Kiếm Tiền Siêu Tốc

18.



CÁCH DUY NHẤT LÀ TỰ THÂN VẬN ĐỘNG

Tài năng đáng quý nhất của các doanh nhân là khả năng nhìn ra được lợi ích và niềm đam mê giải quyết các vấn đề. Kĩ năng đáng quý nhất mà bạn PHẢI có đó là khả năng bán hàng. Nếu bạn không thuyết phục được người khác đầu tư vào các dự án của bạn, chúng sẽ chết ngay từ trong trứng nước. Đối với một doanh nhân, có một số các đối tượng mà các bạn có thể bán cho: các đối tác, khách hàng, nhân viên, ngân hàng, các nhà cung cấp. Khi các SDT của bạn đã sẵn sàng tung ra ngoài thị trường mà bạn vẫn không có cách gì bán chúng, công việc kinh doanh sẽ lụi tàn và chết đi. Ngược lại, nếu tìm cách bán được thì nó sẽ có cơ hội vươn lên và phát triển. Vậy nên bạn buộc phải có khả năng bán hàng.

Phần lớn mọi người ghét bán hàng.

Một phụ nữ đã từng than thở với một người bạn của mình rằng cô ghét bán hàng đến mức nào. “Cậu không thích công việc bán hàng ở điểm gì?” bạn cô ấy hỏi như thế. “Tất cả mọi thứ. Những lời từ chối. Những người khách khó chịu. Đó là một công việc hèn hạ. Đó là loại công việc mà tớ sẽ không bao giờ làm. KHÔNG BAO GIỜ!”

Bạn cô ấy lắng nghe và nói: “Tớ đồng ý, cậu đã thuyết phục được tớ rồi đấy!”

Mặc dù không để ý, nhưng người phụ nữ ghét bán hàng kia đã “bán hàng” trong suốt quãng thời gian đó. Cô ấy chỉ là không gọi nó là bán hàng. Cô ấy có lẽ chỉ gọi nó là “thành thật chia sẻ cảm xúc, niềm tin thật sự của mình.”

Bất kể bạn nghĩ gì về bán hàng đi nữa, tất cả chúng ta đều làm việc đó. Bất kể bạn là ông chủ hay nhân viên, bạn cũng luôn luôn phải “bán hàng”. Nếu bạn là nhân viên, bạn phải “bán” bản thân mình cho công ty để được thuê làm. Sau đó bạn lại phải liên tục “bán” những giá trị mình có cho công ty để không bị sa thải. Nếu công ty của bạn phải thu nhỏ công việc kinh doanh lại, tại sao họ lại muốn giữ bạn lại? Nếu bạn không thể “bán” được những giá trị mà họ cần, bạn sẽ ngay lập tức bị đào thải.

Ngài Richard Branson đã học cách bán ngay từ hồi còn là một thiếu niên, như ông giải thích nó trong cuốn Mặc kệ nó, làm tới đi.

Tôi đã dành phần lớn thời gian của mình để tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi được tiếp thị bản thân và Tập đoàn Virgin của mình. Quảng cáo, quảng bá, tiếp thị – gọi chúng là gì cũng được – đều có hiệu quả. Thậm chí cả thiên nhiên cũng không nằm ngoài quy luật này – hoa, chim chóc, hay côn trùng đều phải tự “quảng cáo” mình nếu muốn tồn tại và phát triển. Có quá nhiều sự cạnh tranh trên thế giới này bởi vậy khi bạn có thứ gì đó để bán, bạn phải làm cách nào đó để chúng gây được sự chú ý. Những ngày tháng bán hàng khó khăn đã giúp tôi rất nhiều. Tôi học được rằng tất cả chúng ta đều có những thứ riêng để bán, cho dù đó là một vật cụ thể như ô-tô hay một chiếc hộp bánh quy hay tài năng của mỗi người. Một ý tưởng hoặc một sản phẩm, dù “hay” nhất quả đất đi chăng nữa, cũng chẳng có ý nghĩa gì chúng chỉ nằm trong đầu bạn hoặc được buộc vào chân giường mà không thể vươn ra ngoài thế giới.

Bạn thấy rồi đó, bạn luôn luôn phải bán hàng, dù cho có thích hay không. Hãy giả sử bạn thuộc nhóm những người không giỏi bán hàng. Bạn không muốn bán hàng. Bạn không tin vào nghệ thuật bán hàng. Và thực tế hơn, bạn ghét bán hàng. Vậy bạn sẽ cư xử thế nào khi bạn phải bán hàng. Bạn sẽ ăn nói vụng về. Ngôn ngữ cơ thể sẽ chỉ ra rằng bạn không thoải mái. Bạn sẽ cảm thấy xấu hổ khi bạn nhắc đến chuyện tiền nong. Kết quả thì sao? Bạn sẽ không thành công. Bạn bị từ chối. Tất nhiên là không có tiền rồi.

Thực tế là trong suốt quãng thời gian đó bạn vẫn đang “bán hàng”. Bạn bán gì? Bán một sự thật rằng bạn ghét công việc bán hàng. Và khách hàng của bạn “mua” điều đó. Họ bị thuyết phục rằng bạn không thoải mái trong công việc bán hàng. Họ tin rằng bạn ghét công việc đó, thậm chí cảm thấy xấu hổ khi phải bán những sản phẩm đó. Bạn đã thuyết phục được họ. Vì vậy họ mua chính xác những gì bạn bán cho họ – đó là từ chối giao dịch đó. Họ sẽ không mua sản phẩm của bạn.

Trong mỗi cuộc mua bán đều có một người mua và người bán. Bạn bán gì? Bạn bán những thứ bạn có niềm đam mê và sự tin tưởng vào chúng. Nếu bạn không đam mê và tin tưởng thì đó cũng chính là những gì người khác sẽ “mua” ở bạn.

CUỘC SỐNG LÀ BÁN HÀNG (100%)

Và không có điều gì có thể thay đổi thực tế này. Cuộc sống không phải chỉ 37% hay 60%, 92% là bán hàng. Nó 100% là bán.

Nếu bạn cố gắng “bán” cuộc sống thật không công bằng, rằng mọi thứ thật tồi tệ thì chúng tôi cũng tin như vậy. Chúng tôi “mua” những thứ mà bạn tin. Tại sao? Bởi vì cố ý hay vô tình, nhưng mọi người đều có thể nhận ra những bằng chứng tinh tế mà bạn phát ra – những cái nhún vai, khuôn mặt vô cảm, ngôn từ chán ngắt.

Ngược lại nếu bạn cố gắng thuyết phục chúng tôi rằng cuộc sống thật tuyệt vời, chúng tôi cũng sẽ tin bạn. Tại sao? Bởi vì dù vô tình hay cố ý, mọi người cũng không thể không nhận ra những biểu hiện dù nhỏ nhất của bạn – dáng điệu tự tin, khuôn mặt sáng ngời, ngôn từ có cánh.

Vụ giao dịch đầu tiên cần làm là bán hàng cho chính bản thân bạn. Thực tế, tất cả những gì bạn bán là những gì bạn tin vào. Nếu bạn tin rằng bạn có thể thay đổi cuộc sống của mình trong vòng 90 ngày tới, bạn đã “bán” được thông điệp đó cho chính mình. Sau đó, với niềm tin đó, bạn sẽ sắp xếp lại cuộc sống để tạo ra các bằng chứng chứng minh niềm tin đó có cơ sở. Mọi người xung quanh bạn cũng nhìn vào đó để quyết định có bị bạn thuyết phục hay không, từ cách bạn ăn mặc, đi đứng, mỗi quyết định dù lớn hay nhỏ. Bạn là quầy bán hàng di động của những gì bạn “bán” cho bản thân mình.

NIỀM TIN CHỈ LÀ MỘT CÁCH GỌI KHÁC CỦA VIỆC BÁN HÀNG

Bạn có thể nói thế này: “Bố tôi luôn nói rằng tôi là một thằng vô dụng.” Hãy đem câu nói đó vào ngôn ngữ bán hàng. Bố bạn “bán” cho bạn một ý nghĩ rằng bạn vô dụng.

Bạn “mua” nó. Và bạn vẫn đang “bán” cho bản thân niềm tin đó từ thuở nào đến giờ. Vậy bạn có thật sự vô dụng? Dĩ nhiên không. Bạn là con của Chúa trời. Ít nhất, đó là những gì chúng ta vẫn “bán” cho bản thân kể từ khi còn nhỏ. Đó là một “món hàng” tốt. Bạn nên thử nó.

Bạn chính là người tiên phong của bộ phận bán hàng cho một công ty mang tên Chính mình. Bạn không chỉ bán các SDT của mình. Bạn đang bán chính bản thân mình (tất nhiên không phải cái “nghề” đó.) Mọi người thật ra không mua các sản phẩm. Họ mua những con người bán chúng (một lần nữa, không phải cái nghề đó.) Tại sao một ai đó lại mua bạn? Bạn có nghĩ mình đủ giá trị không? Không quan trọng câu trả lời, cứ miễn bạn nghĩ sao là người ta sẽ “mua” vậy.

Bạn có đang bán bản thân với giá thấp không? Có đang bán những thứ bạn muốn bán không? Có muốn bán một giờ trong quỹ thời gian của mình một lần không? Hay bạn muốn tiến lên một cách suy nghĩ khác – từ bán thời gian để kiếm tiền sang bán thời gian để kiếm lợi nhuận?

Khi niềm tin được bao bọc bởi đam mê mãnh liệt, chúng sẽ có sức mạnh thuyết phục hơn bao giờ hết.

Khi bạn bán một thứ/vật mà bạn tin từ trong con tim mình, bạn không còn là đang bán hàng nữa, mà là chia sẻ niềm tin của mình cho người khác.

Vậy niềm tin của bạn có những gì?

Con tim và khối óc. Đó là điều cấu thành sự tồn tại của bạn. Bạn tin vào điều gì? Bạn khao khát những gì? Đó là sự thật trong con người mỗi chúng ta.

BÁN HÀNG HAY VÀ DỞ

Khi mọi người nghĩ về bán hàng, họ thường nghĩ về chiều hướng tiêu cực của nó – hay bán hàng dở. Đó là khi khách hàng không tin vào những thứ bạn bán và bạn cũng không thật sự muốn bán chúng. Nhưng bạn vẫn phải bán chúng. Tại sao? Tại bạn cần tiền để tiếp tục sống. Đó là một kiểu bán hàng không thành thật. Nó thiếu đi niềm tin và sự đam mê, khiến mọi người thiếu đi sự tin tưởng.

Bán hàng hay là khi bạn thực sự tin vào những thứ bạn đang bán. Bạn bị thuyết phục rằng đó là lựa chọn tốt nhất cho bạn và cho các khách hàng của bạn.

Đó là khi bạn có một niềm đam mê cháy bỏng vào những thứ bạn đang bán. Bạn thực sự cảm thấy thoải mái nói về các SDT của mình. Bạn dùng chúng cho bản thân mình. Bạn đã được cảm nhận tận tay những lợi ích chúng mang lại. Nếu nó có ích với bạn… tại sao nó lại không cho những người khác?

Tin và đam mê. Kết hợp hai thứ đó lại và bạn sẽ có kết quả không ngờ tới.

Những người bán hàng giỏi nhất là những người có khả năng dùng niềm đam mê của mình để thuyết phục người khác nhất.

Bạn không thể bán những gì bạn không tự hào.

– GARY HALBERT

THÔNG ĐIỆP CỦA ROBERT ALLEN

Tôi nhớ tới một người bạn của mình, Collette, đã từng cố thuyết phục tôi mua sản phẩm của một mạng lưới thực phẩm chức năng. Tôi thì hoàn toàn không có ý định mua. Sức khỏe và dinh dưỡng đứng hạng đầu tiên… từ dưới lên trong các ưu tiên của tôi. Tôi không hứng thú với các loại vitamin lắm. Tôi đã suýt phì cười khi cô ấy nói tôi nên gia nhập mạng lưới cùng cô ấy. Collette là thư kí của tôi lúc bấy giờ. Tôi là một người thực dụng và tất nhiên là tôi sẽ không bao giờ nghe theo những lời mời gọi kiểu đó. Đặc biệt là với đám vitamin đắt cắt cổ đó.

Bạn thấy đó, niềm tin của tôi ngược 180 độ so với cô ấy. Tôi đã không nghĩ sức khỏe của tôi có bất kì dấu hiệu nguy hiểm nào. (Mặc cho những bằng chứng đi ngược lại như việc thừa đến 23 kg.) Tôi không tin vào dinh dưỡng học. Tôi không tin rằng các vitamin quan trọng đến thế. Tôi cũng không tin vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Sẽ không có cách nào khiến tôi gia nhập và bán hàng cho họ. Với tôi đó là một dạng bán hàng dở.

Nhưng Collette cho rằng đó là bán hàng tốt. Cô ấy có hai đứa con mắc chứng xơ nang, và các sản phẩm thực phẩm chức năng đã giúp cải thiện tình hình rất nhiều. Bản thân cô ấy cũng rất cần tiền sau khi chồng cô đã bỏ lại cô với năm đứa con. Do đó cô ấy có niềm đam mê rất lớn cho việc bán hàng này.

Nhưng cô ấy đã không cố gắng thuyết phục tôi. Cô biết tôi là một người như thế nào. Một tuần sau đó, cô đưa tôi xem tấm ngân phiếu đầu tiên 100 đô. “Tốt thôi”, tôi nghĩ, “Tốt cho cô”, một tháng sau, con số đó lên tới 1.000 đô. “Thú vị đấy,” tôi lại nghĩ. “Tốt cho cô!” Một vài tuần sau cô nói cô có thu nhập 1.000 đô một tuần.

Nào, lúc bấy giờ thì tôi bắt đầu bị thu hút. 1.000 đô/tuần thậm chí còn nhiều hơn số tiền lương tôi trả cho cô ấy làm thư kí. “Hừm, 1.000 đô/tuần. Thu nhập phụ trội. Cô ấy làm thế nào được vậy?” Nên nhớ mục đích của tôi là nghiên cứu và dạy cho mọi người cách kiếm những nguồn thu nhập phụ trội. Tôi đã nghĩ không ai có thể kiếm được ngần ấy tiền phụ trội trong một khoảng thời gian ngắn như vậy – đặc biệt là với cô ấy. Nhưng khi cô ấy chìa ra cho tôi xem những tấm chi phiếu, tôi phải tin rằng đó là sự thật.

Collette là một trong những người bạn thân của vợ tôi. Một lần họ cùng ra ngoài ăn trưa. Vợ tôi không quá nghi ngờ như tôi. Cô ấy nghĩ đó là một ý tưởng không tồi và cố gắng thuyết phục tôi gia nhập một công ty thực phẩm dinh dưỡng có tên gọi USANA. “Không cảm ơn”, tôi nói: “Em tự làm một mình đi”. Bây giờ nhớ lại đó là sáu chữ ngu ngốc nhất mà tôi từng nói. Cô ấy tự thành lập mạng lưới và tiền cũng bắt đầu chảy về.

Nhưng lúc đó tôi vẫn không có nhu cầu gì tham gia những mạng lưới đó. Thôi đành rằng mọi người kiếm được tiền nhưng tôi vẫn không tin vào vitamin. Nó vẫn là một vụ bán hàng tồi đối với tôi. Trong một buổi hội thảo của tôi, trong lúc vợ tôi “tuyên truyền” mạng lưới của cô ấy thì tôi đã rất xấu hổ, đứng một mình trong góc phòng trong khi mọi người nhao nhao muốn gia nhập. Dù gì thì đó cũng là vợ tôi, kể cả sau khi tôi đã giải thích là bản thân mình không có hứng thú với việc đó. Sau đó mọi người bắt đầu gọi cho tôi để nói rằng các sản phẩm vợ tôi bán cho họ thật tuyệt vời. Họ nghĩ chúng thật sự đáng giá. “Hừm,” tôi lại nghĩ: “Có lẽ những thứ này thật sự có hiệu quả, có lẽ ông bác sĩ nào phát minh ra nó thật sự biết mình đang làm gì, có lẽ mình cũng nên thử xem sao.”

Và tôi thử thật. Tôi bắt đầu dùng các sản phẩm và nhận thấy sự thay đổi tích cực. Nhiều năng lượng hơn. Ít đau và mỏi hơn. Ít bệnh tật hơn. Ít cảm cúm viêm họng hơn. Và như mọi người vẫn nói, quá khứ là quá khứ. Tôi đã dùng chúng mỗi ngày trong vòng 15 năm qua và tôi sẽ còn dùng cho đến cuối đời (hi vọng tôi sẽ hưởng dương được lâu hơn). Tôi bây giờ đã thật sự tin tưởng vào chúng.

Quay lại vấn đề tiền bạc, vợ tôi đã thu được vào tài khoản ngân hàng của cô ấy ba triệu đô. Thỉnh thoảng tôi cũng được hưởng sái.

Tiện thể cho bạn biết nhé, cô thư kí trước đây của tôi giờ đây thu nhập hơn một triệu đô một năm. Bây giờ thì tôi không đa nghi như xưa nữa.

Bạn có nhận thấy quãng đường dẫn tôi từ một người hoàn toàn không ủng hộ trở thành ủng hộ không? Lúc ban đầu, tôi nghĩ đó là một trò hề và các sản phẩm thì quá đắt đỏ. Bây giờ, khi tiền túi rủng rỉnh chuẩn bị nhập kho, chúng tôi cười vang trên đường đi đến ngân hàng. Chưa bao giờ chúng tôi thấy hạnh phúc và khỏe mạnh hơn thế.

Khi bạn tin vào một điều gì đó chân thành, nó cũng thay đổi cả sự đam mê của bạn. Bạn bắt đầu muốn nói về chúng. Bạn ít sợ phải nói về chúng hơn. Bởi vì dù ai nói gì đi chăng nữa, chúng đã thật sự có tác dụng tốt với bạn.

Nếu niềm tin của các bạn nhỏ bé và đam mê què cụt, khi có ai đó nghi ngờ bạn sẽ cảm thấy như một kẻ lừa đảo. Lừa gạt. Đó là một vụ bán hàng dở. Nếu như ai đó hỏi bạn: “Đây có phải bán hàng đa cấp không?” bạn co mình trong sự sợ hãi và bắt đầu đưa ra các biện hộ rằng mạng lưới của bạn hoạt động tốt ra sao và rằng chúng khác với các mạng lưới khác ở chỗ nào.

Nhưng nếu bạn thật sự tự tin, khi nghe câu hỏi: “Đây có phải bán hàng đa cấp không?” bạn sẽ trả lời: “Chính xác, tôi không biết bạn có kinh nghiệm như thế nào với các mạng lưới bán hàng đa cấp, nhưng tôi thì có những trải nghiệm tốt đẹp.”

Bạn có thể đã có những kinh nghiệm với một mạng lưới kinh doanh nào đó. Đúng không? (Mark và tôi nghĩ chúng ta nên thử. Đó là một trải nghiệm có ích cho tất cả các doanh nhân). Mục đích của câu chuyện này là để nhấn mạnh với bạn rằng niềm tin và đam mê phải được đánh dấu các mức độ nặng nhẹ khác nhau, qua đó bạn sẽ không bị xa rời với thực tế.

Bạn phải tìm được một thứ bạn tin tưởng và phát triển nó đến khi thành một đam mê. Khi đó bạn không đơn giản là bán hàng nữa, mà là chia sẻ niềm tin và cảm xúc của mình với mọi người.

Điều gì khiến bạn tin tưởng và khao khát mãnh liệt đến mức bị từ chối cũng không thể làm bạn xao động? Câu trả lời chính là bí mật của nghệ thuật bán hàng.

Có thể bạn sẽ hỏi, cái gì xuất hiện trước, Niềm tin hay sự khao khát? Đôi lúc là cái này dẫn đến cái kia. Nhưng dù sao thì cả niềm tin và sự khao khát của bạn cũng phải đạt đến một mức độ nào đó bằng không thì cũng không có gì đặc biệt xảy ra cả. Niềm tin phải đạt đến mức thuyết phục. Khao khát phải là những cảm xúc cháy bỏng và mãnh liệt.

Đó là những biểu hiện của một người có khao khát và niềm tin mãnh liệt. Đó là khi sự quyết tâm của các bạn đã đạt đến ngưỡng cửa của sự thành công. Ngưỡng cửa này có thể được biểu hiện bằng nhiều cách gọi, ví dụ như:

•Ngưỡng tốc độ hay còn được gọi là vận tốc bứt phá. Đó là vận tốc của máy bay lúc rời đường băng để bay lên không trung, là vận tốc của tên lửa bứt phá khỏi sức hút của Trái

Đất để bay vào vũ trụ.

• Ngưỡng nhiệt độ hay điểm sôi – 100 độ C. Đó là nhiệt độ sôi của nước. Nước ở nhiệt độ dưới 100 độ sẽ chỉ là nước… nóng thay vì nước sôi.

• Ngưỡng áp suất là khi nhiệt độ và áp suất được sử dụng trong một khoảng thời gian vừa đủ để biến các-bon bình thường liên kết thành tinh thể – kim cương. Đó cũng là cách sản xuất kim cương tổng hợp ngày nay. Tin hay không tùy bạn nhưng các-bon từ… phân bò có thể biến thành kim cương chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Đôi khi chúng ta muốn một số thứ nhưng lại không tin rằng chúng ta có thể có chúng.

ROBERT ALLEN: Tôi đã muốn giảm khoảng 23 kg, đã thử ăn kiêng hàng trăm lần và cuối cùng là bỏ cuộc. Rồi bác sĩ của tôi cuối cùng cũng thông báo rằng tôi đã mắc bệnh béo phì. Niềm tin của tôi về một sức khỏe đáng báo động leo vọt từ 0 lên 100 trong vòng 60 giây. Đam mê kem và bánh ngọt của tôi lao dốc từ 100 xuống 0 cũng trong khoảng thời gian đó. Với cả niềm tin và đam mê hợp lại, tôi giảm được 23 kg trong vòng 50 ngày sau đó. Và tôi SẼ không béo lên lại nữa.

Khi niềm tin và đam mê của bạn cộng hưởng, kết quả thu được là gần như tức thì. Vậy nếu niềm tin và đam mê cộng hưởng và đạt đến ngưỡng bứt phá thì sao? Khao khát cháy bỏng.

Một ngày một người đàn ông tiến lại gần một nhà triết học và nói: “Hỡi nhà hiền triết vĩ đại, tôi đến vì sự thông thái của người.”

Nhà hiền triết dẫn người đàn ông đó ra biển, bước xuống và dìm ông ta xuống nước trong 30 giây. Khi người đàn ông vươn lên để hít thở, nhà hiền triết yêu cầu ông lập lại mong muốn của mình. “Kiến thức, hỡi nhà hiền triết vĩ đại,” ông kia lập lại.

Nhà hiền triết lại dìm người đàn ông kia xuống nước một lần nữa, lâu hơn so với lần đầu.

Rồi nhà hiền triết lại hỏi: “Ông muốn gì?” Người đàn ông trẻ tuổi cuối cùng vừa thở hổn hển vừa nói: “Không khí, tôi muốn không khí” “Tốt,” nhà hiền triết trả lời: “Nghe này, khi nào anh muốn kiến thức nhiều như khi anh muốn không khí, anh sẽ có nó.”

Thành công không phải là kết quả của những ngọn lửa tự phát. Vì điều đó chỉ làm cho bạn sẽ kết thúc trong ngọn lửa mà thôi.

– REGGIE LEACH

Vậy còn bạn, bạn muốn gì? Ước mơ cháy bỏng của bạn là gì? Bạn thực sự, thực sự, thực sự muốn cái gì? Bạn muốn thứ gì hơn cả không khí, hơn tất cả mọi thứ khác? Tại sao chúng tôi lại hỏi bạn những câu hỏi này?

Đó là bởi khi bạn đặt ra một mục tiêu, sẽ có cả triệu thứ khiến bạn phân tâm từ lúc đó cho đến khi bạn đạt được mục tiêu cuối cùng. Mỗi một sự phân tâm được ngụy trang dưới một mong muốn tức thời, cấp bách, khẩn thiết. Bạn muốn thứ tức thời đó? Hay bạn muốn mục tiêu cuối cùng? Hãy đặt chúng lên hai bàn tay, tay trái cho thứ tức thời, tay phải là mục tiêu cuối cùng.

Tay trái: Bạn muốn cái bánh rán kia không? Tay phải: Hay bạn muốn giảm cân?

Nếu bạn chọn tay trái, bạn sẽ nhận được kết quả đi cùng với nó. Mục tiêu cuối của bạn phải thật bỏng cháy, thật sự quan trọng, là ưu tiên hàng đầu không thể thay thế để KHÔNG MỘT THỨ GÌ có thể khiến bạn phân tâm. KHÔNG MỘT THỨ GÌ có thể mê hoặc, biến đổi hoặc trì hoãn được bạn. Bạn muốn nó cũng giống như bạn muốn không khí để hít thở. Hãy thử không thở trong 60 giây xem. Tôi cá là bạn không thể. Bạn không tin? Cứ thử xem!

Sắp hết 60 giây. Bạn muốn hít thở chứ? Muốn không? Không thứ gì có thể cản bạn mà đúng không? Bạn phải thở đúng không? Không thứ gì có thể phân tâm bạn mà đúng không? Bạn muốn hít thở, và bạn đã hít thở.

Đó cũng là thứ khẩn trương mà bạn muốn có đối với mục tiêu cuối cùng của mình. Bạn thật sự rất muốn nó. Ngay lập tức. Ngay bây giờ. Không thứ gì được phép đi trước cái này. Bạn phải có được nó. Kể cả là sẽ phải mất một tháng, sáu tháng, một năm, hai năm, hay lâu hơn. Bởi vì nó là một phần quan trọng của bạn, bạn không ngừng suy nghĩ về nó, muốn nó, ấp ủ ước vọng cho nó, kì vọng vào nó, tiến lên về phía nó. Không ngừng nghỉ. Không bao giờ lùi bước.

Một khi bạn đã muốn và tin vào một thứ đến mức đó, bạn sẽ không gặp phải vấn đề gì để bán được nó cả. Một lần nữa, đó không gọi là bán hàng. Cũng giống người phụ nữ ghét bán hàng, bạn chỉ đơn giản là thành thật chia sẻ niềm tin và sự đam mê của bạn.

Vậy bạn muốn bán cái gì?

Hãy bán những “trái cây dễ hái” trước tiên. Đó là những sự lựa chọn tốt nhất của bạn.

Sau đây là bài tập “Lau trái lau phải” của bạn. Hãy nhìn qua danh sách các thứ để bán sau đây và tìm cho mình một SDT bạn tự tin sẽ bán được thành công trong vòng 90 ngày sắp tới.

Những sản phẩm nào bán được?

Những thứ bạn đã xài. Đưa chúng lên eBay. Bán quách chúng đi. Bán những tài sản được mua với giá rẻ. Tìm và sang tay “những bất động sản” như thế.

Bán những sản phẩm bạn tự làm. Tạo ra những sản phẩm có thể giải quyết các vấn đề đang thách thức thế giới.

Bán những sản phẩm của người khác. Mua buôn và quảng bá các sản phẩm/cách giải quyết của người khác.

Bán những đồ cũ còn tốt. Học cách sử dụng eBay hoặc các trang bán hàng qua mạng.

Mọi người có thể kiếm tiền được từ đó. Tại sao bạn lại không thể?

Những dịch vụ nào bán được?

Bán một dịch vụ dựa trên các kĩ năng sẵn có. Bạn biết làm gì cho người khác?

Bán những dịch vụ mới dựa trên các kĩ năng mới. Bạn làm được gì mà người khác không làm được?

Bán cho người khác việc học và bán một kĩ năng mới. Bán cho người khác việc học những kĩ năng cũ.

Bán những kĩ năng và dịch vụ của người khác.

Bán cho người khác cách thiết lập một công việc kinh doanh dịch vụ.

Những thông tin nào bán được?

Bán kiến thức của mình. Bạn biết gì người khác không biết? Bán kĩ năng. Bạn biết làm gì người khác không biết và muốn học? Bán kiến thức của người khác. Ai có những kiến thức mà người khác không có và muốn có.

Bán kĩ năng của người khác. Ai có những kĩ năng mà người khác không có và muốn có?

Hãy tìm những thứ bạn thật sự đam mê và tin vào. Và sau đó bắt đầu bán chúng.

Trong tiếng Đan Mạch, từ selji có gốc là “bán”, nhưng nó nghĩa là “phục vụ”. Một trong những “người bán hàng” vĩ đại nhất trên thế giới, Jesus Christ, đã nói: “Người vĩ đại nhất trong tất cả là người phục dịch cho tất cả”. Do đó nếu bạn “phục vụ” người khác bằng sự đam mê, chia sẻ các SDT của mình thì bạn cũng sẽ nhận lại được những gì tốt đẹp nhất như là phần thưởng của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.