Kinh Dịch Trọn Bộ

QUẺ KIỂN



Khảm trên; Cấn dưới

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di – Quẻ Kiển, Tự quái nói rằng: Lìa thì trái, trái thì khó, cho nên tiếp đến quẻ Kiển[1]. Kiển là trái khó, trong thì lìa trái, ắt có kiển khó vì vậy quẻ Kiển mới nối quẻ Khuê. Kiển là nghĩa hiểm trở, cho nên mới là kiển khó: Nó là quẻ Khảm trên Cấn dưới, Khảm là hiểm, Cấn là đậu, tức là chỗ hiểm ở đằng trước, phải đậu lại không thể tiến được. Phía trước có chỗ hiểm trũng, phía sau có chỗ cao chắn, cho nên là Kiển.

LỜI KINH

蹇利西南,不利柬北,利見大人,貞吉.

Dịch âm. – Kiển lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc, lợi kiến đại nhân trinh cát.

Dịch nghĩa. – Quẻ Kiển, lợi Tây Nam không lợi Đông Bắc, lợi về sự thấy người lớn, chính thì tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Tây Nam là phương Khôn, Khôn là đất, thể nó xuôi thuận bình dị. Đông Bắc là phương Cấn, Cấn là núi, thể nó ngừng đậu mà hiểm hóc. Trong thì kiển khó, lọi về xuôi thuận ở nơi bình dị không lợi về ngừng đậu ở chỗ nguy hiểm, ở chỗ thuận dễ thì nạn có thể thư, đậu chỗ nguy hiểm thì nạn càng tệ. Trong thì kiển khó, ắt có người thánh hiền, có thể làm cho thiên hạ qua nạn, cho nên lợi về sự thấy người lớn. Người làm qua nạn, ắt phải đùng đạo cả chính mà giữ cho bền, cho nên chính thì tốt. Đại phàm xử trí lúc nạn, cốt ở được trinh chính, dù cho không giải được nạn, cũng không bị mất chính đức, vì vậy mới tốt. Nếu gặp nạn mà không giữ vững được sự thao thủ, bị sa vào đường tà lam, tuy được cẩu thả khỏi nạn, cúng là ác đức, kẻ biết nghĩa mệnh không chịu làm thế.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Kiển nghĩa là nạn, cái nạn chân không đi được[2]. Nó là quẻ Cấn dưới Khảm trên, thấy chỗ hiểm trở, đương ở trong hồi chữ Kiển, không nên chạy vào chỗ hiểm. Lại, quẻ này tự quẻ Tiểu quá mà lại, khí Dương tiến lên thì ở ngôi Năm mà được ở giữa, lui xuống thì vào thể Cấn mà không tiến được, cho nên lời chiêm của nó là lợi Tây Nam, mà không có lợi Đông Bắc. Đương thì Kiển phải thấy người lớn, rồi mới có thể qua nạn, lại phải giữ cho chính đính, thì mới được tốt. Mà hào Chín Năm trong quẻ, cứng mạnh, trung chính, có Tượng người lớn, từ hào Hai trở lên, năm hào đều được ngôi chính, thì lại là nghĩa “trinh” nửa, cho nên lời chiêm của nó lại nói “lợi thấy người lớn, chính thì tốt”. Bởi vì thấy chỗ hiểm, quí ở biết đậu, mà lại không thể đậu đến cùng chót, ở chỗ hiểm thì lợi về tiến lên, nhưng không thể bỏ mất chính đạo.

LỜI KINH

彖曰:蹇,難也,險在前也.

Dịch âm. – Thoán viết: Kiển nan dã, hiểm tại tiền đã.

Dịch nghĩa. – Lời Thoán nói rằng: Kiển là khó vậy, hiểm ở trước vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Kiển là khó vậy, Kiển mà là khó, cũng như Kiển là mạnh. Hiểm ở trước nghĩa là Khảm hiểm ở phía trước, phải đậu lại mà không tiến được cho nên là Kiển.

LỜI KINH

見險而能止,知矣哉.

Dịch âm. – Kiển hiểm nhi năng chỉ, tri hỹ tai!

Dịch nghĩa. – Thấy hiểm mà biết đậu, khôn vậy thay!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây lấy tài quẻ để nói cách xử trí lúc Kiển. Trên hiểm mà dưới đậu, tức là thấy hiểm mà đậu, nếu phạm vào chỗ hiểm mà tiến lên, thì có hối hận lầm lỗi, cho nên khen nó biết đậu là khôn. Đương lúc kiển khó, chỉ có biết đậu là hay, cho nên, các hào, trừ hào Năm và hào Hai, đều cho sự đi là hỏng.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây lấy đức quẻ thích nghĩa tên quẻ mà khen cái tốt của nó.

LỜI KINH

蹇利西南,往彳t中也,不利東北,其道窮也ẵ

Dịch âm. – Kiển lợi Tây Nam, vãng đắc trung dã, bất lợi Đông Bắc, kỳ đạo cùng dã.

Dịch nghĩa. – Quẻ Kiển lợi Tây Nam, đi được vào giữa vậy, chẳng lợi Đông Bắc, thuở đạo cùng vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Trong khi Kiển, lợi về chỗ bình dị, Tây Nam phương Khôn, là chỗ xuôi thuận bằng phẳng, Đông Bắc phương Cấn, là chỗ hiểm trở. Hào Chín lên ở ngôi Năm, mà được chỗ trung chính, ấy là đi mà được chỗ bình dị, cho nên là lợi. Hào Năm ở trong Khảm hiểm mà bảo là chỗ bình dị, là vì quẻ này vốn là quẻ Khôn, bỏi hào Năm đi mà thành quẻ Khảm, cho nên, chỉ lấy về nghĩa “đi mà được giữa” không lấy đến nghĩa “hành quẻ”. Dương kiển mà lại đậu vào chỗ nguy hiểm, thì kiển, càng tệ, cho nên không lợi Đông Bắc, “Thửa đạo cùng” nghĩa là kiển đến tột bậc vậy.

LỜI KINH

利見大人,往有功冬.當位貞声, 以正邦蹇之時,用大矣哉.

Dịch âm. – Lợi kiến đại nhân, văng hữu công dã, đáng vị trình cát dĩ chính bang dã. Kiển chi thì dụng đại hỷ tai!

Dịch nghĩa. – Lợi thấy người lớn, đi có công vậy, đáng ngôi chính tốt, đẻ chính nước vậy. Thời dụng của quẻ Kiển lớn vậy thay!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Trong thì kiển khó, phi bậc thánh hiền không thể làm qua sự kiển của thiên hạ, cho nên lợi về sự thấy người lớn. Người lớn đáng ngôi, thì làm nên việc “vượt qua sự kiển” thế là đi mà có công. Làm qua được sự kiển của thiên hạ, chỉ có một cách “cả chính”, đấng Phu Tử lại theo tài quẻ mà nói, các hào quẻ Kiển, trừ hào Đầu ra, đều nhằm ngôi chính, cho nên trinh chính mà tốt. Hào Sáu Đầu tuy lấy chất Âm ở ngôi Dương nhưng nó ở dưới, cũng là chỗ chính của hào Âm. Dùng chính đạo như thế, mà chính nước mình, có thể qua được sự kiển. Ở thì kiển, cái đạo vượt qua sự kiển, công dụng rất lớn, cho nên nói rằng “lớn vậy thay”. Nạn của thiên hạ, há dễ làm cho yên? Phi bậc thánh hiền không thể làm nổi, sự dùng của nó có thể bảo là lớn vậy. Thuận thời mà xử, cân nhắc chỗ hiểm mà đi theo lối bình dị, nói lẽ rất chính, ấy là thời dụng của quẻ Kiển.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây là sự biến đổi của quẻ và thể quẻ để thích lời quẻ mà khen thời dụng của nó lớn lao.

LỜI KINH

象曰:山上有水,蹇,君子以反身修德.

Dịch âm. – Tượng viết: Sơn thượng hữu thủy. Kiển, quân tử dĩ phản thân tu đức.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Trên núi có nước, là quẻ Kiển, đấng quân tử coi đó mà trở lại mình, sửa đức.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Cao thẳm như núi, trên lại có nước, nước Khảm là Tượng hiểm trũng, trên dưới hiểm trở, cho nên là kiển đấng quân tử coi Tượng hiểm khó đó mà trở lại mình, sửa đức. Đấng quân tử gặp sự hiểm trở, ắt phải trở lại tìm trong mình mình mà càng tự mình sửa mình. Thầy Mạnh nói rằng: “Làm có điều gì không được, đều trở lại tìm trong mình mình”, cho nên gặp sự khó kiển, ắt tự xét mình xem có điều gì lầm lỗi mà đến thế chăng, đó là trở lại mình. Có điều chưa phải thì chữa, không có điều gì áy náy trong bụng thì càng gắng thêm, đó là tự sửa đức mình. Đấng quân tử sửa đức, để chờ thời mà thôi.

LỜI KINH

初六:往蹇, 來譽.

Dịch âm. – Sơ lục: Vãng kiển, lai dự.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Đầu: Đi kiển, lại khen.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Sáu ở đầu vận kiển, tiến lên thì càng vào mãi chỗ kiển, thế là “đi kiển”. Đương thì kiển, lấy tài Âm mềm không có ứng viện, mà cứ tiến lên, đủ biết là kiển. “Lại” là tiếng đối với “đi”,tiến lên là đi, không tiến là lại. Đậu lại mà không tiến, thì có cái tốt về sự thấy cơ, biết thời, thế là “lại thì có tiếng khen”.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đi thì gặp chỗ hiểm, lại thì được tiếng khen.

LỜI KINH

象曰:往蹇來宜待也.

Dịch âm. – Tượng viết: Vãng kiển lai dự, nghi đãi dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đi kiển, lại khen, nên đợi vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đương thì kiển, tiến thì càng kiển, vì là thời chưa tiến được, cho nên, hãy nến thấy cơ mà đậu, để đợi thời, lúc nào đi được sẽ đi. Các hào đều đi thi kiển mà lại thì càng hay, thế thì không có cái nghĩa ra khỏi vận kiển hay sao? Đáp rằng: ở vận kiển mà đi thì kiển, vận kiển hết thì sẽ thay đổi.

LỜI KINH

六二:王臣蹇蹇,匪躬之故

Dịch âm. – Lục Nhị: Vương thần kiển kiển, phí cung chi cố.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Hai: Tôi vua kiển kiển, chẳng phải cớ của mình.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lấy đức trung chính, ở thể Cấn, ấy là kẻ đậu ở chỗ trung chính. Với hào Năm là chính ứng ấy là người trung chính được vua trung chính tin dùng, cho nên gọi là tôi vua. Tuy là trên dưới cùng đức, mà hào Năm đương ở chỗ cả kiển, phải đem hết sức vào kiển nạn, khó kiển rất tệ, cho nên là khó nhọc về việc kiển. Hào Hai tuy trung chính, nhưng là tài Âm mềm há dễ gánh nổi nhiệm vụ? Vì vậy phải khó nhọc về việc kiển. Chí nó muốn giúp cho vua qua chỗ kiển nạn, sự khó nhọc về việc kiển của nó không phải là vì thân nó. Dù cho nó làm không nổi, nhưng mà chí nghĩa đáng khen, cho nên khen nó trung tẫn, không vì mình vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào này mềm thuận trung chính, lại có chính ứng ở trên, nhưng vì ở vào chỗ hiểm, cho nên khó khăn lại khó khăn để cầu vượt qua mà không phải là vì cớ riêng của thân mình. Không nói tốt xấu, là tại kẻ xem chỉ nên còng lưng hết sức mà thôi, còn sự nên, hư, sắc, nhụt,thì không phải là điều đáng bàn.

LỜI KINH

象曰:王臣蹇蹇,終無尤也

Dịch âm. – Tượng viết: Vương thần kiển kiển, chung vô cữu dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Tôi vua kiển, sau chót không lỗi vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Dù bị khó khăn ngáng trở trong thì kiển, nhưng chí nó cốt ở giúp cho vua được qua nạn, tuy chưa thành công, song mà về sau không có lầm lỗi, là để khuyên khích sự trung tẫn vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Việc tuy không xong, cũng chẳng có gì đáng trách.

LỜI KINH

九三:往蹇來反

Dịch âm. – Cửu Tam: Vâng kiểu lai phản.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Ba: Đi kiển lại thì lại.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Chín Ba lấy chất cứng ở ngôi chính, đứng trên thể dưới, nhằm vào thì kiển, kẻ ở dưới đều mềm ắt phải tựa vào hào Ba, ấy là người bị những kẻ dưới bám vào. Hào Ba với hào Trên là chính ứng với nhau, nhưng hào Trên là hạng Âm mềm mà không có ngôi, chẳng đủ ứng viện cho nó, cho nên hễ nó đi lên thì kiển. “Lại” là quay xuống, “phản” là trở về, hào Ba bị hào Âm ưa thích, cho nên nó lại, tức là trở về nơi chốn của nó, đó là chỗ hơi yên vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lại tới với hai hào Âm, ấy là được nơi yên ổn.

Lời bàn của Tiên Nho. – Hồ Vân Phong nói rằng: “Quay mình trở lại là lưng”. Tượng của quẻ Cấn, cho nên lời hào nói “lại trở lại”, lời Tượng cũng nói “trở lại mình mình”.

Hào Chín ở ngôi Ba ấy là bản vị của nó. “Trở lại” cũng như trở về làng cũ, trở về nhà cũ, tức là đi mà được chỗ yên ổn, Phía dưới có hai hào Âm, tới đó càng yên.

LỜI KINH

象曰:往蹇來反,内喜之也.

Dịch âm. – Tượng viết: Văng kiển lai phản, nội hỷ chi dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đi thì kiển, lại thì trở lại, trong thích đó vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – “Trong” là hào Âm ở dưới. Đương thì kiển, kẻ mềm không thể tự lập, cho nên đều phụ vào hào Chín Ba, là một hào Dương, mà yêu thích nó. Hào Ba ở quẻ Kiển, là được nơi chốn. Ở thì kiển, mà được lòng kẻ dưới, thì có thể cầu được yên ổn, cho nên mới lấy việc “lại” làm việc “về”.

LỜI KINH

六四:往蹇來連.

Dịch âm. – Lục Tứ: Vãng kiển lai liên.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Tư: Đi kiển, lại thì liền.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đi thì càng sâu vào chỗ Khảm hiểm, đó là đi kiển. Đương thời kiển, những kẻ chung cảnh kiển khó, chí họ không phải mưu tính mà tự giống nhau. Lại nữa, hào Tư ở ngôi trên mà hào dưới cùng được ngôi chính, nó lại gần gũi hào Ba, ấy là thân nhau, và lại cùng loại với hào Hai và hào Đầu, ấy là chúng cùng với nhau. Như thế, nó tức là người cùng chí với kẻ dưới, mọi người đều muốn phụ theo, cho nên nói rằng: “Lại thì liền”,nghĩa là lại thì liên hợp với những kẻ ở dưới vậy. Biết liên hợp với mọi người, đó là đạo xử lúc kiển.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Tức là kết liên với hào Chín Hai, hợp sức lại mà vượt cho qua.

LỜI KINH

象曰:往蹇來連,當位實也.

Dịch âm. – Tượng viết: Văng kiển lai liên, đắng vị thực dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đi kiển, lại thì liền, đáng ngôi thật vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đương thì kiển,ở ngôi trên, chẳng đi mà lại, cùng chí với kẻ dưới, vẫn đủ đề được lòng người rồi, lại lây chất Âm ở ngôi Âm, ấy là được cái thật. Lấy sự thành thật cùng với kẻ dưới, cho nên mới liên hợp được, mà hào Hai hào Ba ở dưới cũng được cái thật của nó. Hào Đầu lấy chất Âm ở ngôi dưới, củng là được cái thật. Đương lúc cùng lo, giao kết nhau bằng sự thật, đủ biết là có thể hợp nhau, cho nên, trở lại thì liền, tức là đáng ngôi bằng sự thật vậy. Ở thì kiển khó, nếu không thành thật, thì lấy gì mà vượt cho qua? Đáng ngôi, không nói là chính mà nóí là thật, là vì trên dưới giao nhau, chủ ở thành thật, sự dùng ai có nơi chốn của nấy vậy.

LỜI KINH

九五:大蹇朋來.

Dịch âm. – Cửu ngũ: Đại kiển bằng lai.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Năm: Cả Kiển bạn lại.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Năm ở ngôi vua mà đứng giữa thì kiển khó, ấy là kẻ cả kiển trong thiên hạ. Đương lúc kiển, mà lại ở trong chỗ hiểm, cũng là cả kiển, Trong lúc cả kiển, mà hào Hai ở dưới lấy đức trung chính ứng nhau với nó, ấy là bạn giúp lại với. Đương khi thiên hạ bị kiển, mà được bề tôi trung chính giúp vào, thì sự đỡ đần không phải là nhỏ. Được bạn lại mà vẫn không tốt là sao? Đáp rằng: chưa đủ để vượt thì kiển. Là ông vua Dương cung trung chính, mà gặp hồi cả kiển, phi có bề tôi Dương cương trung chính, giúp mình, thì không thể làm cho thiên hạ vượt qua vận kiển. Hào Haí trung chính vẫn còn giúp rập, nhưng muốn nhờ sự giúp rập của kẻ Âm mềm, làm cho thiên hạ vượt qua vận nạn, thì không có thể. Tuy là ông vua hiền minh, nếu mà không có bề tôi, thì không thể vượt qua vận kiển. Cho nên, đại phàm hào Sáu ở ngôi Năm, hào Chín ở ngôi Hai, phần nhiều nhờ sự giúp đỡ mà có công, như là quẻ Mông quẻ Thái; hào Chín ở ngôi Năm, hào Sáu ở ngôi Hai, thì công của nó phần nhiều không được đầy đủ, như là quẻ Chuân quẻ Bĩ. Bởi vì bề tôi hơn vua thì giúp vua những cái mà vua không làm nổi, bề tôi không bằng vua thì chỉ đỡ đần mà thôi, cho nên không thể làm nên công to.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Cả kiển là kiển lạ thường. Hào Chín Năm ở ngôi tôn mà có đức cứng mạnh trung chính, ắt có bạn lại mà giúp. Kẻ xem có đức ấy thì cũng có người giúp ấy.

LỜI KINH

参曰:大考朋來,以中節也.

Dịch âm. – Tượng viết: Đại kiển bằng lai, dĩ trung tiết dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Cả kiển bạn lại vì tiết giữa (?) vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Bạn là bè loài của nó. Hào Năm có đức trung chính, mà hào Hai cũng trung chính, tuy thì cả kiển, không bỏ mất sự thảo thủ, chịu kiển trong hồi kiển để cùng giúp nhau là vì cái tiết trung chính của nó. Trên dưới đều trung chính mà không vượt qua vận kiển là tại tài của bề tôi không đủ. Từ xưa, những người thủ tiết giữ nghĩa, mà tài không đủ làm qua vận kiển có phải ít đâu? Lý Cố, Vương Doãn nhà Hán, Chu Khải, Vương Đạo nhà Tấn đều là hạng người đó.

LỜI KINH

上六:往蹇來碩,吉,利見大人.

Dịch âm. – Thượng Lục: Vãng kiển lai thạc, cát, lợi kiến đại nhân.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu trên: Đi kiển lại lớn, tốt, lợi về sự thấy người lớn.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Sáu lấy tài Âm mềm, ở chốt quẻ Kiển, là kẻ xông vào nơi cực hiểm mà đi, vì vậy mới kiển. Không đi mà lại, theo hào Năm, tìm hào Ba, được kẻ Dương cứng giúp đỡ, cho nên mới lớn. Đạo kiển vốn là ách kiển cùng xúc, “1ớn” là lớn lao, tiếng gọi của sự rộng rãi, lại mà được thấy rộng lớn, thì sự kiển đã thư dãn, kiển đến cùng đột thì có cách ra khỏi chỗ kiển, hào Sáu Trên vì tài Âm mềm cho nên không thể ra được, được kẻ Dương cứng giúp đỡ, thì chỉ có thể thư dãn sự kiển mà thôi. Ớ thì kiển cực, được thư dãn cũng là tốt rồi. Phi bậc Dương cương trung chính: há có thể ra khỏi vận kiển. Lợi về sự thấy người lớn, nghĩa là trong lúc kiển cực, thấy người đức lớn, thì có thể vượt qua vận kiển. Người lớn chỉ về hào Năm, vì nó gần nhau, cho nên phát ra nghĩa này.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đã có chỗ cùng tốt của quẻ, đi thì không có chỗ đi mà càng kiển thêm, lại thì tới với hào Năm, cùng nó vượt qua hồi kiển, thì sẽ có công lớn lao. Người lớn chỉ hào Sáu Năm, bảo kẻ xem nên như thế vậy.

LỜI KINH

象曰: 往蹇來硬, 志在内也, 利見大人, 以從貴也.

Dịch âm. – Tượng viết: Vãng kiển lai thạc, chí tại nội dã, lợi kiến đại nhân, dĩ tòng quí dã.

Dịch nghĩa. – Lởi Tượng nói rằng: Đi kiển, lại lớn, chí ở trong vậy, lợi về sự thấy người lớn, vì theo kẻ sang vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào trên ứng ứng với hào Ba mà theo hào Năm, là chí ở trong, Kiển đã cực mà có người giúp, cho nên được lớn mà tốt, Hào Sáu lấy tài Âm mềm, đương hồi kiển cực, gần sát với ông vua Dương cứng trung chính, tự nhiên chỉ nó phải theo phụ, để cầu tự giúp cho mình, cho nên lợi về sự thấy người lớn, ý nói theo hào Chín Năm là kẻ sang vậy. Sở dĩ phải nói rằng “theo kẻ sang” là sợ người ta không biết chữ “người lớn” chỉ hào Chín Năm.

Chú thích:

[1] Chữ 蹇(Kiển) chính nghĩa là khó khăn nhụt chậm.

[2] Chữ 蹇(Kiển) lại có nghĩa là què chân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.