Kỹ Năng Buông Bỏ

Chương 3: Đối Mặt Với Nỗi Sợ



Nỗi sợ hãi không chỉ sinh ra sự chần chừ thiếu quyết đoán, mà nó còn sinh ra hầu hết những vấn đề trong đời ta. Những nỗi sợ này có nguồn gốc từ những viễn cảnh lí tưởng sẽ được nói đến ở chương cuối.

Hãy xem một số vấn đề thường nảy sinh từ nỗi sợ hãi:

1. Nợ nần: Có rất nhiều nguyên do, nhưng thường xuất hiện nếu bạn chi tiêu nhiều hơn thu nhập vì thói quen nghiện mua sắm, hay nói cách khác, do bạn sợ phải từ bỏ những tiện nghi mình đã quen dùng. Thói quen nghiện mua sắm có thể xuất hiện bởi sự khó chịu (sợ rằng một thứ gì đó bạn muốn lại không xảy ra) hoặc sự cô đơn (sợ rằng mình không đủ tốt) hoặc từ việc ước ao một cuộc sống tốt đẹp hơn (sợ rằng bản thân sẽ không ổn như hiện tại nữa). Từ bỏ những tiện nghi (như li cà phê sáng, nhà cửa hay xe đẹp) đúng là rất khó, nếu như ta vẫn còn sợ phải sống khổ, sợ người khác sẽ đánh giá mình nếu mặc đồ cùi bắp.

2.Các vấn đề về quan hệ: Rõ ràng có rất nhiều nguyên nhân (ví dụ như cảm thấy người khác có vấn đề, dù chính bản thân bạn cũng có vấn đề)…

Một số nỗi sợ hãi khiến các vấn đề về quan hệ bắt đầu nảy sinh bao gồm nỗi sợ hãi phải thả lỏng kiểm soát (khiến ta bắt đầu muốn kiểm soát người khác), sợ rằng mình không đủ tốt, sợ bị bỏ rơi hay mất tin tưởng, sợ không được chấp nhận, sợ phải chấp nhận người khác (thực ra đây cũng là một loại sợ liên quan đến việc kiểm soát người khác).

3.Không thể tập thể dục: Một lần nữa, có rất nhiều nguyên do cho vấn đề này, ví dụ như: không có đủ thời gian (sợ phải buông bỏ những việc khác ta đã quen làm), do việc tập thể dục quá khó (sợ phải đối mặt với sự khó khăn), do những thứ gây xao nhãng như ti vi, internet (sợ bỏ lỡ những việc đang diễn ra, sợ phải đối mặt với khó khăn).

4.Không thể ăn kiêng: Tương tự như tập thể dục ở trên. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ các vấn đề về cảm xúc, tương tự như những nỗi sợ gây nên thói quen nghiện mua sắm và rắc rối về tài chính.

5.Không làm việc mình yêu thích: Có thể ta không biết mình muốn làm gì, có nghĩa là không hết mình khám phá (sợ thất bại); hoặc có thể ta biết mình muốn gì, nhưng không dám làm (sợ thất bại), hoặc sợ rằng bản thân không đủ khả năng.

6. Áp lực công việc/học tập: Ta có nhiều việc cần làm, nhưng cái chính là khối lượng công việc không phải là vấn đề. Khối lượng công việc là khách quan, cho dù ta có đủ thời gian làm hay không (thậm chí làm tốt nữa). Vấn đề thực ra nằm ở việc ta luôn lo lắng về việc phải làm hết những việc này. Nói cách khác, ta có một viễn cảnh lí tưởng (Mình sẽ làm hết việc này đúng giờ một cách cực kì hoàn hảo), để rồi bắt đầu sợ rằng viễn cảnh ấy không trở thành sự thật. Như vậy nỗi sợ bắt nguồn từ những viễn cảnh lí tưởng phi thực tế. Ta không thể làm tất cả mọi việc một cách hoàn hảo và đúng giờ được. Không ai làm được hết. Hãy chấp nhận thực tế rằng ta sẽ chỉ có thể làm xong một số việc hết khả năng của mình, và nếu thất bại thì ta cũng có thể học hỏi. Đó là cách mọi thứ vận hành. Không có ai là hoàn hảo cả đâu. Viễn cảnh lí tưởng ấy không hề tồn tại trong thực tế.

Vân vân và vân vân. Tất cả những vấn đề khác cũng tương tự như những vấn đề đã ví dụ ở trên.

Sợ thất bại, sợ không đủ khả năng, sợ mất kiểm soát, sợ ở một mình, sợ bị bỏ rơi, sợ khó khăn, sợ bỏ lỡ những việc đang diễn ra, sợ rằng cuộc sống sẽ khó chịu hơn, sợ rằng các viễn cảnh lí tưởng không trở thành sự thật.

Tất cả những nỗi sợ ấy đều bắt nguồn từ các viễn cảnh lí tưởng phi thực tế, cộng với sự thiếu niềm tin vào bản thân và thực tại.

Nếu có thể luyện tập kĩ năng buông bỏ các viễn cảnh lí tưởng phi thực tế, và bắt đầu chấp nhận, cũng như tin tưởng vào bản thân và thực tại, ta sẽ có thể tự nhiên vượt qua rất rất nhiều vấn đề. Mọi vấn đề đều bắt nguồn từ nỗi sợ, và nỗi sợ thì bắt nguồn từ viễn cảnh lí tưởng. Hãy cho gió cuốn những lí tưởng ấy bay đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.