tuyên dương cho ông ta. Khiến cho những luân lý chính trị của những thánh vương truyền lại như vua Nghiêu, vua Thuấn, Văn Vương đều hoen ố, thực khiến những kẻ quân tử không chịu nổi”.
Bài văn này đã khẳng định lập trường chính trị của Gia Cát Lượng, không bởi tình thế chính trị dao động mà biến đổi. Thực ra Gia Cát Lượng đã biểu hiện lập trường cứng rắn, thậm chí tiếc cho những học sĩ lão thần ấy đã a dua, song chủ yếu là ổn định lòng tin chính trị của thần dân Thục Hán, ở tình thế khó khăn trong ngoài, kiên định lập trường chính trị cho trận tuyến của mình.
Trong Tam quốc diễn nghĩa có tình tiết Gia Cát Lượng mắng chết Vương Mãng trước trận. Đoạn đối thoại ở đó căn cứ vào đoạn văn này, trong thực tế thì không có chuyện đó chỉ là lời tô vẽ của nhà viết tiểu thuyết mà thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.