Lá Thư Trong Chai

LỜI MỞ ĐẦU



Cái chai được thả qua mạn thuyền vào một đêm mùa hè oi nóng, vài giờ trước khi trận mưa bắt đầu trút xuống. Giống như tất cả những cái chai khác, nó mỏng manh và sẽ vỡ nếu bị thả cách mặt đất vài mét. Nhưng khi được bịt kín đúng cách và thả xuống biển, như cái chai này, thì nó sẽ trở thành một trong những vất có khả năng chống chịu phong ba bão táp bậc nhất mà con người từng biết. Nó có thể trôi dạt qua những cơn đại cuồng phong hoặc những cơn bão nhiệt đới mà không hề bị sứt mẻ, nó có thể bập bềnh trên những con sóng triều nguy hiểm nhất. Xét về mặt nào đó, nó là ngôi nhà lý tưởng cho bức thư mà nó mang bên trong, một bức thư được gửi đi để hoàn thành một lời hứa.
Giống như tất cả những cái chai bị phó mặc cho sự thất thường của đại dương, hành trình của nó không thể dự đoán được. Gió và các dòng hải lưu đóng vai tròn rất lớn đối với hướng đi của cái chai; những trận bão và rác đại dương cũng làm thay đổi hành trình của nó. Đôi khi cái lưới đánh cá nào đó sẽ chặn một cái chai lại và kéo nó di xa hàng chục dặm theo hướng ngược lại với hướng mà nó đang đi. Kết quả là hai cái chai cùng thả xuống biển một lúc lại có thể trôi dạt xa cách nhau cả châu lục, hoặc thậm chí tới hai bán cầu khác nhau. Chẳng có cách nào đoán được một cái chai sẽ đi tới đâu, và đó là một phần sự bí ẩn của nó.
Chừng nào những chiếc chai còn đó thì bí ẩn này còn kích thích trí tò mò của con người, và một số người đã cố gắng tìm hiểu nhiều hơn về nó. Năm 1929, một nhóm nhà khoa học Đức đã lên kế hoạch bám theo lộ trình của một cái chai cụ thể. Nó được thả xuống vùng biển thuộc Nam Ấn Độ Dương mang một bức thư ngắn bên trong đề nghị người tìm thấy hãy ghi lại địa điểm mà nó được vớt lên rồi thả nó trở lại biển. Tới năm 1935 nó đã đi vòng quanh thế giới qua một quãng đường gần một vạn sáu dặm, quãng đường dài nhất chính thức được ghi chép lại.
Những lá thư trong chai đã được ghi lại trong sử sách từ nhiều thế kỷ qua, trong đó có cả những cái tên nổi tiếng bấc nhất trong lịch sự. Ví dụ Ben Franklin, người đã dùng những cái chai mang thư để thu thập những tri thức cơ bản về các dòng chảy ở vùng duyên hải vào giữa thế kỷ thứ mười tám – những thông tin vẫn còn hữu dụng cho tới ngày nay. Thậm chí hiện nay hải quân Mỹ vẫn sử dụng cái chai để thu thập thông tin về các dòng thủy triều và hải lưu, đồng thời chúng thường xuyên được dùng để lần theo hướng của những vụ tràn dầu.
Bức thư nổi tiếng nhất từng được gửi là vào năm 1784, của một thủy thủ trẻ, Chunosuke Matsuyama, anh bị mắc kẹt ở một rặng san hô, không còn chút thức ăn và nước uống nào sau khi tàu của mình bị đắm. Trước khi chết, anh đã khắc lên mảnh gỗ kể lại chuyện xảy ra, rồi nhét nó vào trong một cái chai bịt kín. Vào năm 1935, 150 năm sau khi bị thả trôi trên biển, nó dạt vào một làng chài nhỏ ở Nhật, chính nơi Matsuyama sinh ra.
Tuy nhiên, cái chai được thả vào đêm mùa hạ oi nồng này lại không kể về một vụ đắm tàu, hay được sử dụng để vẽ lại hải trình. Mà nó chứa đựng một bức thư sẽ làm thay đổi hai con người mãi mãi, hai con người lẽ ra đã không bao giờ gặp nhau, và vì lý do đó nó có thể được gọi là bức thư định mệnh. Trong sáu ngày chầm chậm nó dạt trôi trên biển theo hướng Đông Bắc, bị gió từ hệ thống áp cao ở Vùng Vịnh Mexico cuốn đi. Vào ngày thứ bảy gió ngừng, và cái chai tự hướng thẳng về phía Đông, cuối cùng lọt vào hải lưu ấm Dòng Vịnh, từ đây nó tăng tốc, hướng về phía Bắc với vận tốc gần bảy mươi dặm một ngày.
Hơn hai tuần sau đó, cái chai vẫn xuôi theo Dòng Vịnh. Tuy nhiên, vào ngày thứ mười bảy một cơn bão khác – lần này nổi lên ở khu vực giữa Đại Tây Dương – mang theo những cơn gió thổi hướng Đông đủ mạnh để cuốn cái chai ra khỏi dòng hải lưu này, và nó bắt đầu trôi về hướng New England. Không còn bị Dòng Vịnh cuốn đi, cái chai lại trôi chầm chậm dích dắc gần bờ biển bang Massachusetts năm ngày cho tới khi bị lưới đánh cá của John Hanes chặn lại. Nhặt được cái chai nằm giữa cả đống cá, Hanes vừa quẳng ra vừa kiểm tra xem mình bắt được những gì. May thay cái chai không bị vỡ, nhưng ngay lập tức bị lãng quên và cứ nằm ở mũi tàu suốt từ giữa chiều cho đến sẩm tối, khi con tàu trên đường trở về vịnh Cape Cod. Tới tám rưỡi, khi con tàu đã vào được phía trong những ranh giới của vịnh – Hanes lại vấp phải cái chai trong khi đang hút thuốc. Vì mặt trời đang xuống dần, ông nhấc nó lên nhưng chẳng thấy gì bất thường ở bên trong, liền ném nó qua mạn tàu mà chẳng thèm ngó qua, chắc mẩm cái chai sẽ dạt vào một trong số nhiều cộng đồng dân cư nhỏ dọc theo vịnh.
Tuy nhiên, chuyện đó không xảy ra ngay. Chiếc chai còn dạt tới dạt lui vài ngày – như thể đang cân nhắc xem nên đi đâu trước khi chọn được hải trình cho mình – và cuối cùng nó dạt vào một bãi biển trên một dài bờ biển gần Chatham.
Và nó ở lại đó, sau 26 ngày và 738 dặm, kết thúc chuyến đi của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.