Kiểm Soát Thời Gian – Chu Toàn Mọi Việc

Phần I: QUẢN LÝ THỜI GIAN TRONG THẾ KỶ XXI Chương 1: TẠI SAO THỜI GIAN VẪN LUÔN NGĂN CẢN PHẦN TỐT NHẤT CỦA CHÚNG TA?



Chúng ta vẫn thường tự nhủ: “Mình sẽ không có đủ thời gian đâu!”

Có lẽ Noah và gia đình ông cũng từng nói thế khi hối hả chọn các cặp súc vật để mang lên con thuyền lớn . Chúng ta đều có 24 giờ, hay 1.440 phút mỗi ngày. Vậy lợi thế của Noah là gì? Ông có một thời hạn chính xác phải hoàn thành, những mục tiêu rõ ràng, và những hướng dẫn cụ thể từ Đấng Tối cao về thời điểm và quá trình chính xác phải tiến hành.

Nếu bạn không thấy được những lợi thế tương tự, quá trình bạn tạo ra trong khoảng thời gian được giao có thể sẽ khác hoàn toàn so với văn hóa, hoàn cảnh, và đặc biệt là lựa chọn của bạn.

Điều hiển nhiên là càng có ít lựa chọn hơn thì cuộc sống của bạn sẽ đơn giản hơn. Nếu từng sống sót qua một thảm họa thiên nhiên, hay đơn giản là một đợt cắt điện kéo dài, bạn sẽ biết cảm giác bị quăng trở lại với “thời kỳ đồ đá” như thế nào. Bạn sẽ phải tích cực làm việc từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối mịt vì sự sinh tồn; và bạn thậm chí sẽ làm nhiều hơn nếu có thể, nhờ ánh trăng, lửa, nến hay nhờ nguồn điện, cho tới khi bạn chìm vào giấc ngủ. Sau này, bạn sẽ luôn nhớ đến những nỗ lực với niềm tự hào, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ muốn những điều đó tái diễn thêm một lần nào nữa.

SỰ XAO LÃNG, NHỮNG KỲ VỌNG, SỰ KHẨN CẤP

Tại sao chúng ta có thể làm chủ thời gian của mình trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng lại không thể làm chủ được thời gian trong những ngày bình thường? Chính bởi sự kết hợp của bộ ba “siêu bẫy” bao quát toàn diện, từ đó hình thành nên những chiếc bẫy thời gian. Đó là:

Những xao lãng tầm thường

Những kỳ vọng quá mức

Những vấn đề quan trọng khẩn cấp

Sự xao lãng làm rò rỉ quỹ thời gian của chúng ta như thế nào?

Hãy suy nghĩ về hoàn cảnh sống hoặc công việc hiện tại của bạn, đặc biệt khi nó gây ra những ảnh hưởng nhất định tới thời gian của bạn. Nếu bạn giống như hầu hết những người khác, thì ắt hẳn nhà cửa, ô tô, và văn phòng của bạn phải tràn ngập các thiết bị hiện đại và nguồn dữ liệu. Bạn có thể cập nhật tình hình thế giới mỗi tích tắc, phản ứng kịp thời với bất cứ thách thức hay cơ hội nào xuất hiện. Nhưng liệu bạn có nên làm điều đó hay không?

Sự kết nối quan trọng như thế nào?

Vậy làm thế nào tổ tiên chúng ta, vốn không có những công cụ tốc độ cao và kết nối mạng 24/24, lại vẫn có thể nghiên cứu, phát minh, và đạt được nhiều thành tựu đến vậy – từ những bức hình khắc trong các hang đá cho tới các nhà thờ, từ việc xây dựng cả một đế chế cho tới nguồn điện lưới, từ đường ray xe lửa cho tới phóng xạ, từ việc dùng chảo đãi vàng cho tới việc dùng khoan khoan lấy lõi – tất cả đều hoàn toàn thô sơ, đều thuộc thời kỳ ‘trước thời laptop’? Họ được ban phát nhiều sự thông minh tài trí hơn chúng ta? Hay họ khỏe mạnh hơn, khéo léo hơn? Hay họ không mắc phải chiếc bẫy lớn đầu tiên – Những Xao lãng tầm thường?

Đa nhiệm giúp tiết kiệm hay lãng phí thời gian?

Hãy xem xét cuộc sống hiện tại của bạn. Ở bất cứ nơi đâu, con người cũng đều cố gắng thuyết phục số đông rằng đa nhiệm là một nhiệm vụ cần thiết. Hãy nhìn những người đang lái xe tới công sở ở làn đường kế bên. Nếu họ cũng đang thực hiện đa nhiệm để tiết kiệm thời gian, họ sẽ phải sử dụng thiết bị định vị GPS và các chương trình giao thông trên đài để tìm ra một hướng đi thông thoáng. Họ cũng có thể sẽ phải cố gắng tiết kiệm thêm thời gian bằng cách đọc tin nhắn hay trả lời điện thoại trong khi đang nhâm nhi ly cà phê và lao xuống dốc với vận tốc 112 km/h. Liệu khoảng thời gian họ tiết kiệm được bằng việc thực hiện đa nhiệm có xứng đáng không? Hay nó sẽ tan thành khói bụi khi một người lái xe khác, cũng đang bận rộn đa nhiệm tương tự, đột nhiên hỏi chuyện?

Ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu tranh luận về quan niệm rằng đa nhiệm sẽ tiết kiệm thời gian. Thực chất, trí não con người không thể xử lý hai dòng suy nghĩ đối ngược nhau tại cùng một thời điểm mà không làm giảm chất lượng của cả hai. Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn nếu giải quyết từng nhiệm vụ một và theo trình tự. Chúng ta có thể nâng cao hiệu quả bằng cách sử dụng công cụ nhắc nhở, ghi nhớ kèm hình ảnh để theo kịp lịch trình. Và trên thực tế, chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Nhưng đến lúc đó, bạn chắc chắn đã rất mất tập trung rồi.

TIẾNG NÓI THỰC SỰ

Đây là những gì Ken Mayo − điều phối viên mạng kiêm nhiếp ảnh gia của Hiệp hội Y tế Công giáo Mỹ − nói về đa nhiệm:

Cho đến giờ, tôi tin chắc rằng đa nhiệm là phản tác dụng. Mục tiêu là cố gắng để đạt được kết quả tốt, nhưng tôi lại thấy chất lượng công việc bị ảnh hưởng rõ rệt. Bây giờ, tại một thời điểm tôi chỉ cố gắng làm một việc. Nếu không thể hoàn tất, tôi cố gắng chia nhiệm vụ hay dự án đó thành nhiều giai đoạn. Sau đó, khi trở lại với nhiệm vụ hay dự án đó, tôi sẽ thấy việc nhớ được phải bắt đầu lại từ đâu dễ dàng hơn.

Duy trì sự tập trung

Có thể bạn nhận ra rằng mình mắc nhiều lỗi nhất vào những thời điểm cuối cùng của một công việc, khi trí óc bạn đã xao lãng trước khi những ngón tay của bạn kịp hoàn thành đánh máy, hoặc khi tay búa của bạn nện vào chiếc đinh cuối cùng. Nếu có thể duy trì sự tập trung từ đầu đến cuối, giải quyết công việc nhanh gọn, rồi sau đó chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo, thì có lẽ chúng ta đã đạt được những thành công nhất định nào đó. Nếu liệt kê những nhiệm vụ tiếp theo ra giấy, lưu sẵn trên màn hình, giữ chúng trong tầm mắt, chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ. Nhưng cùng lúc, chúng ta cũng nên dành cho mỗi công việc sự tập trung toàn vẹn, chứ không phải là sự tập trung bị-phân-tán, để tiết kiệm thời gian tối ưu nhất.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỬ DỤNG KHOẢNG THỜI GIAN BẠN TIẾT KIỆM ĐƯỢC?

Tại các buổi hội thảo về Quản lý thời gian, chúng tôi thường hỏi những người tham gia – với vẻ mệt mỏi kiệt quệ hiện rõ trên khuôn mặt – rằng nếu được tặng thêm một giờ mỗi ngày, họ sẽ sử dụng món quà kỳ diệu này như thế nào. Đa số họ đều đồng thanh “Ngủ!”

Câu trả lời này có làm bạn ngạc nhiên không? Hay khiến bạn thất vọng? Hay bạn cũng có câu trả lời tương tự?

Theo nhiều nghiên cứu về việc ngủ của các nhà khoa học, một người Mỹ trưởng thành ngày nay chỉ dành khoảng 6 tiếng 40 phút cho giấc ngủ mỗi đêm – không đúng với con số 8 tiếng mà các thế hệ trước đây được khuyến cáo. (Ngay cả các quảng cáo đệm cũng thường khuyên chúng ta nên tối đa hóa giấc ngủ 6 tiếng liên tục bằng việc mua những bộ chăn ga gối đệm tốt hơn!)

Nhưng chúng ta đã sử dụng khoảng thời gian lúc sắp đi ngủ như thế nào? Rất nhiều người trưởng thành thú nhận rằng họ thường lăn ra ngủ ngay sau bữa tối, hoặc đờ đẫn “thư giãn” trước màn hình ti vi trong khi con cái họ dán mắt vào các trang web xã hội, các tin nhắn mạng, các trò chơi trực tuyến, trang web tải nhạc và làm bài tập về nhà. À vâng, bài tập về nhà! Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi phải khó khăn lắm chúng mới thức dậy nổi vào sáng hôm sau.

Nhân đây tôi cũng muốn hỏi, những lao động trưởng thành làm gì trong 24 giờ kỳ diệu của mình? Hãy cùng xem xét một vài cách hiệu quả để thoát khỏi những chiếc bẫy thời gian của chúng tôi.

THOÁT KHỎI SỰ XAO LÃNG: TẬP TRUNG THỜI GIAN VÀO MỘT MỤC TIÊU

Giả sử bạn được tặng một giờ quý báu vào thời điểm tùy chọn – không phải khi mệt mỏi (giống như những người tham gia hội thảo đã đồng thanh trả lời là dành thời gian để ngủ), mà là đang tràn đầy năng lượng – khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong ngày của bạn – thì câu trả lời của bạn có thể sẽ khác. Vậy hãy hỏi con người tràn đầy sức sống trong bạn rằng: Bạn sẽ sử dụng giờ thứ 25 như thế nào?

• Tiếp tục làm việc?

• Chơi thể thao, hay tập thể dục?

• Tụ tập bạn bè?

• Chơi bóng cùng lũ trẻ?

• Dọn dẹp phòng ốc?

• Nghỉ ngơi thư giãn?

• Đọc và học?

• Bình tâm cầu nguyện?

• Vẽ tranh?

• Tham quan bảo tàng?

• Chơi guitar?

• Làm vườn?

• Nấu ăn?

• Sơn lại phòng?

• Đi spa trị liệu?

• Tham gia tình nguyện?

Thêm những lựa chọn của bạn vào chỗ trống dưới đây:

• ————————————————————————————————– —————————

• ————————————————————————————————– —————————

Dù bạn lựa chọn điều gì, thì có một điều chắc chắn là: bạn cố gắng dành riêng giờ thứ 25 cho dự định đó, mà không cho phép bất cứ sự xao lãng ngẫu nhiên nào tác động. Bạn sẽ chỉ tập trung vào công việc đó. Bạn sẽ hiểu rõ động cơ của việc quản lý những giờ phút hiếm hoi đó.

Vậy nếu bạn được tặng thêm một giờ tại công sở?

Hãy hình dung cấp trên cũng tặng cho bạn một lựa chọn tương tự – có thêm một giờ mỗi ngày – không phải để giải quyết công việc cho họ, mà để giải quyết việc của riêng bạn? Vậy có nhiệm vụ nào quan trọng với bạn và sự nghiệp của bạn, không thể hoàn thành do bạn còn phải dành thời gian cho khách hàng, đồng nghiệp, hay cấp trên không? Bạn thường tự nhủ: “Đây là việc của riêng mình. Mình sẽ chỉ giải quyết nó khi đã hoàn thành những việc khác.”

Nhưng những giờ phút riêng tư ấy sẽ chẳng bao giờ tới trong giờ làm việc, vậy nên bạn vẫn cứ vắt kiệt sức mình cho những buổi làm thêm giờ không lương để giải quyết cho xong việc. Có lẽ khi nghiền ngẫm cuốn sách này, bạn có thể thêm công việc đó vào danh sách những mục tiêu xứng đáng với những quyết tâm quản lý tốt nhất thời gian của mình.

Kỳ vọng: Chúng ta nên làm gì tại nơi làm việc?

“Được lựa chọn làm việc gì tại công sở ư? Ai được tự do làm thế?” Bạn hay hỏi như vậy. Chính bạn! Đúng vậy, chính bạn. Bạn không những có quyền mà còn có nghĩa vụ lựa chọn những việc phải làm tại công sở. Dù bạn muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy đến thế nào, dù chính sách của công ty bạn có đặt khách hàng làm trung tâm đến bao nhiêu – thì tất cả mọi người, sớm hay muộn, đều phải đặt ra một vài tiêu chuẩn rõ ràng để những việc họ làm tại công sở trong 8 đến 10 tiếng hàng ngày trở nên hiệu quả.

Hãy cân nhắc những tiêu chí dưới đây khi bạn đảm trách một nhiệm vụ mới. Có thể bạn sẽ nhận ra rằng bạn đã và đang sử dụng một vài hay tất cả những biện pháp này. Có thể những tiêu chí dưới đây đã mang lại cho bạn một chút thành công mà bạn đang tận hưởng.

Thử hình dung thế này: một yêu cầu bất thường được đưa ra trong khi lịch làm việc của bạn đã kín đặc. Lúc này, xung đột xuất hiện. Bạn buộc phải cân nhắc những câu hỏi dưới đây:

• Hiệu lực của yêu cầu mới này? (Tầm quan trọng hay ảnh hưởng của nó?)

• Mức độ nhạy cảm về chính trị của nhu cầu này? (Có phải nó là từ trên áp xuống hay không?)

• Mức độ phức tạp của nhu cầu này? (Có phải có nhiều nhân tố liên quan?)

• Những chi phí, rủi ro và cơ hội?

• Những lựa chọn nào sẽ tạo ra kết quả khác biệt?

• Cần tham khảo ý kiến của ai?

• Cuối cùng, sự cấp thiết của yêu cầu này là gì, so với những nhiệm vụ cấp bách khác?

Những gì bạn cần làm là đưa ra quyết định: Liệu có nên thực hiện ngay nhiệm vụ này dù các nhiệm vụ khác đều đã được lên lịch trước?

Khi một yêu cầu được gửi tới bạn bởi bạn là “chuyên gia tại gia”, hay chuyên gia lĩnh vực (SME), thì chuyên môn của bạn sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi trên một cách nhanh chóng, dễ dàng; và theo bản năng, những người đặt ra yêu cầu sẽ thấy kính nể bạn. Tuy nhiên, ngay lúc đó họ sẽ kỳ vọng vào phản ứng tức thời của bạn trong tất cả mọi vấn đề, dù quen thuộc hay không. Một khi điều này xảy ra, và bạn sẽ được mặc định là như thế, bạn vô tình bước vào cái bẫy thứ hai trong ba siêu bẫy: khuất phục trước những kỳ vọng thái quá.

THOÁT KHỎI KỲ VỌNG: KỲ VỌNG CỦA BẠN VÀ KỲ VỌNG CỦA MỌI NGƯỜI

Vậy làm thế nào bạn có thể kéo những kỳ vọng của người khác quay trở lại thực tế?

Bạn sẽ cần phải tìm hiểu:

1. Bạn phải dừng lại bao nhiêu phần trăm công việc cần làm và đánh giá về tính hiệu lực ra sao?

• Với những quản lý cấp cao, họ phải xử lý chủ yếu là các quyết định, và gần như rất ít các thủ tục, tổng số công việc cần phải phê chuẩn thông qua có thể vượt quá 80%.

• Với những quản lý cấp trung và các chuyên gia mà công việc đòi hỏi tính chính xác cao và phải lặp lại khá nhiều, câu hỏi về tính hiệu lực như trên có thể đã được giải quyết trước đó. Nhưng bạn vẫn phải đánh giá lại những công việc được giao khi tổng khối lượng công việc của bạn có thể ảnh hưởng tới tính khả thi. Nếu một yêu cầu nào đó đột nhiên chèn thêm 20% khối lượng công việc, bạn cần đặt câu hỏi về tính khả thi của yêu cầu đó. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, bạn không thể thêm vào lịch làm việc vốn đã quá dày những 20% nữa mà không phải chịu những rủi ro khó lường. (Bạn có thể sẽ phải xin thêm một tuần nữa để thực hiện nhiệm vụ này – và chúng ta đều biết việc này sẽ có hệ quả như thế nào.)

2. Bước hai, trả lời các câu hỏi về tính hiệu lực khác (về độ nhạy cảm chính trị, tính phức tạp, chi phí và nhân lực) sẽ hoàn thiện bản đánh giá của bạn về tính hiệu lực của nhiệm vụ.

3. Và bây giờ, chỉ sau khi những nhiệm vụ đó đã được phê chuẩn, bạn mới nên quan tâm tới vấn đề về tính cấp thiết. Trừ khi bạn đang điều hành Phòng cấp cứu, nếu không, điều đầu tiên bạn nên cân nhắc chính là không nên để tính cấp thiết của vấn đề ảnh hưởng tới mình. Để khẳng định điều này, hãy cố gắng tránh chiếc bẫy thứ ba trong số ba siêu bẫy: Để sự cấp thiết lấn át tính hiệu lực.

KHÔNG ĐỂ SỰ CẤP THIẾT ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ LỰA CHỌN CỦA BẠN

Chỉ sau khi đã đánh giá những kỳ vọng là thực tế, bạn mới được phép để tâm tới vấn đề tính cấp thiết. Nguyên tắc mới như sau: Tính cấp thiết là tiêu chí giúp phân định thắng thua giữa hai nhiệm vụ có tính hiệu lực ngang nhau.

Đây cũng chính là tiêu chí giúp các bệnh viện dã chiến lựa chọn theo mức độ nguy cấp của các chiến sĩ, việc họ đưa các bệnh nhân vào phòng giải phẫu nhanh như thế nào không quan trọng, mà quan trọng là việc quyết định tính nghiêm trọng của chấn thương và khả năng sống sót sau giải phẫu của mỗi bệnh nhân. Chẳng hạn, vài ca bị thương được đưa vào bệnh viện dã chiến. Có hai người bị thương nguy hiểm đến tính mạng (Họ được gọi là các bệnh nhân nhóm A). Những người khác có vết thương ít nghiêm trọng hơn và đang dần ổn định lại (Họ là các bệnh nhân nhóm B). Trong trường hợp chỉ có một bác sĩ giải phẫu, thì tính cấp thiết sẽ được sử dụng làm tiêu chí quyết định giữa các bệnh nhân nhóm A: cùng nghiêm trọng như nhau nhưng nếu một người khỏe hơn người kia, thì trường hợp nào mong manh hơn sẽ được đưa vào phòng giải phẫu trước. Bệnh nhân khỏe hơn sẽ được đưa vào sau. Còn những ca bệnh nhóm B vẫn sẽ phải đợi, dù họ được quan tâm chăm sóc, nhưng chưa được phẫu thuật ngay. Họ không rơi vào tình trạng giống nhóm A.

Tương tự, nguyên tắc phân định thắng thua này cũng được áp dụng trong kinh doanh. Tính cấp thiết được dùng để phân định hai vấn đề thương mại có tầm quan trọng ngang nhau. Nếu phân loại công việc theo tầm quan trọng khách quan, bạn sẽ không bị choáng ngợp bởi những người đưa ra yêu cầu vốn coi bản thân là “số một”. Bạn chắc chắn sẽ phải áp dụng nguyên tắc này: Tính cấp thiết không lấn lướt được tính hiệu lực. Bạn hãy suy nghĩ chín chắn khi xem xét khối lượng công việc hiện tại và dự định của mình.

TIẾNG NÓI THỰC SỰ

Richard Shirley, quản lý hệ thống IT dân sự đặt trụ sở tại San Diego, đã nói về đa nhiệm và biện pháp lựa chọn theo mức độ nguy cấp trong hoàn cảnh chiến trận như sau:

Thứ tự ưu tiên chính là phương thức tiết kiệm thời gian ưa thích của tôi. Tôi phân định các nhiệm vụ dựa trên mức độ quan trọng và cấp thiết. Việc giữ cho các nhiệm vụ không đồng thời trở nên quan trọng và cấp thiết cũng giúp tôi không rơi vào tình trạng “quản lý phản động”. Nếu tôi có thể quản lý thành công thời gian của mình, thì phần lớn các nhiệm vụ đều sẽ được xử lý ở mức độ quan trọng, trước khi chúng trở nên cấp thiết.

Tôi luôn cố gắng tập trung vì tôi thường bị gián đoạn.

Một yêu cầu đặc biệt về thông tin hay yêu cầu giúp đỡ có thể buộc tất cả những thứ khác phải ngừng lại. Lại một lần nữa, tôi sử dụng biện pháp lựa chọn theo thứ tự nguy cấp. Nếu đó là việc cần được làm ngay lập tức – thì tôi buộc phải dừng công việc đang làm và giải quyết vấn đề.

Thường thì ai có “lực kéo” mạnh nhất sẽ nhận được sự chú ý ngay lập tức. Nếu đang soạn email, tôi thường phải lưu bản nháp, hoặc đặt ghi nhớ trong Outlook. Tương tự, tôi cũng không cho phép có thêm một khoảng thời gian quá dài giữa công việc gây gián đoạn và công việc tôi làm trước đó. (Tôi nhận ra rằng nếu tôi rơi vào cái bẫy này

thì sự tập trung ban đầu của tôi sẽ biến mất nhanh chóng.) Tuy vậy, với những gián đoạn mà trước đây tôi từng rất ghét, bây giờ tôi đã nhìn nhận với cách hiểu rằng chúng sẽ giúp tôi luyện tập kỹ năng quản lý thời gian, và xây dựng lòng kiên nhẫn với mọi người.

LỰA CHỌN CỦA BẠN, TRỌNG TÂM CỦA BẠN, THỜI GIAN CỦA BẠN

Mục tiêu của bạn trong việc quản lý thời gian nên là: đến cuối mỗi ngày đầy thách thức này, bạn có thể tự hỏi:

• Bao nhiêu giờ hay phút tôi đã tập trung mà không bị xao lãng? (Nếu là một nhà quản lý, bạn có thể vượt qua mốc tám phút yên bình và tập trung, thì xin chúc mừng bạn!)

• Bao lâu tôi lại thấy rõ ràng rằng tính hiệu lực lấn át tính cấp thiết? (Nếu câu trả lời của bạn có thể làm bạn tự hào, thì xin chúc mừng bạn!)

• Bao nhiêu phần trăm công việc của bạn tăng thêm giá trị cho những việc bạn cống hiến? (Nếu câu trả lời của bạn làm bạn hài lòng, thì xin chúc mừng!)

• Mình có thể thương lượng được những kỳ vọng thực tế (về số lượng, chất lượng và thời gian) để nhận một số nhiệm vụ? (Nếu bạn trả lời là “có” thì xin chúc mừng bạn!)

• Hôm nay, quyết định của mình phù hợp với quy chuẩn đạo đức của bản thân ở mức độ như thế nào? (Xin chúc mừng!)

• Mình đã làm việc chăm chỉ, đạt được các mục tiêu, và có một vài khoảng thời gian vui vẻ phải không? (Xin chúc mừng!)

Với việc ý thức rõ ràng hơn về mục tiêu của mình, chúng tôi chúc bạn có một cuộc đi săn vui vẻ trong mớ những ý tưởng và công cụ sẽ được trình bày trong chương tới. Bạn có thể sử dụng chúng để ngăn chặn sự xao lãng, điều chỉnh các kỳ vọng (của bạn và những người khác) và cảm thấy thỏa mãn khi làm việc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.