Kinh Dịch Trọn Bộ

QUẺ CẤN



☶ Cấn trên; ☶ Cấn dưới

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ Cấn, Tự quái nói rằng: Chấn là động, các vật không thể động mãi, ngăn nó cho nên tiếp đến quẻ Cấn[1]. Cấn nghĩa là ngăn, động với tĩnh phải nhân nhau, động thì có tĩnh, tĩnh thì có động, các vật không lẽ động luôn, vì vậy quẻ Cấn mới nối quẻ Chấn. Cấn là đậu, không nói đậu mà nói cấn, là vì Cấn là Tượng núi, có ý yên nặng rắn đặc, nghĩa chữ “đậu” không thể hết được. Kiền Khôn giao nhau, ba lần mà thành quẻ Cấn, một khí Dương ở trên hai khí Âm, Dương là vật động mà tiến lên, đã đến bậc trên thì phải đậu lại. Âm là im lặng, trên đậu mà dưới im lặng, cho nên là Cấn. Thế thì với nghĩa “chứa đậu” khác nhau thế nào? Đáp rằng: Chứa đậu là nghĩa ngăn chế mà chứa lại, lấy sức mà làm cho đậu; cấn đậu là nghĩa yên ổn mà đậu, tức là đậu vào nơi chốn của nó.

LỜI KINH

艮其背, 不獲其身, 行其庭, 不見其人, 无咎.

Dịch âm. – Cấn kỳ bối, bất hoạch kỳ thân, thành kỳ đình, bất kiến kỳ nhân, vô cữu.

Dịch nghĩa. – Đậu thửa lưng, chẳng được thửa mình, đi thửa sân, chẳng thấy thửa người, không lỗi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Người ta sở dĩ không yên đậu[2] được là vì bị động về sự ham muốn. Sự ham muốn có kéo ở đằng trước, mà cần nó đậu thì không thể được, cho nên đạo đậu, nên đậu cái lưng. Những cái trông thấy đều ở đằng trước, mà lưng thì trái ngược lại, ấy là nó không trông thấy. Đậu vào chỗ không trông thấy, thì không có sự ham muốn làm loạn lòng mình, sự đậu mới yên. “Chẳng được thửa mình” tức là chẳng thấy mình mình, nghĩa là quên mình đi vậy. Không có mình nữa, thì là đậu rồi… “Đi thửa sân chẳng thấy thửa người” là sao? Sân thềm là chỗ rẩt gần, ở đằng lưng tuy chỗ rất gần cũng không thấy, nghĩa là không giao tiếp với vật ngoài nữa. Vật ngoài không tiếp xúc, sự ham muốn bên trong không sinh ra; như thế mà đậu, mới đúng đạo “đậu”, với thì đậu là không có lỗi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Cấn là đậu. Một Dương đậu trên hai Âm, Dương tự dưới lên, đến chỗ nhất thì đậu. Tượng nó là núi, lấy về dáng “đất Khôn cao lên”, cũng là ý “đậu chỗ cùng tột mà không tiến nữa”. Lời Chiêm của nó thì là “ắt phải đậu ở đằng lưng mà không có mình, đi ở sân mà không thấy người, mới là không lỗi”. Bởi vì thân thể là vật hay động, chỉ có cái lưng là đậu, đậu ở lưng thì là đậu chỗ đáng đậu, đậu chỗ đáng đậu thì sẽ không theo thân thể mà động, ấy là không có mình nữa. Như thế thì tuy đi ở sân thềm là chỗ có người mà cũng không trông thấy người. Bởi vì “đậu thửa lưng mà chẳng thấy được mình” là đậu mà đậu. “Đi thửa sâu mà chẳng thấy thửa người” là đi mà đậu. Động tĩnh đều đậu vào nơi chốn mà lưng thì chủ về tĩnh, vì vậy mới được không lỗi.

LỜI KINH

彖 曰: 艮 止 也, 時 止 則 止, 時 行則 行, 動 静 不 失 其 時, 其 道 光 明.

Dịch âm. – Thoán viết: Cấn chỉ dã. Thì chỉ tắc chỉ, thì hành các hành. Động tĩnh bất thất kỳ thì, kỳ đạo quang minh.

Dịch nghĩa. – Lời Thoán nói rằng: Cấn là đậu vậy. Lúc đáng đậu thì đậu, lúc đáng đi thì đi. Động tĩnh không lỗi thửa thì, thửa đạo sáng tỏ.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Cấn là đậu, Đạo “đậu” chỉ cốt ở thời Đi đậu, động tĩnh không theo thời là càn. Chẳng lỗi thời thì là thuận lẽ mà hợp nghĩa. Ở việc là lẽ, khu xử với việc là nghĩa. Động tĩnh hợp lẽ và nghĩa là không lỗi thời, ấy là đạo mình sáng tỏ.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây thích nghĩa tên quẻ. Nghĩa Cấn là đậu, nhưng đi hay đậu đều phải có thời, cho nên lúc đáng đậu mà đậu là đậu, lúc đáng đi mà đi cũng là đậu. Thể Cấn dầy đặc, cho nên có nghĩa sáng tỏ. Quẻ Đại xúc vè thể Cấn cũng nói sáng láng.

LỜI KINH

艮 其 止, 止 其 所 也.

Dịch âm. – Cấn kỳ chỉ, chỉ kỳ sở dã.

Dịch nghĩa. – Đậu thửa đậu, là đậu thửa chốn vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – “Đậu thửa đậu” nghĩa là bị ngăn đậu lại mà đậu vậy. Bị ngăn đậu lại mà là tại đậu được nơi chốn. Đậu mà không đúng nơi chốn thi không có lẽ đậu được.

LỜI KINH

上 下 敵 應, 不 相 與 也.

Dịch âm. – Thượng hạ địch ứng, bất tương dữ dã.

Dịch nghĩa. – Trên dưới chọi ứng, chẳng cùng nhau vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây lấy tài quẻ mà nói. Hai thể trên dưới, lấy sự chọi nhau mà ấn với nhau, thì không có nghĩa cùng với nhau, Âm Dương ứng nhau thì tình thông nhau mà cùng với nhau, đằng này vì sự chọi nhau, cho nên không cùng với nhau.

Không cùng với nhau thì là trái nhau.

LỜI KINH

是 以 不 獲 其 身, 行 其 庭, 不 見 其 人, 無 咎 也.

Dịch âm. – Thị dĩ bất hoạch kỳ thân, hành kỳ đình bất kiến kỳ nhân, vồ cữu dã.

Dịch nghĩa. – Vì vậy chẳng được thửa mình, đi thửa sân chẳng thấy thửa người, không lỗi vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trinh Di. – Trái nhau cho nên chẳng thấy thửa mình, chẳng thấy thửa người nên mới đậu được, đậu được thì không có lỗi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây thích lời quẻ, đổi chữ 背 (bối) làm chữ 止 (chỉ)[3], để tỏ lưng tức là đậu. Lưng là chốn đậu. Lấy thể quẻ mà nói: quẻ trong quẻ ngoài. Âm Dương chọi ứng với nhau mà không cùng nhau. Không cùng nhau thì trong chẳng thấy mình, ngoài chẳng thấy mình, và không có lỗi. Họ Triều nói rằng: “Câu 艮 其 止 cấn kỳ chỉ”, chữ 止 (chỉ) nên theo lời quẻ[4] đổi làm chữ (bối).

LỜI KINH

象 曰: 兼 山 艮, 君 子 以 思 不 出 其 位.

Dịch âm. – Tượng viết: Kiêm sơn Cấn, quân tử dĩ tư bất xuất kỳ vị.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Gồm núi là quẻ Cấn. Đấng quân tử coi đó mà nghĩ chẳng việc thửa ngôi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Trên dưới đều là núi, cho nên nói là gồm núi. Cái này nhập với cái kia là “gồm” tức là trùng điệp vậy. Trùng điệp là tượng của Cấn. Đấng quân tử coi tượng Cấn đậu mà nghĩ chỗ đậu không vượt ra ngoài ngôi mình. Ngôi tức là phận mình ở . Muôn việc đều có nơi chốn, hễ đúng nơi chốn thì là đậu yên. Hoặc thái quá, hoặc bất cập, đều là vượt ra ngoài ngôi.

LỜI KINH

初 六: 艮 其 趾, 無 咎, 利 永 貞.

Dịch âm. – Sơ Lục: Cấn kỳ chỉ, vô cữu, lợi vĩnh trinh.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Đầu: Đậu thửa ngón chân, không lỗi, lợi về dài lâu chính bền.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trinh Di. – Hào Sáu ở chỗ thấp nhất, là Tượng ngón chân, và là vật động trước vậy. “Đậu thửa, ngón chân” tức là đậu ngay từ khi mới động. Các việc đậu từ lúc đầu, chưa đến bị hỏng, cho nên không lỗi. Lấy chất mềm, ở chỗ thấp, đứng vào thì đậu, nếu đi thì mất sự chính, cho nên đậu lại mới không lỗi. Những kẻ Âm mềm chỉ lo không thể giữ được thường thường, vì không được bền cho nên khi đầu cuộc đậu, phải lấy sự lợi về thường lâu chính bền mà răn, có thể mới không sai đạo đậu.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy chất Âm mềm ở đầu cuộc đậu, tức là tượng đậu ngón chân. Kẻ xem như thế thì không có lỗi. Lại vì nó là Âm mềm, cho nên phải răn thêm rằng: “Lợi về dài lâu chính bền”.

LỜI KINH

象 曰: 艮 其 趾, 未 失 正 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Cấn kỳ chỉ, vị thất chính dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đậu thửa ngón chân, chưa mất chính vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đáng đậu mà đi, không phải là chính. Đậu từ lúc đầu, cho nên đến mất sự chính. Đậu từ lúc đầu thì dễ mà chưa đến lỗi vậy.

LỜI KINH

六 二: 艮 其 腓, 不 拯 其 隨, 其 心 不 快.

Dịch âm. – Lục nhị: Cấn kỳ phì, bất chủng kỳ tùy, kỳ tâm bất khoái.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Hai: Đậu thửa bụng chân, chẳng cứu thửa theo, thửa lòng chẳng sướng.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Hai ở giữa được chính là được đạc đậu. Hào Ba ở trên thể dưới là chủ cuộc đậu, nhưng nó cứng mà mất đạo giữa, không được sự vừa phải của đạo đậu. Hào Hai đi đậu thuộc về quyền kẻ làm chủ, không được tự do, cho nên là Tượng bụng chân. Đùi động thì bụng chân phải theo, động hay đậu là ở cái đùi không ở bụng chân, hào Hai đã không thể lấy đạo giữa chính cứu sự “chẳng giữa” của hào Ba, thì ắt gượng mà theo nó. Chẳng cứu được mà phải dạ theo, tuy lỗi không phải tại mình, nhưng mà lòng nó há muốn như thế? Nói không nghe, đạo không thực hành, cho nên lòng nó không sướng, vì nó không được thi hành ý chí của nó.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Sáu Hai ở giữa được chỗ chính, đã đậu bụng chân rồi. Hào Ba là chỗ giới hạn tức là kẻ mà hào Hai phải theo, nhưng nó quá cứng không giữ mà đậu ở trên, hào Hai tuy là giữa chính mà thể chất mềm yếu, không thể đi mà cứu nó, cho nên trong lòng không sướng. Hào này lời Chiêm ở trong Tượng, hào dưới cũng vậy.

LỜI KINH

象 曰: 不 拯 其 隨, 未 退 聴 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Bất chửng kỳ tùy, vị thoái thính dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Chẳng cứu thửa theo, chứa lui nghe vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Sở dĩ chẳng cứu nó mà lại dạ theo, là vì kẻ ở trên chưa xuống mà theo. Lui nghe nghĩa là xuống mà theo vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Ba đậu ở trên, cũng chẳng chịu xuống mà theo hào Hai.

LỜI KINH

九 三: 艮 其 限, 列 其 夤, 厲 薰 心.

Dịch âm. – Cửu tam: Cấn kỳ hạn, liệt kỳ di, lệ huân tâm.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Ba: Đậu thửa hạn, xé thửa thăn, nguy hun lòng.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hạn là chia cách, chỉ về khoảng giữa trên dưới. Hào Ba lấy chất cứng ở chỗ cứng mà không giữa, làm chủ việc làm nên quẻ Cấn, quyết đậu đến tột bậc vậy. Đã ở trên thể dưới mà ngăn giới hạn trên, dưới, đều là nghĩa đậu, cho nên là đậu thửa hạn. Đó là kẻ ấn định đậu lại mà không tiến lui. Ở thân thể người ta, thì như xé thăn vậy. Thăn là thịt thăn, là chỗ trên dưới giao nhau; xé đứt thịt thăn thì trên dưới không theo thuộc với nhau, ý nó nói đậu ở dưới chắc lắm. Người ta cố đậu một xó, cả đời không ai ưng vừa với mình, thì sự khó khăn tức sợ đốt rối trong lòng, lẽ nào mà yên nhàn được? Nguy hun lòng nghĩa là cái thế không yên hun đốt cháy trong lòng vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hạn chỉ về chỗ trên dưới giao nhau trong thân thể người ta, tức là từ chỗ ngang lưng đến đùi. Thăn là thịt thăn. Hào Chín Ba lấy chất quá cứng

không giữa, nằm ở chỗ giới hạn mà đậu thửa hạn thì không có duỗi được nữa mà trên dưới chia cách như xé thịt thăn vậy. Nguy hun lòng nghĩa là chẳng yên một cách thái thậm vậy.

LỜI KINH

象 曰: 艮 其 限, 危 薰 心 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Cấn kỳ hạn, nguy huân tâm dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đậu thửa hạn, nguy hun lòng vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Ý nói nó cứ cố đậu không thể tiến lui, cái lo về sự hiểm nghèo thường thường hun đốt trong lòng.

LỜI KINH

六 四:艮 其 身, 無 咎.

Dịch âm. – Lục Tứ: Cấn kỳ thân, vô cữu.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Tư: Đậu thửa mình, không lỗi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Tư là ngôi đại thần, đậu chỗ đáng đậu trong thiên hạ. Vì nó Âm mềm mà không gặp vua Dương cứng, cho nên không thể làm đậu người khác mà chỉ tự đậu thân mình, thì được không lỗi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lây chất Âm ngôi Âm, lúc đáng đậu mà đậu, cho nên là Tượng “đậu thửa mình” mà Chiêm thì là không lỗi.

LỜI KINH

象 曰: 艮 其 身, 止 諸 躬 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Cấn kỳ thân, chỉ chư cung dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đậu thửa mình, là đậu chưng mình vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Không thể làm cho thiên hạ cùng đậu, mà chỉ đậu được thân mình, há đủ xứng ngôi đại thần?

LỜI KINH

六五:艮其輔, 言有序, 悔亡.

Dịch âm.- Lục Ngũ: Cấn kỳ phụ ngôn hữu tự, hối vong.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Năm: Đậu thửa mép, nói có thứ tự, ăn năn mất.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Cái mà người ta cần phải cẩn thận là nói và làm, hào Năm ở trên, cho nên lấy mép mà nói. Mép là chỗ tiếng nói bởi đó mà ra, đậu ở mép thì nó sẽ không ra càn mà có thứ tự. Nói ra bằng cách khinh xuất thì có ăn năn, ngăn nó ngay tự cái mép thì sự ăn năn sẽ mất.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Năm nhằm vào chỗ mép, cho nên tượng nó như thế mà Chiêm thì là “năm năm mất”. Ăn ăn chỉ về nó lấy chất Âm mà ở ngôi Dương.

LỜI KINH

象曰: 艮其輔, 以中正也.

Dịch âm.- Tượng viết: Cấn kỳ phụ, dĩ trung chính dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đậu thửa mép, lấy giữa chính vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Cái hay của hào Nảm là đức giữa. Đậu thửa mép là đậu ở giữa, ý nói lấy đức giữa làm chính vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Chữ 正 (chính) là chữ thừa, kháp vần[5] đủ thấy.

LỜI KINH

上九: 敦艮, 吉.

Dịch âm.- Thượng Cửu: Đôn Cấn, cát.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Trên – Dầy đậu, tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Chín lấy chất cứng ở ngôi trên, lại là chủ làm thành quẻ Cấn đóng cuộc đậu, cho nên không là thái quá mà dầy dốc. Sự đậu có thể chỉ khó giữ lâu tới chót, cho nên tiết tháo khi về già thì đổi, sự thao thủ có khi đến chót thì mất, công việc có khi đến lâu thì hỏng, đó là cái lo chung của mọi người. Hào Chín Trên có thể dầy dốc tới lúc sau chót, tức là cách đậu rất hay, cho nên mới tốt.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy chất Dương cứng ở trót cuộc đậu, tức là kẻ hậu kỹ về sự đậu.

LỜI KINH

象曰: 敦艮之吉, 以厚終也.

Dịch âm.- Tượng viết: Đậu Cấn chi cát, dĩ hậu chung dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đầy đậu mà tốt, vì dầy chót vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Việc trong thiên hạ; chỉ có giữ được đến trót là khó Dầy dốc về sự đậu, là kẻ có trót đó. Hào Trên mà tốt, vì Dầy dốc[6] được đến trót vậy.

Chú thích:

[1] Chử 艮 (cấn) có nghĩa là “ngăn, là đậu”.

[2] Đậu là dừng lại, đứng lại, đỗ lại.

[3] Tức là chữ 趾(chỉ) trong câu 艮 其 趾(Cấn kỳ chỉ) ở đoạn trên.

[4] Tức là câu 艮 其 背(Cấn kỳ bối).

[5] Nghĩa đen là đem chữ “trung” ở câu này kháp vần với chữ “cung” ở lời Tượng hào Tư và chữ “chung” ở lời Tượng hào dưới đây.

[6] Những chữ “dầy”, chữ “dốc” ở hào này là để dốc lòng, dốc sức, không có nghĩa khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.