Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 11



Tôi thấy Daffy đang ngồi vắt vẻo trên đỉnh chiếc thang có bánh xe trong thư viện.
“Bố đâu chị?” Tôi hỏi.
Chị ta lật một trang sách và tiếp tục đọc như thể tôi không hề tồn tại trên đời.
“Chị Daffy?”
Tôi thấy cơn giận trong lòng sắp sửa sôi lên: vạc rượu huyền bí đang sôi có thể nhanh chóng biến Flavia Kẻ Vô hình thành Flavia Kẻ Kinh hoàng.
Tôi túm lấy một trong các thanh ngang và lắc thang thật mạnh, sau đó xô chiếc thang để nó lăn đi. Một khi thang chuyển động, nó sẽ tiếp tục lăn như thế, còn Daffy bám chặt ở trên cùng như một con sao sao sợ chết khiếp khi tôi đẩy chiếc thang chạy dọc căn phòng dài lê thê.
“Flavia, dừng lại ngay! Dừng lại ngay!”
Khi thang đạt đến tốc độ báo động và chuẩn bị lao vụt ra cửa, tôi phanh lại rồi chạy ra phía sau để tiếp tục đẩy về hướng ngược lại, và trong lúc đó, Daffy loạng quạng ở tít trên như một người canh gác trên chiếc thuyền săn cá voi đang chao đảo giữa cơn gió ở Bắc Đại Tây Dương.
“Bố đâu hả?” Tôi hét lên.
“Bố vẫn ở trong phòng làm việc với viên Thanh tra. Dừng lại ngay! Dừng lại ngay!”
Tôi dừng lại khi thấy mặt mũi chị ta xám ngoét.
Daffy run lẩy bẩy trèo xuống thang và cẩn thận bước xuống sàn. Trong một tích tắc, tôi thầm nghĩ chị ta sẽ tấn công tôi bất thình lình, nhưng chị ta có vẻ mất nhiều thời gian hơn bình thường để lấy lại hồn vía chân tay.
“Thi thoảng mày làm tao sợ,” chị ta thều thào.
Tôi định ăn miếng trả miếng nói rằng có nhiều lúc tôi cũng làm chính mình sợ, nhưng tôi chợt nhớ rằng sự im lặng đôi lúc nguy hiểm hơn lời nói. Tôi cố không nói ra điều mình đang nghĩ.
Phần lòng trắng trong hai mắt Daffy vẫn lồi ra, giống hệt lòng trắng của một con ngựa kéo đang mệt lả vì lồng lên, và tôi quyết định tận dụng khoảnh khắc này.
“Cô Mountjoy sống ở đâu?”
Daffy vẫn nhìn vô hồn. “Cô Mountjoy trông thư viện ấy,” tôi nói thêm.
“Tao không biết,” Daffy nói. “Từ bé tao có mò đến thư viện bao giờ đâu.”
Mắt vẫn mở to, chị ta ngó tôi qua cặp kính.
“Em đang định xin lời khuyên của cô ấy về ước mơ trở thành thủ thư thôi.”
Một lời nói dối hoàn hảo. Nét mặt Daffy gần như trở thành nét mặt của người được tôn trọng.
“Tao không biết cô ấy sống ở đâu đâu,” chị ta nói. “Hỏi cô Cool xem, ở cửa hàng bánh kẹo ấy. Ri rỉ rì ri cái gì ở Bishop’s Lacey cô ấy đều biết tuốt.”
“Cám ơn chị Daff,” tôi nói khi chị ta ngồi xuống chiếc ghế có lưng tựa được bọc kỹ, “chị quả là rộng lượng.”
Một trong những thuận lợi hàng đầu khi sống gần làng quê là nếu muốn, bạn sẽ vào ngay được trong làng. Tôi cưỡi Gladys dọc đường, thầm nghĩ chắc sẽ là ý tưởng hay khi viết một cuốn nhật ký hành trình, giống như các phi công vẫn bị bắt phải làm vậy. Đến giờ, Gladys và tôi đáng ra phải ghi được hàng trăm giờ bay lượn cùng nhau, chủ yếu là đi ra và đi vào Bishop’s Lacey. Thi thoảng, với chiếc hòm dã ngoại buộc đằng sau yên xe màu đen, chúng tôi có thể mạo hiểm đi xa hơn nữa.
Có lần, chúng tôi cùng nhau đi suốt cả buổi sáng để mục sở thị một quán trọ – nơi người ta nói Richard Mead đã từng ở lại một đêm vào năm 1747. Richard (hoặc Dick, như tôi thỉnh thoảng nói ngắn gọn thế) là tác giả cuốn A Mechanical Account of Poisons in Several Essays, xuất bản năm 1702. Đó là cuốn sách đầu tiên về chất độc được viết bằng tiếng Anh, một phiên bản đầu tiên vốn là niềm tự hào của thư viện hóa học của tôi. Trong phòng triển lãm ảnh chân dung (phòng ngủ) của mình, tôi treo bức ảnh của ông trên tấm gương soi cùng các nhà hóa học lỗi lạc như Henry Cavendish, Robert Bunsen và Carl Wilhelm Scheele, trong khi Daffy va Feely treo ảnh của nhà văn Charles Dickens cùng ca sĩ lừng danh Mario Lanza.
Cửa hàng bánh kẹo ở đường High Street của Bishop’s Lacey đứng kẹp lép giữa cửa hàng phục vụ tang lễ và cửa hàng bán cá. Tôi dựng Gladys vào cánh cửa sổ kính dày và túm nắm cửa.
Tôi khẽ chửi thề. Cánh cửa này được khóa chặt như đinh đóng cột.
Tại sao cả vũ trụ lại cùng hiệp lực chống lại tôi như thế này nhỉ? Trước hết là cửa tủ quần áo, sau là cửa thư viện, và bây giờ là cửa hàng bánh kẹo. Đời tôi đang biến thành một hành lang dài bất tận với những cánh cửa khóa chặt.
Tôi chụm hai tay đặt lên cửa sổ rồi hé mắt nhìn vào không gian tối ảm đạm bên trong.
Chắc hẳn cô Cool đi vắng, hoặc tương tự như mọi người trong Bishop’s Lacey, chắc cô ấy đang mắc bận việc gia đình cấp bách. Tôi dùng cả hai tay túm nắm cửa và lắc lấy lắc để, dù tôi biết có làm vậy cũng vô ích.
Tôi chợt nhớ ra cô Cool sống trong hai căn phòng phía sau cửa hàng. Có lẽ cô ấy quên không mở cửa. Người có tuổi thường như thế: họ bị lão suy và…
Nhưng nếu cô ấy chết khi đang ngủ thì sao? Tôi nghĩ bụng. Hoặc tồi tệ hơn nữa…
Tôi nhìn sang cả hai hướng nhưng đường High Street hoàn toàn vắng lặng. Nhưng đợi đã nào! Tôi quên béng mất Bolt Alley, một đường hầm ẩm ướt tối tăm làm bằng sỏi cuội và gạch, dẫn tới khu vườn phía sau các cửa hàng. Hiển nhiên là thế rồi! Tôi đi tới đó ngay lập tức.
Bolt Alley toát lên mùi của những ngày xửa ngày xưa và người ta đồn đại rằng nơi đây từng có một nhà máy sản xuất rượu đầy tai tiếng. Tôi bất chợt rùng mình khi tiếng bước chân mình dội lại từ những bức tường phủ đầy rêu và mái hầm nước nhỏ giọt. Cố không chạm vào các bức tường bẩn thỉu hôi thối và cố không hít vào không khí chua loét này, tôi đi men tường ra với ánh nắng mặt trời ở tít phía cuối con đường.
Khu vườn sau nhỏ xíu của cô Cool được bao quanh bởi một bức tường đổ nát thấp tè. Cánh cổng gỗ được cài then bên trong.
Tôi trèo qua tường, đi thẳng về phía cửa và dùng cả bàn tay đập thật lực lên cánh cửa.
Tôi ghé tai lên ván ô, nhưng có vẻ bên trong chẳng có động tĩnh gì.
Tôi bước ra khỏi lối đi, lội vào đám cỏ dại, và dí mũi vào đáy ô kính cửa sổ đầy bồ hóng. Mặt sau của chạn bát che khuất tầm nhìn của tôi.
Ở góc vườn có một chuồng chó đổ nát – thứ còn sót lại của con chó Geordie sau khi nó bị một chiếc ô tô chạy tốc độ cao chèn qua trên đường High Street.
Tôi giật mạnh khung chuồng chó ọp ẹp cho đến khi nó đổ sụp xuống đất, rồi tôi kéo bộ khung ấy ngang qua vườn đến bên dưới cửa sổ. Sau đó tôi trèo lên trên.
Đứng trên khung chuồng chó, tôi chỉ cần bước thêm một bước nữa là có thể đặt được đầu ngón chân lên bậu cửa. Tôi cố gắng giữ thăng bằng dù rất cheo leo trên lớp sơn nứt nẻ, chân tay dang ra giống hệt chân dung bức tranh Người Vitruvian của Leonardo da Vinci, một tay tôi bám chặt vào cửa chớp, tay còn lại cố lau sạch một khoảng kính đầy bụi bẩn để nhìn cho rõ.
Phòng ngủ nhỏ xíu tối om, nhưng tôi vẫn nhìn thấy một thân hình đang nằm trên giường; và một khuôn mặt trắng bệch đang nhìn tôi chằm chằm, cái miệng há ra hình chữ “O” khiếp sợ.
“Flavia!” Cô Cool nói, đứng bật dậy, giọng bị nghẹt lại qua lớp cửa kính. “Chuyện quái quỷ gì…?”
Cô ấy túm lấy hàm răng giả trong chiếc cốc vại, ấn mạnh vào mồm rồi biến mất trong một tích tắc, và khi tôi nhảy xuống đất, tôi nghe thấy tiếng then cửa được kéo ra. Cánh cửa mở ra và cô ấy đứng đó – giống con lửng bị bẫy – trong bộ quần áo tuềnh toàng mặc ở nhà, bàn tay hết nắm lại mở ra trong cơn lo lắng ứ lên tận cổ.
“Chuyện quái quỷ gì…?” Cô ấy lặp lại, “Chuyện gì thế hả?”
“Cửa trước bị khóa,” tôi nói. “Cháu không vào được.”
“Đương nhiên là cửa khóa,” cô nói. “Lúc nào chẳng khóa vào ngày Chủ nhật. Cô đang chợp mắt một tí mà.”
Cô dụi dụi đôi mắt đen nhỏ ti hi, đôi mắt vẫn nheo lại vì ánh sáng.
Tôi chầm chậm hiểu ra rằng cô nói đúng. Hôm nay là Chủ nhật. Mặc dù có vẻ như một khoảng thời gian vô tận đã trôi qua, nhưng mới sáng nay thôi tôi vẫn còn ngồi ở nhà thờ St. Tancred với cả gia đình.
Chắc hẳn lúc đó trông tôi tả tơi lắm.
“Cháu thân yêu, có chuyện gì nào?” Cô Cool nói. “Về chuyện khủng khiếp đó ở Buckshaw hả?”
Vậy là cô ấy biết chuyện rồi.
“Hy vọng cháu đủ khôn ngoan để tránh xa cái cảnh…”
“Vâng, tất nhiên rồi cô Cool ạ,” tôi nói và nở nụ cười tiếc nuối. “Nhưng cháu được yêu cầu là không được nói gì về chuyện đó. Cháu hy vọng cô hiểu ý cháu.”
Đây là lời nói dối, nhưng là lời nói dối hạng nhất.
“Cháu ngoan quá,” cô nói và ngẩng lên nhìn ô cửa sổ kín rèm của một dãy nhà kế cận đang ngó xuống vườn nhà cô.
“Đây không phải là nơi nói chuyện đâu. Cháu vào trong đi.”
Cô đưa tôi qua hành lang hẹp, một bên là phòng ngủ bé xíu, một bên là phòng khách thu nhỏ. Và đột nhiên hai cô cháu đã đứng trong cửa hàng, ngay sau quầy được dùng làm bưu điện của làng. Không chỉ là người bán bánh kẹo duy nhất của Bishop’s Lacey, cô Cool còn là giám đốc bưu điện, và vì vậy cô biết hết mọi thứ cần biết – trừ hóa học, đương nhiên là vậy rồi.
Cô quan sát tôi kỹ lưỡng trong khi tôi thích thú ngắm nhìn các tầng giá đựng hàng, mỗi giá được sắp thẳng tắp các lọ đựng thanh bạc hà đắng, bạc hà tròn, hạt đường nhiều màu dùng để trang trí bánh.
“Xin lỗi cháu. Nhưng ta không bán hàng vào Chủ nhật. Bọn họ đã triệu ta lên tòa rồi. Đó là luật đấy.”
“Cháu xin lỗi,” tôi nói. “Cháu quên không nhớ hôm nay là thứ mấy. Cháu không định làm cô sợ đâu.”
“Thôi, cũng không sao mà,” cô ấy nói và bất ngờ lấy lại thói dông dài thường lệ khi cô đi lăng xăng quanh cửa hàng, bâng quơ chạm hết thứ này đến thứ kia.
“Nói với bố cháu là sắp có đợt tem mới về nhé, nhưng đừng sung sướng vội, ít nhất cô cũng thấy thế. Vẫn là tem hình Vua George, cầu Chúa phù hộ cho Ngài, nhưng chỉ là Ngài được tô điểm với màu sắc mới thôi.”
“Cám ơn cô Cool,” tôi nói. “Chắc chắn cháu sẽ nói lại với bố.”
“Cô thì nghĩ Bưu điện Lớn ở mãi London có thể nghĩ ra ối thứ hay ho hơn thế,” cô ấy nói tiếp, “nhưng hình như bọn họ đang phải tiết kiệm óc sáng tạo đến tận năm sau để còn tổ chức Lễ hội Britain thì phải.”
“Không biết cô có thể nói cho cháu biết chỗ cô Mountjoy ở được không,” tôi buột miệng nói.
“Tilda Mountjoy á?” Hai mắt cô ấy nheo lại. “Cháu cần gì ở cô ta hả?”
“Cô ấy giúp cháu rất nhiều trong thư viện, nên cháu nghĩ mình nên mang biếu cô ấy ít kẹo.”
Tôi nở nụ cười ngọt ngào cho phù hợp với ngữ cảnh.
Đây là một lời nói dối trơ trẽn. Bây giờ tôi mới nghĩ đến vấn đề này, khi tôi nhận thấy mình có thể bắn một mũi tên trúng hai đích.
“À ừ,” cô Cool nói. “Margaret Pickery đi vắng để trông nom chị gái ở Nether-Wolsey – đúng là khoảnh khắc hữu ích bất thình lình cho Tilda Mountjoy.”
“Kẹo chanh,” cô ấy bất ngờ nói. “Chủ nhật hay không thì kẹo chanh vẫn là lựa chọn hoàn hảo.”
“Cháu có sáu penni,” tôi nói. “… Và một đồng shilling để mua thanh bạc hà đắng,” tôi nói thêm. Bạc hà đắng là niềm đam mê bí mật của tôi.
Cô Cool nhón chân ra phía trước cửa hàng và kéo rèm xuống.
Cô bốc kẹo chanh vào chiếc túi giấy màu tím đượm màu tang tóc, như thể loại túi này vốn được sản xuất để đựng đầy một hai vốc thạch tín hoặc hạt nhục đậu khấu.
“Vậy là một shilling và sáu penni,” cô ấy nói và gói thanh bạc hà đắng vào giấy. Tôi đưa cho cô hai đồng và trong khi cô ấy vẫn đang lục tiền trong túi quần, tôi nói, “Thôi cô ạ. Cháu không cần trả lại đâu.”
“Cháu dễ thương quá đi,” cô ấy cười toét miệng và luồn thêm một thanh bạc hà vào gói giấy. “Nếu cô có con, cô cũng chỉ mong chúng nó được chín chắn hoặc hào phóng bằng nửa cháu thôi.”
Tôi nở nụ cười khoái trí và cứ cười như thế khi cô ấy chỉ nhà cô Mountjoy cho tôi.
“Biệt thự Cây liễu,” cô ấy nói. “Cháu sẽ không bỏ qua biệt thự đó được đâu. Màu cam nhé.”
Đúng như cô Cool nói, biệt thự Cây liễu có màu cam; loại màu cam bạn thường nhìn thấy khi màu đỏ tươi của mũ nấm rơm bắt đầu nhạt màu. Ngôi nhà nằm nấp bóng bên dưới vòm lá màu xanh mềm rũ của một cây liễu khổng lồ – các cành liễu chuyển động khó nhọc trong gió nhẹ và khẽ quét bụi bẩn bên dưới giống hệt cây chổi của phù thủy. Chuyển động của các cành liễu khiến tôi nghĩ đến một bản nhạc từ thế kỷ mười bảy mà Feely thi thoảng vẫn đánh đàn và hát theo – rất ngọt ngào, tôi phải thừa nhận như vậy – khi chị ta nghĩ về Ned:
Cây liễu nghiêng mình, cây liễu vấn vương,
Ôi ước chi em được ở trong vòng tay anh, nơi có trái tim em xiết bao ấm áp.
Yêu đương không phải là thứ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi mỗi khi tôi nhìn thấy cây liễu; ngược lại, cây liễu luôn luôn khiến tôi nhớ đến Ophelia (nhân vật của Shakespeare đấy, không phải bà chị tôi đâu) – cô gái đã tự trẫm mình cạnh một cây liễu.
Trừ nhúm cỏ to bằng chiếc khăn tay ở một bên, cây liễu nhà cô Mountjoy rủ hết xuống hàng rào quanh vườn. Ngay cả khi bước lên bậc thềm, tôi vẫn cảm thấy sự ẩm thấp của nơi này: những cành cây uể oải tạo thành một chiếc nắp màu xanh mà rất ít ánh sáng có thể xuyên qua, và hình ảnh đó khiến tôi có cảm giác kỳ cục về việc phải ở dưới nước. Những mảng rêu phủ một lớp dày trên bậc cửa, và những giọt nước nhễu bẩn buồn bã rỉ thành từng vệt khắp bề mặt bức tường màu cam.
Trên cửa là chiếc búa gõ với hình mặt cười hớn hở của Lincoln Imp[39] nhưng đã bị ô xi hóa. Tôi nhấc búa lên và khẽ gõ nhẹ hai cái. Trong lúc chờ đợi, tôi lơ đãng nhìn đăm đăm vào không trung đề phòng có người liếc trộm phía sau các tấm rèm.
Nhưng viền đăng ten bụi bặm không lay động. Như thể bên trong không có chút hơi thở sống.
Bên trái là lối đi rải cuội với những viên gạch cũ kỹ mòn vẹt dẫn quanh nhà, và sau khi đợi ngoài cửa khoảng một hai phút, tôi đi theo lối mòn đó.
Cánh cửa sau gần như bị che lấp hoàn toàn bởi bức mành lá liễu, chúng uốn lượn trong tiếng sột soạt khẽ khàng, giống như tấm phông màu xanh lòe loẹt ở rạp hát chuẩn bị được kéo lên.
Tôi chụm tay ngó vào tấm kính của một trong những ô cửa sổ bé xíu. Nếu tôi kiễng đầu ngón chân lên…
“Mày làm gì vậy hả?”
Tôi quay phắt người lại.
Cô Mountjoy đang đứng bên ngoài vòng tròn của các cành liễu và nhìn vào trong. Qua vòm lá, tôi chỉ nhìn thấy các vệt thẳng đứng trên mặt cô, nhưng hình ảnh nhìn thấy khiến tôi lạnh gáy.
“Cô Mountjoy, là cháu mà… Flavia ạ,” tôi nói. “Cháu muốn cám ơn cô vì cô đã giúp cháu rất nhiều lúc ở thư viện.”
Các cành liễu kêu xào xạc khi cô Mountjoy bước vào bên trong vòm lá xanh rì. Một tay cô cầm chiếc kéo làm vườn và cô không nói gì thêm. Đôi mắt cô, giống hai hạt nho điên dại trên khuôn mặt nhăn nhúm, không rời khỏi mắt tôi.
Tôi lùi lại khi cô bước đến tiếp, phong tỏa lối trốn chạy của tôi.
“Tao thừa biết mày là ai rồi,” cô nói. “Mày là Flavia Sabina Dolores de Luce, con gái út của lão Jacko.”
“Cô biết bố cháu ạ?!” Tôi há hốc miệng kinh ngạc.
“Con nhóc, tất nhiên là tao biết rồi. Ở tuổi tao thì ai chả biết khối thứ.”
Không hiểu vì sao, trước khi tôi kịp dừng lại, sự thật đã nhảy vọt ra khỏi miệng tôi giống như chiếc nút bật ra khỏi chai.
“Từ ‘Dolores’ là cháu bịa đấy,” tôi nói. “Thỉnh thoảng cháu cũng bịa đặt này nọ.”
Cô tiến thêm một bước về phía tôi.
“Mày đến đây làm gì?” Cô hỏi bằng giọng thì thào cay nghiệt.
Tôi nhanh chóng đút tọt tay vào túi quần và lấy ra gói kẹo.
“Cháu mua kẹo chanh cho cô,” tôi nói, “để xin lỗi cô vì sự thô lỗ của cháu. Mong là cô sẽ chấp nhận.”
Một âm thanh khò khè buột ra khỏi miệng cô, và tôi chỉ có thể miêu tả đó là một tiếng cười.
“Gợi ý của chị Cool hả?”
Giống hệt một anh chàng nông dân ngu ngốc trong một vở kịch câm, tôi gật đầu nhanh lẹ.
“Cháu rất tiếc khi nghe chuyện về cậu của cô – ông Twining…” tôi nói, và thực sự thấy tiếc. “Cháu tiếc thật lòng đấy. Thế là không công bằng với ông ấy.”
“Công bằng ư? Hiển nhiên là không công bằng rồi,” cô nói. “Nhưng chuyện này cũng chẳng có gì là vô lý cả. Mày có biết việc đó là như thế nào không?”
Tất nhiên là tôi biết. Trước đây tôi nghe đến chuyện này rồi, nhưng tôi đến đây không phải để cãi vã.
“Không ạ,” tôi thì thào.
“Là giết người,” cô nói. “Một vụ giết người, chỉ có thế thôi.”
“Vậy ai là kẻ giết người?” tôi hỏi. Thi thoảng cái lưỡi cũng khiến tôi bất ngờ lắm.
Vẻ mơ hồ lơ lửng trên khuôn mặt cô Mountjoy, giống như một đám mây bay ngang qua mặt trăng, như thể cô đã dành trọn cuộc đời để chuẩn bị cho vai diễn, nhưng rồi, khi đứng trên sân khấu với đèn pha rực sáng, cô chợt quên lời thoại.
“Đám con trai đó,” cuối cùng cô cũng nói. “Lũ con trai ghê tởm đê hèn đó. Tao sẽ không bao giờ quên được bọn chúng; đâu ra cái nét mặt bầu bĩnh ngây thơ của tuổi học trò cơ chứ.”
“Một trong số đó có bố cháu,” tôi khẽ khọt nói.
Đúng lúc đó đôi mắt cô nhìn đi nơi khác. Đôi mắt ấy chỉ chậm rãi quay lại với hiện tại để tập trung nhìn tôi.
“Đúng vậy,” cô nói. “Laurence de Luce. Jacko. Bố mày còn được gọi là Jacko. Biệt hiệu thời đi học, và ngay cả các nhân viên điều tra vụ giết người cũng gọi hắn bằng cái tên đó. Jacko. Trong cuộc thẩm tra chính thức, hắn nói cái tên đó rất nhẹ nhàng, như thể cả phiên tòa đều phải quỳ mọp dưới cái tên đó vậy.”
“Bố cháu có đưa ra bằng chứng trong phiên tòa không?”
“Tất nhiên là hắn có phủ nhận – đám kia cũng thế. Vào thời ấy người ta vẫn thường làm vậy. Hắn phủ nhận mọi việc, hiển nhiên là vậy rồi, phủ nhận mọi trách nhiệm. Một con tem thư vô giá biến mất tiêu khỏi bộ sưu tập của ông hiệu trưởng, và tất cả chỉ là, ‘Ôi không, thưa Ngài, không phải tôi!’. Cứ làm như con tem đó có phép màu thần kỳ để tự mọc ra mấy ngón tay dơ dáy và tự chôm chỉa nó không bằng!”
Tôi định nói với cô rằng, “Bố cháu không phải quân ăn trộm, bố cháu cũng không nói dối,” nhưng tôi chợt nhận thấy điều đó cũng chẳng thể thay đổi được cái tư duy cổ lỗ sĩ của cô Mountjoy. Tôi quyết định ra đòn tấn công.
“Tại sao sáng nay cô ra khỏi nhà thờ?” Tôi hỏi.
Cô Mountjoy chùn bước như thể tôi vừa dội một ly nước vào mặt cô.
“Mày đang nói toạc ra vấn đề đấy à?”
“Vâng ạ,” tôi nói, “Chắc chắn việc cô bỏ ra khỏi nhà thờ có liên quan đến lời cầu nguyện của ông Vicar dành cho kẻ lạ mặt đó, phải không? Chính là xác chết mà cháu đã phát hiện thấy trong vườn.”
Cô rít lên qua kẽ răng giống tiếng rít của ấm trà.
“Mày đã phát hiện ra xác chết đó hả? Mày hả?”
“Vâng,” tôi nói.
“Thế thì nói cho tao biết mau – hắn tóc đỏ đúng không?” Cô nhắm mắt, và cứ nhắm mắt như thế trong khi đợi câu trả lời của tôi.
“Đúng ạ,” tôi nói. “Xác chết có mái tóc đỏ.”
“Vì những điều chúng ta nhận được, có lẽ Chúa đã khiến chúng ta phải thực sự biết ơn,” cô nói vậy trước khi mở mắt. Với tôi, đó không chỉ là một câu trả lời kỳ dị mà còn là một câu nói trái với giáo lý.
“Cháu không hiểu,” tôi nói. Và thực sự là tôi không hiểu.
“Tao nhận ra hắn ngay,” cô nói. “Ngay cả sau chừng ấy năm, tao vẫn biết hắn là ai ngay khi mớ tóc đỏ ấy đi ra khỏi quán Mười Ba Con Vịt. Nếu mái tóc ấy vẫn chưa đủ, thì còn dáng vẻ ngênh ngang đó, tính tự phụ vênh váo đó, đôi mắt xanh lơ lạnh lùng đó… cũng đủ nói cho tao biết rằng Horace Bonepenny đã quay trở lại Bishop’s Lacey.”
Tôi có cảm giác là hai chúng tôi vừa trườn xuống một mực nước sâu hoắm.
“Chắc bây giờ mày đã hiểu tại sao tao không thể cầu nguyện sự thanh thản cho linh hồn hôi thối của gã đàn ông đó.”
Cô đưa tay giựt gói kẹo chanh từ tay tôi, lấy một viên cho vào mồm rồi đút túi số kẹo còn lại.
“Ngược lại,” cô nói tiếp, “tao cầu nguyện rằng, ngay lúc này, gã ta đang bị tróc xương dưới âm phủ.”
Nói xong, cô bước vào trong Biệt thự Cây liễu ẩm ướt và đóng sầm cửa lại.
Horace Bonepenny là ai? Và điều gì khiến ông ta quay trở lại Bishop’s Lacey?
Tôi chỉ có thể nghĩ về một người duy nhất, một người sẽ buộc phải nói cho tôi biết.
Khi tôi đạp xe hướng về phía con đường trồng hạt dẻ hai bên để về Buckshaw, tôi nhận thấy chiếc xe Vauxhall màu xanh lơ không còn đỗ trước cửa nữa. Thanh tra Hewitt và cộng sự của ông ta đã đi rồi.
Đang đạp Gladys ra phía sau nhà thì tôi nghe thấy tiếng gõ kim loại phát ra từ nhà kính. Tôi tiến về phía cửa và nhìn vào trong. Đó là Dogger.
Chú đang ngồi trên một chiếc xô lộn ngược và lấy cái bay gõ gõ vào xô.
Keng… keng… keng… keng, giống tiếng chuông vang lên trong nhà thờ St. Tancred báo hiệu có người già ở Bishop’s Lacey từ trần, tiếng chuông cứ kêu mãi, kêu mãi, như thể nó đang đo những thăng trầm của đời người. Keng… keng… keng… keng.
Dogger đang quay lưng ra cửa, và rõ ràng là chú không nhìn thấy tôi.
Tôi rón rén đi về phía cửa bếp và ở đó, tôi khó nhọc gây ra tiếng động lớn bằng cách vứt phịch Gladys trên bậc cửa bằng đá. Tiếng loảng xoảng lớn vang lên. (“Xin lỗi Gladys nhé,” tôi thì thầm).
“Chết tiệt!” Tôi nói, đủ lớn để người ở trong nhà kính nghe thấy được. Tôi giả vờ như tình cờ nhìn thấy chú Dogger qua cửa kính.
“Ồ, chào chú Dogger,” tôi vui vẻ nói. “Đúng người cháu đang tìm.”
Chú không quay lưng lại ngay lập tức, và tôi giả vờ phủi phủi ít đất sét ở đế giày cho đến khi chú đứng lên.
“Cô Flavia,” chú chầm chậm nói. “Mọi người tìm cô mãi.”
“À, thì cháu về rồi đây,” tôi nói. Tốt nhất là nên tiếp tục câu chuyện khi Dogger còn đang tỉnh táo.
“Cháu có nói chuyện với một cô ở trong làng. Cô ấy nói cho cháu biết về một người và cháu nghĩ là chú sẽ kể cho cháu nghe về người đó.”
Dogger cố nặn ra một nụ cười yếu ớt.
“Cháu biết là nói thế này hơi đường đột, nhưng…”
“Tôi hiểu ý cháu,” chú ấy nói.
“Horace Bonepenny,” tôi buột miệng nói. “Horace Bonepenny là ai?”
Khi nghe đến mấy lời này, Dogger co rúm người lại như một con cóc nằm trên bàn thí nghiệm với cột sống bị treo ngược lên. Chú liếm môi và chùi miệng thật mạnh bằng một cái khăn tay. Tôi nhận thấy đôi mắt chú bắt đầu lim dim, nháy liên hồi như các vì sao nhấp nháy trước khi mặt trời mọc. Cùng lúc đó, chú cố hết sức để lấy lại tinh thần, mặc dù cũng không thành công lắm.
“Không sao đâu chú Dogger,” tôi nói. “Không vấn đề gì. Quên chuyện đó đi chú ạ.”
Chú ấy cố đứng lên, nhưng chú không thể nhấc mình lên khỏi chiếc xô lộn ngược.
“Cô Flavia,” chú ấy nói, “có nhiều câu hỏi cần được hỏi, và có nhiều câu hỏi không nên hỏi.”
Lại thế rồi: giống như quy luật, những lời này trôi tuột khỏi miệng Dogger một cách tự nhiên, và câu cuối cùng như thể chính Isaiah[40] nói vậy.
Nhưng rõ ràng là câu nói đó đã vắt kiệt sức lực của chú ấy, và với một tiếng thở dài, chú lấy hai bàn tay che mặt. Thực sự lúc đó tôi không muốn gì hơn là được vòng tay ôm lấy chú, nhưng tôi biết chú chưa sẵn sàng đón nhận hành động của tôi. Vì vậy, tôi đặt một bàn tay lên vai chú, và nhận thấy hành động này khiến tôi dễ chịu hơn là giúp chú dễ chịu.
“Cháu sẽ đi hỏi bố,” tôi nói. “Cháu sẽ đưa chú về phòng.”
Dogger chậm chạp quay mặt về phía tôi, một khuôn mặt trắng bệch đau thương sầu thảm. Những lời nói chú thốt ra giống như tiếng dao mài trên đá.
“Cô Flavia, họ đưa ông ấy đi rồi. Cảnh sát đưa ông ấy đi rồi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.