Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 7



Khi tôi bóp phanh và dựa Gladys vào một đống gỗ bị phơi nắng, Ned vẫn đang làm việc ở sân quán trọ. Anh ta đã lăn xong các thùng bia rỗng và lúc này đang dỡ tảng pho mát to như thớt cối trên thùng xe tải xuống.
“Chào cô Flavia,” anh ta nói khi nhìn thấy tôi, và chớp ngay lấy cơ hội được ngưng tay. “Cô có thích ăn chút pho mát không?”
Trước khi tôi kịp trả lời thì anh ta đã lôi trong túi ra một con dao nhíp bẩn thỉu, cắt xoẹt một miếng pho mát Stilton[25] kinh khủng và bỏ tọt vào miệng với một “sự khoái trá ồn ã” – hẳn Daphne sẽ gọi như thế. Daphne muốn trở thành một tiểu thuyết gia, và chị ta vẫn thường copy các câu văn tâm đắc khi đọc sách mỗi ngày.
“Cô về nhà chưa?” Ned hỏi, ngượng ngùng không dám nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi biết câu hỏi kế tiếp là gì. Tôi gật đầu.
“Cô Ophelia thế nào rồi? Bác sĩ đến chưa cô?”
“Rồi,” tôi nói, “tôi tin là sáng nay bác sĩ đã khám cho chị ấy rồi.”
Ned nuốt trọn quỷ kế của tôi.
“Cô ấy còn xanh nữa không?”
“Hơi vàng hơn trước,” tôi nói. “Giống màu sulphuric hơn màu đồng.”
Tôi học được một điều rằng, lời nói dối đúng cách cũng giống như việc ăn một viên thuốc đắng trong quả táo, sẽ cho người ta có được cảm giác dễ chịu hơn nhiều. Nhưng lần này, ngay khi tôi vừa nói ra, tôi biết mình đã đùa quá đà.
“Á à, cô Flavia!” Ned nói. “Cô chế nhạo tôi.”
Tôi nở một nụ cười rộng ngoác đến tận mang tai.
“Ned, anh bắt giò tôi rồi,” tôi nói. “Tôi có lỗi, như lời buộc tội vậy nhé!”
Anh ta cũng nở một nụ cười rộng ngoác đến tận mang tai y hệt như tôi. Trong chưa đầy một tích tắc, tôi nghĩ anh ta chế nhạo mình và cơn giận của tôi trỗi dậy. Nhưng rồi tôi nhận thấy anh ta khoái trí vô cùng khi lật tẩy được trò đùa của tôi. Đây là cơ hội của tôi.
“Ned này,” tôi nói, “nếu tôi hỏi anh một câu hỏi cực kỳ riêng tư, thì anh có trả lời không?”
Tôi chờ đợi để anh ta hiểu câu hỏi. Nói chuyện với Ned giống hệt trao đổi thông tin bằng điện tín với một người đọc chậm hiểu ở Mông Cổ.
“Tất nhiên là tôi sẽ trả lời,” anh ta nói, và cái nháy mắt tinh quái của anh ta mách nước cho tôi biết câu nói tiếp theo của anh ta sẽ là gì. “Vì có thể tôi sẽ không nói thật đâu.”
Sau khi cả hai chúng tôi cùng cười ha hả, tôi đi thẳng vào vấn đề. Tôi mở màn bằng cú nã pháo siêu nặng.
“Anh cực kỳ mê Ophelia, phải không?”
Anh ta nghiến chặt hai hàm răng và lần lần một ngón tay trong cổ áo.
“Cô ấy là một cô gái rất tuyệt vời, tôi chỉ nói vậy về cô ấy thôi.”
“Nhưng chẳng lẽ anh không thích sẽ có một ngày được chung sống bên chị ấy trong một túp lều tranh và nuôi một đàn con à?”
Lúc này, cổ Ned đỏ lựng, giống hệt nhiệt kế rượu. Trong vài giây, anh ta trông rất giống một trong những con chim phồng cổ họng lên để giao phối. Tôi quyết định giúp anh ta thoát khỏi tình huống đó.
“Cứ giả sử chị ấy muốn gặp anh nhưng bố không cho phép. Giả sử em gái chị ấy có thể giúp thì sao nhỉ?”
Cái diều hồng hào của anh ta xẹp ngay xuống. Tôi tưởng anh ta sắp khóc nhè.
“Flavia, cô nói thật sao?”
“Thật trăm phần trăm,” tôi nói.
Ned đưa các ngón tay chai sần ra và bất ngờ khẽ bắt tay tôi. Rất giống với bắt tay một quả dứa.
“Các ngón tay của Tình bạn,” anh ta nói.
Các ngón tay của Tình bạn? Có phải tôi vừa được tặng cái bắt tay bí mật của tình anh em mộc mạc khi người ta gặp gỡ nhau trong những nghĩa trang sáng trăng của nhà thờ, nơi có những xác chết bị chôn dưới lòng đất sâu? Có phải tôi đã được đưa đường chỉ lối, và được mong đợi sẽ góp mặt vào các nghi lễ chết chóc câm lặng lúc nửa đêm ở các hàng giậu? Cũng có vẻ là một khả năng thú vị đây.
Ned cười ngoác miệng giống y hình đầu lâu trên chiếc Jolly Roger[26]. Tôi nắm thế thượng phong.
“Nghe này,” tôi nói với anh ta, “bài học thứ nhất: Không được để xác chim trên bậc cửa nhà người anh yêu mến. Chỉ có một con mèo đang đi tìm bạn tình mới làm vậy thôi.”
Ned đần mặt ra.
“Tôi có để hoa ở bậc cửa một hoặc hai lần, hy vọng cô ấy nhận thấy,” anh ta nói. Đây là thông tin dành cho tôi: Ophelia chắc hẳn đã mang bó hoa vào khuê phòng để ôm ấp mộng mơ trước khi có ai khác trong nhà phát hiện ra chúng. “Còn xác chim ư? Không bao giờ. Cô Flavia, cô biết tính tôi rồi mà. Tôi không đời nào lại làm thế.”
“Mary Stoker có biết anh ‘phải lòng’ Ophelia không?” Đây là cụm từ tôi học được trong bộ phim Mỹ nào đó – Meet me in St Louis hay Little Women, và đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội vận dụng cụm từ này. Cũng giống như Daphne, tôi rất nhớ câu từ, nhưng tôi không cần phải dựa vào sách mới nhớ các câu trích hay.
“Mary liên quan gì đến việc này? Cô ấy là con gái chú Tully, chỉ có vậy thôi.”
“Anh đừng giở cái giọng ấy ra nữa, Ned ạ,” tôi nói, “Sáng nay tôi nhìn thấy nụ hôn ấy rồi, khi tôi… đi ngang qua đây.”
“Cô ấy cần được an ủi. Không có gì hơn đâu.”
“Vì có người lén xuất hiện sau lưng chị ấy hả?”
Ned nhảy phắt lên. “Quỷ tha ma bắt cô đi,” anh ta nói. “Cô ấy không muốn để lộ việc đó ra đâu.”
“Khi chị ấy đang thay ga giường sao?”
“Flavia de Luce, cô là quỷ sứ!” Ned gầm lên. “Tránh xa tôi ra! Cô về nhà ngay!”
“Ned, kể cho cô ấy nghe đi,” một giọng nói dịu dàng vang lên, và tôi quay người lại thấy Mary đứng ở cửa.
Chị ta đứng đó, một bàn tay bám vào thanh dọc của khung cửa, bàn tay còn lại bấu chặt lấy cổ áo cánh. Khi nhìn kỹ, tôi thấy hai bàn tay chị ta đỏ lựng và cái nheo mắt thì kiên quyết.
“Kể cho cô ấy nghe đi,” chị nhắc lại, “Điều đó không tạo sự khác biệt nào với anh đâu, đúng không?”
Ngay lập tức tôi phát hiện ra chị ta không ưa tôi. Với con trai, bạn sẽ không bao giờ biết liệu anh ta đang say mê hay lừa phỉnh mình, nhưng với một đứa con gái, bạn có thể nhận ra ngay trong ba giây đầu tiên. Giữa con gái với nhau có dòng chảy bất tận và tĩnh lặng của các dấu hiệu vô hình, giống như các thông điệp không dây tần suất cao giữa bờ biển và các con tàu ngoài khơi, và dòng chảy bí mật này đang ra hiệu cho tôi thấy Mary căm ghét tôi ghê gớm.
“Nào, kể cho cô ấy đi!” Mary hét lên.
Ned khó nhọc nuốt nước miếng và mở miệng, nhưng không từ nào được thốt ra.
“Cô là Flavia de Luce, đúng không?” chị ta nói. “Một trong số những kẻ ở Buckshaw.” Chị ta hất tung câu nói đó như ném một cái bánh vào mặt tôi.
Tôi thin thít gật đầu, giống như mình là một đứa con lai nhà địa chủ chuyên gia lừa gạt. Tốt hơn là cứ tiếp tục chơi thôi, tôi nghĩ bụng.
“Đi với tôi,” Mary nói và vẫy tay ra hiệu. “Nhanh lên – và giữ yên lặng.”
Tôi đi theo chị ta về phía chiếc tủ bằng đá tối màu, rồi tới một nhịp cầu thang gỗ kín bưng uốn lượn hình xoáy trôn ốc lên tầng trên. Trên đỉnh cầu thang, chúng tôi bước ra một nơi chắc chắn từng là chiếc tủ đứng để đồ lanh: chiếc tủ cao, vuông vắn giờ đầy ứ các giá đựng hóa chất tẩy rửa, xà bông, và sáp ong. Ở trong góc, giẻ lau và chổi nằm bừa bộn giữa mùi nồng nặc của nước sát trùng phenol.
“Suỵt!” Chị ta nói và bóp chặt tay tôi. Những bước chân nặng nề đang đến gần: bước chân đang lên đúng bậc cầu thang mà hai chúng tôi vừa trèo lên. Chúng tôi ép chặt lưng vào góc, cẩn thận không hất tung đám giẻ lau sàn.
“Thưa ông, đó sẽ là một ngày chết tiệt, con ngựa Cotsworld sẽ lấy hết vốn liếng của ông đấy! Nếu tôi là ông, tôi sẽ chọn con Seastar, và bị la ó trước mọi lời mách nước của mấy tay khoác lác đến từ London.”
Lão Tully đang trao đổi với ai đó về mánh khóe bí mật để đặt cược ngựa với giọng nói đủ lớn đến mức ở mãi tận Epsom Downs cũng có thể nghe rõ mồn một. Một giọng nói khác lẩm bẩm điều gì đó và kết thúc bằng tiếng cười hô hố khi tiếng bước chân xa dần giữa các hành lang.
“Không, đường này,” Mary rít lên và kéo mạnh cánh tay tôi. Chúng tôi đi men theo góc nhà để vào một hành lang hẹp. Chị ta lôi trong túi ra một bộ chìa khóa và khẽ mở cánh cửa cuối cùng bên trái. Chúng tôi bước vào trong.
Chúng tôi bước vào một căn phòng có lẽ chẳng thay đổi gì kể từ khi Nữ hoàng Elizabeth ghé thăm Bishop’s Lacey năm 1592 trong một cuộc vi hành vào mùa hè. Ấn tượng đầu tiên của tôi là trần nhà bằng gỗ, ván ô trát vữa, cửa sổ nhỏ tí với các ô kính viền chì khép hờ cho không khí lọt vào, và ván sàn rộng rãi nhô lên thụt xuống giống hệt sóng cồn ngoài biển khơi.
Dựa sát vào một bức tường là chiếc bàn gỗ sứt mẻ với cuốn ABC Railway Guide (Tháng Mười, 1946) được nhét bên dưới một chân bàn để chiếc bàn không bị cập kênh. Trên mặt bàn là chiếc bình đựng nước hiệu Staffordshire màu hồng kem không phù hợp chút nào, một chiếc lược, bàn chải, và một chiếc hộp nhỏ bằng da màu đen. Trong góc phòng gần cánh cửa sổ để mở toang là một chiếc rương đựng hành lý rẻ tiền làm bằng chất liệu lưu hóa, những sticker đủ màu dán khắp nơi. Bên cạnh nó là chiếc ghế thẳng đã mất một trục quay. Chạy ngang căn phòng là tủ gỗ đựng quần áo chất lượng rẻ tiền. Và một chiếc giường.
“Đây,” Mary nói. Khi chị ta khóa trái cửa phòng, đó là lần đầu tiên tôi quay người nhìn chị ta thật kỹ. Trong ánh sáng ảm đạm hắt vào từ ô cửa sổ đầy bồ hóng, trông chị già dặn hơn, khắc khổ hơn và yếu đuối hơn người con gái mà tôi nhìn thấy dưới ánh nắng rực rỡ trong sân quán trọ.
“Chắc là cô chưa bao giờ vào căn phòng nào nhỏ như thế này, đúng không?” chị ta nói với vẻ khinh miệt. “Mấy người ở Buckshaw các cô thích ghé thăm cái nhà thương điên này nhỉ? Để gặp đám người điên rồ – để xem chúng tôi sống ra sao trong mấy cái chuồng này, ném bánh quy vào chuồng cho chúng tôi, đúng không?”
“Tôi không hiểu chị đang nói chuyện gì,” tôi nói.
Mary quay mặt đối diện với tôi để tôi lãnh trọn sự dữ dội trong cái nhìn trừng trừng của chị ta.
“Chị gái cô – Ophelia – bảo cô đến đưa tin cho Ned, và cô đừng có nói với tôi là không phải vậy. Chị ta cho rằng tôi là đồ con gái lôi thôi lếch thếch chứ gì, nhưng tôi không như vậy đâu!”
Và trong khoảnh khắc đó, tôi quyết định là mình mến Mary, ngay cả khi chị ta không mến tôi. Bất kỳ ai biết từ “đồ con gái lôi thôi lếch thếch” đều đáng được coi là một người bạn.
“Chị nghe này,” tôi nói, “không có tin nhắn nào hết. Những gì tôi nói với Ned chỉ đơn thuần là một cái vỏ bọc thôi. Mary, chị phải giúp tôi. Tôi biết chị sẽ giúp tôi. Có một vụ án mạng xảy ra tại Buckshaw…”
Thế đấy! Tôi nói rồi đấy!
“… và vẫn chưa ai hay biết về việc này, trừ tôi và chị – và kẻ sát nhân nữa, đương nhiên là thế.”
Chị ta nhìn tôi chưa đầy ba giây và hỏi, “Ai là nạn nhân?”
“Tôi không biết. Đó là lý do tôi đến đây. Nhưng tôi hiểu rằng khi có một người chết trong vườn dưa, và cảnh sát cũng chưa biết nạn nhân là ai, thì có nhiều khả năng ông ta từng ở đâu đó quanh đây – nếu ông ta từng ở đây – tức là tại quán trọ Mười Ba Con Vịt này. Chị cho tôi xem sổ khách được không?”
“Không cần phải mang cho cô xem đâu,” Mary nói. “Mấy ngày nay chỉ có một khách thôi, tên là Sanders.”
Càng nói chuyện với chị Mary tôi càng mến chị.
“Và đây là phòng ông ta,” chị ta nói thêm.
“Ông ta ở đâu đến?” Tôi hỏi.
Nét mặt chị ta bối rối. “Tôi không biết, thật đấy.”
“Trước đây ông ta đã bao giờ trọ ở đây chưa?”
“Theo tôi biết thì chưa.”
“Thế thì tôi cần phải xem sổ khách. Chị Mary, làm ơn đi mà! Làm ơn đi! Quan trọng lắm! Cảnh sát sẽ đến đây sớm thôi, mà đến lúc đó thì quá muộn rồi.”
“Tôi sẽ thử…” Chị ta nói, mở cửa và lẻn ra khỏi phòng.
Ngay khi chị ta đi, tôi bèn mở cửa tủ quần áo. Trừ hai chiếc móc treo áo bằng gỗ, tủ hoàn toàn trống không, và tôi chuyển sự chú ý sang chiếc rương – nó bị dán chằng chịt nhãn dính giống như đám hàu bám vào thân tàu. Tuy nhiên, những con hàu sặc sỡ đó đều có tên: Paris, Roine Stockholm, Amsterdam, Copenhagen, Stavanger – và còn rất nhiều những cái tên khác nữa.
Tôi thử kéo móc khóa, và trước sự bất ngờ của tôi móc khóa mở ra. Chiếc rương không được khóa! Mở nắp rương ra một cách dễ dàng, tôi mặt đối mặt với đống quần áo của ông Sanders kia: bộ comple màu xanh nước biển làm bằng vải sẹc, hai áo sơ mi, một đôi giày thấp màu nâu, một chiếc mũ mềm màu mè khiến tôi nhớ đến các bức ảnh về G.K. Chesterton[27] mà tôi nhìn thấy trên tờ Radio Times.
Tôi kéo các ngăn trong chiếc rương, cẩn thận không bới tung mọi thứ bên trong lên: hai chiếc lược (giả đồi mồi), một chiếc dao cạo (hiệu Valet), một tuýp bọt cạo râu (hiệu Morning Pride Brushless), một bàn chải đánh răng, kem đánh răng (loại sát trùng: “đặc biệt khuyên dùng để loại trừ vi khuẩn gây sâu răng”), bấm móng tay, một chiếc lược thẳng (chất liệu xenluloit) và hai chiếc khuy măng sét vuông (có đính hai chữ cái màu bạc: HB).
HB ư? Chẳng phải đây là phòng của ông Sanders sao? HB nghĩa là gì chứ?
Cánh cửa bật mở ra và một giọng nói rít lên, “Cô đang làm gì vậy?”
Tôi giật nảy mình. Đó là Mary.
“Tôi không lấy sổ khách được. Bố tôi… Flavia! Cô không được lục lọi hành lý của khách như thế! Cô làm cả tôi và cô đều gặp rắc rối đấy. Dừng lại ngay!”
“Được rồi,” tôi nói khi lục xong túi quần bộ comple. Đều trống trơn. “Lần cuối cùng chị nhìn thấy ông Sanders là khi nào?”
“Hôm qua. Ở đây. Vào buổi trưa.”
“Ở đây ư? Trong phòng này ư?”
Chị ta nuốt nước miếng, gật đầu, và nhìn đi nơi khác.
“Tôi đang thay ga trải giường thì ông ta xuất hiện từ đằng sau và vồ lấy tôi. Ông ta bịt một tay lên miệng tôi để tôi không la lên được. May mà lúc đó bố tôi từ vườn gọi với lên. Ông ta cũng hơi sợ. Tôi cũng đá được ông ta một hay hai cái gì đó. Tên khốn nạn và bàn tay bẩn thỉu của hắn! Nếu có một nửa cơ hội thôi tôi cũng sẽ móc mắt hắn ra.”
Mary nhìn tôi, như thể chị ta đã nói quá nhiều: hình như một vực thẳm sâu hoắm bất chợt toác ra giữa hai chúng tôi.
“Tôi móc mắt ông ta ra và vứt xuống hố rồi,” tôi nói.
Hai mắt chị ta mở to trong nỗi kinh hoàng.
“John Marston,” tôi nói với chị ta, “Vở The Dutch Courtesan. Câu 1604.”
Một khoảng lặng dài đến hai trăm năm. Sau đó Mary cười rúc rích.
“Cô là người có một không hai trên đời đấy!” Chị ta nói.
Vực thẳm đã được bít lại.
“Trong màn hai,” tôi nói thêm.
Mary bật cười. “Flavia, cô quá xuất sắc,” chị ta nói. “Thật đấy. Cô đến đây, xem qua cái này xem.”
Chị ta đi đến chiếc bàn, nhấc cái vali da màu đen lên nới lỏng quai và mở nắp. Nằm gọn bên trong là hai hàng lọ thủy tinh nhỏ xíu, mỗi hàng sáu lọ, tổng cộng có mười hai lọ. Mười một lọ được đổ đầy thứ dung dịch có màu ngả vàng, riêng lọ thứ mười hai chỉ còn một phần tư. Giữa hai hàng lọ có một rãnh hình bán nguyệt, giống như thiếu đi một vật có hình ống.
“Theo cô dung dịch đó là gì?” Chị ta thì thào hỏi, vì giọng nói của lão Tully vang lên đâu đó ở xa xa. “Thuốc độc, cô có nghĩ thế không? Liệu ông Sanders kia có phải là một tay Crippen[28] không?”
Tôi mở nút chiếc lọ chỉ còn đầy một phần tư thứ dung dịch vàng vàng và đưa lên mũi ngửi. Có mùi giống như có người đổ giấm vào băng keo: mùi đạm vừa chua vừa hăng, giống mùi tóc của một người nghiện rượu đang cháy ở phòng bên cạnh.
“Insulin,” tôi nói. “Ông ta bị bệnh tiểu đường.”
Mary nhìn tôi, mặt nghệt ra, và tôi bất chợt biết cảm giác đích thực của Archimedes khi ông ta reo lên “Ơ re ka!” trong bồn tắm. Tôi túm cánh tay chị ta.
“Tóc ông Sanders có đỏ không?” tôi gặng hỏi.
“Đỏ như cây đại hoàng. Sao cô lại biết?”
Chị ta nhìn tôi giống như tôi là bà Zolanda trong ngày lễ thánh tại nhà thờ khi bà ta đội mũ không vành, đeo khăn choàng và cầm một quả cầu pha lê.
“Chỉ là phỏng đoán thôi,” tôi nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.