Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 25



Có những lúc – nhất là khi bị giam giữ – suy nghĩ của tôi có thiên hướng giống như người đàn ông trong truyện của Stephen Leacock[65], chạy lung tung theo mọi hướng.
Tôi gần như xấu hổ khi phải thừa nhận những điều ập đến tâm trí mình lúc đầu. Phần lớn là ý nghĩ về độc dược, vài ý nghĩ về đồ dùng gia đình, và tất cả đều liên quan đến Frank Pemberton.
Tâm trí tôi bay vù về cuộc chạm trán đầu tiên với ông ta tại quán Mười Ba Con Vịt. Mặc dù tôi đã nhìn thấy chiếc taxi của ông ta đỗ xịch ngay ngoài cửa trước, và nghe tiếng lão Tully Stoker quát thét Mary cho chị ta biết rằng ông Pemberton đến sớm, nhưng tôi thực sự không để mắt đến ông ta. Việc đó không xảy ra, mãi cho tới hôm Chủ nhật vừa rồi, ở Folly.
Mặc dù cũng có vài điều kỳ cục về sự có mặt bất thình lình của Pemberton tại Buckshaw, nhưng thực lòng tôi cũng không có thời gian để ngẫm nghĩ về mấy điều đó.
Trước hết, chẳng phải ông ta đến Bishop’s Lacey vài giờ sau khi Horace Bonepenny chết ngủm trước mặt tôi sao.
Khi tôi ngẩng mặt lên và nhìn thấy Pemberton đứng ở rìa hồ, tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Nhưng tại sao chứ? Buckshaw là nhà của tôi: tôi được sinh ra và lớn lên ở đây. Tại sao tôi lại phải ngạc nhiên về một người đàn ông đứng ở rìa con hồ nhân tạo nhà mình?
Câu trả lời cho câu hỏi đó đang gặm nhấm trò lừa mà tôi vừa đưa vào tiềm thức của mình. Đừng nhìn thẳng vào vấn đề, tôi thầm nghĩ, hãy nghĩ về cái gì khác – hoặc ít nhất hãy giả vờ nghĩ về cái gì khác.
Hôm đó trời mưa cả ngày. Từ chỗ ngồi trên bậc tam cấp của ngôi miếu đổ nát, tôi ngẩng đầu lên và ông ta đứng đó, phía bên kia mặt nước ở rìa phía nam của con sông: rìa phía đông nam, chính xác hơn là thế. Tại sao ông ta lại xuất hiện từ hướng đó?
Đó là câu hỏi mà tôi đã biết câu trả lời.
Bishop’s Lacey nằm phía đông bắc của Buckshaw. Từ cổng Mulford, tại cửa vào lối vào con đường trồng cây hạt dẻ, con đường chạy vòng vèo đơn giản và có nhiều chỗ ngoặt, ít nhiều cũng chạy thẳng vào làng. Vậy mà Pemberton lại xuất hiện từ hướng đông nam, từ hướng đường Doddingsley – con đường nằm khoảng bốn dặm vắt ngang cánh đồng. Tại sao, tôi tự hỏi, tại sao ông ta lại chọn đến từ hướng đó? Lựa chọn có vẻ có hạn, và tôi nhanh chóng viết vào sổ ghi chép trong tâm trí mình:
1. Nếu (như tôi nghi ngờ) Pemberton là kẻ giết chết Horace Bonepenny, liệu ông ta có bị, như người ta vẫn thường nói về bọn giết người, bị lôi kéo quay trở lại hiện trường vụ án không? Liệu ông ta có trót để rơi rớt lại cái gì không? Ví dụ như vũ khí giết người chẳng hạn? Có phải ông ta quay lại Buckshaw để lấy lại món đồ đó?
2. Bởi vì ông ta đã đến Buckshaw buổi tối hôm trước, nên ông ta biết đường đi ngang đồng và muốn tránh bị nhìn thấy. (Xem số 1).
Nếu hôm thứ Sáu, tức buổi tối xảy ra vụ giết người, khi tin rằng Horace Bonepenny có mang theo hai con tem Ulster Avenger, Pemberton có đi theo hắn từ Bishop’s Lacey đến Buckshaw và giết chết hắn ở đó không?
Nhưng, Flavia, từ từ đã, tôi nghĩ bụng. Đừng vội vàng. Đừng phi nước đại như thế.
Tại sao Pemberton không chọn phương án đơn giản là cứ phục kích nạn nhân ở một trong những hàng giậu yên tĩnh được xây làm hàng rào quanh mọi con đường ở chốn này thuộc Anh quốc?
Câu trả lời vụt xuất hiện trong đầu tôi như thể nó được khắc vào bóng đèn neon màu đỏ ở Piccadilly Circus: bởi vì ông ta muốn bố bị đổ lỗi cho vụ án mạng!
Bonepenny phải chết tại Buckshaw!
Đương nhiên là thế! Bố, một người sống tách biệt khỏi xã hội, và thật khó có thể mong bố vô tình đi vắng khỏi nhà. Các vụ giết người – ít nhất là trong những vụ mà kẻ giết người mong thoát khỏi vòng lao lý – phải được lên kế hoạch từ trước, và kế hoạch phải vô cùng chi tiết. Rõ ràng là một vụ án mạng liên quan đến mấy con tem cần phải được gắn nhãn vào một người chơi tem. Nếu bố không xuất hiện trước hiện trường vụ án mạng, thì hiện trường vụ án mạng cũng sẽ xuất hiện trước mắt bố.
Và đúng là như thế.
Mặc dù tôi mới xâu chuỗi các sự kiện này với nhau vài giờ trước, thì chỉ đến tận bây giờ, khi cuối cùng tôi bị buộc phải ở một mình với Flavia de Luce, tôi mới có thể gần kết toàn bộ các chi tiết vào với nhau.
Flavia, tao thật tự hào về mày! Marie Anne Paulze Lavoisier cũng tự hào về mày nữa.
Nào, vậy thì: Pemberton, tất nhiên là vậy, đi theo Bonepenny từ Doddingsley; có thể từ mãi tận Stavanger. Mới vài tháng trước bố đã nhìn thấy cả hai bọn họ tại một cuộc triển lãm ở London – bằng chứng cho thấy cả hai bọn họ đều không sống định cư ở nước ngoài.
Có thể bọn họ cùng nhau lập kế hoạch, kế hoạch tống tiền bố. Y như khi bọn họ lập kế hoạch giết chết ông Twining. Nhưng Pemberton có một kế hoạch của riêng lão.
Một khi biết Horace Bonepenny đang trên đường đến Bishop’s Lacey (hắn ta còn có thể đi đâu khác được nữa?) Pemberton xuống tàu ở Doddingsley và đăng ký phòng ở Jolly Coachman. Tôi biết chắc chắn điều đó. Sau đó, vào đêm diễn ra vụ giết người, những gì ông ta cần làm chỉ là ngang qua Bishop’s Lacey.
Đến đây, ông ta đợi cho đến khi Bonepenny rời khỏi quán trọ và đi bộ đến Buckshaw. Khi Bonepenny đang trên đường đi và không hay biết mình đang bị theo đuôi, Pemberton đã lục lọi phòng trọ của hắn ở quán trọ Mười Ba Con Vịt, và mọi đồ đạc trong phòng – bao gồm vali của Bonepenny – nhưng không tìm thấy gì hết. Đương nhiên là ông ta, cũng như tôi, không hề nghĩ đến việc rạch từ nhãn ghi địa điểm của hắn.
Lúc này, chắc hẳn lão ta phải giận điên lên.
Lẻn ra khỏi quán trọ mà không bị nhìn thấy (rất có thể qua lối cầu thang dốc đứng phía sau) lão ta đi bộ bám theo con mồi đến Buckshaw, và ở đó, chắc chắn bọn họ đã cãi nhau trong vườn nhà tôi. Tôi tự hỏi, vậy thì tại sao tôi lại không nghe thấy tiếng cãi vã đó?
Trong nửa giờ, lão đã để Bonepenny đang sắp chết ngắc ngoải lại; rồi lục lọi túi quần túi áo, và ví của hắn. Nhưng hai con tem Ulster Avenger không có ở đó: hóa ra Bonepenny không hề mang con tem theo.
Pemberton đã gây tội ác và lẻn đi trong đêm, ngang qua cánh đồng đến quán trọ Jolly Coachman ở Doddingsley. Sáng hôm sau, ông ta hối hả bắt taxi đến trước cửa quán trọ Mười Ba Con Vịt, giả vờ như thể ông ta vừa đến từ London bằng đường tàu hỏa. Chắc chắn ông ta lại lục lọi căn phòng kia một lần nữa. Nguy hiểm, nhưng cần thiết. Chắc chắn hai con tem vẫn được giấu ở đó.
Tôi đã hoài nghi về các phần của chuỗi câu chuyện này, và mặc dù tôi vẫn chưa lồng ghép được các sự kiện còn lại, nhưng tôi đã xác minh được sự có mặt của Pemberton ở Doddingsley bằng một cú điện thoại gọi cho ông Cleaver, chủ nhà trọ Jolly Coachman.
Khi nghĩ lại, có vẻ sự việc mới thật là đơn giản.
Tôi ngừng suy nghĩ trong một giây để lắng nghe nhịp thở của mình. Chậm, và đều đặn khi tôi ngồi đó, đầu tựa lên gối, và hai đầu gối tạo thành hình tam giác.
Nét mặt hấp hối của Horace Bonepenny lại bơi trở về tâm trí tôi, trong bóng tối, mồm miệng hắn há ra rồi ngậm lại như một con cá mắc cạn đang thở hổn hển trên cỏ. Lời nói cuối cùng của hắn, và hơi thở cuối cùng của hắn, chỉ có một từ “Vale!” và từ đó trôi thẳng từ miệng hắn đến hai lỗ mũi của tôi. Và tôi biết đó là mùi cacbon tetraclorua.
Không còn nghi ngờ gì về cacbon tetraclorua, vì đó là một trong những hợp chất hóa học hấp dẫn nhất.
Đối với một nhà hóa học, hương vị ngòn ngọt, dù chỉ thoáng qua, cũng không thể nhầm lẫn được. Nó vẫn chưa bị loại ra khỏi hoạt động gây mê của các bác sĩ trong khi phẫu thuật.
Trong cacbon tetraclorua (một trong rất nhiều tên khác của nó) bốn nguyên tử clo bao quanh một nguyên tử cacbon duy nhất. Đây là loại thuốc trừ sâu cực mạnh, và đến giờ chất này vẫn thi thoảng được dùng trong những trường hợp loại trừ loài giun móc cứng đầu cứng cổ – những loài động vật ký sinh bé tí teo, im ắng và sẵn sàng ngấu nghiến những giọt máu mà chúng hút được trong bóng tối, từ ruột non ruột già của con người, cũng như của các con thú.
Nhưng quan trọng hơn là các nhà sưu tầm tem sử dụng cacbon tetraclorua để làm hiện rõ các hoa văn gần như vô hình của một con tem. Và bố cũng cất mấy chai dung dịch này trong phòng làm việc.
Tôi nhớ đến phòng trọ của Horace Bonepenny ở quán Con Vịt. Và tôi quả là đồ ngu chí mạng khi nghĩ đến một miếng bánh ngọt bị tẩm độc! Đây đâu phải là truyện cổ tích Grim chứ: đó chỉ là truyện hão huyền của Flavia de Luce thôi.
Vỏ bánh chỉ là vỏ bánh mà thôi: chỉ là một miếng vỏ bánh. Trước khi rời khỏi Na Uy, Horace Bonepenny đã bỏ phần nhân bánh và nhét vào đó con chim dẽ giun mà hắn dự định dùng để đe dọa bố. Đó là cách hắn chuyển lậu con chim chết vào nước Anh.
Những thứ tôi đã tìm thấy trong phòng hắn không nhiều như những thứ tôi chưa tìm thấy. Và đương nhiên, đồ vật đó bị thiếu hụt trong bộ dụng cụ bằng da mà Horace Bonepenny đựng các đồ ăn trị bệnh tiểu đường: một ống xi lanh.
Pemberton đã nhìn thấy ống xilanh và đút nó vào túi khi ông ta lục lọi phòng của Bonepenny ngay trước khi xảy ra vụ án mạng. Tôi chắc chắn là như thế.
Bọn họ là đối tác trong các vụ phạm pháp, và không ai hiểu Bonepenny hơn Pemberton về các lọ đựng hóa học vốn vô cùng thiết yếu đối với sự sống còn của Bonepenny.
Ngay cả khi Pemberton đã lập một kế hoạch khác để kết liễu nạn nhân của mình – một hòn đá đập vào đầu hoặc bóp cổ ngạt thở bằng một cành liễu xanh mềm mại – thì một ống xilanh trong hành lý của Horace Bonepenny quả đúng là may mắn trời cho. Ý nghĩ về cách thức hành động của việc đó khiến tôi rùng mình.
Tôi hình dung thấy hai kẻ bọn họ vật lộn nhau dưới ánh trăng. Bonepenny cao, nhưng không vạm vỡ. Chắc chắn Pemberton quật ngã hắn như một con báo sư tử xơi gọn một con hươu.
Một mũi tiêm vào đầu Bonepenny. Không mất quá một giây, và có tác dụng gần như ngay lập tức. Tôi dám chắc đây là cách khiến Bonepenny được đi gặp ông bà tổ tiên.
Nếu như hắn nuốt thứ chất đó – và gần như không thể nào bắt hắn nuốt thứ chất đó được – cần phải có lượng chất độc nhiều hơn: chắc chắn hắn sẽ cố nôn hết ra ngay lập tức. Trong khi chỉ cần 5cc chất đó được bơm vào não cũng đủ kết liễu một con bò.
Lượng cacbon tetraclorua chắc chắn nhanh chóng được chuyển xuống miệng hắn cũng như các khoang mũi, như tôi đã phát hiện thấy. Nhưng khi Thanh tra Hewitt và các Hạ sĩ đến, thứ chất đó đã bay hơi không để lại tì vết.
Đó gần như một vụ án mạng hoàn hảo. Liệu sự tồn tại của tôi có phải là tất cả những gì đang đứng giữa Frank Pemberton và sự tự do không?
Có tiếng kèn kẹt.
Tôi không biết âm thanh đó phát ra từ đó. Tôi xoay đầu và âm thanh đó dừng lại ngay tức thì.
Một phút, hoặc hơn thế, chỉ có sự im lặng. Tôi căng tai nghe ngóng nhưng chỉ nghe thấy tiếng thở của mình, và tôi nhận thấy hơi thở ấy mỗi lúc một nhanh hơn – và mệt mỏi hơn.
Lại nữa rồi! Một mẩu gỗ đang bị kéo lê, với sự chậm chạp đau khổ, ngang qua bề mặt sàn xào xạo.
Tôi cố gọi hỏi “Ai đó?” nhưng nắm giẻ vốn là chiếc khăn tay của tôi nằm trong miệng đã bóp nghẹt lời nói của tôi thành ậm à ậm oẹ. Khi cố gọi lớn, quai hàm tôi có cảm giác như có người vừa chọc một cái gậy sắt vào hai bên thái dương.
Tốt hơn hết là nên lắng nghe, tôi nghĩ bụng. Chuột không thể di chuyển được gỗ, và trừ khi tôi bị nhầm lẫn một cách đáng tiếc, thì trong Pit Shed không chỉ có một mình tôi.
Như một con rắn, tôi chầm chậm lắc đầu sang hai bên, cố tận dụng khả năng nghe ngóng vượt trội của mình, nhưng chiếc áo bằng vải tuýt buộc vào đầu tôi đã chặn đứng mọi âm thanh, trừ thứ âm thanh inh tai điếc óc.
Nhưng tiếng ken két ấy không đáng lo bằng một nửa sự tĩnh lặng giữa chừng. Bất kể là cái gì trong hầm thì nó cũng đang cố giấu sự hiện diện của nó. Hay là nó giữ im lặng để làm tôi ngao ngán?
Một tiếng cót két, rồi một tiếng “tích” yếu ớt vang lên, như thể một viên đá cuội bị rớt xuống nền đá rộng.
Chậm chạp như một bông hoa đang nở, tôi duỗi hai chân ra trước, nhưng hai chân không chạm phải bất kỳ sự kháng cự nào, vì vậy tôi lại co chân đặt dưới cằm. Tốt hơn hết là cứ co cuộn lại, tôi thầm nghĩ.
Trong một giây, tôi tập trung sự chú ý vào hai bàn tay – chúng vẫn bị buộc chặt sau lưng. Biết đâu lại có một phép màu: biết đâu chiếc cà vạt bằng lụa bị giãn và nới lỏng ra, nhưng may mắn ấy không đến. Ngay cả mấy đầu ngón tay tê cóng của tôi cũng cảm nhận được các nút buộc vẫn chặt y như cũ. Tôi không có nổi chút hy vọng được tự do. Rồi tôi cũng sắp bỏ mạng nơi này.
Và ai sẽ nhớ tôi chứ?
Không ai hết.
Sau thời gian chịu tang, bố sẽ lại quay trở lại với mấy con tem, Daphne sẽ lôi ra một thùng sách khác trong thư viện Buckshaw, và Ophelia sẽ tìm ra một màu son mới. Và cũng sớm thôi – sớm một cách quá đau đớn – mọi việc sẽ lại diễn ra như thể tôi chưa từng tồn tại.
Không ai yêu thương tôi, sự thật là thế. Chắc hồi tôi còn bé mẹ Harriet cũng thương tôi, nhưng giờ mẹ mất rồi.
Và rồi, trước sự sửng sốt của mình, tôi thấy mình bật khóc.
Tinh thần tôi rơi vào cơn khủng hoảng. Đôi mắt đẫm lệ là một thứ mà tôi đã cố chống chọi hết mức, nhưng dù đôi mắt đã bị bịt kín, nhưng tôi vẫn nhìn thấy một khuôn mặt tử tế lơ lửng trước mặt mình, một khuôn mặt mà tôi đã quên mất trong lúc khổ sở. Hiển nhiên, đó là khuôn mặt của chú Dogger.
Dogger sẽ cô độc vô cùng nếu tôi chết đi!
Flavia, bình tĩnh đã nào… chỉ là một cái hầm thôi mà.
Daffy đã đọc truyện gì về một cái hầm nhỉ? Có phải câu chuyện của Edgar Allen Poe không? Câu chuyện về quả lắc ấy?
Không! Tôi sẽ không nghĩ về nó đâu! Không đâu!
Rồi đến câu chuyện Hố Đen ở Calcutta, trong đó viên quan thái thú ở Ấn Độ đã bỏ tù một trăm bốn mươi sáu binh lính Anh trong một xà lim vốn chỉ được xây để chứa ba tù nhân.
Có bao nhiêu binh lính sống sót nổi sau một đêm trong cái lò nướng ngột ngạt ấy? Hai mươi ba, tôi còn nhớ rõ, và đến sáng, bọn họ điên loạn hoàn toàn, không từ một người nào.
Không! Không thể nào là Flavia được!
Đầu óc tôi xoáy như cơn lốc, quay mòng mòng… mòng mòng. Tôi hít một hơi thật sâu để giữ bình tĩnh, và hai lỗ mũi tôi đặc quánh khí mêtan. Đương nhiên là thế rồi!
Ống thoát nước của con sông đầy ứ rác rưởi. Chỉ cần một mồi lửa là nó sẽ nổ tung và dẫn đến một trận nổ đì đùng có thể được nhắc tới suốt nhiều năm liền.
Tôi sẽ tìm thấy đầu ống và đá nó một cái. Nếu may mắn mà nó ở ngay cạnh tôi, mấy chiếc đinh trong đế giày của tôi có thể tạo lửa, mêtan sẽ nổ tung, và thế là xong.
Khuyết điểm duy nhất của kế hoạch này là tôi sẽ đứng ở ngay cuối ống khi nó nổ tung. Như thế thì không khác nào bị trói chặt trước nỏ súng thần công.
Hừ, súng thần công khốn kiếp! Tôi không thể bỏ mạng ở chốn này, trong cái hầm hôi hám này mà không hề đấu tranh.
Vơ vén lại chút sức lực cỏn con, tôi ấn sâu gót giày xuống đất và tựa lưng vào tường rồi trườn người lên, cho đến khi tôi đứng thẳng. Lâu hơn tôi tưởng, nhưng cuối cùng, không hề chệnh choạng, tôi đứng thẳng lưng.
Không còn thời gian để suy nghĩ. Tôi sẽ tìm thấy nơi phát ra mùi mêtan, hoặc là sẽ chết khi cố tìm ra nó.
Khi tôi ngập ngừng nhảy lò cò để thăm dò nơi mà tôi suy đoán có thể đặt ống nước, một giọng nói lạnh lùng thì thào vào tai tôi:
“Và bây giờ đến lượt Flavia.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.