Khổng Tử Tinh Hoa

Phần II: ĐẠO CỦA TÂM VÀ HỒN



Sống trên đời, chúng ta khó tránh khỏi những việc gây hối tiếc và thất vọng. Có thể ta thiếu sức mạnh để thay đổi những điều đó, nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi được chính thái độ của ta khi đối mặt với những trở ngại ấy.

Một trong những điều quan trọng nhất về Khổng Tử là ông dạy chúng ta biết cách đối mặt với sự tiếc nuối và giữ lấy một tinh thần thanh thản.

Nhưng liệu sự hiền minh cách nay 2.500 năm ấy có thực sự gỡ được những mối tơ lòng của con người ngày nay không?

Trong suốt một đời chúng ta tồn tại trên hành tinh này, làm sao cuộc sống của ta có thể thoát khỏi những hối tiếc, nỗi thất vọng? Trong cuộc sống, chúng ta luôn nhận thấy có điều này hay điều khác không diễn ra như mình mong muốn.

Khổng Tử có ba ngàn học trò, trong đó có bảy mươi hai người trí đức hiếm có, và mỗi người trong số họ đều có những mối bận lòng riêng. Vậy, họ đã nhìn những sự hối tiếc của cuộc sống con người như thế nào?

Một ngày nọ, học trò của Khổng Tử là Tư Mã Ngưu lo rầu than rằng:

“Người ta đều có anh em, chỉ có một mình ta thì không?”. [6] [7] Tử Hạ, bạn học, khuyên: “Thương này từng nghe Phu Tử dạy rằng:
“Chết sống có số, giàu sang ở Trời. Bậc quân tử lúc nào cũng thành kính tự tu, không phạm điều lỗi lầm; đối với người thì giữ khiêm cung và xử hạp lễ. Thế nên bốn bể đều là anh em cả. Vậy bậc quân tử cần chi phải lo ngại chẳng có anh em?” (Luận Ngữ, XII, 5).

Ta có thể hiểu câu nói này ở nhiều mức độ khác nhau. Vì sống và chết, giàu và sang, cũng như tất cả những gì giống thế đều bị quy định bởi số phận, chúng vượt khỏi sự kiểm soát của chúng ta. Ta phải học cách chấp nhận chúng và sống hài hòa với số phận của chúng ta.

Nhưng nhờ việc trau dồi cách nhìn của mình, chúng ta có thể giữ được một tâm hồn chân thành và kính cẩn, để giảm thiểu những sai trái trong lời nói và việc làm, để đảm bảo ta đối xử với người khác hòa nhã và tôn kính.

Nếu bạn có thể làm tốt việc làm người của mình, thì tất cả mọi người trên thế giới sẽ yêu mến và tôn trọng bạn như một người anh em.

Vì thế, nếu bạn là một người quân tử chân chính, có học thức, thì tại sao lại lo rầu mình không có anh em?

Dù những câu nói này do học trò của Khổng Tử nói lại, nhưng chúng đại diện cho một trong những giá trị mà Khổng Tử ủng hộ.

Trước hết, bạn phải dám đối mặt với những thất vọng trong cuộc sống, và chấp nhận chúng. Bạn không nên theo đuổi mãi điều hối tiếc, than van số phận và hỏi đi hỏi lại rằng tại sao nó lại xảy đến với mình – điều này chỉ có thể làm tăng thêm nỗi đau của bạn.

Thứ hai, bạn phải làm hết sức có thể để đền bù cho sự hối tiếc ấy, bằng cách bắt đầu thực hiện những điều bạn có thể làm được.

Vì sự hối tiếc đôi khi lại bị thổi phồng hơn so với tính chất thực của nó. Và [8] kết quả sẽ là gì? Như Tagore , một nhà thơ Ấn Độ, đã nói: “Nếu bạn trào nước mắt khi mất mặt trời, bạn cũng sẽ mất luôn cả các vì sao”.

Biết chấp nhận những phần không vừa ý của cuộc đời và đền bù cho những thiếu sót ấy bằng nỗ lực của riêng mình, chính là thái độ mà Khổng Tử đã dạy chúng ta khi đối mặt với những điều hối tiếc trong cuộc đời.

Nếu một người không thể chấp nhận những hối tiếc ấy, thì sẽ dẫn đến những hậu quả nào trong tương lai?

Trong một tạp chí cũ mà tôi từng đọc, có câu chuyện kể về một nữ vận động viên quần vợt người Anh, Gem Gilbert, như sau:

Khi còn nhỏ, Gem đã chứng kiến một thảm kịch. Một ngày, cô cùng mẹ đi đến nha sĩ theo lệ thường. Cô nghĩ rằng cô và mẹ sẽ sớm về nhà, nhưng vì một biến chứng gì đó mà mẹ cô đã chết ngay trên ghế nha sĩ.

Cô không bao giờ quên được ký ức ảm đạm này và dường như cô không thể làm được gì để xóa bỏ nó. Thế là cô không bao giờ đi đến nha sĩ nữa.

Nhiều năm sau, cô trở thành một tay vợt danh tiếng và giàu có. Rồi một ngày, cô bị đau răng khủng khiếp đến mức không còn chịu được nữa. Gia đình cô cuối cùng cũng thuyết phục được cô phải làm điều gì đó. “Hãy gọi một nha sĩ đến nhà. Chúng ta không cần phải đến phòng khám, nha sĩ của con sẽ đến đây, chúng ta sẽ ngồi lại với con, con còn sợ gì nữa?”. Và thế là họ gọi một nha sĩ đến nhà cho cô.

Nhưng điều không mong đợi đã xảy ra: sau khi nha sĩ sửa soạn dụng cụ và chuẩn bị khám răng, ông quay lại và thấy rằng Gem Gilbert đã chết.

Đây là sức mạnh của nỗi ám ảnh trong tâm lý. Một sự hối tiếc riêng lẻ về một sự việc đã bị thổi phồng quá mức đến nỗi nó lơ lửng trên đầu bạn, tác động đến toàn bộ cuộc đời bạn. Nếu cuộc sống của bạn bị ám ảnh vì những điều hối tiếc mà bạn không thể thoát ra được, thì thực sự nó có thể gây hại cho bạn về thể chất cũng như cảm xúc.

Vì ta không thể tránh được những điều hối tiếc trong đời, nên thái độ của ta đối với những hối tiếc ấy là cực kỳ quan trọng. Mỗi thái độ khác nhau có thể dẫn đến một chất lượng cuộc sống hoàn toàn khác biệt.

Lại có một câu chuyện khác: Một cô gái mồ côi cha sống trong một thị trấn nhỏ. Cô và mẹ phải nương tựa vào nhau, sống đạm bạc qua ngày bằng nghề thủ công. Cô chịu đựng những điều giằng xé nội tâm khủng khiếp. Cô luôn cảm thấy tủi thân vì chưa từng có một bộ quần áo đẹp nào để mặc, cũng không có đồ nữ trang để đeo.

Vào dịp lễ Giáng sinh khi cô tròn 18 tuổi, mẹ cô đã đưa cho cô một ít tiền và nói cô hãy tự đi mua cho mình một món quà.

Việc ấy quả thực vượt xa khỏi những giấc mơ điên rồ nhất của cô, nhưng cô vẫn không đủ can đảm để làm điều đó một cách tự nhiên. Khi đi đến cửa hàng, tay nắm chặt chiếc ví, cô tìm đường tránh đám đông và đi nép sát vào tường. Trên đường đi, cô nhìn cuộc sống tốt đẹp của mọi người và than thầm: “Mình chẳng thể chường mặt ra ở đây, mình là cô gái nghèo hèn nhất ở cái thị trấn này”. Cũng lúc ấy, cô nhìn thấy chàng trai trẻ mà cô đã thầm thương trộm nhớ, cô buồn rầu tự nhủ không biết ai là người bạn nhảy với chàng ở buổi khiêu vũ tối nay.

Và thế rồi, sau khi rón rén tránh mặt mọi người suốt quãng đường, cô cũng đến được cửa hiệu. Khi bước vào bên trong, đập ngay vào mắt cô là một bộ cài tóc cực đẹp.

Khi cô còn sững sờ đứng đó, nhân viên cửa hàng đến nói với cô: “Chị có mái tóc vàng dễ thương quá! Chị thử cài một bông hoa xanh nhạt này xem, trông chị sẽ rất đẹp đấy!”. Cô nhìn bảng giá – một con số gần bằng số tiền cô có. Cô e dè: “Tôi không đủ tiền, chị đừng phiền nha”. Nhưng nhân viên cửa hàng lúc ấy đã gài chiếc kẹp lên tóc cô.

Người nhân viên mang đến cho cô một cái gương. Nhìn mình trong gương, cô rất đỗi ngạc nhiên. Cô chưa bao giờ thấy gương mặt mình bừng lên vẻ đẹp và sức sống mạnh mẽ như lúc này; cô cảm thấy như thể bông hoa ấy đã biến cô thành một thiên thần! Không do dự, cô lấy hết tiền ra mua nó. Choáng váng vì sự phấn khích, cô lấy tiền thừa, xoay mình và lao ra ngoài. Cô va vào một ông già vừa mới bước vào cửa. Cô nghĩ cô nghe thấy tiếng ông ta gọi cô, nhưng cô không còn tâm trí để nghĩ đến điều ấy và cô lao vút đi, đôi chân nhẹ tênh như bay.

Trước khi nhận ra mình đang làm gì, cô đã chạy một mạch ra đường chính của thị trấn. Cô thấy mọi người sững sờ nhìn theo hướng cô chạy và cô nghe họ nói: “Tôi chưa từng thấy một cô gái nào xinh đẹp đến nhường này trong thị trấn. Con ai đấy nhỉ?”. Cô lại gặp cậu trai mà cô thầm thích và cô rất ngạc nhiên khi cậu ta gọi cô lại và nói: “Anh có vinh hạnh được mời em làm bạn nhảy tại buổi khiêu vũ Giáng sinh không?”.

Cô không thể tin nổi. Cô vô cùng vui sướng. Cô nghĩ, mình sẽ quay lại cửa hàng và mua thêm một cái gì đó be bé với số tiền còn dư này. Và với ý nghĩ đó, cô phấn khởi chạy thật nhanh trở lại cửa hiệu.

Ngay khi cô bước qua cửa, người đàn ông già mỉm cười nói với cô: “Tôi biết cô sẽ quay lại! Vì khi cô đụng vào tôi, chiếc kẹp hoa của cô đã rơi xuống! Nãy giờ tôi đợi cô quay lại lấy nó!”.

Câu chuyện kết thúc ở đây. Cây kẹp tóc xinh xắn thực sự không bù đắp cho những thiếu thốn trong cuộc đời cô gái ấy, nhưng, chính sự tự tin chớm nở của cô đã tạo ra sự khác biệt.

Vậy sự tự tin ấy đến từ đâu? Nó đến từ cảm giác thực tế và vững vàng của một nội tâm thanh thản. Một trạng thái ung dung, không vội vã chính là dấu hiệu của một bậc quân tử chân chính.

Học trò của Khổng Tử là Tư Mã Ngưu có lần hỏi Ngài thế nào là quân tử?

Khổng Tử đáp: “Bậc quân tử thì không lo, không sợ”. Tư Mã Ngưu hỏi tiếp:

“Không lo, không sợ, đủ gọi là quân tử sao?”.

Có lẽ ông nghĩ rằng tiêu chuẩn ấy là quá thấp. Khổng Tử nói: “Tự xét lấy mình, thấy mình chẳng mảy may tà ác thì còn lo, sợ nỗi gì?” (Luận Ngữ, XII, 4).

Ngày nay, chúng ta có thể dùng một câu châm ngôn thông thường để diễn giải ý nghĩa câu nói của Khổng Tử như sau: “Nếu lương tâm của bạn trong sáng, bạn sẽ không lo sợ bị gõ cửa lúc nửa đêm”.

Vậy thì, làm thế nào chúng ta có được một nội tâm mạnh mẽ có thể giúp ta sống không lo âu, không do dự và không sợ hãi?

Nếu muốn có nội tâm mạnh mẽ, bạn phải bình tâm trước mọi sự được mất, nhất là về mặt vật chất. Những người quan tâm quá nhiều đến việc được mất đôi khi bị Khổng Tử xem như là “kẻ tiểu nhân”, và bị gọi là “thấp hèn”, hay nói khác đi, là những người có đầu óc bần tiện và thuộc loại tầm thường.

Khổng Tử từng nói rằng: “Ngươi có thể để loại tiểu nhân ấy lo chuyện đại sự quốc gia chăng?”. Không. Khi những kẻ như thế không giành được lợi lộc, họ sẽ than phiền về việc không đạt được lợi lộc ấy; khi họ đạt được cái mà họ muốn, họ lại lo sợ mất nó. Vì lo sợ mất nó, họ sẽ không bao giờ ngừng bảo vệ cái mà họ có và cố gắng thủ lợi nhiều hơn nữa.

Lòng dũng cảm chân chính là gì? Nó khác với sự liều lĩnh khinh suất như thế nào? Khổng Tử đã nói thế nào về lòng dũng cảm?

Một người bị ám ảnh vì lợi lộc và những thiệt hại cá nhân không bao giờ có thể có một tâm hồn rộng mở, hay một tinh thần thanh thản, không lo sợ và cũng không thể có lòng dũng cảm thật sự.

Khổng Tử có một học trò tên Tử Lộ, một người rất bốc đồng và quan tâm nhiều đến lòng dũng cảm.

Có lần, Khổng Tử than rằng: “Đạo ta, người chẳng chịu thi hành. Hay là ta bỏ hết mà đi, thả bè lênh đênh trên mặt biển còn hơn? Đi theo ta, chắc chỉ có mình trò Do [Tử Lộ] mà thôi?” (Luận Ngữ, V, 6).

Tử Lộ nghe được điều ấy, lấy làm khoái chí lắm. Nhưng Khổng Tử nói thêm rằng: Ta nói điều này vì ngoài lòng dũng cảm ra, Tử Lộ chẳng có gì hết. Yêu mến lòng dũng cảm là một đặc trưng của con người Tử Lộ, nhưng sự dũng cảm của Tử Lộ lại là loại nông cạn, thiếu suy nghĩ.

Nhưng vào ngày khác, Tử Lộ lại hỏi thầy rằng: “Quân tử có chuộng lòng dũng cảm chăng?”. Khổng Tử đáp: “Quân tử nên chuộng nghĩa hơn hết.

Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn. Tiểu nhân có dũng mà không có nghĩa thì làm đứa trộm cắp.” (Luận Ngữ, XVII, 22).

Khổng Tử nói: “Ăn cơm thô, uống nước lã, có cánh tay mà gối đầu, ở trong cảnh đạm bạc như vậy, người có đạo đức cũng lấy làm vui. Chứ do nơi những hành vi bất nghĩa mà trở nên giàu có và sang trọng, thì ta coi cảnh ấy như mây nổi” (Luận Ngữ, VII, 15).

Điều này có nghĩa là việc một người quân tử đánh giá cao lòng dũng cảm là không sai, nhưng đó là loại lòng dũng cảm có điều tiết và được kiềm chế; nó có một điều kiện quyết định đứng trên nó, đó là “Nghĩa”. Chỉ có sự dũng cảm nào đặt Nghĩa lên hàng đầu mới là lòng dũng cảm chân chính. Còn ngược lại, một người quân tử có thể sử dụng sự dũng cảm của họ để làm loạn, và một kẻ tiểu nhân thì có thể trở thành một kẻ trộm cướp.

Bạn hãy thử nghĩ về điều này xem, nếu những kẻ trộm cướp đột nhập vào nhà để cướp bóc, thậm chí giết người, bạn có thể nói đó là những người dũng cảm hay không? Do đó, sự dũng cảm mà không có Nghĩa là một thứ nguy hại nhất trên đời.

Nhưng, “Nghĩa” là gì và làm sao ta biết cái gì là đúng, cái gì là sai?

Khổng Tử nói rằng: “Người nào biết ước thúc lấy mình, biết nương theo quy củ mà làm, thì ít lầm lạc, thất bại” (Luận Ngữ, IV, 22). Nói khác đi, nếu một người có sự tự chủ trong nội tâm thì họ sẽ ít phạm sai lầm trong suốt cuộc đời.

Nếu một người có thể thực sự làm được việc “Tự xét mình mỗi ngày 3 lần” (Luận Ngữ, I, 4), nếu bạn có thể thực sự đạt đến trạng thái mà “Thấy ai hiền đức, mình nên tự xét mình để cố gắng cho bằng người. Thấy ai chẳng hiền, mình nên tự xét, đừng bắt chước theo họ” (Luận ngữ, IV, 17), thì bạn sẽ đạt được sự tự chủ. Có khả năng suy ngẫm về những thất bại của mình và dám dũng cảm sửa chữa sai lầm, đó là lòng dũng cảm chân chính mà Khổng Tử và các học trò của Ngài theo đuổi.

[9] Nhiều năm sau, Tô Thức đã mô tả sự dũng cảm mà ông gọi là “lòng dũng cảm vĩ đại” như sau:

Người xưa gọi một con người là dũng cảm và có tài năng xuất chúng khi người đó có sự tự chủ vượt trên những người thường. Đó là những điều mà con người không thể làm được. Khi một người bình thường cảm thấy xấu hổ, họ rút gươm ra và lao vào đánh nhau; điều này không đủ gọi là dũng cảm. Có những người có lòng dũng cảm vĩ đại trên thế giới, đó là những người khi bị tấn công bất ngờ thì không lo sợ, khi bị chê trách vô cớ thì không nổi giận. Đó là vì chí của những người ấy rất cao vời và họ nuôi dưỡng những khao khát thanh tao và cao quý.

Như Tô Thức đã nói, lòng dũng cảm chân chính có một “sự tự chủ vượt trên những người thường”. Họ có thể chịu đựng được việc bị làm nhục cay đắng công khai, giống như Hàn Tín [10] khi xưa đã chịu chui qua háng một người nơi phố chợ chứ không bỏ phí hai mạng người trong cuộc chiến một mất một còn. Nhưng điều này không ngăn ông đạt được thành công vang dội trên chiến trường, giành được hàng loạt chiến thắng quyết định. Một người như ông hẳn sẽ không bao giờ phản ứng dựa trên một sự dũng cảm bốc đồng trong giây phút nào đó chỉ để có được một khoảnh khắc thỏa mãn ngắn ngủi. Đó là vì ông có một lòng tự tin được lý trí điều khiển, và một tinh thần điềm tĩnh, kiên định; những điều này có được là vì ông có một tinh thần phóng khoáng và những khao khát thanh cao và cao quý.

Tô Thức mô tả một người như vậy là người “khi bị tấn công bất ngờ thì không lo sợ, khi bị chê trách vô cớ thì không nổi giận”. Trạng thái tinh thần ấy rất khó đạt được. Chúng ta có thể cố gắng trở thành những con người có đạo đức, có học thức và không xúc phạm người khác; nhưng khi bị người khác vô cớ xúc phạm, làm sao mà ta có thể không nổi giận được?

Ví dụ, nếu một người bị đánh đập tàn nhẫn, vô cớ và bất ngờ vào thứ hai, đến thứ ba người ấy kể đi kể lại cho bạn nghe chuyện mình bị đánh, thì đến thứ tư, người ấy sẽ chìm vào trong một trạng thái ảm đạm, và không muốn gặp ai hay đi đâu nữa; đến thứ năm thì người ấy sẽ bắt đầu cãi cọ với gia đình của mình vì những chuyện vặt vãnh… Điều ấy có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là mỗi lần bạn kể lại chuyện mình bị đánh thì cũng giống như bạn bị đánh lại lần nữa. Thậm chí sau khi sự việc qua đi, bạn vẫn bị nó tác động mỗi ngày.

Khi có chuyện không may xảy ra, cách xử lý tốt nhất là hãy để nó trôi qua càng nhanh càng tốt. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể có nhiều thời gian rảnh rỗi để làm những điều có ý nghĩa hơn, như vậy bạn mới có cuộc sống thoải mái và có nhiều cảm xúc tốt đẹp.

Thường Tô Thức và hòa thượng Phật Ấn vẫn hay đàm đạo với nhau. Lão hòa thượng là một con người chân thật, đơn giản, do đó Tô Thức thường hay trêu chọc ông ta. Tô Thức thường rất khoái chí khi thắng được lão hòa thượng về những chuyện vặt và khi về nhà ông thường kể lại cho cô em gái của mình là Tô tiểu muội nghe.

Có nhiều sự việc trong cuộc đời xảy ra không như những gì ta mong muốn. Đôi khi, chúng vô lý và không công bằng. Có thể chúng ta không thể thay đổi chúng, nhưng ta có thể thay đổi tình cảm và thái độ của riêng mình đối với chúng. Nếu nhìn nhận sự việc theo cách này, ta có thể nói rằng người ta có thể nhìn thấy mọi điều trong chính tâm hồn của họ. Câu chuyện sau đây của Tô Thức và hòa thượng Phật Ấn sẽ cho thấy điều ấy.

Một ngày nọ, Tô Thức và lão hòa thượng ngồi đàm đạo.

Tô Thức hỏi: “Này, nhìn xem tôi giống ai?”.

Lão hòa thượng đáp: “Trông anh giống như một ông Phật”.

Tô Thức nghe thấy thế, ông cười lăn cười bò và nói với lão hòa thượng rằng: “Còn ông biết tôi nghĩ ông giống cái gì không? Giống như một đống phân bò”.

Lão hòa thượng không những không giận gì cả mà còn cười.

Tô Thức về nhà, huyênh hoang điều này với Tô tiểu muội.

Cô em gái chỉ cười nhạt và nói với anh rằng: “Làm sao mà anh có thể nói chuyện với sự hiểu biết thấp đến thế? Anh biết những vị chân tu thường quan tâm gì nhất không? Đó là về việc nhìn thấy tâm hồn và bản chất của mọi việc. Lão hòa thượng nói anh giống như Đức Phật, điều đó cho thấy rằng Phật luôn hiện hữu trong tâm của ông ấy, vì thế bất cứ điều gì ông ta thấy cũng giống như Phật cả. Còn anh lại nói ông ta giống như một đống phân bò, vậy hãy thử hình dung trong tâm anh là gì nào?”.

Điều này có ý nghĩa với mỗi một người chúng ta. Hãy nghĩ xem: chúng ta đều cùng sống chung trên một hành tinh, nhưng một số người sống một cuộc sống ấm áp, hạnh phúc, trong khi những người khác thì rên rỉ, than vãn suốt ngày. Cuộc sống của chúng ta có thực sự khác nhau đến vậy không?

Thực sự, cuộc đời trong mắt chúng ta cũng giống như một nửa chai rượu. Một người bi quan hẳn sẽ nói rằng: “Tệ quá! Chai rượu ngon gì mà chỉ còn có nửa chai!”, trong khi một người lạc quan sẽ nói rằng: “Tuyệt làm sao! Một chai rượu ngon đến thế này mà còn cả nửa chai!”. Sự khác nhau duy nhất là ở thái độ của chúng ta.

Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, đây là thời điểm quan trọng hơn lúc nào hết trong lịch sử để duy trì một trạng thái tinh thần tích cực.

Chúng ta hãy nghe lời Khổng Tử: “Bậc quân tử bao giờ trong bụng cũng thản nhiên lồng lộng, tiểu nhân bao giờ trong bụng cũng âu lo ngay ngáy.” (Luận Ngữ, VII, 36). Điều này có nghĩa: tinh thần của người quân tử luôn bình thản, vững vàng và dũng cảm, sự thanh thản và hạnh phúc của họ đến một cách tự nhiên từ bên trong; trái lại, điều bạn thấy nơi kẻ tiểu nhân là một bộ mã bên ngoài của thái độ ngạo mạn và tự cho mình quan trọng; bởi vì tinh thần của họ bao giờ cũng âu lo trước mọi việc, chẳng lúc nào yên.

Khổng Tử từng nói rằng: “Người có nhân, chẳng bao giờ lo rầu; có trí, chẳng bao giờ lầm lạc; có dũng, chẳng bao giờ sợ sệt.” (Luận Ngữ, XIV, 30). Nhưng Khổng Tử rất khiêm nhường. Ông nói rằng ba việc đó – không bao giờ lo rầu, không bao giờ lầm lạc và không bao giờ sợ sệt – là những điều mà chính ông cũng chưa bao giờ thấy mình đạt đến được.

Khi chúng ta nói “Người có Nhân thì chẳng bao giờ lo rầu”, nghĩa là gì?

Có nghĩa là, người nào đó có một trái tim vĩ đại, tràn đầy lòng Nhân và có đức hạnh, tức có tấm lòng khoan dung và độ lượng, người ấy sẽ không bao giờ để tâm đến những chuyện nhỏ và không nổi xung lên vì chúng. Vì thế, người ấy có thể tránh được việc tranh giành những món lợi và những thất bại nhỏ nhoi. Chỉ duy có loại người này mới có thể thực sự đạt đến sự yên bình nội tâm và thoát khỏi những nghi ngờ, sợ hãi.

Khi chúng ta nói “Người có Trí thì không bao giờ lầm lạc”, nghĩa là gì?

Năm mươi năm trước, có lẽ hầu hết người Trung Quốc cả đời chỉ làm duy nhất một loại công việc, hầu như không ai nghe đến chuyện li dị và họ có thể sống vui vẻ trong cùng một mảnh sân nhỏ từ thời trẻ đến khi già. Điều khiến người ta phiền lòng là cuộc đời họ dễ đoán trước và họ biết họ có ít lựa chọn đến như thế nào.

Nhưng ngày nay, chúng ta đều phiền lòng không phải vì không có lựa chọn mà là có quá nhiều lựa chọn. Những trở ngại và rối loạn, bất an xuất hiện vì xã hội của chúng ta phát triển quá nhanh và cuộc sống của chúng ta quá sung túc đủ đầy.

Chúng ta không thể tác động gì lên thế giới bên ngoài; tất cả những gì chúng ta có thể làm là cải thiện năng lực lựa chọn của chính mình. Khi chúng ta biết cách đưa ra các lựa chọn như thế nào, biết cách chấp thuận hoặc bác bỏ các vấn đề, những lo âu và bực bội cũng sẽ không còn nữa. Đây là điều mà Khổng Tử có ý nói qua câu “Người có Trí thì không bao giờ lầm lạc”.

Còn khi ta nói “Người có Dũng thì không bao giờ sợ sệt”, nghĩa là gì?

Chúng ta có thể nói một cách dễ hiểu rằng: “Khi hai người khỏe mạnh đấm đá nhau, thì người dũng cảm nhất sẽ luôn thắng”. Hay nói khác đi, khi bạn có đủ lòng dũng cảm và kiên trì, bạn sẽ có đủ sức mạnh để vươn mình lên phía trước, khi đó bạn sẽ không còn sợ sệt nữa.

Khi một người quân tử chân chính đạt được đức Nhân – Trí – Dũng trong nội tâm, hẳn nhiên tất cả những lo âu, do dự và sợ sệt của họ sẽ tan biến đi.

Có lần tôi đọc được một câu chuyện trong cuốn sách của tác giả người Nhật Daisetsu Suzuki. Chuyện kể về một người pha trà nổi tiếng sống ở thời Edo, làm việc cho một vị chủ nhân quyền quý. Như ta đã biết, Nhật Bản xem việc thưởng trà như một phần của Thiền học, trong đó nghi lễ uống trà và sự thiền định là hai bộ phận của một toàn thể.

Một ngày nọ, người chủ lên kinh đô để buôn bán. Ông không nỡ để người pha trà ở lại, vì thế ông nói với anh: “Đi với ta, để ta có thể uống trà nhà ngươi pha mỗi ngày”.

[11] Nhưng Nhật Bản thời ấy rất nguy hiểm. Bọn cướp và các ronin lang thang khắp vùng, thường là mối đe dọa với người dân.

Người pha trà rất sợ. Ông nói với người chủ rằng: “Tôi không biết dùng vũ khí, nếu tôi gặp nguy hiểm giữa đường, tôi phải làm sao đây?”.

Người chủ nói: “Hãy mang gươm vào và ăn mặc giống một samurai”.

Người pha trà không có lựa chọn nào khác. Ông thay quần áo của một samurai và đi cùng chủ lên kinh đô.

Một ngày, người chủ ra ngoài làm ăn, nên người pha trà đi dạo một mình. Đúng lúc đó, một tên ronin tiến đến gần và thách thức ông, hắn nói: “Ta thấy ngươi là một chiến binh, vậy hãy sử dụng kỹ năng của ngươi để đấu với ta xem”.

Người pha trà nói: “Tôi không biết đánh đấm gì cả, tôi chỉ là một kẻ pha trà”.

Tên ronin nói: “Mày không phải là một samurai, nhưng mày lại ăn mặc như vậy. Nếu mày còn chút xấu hổ hoặc lòng tự trọng nào, thì hãy nên chết dưới lưỡi gươm của ta!”.

Người pha trà nghe thấy ong hết cả đầu, nhưng rõ ràng là không thể thoát được, cuối cùng ông nói: “Thư thả cho tôi một vài giờ, để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ mà chủ tôi giao phó. Chiều nay, chúng ta sẽ gặp lại tại bờ ao”.

Tên ronin suy nghĩ và đồng ý, rồi nói thêm: “Nhớ đến đó, không thì biết tay tao”.

Người pha trà hối hả chạy thẳng đến trường dạy võ thuật nổi tiếng nhất ở kinh đô. Ông tìm gặp người samurai lãnh đạo và nói với ông ta: “Tôi van ngài, hãy dạy tôi cách chết danh dự như một samurai!”.

Người samurai lãnh đạo vô cùng ngạc nhiên. Ông nói: “Người ta đến đây tìm cách để sống, còn anh là người đầu tiên đến để tìm cách chết. Tại sao anh lại làm vậy?”.

Người pha trà kể lại cuộc đụng độ với tên ronin, rồi nói: “Tôi chỉ biết mỗi việc pha trà, nhưng hôm nay tôi phải dính vào cuộc chiến sống còn này. Tôi xin ngài, hãy dạy tôi phải làm sao. Tất cả những gì tôi muốn là được chết với một chút danh dự mà thôi”.

Người samurai lãnh đạo nói: “Rất tốt, hãy pha cho ta một cốc trà, rồi ta sẽ dạy anh phải làm gì”.

Người pha trà rầu rĩ: “Đây có lẽ là lần pha trà cuối cùng của tôi trong cuộc đời này”.

Ông pha trà với sự tập trung cao độ, chậm rãi theo dõi nước suối lấy từ núi sôi lên trong ấm, rồi đặt các lá trà vào, rửa sạch trà, lọc trà và rót trà, mỗi lần một ít. Rồi ông cầm ly trà bằng cả hai tay trao nó cho người samurai lãnh đạo.

Người samurai lãnh đạo đã xem toàn bộ tiến trình pha trà ấy. Ông nhấp thử một ngụm và nói: “Đây là ly trà ngon nhất mà ta được uống trong cả cuộc đời mình. Ta có thể nói ngay với anh rằng anh không cần phải chết”.

Người pha trà vội hỏi: “Ngài sẽ dạy tôi điều gì chăng?”.

Người samurai lãnh đạo nói: “Tôi không cần dạy anh điều gì cả. Khi anh đối mặt với tên ronin đó, tất cả những gì anh phải làm là hãy nhớ đến trạng thái tinh thần khi anh pha trà. Anh không cần thêm bất kỳ điều gì khác nữa”.

Sau khi người pha trà nghe điều này, ông đi đến chỗ hẹn. Tên ronin đã đợi ông ở đó và ngay khi người pha trà đến, hắn liền rút gươm ra: “Giờ thì mày đến rồi, bắt đầu đấu nào”.

Người pha trà đã suy nghĩ đến những điều mà vị samurai vĩ đại kia nói trên suốt đường đi, nên ông đối mặt với tên ronin bằng đúng trạng thái tinh thần mà ông có khi pha trà.

Ông tập trung ánh mắt lên đối thủ, rồi chậm rãi cởi nón và đặt nó ngay ngắn bên cạnh mình. Rồi ông cởi áo choàng ngoài ra, từ tốn gấp lại, xếp nó gọn gàng dưới chiếc nón; rồi ông cởi dây áo, cột ống tay áo trong của ông với cổ tay của mình một cách chắc chắn; ông cũng làm như vậy với gấu quần dài. Ông chỉnh trang phục cho trận chiến từ đầu đến chân, trong suốt thời gian đó vẫn giữ thái độ hết sức bình thản.

Trong lúc ấy tên ronin bắt đầu lo lắng. Càng nhìn, hắn càng mất bình tĩnh vì không thể đoán được kỹ năng sử dụng vũ khí của đối thủ cao thâm đến mức độ nào. Cái nhìn từ cặp mắt và nụ cười của đối thủ càng lúc càng khiến hắn cảm thấy mất tự tin.

Khi người pha trà chỉnh xong y phục, động tác cuối cùng của ông là rút thanh gươm từ vỏ ra kêu rin rít và khua lên trong không khí. Rồi ông dừng lại ở đó, vì ông không biết phải làm gì nữa.

Ngay lúc ấy, tên ronin quỳ phục xuống và van xin: “Xin hãy tha mạng cho tôi, tôi lạy ngài! Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ thấy một tay kiếm nào có phong thái đĩnh đạc như ngài!”.

Phải chăng chiến thắng của người pha trà thực sự là nhờ vào kỹ năng chiến đấu? Không, đó chính là lòng dũng cảm trong trái tim ông, là sự tự tin, điềm tĩnh, thanh thản trong chính nội tâm ông. Đó là thái độ mà ông có được khi làm việc.

Kỹ thuật và kỹ năng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Để hiểu trọn vẹn những sự việc vượt khỏi kỹ năng đơn thuần, chúng ta cần sử dụng đến trái tim [tâm] và phần tinh nhạy của thế giới bên trong [hồn] của ta.

Chúng ta có thể thấy rằng các tiêu chuẩn cư xử mà Khổng Tử đưa ra không chỉ là sự phê phán nghiêm khắc về thế giới quanh ta; mà còn chỉ ra cách sử dụng hiệu quả thời gian và sức lực có giới hạn của chúng ta, chuyển sự phê phán của ta vào bên trong, hướng đến trái tim và tâm hồn của riêng ta.

Tất cả chúng ta đều nên nghiêm khắc hơn một chút đối với bản thân và chân thật hơn, khoan dung hơn một chút đối với người khác. Ngày nay, chúng ta cũng cho rằng một người tử tế phải chân thật và ngay thẳng, nhưng không theo nghĩa là ngây thơ và quá dễ bị thao túng; thay vào đó vấn đề quan trọng là phải khoan dung tha thứ cho những sai trái của người khác, đối xử với họ bằng sự cảm thông và xem xét các sự việc từ điểm nhìn của người khác.

Vì lý do này, chỉ duy người quân tử chân chính mới có thể xoay xở sao cho “không oán trời, không trách người”, cũng không than van số phận đã không mang lại cho họ dịp may mà họ cần, cũng không than phiền rằng chẳng có ai trên đời này hiểu được họ.

Một trái tim và một tâm hồn mạnh mẽ có thể bù đắp cho cả những hối tiếc không thể tránh khỏi và những lỗi lầm lẽ ra bạn có thể tránh được trong đời; đồng thời, nó có thể mang lại cho bạn sự tập trung vào mục tiêu, giúp bạn nâng cao tinh thần và để bạn sống một cuộc sống trọn vẹn nhất, hiệu quả nhất hết mức có thể. Mỗi ngày bạn sẽ trải nghiệm một sự tái sinh mới, và bạn sẽ chỉ cho những người khác biết cách trải nghiệm tất cả những điều đẹp đẽ ấy.

Nếu đầu óc bạn trong sáng, tinh thần phóng khoáng, ngay thẳng và dũng cảm, thì bạn có thể nhận thấy rằng bạn thu hoạch được nhiều lợi ích không ngờ và mọi người sẽ sẵn lòng mang đến cho bạn nhiều điều tuyệt vời. Nhưng nếu ngược lại, bạn sẽ không nhận được bất kỳ lời khuyên tốt đẹp nào.

Như Khổng Tử nói, nếu bạn đi ngang qua một người mà không gắng nói những điều có thể mang lại lợi ích cho người ấy, thì bạn đang “bỏ phí một con người”. Bạn đã bỏ mất cơ hội với người ấy, đó là điều không tốt. Ngược lại, nếu người ấy từ chối nghe bạn, lời nói của bạn bị phí phạm đi, cũng là điều không tốt.

Nếu bạn muốn là một người mà người khác có thể nói chuyện được, thì chìa khóa là phải giữ được một tinh thần trong sáng và phóng khoáng. Trong thế giới hiện đại bận rộn của chúng ta, nơi xã hội càng lúc càng phức tạp hơn, thì điều sống còn là ta phải nuôi dưỡng một cái nhìn tích cực, rộng mở của một bậc quân tử. Khổng Tử đã chỉ cho chúng ta biết nên làm thế nào.

Nếu nội tâm của một người thoát khỏi những lo âu, do dự và sợ sệt, tự nhiên họ sẽ ít than phiền hơn về thế giới xung quanh và năng lực gìn giữ hạnh phúc trong họ cũng sẽ tăng lên.

Gia tăng năng lực gìn giữ hạnh phúc của bản thân là điều tốt nhất mà chúng ta có thể học được.

Chú thích:

[6] Thương: Tên của Tử Hạ, một học trò giỏi của Khổng Tử.

[7] Phu Tử: Cách gọi tôn kính của các học trò đối với Khổng Tử.

[8] Tagore tên đầy đủ là Rabindranath Tagore (1861 – 1941): Nhà thơ, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ, được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel.

[9] Tô Thức hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha (1037 – 1101): Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

[10] Hàn Tín (? – 196 TCN): Một danh tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang thời Hán Sở tranh hùng, ông có công rất lớn giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.

[11] Ronin là những samurai không còn chủ tướng trong thời kỳ phong kiến ở Nhật Bản. Một samurai mất chủ tướng do chủ của ông ta bị chết, bị mất quyền lực, hoặc chỉ do mất đi sự tin tưởng của chủ tướng. Từ ronin nghĩa là “con người trôi dạt” (lãng nhân). Thuật ngữ này bắt đầu có từ thời kỳ Nara va Heian.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.