Kiếm Tiền Siêu Tốc

6.



NHỮNG TIẾNG NÓI TÍCH CỰC: ĐƯA RA CÂU HỎI MANG TÍNH KHÍCH LỆ

Bạn đã bắt đầu cảm thấy tự tin hơn để điều khiển suy nghĩ và cảm xúc của mình chưa?

Một khi bạn đã kiểm soát được Than thở, giờ là lúc bạn học cách sử dụng Chân thật theo một cách có lợi nhất.

CHỈ HỎI NHỮNG CÂU HỎI MANG TÍNH KHÍCH LỆ TINH THẦN

Hãy học cách kiểm soát các câu hỏi bạn đặt ra cho bản thân. Bộ não bạn hoạt động tốt nhất khi bạn đặt câu hỏi cho nó. Hãy tưởng tưởng bộ não của bạn giống Google. Khi bạn đặt câu hỏi, nó sẽ dò tìm câu trả lời trong bộ trữ dữ liệu khổng lồ bao gồm tất cả các kinh nghiệm bạn từng trải, tất cả kiến thức bạn học, tất cả cuốn sách bạn đọc, tất cả những cuộc hội thoại bạn từng tham gia v.v… Sau khi sắp xếp, xử lý câu hỏi, câu trả lời sẽ sớm được đưa ra.

Bộ não là “một chiếc máy vi tính” mạnh mẽ nhất mà con người biết. “Một chiếc máy vi tính” chỉ nặng chưa đến nửa kí lô nhưng những gì nó có thể làm thật phi thường. Thế nhưng phần lớn chúng ta lại chưa thể tận dụng sức mạnh của nó khi đặt ra những câu hỏi thiếu tự tin và nhụt chí.

Bọn họ nghĩ mình là ai? Mình bị làm sao thế này?

Khi nào thì đời mình hết khổ? Công lý ở đâu trong thế giới này?

Mình còn phải làm việc với lũ đần độn này đến bao giờ nữa? Tại sao một số người lại rảnh rỗi đến thế?

Khi bạn “google” những câu hỏi kiểu này, kết quả tìm kiếm thường sẽ khiến bạn rơi vào một mớ bòng bong những cảm xúc tiêu cực. Bạn rõ ràng không muốn thế rồi.

Các học giả, triết gia và các nhà nghiên cứu như Tiến sĩ Jean Houston đặt ra câu hỏi: “Mục đích thật sự của suy nghĩ con người là gì? Đó là để thực hiện những gì bạn bảo nó làm.” Và vì bạn đang sở hữu một cỗ máy tinh vi nhất “quả đất”, hãy tận dụng nó tối đa bằng cách học những câu hỏi mà có thể khiến cuộc sống bạn trở nên tích cực và yêu đời hơn, qua đó mang lại những kết quả tốt hơn. Đừng nhập vào những gì bạn không muốn, hãy nhập vào những gì bạn muốn:

Tôi có thể gọi ai giúp đỡ mình việc này?

Cách nào nhanh nhất để vượt qua thách thức này? Thời điểm nào tốt nhất để bắt đầu dự án này?

Tôi có thể tìm câu trả lời nhanh nhất ở đâu? Làm sao để thực hiện dự án này thành công? Tại sao mình lại được ưu ái thế này?

Một khi bạn học được cách hỏi những câu hỏi khích lệ như vậy, lẽ dĩ nhiên các kết quả tìm kiếm cũng “tốt” hơn, mặc dù có thể là chỉ khác về mặt hình thức.

Buckminster Fuller đã nói: “Bộ não của bạn sẽ trả lời tất cả các câu hỏi của bạn theo cách bạn đặt câu hỏi.” Nếu bạn hỏi: “Mình sẽ phá sản như thế nào?” bộ não sẽ cho bạn câu trả lời. (Chúng tôi đều đã thử, không phải là một ý kiến hay.) Bây giờ, nếu bạn hỏi: “Làm cách nào để nghỉ hưu được giàu có trong vòng 90 ngày?”, tiềm thức của bạn sẽ dần dần hình thành nên câu trả lời. Trong quá trình đó, bạn sẽ chộp lấy bất kì gợi ý hoặc linh cảm nào của bộ não cung cấp cho bạn để tạo nên câu trả lời bạn mong muốn.

Sự thay đổi tưởng là nhỏ trong cách đặt câu hỏi này có thể ngay lập tức thay đổi hoàn toàn cách bạn nhìn thế giới xung quanh. Thay vì một thế giới toàn những vấn đề và sai lầm, bạn sẽ nhìn ra một thế giới với những cơ hội và những điều kì diệu. Quan trọng hơn là, bạn sẽ nhìn ra bài học từ những sai lầm và cơ hội trong các vấn đề.

Thế kỉ trước đầy những biến động, chiến tranh, chết chóc và tuyệt vọng. Thay vì xua tay thất vọng, một số ít những con người dũng cảm đã nhìn ra những cơ hội biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn: Mẹ Teresa, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, Lech Walesa, Đạt Lai Lạt Ma, Muhammad Yunus, Mahatma Gandhi, Tiến sĩ Martin Luther King, Jr.

Bất chấp mọi thứ, thế kỉ trước vẫn là một thế kỉ kì diệu. Tuổi thọ trung bình của người dân Bắc Mỹ đã tăng từ 48 năm lên 78 năm. Dịch bệnh bị đẩy lùi. Internet kết nối thế giới trong tích tắc.

Thế kỉ này thậm chí sẽ còn tốt đẹp hơn. Ở khía cạnh vĩ mô, con người càng ngày càng khám phá ra những giải pháp khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Trên khía cạnh vi mô – trong cuộc sống thường ngày của bạn, mọi thứ sẽ tốt hơn nếu bạn học được cách sử dụng những câu hỏi mang tính khích lệ, giải phóng năng lực thật sự của bản thân. Cái đó diễn ra tỉ lệ thuận với mong muốn của chính bản thân bạn.

Một số người thích cổ xuý bản thân bằng những quả quyết đại loại như: “Mày thật ghê gớm. Mày thật phi thường. Mày làm được. Mày có đủ lực.” Chúng tôi tin rằng nếu biết cách sử dụng những câu hỏi khích lệ thì hiệu quả mang lại thậm chí còn cao hơn. Như một con ngựa đua thuần chủng, bộ não bạn khao khát được vận động. Nó nôn nóng ngóng từng giây một để được giải quyết vấn đề, tìm kiếm các giải pháp. Một tiếng roi và nó lao đi như một cơn gió. Hãy dùng các câu hỏi khích lệ để bộ não bạn đạt được kết quả tốt nhất. Bộ não bạn luôn có khả năng khiến mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng giống như một chú chó, nó muốn chơi đuổi bắt. Ném cho nó một quả bóng và hãy xem nó chạy đi và mang lại kết quả cho bạn.

Người mà tôi có thể cống hiến hết sức mình và làm tăng giá trị của bản thân.

Con đường nào giúp tôi kiếm tiền nhanh nhất trong vòng 90 ngày hoặc ít hơn.

Thời điểm nào thì hành động thích hợp? Trả lời: Ngay bây giờ. Cơ hội nào là tốt nhất để tôi theo đuổi?

Làm thế nào để tạo ra tài sản trong năm nay, trong tháng này, tuần này, ngày này?

Tại sao tôi lại may mắn sinh ra trong đất nước tươi đẹp này cơ chứ?

CHỈ SỬ DỤNG NHỮNG TỪ NGỮ TÍCH CỰC

Những từ mà bạn sử dụng thường ngày đến từ cái kho thông tin – bộ não. Vậy làm cách nào để học cách sử dụng những từ nhiều năng lượng hơn, tích cực hơn?

Tiến sĩ Yvonne Oswald đã viết 1 cuốn sách tên là Mỗi từ đều có sức mạnh (Every Word Has Power). Bà giải thích rằng mỗi từ chúng ta nói đều có một lượng năng lượng nhất định. Một số có nhiều năng lượng trong khi số khác mang ít hơn. Lấy ví dụ hai từ là tốt và xấu. Bạn nghĩ từ nào trong số đó sản sinh ra nhiều năng lượng hơn? Thử nói những từ sau đây, xem xem phản ứng của bạn như thế nào:

Hạnh phúc Buồn

Khoẻ mạnh Yếu

Lạc quan Bi quan

Dễ Khó

Đẹp Xấu

Tiến sĩ Oswald còn cho thực hành một trò chơi, trong đó bà hướng dẫn các tình nguyện viên về thiên hướng sử dụng các từ ít năng lượng trong mỗi người.

Luật chơi như sau: Mỗi người tham gia sẽ được phát 20 đồng xu vào ngày đầu tiên. Mỗi khi sử dụng một từ mang ý nghĩ tiêu cực, người chơi sẽ phải nộp phạt một đồng cho người nào bắt quả tang. Người bắt được sẽ nói: “Chuyển!” và người bị phạt phải đổi từ đó thành một từ khác tích cực hơn (nhiều năng lượng hơn).

Ví dụ, một người diễn tả một vấn đề… chuyển… một thách thức anh/chị ấy đang đương đầu. “Tôi đang làm một công việc mà tôi ghét… chuyển.. .mà tôi không thích. Sếp tôi là một tên đần… chuyển… không phải một người tốt. Nhưng tôi cần tiền bởi vì tôi có rất nhiều nợ tín dụng… chuyển… tôi sử dụng thẻ tín dụng hơi thường xuyên quá. Bây giờ là lúc phải thanh toán các hóa đơn… chuyển… học cách chi tiêu tiết kiệm hơn. Nhưng tôi bị kẹt với công việc không lối thoát này… chuyển… đang ở một nơi không nhiều tự do như tôi muốn.”

Mục đích của trò chơi là dạy cho người chơi sự nhạy cảm khi chọn từ họ sử dụng hằng ngày.

Hãy thử áp dụng cho bạn và những người bạn nói chuyện hằng ngày. Luyện tập bằng cách xem bản tin tối. Mỗi khi gặp một từ ít năng lượng, hãy nhẩm Chuyển trong đầu. Đếm xem có bao nhiêu lần chuyển trong năm phút một.

Nó sẽ khiến bạn bị sốc… chuyển… khiến bạn cảm thấy bất ngờ.

Còn bây giờ, hãy dành một ngày để xem chất lượng các từ bạn và những người liên quan sử dụng trong ngày. Cố gắng sử dụng những từ tích cực hơn trong giao tiếp cũng như trong suy nghĩ của mình. Bạn sẽ sớm nhạy cảm hơn với những cảm xúc của chính mình. Bạn sẽ hiểu tại sao có những người lại dễ gần đến thế. Họ luôn khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Số khác lại khiến bạn căng thẳng… chuyển… không vui vẻ lắm. Hãy tưởng tượng bạn và những người xung quanh bạn sẽ trở nên lạc quan hơn như thế nào sau một tuần rèn luyện với vốn từ vựng mới này.

Đây là một số ví dụ những từ ít năng lượng mà bạn vẫn nghe thấy hằng ngày:

NHỮNG CÂU NÓI MẤT VUI

Tôi không có tiền.

Tôi đang thất nghiệp.

Nền kinh tế đang đi xuống.

Mọi người đang bị sa thải.

Tôi chả có trình độ gì cả.

NHỮNG CÂU NÓI VUI

Tôi tạm thời “viêm màng túi” nhưng đang trên đường trở thành triệu phú.

Tôi đang khám phá sự đáng yêu hoàn hảo của bản thân mà không bị giới hạn thời gian.

Đang có một khoảng lặng trong sự phát triển và chúng ta quyết định không tham gia vào.

Tôi đang cố gắng phấn đấu trở nên không thể ai thay thế tôi trong công việc.

Tôi sẽ học ít nhất một kĩ năng kiếm tiền một tháng.

Nếu bạn đã từng viết blog hoặc báo gì đó, hãy thử quay lại đọc bài của các bạn với chiếc “thấu kính” mới này. Để ý xem bạn đã sử dụng loại từ nào nhiều hơn?

ĐỪNG SUY NGHĨ BẰNG CÁC TỪ TIÊU CỰC

Ồ, các bạn để ý không? Đọc lại tiêu đề trên và nhớ Chuyển lần này.

CHỈ SUY NGHĨ BẰNG NHỮNG TỪ TÍCH CỰC

Có lẽ bạn có thể dễ dàng nhận ra trong hai tiêu đề trên, cái nào khiến bạn cảm thấy có nhiều sinh khí hơn.

Và từ bây giờ, chúng tôi cũng khuyến khích bạn cố gắng rèn luyện nhiều hơn bằng cách sử dụng những từ tiêu cực… chuyển… bằng cách nghĩ về mọi thứ một cách tích cực, kể cả là thực tế chúng không được tích cực cho lắm.

Sau đây là trích đoạn nội dung bài diễn thuyết của Bob Proctor, người dẫn chương trình của một bộ phim tài liệu nổi tiếng Bí mật (The Secret):

Hãy từ bỏ cái suy nghĩ rằng mọi thứ đều tiêu cực đi. Hãy cứ cho là mọi thứ đều tốt đẹp đi. Không quan trọng là thứ gì, tất cả chúng ta đều chỉ nhìn vào mặt tốt của chúng. Tôi tin là nếu chúng ta có thể làm được điều đó, chúng ta sẽ vượt qua giới hạn của mỗi người. Chúng ta phải nhìn được mặt tốt của mọi việc. Khi chuyện không mong muốn xảy ra, hãy nghĩ: “Khoan đã nào, chuyện này liệu có đem lại mặt tích cực nào không?” Và hãy tìm mặt tích cực của nó. Bất kể là vấn đề gì đi chăng nữa. Hãy cứ làm như vậy. Tôi không bao giờ tin việc luôn nhìn vào mặt tiêu cực của một vấn đề có thể đem lại cho chúng ta bất kì một lợi ích nào. Ngược lại, chỉ khi chúng ta nhìn vào mặt tích cực của nó, chúng ta mới có khả năng tìm được một giải pháp nào đó. Bạn không thể giải quyết một vấn đề chỉ bằng cách tập trung vào những điểm không tốt của nó. Bạn chỉ có thể giải quyết nó đứng từ góc nhìn tích cực. Đừng chỉ biết chỉ trích. Hãy nhìn những người chỉ biết kêu ca, rõ ràng là làm như vậy không đem lại kết quả gì. Bọn họ còn không thể sống vui vẻ. Bọn họ tập trung quá nhiều vào những thứ không vui, những mặt trái. Như thế không tốt một chút nào. Những tên ngốc cũng có thể chỉ ra những cái sai trái. Hiển nhiên mà. Điều chúng ta nên làm là rèn luyện để nhìn ra cái gì đúng. Luôn có mặt tích cực trong mọi vấn đề. Và, giả sử là, bạn thường gặp khó khăn nhìn ra các mặt tích cực ấy. Thậm chí đôi lúc không nhìn ra. Nhưng, tôi biết chắc một điều là, nếu bạn không tìm thì sẽ chẳng bao giờ tìm được. Hãy đi tìm, đến lúc đó bạn sẽ hiểu đây là một lời khuyên bổ ích đến mức nào.

Để ý những câu hỏi khích lệ của Bob: “Chờ một chút. Cái này có cái gì tốt? Cái kia có cái gì tốt?”

Tiến sĩ Ken Blanchard, một trong những người bạn thân của chúng tôi, đồng thời là tác giả của cuốn sách ăn khách Quản lý một phút (The One Minute Manager) gần đây có “cơ hội” để áp dụng những suy nghĩ tích cực này. Vào ngày 14 tháng 10 năm 2007, ông ấy được tin báo là ngôi nhà 30 năm tuổi của gia đình đã bị thiêu rụi sau một đám cháy tại bang California.

Sau đó vài ngày, ông xuất hiện tại một chương trình truyền hình của Larry King để nói về sự việc trên. Larry hỏi ông về mất mát to lớn đấy, ông trả lời đơn giản mà sâu xa: Một số thứ rất quan trọng trong khi số khác chỉ là vật chất đơn thuần. Vật chất thì luôn có thể thay thế. Mất thì cũng tiếc nhưng miễn là mọi người trong gia đình tôi an toàn, vậy là tôi vui rồi.

Sau đó, Ken viết một bài báo dài bốn trang nói về cảm nghĩ của ông sau vụ cháy. Trong đó, ông làm theo một bài tập trong cuốn sách Sau cuộc chơi, mọi quân bài đều quay về cái hộp (At the End of the Game, It All Goes Back in the Box) của John Ortberg. Bài tập đó có nội dung như thế này:

Bây giờ là 4 giờ chiều, bạn chuẩn bị đi về nhà. Có hai tập dán ghi chú, một là Quan trọng mãi mãi, một là Vật chất nhất thời. Bạn hãy dán các ghi chú đó lên mọi thứ bạn nhìn thấy trên đường về: máy tính của bạn, bàn, cô thư kí, máy lọc nước, cô lễ tân, xe hơi, nhà của bạn, vợ/chồng bạn, đám trẻ, tất cả mọi thứ mà bạn thấy.

Tiếp đó, Ken miêu tả khi ông đến nhìn đống tro tàn còn lại của căn nhà:

Chiều hôm đó, Maggie, Debbie, Tom (anh trai của Maggie, giám đốc công ty của chúng tôi) và tôi đi đến địa điểm vụ cháy. Khi đến nơi, Carlos và Sharon, Scott, Mad và ba đứa bé khác đã đang lục tìm trong đống đổ nát xem còn thứ gì chưa bị huỷ hoại không. Không thu được gì. Maggie và tôi dạo bộ dọc theo con đường quanh nhà, khung cảnh tuyệt đẹp giờ hiện hữu một căn nhà đã cháy thành tro. Buổi sớm hôm đó, tôi nhận được một cuộc gọi từ một người bạn, Tom Crum, một nhà văn, bậc thầy Aikido, người có một tâm hồn tuyệt vời. Anh ấy nói trong thư phòng của anh có một câu cổ ngữ của Nhật như thế này: “Bây giờ khi căn nhà của tôi đã bị đốt cháy, tôi lại có thể nhìn thấy ánh trăng.” Tôi đã thật sự có một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho giờ phút ấy.

“Quan trọng mãi mãi” hoặc “Vật chất nhất thời”. Khi mà bạn hiểu được sự khác biệt giữa hai khái niệm ấy, thế giới sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Kể cả khi sự việc không được như ý muốn, sẽ tốt hơn nếu bạn biết trân trọng mọi thứ. Bởi vì phần lớn sự vật thường chỉ là Vật chất mà thôi.

ROBERT ALLEN: Tôi gặp phải một tai nạn ôtô kinh khủng sáu năm trước. Trong gang tấc đối mặt với tử thần. Khi tôi tỉnh dậy khỏi cơn hôn mê, tôi thấy thật hạnh phúc khi còn sống. Chiếc Lexus 430 SC trở nên quá tầm thường. Nó chỉ là vật chất. Mỗi phút sống bây giờ là một phút tôi trân trọng. Tôi luôn thầm nghĩ sau mỗi hơi thở: “Cảm ơn Chúa, Cảm ơn Người, Cảm ơn.” Cả trăm lần mỗi ngày. Sáu năm sau vẫn thế. Bản thân cuộc sống đã là một phép màu.

Vậy suy nghĩ tích cực hơn thì ảnh hưởng gì đến việc kiếm tiền? Mọi phương án kiếm tiền đều liên quan đến con người – ý tưởng, các mối quan hệ, tài nguyên. Điều gì khiến mọi người muốn làm ăn với bạn? Bạn có tự tin không? Hay là căn phòng sáng hẳn lên mỗi khi bạn bước ra ngoài? Cách bạn nghĩ tạo nên hi vọng. Hi vọng thì lan truyền rất nhanh. Tốc độ như cánh chim hi vọng mà.

Chỉ đặt những câu hỏi khích lệ.

Chỉ dùng những từ nhiều năng lượng. Chỉ nghĩ theo hướng tích cực.

Nếu bạn làm được như thế, bạn sẽ đạt được trạng thái Trầm trồ nhanh hơn và thường xuyên hơn. Hãy chú ý tất cả mọi thứ bạn có: bạn đang sống, nơi bạn ở với những thứ bạn có, trong khi không phải tất cả trong số bảy tỉ người trên hành tinh này có được tự do như bạn đang có. Trầm trồ! Hãy nhìn vào những người xung quanh bạn – những người đang và có thể đã đạt được giấc mơ của họ. Trầm trồ!

Hãy nhìn vào những phép màu vô hình thường ngày. Hãy trân trọng từng phút giây như một món quà vô giá mà cuộc sống mang lại cho bạn. Hãy bỏ qua nỗi sợ hãi. Đây là thời điểm để bạn toả sáng.

Từ chối nhìn vào những cái xấu… chuyển… chỉ nhìn vào những mặt tốt. Thay đổi suy nghĩ của bạn và hướng đến cái đích cuối cùng. Nhìn vào những mặt tích cực của những thất bại… chuyển… những thành công còn dang dở. Bạn có thể học được gì? Và những bài học này giúp ích bạn thế nào trong tương lai? Mặt tích cực của chúng ở đâu? Hãy cố gắng nhìn ra những mặt tích cực càng nhanh càng tốt. Càng nhanh thì càng ít sự chịu đựng… chuyển… bạn càng thảnh thơi. Mỗi khi bạn nhìn ra mặt tích cực, hãy thở dài một cái và hãy thán phục nó.

Theo cách này, không cái gì hoặc không cái gì trong tương lai xa có thể khiến bạn phiền não… chuyển… luôn luôn tìm kiếm những giá trị tích cực bị che phủ trong những kinh nghiệm của cuộc sống.

Luôn có những mặt tích cực trong mọi mặt của cuộc sống. Hãy tìm chúng, ngay bây giờ!

Suy nghĩ tích cực đem lại những kết quả tích cực.

– MARK VICTOR HANSEN

Sau đây là bài tập “Lau trái, lau phải” của bạn.

Hãy chọn một trong số những bài tập sau đây mỗi ngày trong vòng bốn ngày sắp tới.

1. Chú ý những câu hỏi bạn hay đặt ra cho bản thân. Chuyển chúng thành dạng tích cực hơn. Hãy ghi nhớ, kết quả tìm kiếm của bộ não phụ thuộc vào hình thức câu hỏi. Hỏi: “Kiếm một đồng như thế nào?” hay “Kiếm một triệu như thế nào?” sẽ ra những kết quả khác nhau.

2. Hãy chú ý những từ bạn sử dụng (ít hay nhiều năng lượng).

Nhẩm xem trong một ngày bạn phải chuyển bao nhiêu lần.

3. Dán nhãn Quan trọng mãi mãi và Vật chất nhất thời cho mọi thứ bạn nhìn thấy ngày hôm nay.

4. Mỗi lần bạn cảm thấy hạnh phúc vì một việc nào đó, hãy nghĩ đến từ Trầm trồ. Đừng dừng lại đến khi đủ 100 lần một ngày.

Hẹn gặp lại bạn ngày mai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.