Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 12. Tỉnh táo và tức giận



Sự thông thái giả tạo của những trang Op-Ed

Dường như ai cũng đồng tình rằng Đại Suy thoái là điều tồi tệ. Tại sao lại như vậy?

Có hai điểm bất lợi khi bạn phải sống trong thời kỳ suy thoái. Một là, nó làm giảm lượng tiêu dùng trong cuộc đời bạn. Thứ hai, nó buộc bạn phải áp dụng mẫu hình tiêu dùng thấp hơn, luân phiên giữa yến tiệc và đói kém thay vì trải đều những thăng trầm trong suốt cuộc đời.

Bất lợi thứ hai khá quan trọng. Các bằng chứng cho thấy con người muốn dàn trải đều tiêu dùng của mình trong điều kiện cho phép. Nếu lương tháng của bạn là 4.000 đô-la, sẽ là hãn hữu khi bạn tiêu sạch số tiền đó trong một ngày và rồi húp súp gà trừ bữa trong cả tháng còn lại. Nếu cam chịu sống trong túp lều tranh 40 năm đầu đời, có lẽ bạn sẽ tích cóp đủ để tận hưởng cuộc sống trong một biệt thự suốt 40 năm cuối đời, nhưng rất ít người trong chúng ta làm được như thế.

Người ta dễ đương đầu với những bất hạnh với liều lượng nhỏ hơn là một viên thuốc đắng khổng lồ. Nhận định này là điểm mấu chốt để giải thích tại sao các cuộc Đại Suy thoái bị “thất sủng”, và tôi đã cho rằng đáng lẽ đây là điều gây tranh cãi cho tới khi tôi đọc được bức thư gửi tới tờ New York Times của Felix Rohatyn, người hoàn toàn không nghĩ như vậy.

Rohatyn là một chuyên gia tài chính xuất chúng, Chủ tịch Hội đồng Cứu trợ Thành phố, và một thành viên trong nhóm cố vấn của Tổng thống Bill Clinton. Thư của ông đáng được đăng toàn văn ở đây:

“Kính gửi Tổng Biên tập

Tôi thật sự sửng sốt và phẫn nộ trước [một bài xã luận trước đó của Times] ủng hộ vay chính phủ như là một giải pháp hữu hiệu để bảo lãnh các tổ chức chuyên nhận tiết kiệm cho vay đang lâm vào tình trạng phá sản. Vay có thể là giải pháp có lợi về chính trị, tuy nhiên, lại là giải pháp sai lầm xét từ góc độ kinh tế và đạo đức. Cách đơn giản nhất và gây ít thiệt hại nhất để cứu vãn tình thế sai lầm này là thanh toán khoản lỗ 130 tỷ đô-la bằng cách tạm thời tăng thuế thu nhập trong vòng ba đến bốn năm tới.

Vấn đề kinh tế khá đơn giản:

(1) Việc vay nợ sẽ biến 130 tỷ đô-la thiệt hại thành 500 tỷ đô-la thiệt hại rải rác trong vòng 20 tới 30 năm. Nó sẽ duy trì sức ép tới thị trường tín dụng và đẩy lãi suất lên cao. Nó sẽ gây thiệt hại từ 10 đến 15 tỷ đô-la hàng năm vào chi phí lãi suất trong thâm hụt ngân sách Liên bang, khi chi phí lãi suất chiếm phần lớn nhất trong toàn chi phí Liên bang, chỉ đứng sau quốc phòng. Nó sẽ đòi hỏi lượng vốn nước ngoài cao và rót vào liên tục. Nó sẽ gạt đi các chương trình quốc nội đang thiếu hụt vốn trầm trọng.

(2) Việc tạm thời thu thêm thuế trong khoảng thời gian từ ba đến bốn năm sẽ giúp loại trừ 300 đến 400 tỷ đô-la chi phí lãi suất và góp phần giảm tỷ lệ lãi suất và chi phí vốn. Đây sẽ là động lực giúp kinh tế tăng trưởng. Thuế sẽ không tác động kinh tế tiêu cực nào vì việc bảo lãnh cơ bản là một chương trình dịch chuyển từ người đóng thuế sang người gửi tiền.

(3) Một nguyên tắc kinh tế cơ bản biện chứng việc vay nợ chỉ để trả cho các tài sản sinh lời. Không có gì đối lập với khái niệm đó hơn việc vay nợ để chi trả cho các thua lỗ đã xảy ra.

Vấn đề đạo đức thậm chí còn đơn giản hơn. Các khoản vay nợ là gánh nặng cho các thế hệ sau khi phải trả giá cho sự xuẩn ngốc của chúng ta và cũng là gánh nặng cho những người dân Mỹ với thu nhập thấp hơn do chi phí lãi suất. Thuế thu nhập dồn gánh nặng vào đúng nơi phải đỡ nó: vào thế hệ hiện tại và những cá nhân có thu nhập cao hơn.

Trong di sản gây tổn thất của những năm 1980, nạn đầu cơ thái quá và vay nợ sẽ đóng vai trò nổi bật. Không may là, việc quý báo ủng hộ vay nợ để bảo lãnh các khoản tiết kiệm và các khoản nợ, đồng thời với sự ủng hộ việc sử dụng trái phiếu giá trị thấp, lại nhất quán với cái di sản ấy. Tiếng nói của quý báo, với rất nhiều người trong chúng ta, là tiếng nói của lý lẽ. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi sự ủng hộ cách lý luận trong tài chính Chính phủ và tài chính tư. Vay nợ thái quá không phải là điều có lý.

― FELIX G. ROHATYN

New York, tháng 6 năm 1990”

Tôi thường xuyên đọc tờ New York Times để “săn” những bức thư phản bội/ lật tẩy sự ngu dốt tột bậc về kinh tế. Và tôi lưu chúng trong một tập với cái nhãn mác khiếm nhã “Tỉnh táo và Tức giận”. Tôi dung Tập Tỉnh táo và Tức giận để soạn câu hỏi cho bài thi, bằng cách sao chép một lá thư và yêu cầu các sinh viên phát hiện các điểm sai lầm. Mặc dù các sinh viên ganh đua nhau khá quyết liệt để giành vinh quang, nhưng lá thư của Rohatyn quả là một giải thưởng khó có thể giành được. Không may là thời gian thi của chúng tôi không đủ dài cho một sinh viên dốc sức để xứng với tầm cỡ của tài liệu mà ông Rohatyn cung cấp. Nếu có bao giờ tôi sử dụng lá thư của ông trong một bài thi, tôi sẽ phải rút gọn câu hỏi bằng cách yêu cầu sinh viên cô đọng phân tích của họ thành, chẳng hạn như, một lỗi cơ bản từ mỗi đoạn văn.

Có lẽ tôi cũng sẽ yêu cầu các em tập trung phân tích vào các lỗi tinh vi hơn, bỏ qua những lỗi hiển nhiên tới mức đáng hổ thẹn nếu đề cập tới. Điều này sẽ miễn cho các em khỏi bình luận về lý luận số (1) của ông Rohatyn, mà ông quả quyết rằng vay nợ sẽ biến 130 tỷ đô-la thiệt hại thành “500 tỷ đô-la rải rác trong hơn 20 năm hoặc 30 năm”. Nếu các sinh viên đại học năm hai coi 1 đô-la được trả 20 năm sau tương đương với 1 đô-la được trả hôm nay, chúng ta thường khuyên họ không nên học kinh tế nữa. Nếu các sinh viên đó thực sự trung thành với cách tính đó, Rohatyn nên vui lòng cho tôi vay 200 tỷ đô-la ngày hôm nay, chấp nhận thu lại 300 tỷ đô-la sau 20 năm nữa, và coi như mình lời 100 tỷ đô-la. Tôi sẽ rất vui được giao kèo với ông.

Nghe lời dặn dò của tôi và bỏ qua phần này và một số lỗi sơ đẳng không kém, sinh viên sẽ có thể chuyển thẳng sang luận điểm (2) với sự khẳng định “thuế sẽ không có tác động kinh tế tiêu cực nào vì việc bảo lãnh về cơ bản là một chương trình dịch chuyển”, cứ như thể việc tạm thời tăng thuế thu nhập không phải là động lực để tạm hoãn việc kinh doanh đang sinh lời trong vài năm.

Luận điểm này sẽ dẫn sinh viên tới phần yêu thích của tôi trong bức thư, luận điểm số (3), nơi ông Rohatyn đã phát minh ra một “nguyên tắc kinh tế cơ bản” trái với những nguyên tắc cơ bản của kinh tế: Không bao giờ vay để thanh toán các thiệt hại đã xảy ra. Tôi nghĩ có lẽ điều này có nghĩa là nếu nhà bạn chẳng may bị cháy trụi thì bạn cũng không nên vay thế chấp để mua một căn nhà mới; tốt hơn là dựng tạm căn nhà bằng một hộp bìa cứng mà tá túc cho tới khi bạn tiết kiệm đủ tiền mặt để mua một căn nhà mới.

Đây là một nguyên tắc cơ bản của kinh tế học mà các nhà kinh tế học thực ra đã nghe nói tới: Cố gắng, trong giới hạn hợp lý, để dàn trải mức tiêu dùng. Nếu bạn tiêu 2.000 đô-la cho kỳ nghỉ tại đảo Hawaii, thì đừng ép mình phải giảm chi phí tháng sau đi 2.000 đô-la để bù vào khoản tiền đó; thay vào đó hãy giảm dần dần các chi phí của bạn mỗi tháng nhưng trong nhiều tháng.

Làm tương tự nếu bạn bị mất ví, hay nếu bạn bị yêu cầu bảo lãnh các tổ chức chuyên nhận tiết kiệm cho vay. Vận rủi dễ gánh nhất nếu được chia thành từng lượng nhỏ. Trải nỗi đau theo thời gian; cố gắng không gồng mình chịu đòn một lúc.

Nguyên tắc Rohatyn, khẳng định điều ngược lại, gợi ý rằng Đại Khủng hoảng có lẽ là ý tưởng tuyệt vời. Năng suất giảm sút trong những năm 1930, đó là “tổn thất đã xảy ra” và trong trường hợp đó ông Rohatyn sẽ bắt chúng ta gánh chịu tất cả thiệt hại như là một liều thuốc đắng khổng lồ. Nhưng nếu bạn trò chuyện với những người sống trong thời Đại Khủng hoảng, bạn sẽ thấy hầu hết mọi người đều mong muốn dàn trải sự mất mát, cắt giảm dần tiêu chuẩn sống trong khoảng thời gian dài. Nếu người ta không thích vận rủi tập trung dồn vào một vài năm bằng thói đỏng đảnh của các chu kỳ kinh tế, thì tại sao họ lại thích hơn nếu nó bị áp đặt bởi sắc lệnh của chính phủ?

Thật may là người ta có thể và sẽ bảo vệ mình khỏi Kế hoạch của Rohatyn. Chính xác là vì họ thà dàn trải mức tiêu dùng, họ sẽ vay nhiều hơn nữa (hay tương đương là tiết kiệm ít hơn) để qua được giai đoạn thuế cao tạm thời mà Rohatyn mô tả. Kết quả sẽ gần như là chính chính phủ mới là người đứng ra vay nợ.

Vì thế nếu luận điểm (2) của Rohatyn là đúng thì kế hoạch của ông về cơ bản là vô hiệu quả. Sự từ chối vay nợ của chính phủ sẽ bị triệt tiêu bởi việc người ta tự vay nợ. Nhưng không hẳn là thế. Các cá nhân vay tiền với tỷ lệ lãi suất cao hơn khi chính phủ vay tiền. Vì vậy đề xuất của ông Rohatyn kết cục là thế này: Thà để mọi người tự bươn chải vay nợ lấy với lãi suất cao còn hơn là để chính phủ tự vay nợ cho mình với lãi suất thấp.

Điều hay hơi tồi tệ. Nhưng không may là luận điểm (2) của Rohatyn là sai, và nó kiến kế hoạch của ông không chỉ tồi tệ mà còn tai hại. Tăng thuế tạm thời sẽ cản trở các hoạt động năng suất, tăng tỷ lệ lãi suất và khiến người ta không thể dàn trải những tác động không mong muốn của “những tổn thất đã xảy ra” bằng cách vay nợ như thuyết kinh tế này tuyên bố là họ nên làm như vậy.

Kế hoạch Rohatyn là công thức cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, biện chứng bằng một nguyên tắc mới được phát minh, và ngụ ý rằng các cuộc khủng hoảng là thứ người ta mong muốn. Như vậy nó nhất quán từ bên trong, mà không có vẻ thoải mái lắm.

Giờ tôi đã mở tập Tỉnh táo và Tức giận, tôi xin được chia sẻ một bức thư yêu thích nữa của tôi.

“Kính gửi Tổng Biên tập

Mặc dù tiêu dùng của cá nhân và các loại hình kinh doanh là bộ phận quan trọng của nền kinh tế Mỹ, nhưng sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp tiêu dùng Chính phủ trong vai trò là động lực chèo lái nền kinh tế.

Với vị thế thuận lợi là một giảng viên đại học và một nhà khoa học, tôi có thể thấy rằng cuộc khủng hoảng trong các trường đại học, và trong nghiên cứu khoa học, gắn chặt với việc cắt giảm các chương trình Chính phủ. Nhiều người bị sa thải, việc tuyển dụng mới ngừng trệ, và các quỹ học bổng bị đe dọa.

Nếu tiêu dùng Chính phủ trong lĩnh vực của chúng ta được khôi phục lại như mức cũ, chúng ta có thể mở lại các chương trình xây dựng và đổi mới, giúp tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng và tăng sức chứa cho giảng dạy và nghiên cứu. Sinh viên có học bổng sẽ lại có tiền để mua những gì họ cần, góp phần vào hoạt động kinh tế.

Chúng ta có quỹ để tuyển nhân sự cho nghiên cứu khoa học và mua sắm thiết bị, điều này sẽ không chỉ đưa những nỗ lực khoa học của chúng ta tiến xa mà còn đẩy mạnh nền kinh tế.

Tôi chắc chắn rằng các công dân Mỹ khác có thể thấy nhiều ví dụ trong những lĩnh vực của chính họ, trong đó việc cắt giảm của các chương trình Chính phủ đã trực tiếp dẫn tới suy thoái kinh tế. Chính phủ không cần phải ngồi đó bất lực nhìn nền kinh tế nước nhà trượt dốc. Chính phủ là một phần chủ chốt của nền kinh tế, và những chính sách căn cơ thái quá của họ đã góp phần đẩy chúng ta vào mớ bòng bong này.

Nếu những cắt giảm chúng ta đã có được nhanh chóng đảo ngược, thì đây có thể chính là liều thuốc kích thích chúng ta cần để vực lại nền kinh tế.

― RONALD BRESLOW

New York, 18 tháng 12 năm 1991”

Giáo sư Breslow là giáo sư hóa học giảng dạy tại trường Đại học Columbia và từng đoạt Huy chương Quốc gia về Khoa học. Là một nhà khoa học có năng lực, ông chắc chắn hiểu rõ định luật bảo toàn năng lượng. Bạn có thể chuyển năng lượng từ nơi này sang nơi khác, nhưng bạn không thể bỗng dưng mà tạo ra chúng. Đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ có những cỗ máy chuyển động vĩnh cửu.

Kinh tế học cũng có định luật bảo toàn của riêng nó. Bạn có thể di chuyển nguồn lực từ nơi này sang nơi khác, nhưng ngay cả chính phủ cũng không thể bỗng dưng tạo ra chúng. Vì định luật vật lý học không cho phép động cơ chuyển động vĩnh cửu, nên định luật của kinh tế học cũng không cho phép có khái niệm ăn trưa miễn phí. Chính phủ có thể chuyển các tiềm năng thành phòng thí nghiệm và trang thiết bị tại trường Đại học Columbia, nhưng cũng chính những tiềm lực đó vì thế mà không thể cấp cho những mục đích khác được.

Nếu chính phủ dành 1 đô-la để tuyển một trợ lý nghiên cứu đã tốt nghiệp đại học cho Giáo sư Breslow, đồng đô-la đến từ một nơi nào đó. Trường hợp đơn giản và dễ hiểu nhất là khi đồng đô-la đó đến từ việc tăng mức thuế của một ai đó – chẳng hạn như của John Doe. Kết quả là John mua ít đi hai thanh kẹo. Sinh viên tốt nghiệp đại học có nhiều việc làm hơn nhưng cũng vì thế mà ít việc cho người bán kẹo hơn.

Giáo sư Breslow không nghi ngờ gì hoàn toàn có thể gợi ý một loạt các viễn cảnh khác. Có lẽ khi thuế của John tăng lên, anh ta không mua ít kẹo đi nhưng thay vào đó tài khoản tiết kiệm của anh ta ít đi 1 đô-la. Như thế ngân hàng của John bị bớt đi 1 đô-la khi cho Mary Joe vay, người mà giờ đây phải giảm tiêu dùng của chính mình. Mary thôi không mua một dụng cụ đánh trứng nữa, hay tạm hoãn việc mua ô tô, và các nhà sản xuất dụng cụ đánh trứng hay ô tô tuyển dụng ít nhân viên hơn.

Việc này không loại trừ các khả năng khác. Tôi chắc rằng nếu muốn bảo vệ quan điểm của mình, Giáo sư Breslow có thể liệt kê một tá các cách khác để chính phủ có được đồng đô-la trên và một tá phản ứng khả dĩ khác của các công dân. Nhưng mỗi cách này đều phải đưa lại một kết quả chung là ở đâu đó trong nền kinh tế người ta tiêu ít đi 1 đô-la. Sẽ dễ để huyễn hoặc bản thân về điều này, vì những tác động gián tiếp của việc tăng thu nhập chính phủ đôi lúc rất tinh vi. Tương tự, cũng sẽ dễ để huyễn hoặc bản thân về động cơ chuyển động vĩnh cửu. Tất cả những gì bạn phải làm là kiểm tra những phần được lựa chọn trong khi bỏ qua những phần khác. Khi xem xét riêng lẻ, ổ cắm điện trên tường nhà bạn dường như sinh ra năng lượng. Trên thực tế, những gì phát ra từ nhà máy điện không nhiều hơn những gì đi vào một chút nào.

Có một sự khác biệt quan trọng giữa một động cơ chuyển động vĩnh cửu và một bữa ăn trưa miễn phí. Nếu tôi, với tư cách là một nhà kinh tế, phải thiết kế một chiếc máy chuyển động vĩnh cửu, thì tờ New York Times có lẽ sẽ tham khảo ý kiến một chuyên gia (như Giáo sư Breslow chẳng hạn), trước khi trân trọng nghiên cứu đề án của tôi. Khi giáo sư Breslow, với tư cách là một nhà khoa học vật lý xuất chúng, thiết kế một bữa trưa miễn phí như thế, tờ Times sẽ đón nhận như giá trị bề ngoài của nó. Nói cách khác, tờ Times nhận ra rằng những khẳng định về hóa học hay vật lý nên tuân theo quy tắc của một số hiểu biết cơ bản về lĩnh vực đó, nhưng họ thất bại trong việc nhận ra rằng điều tương tự cũng sẽ đúng trong kinh tế học. Thất bại này là biểu hiện của tình trạng thất học trong kinh tế vốn rộng khắp và khiến tôi vừa buồn vừa tức giận.

Rõ ràng là theo rất nhiều mô hình kinh tế, tiêu dùng chính phủ có thể kích thích tổng sản lượng và công ăn việc làm. Không mô hình nào nhất quán với phân tích đơn giản đến thái quá của Giáo sư Breslow, bao gồm không gì ngoài việc ngang nhiên lờ tịt các nguồn gây quỹ của chính phủ. Những mô hình đơn giản nhất mà bất cứ nhà kinh tế học nào cũng sẽ tán thành nghe tương tự như thế này: Chính phủ tiêu dùng hoang phí cho những dự án tạm thời, gây khó khăn cho kinh tế ngắn hạn, mà người ta vượt qua bằng cách vay nợ. Việc này đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao, khiến việc giữ tiền không còn hấp dẫn (vì tiền là tài sản không sinh lãi), vì thế người ta từ bỏ tiền bằng cách mua hàng hóa. Điều này lại đẩy giá cả lên cao, và khiến nhà sản xuất mở rộng sản xuất, dẫn tới việc gia tăng công ăn việc làm.

Tôi sẵn lòng đặt cược rằng đây không phải là những gì Giáo sư Breslow có trong đầu.

Kích cỡ tập Tỉnh táo và Tức giận của tôi dao động với thời gian tôi dành vào việc lược bớt những tài liệu lỗi thời và cập nhật với tờ Times. Một số bài hay đến nỗi không bao giờ vứt bỏ được, chẳng hạn như bài Op-Ed của bình luận viên đài Ira Eisenberg, người cổ xúy việc cho người ăn xin trên đường phố phiếu mua hàng từ các loại hình kinh doanh địa phương thay vì cho tiền mặt. Ông này giải thích rằng phiếu mua hàng “không thể đem đổi cho đồ uống có cồn hay thuốc lá, chưa tính tới các loại thuốc bất hợp pháp”. Tại sao không?

Tờ New York Times không phải là nguồn tin duy nhất của tập tài liệu. Tôi có trước mặt mình là lá thư gửi tới Wall Street Journal của Richard C. Leone từ Cơ quan Quản lý Cảng New York và New Jersey. Ông Leone giải thích tại sao sân bay Kennedy và La Guardia không thể tư nhân hóa: Giá trị của chúng thừa sức vượt quá con số 2,2 tỷ đô-la, nhưng không người mua nào sẵn sàng trả từng ấy tiền. Ông Leone đã tiến xa trong đời đối với một người tin tưởng rằng giá trị của một tài sản có thể khác với số tiền ai đó sẵn lòng chi trả cho nó.

Tôi có một bài viết của Ann Landers về các nhà sản xuất quần bó, những người chủ ý tạo ra các sản phẩm tự phá hủy sau một tuần thay vì một năm vì “chất nylon no-run, mà họ biết sản xuất, sẽ chỉ thọc gậy bánh xe cho việc kinh doanh của họ mà thôi”. Ann kết luận rằng số phận của bà và các độc giả của bà “bị phó mặc trong tay của một âm mưu hám lợi cho bản thân”. Không rõ là bà Ann đang ám chỉ lợi ích của ai. Không thể là của nhà sản xuất. Với những chi tiết như bà miêu tả, một nhà sản xuất tư lợi sẽ chuyển từ việc bán loại nylon một tuần với giá 1 đô-la sang việc bán loại nylon một năm với giá 52 đô-la, làm hài lòng khách hàng (người trả 52 đô-la một năm trong bất cứ trường hợp nào nhưng không phải đến cửa hàng nhiều lần), duy trì doanh thu, và – vì anh ta sản xuất ít đi 98% nylon – cắt giảm chi phí đáng kể.

Tôi có một bài viết Op-Ed từ tờ Chicago Sun-Times kêu gọi một dự luật bảo vệ các họa sĩ bằng cách cho phép họ thu tiền bản quyền tác giả khi các bức tranh của họ được bán lại và thu lợi nhuận. Tác giả bài viết lờ đi câu hỏi rằng đề xuất của ông này sẽ ảnh hưởng tới giá cả của tác phẩm gốc như thế nào. Tôi xin được điền vào chỗ trống cho ông ta. Nếu người mua gốc biết là sẽ phải trả 100 đô-la tiền bản quyền khi bán lại, thì sự sẵn sàng của người đó khi trả tiền cho bức tranh gốc – và tức là số tiền họa sĩ thu về – sẽ bị giảm đi khoảng 100 đô-la. Những gì người họa sĩ lời từ tiền bản quyền, họ mất trong giá bán của tác phẩm gốc.

Thực ra, tình hình còn tồi tệ hơn. Một số họa sĩ có sự nghiệp lâm vào thất bại không lường trước. Những họa sĩ này chấp nhận bị ép giá khi bán tác phẩm gốc nhưng không bao giờ thu tiền bản quyền để bù lại khoản lỗ đó. Các nghệ sĩ khác tiến xa hơn mong đợi; tiền bản quyền của họ cao hơn hẳn mức đền bù cho mức giá ép mà khi họ bán tác phẩm gốc. Vì vậy kế hoạch của tác giả bài Op-Ed là đơn thuốc để khiến các họa sĩ không thành công nghèo đi và các họa sĩ thành công giàu lên.

Tôi gửi một bức thư tới kêu gọi việc kiểm soát giá dầu thô như là một cách gián tiếp để kiểm soát giá xăng dầu. Nhưng khi giá dầu thô được pháp luật kiểm soát, giá xăng dầu tại các trạm lại tăng lên, chứ không giảm xuống. Sự kiểm soát tại mức có số lượng lớn khiến bên tinh chế dầu cung cấp ít xăng dầu hơn. Cung giảm khiến người tiêu dùng đưa giá xăng dầu lên cao.

Mấy năm trước, một đợt sương giá khiến giá cam tăng cao đến nỗi người trồng cam kiếm lời cao hơn bình thường. Một nhà bình luận đã kiếm cho mình một chỗ trong tập Tỉnh táo và Tức giận bằng cách gợi ý rằng giá cả tăng dữ dội cho thấy khả năng độc quyền của người trồng cam. Thực ra nó cho thấy điều ngược lại. Sự kiện này xác minh rằng người trồng cam có thể tăng thu nhập bằng cách chặt cây. Nếu họ đã có thể phối hợp hành động như thế, đáng lẽ họ đã không phải chờ đợi sương giá.

Khi tình hình chính trị bất ổn tại vùng Trung Đông, tập Tỉnh táo và Tức giận đảm bảo sẽ dầy lên. Một chút gián đoạn trong lưu lượng dầu cũng luôn châm ngòi cho núi lửa thư từ và bài xã luận giải thích cách các công ty dầu của Mỹ, bằng cách sử dụng sức mạnh độc quyền của mình, có thể tăng giá cao đến nỗi lợi nhuận của họ tăng lên. Xin hãy bịt tai bịt mắt trước câu hỏi đau đáu rằng làm sao có thể có độc quyền được trong một ngành công nghiệp bao gồm những Exxon, Gulf, Mobil, Atlantic Richfield, Shell, Getty, Marathon và rất nhiều tên tuổi khác. Thay vào đó hãy tìm hiểu logic bên trong. Nếu việc hạn chế cung có thể làm tăng lợi nhuận, ngành công nghiệp độc quyền về dầu sẽ không chờ tới khi chính trị bất ổn rồi mới hạn chế cung. Bạn có thể nói rằng các công ty kiếm lời từ các khủng hoảng chính trị hoặc bạn có thể nói rằng họ thông đồng với nhau để hành động như các nhà độc quyền, nhưng bạn không thể tuyên bố cả hai điều mà vẫn nhất quán được.

Độc quyền sai lầm là một trong những đề tài “đến hẹn lại lên” trong tập Tỉnh táo và Tức giận. “Tỷ lệ lãi suất thấp có lợi cho nền kinh tế” là một chủ đề thường được nhắc tới bởi những người thất bại trong việc nhận ra rằng để có một người vay tiền vui vẻ, phải có một người cho vay u sầu, nếu không thì cái thứ được coi là “có lợi cho nền kinh tế” sẽ không có gì hơn là cái gì có lợi cho các cá nhân nó bao gồm.

Mỗi Lễ Tạ ơn, tôi có thể yên chí tìm được những bài xã luận hô hào người dân Mỹ ăn ít thịt đi sao cho những gì họ hy sinh sẽ đến được với những người thiếu ăn. Sự thật, than ôi, tinh vi hơn thế rất nhiều. Khi người ta ăn ít thịt đi, chăn nuôi gia súc không còn thu được lợi nhuận như trước, và ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc co hẹp lại. Như thế thì ít nhất thóc lúa vốn dành cho vật nuôi giờ sẽ sẵn cho người, phải không? Hoàn toàn sai. Nghề nông cũng co lại.

Một tập bao gồm các bức thư và bài xã luận tuyên bố rằng một phần nào đó của luật pháp là một “chiến thắng” chỉ vì chính xác là nhóm đó mất mát nhiều nhất từ dự luật đó. Luật “Nghỉ phép gia đình” yêu cầu nhà tuyển dụng thực hiện chế độ nghỉ phép đẻ dài lê thê được hoan nghênh là một chiến thắng cho các nữ nhân viên, nhưng dường như sẽ hơi kỳ cục để dán cái mác “người chiến thắng” cho những người mà dự luật này có tác động mạnh mẽ nhất khiến họ trở nên không tuyển dụng được. Khi một quyết định của tòa tạo điều kiện cho các bà mẹ đẻ thuê hủy hợp đồng và giữ con của họ lại, các cây bút xã luận vội vàng hoan nghênh chiến thắng cho các bà mẹ đẻ thuê tương lai. Nó là “chiến thắng” khiến các hợp đồng đẻ thay chỉ còn nước thành “đồ cổ”. Ô tô có phải là chiến thắng cho người làm roi xe ngựa hay không?

James K. Glassman viết một bài trong tờ The New Republic để chứng minh rằng cổ phiếu là loại hình đầu tư có lợi hơn bất động sản. Ông tính toán rằng “nếu bạn mua một căn nhà trị giá 200 nghìn đô-la ở Foggy Bottom [một vùng ở Washington D.C.] vào năm 1979, nó đã có thể đáng giá 310 nghìn [mười năm sau]. Nhưng nếu bạn mua cổ phiếu trị giá 200 nghìn vào năm 1979, chúng sẽ đáng giá 556 nghìn đô-la [mười năm sau] – và bạn còn có 68 nghìn tiền lãi cổ phần”.

Ờ thì đúng, nhưng nếu bạn đã mua căn nhà thì bạn đã có một nơi để sống trong vòng 10 năm, trong khi nếu bạn mua cổ phiếu bạn sẽ phải trả tiền thuê nhà cho chủ nhà. Điều này khiến cho so sánh của Glassman trở nên vô nghĩa. Tất cả những gì ông ấy trình bày là nếu bạn so sánh tất cả các lợi ích của việc sở hữu cổ phiếu với một vài lợi ích của việc sở hữu bất động sản, thì cổ phiếu sẽ vượt trội. Có gì ghê gớm đâu.

Bài viết của Glassman giành một vị trí trang trọng trong Tập Tỉnh táo và Tức giận của tôi vì kết luận của ông này hoàn toàn trái với sự thật. Ông giải thích rằng “cổ phiếu tăng giá nhanh hơn bất động sản; chúng đã và sẽ luôn như vậy. Lý do là vì một cổ phần của cổ phiếu là một phần của một công ty trong đó những cái đầu đang sản sinh giá trị. Bất động sản chỉ nằm im một chỗ”. Sự thật là cổ phiếu tăng giá nhanh hơn nhà cửa chính là vì nhà không chỉ ngồi đó; nó cung cấp nơi trú ngụ, hơi ấm, và nơi chứa đồ mỗi ngày bạn sở hữu nó. Cổ phiếu cần phải tăng giá nhanh hơn để bù vào đặc điểm là chúng không cung cấp dòng dịch vụ nào có thể so sánh được. Nếu cổ phiếu và bất động sản tăng giá trị với cùng mức độ, chẳng ai sẽ sở hữu cổ phiếu nữa.

Tôi sẽ kết thúc với một bài viết của George F. Will Ông Will tin rằng lãi suất của nợ quốc gia tượng trưng cho “sự dịch chuyển của cải từ sức lao động sang vốn không có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ. Doanh thu thuế đang được thu từ những người Mỹ trung bình và chuyển cho những người mua trái phiếu của chính phủ Mỹ – người mua ở Beverly Hills, Lake Forest, Shaker Heights và Grosse Point, và Tokyo và Riyadh”.

Thật rối trí khi biết rằng còn có một người Mỹ có học thức tin rằng lãi suất của các khoản vay nợ là một dạng quà. Chắc hẳn ông Will bị choáng ngợp trước lòng hảo tâm của các nhân viên ngân hàng Mỹ, những người hết sức hào phóng cung cấp tiền cho các chủ tài khoản. Họ gần như hào phóng bằng các chủ hộ gia đình, những người nhân đức quyên góp những khoản thế chấp lớn hàng tháng.

Và tại sao lại dừng ở đó? Trước khi ông Will xuất hiện, các nhà kinh tế học đã nghĩ rằng lãi suất là cái giá của việc sử dụng tài sản của một ai đó. Nếu những khoản tiền đó là quà, thì cũng tương tự như việc trả tiền nhà cho chủ nhà, trả tiền học cho trường, và vé vào cửa mỗi công viên hay rạp hát.

Ông Will nghĩ rằng người mua trái phiếu giàu lên bằng cách cho chính phủ vay. Nhưng nếu họ không cho chính phủ vay, họ cũng sẽ cho vay tài sản ở một nơi khác – có thể là cho những công nhân đang vật lộn để sống qua thời kì thuế cao mà ông Will miêu tả là sẽ giảm nợ quốc gia xuống.

Khác với Shakespeare, không chỉ độc có kẻ ngốc là người thể hiện sự tỉnh táo và tức giận. Tập tài liệu của tôi đầy ắp những đóng góp từ các cá nhân thể hiện là những người biết suy nghĩ, sự sáng suốt của họ làm họ thất bại ít nhất một lần trước công chúng. Sẽ rất cám dỗ để một nhà kinh tế học nhận xét rằng những thất bại đó phải được tôn trọng, vì chúng không bị phạt nặng. Phần lớn độc giả giở trang Op-Ed ra để tìm sự tiêu khiển, không phải sự khai sáng, và động cơ của người viết là cung cấp những gì độc giả của anh ta yêu cầu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.