Lá Nằm Trong Lá

Chương 48



Lợi không tham gia công việc đóng xếp đặc san, với bọn tôi được nhưng nó hứa khi bọn tôi đi bán báo ở các trường trong thành phố, nó nhất định sẽ đi cùng và khi Lợi nói như vậy bọn tôi tin ngay vì đứa nào cũng nhận thấy thiện chí của nó toát ra không chỉ trong giọng nói mà cả trong vẻ mặt rất quyết tâm của nó.
Nhưng rốt cuộc đến ngày bọn tôi lên đường thì chẳng thấy nó dẫn xác tới.
Ban báo chí thuê một chiếc xe lam, chở cả báo lẫn người và lúc này bọn tôi đang ngồi nhìn trên băng ghế hai bên thành xe, đảo mắt ra tứ phía chỉ mong nhìn thấy một chấm đen xa xa để có thể nghĩ là thằng Lợi nhưng nó vẫn lặn biền biệt chẳng thấy sủi tăm.
Thọ dậm dậm chân lên sàn xe, sốt ruột:
– Chắc nó kẹt chuyện gì rồi! Sơn sốt sắng:
– Hay để tao chạy xuống Liễu Trì kêu nó? Thọ liếc xuống đồng hồ nơi tay, lắc đầu:
– Không kịp đâu! Tụi mình đi trễ, tụi cấp ba tan trường thì mình chỉ có ăn cám! Hòa làu bàu:
– Cúc Tần ra khỏi ban báo chí mà hôm nay còn đi được, thằng này nó bận chuyện gì quan trọng thế không biết!
Không có Lợi trong chuyến đi, bọn tôi có hơi buồn nhưng cái tên Mã Phú được tụi học trò các trường trong thành phố liên tục hỏi thăm khiến bọn tôi vô cùng hãnh diện và có cảm tưởng Lợi không hề vắng mặt.
Tới từng trường, chuyện trước tiên là thằng Thọ xin vào làm việc với ban giám hiệu, sau đó xe lam chở báo vào tận các hàng hiên. Tiếp theo Thọ dẫn đầu cả bọn tiến vào từng lớp, bốn nàng thơ áo dài tha thướt và ba chàng thi sĩ ăn diện bảnh bao ôm từng chồng báo lẽo đẽo theo sau.
Sau khi giáo viên đứng lớp giới thiệu các đám lủ khủ bọn tôi là ai, ở đâu, hôm nay “dời gót ngọc” đến đây làm gì, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn bước ra giữa lớp hắng giọng:
– Thưa các bạn, thưa các anh các chị, tôi xin các bạn các anh các chị năm phút để giới thiệu về đặc san của trường tôi…
Trong khi các nàng thơ mỉm miệng cười duyên với “khách hàng” (ý đồ dùng mỹ nhân kế để bán báo là khá rõ!), Thọ bắt đầu quảng cáo, khoe văn khoe thơ vung tán tàn, nhưng tụi học trò nghe những cái tên rổn rảng như Lãnh Nguyệt Hàn, Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử hay Hận Thế Nhân cũng thờ ơ như nghe tin xe cán chết chó, chẳng hề xúc động mảy may. Nhưng khi Thọ vừa nhắc đến truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua của Mã Phú, tụi bên dưới lập tức xôn xao cả lên:
– A, có truyện của Mã Phú trong này hả?
– Có phần kết chưa?
– Đăng trọn cả truyện chứ?
Bọn tôi nở từng khúc ruột khi thấy lớp học đang lặng ngắt bỗng ồn ào như các chợ vịt, còn thằng Thọ dĩ nhiên chẳng buồn gân cổ nói thêm gì nữa. Làm như chính mình là Mã Phú, nó kiêu hãnh ưỡn bộ ngực kẹp lép về phía trước, gật đầu lia lịa để đáp lại thịnh tình của người hâm mộ, miệng toét tới mang tai và sung sướng hất đầu ra hiệu cho bọn tôi ôm từng xấp đặc san xuống các dãy bàn chào mời.
Tôi đã từng đi bán báo với thằng Thọ nhiều lần nhưng thú thật chưa lần nào tôi mô tả được hạnh phúc trong “kinh doanh” có mùi vị gì, trừ lần này. Thật khó mà nói chính xác cảm giác bọn tôi đang nếm trải nhưng nếu bảo nó gần với cảm giác của một người vửa đón tết nguyên đán, tết trung thu và sinh nhật cùng một lúc thì các bạn có thể hình dung được phần nào.
Từ lúc đó về sau, khi qua các lớp khác và trường khác thằng Thọ chẳng thèm nhắc gì đến các bài vở khác trong đặc san. Sau khi “xin các bạn, các anh các chị năm phút… ”, Thọ giới thiệu ngay truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua và chỉ giới thiệu mỗi truyện đó thôi. Nó vứt hết đám thi sĩ, kể cả nó, vào sọt rác, chỉ lăm lăm nhắc đến mỗi nhà văn Mã Phú, làm như bọn tôi đi bán sách của thằng Lợi chứ không phải đi bán báo của nhà trường.
Nhưng chẳng đứa nào trong ba thi sĩ còn lại bất bình và sự phân biệt đối xửa trắng trợn đó vì rõ ràng cái tên Mã Phú mỗi khi thoát ra khỏi đôi môi Thọ lập tức tạo nên một trận bão cảm xúc quét qua các dãy bàn và sau đó các nàng thơ yêu kiều của bọ tôi tha hồ bán báo mà không cần liếc mắt hay nhoẻn miệng cười duyên quá mức.
Chỉ duy nhất một lần thằng Thọ quảng cáo hơi lâu, đấy là khi nó phải chiều theo yêu cầu của độc giả.
Cái lớp học đó (nhân lúc giáo viên bỏ ra ngoài hành lang sau khi giới thiệu bọn tôi với đám học
trò) vừa nghe thằng Thọ mở miệng “xin các bạn, các anh các chị năm phút”, mấy đứa ngồi bàn trên cũng đã nhao nhao, gộp tất cả các lời nhí nhố đó lại thì nội dung của nó cắc cớ như thế này: “Mày nói ba chục phút luôn đi! Bọn tao dưới điểm trung bình gần một nửa lớp, nãy giờ thầy chủ nhiệm quát kính quá. Mày câu giờ dùm bọn tao, lát bọn tao mua mua hết đống báo đó cho!”.
Bất ngờ thứ hai xảy ra trong quá trình bán báo là đám học sinh cấp ba từng chạy tuốt lên Vinh Huy để diện kiến Xí Muội nhận ngay ra nhà văn tài hoa, thế là cả chục cái miệng thi nhau hò reo. Tụi còn lại không biết Xí Muội là ai, đến khi nghe đám kia tiết lộ đó chính là tác giả của thiên truyện lừng danh, lập tức bu quanh nghìn nghịt, đứa giở sách đứa lật tập đứa xé giấy rẹt rẹt chìa ra xin chữ ký khiến cho nàng thơ được ngưỡng mộ cả tài lẫn sắc kia không có cách nào từ chối.
Tôi nhìn bọn học trò bu đen bu đỏ quanh Xí Muội, thấy lưng áo nó đẫm mồ hôi và nếu nó ngoái đầu lại có khi tôi sẽ thấy mặt nó cũng đang nhòe nước mắt.
Vì nó đang bấm bụng tặng chữ ký cho người hâm mộ… thằng Lợi trong tâm trạng dở cười dở khóc mà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.