Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 23. Bóng bầu dục mới và cải tiến



Các nhà kinh tế học đã sai lầm như thế nào?

Trước đây, có một nhà kinh tế học muốn tìm hiểu về môn bóng bầu dục. Ông biết luật chơi nhưng không thật sự thấu hiểu môn thể thao này. Vì vậy, ông quyết định quan sát các huấn luyện viên tài giỏi và học hỏi từ họ.

Mỗi khi quan sát một trận bóng bầu dục, nhà kinh tế học lại cần mẫn ghi lại tất cả những lối chơi được thực hiện và tất cả những điều kiện xung quanh có khả năng liên quan. Mỗi đêm, ông lại thực hiện các phép thống kê hết sức phức tạp để tìm ra những lối chơi ẩn trong dữ liệu. Cuối cùng công sức của ông cũng được đền bù xứng đáng. Ông phát hiện ra rằng “thủ quân” thường ném bóng về phía cầu thủ bắt bóng, rằng cầu thủ bắt bóng thường chạy về hướng cột gôn của đội đối phương, và rằng các bàn thắng vào phút cuối thường được thực hiện bởi những đội đang kém chỉ một hoặc hai điểm.

Vào một ngày, vị Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Quốc gia cảm thấy lo ngại về hiện tượng đá bóng bổng. Ông ngày càng tin rằng các đội chơi đã lạm dụng lối chơi bóng trên không, và rằng hành vi của họ ảnh hưởng rất lớn tới trận đấu. (Lý do chính xác về niềm tin của ông này chưa từng được lý giải, nhưng bản thân ông khá là chắc chắn về điều này). Vị chủ tịch bị ám ảnh bởi mong muốn cần phải ngăn chặn hiện tượng chơi bóng trên không và đã triệu tập các trợ tá để tìm ra cách đương đầu với vấn đề này.

Một trong những trợ tá của ông, là một thạc sĩ MBA vừa mới ra trường, hồ hởi giới thiệu rằng anh ta đã tham dự vài khóa học của một nhà kinh tế học là chuyên gia kỳ cựu về môn thể thao này và là người đã phát triển những mô hình thống kê chi tiết để dự đoán hành vi của các đội. Anh ta đề xuất là hãy để nhà kinh tế học này nghiên cứu lý do khiến các đội chơi bóng trên không.

Vị chủ tịch đã vời nhà kinh tế học đến. Sau đó, nhà kinh tế học ra về với tờ séc trả thù lao trước và được ủy thác tìm ra nguyên nhân của hiện tượng chơi bóng trên không. Nhiều giờ sau (ông được tính thù lao theo giờ), lời giải đáp đã sẵn sàng. Núi báo cáo in từ máy tính đã dẹp tan mọi nghi ngờ: Hiện tượng chơi bóng trên không hầu như luôn xảy ra trong lần chơi thứ tư.

Nhưng nhà kinh tế học được đào tạo theo phương pháp khoa học và biết rằng mô tả quá khứ không gây ấn tượng sâu sắc bằng đưa ra dự đoán tương lai.

Vì vậy, trước khi gặp gỡ vị chủ tịch, ông đã kiểm chứng mô hình của mình bằng một thử nghiệm gắt gao. Ông chú tâm vào một số trận đấu và dự đoán trước rằng tất cả những pha chơi bóng trên sẽ diễn ra trong lần chơi thứ tư. Khi những dự đoán của ông được chứng minh là chính xác, ông biết là ông đã có một khám phá khoa học xác thực.

Tuy nhiên, vị chủ tịch không trả tiền cho khoa học thuần túy. Kiến thức chỉ nhằm mục đích làm hài lòng một triết gia, còn vị chủ tịch lại có một vấn đề thực tế cần phải giải quyết. Mục tiêu của ông không phải là hiểu về hiện tượng chơi bóng trên không mà là “nhổ rễ” nó.

Vì vậy, vị chủ tịch đề nghị nhà kinh tế học quay trở lại bàn máy tính để hệ thống thành một kế hoạch hành động hoàn chỉnh. Sau một vài lần khởi đầu sai lầm, nhà kinh tế học đã nảy ra một sáng kiến. Nếu các đội chỉ có ba lần chơi thì sao nhỉ?

Để kiểm chứng ý tưởng của mình, nhà kinh tế học đã viết một chương trình máy tính mô phỏng hoạt động của các đội trong một trận đấu chỉ có ba lần chơi. Chương trình được viết ra bao hàm đầy đủ tất cả những hiểu biết của nhà kinh tế học về việc các đội chơi bóng trên không. Hết lần mô phỏng này đến lần mô phỏng khác đều khẳng định cho dự đoán của ông: Vì chơi bóng trên không chỉ diễn ra trong lần chơi thứ tư, nên sẽ không ai chơi bóng trên không trong một trận đấu không có lần chơi thứ tư.

Vị chủ tịch thật sự ấn tượng trước sức nặng của các chứng cớ và tổ chức một cuộc họp báo để thông báo một thay đổi trong luật chơi bóng bầu dục. Từ giờ trở đi, chỉ có ba lần chơi là được thừa nhận. Vị chủ tịch cũng tự tin thông báo rằng việc lạm dụng chơi bóng trên không sẽ lùi vào dĩ vãng. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Các đội bắt đầu chơi bóng trên không trong lần chơi thứ ba, và vị chủ tịch không nghe theo các nhà kinh tế học nữa.

Người hùng của chúng ta nằm trong số các nhà phân tích chính sách của thế kỉ XX. Trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà kinh tế học đã phải học môn thống kê. Một môn học mới của kinh tế định lượng giúp ta phát hiện những kiểu mẫu ẩn sâu trong dữ liệu kinh tế và kiểm chứng xem những kiểu mẫu này có khả năng lặp lại nhiều không. Các nhà kinh tế học đã mổ xẻ hành vi tiêu dùng, các quyết định đầu tư, sản lượng nông nghiệp, nguồn cung cấp lao động, việc kinh doanh tài chính, và tất cả những gì họ có thể nghĩ ra. Và công trình thành công ngoài sức tưởng tượng. Các dữ liệu hé lộ sự một sự tương phản nổi bật được dùng để dự đoán tương lai với độ chính xác khá cao.

Một người Mỹ hiện đại cảm thấy khó có thể tưởng tượng ra được một thời mà các dự đoán kinh tế vĩ mô lại thường rất chính xác. Nhưng thực tế, thời hoàng kim ngắn ngủi đó đã từng tồn tại. Câu hỏi hiển nhiên đặt ra là, có điều gì đó không ổn?

Sai lầm xuất hiện khi chính phủ bắt đầu coi trọng nhà kinh tế, và điều đó đã dần dần phá hoại mọi thứ. Hãy cùng dõi theo dấu chân của một nhà kinh tế học cụ thể, từng là cố vấn cho Liên đoàn Bóng đá Quốc gia, và giờ được chính phủ Mỹ thuê để giúp thiết lập chính sách kinh tế.

Mục tiêu là nhằm kích cầu sản lượng nông nghiệp. Người anh hùng của chúng ta được giao nhiệm vụ phân tích thị trường ngũ cốc và thiết kế chính sách nhằm đưa nhiều ngũ cốc hơn đến gia đình trung lưu ở Mỹ.

Nhiệm vụ đầu tiên là xác định thực trạng lượng tiêu dùng ngũ cốc. Sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu dữ liệu, nhà kinh tế học tìm ra mức độ thường xuyên thống kê mà ông đang tìm kiếm. Một gia đình trung bình mua hai hộp ngũ cốc mỗi tháng. Hành vi này nhất quán một cách đáng ngạc nhiên.

Chẳng hạn, những thay đổi nhỏ trong thu nhập sau thuế hầu như không ảnh hưởng gì tới doanh thu ngũ cốc.

Là nhà khoa học theo chủ nghĩa hoài nghi, nhà kinh tế học đã không chỉ dựa vào những dữ liệu cũ. Thay vào đó, ông chứng thực những dự đoán của mình. Ông dự đoán rằng trong vòng vài tháng tới, các gia đình sẽ tiếp tục mua khoảng hai hộp ngũ cốc mỗi tháng, bất chấp những thay đổi nhỏ bất thường trong thu nhập. Dự đoán của ông được chứng thực nhiều lần. Những cảm xúc trong niềm hân hoan chiến thắng đã gợi lại cái ngày vinh quang thời trẻ khi ông lần đầu tiên phát hiện ra mối quan hệ giữa lần chơi thứ tư và chơi bóng trên không.

Cấp trên của nhà kinh tế học hài lòng về những phát hiện của ông, và còn hài lòng hơn khi ông dùng nó làm cơ sở của kế hoạch chính sách: Chính phủ sẽ cung cấp cho mỗi gia đình Mỹ hai hộp ngũ cốc mỗi tháng. Việc cấp vốn cho chương trình này sẽ đòi hỏi một mức tăng thuế nhỏ, nhưng như chúng ta đã biết, mức tăng thuế nhỏ không làm ảnh hưởng tới doanh thu ngũ cốc. Vì vậy, các gia đình sẽ tiếp tục mua hai hộp ngũ cốc mỗi tháng tại cửa hàng tạp hóa. Cùng với hai hộp ngũ cốc chính phủ cấp cho, họ sẽ tiêu thụ tổng cộng bốn hộp, hay nói cách khác, gấp hai lần lượng tiêu thụ trước đây của họ.

Nhưng một điều kỳ lạ đã xảy ra. Khi chính phủ bắt đầu phát không ngũ cốc, người tiêu dùng lại phản ứng giống như các cầu thủ bóng bầu dục chỉ có ba lần chơi để đưa bóng tiến về phía phần sân đội bạn được 10 yards: Họ lập tức thay đổi chiến thuật. Ngay khi người ta nhận ra rằng chính phủ phân phát ngũ cốc tới tận cửa thì họ cũng ngừng mua ngũ cốc tại các cửa hàng tạp hóa.

Vị anh hùng kinh tế của chúng ta không phải là nhân vật hư cấu, mà là một điển hình đích thực cho thế hệ ông. Trong những năm 1950 và 1960, con đường sự nghiệp của ông trải đầy vinh quang và danh tiếng. Mới chỉ 20 năm trước, Robert E. Lucas, Jr. (hiện đang công tác tại trường Đại học Chicago) đã đưa ra cảnh báo được công nhận rộng khắp rằng con người thường phản ứng lại những thay đổi trong chính sách, và rằng nhận định đơn giản này khiến cho những phân tích về chính sách trong quá khứ trở thành vô giá trị. Ngay cả bây giờ, sinh viên học môn kinh tế đầu tiên được dạy rằng khi chính phủ phát không ngũ cốc thì người dân vẫn tiếp tục mua ngũ cốc như trước đó. (Dĩ nhiên, sách giáo khoa trình bày giả định đó nghiêng về khía cạnh đại số nhiều hơn là theo trường hợp ngũ cốc cụ thể, nhằm bảo đảm rằng sinh viên sẽ không hiểu được vấn đề là gì.)

Nhưng không may cho các nhà phân tích chính sách, con người không đơn giản là những “người máy”. Họ là những cầu thủ chiến lược trong một trận đấu phức tạp mà luật chơi là do chính sách của chính phủ đặt ra. Những hành vi mà các nhà kinh tế học quan sát được − quyết định mua xe hoặc mua nhà, nghỉ việc hoặc nhận việc mới, mướn thêm thợ hoặc xây nhà máy mới − là những mảng nhỏ của chiến lược. Một khi luật chơi đã ổn định, chúng ta có thể hy vọng rằng các chiến lược không thay đổi nhiều, và ta có thể ngoại suy dựa vào những nhận định trong quá khứ. Nhưng khi luật chơi thay đổi thì mọi dự đoán đều sai hết cả.

Nhà kinh tế học của chúng ta/người hùng lẽ ra nên dành ít công sức cho việc thống kê và dành nhiều thời gian hơn cho lý thuyết đơn thuần. Nếu áp dụng đúng lý thuyết môn bóng bầu dục − nói rằng mỗi đội đều cố gắng ghi nhiều điểm hơn đội kia − thì có lẽ ông đã dự đoán đúng cách các cầu thủ phản ứng lại với luật chơi mới. Nếu áp dụng lý thuyết “ngũ cốc” − nói rằng các gia đình lựa chọn đồ ăn dựa trên cơ sở sở thích, sự thuận tiện, giá cả và những yếu tố khác − thì ông đã có thể đoán được rằng người dân sẽ chẳng ăn nhiều hơn ngay cả khi chính phủ phát không đồ ăn cho họ.

Dĩ nhiên sẽ có một số lý thuyết sai, và các nhà kinh tế học tán thành những lý thuyết đó thì sẽ dự đoán tình hình không chính xác. Nhưng một nhà kinh tế học theo một lý thuyết thì ít nhất cũng sẽ nhà kinh tế học chỉ dựa vào số liệu thống hết. có một cơ hội dự đoán đúng. Còn một kê ngoại suy thì không có cơ hội nào

Lĩnh vực mà kinh tế vĩ mô dự đoán sai nhiều nhất là mối quan hệ giữa việc làm và lạm phát. Từ nhiều năm nay, có nhiều chứng cớ đáng tin cậy cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa hai yếu tố này: Khi lượng người thất nghiệp giảm thì lạm phát tăng, và ngược lại. Vào những năm 1960, nhận định này đã được kiểm chứng qua thử nghiệm thống kê nghiêm ngặt và được thừa nhận rộng rãi như là một chân lý khoa học hiển nhiên. Lấy chân lý ấy làm nền tảng của chính sách, các nhà chính trị cố gắng điều chỉnh lạm phát nhằm giảm lượng người thất nghiệp. Nhưng kết quả thu được lại hoàn toàn trái ngược với mong đợi: một thập kỷ trì trệ − lạm phát cao và tỷ lệ những người có việc làm thấp cùng ập tới một lúc. Sau đó, vào thập niên 1980, lạm phát giảm đáng kể, và sau một thời kỳ suy thoái trầm trọng ban đầu, cơ hội việc làm lại “nở rộ” chưa từng thấy. Những thống kê chuẩn mực dường như đã chống lại chúng ta.

Điều gì đã thay đổi? Thật khó có thể trả lời câu hỏi đó nếu ta không viện tới lý thuyết về cách tỷ lệ lạm phát ảnh hưởng quyết định tuyển dụng cá nhân như thế nào. Năm 1971, Robert Lucas đưa ra ví dụ đầu tiên về lý thuyết đó.

Hãy tưởng tượng rằng Willie Worker hiện đang thất nghiệp không phải vì không có cơ hội việc làm nào, mà bởi những cơ hội đó không hấp dẫn nên anh ta thà chịu thất nghiệp còn hơn. Mức lương đề nghị cao nhất mà Willie nhận được là 10 nghìn đô-la một năm, chỉ vừa đủ trang trải các chi phí thiết yếu cho anh. Nếu mức lương đề nghị là 15 nghìn đô-la, Willie sẽ nhận công việc đó ngay lập tức.

Một đêm, trong khi Willie đang ngủ thì một cuộc lạm phát nghiêm trọng xảy ra khiến giá cả và lương bổng tăng gấp đôi. Nhà tuyển dụng tăng mức lương từ 10 nghìn lên 20 nghìn đô-la. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trong thế giới mà giá cả mọi thứ đều đã tăng gấp đôi, Willie không muốn nhận công việc nào có mức lương dưới 30 nghìn đô-la. Anh ta vẫn thất nghiệp.

Bây giờ tôi sẽ thay đổi câu chuyện một chút nhé. Buổi sáng sau cái đêm cuộc lạm phát nghiêm trọng đó xảy ra, Willie bị đánh thức bởi cú điện từ nhà tuyển dụng gọi đến để mời đi làm với mức lương 20 nghìn đô-la. Vào thời điểm đó, Willie chưa đọc báo và không hề biết gì về việc giá cả đã leo thang gấp đôi. Thế là anh ta vui vẻ nhận lời. Chỉ đến khi trên đường về nhà, dừng lại siêu thị để mua đồ bằng những đồng lương đầu tiên của mình, Willie mới nhận ra sự thật phũ phàng và bắt đầu viết đơn xin thôi việc.

Câu chuyện hư cấu được cách điệu hóa cao độ này phản ánh những khía cạnh quan trọng có khả năng phát sinh trong thực tế. Cái cách mà lạm phát có làm tăng cơ hội việc làm là lừa gạt mọi người. Lạm phát khiến cơ hội việc làm trở nên hấp dẫn hơn so với thực chất và dụ dỗ người lao động nhận công việc mà chắc chắn họ sẽ từ chối nếu họ biết rõ hơn về tình hình kinh tế.

Chúng ta có thể kể câu chuyện hay hơn từ quan điểm của nhà tuyển dụng. Giả sử bạn có một tiệm bán kem, bán một cây kem ốc quế với giá 1 đô-la. Nếu bạn bán với giá 2 đô-la một cây kem, bạn sẽ mở rộng được hoạt động của mình, nhưng bạn đã học hỏi được qua thử nghiệm rằng mức giá 2 đô-la cao hơn những gì khách hàng sẵn sàng trả.

Nếu giá cả và lương bổng – bao gồm tất cả những chi phí của bạn − tăng gấp đôi thì bạn có thể bán kem với giá 2 đô-la, nhưng 2 đô-la đó có giá trị cũng chỉ tương đương 1 đô-la của ngày hôm qua. Bạn vẫn như trước đó mà thôi.

Nhưng giả sử giá cả và lương bổng tăng gấp đôi mà bạn không hề biết gì. Bạn chỉ nhận thấy khách hàng bỗng dưng sẵn sàng trả thêm tiền để mua một cây kem ốc quế. (Bạn nhận ra khi khách đến mua đông hơn, vì cây kem giá 1 đô-la của cửa hàng bạn đã trở thành giá hời với những khách hàng kiếm được mức lương gấp đôi hàng tháng.) Bạn mở rộng hoạt động và thuê thêm nhiều nhân viên mới. Nhưng ngay cả khi bạn đã nhận ra sai lầm của mình, thì việc mở rộng hoạt động cũng không hủy bỏ được: tủ lạnh mới đã được lắp đặt, chỗ để xe mới đã được xây và có thể bạn vẫn muốn giữ lại ít nhất một trong số những nhân viên mới thuê.

Câu chuyện của Lucas không ngụ ý rằng lạm phát mang lại công việc cho con người, mà chính lạm phát bất ngờ mang lại công việc cho con người. Trong câu chuyện của ông, lạm phát tiên liệu được không ảnh hưởng đến hành vi của bất cứ ai. Lịch sử kinh tế vĩ mô hiện đại (được cách điệu hóa ở mức cao) sẽ giải thích thế này: Lạm phát đánh lừa người lao động chấp nhận làm nhiều công việc hơn và đánh lừa người sử dụng lao động tuyển nhiều nhân viên hơn. Tất cả các chính phủ đều nhận ra rằng lạm phát thường đi song song với tỷ lệ tuyển dụng cao và quyết định tận dụng mối quan hệ này để kiểm soát tỷ lệ lạm phát một cách có hệ thống. Người lao động và người sử dụng lao động nhanh chóng nhận ra ý định của chính phủ và không bị lừa phỉnh nữa. Mối tương quan giữa lạm phát và thất nghiệp bị phá vỡ chỉ bởi chính phủ muốn lợi dụng nó.

Để tôi chỉ ra cụ thể sự giống nhau này nhé. Trong suốt lịch sử môn bóng bầu dục, không hề có sự khác nhau giữa lần chơi thứ tư và lần chơi cuối cùng. Nếu nhà kinh tế học A quả quyết rằng “đội bóng chơi bóng trên không ở lần chơi thứ tư” và nhà kinh tế học B lại quả quyết rằng “đội bóng chỉ chơi bóng trên không ở lần chơi cuối cùng” thì không có dữ liệu nào trong quá khứ có thể phân biệt được hai giả thuyết của họ. Bất cứ dữ liệu nào thừa nhận giả thuyết của nhà kinh tế học A cũng sẽ thừa nhận giả thuyết của nhà kinh tế học B, và ngược lại. Cả hai lý thuyết đều sẽ dự đoán chính xác cho đến khi luật chơi thay đổi. Nhưng sau khi luật chơi thay đổi, khi lần chơi cuối cùng trở thành lần chơi thứ ba thay vì lần chơi thứ tư, thì một giả thuyết sẽ đúng và giả thuyết còn lại trở thành sai hoàn toàn.

Trong suốt lịch sử ngành ngũ cốc, không có sự khác biệt nào giữa mua và tiêu thụ ngũ cốc. Nếu nhà kinh tế học A quả quyết rằng “mỗi gia đình mua hai hộp ngũ cốc mỗi tháng” và nhà kinh tế học B quả quyết rằng “mỗi gia đình tiêu thụ hai hộp ngũ cốc mỗi tháng”, thì không có dữ liệu nào trước đây phân biệt được hai giả thuyết đó. Những dữ liệu nào thừa nhận giả thuyết của nhà kinh tế học A cũng sẽ thừa nhận giả thuyết của nhà kinh tế học B, và ngược lại. Cả hai lý thuyết đó đều sẽ dự đoán chính xác cho đến khi luật chơi thay đổi. Nhưng sau khi luật chơi thay đổi, khi chính phủ phát không hai hộp ngũ cốc cho mỗi gia đình hàng tháng, thì một giả thuyết sẽ đúng và giả thuyết còn lại trở thành sai hoàn toàn.

Trong suốt hai thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tỷ lệ lạm phát biến động không ngờ. Không có sự khác nhau giữa lạm phát và lạm phát bất ngờ.

Nếu nhà kinh tế học A quả quyết rằng lạm phát mang lại công việc cho con người và nhà kinh tế học B quả quyết rằng lạm phát bất ngờ mang lại công việc cho con người, thì không có dữ liệu nào trong quá khứ phân biệt được hai giả thuyết đó. Dữ liệu nào thừa nhận giả thuyết của nhà kinh tế học A cũng sẽ thừa nhận giả thuyết của nhà kinh tế học B, và ngược lại. Cả hai giả thuyết đều sẽ dự đoán đúng cho đến khi luật chơi thay đổi. Nhưng sau khi luật chơi thay đổi, khi chính phủ bắt đầu kiểm soát tỷ lệ lạm phát theo cách có hệ thống và có thể dự đoán được, thì một giả thuyết sẽ đúngvà giả thuyết còn lại trở thành sai hoàn toàn.

Nếu dựa vào quá khứ để dự đoán hành vi của con người trong một môi trường cố định thì rất dễ; nhưng dự đoán hành vi của con người trong một môi trường luôn thay đổi mới khó. Vào mùa hè ở New York, tôi sẽ mang ô đi làm khi bầu trời buổi sáng trở nên âm u. Nếu bạn quan sát tôi một thời gian, có thể bạn sẽ nhận ra thói quen đó và đoán được khi nào tôi sẽ mang ô. Nhưng ở Colorado vào mùa hè, tôi không bao giờ mang ô đi làm bởi vì tôi biết chắc rằng cơn mưa chớp nhoáng vào buổi chiều sẽ dứt trước 5 giờ chiều khi tôi tan tầm. Nếu tôi chuyển đến Colorado thì mọi dự đoán của bạn đều sai hết.

Một nhà kinh tế học thấu hiểu được tại sao các đội chơi bóng trên không sẽ biết chuyện gì xảy ra khi luật chơi thay đổi; một nhà kinh tế học thấu hiểu được tại sao người tiêu dùng mua ngũ cốc sẽ biết chuyện gì xảy ra khi bạn được cung cấp ngũ cốc miễn phí; một nhà kinh tế học thấu hiểu được tại sao người ta chấp nhận một việc làm nào đó sẽ biết chuyện gì xảy ra khi ta cố kiểm soát tỷ lệ lạm phát; và một nhà kinh tế học thấu hiểu được tại sao tôi mang ô sẽ biết chuyện gì xảy ra khi tôi chuyển đến sa mạc. Để hiểu được hành vi, các nhà kinh tế học phải biết kể chuyện − những câu chuyện như là chuyện về người lao động thất nghiệp hay người bán kem − và dành thật nhiều thời gian đắn đo xem câu chuyện có hợp lý hay không, và làm thế nào để họ có thể kể những câu chuyện hay hơn.

Nhiều nhà kinh tế học vẫn không cảm thấy hài lòng với câu chuyện của Lucas và đặt những câu hỏi khó nhằn như “Tại sao chủ tiệm kem không tìm hiểu về tỷ lệ lạm phát từ tờ Wall Street Journal trước khi anh ta bắt đầu một dự án mở rộng hoành tráng?” Lucas và những người khác đã đáp lại bằng cách phát triển câu chuyện lên một bậc, và đồng thời sẵn sàng tiếp nhận những câu chuyện “cạnh tranh” lại.

Nhưng mặc cho số phận của bất cứ câu chuyện nhất định nào có ra sao đi nữa thì Lucas đã thay đổi vĩnh viễn kinh tế vĩ mô khi ông khẳng định rằng nhà kinh tế học vĩ mô phải có một câu chuyện nào đó để kể và phải kể đủ chi tiết để khiếm khuyết của các câu chuyện lộ rõ. Vào năm 1971, Lucas bắt đầu viết “Kỳ vọng và sự trung lập của đồng tiền” bằng cách miêu tả những tiểu tiết của một xã hội nhân tạo, bao gồm tuổi thọ của các cư dân, tuổi nghỉ hưu, và chính xác họ quan sát được bao nhiêu từ đời sống riêng tư của nhau. Với những đặc điểm chính xác đó, ông có thể theo dấu mỗi hệ quả khi nguồn cung tiền tăng lên.

Trong thế giới của Lucas, một sự thay đổi ngẫu nhiên trong nguồn tiền tệ cũng khiến lạm phát và việc làm gia tăng. Cũng cùng sự thay đổi đó, khi nó xảy ra không phải do ngẫu nhiên mà do chính sách của chính phủ, thì sẽ lại khiến lạm phát tăng nhưng việc làm vẫn không đổi.

Theo lời kể, khi Lucas nộp bài viết cho một tờ báo kinh tế nổi tiếng, họ đã từ chối đăng với lý do bài viết thú vị nhưng không liên quan đến kinh tế vĩ mô. Ngày nay, bài viết ấy trở thành khuôn mẫu của kinh tế vĩ mô. Một số nhà kinh tế học thích câu chuyện đó và một số khác ghét nó, nhưng đa số họ đều đồng tình rằng hy vọng lớn nhất của chúng ta là kể và mổ xẻ những câu chuyện rõ ràng và đủ đơn giản về thế giới để hiểu, nhưng cũng đủ rối rắm để thể hiện mối quan hệ với thế giới chúng ta đang sống. Đó là hướng tiến bộ từ lý thuyết kinh tế vĩ mô cũ, và cũng rất cần thiết nữa.

Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thành công với vai trò là một môn khoa học dự đoán. Nhưng kinh tế vĩ mô hiện đại, xuất hiện mới 20 năm nay, kiên quyết không phạm sai lầm của người đi trước, và sẽ nhìn tương lai bằng sự tự tin nóng vội của tuổi trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.