Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

II. TỐT VÀ XẤU – Chương 6. Cái đúng trong cái sai



Những cạm bẫy của nền dân chủ

Trong lúc thưởng thức một bữa ăn tối, môt người bạn của tôi đã thể hiện một niềm tin mãnh liệt rằng người giàu đóng thuế ít hơn phần − công bằng mà nói − họ lẽ ra phải đóng. Tôi không hiểu ý của cô ấy khi nói từ “công bằng”, vì vậy tôi đã đặt một câu hỏi để làm sáng tỏ điều này: Giả sử Jack và Jill được nhận lượng nước bằng nhau từ giếng dùng chung. Thu nhập của Jack là 10 nghìn đô-la, và Jack bị đánh thuế 10%, tức là 1 nghìn đô-la, để tu bổ giếng nước. Thu nhập của Jill là 100 nghìn đô-la, và cô bị đánh thuế 5%, tức là 5.000 đô-la, để tu bổ giếng nước. Chính sách thuế này bất công ở chỗ nào?

Người bạn của tôi phản hồi thẳng thắn rằng cô ấy chưa bao giờ nghĩ về chủ đề này theo cách đó và không chắc chắn về câu trả lời của mình. Tôi không hề phiền lòng về điều này; tôi đã từng suy nghĩ khá nhiều về chủ đề này trên phương diện đó và chính tôi cũng vẫn chưa thật chắc chắn về câu trả lời của chính mình. Đó là lý do tôi lưỡng lự khi đưa ra những phán quyết về sự công bằng của các chính sách thuế. Nếu tôi không thể nói được rằng cái gì là công bằng trong một thế giới chỉ có hai người và một cái giếng thì làm sao tôi có thể phán xét điều đó trong một đất nước với 250 triệu người và hàng chục nghìn loại hình dịch vụ của chính phủ?

Dù chưa từng phải nghĩ xem về mặt lý thuyết thì “công bằng” bao gồm những gì, nhưng người bạn của tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để phán xét những trường hợp cụ thể, tự tin rằng nếu cô ấy không định nghĩa được nó thì ít nhất cô ấy vẫn có thể nhận được ra khi bắt gặp nó. Nhưng nếu cô ấy thực sự có thể nhận ra sự công bằng khi nhìn thấy nó thì cô ấy đã có thể làm được như vậy trong thế giới của Jack và Jill rồi.

Cái cô ấy thiếu là một triết lý đạo đức. Có rất nhiều triết lý đạo đức để lựa chọn, và tôi tin rằng lý luận kinh tế là công cụ đắc lực nhất giúp đánh giá giá trị của chúng. Cơ sở chứng minh ban đầu của bất cứ triết lý đạo đức nào là thế giới giả tạo của mô hình kinh tế – một thế giới nơi tất cả mọi thứ đều được cụ thể hóa, rõ ràng tới từng chi tiết mà thực tế không bao giờ có được.

Đó là lý do tại sao, nếu tôi có thể hỏi mỗi ứng cử viên tổng thống một câu hỏi, câu hỏi đó sẽ đi theo hướng như thế này:

Phương án nào tốt hơn: Một thế giới trong đó ai cũng kiếm được 40 nghìn đô-la một năm, hay một thế giới mà ở đó 3/4 dân số kiếm 100 nghìn đô-la và số còn lại chỉ kiếm 25 nghìn đô-la?

Tôi không chắc bản thân mình sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào, và tôi sẽ không loại bỏ một ứng cử viên cho dù người đó chọn bất cứ bên nào. Nhưng tôi muốn một số bằng chứng cho thấy anh ta quan tâm tới những câu hỏi như thế này.

Những phóng viên thực sự tiếp cận được với các ứng cử viên dường như thiên nhiều về những câu hỏi liên quan tới hệ thống chăm sóc sức khỏe hay chính sách công nghiệp, moi móc để sở hữu những chi tiết nhỏ nhặt thay vì những luận điểm triết học bao quát, tìm hiểu những vùng tri thức đã có thể tiếp sinh lực cho Herbert Hoover hay làm mờ mắt Thomas Jefferson. Ứng cử viên biết mình sẽ được hỏi câu nào và đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Anh ta sẽ miêu tả kế hoạch chăm sóc sức khỏe của mình và quảng cáo các lợi ích của nó. Nhưng nếu bạn cho phép tôi hỏi thêm một câu tiếp theo, nó sẽ như thế này:

Tại sao anh cho rằng kế hoạch chăm sóc sức khỏe của anh là điều tốt?

Nghĩ rằng tôi chắc hẳn đã ngủ gật trong khi anh ta thuyết trình về những điều hay ho trong chương trình của mình, ứng cử viên này sẽ kiên nhẫn nhắc lại những luận điểm chính trong bài diễn thuyết của mình. Nói cách khác, anh ta hoàn toàn lờ tịt câu hỏi của tôi.

Một trong những quy định đầu tiên của việc phân tích chính sách là bạn không bao giờ có thể chứng minh được rằng một chính sách là hay ho chỉ bằng cách liệt kê những lợi ích của nó. Cố nhiên là gần như bất cứ chính sách nào của bất cứ ai cũng có một số ưu điểm nào đó. Nếu bạn muốn bảo vệ cho một chính sách, nhiệm vụ của bạn không phải là giải trình rằng nó có những điểm tốt, mà rằng nó có lợi nhiều hơn có hại.

Và nếu bạn đang chuẩn bị tranh luận rằng một chương trình có lợi nhiều hơn có hại, ít nhất bạn cũng phải ngầm tuyên bố quan điểm của mình về một vấn đề triết học căn bản. Nói một cách ngắn gọn, vấn đề đó là: Nhiều hơn có nghĩa là gì?

Một tình huống giả định là kế hoạch chăm sóc sức khỏe của một ứng cử viên có thể tăng giá trị của các chương trình chăm sóc sức khỏe lên thêm 1 tỷ đô-la dành cho những hộ gia đình nghèo nhất trên toàn quốc. Cùng lúc đó, những người đóng thuế từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu sẽ thấy tổng lượng thuế mà họ phải đóng thêm lên đến 1,5 tỉ đô-la. Chương trình này liệu có lợi nhiều hơn có hại chăng? Nó phụ thuộc hoàn toàn vào cách bạn lý giải định nghĩa của từ nhiều hơn. Đâu là tiêu chuẩn đúng đắn để so sánh một dạng chi phí với một dạng lợi ích khác?

Trong thế giới thực, bất cứ bản đề xuất chính sách có ý nghĩa nào cũng phải bao gồm những thỏa hiệp khổng lồ gồm những lợi ích và mất mát khó có thể tính toán được đối với lượng người không đếm xuể. Bất cứ ai có ý tưởng chỉ cho chúng ta cách so sánh lợi ích và mất mát đó thì chắc hẳn sẽ có thể nói rằng một bản đề xuất đơn giản và phi thực tế chẳng làm được trò trống gì ngoài việc làm giàu cho người nghèo 1 tỉ đô-la và làm cho người giàu nghèo đi 1,5 tỉ đô-la. Bất cứ ai từng xem xét những vấn đề tiềm ẩn một cách hợp lý chắc hẳn sẽ có vài suy ngẫm về cách phân phối thu nhập lý tưởng trong một thế giới giả tưởng.

Các nhà hoạch định chính sách cần một liều thuốc lý thuyết để đầu óc họ khỏi vẩn vơ như đang trên mây. Người ta dễ bị cuốn vào việc lên những danh sách dài của lợi và hại mà quên đi rằng sớm hay muộn chúng ta sẽ phải quyết định xem bao nhiêu cái hại sẽ đủ để triệt tiêu một cái lợi cụ thể nào đó. Chúng ta có thể ủy thác cho các chuyên gia ước tính chi phí và lợi ích, nhưng khi chi phí được tính bằng những quả táo và lợi ích được tính bằng những quả cam, thì chỉ những tính toán đơn thuần sẽ không thể soi sáng con đường tới chân lý được. Khi tất cả các số liệu đã đầy đủ, chúng ta vẫn cần một triết lý để dẫn dắt các quyết định của mình. Nếu chúng ta không thể xử lý một câu hỏi lý thuyết đơn giản về sự phân phối thu nhập đầy hoang đường, thì làm sao chúng ta có thể đưa ra những nguyên lý được phát triển đủ cao siêu để định hướng những ưu tiên của mình trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe?

Chăm sóc sức khỏe không phải là vấn đề duy nhất mà các chính trị gia vẫn hay “phán” với cơ sở đạo đức dưới mức chấp nhận đối với một giáo chủ. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, George Bush đặc biệt thích nói rằng giảm tỷ lệ lãi suất để giúp giảm bớt gánh nặng cho các chủ hộ gia đình trẻ là điều rất tốt. Vì Chúa, ai mà chả biết điều đó. Nhưng ai cũng biết rằng tỷ lệ lãi suất thấp hơn sẽ là thảm họa đối với những người đang tích lũy để nghỉ hưu. Việc kêu gọi sự chú ý tới một mặt của cuốn sổ chi phí – lợi ích trong khi lờ tịt mặt kia chỉ là chiêu bài dối trá. Nếu một chính trị gia muốn tranh luận một cách chính đáng để bảo vệ cho luận điểm về tỷ lệ lãi suất thấp hơn thì điều mà anh ta cần giải thích không phải là ”tại sao giúp người đi vay là việc tốt”, mà là “tại sao việc giúp người đi vay đồng thời làm hại người cho vay là điều tốt”. Nói cách khác, anh ta cần bảo vệ quan điểm là cách phân phối thu nhập này tốt hơn cách kia. Nếu anh ta không có những suy nghĩ khái quát về cái gì tạo dựng nên cách phân phối thu nhập “tốt hơn”, thì anh ta sẽ không làm được việc gì chỉ với quan điểm về hướng đi cho tỷ lệ lãi suất.

Không giống như ngài Bush và người bạn trong bữa tối, tôi vẫn chưa biết công lý là gì. Nhưng tôi tin rằng kinh tế học sẽ soi rọi những khả năng đó.

Một cách tiếp cận công lý là quan điểm mang tính dân chủ cao,. Đó là phần thắng luôn thuộc về số đông. Tôi ngờ rằng bất cứ ai trong lịch sử nhân loại cũng đã từng tin vào thứ nguyên lý mang đậm tính đa số như thế. Tôi không biết ai, hay chờ đợi , muốn biết một ai có niềm tin rằng số đông sẽ thắng thế khi 51% dân chúng bỏ phiếu để móc mắt 49% dân số còn lại vì họ có hình thức giải trí quá lười nhác. Thường thì những người theo chủ trương đa số, kích động quan điểm của mình bằng một số khái niệm về quyền cá nhân. Những quyền đó hoặc là không thể bị tước đi hoặc có thể tước đi chỉ trong những trường hợp đặc biệt. Đại khái đây là cách tiếp cận của Hiến pháp Mỹ, thể chế hóa một biến thể của quy luật số đông trong khi liệt kê một số quyền không thể tước đi được.

Một vấn đề của luật số đông là nó không hướng dẫn cho người ta cách xử lý khi có nhiều sự lựa chọn mà không sự lựa chọn nào chiếm đa số. Sẽ rất ít người muốn lựa chọn một chính sách kinh tế mang tầm quốc gia trong hoàn cảnh là nó nhận được 4% phiếu bầu trong khi mỗi người trong số 32 đối thủ của nó nhận được 3%.

Bất cứ quy trình bỏ phiếu nào cũng phải bao gồm những quy định về việc xử lý thế nào trong trường hợp có quá nhiều lựa chọn. Nếu phải xem xét một số chính sách, hay một số ứng cử viên, liệu chúng ta có nên tổ chức một buổi bỏ phiếu sơ bộ, tiếp đó là vòng chung kết dành cho 2 hoặc 3 người có số phiếu bầu cao nhất hay không? Liệu chúng ta có nên tổ chức một cuộc đấu vòng tròn, trong đó hai ứng cử viên loại nhau trước, rồi để ứng cử viên thứ ba đối đầu với người thắng cuộc và cứ như vậy cho tới khi chỉ còn một người duy nhất còn sót lại hay không? Liệu chúng ta có nên để người ta bỏ phiếu bầu không chỉ cho lựa chọn đầu tiên mà hai hay ba hay mười lựa chọn đầu tiên và chờ ứng cử viên giành chiến thắng với đa số phiếu xuất hiện hay không?

Sẽ là khó chịu nhất nếu ta chỉ nhắm mắt chọn bất kì một giải pháp nào trong số đó. Lựa chọn dựa trên cơ sở của một sở thích mỹ học mơ hồ nào đó sẽ chẳng khá hơn là mấy. Một cách tiếp cận có hệ thống hơn là: liệt kê một số yếu tố không được ưa thích trong quá trình bầu cử. Sau đó thu hẹp danh sách này xuống còn những người tránh những thiếu sót đó.

Đầu tiên, có vẻ hiển nhiên khi yêu cầu tất cả mọi người đều ưa chuộng Tinker hơn Chance có nghĩa là Chance lẽ ra không thể thắng trong một cuộc bầu cử mà Tinker là ứng cử viên. Bất cứ quy trình nào cho phép Chance đánh bại Tinker nhờ vào một vài khe hở trong quy định phải được chấp nhận. Điều này sẽ loại trừ những quy định ngu ngốc như “ai được nhiều người bầu là lựa chọn cuối cùng nhất sẽ thắng”.

Thứ hai, kết quả của một phiếu bầu không được phụ thuộc vào những lựa chọn tùy tiện về thứ tự diễn ra của các sự kiện. Điều này sẽ loại trừ thể thức đấu vòng tròn, nơi mà một ứng cử viên xui xẻo bị xếp vào vòng đầu sẽ có nguy cơ bị loại cao hơn những đối thủ nhập cuộc muộn hơn.

Thứ ba, một ứng cử viên thứ ba không có cơ hội thắng ,không được tác động tới kết quả của một cuộc đua giành cho hai người kia. Điều này sẽ loại trừ quy định đơn giản “phần thắng thuộc về số đông”. Nếu phần thắng thuộc về số đông, vị thế của một ứng cử viên sẽ được cải thiện khi một ứng cử viên thứ ba kéo cử tri của đối thủ về phía anh này.

Vào đầu những năm 1950, nhà kinh tế học Kenneth Arrow (sau này đoạt giải Nobel) đã liệt kê một danh sách những yêu cầu hợp lý trong quy trình bầu cử dân chủ. Chúng đều mang hơi hướng của những gì tôi vừa trình bày. Sau đó Arrow bắt đầu tìm kiếm tất cả những quy định bầu cử đáp ứng được yêu cầu.

Hóa ra là không có nhiều. Arrow đã có thể chứng minh – với sức mạnh không thể lay chuyển của toán học thuần túy – rằng cách duy nhất để thỏa mãn tất cả những yêu cầu này là chọn một cử tri và trao cho anh ta tất cả phiếu bầu. Hóa ra cách thức “dân chủ” duy nhất đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của nền dân chủ lại là xức dầu thánh cho một kẻ độc tài!

Khám phá của Arrow chắc hẳn đã tạo ra một khoảng lặng cho bất cứ ai tưởng tượng rằng việc tiến hành một hệ thống bầu cử dân chủ lý tưởng là điều có thể. Nhưng với tôi, dường như có một lý do cơ bản hơn rất nhiều để hoài nghi về nền dân chủ, hay thậm chí một nền dân chủ đi kèm với một bản hiến chương về các quyền không thể tước bỏ là chúng ta hoàn toàn không có giải trình nào cho hi vọng là nền dân chủ sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp. Làm sao chúng ta chứng minh được, khi chúng ta liên tục “đánh trống lảng” xung quanh vấn đề “tốt đẹp” có nghĩa gì?

Sự ưu tiên của số đông có nên lấn áp phe đối lập tuy hăng hái nhưng lại chiếm số ít hay không? Phần lớn mọi người cho là không và ưa chuộng một hệ thống giúp tránh những kết cục như thế. Người ta thường quả quyết rằng hệ thống nhà nước cộng hòa hoạt động tốt hơn về mặt này, bởi thiểu số hăng hái có thể tổ chức để tạo nhiều sức ép đối với các đại diện của họ hơn là những gì phe đa số có thể trầy trật đem lại. Sự quả quyết này có vẻ đáng tin, nhưng cái gọi là có vẻ không phải là một bằng chứng.

Vậy phải làm gì để chứng tỏ rằng chính phủ cộng hòa đem lại kết quả tốt đẹp? Đầu tiên, bạn sẽ cần tới một học thuyết chính trị tích cực, các chính trị gia, và các nhóm gây áp lực. (Bằng một học thuyết tích cực tôi muốn nói tới một lý thuyết có thể dự đoán về các kết quả mà không phán xét tính phổ biến của chúng). Học thuyết của bạn sẽ cụ thể hóa các giả thuyết về hành vi ứng xử của các chính trị gia; chẳng hạn như, “chính trị gia hành động để tối đa hóa cơ hội tái cử của mình?” hay “chính trị gia hành động để tối đa hóa sức mạnh của mình khi còn đương nhiệm?” hay “chính trị gia hành động để làm giàu cho bạn bè của mình?” hoặc một số kết hợp của những điều này. Học thuyết kinh tế có thể dẫn dắt bạn từ giả định cho tới những hậu quả mang tính logic của chúng, cho phép bạn dự đoán đạo luật nào sẽ được ban hành trong những hoàn cảnh khác nhau. Có lẽ bạn muốn kiểm tra lý thuyết của mình với những quan sát thực tế trước khi đặt quá nhiều niềm tin vào đó.

Thứ hai, bạn sẽ cần tuyên bố thật chính xác bạn mong đợi những kết quả như thế nào. Chẳng hạn như nhóm thiểu số phải lớn tới mức nào hay hăng hái tới đâu trước khi họ được cho phép ngăn chặn mong muốn của đa số? Những câu trả lời như “đủ lớn và khá hăng hái” sẽ không đạt tiêu chuẩn; bạn phải tuyên bố các chi tiết với sự chuẩn xác của toán học. Những chi tiết như thế cấu thành một lý thuyết quy phạm, đối ngược với một lý thuyết tích cực; chúng mô tả điều gì được mong đợi chứ không phải điều sẽ xảy ra.

Cuối cùng, bạn có thể so sánh những dự đoán dựa trên lý thuyết tích cực của mình về kết quả thực tế với những tiêu chuẩn của kết quả được mong đợi, được tuyên bố cẩn thận trong lý thuyết quy phạm của bạn, và cố gắng chứng minh một điều gì đó về tần suất trùng hợp của chúng. Một lần nữa, bạn sẽ cần tới rất nhiều lý thuyết, có lẽ là dưới dạng toán học hợp lý.

Lý thuyết tích cực của những nhóm gây sức ép vẫn còn nằm trong giai đoạn tương đối trứng nước. Trong vòng 15 năm trở lại đây, một số bài viết có vẻ muốn thử sức trước vấn đề này; rất nhiều bài viết hay nhưng không có bài viết chính thức nào. Thậm chí nếu chúng ta có được sự xa xỉ (mà hiện tại chưa thể mường tượng ra) về một lý thuyết tích cực được phát triển toàn diện và kiểm chứng hoàn hảo thì chúng ta vẫn cần một lý thuyết quy phạm riêng để cho thấy liệu hệ thống của chúng ta có được ưa chuộng hay không. Chúng ta luôn quay về một điểm: Cần có một triết lý đạo đức để phân biệt cái đúng và cái sai.

Bây giờ việc ưa chuộng nền dân chủ, hay nền dân chủ có giới hạn, hay một số biến tấu của nền dân chủ, đã là một triết lý, ít nhất là một triết lý sơ đẳng, và là thứ triết lý khá toàn vẹn cho một số người. Tuy nhiên, nó không phải là dạng triết lý mang tính hệ quả; nó đánh giá hệ thống chính trị bằng một tiêu chuẩn độc đoán sử dụng chính giá trị bản chất (“dân chủ là điều tốt”) chứ không phải bằng những hệ quả của chế độ dân chủ đối với hạnh phúc của nhân loại.

Chương trình nghiên cứu tôi vừa phác họa có thể được tóm tắt như sau: xác định những hệ quả của nền dân chủ, và sau đó quyết định liệu những hệ quả ấy (trái với bản thân ý tưởng của nền dân chủ) có chấp nhận được hay không.

Phần lớn các triết lý hiện diện trong những bài diễn thuyết chính trị đều có chủ trương vô hệ quả. Bất cứ tuyên bố về “quyền lợi” nào xuất hiện trước những ưu tiên của chúng ta đều nằm trong những quy định cụ thể như là một sự đối lập với những hệ quả của những quy định đó. Cả hai phe trong cuộc tranh luận về việc nạo phá thai – dù với mục đích thúc đẩy “quyền được sống” hay “quyền được lựa chọn” – đều là những điều vượt quá cái ngưỡng của chủ nghĩa hệ quả.

Kinh tế học không hề phản bác triết lý về quyền lợi. Nhưng các hệ quả cũng có ảnh hưởng và việc cân nhắc chúng theo một cách có hệ thống là điều nên làm. Vì những hệ quả chúng ta quan tâm liên quan tới hạnh phúc của nhân loại, nên sẽ là tiện lợi để tin rằng hạnh phúc là thứ đong đếm được, ít nhất là về mặt nguyên tắc. Chẳng hạn như, chúng ta biết điều đó là gì khi mà Jack hạnh phúc hơn Jill. Rất nhiều nhà kinh tế học nhạo báng những so sánh như thế.

Họ tranh luận rằng hạnh phúc của Jack và Jill là những thứ hoàn toàn khác nhau và không thể dùng chúng để so sánh với nhau. Nhưng vì lợi ích của việc tiếp tục cuộc thảo luận này, hãy tạm gác sự hoài nghi ấy sang một bên.

Nếu hạnh phúc là thứ cân đong đo đếm được thì sẽ rất dễ để liệt kê một danh sách các triết lý mang tính hệ quả (hay trong thuật ngữ kinh tế, gọi là các tiêu chuẩn mang tính quy phạm). Một là, đi tìm điều tốt đẹp nhất cho người bất hạnh nhất. Nếu có thể đặt hạnh phúc ngang hàng với thu nhập, điều này có nghĩa là một thế giới toàn những người trung lưu sẽ tốt đẹp hơn một thế giới gồm một số người giàu và một số người nghèo. Nhưng nó cũng có nghĩa là

người ta chấp nhận sự bất công, chỉ cần nó đem lại lợi ích cả cho những người ở dưới đáy xã hội. Một xã hội với các mức thu nhập khác nhau là nơi mà ngay cả những người nghèo nhất cũng có đủ cơm ăn được ưa chuộng hơn một xã hội mà tất cả chúng ta đều đói như nhau.

Một tiêu chuẩn quy phạm khác là, tối đa hóa tổng hạnh phúc của loài người. Bây giờ hành trang triết lý của chúng ta nặng hơn một chút, vì chúng ta được yêu cầu không chỉ so sánh hạnh phúc của Jack và Jill, mà còn phân cho mỗi loại một con số. Một hệ thống phân cho Jack 4 đơn vị hạnh phúc và Jill 10 đơn vị (để tổng số là 14) tốt hơn một hệ thống phân cho Jack 6 và Jill 7 (để tổng số là 13).

Một khi bạn đã chấp nhận khả năng định lượng bằng con số, việc tăng tối đa tổng số sẽ chẳng còn gì đặc biệt nữa. Một tiêu chuẩn quy phạm khác là tối đa hóa tích số của hạnh phúc của con người. Điều này sẽ xoay ngược một số đánh giá. Bây giờ một hệ thống phân cho Jack 4 đơn vị hạnh phúc và Jill 10 đơn vị (để tích số là 40) sẽ lép vế so với một hệ thống phân cho Jack 6 và Jill 7 (để tích số là 42).

Dù giá trị của chúng có là gì, mỗi tiêu chuẩn này mang một vị thế mơ hồ, đối lập với – chẳng hạn như – một câu vô nghĩa muôn thuở là “tìm kiếm điều tốt đẹp nhất cho con số lớn nhất”. (Khi bạn so sánh phân phối thu nhập 40 nghìn đô-la cho tất cả mọi người với 100 nghìn đô-la cho 3/4 và 25 nghìn cho số còn lại, điều nào tuân theo phương châm “tìm kiếm điều tốt đẹp nhất cho con số lớn nhất”? Câu trả lời của bạn cũng sẽ như của tôi thôi.) Chúng cũng hoàn toàn trừu tượng và chỉ có thể áp dụng được trong những ví dụ mang tính phi thực tế cao. Nhưng như tôi đã nói, nếu chúng ta không thể hiểu những ví dụ mang tính phi thực tế cao, chúng ta đừng hy vọng hiểu được thế giới.

Vấn đề là với tất cả các tiêu chuẩn này thì việc lựa chọn giữa chúng dường như rất độc đoán. Ai có thể nói liệu tối đa hóa tổng số hạnh phúc là điều nên làm hơn tối đa hóa tích số hạnh phúc? Tôi biết tới hai cách tiếp cận để vượt qua trở ngại này.

Một cách là bắt đầu viết ra một số yêu cầu hợp lý mà một tiêu chuẩn quy phạm cần thỏa mãn. Ví dụ, chúng ta có thể yêu cầu bất cứ khi nào có cơ hội cải thiện tình hình cho tất cả mọi người thì tiêu chuẩn quy phạm của chúng ta phải chứng tỏ được điều đó; việc này sẽ loại bỏ những thứ như “luôn cố gắng làm cho người bất hạnh nhất càng bất hạnh càng tốt” hay “giảm thiểu tổng hạnh phúc của loài người”. Chúng ta có thể yêu cầu rằng tiêu chuẩn quy phạm của chúng ta đối với tất cả mọi người là như nhau; chúng ta không nên cho phép mình quan tâm tới đời sống của người da trắng hay của phụ nữ hơn đời sống của người da đen hay đàn ông.

Một khi chúng ta đã đồng tình với những yêu cầu này, việc lên danh sách tất cả các tiêu chuẩn quy phạm đạt yêu cầu trở thành một phép toán thuần túy. Không may là ngay cả khi những yêu cầu không thể bàn cãi đã được sàng lọc, kết quả thường gặp nhất là không tiêu chuẩn quy phạm nào thỏa mãn cùng một lúc tất cả tất cả các yêu cầu đó. Điều này chuyển trọng tâm của cuộc tranh luận sang: Bạn sẵn sàng loại bỏ những tiêu chuẩn hợp lý nào? Liệu chúng ta quan tâm nhiều hay ít về tính cân bằng giữa các cá nhân hơn là quan tâm tới việc phê chuẩn mỗi cơ hội cải thiện cuộc sống của tất cả mọi người? Toán học dạy chúng ta về sự thỏa hiệp; nó cho ta biết rằng nếu chúng ta muốn một tiêu chuẩn với một số đặc điểm nhất định nào đó thì chúng ta phải sẵn sàng rũ bỏ các đặc điểm khác.

Mặc dù cách tiếp cận này không giải quyết được vấn đề, nó đưa cuộc tranh luận lên một bậc cao hơn. Chúng ta không có cơ sở rõ ràng để ưu tiên cách tiếp cận tổng số hạnh phúc so với tích số hạnh phúc, nhưng dường như chúng ta có ưu tiên bản năng sâu sắc về các yêu cầu như sự cân bằng. Một cái nhìn rõ ràng về các ưu tiên, cộng với một số học thuyết thuần túy sẽ quyết định tiêu chuẩn quy phạm mà chúng ta buộc phải chọn.

Có một cách tiếp cận thứ hai đối với vấn đề này, được giới thiệu lần đầu tiên bởi nhà kinh tế học John Harsanyi nhưng lại gắn nhiều với tên tuổi của triết gia John Rawls, người dùng nó làm cơ sở cho công trình bất hủ về thuyết công lý của ông. Trong quan điểm của Rawls hay của Harsanyi, chúng ta phải hình dung bản thân mình đằng sau một lớp màn ngu dốt, nơi chúng ta không biết tới cả danh tính của chính mình. Sau lớp màn này, chúng ta biết rằng số phận chúng ta được dành cho cuộc đời của một ai đó, nhưng tất cả các sinh vật trên trái đất đều có khả năng như nhau. Theo Rawls, một xã hội công bằng chính là nơi chúng ta sẽ chọn được sinh ra nếu bị buộc phải lựa chọn đằng sau lớp màn.

Những người ủng hộ Rawls tranh luận rằng nếu chúng ta tước đi tất cả tri thức của mỗi cá nhân, chúng ta sẽ đều đồng tình rằng thế giới sẽ nên như thế nào. Các quan sát về các hành vi thực tế thậm chí có thể giúp chúng ta đoán trước chúng ta sẽ đồng tình về những khía cạnh nào. Chúng ta biết rằng khi người ta có thể bảo hiểm trước nguy cơ bị bệnh hiểm nghèo, họ thường sẽ làm điều đó. Sẽ là có lý để suy luận rằng nếu chúng ta có thể bảo hiểm cho nguy cơ thiểu năng bẩm sinh hay việc bị tật nguyền hay kém may mắn, chúng ta cũng sẽ làm điều đó. Đằng sau lớp màn, những dạng bảo hiểm như thế sẽ tồn tại: chúng ta có thể đồng tình rằng những người sinh ra đã có năng khiếu và khỏe mạnh sẽ chia sẻ thu nhập của mình với những người khác. Bởi vì chúng ta đều muốn kí những hợp đồng như thế đằng sau lớp màn, những người ủng hộ Rawls tranh luận rằng điều này phải được bắt buộc trong cuộc sống.

Bản thân Rawls còn tiến xa hơn. Ông tin rằng sau khi tán đồng về một số quyền cơ bản nhất định, chúng ta sẽ nỗ lực tập trung vào việc cải thiện đời sống của ít nhất một người hạnh phúc. Xét ở phương diện cực đoan nhất, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ ưa chuộng một thế giới trong đó tất cả mọi người tồn tại toàn là những tỉ phú và một sinh linh tội nghiệp chết vì đói.

Những người chấp nhận mô hình lớp màn khác có những mong đợi khác nhau về những gì chúng ta đã đồng tình. Harsanyi đưa ra một tranh luận – chỉ có điều nó hơi phức tạp quá để thuật lại tại đây – minh họa rằng dưới những điều kiện hợp lý nhất định, chúng ta sẽ bị buộc phải đồng ý với công thức tổng số hạnh phúc. Tôi rất yêu thích tranh luận này bởi tôi tự khám phá ra nó và trong vài ngày đã tin nó là nguồn gốc. Trong những ngày đó, tôi chia sẻ điều này với các bạn bè của mình.. Một số người thấy nó là một sự thông minh tuyệt vời và một số cho đó là ý tưởng hoàn toàn ngu ngốc. Cuối cùng, một đồng nghiệp có học vấn cao hơn của chúng tôi là William Thomson thông báo rằng luận điểm đó đã được Harsanyi tìm ra vài thập kỉ trước và từ đó đến nay đã được sử dụng rộng rãi.

Tiêu chuẩn lớp màn dường như không đủ để giải quyết một số vấn đề đạo đức nghiêm trọng, bởi nó thất bại trong việc chỉ rõ ai là người đứng sau lớp màn. Câu trả lời thông thường sẽ là “tất cả mọi người”, nhưng có những trường hợp “tất cả mọi người” mơ hồ hơn cái tên của nó. Người ta có nên coi việc cho phép giết hải cẩu để làm áo khoác là được phép hay không? Tôi có thể đưa ra một câu trả lời nếu tôi biết tôi sẽ sinh ra là bất kì một ai đó; nhưng câu trả lời sẽ khác rất nhiều nếu khi tôi sinh ra làm một chú hải cẩu. Việc nạo phá thai có hợp pháp hay không? Câu trả lời của tôi đằng sau lớp màn có thể phụ thuộc vào việc liệu “thai nhi bị phá” có phải là một trong danh tính người ta phân cho tôi hay không. Để quyết định xem liệu những thai nhi có đứng sau lớp màn cùng với chúng ta hay không, thì chúng ta phải tự hỏi xem liệu chúng có được coi là con người hoàn thiện hay không. Điều này đối với tôi, dường như lại đưa chúng ta quay trở lại với câu hỏi mà chúng ta đang tìm lời giải đáp.

Tôi tin rằng những tranh luận từ màn có thể giúp ích rất nhiều trong những đặc tính cơ bản hay từ đằng sau lớp việc làm sáng tỏ suy nghĩ của chúng ta và cũng cảnh báo chúng ta về những điều không nhất quán còn ẩn giấu. Tuy vậy, tôi ngờ rằng việc lựa chọn tiêu chuẩn quy phạm sẽ hoàn toàn dựa vào thị hiếu. Và thực tế, đó là nguồn gốc của một nghịch lý đầy hấp dẫn.

Hãy để tôi minh họa nghịch lý ấy trong trường hợp cực đoan đến độ nó gần như là thứ phù phiếm. Giả sử chúng ta đồng ý soạn một chính sách dựa vào tiêu chuẩn quy phạm mà tiêu chuẩn đó yêu cầu chúng ta tối đa hóa đời sống của những người bất hạnh nhất thế giới. Lần theo một cuộc tìm kiếm lớn, chúng ta định vị được sinh linh bất hạnh đó và hỏi anh ta rằng chúng ta có thể làm gì để khiến anh hạnh phúc hơn. Anh ta trả lời rằng anh thích sống trong một thế giới nơi tiêu chuẩn quy phạm không liên quan tới sự hạnh phúc của người bất hạnh nhất.

Với ưu tiên này, việc áp dụng tiêu chuẩn quy phạm một cách nhất quán sẽ là điều hoàn toàn bất khả thi. Cách duy nhất để áp dụng nó là rũ bỏ nó.

Ngoài ra, giả sử chúng ta đã đồng tình với việc tăng tối ta tổng số hạnh phúc của loài người và phát hiện ra rằng chúng ta có thể tăng tổng số hạnh phúc bằng cách đồng ý không tăng tối đa tổng số hạnh phúc. Mục tiêu của chúng ta một lần nữa lại mâu thuẫn với chính mình.

Trong những hoàn cảnh khác nhau, chúng ta có thể chứng minh về mặt toán học rằng hầu hết các tiêu chuẩn quy phạm sẽ phải vướng vào những nghịch lý như thế này. Nếu chúng ta loại trừ những ứng cử viên oái ăm này, sự lựa chọn giữa các tiêu chuẩn quy phạm sẽ tự động thu lại còn một con số, được xử lý được trước khi chúng ta bắt đầu quá trình triết lý.

Đây có lẽ là nghịch lý tuyệt nhất. Đôi lúc người ta khăng khăng rằng hành vi đạo đức là vấn đề thuộc về thị hiếu cá nhân và lý thuyết thuần túy chỉ có thể đóng góp rất ít cho cuộc thảo luận. Thực tế, đó chính là vì hành vi đạo đức là vấn đề thuộc về thị hiếu cá nhân mà lý thuyết thuần túy có thể khai thác các nghịch lý có khả năng loại trừ một loạt những tiêu chuẩn quy phạm không thể áp dụng được.

Nếu bạn trưng cầu ý kiến của các nhà kinh tế học, bạn có lẽ sẽ tìm ra ưu tiên rõ ràng dành cho một tiêu chuẩn quy phạm mà tôi chưa trình bày. Tiêu chuẩn này mang cái tên ghê gớm đến mức dễ đánh lừa người ta: hiệu quả kinh tế hay phân tích lợi ích – chi phí. Tôi nghĩ nó đáng được bàn tới trong một chương riêng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.