Lá Nằm Trong Lá

Chương 29



Văn sĩ Mã Phú có cái lối kết thúc từng kỳ truyện ở những chỗ khiến người đọc tức điên.
Tôi hỏi nó thì nó bảo nó không cố tình chọc giận bạn bè, rằng nó viết đến khi nào buồn ngủ thì nó ngưng, chẳng để ý truyện đã kéo dài đến đâu.
Tôi khịt mũi:
– Sao mày không viết ban ngày? Viết ban ngày thì đâu có buồn ngủ? Tôi nhìn mái tóc cháy nắng của nó, lặp lại câu hỏi hôm trước:
– Ban ngày mày mải đi bắn chim, bắn ổi, bắn xoài trộm trong vườn nhà hàng xóm chứ gì?
– Đâu có!
Lợi đáp và nhe răng cười. Lợi ít khi cười nên nó cười mặt nó trông lạ hoắc lạ huơ. Xí Muội chạy tới đúng vào lúc tôi định hoạnh họe thằng Lợi thêm vài câu:
– Truyện mới đâu, ông?
Vừa nói vừa chìa tay trước mặt Lợi, trông bộ tịch thì có vẻ như nó sẽ không rút tay lại cho đến chừng nào Lợi đưa truyện mới ra.
– Hôm nay không có. – Lợi bối rối đáp, nụ cười trên mặt nó như bị ai thình lình đánh cắp. lệnh.

– Tôi gia hạn cho ông thêm một ngày nữa. Sáng mai phải có cho tôi đó. – Xí Muội nói như ra

– Tôi phải ôn bài nữa chi. Sắp thi rồi.
Giọng Lợi nghe như năn nỉ nhưng Xí Muội chẳng buồn động lòng:
– Tôi không biết. Ai bảo ông không dám nhận mình là Mã Phú. Tôi đóng vai Lê Lai cứu chúa, mấy hôm nay bị tụi bạn níu rách cả áo đây nè.
Xí Muội thõng tay xuống nhưng không vì vậy mà nó thôi ca cẩm:
– Tụi nó còn bảo không viết kịp thì kể tụi nó nghe khúc sau cũng được. Híc, tôi biết gì mà kể!
Tâm hồn nhà văn thường mỏng manh, dễ động lòng trắc ẩn. Nghe Xí Muội vì mình mà lâm vào hoàn cảnh khó xử, Lợi không viện lý do thi cử để từ chối nữa. Nó ngồi thừ ra, nhăn nhó, trong khi con nhỏ Xí Muội tươi như hoa, biết rằng khi thằng Lợi mặt mày trông giống như khỉ ăn gừng có nghĩa là văn sĩ Mã Phú thật đã nhận lời với văn sĩ Mã Phú dỏm.
Khi Xí Muội than vãn với tôi và Lợi về nỗi đau khổ của người nổi tiếng vào buổi sáng hôm sau đó, nó không bao giờ ngờ (cả tôi và Lợi cũng thế) sự thể còn đi xa hơn nhiều so với những gì nó đã trải qua.
Bọn học trò nhiều đứa mê truyện của Mã Phú đến mức mượn cuốn sổ các-nê của bút nhóm Mặt Trời Khuya về, rồi sắm một cuốn tập để chép truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua vào đó.
Tụi nó chép lại chỉ để buồn buồn lôi ra đọc, vì cuốn các-nê thì tụi nó không giữ lâu được. Tụi nó đọc thì anh chị tụi nó cũng đọc, nếu đứa nào có cả anh lẫn chị.
Thị trấn quê tôi chưa mở cấp ba nên đứa nào học xong lớp chín đều phải khăn gói ra thành phố.
Thành phố có bốn trường cấp ba – hai trường công lập và hai trường tư thục.
Tùy theo học lực và điều kiện kinh tế, bọn học trò thị trấn rải đều cả bốn trường và vì thành phố chỉ cách thị trấn có sáu mươi cây số nên đám “du học sinh” này cứ đến chiều thứ bảy lại đón xe đò về thăm nhà, những đứa nhà giàu thì chạy honda.
Những ông anh bà chị về nhà, tình cờ vớ phải cuốn tập chép truyện của thằng em (thường thường là của con em), thế là chúi mũi vào đọc, lúc đầu đọc vì tò mò, về sau đâm mê tít. Mê đến mức hỏi mượn cuốn tập đem ra thành phố (không cho mượn thì đánh cắp), bảo là cầm theo đọc cho đỡ nhớ nhà. Dĩ nhiên câu chuyện về chàng chăn ngựa chẳng có tác dụng gì trong việc xoa dịu nỗi nhớ nhà, nhưng các ông anh bà chị láu cá cứ bịa ra thế để đánh vào lòng trắc ẩn của lũ em khờ dại.
Kết quả: Cũng y như ở trường tôi, những cuốn tập kia được chuyền tay khắp các trường cấp ba trong thành phố và chẳng mấy chốc văn sĩ Mã Phú nổi tiếng như cồn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.