Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

CHƯƠNG 11: THIẾT KẾ VẬN MỆNH



“Người ước mơ để trốn tránh thực tế, kẻ mơ ước để thay đổi thực tại vĩnh viễn.” – Soichiro Honda

Bạn đọc thân mến, chúng ta đã cùng nhau điểm qua hàng loạt các phương pháp hiệu quả nhằm giúp bạn đạt được bất cứ điều gì bạn muốn. Thông qua những phương pháp này, bạn có thể tái lập trình não bộ của bạn, thay đổi các thói quen xấu và tự tạo động lực cho bản thân để liên tục hành động. Hẳn bạn cũng đã nhận ra rằng bên trong bạn ẩn chứa một sức mạnh thật sự có thể tạo ra những kết quả kỳ diệu nếu được giải phóng.

Việc bạn cần làm bây giờ là chuyển tất cả mọi kiến thức, năng lượng và sức mạnh vừa được khám phá này về cùng một hướng, bằng cách trả lời câu hỏi sau, “Mình thật sự mong muốn điều gì? Cụ thể là mình muốn đạt được và tạo ra những gì trong cuộc sống?”.

Câu hỏi này nghe có vẻ khá thẳng thắn và rõ ràng. Vậy mà trong thực tế, đa số mọi người không hề có một ý niệm rõ rệt về những gì họ thật sự mong muốn. Thường thì khi được hỏi, thiên hạ sẽ nói đại loại họ muốn được thành công, họ muốn cải thiện cuộc sống, họ muốn có nhiều tiền hơn, họ muốn có những mối quan hệ tốt đẹp hơn, họ muốn mình hạnh phúc hơn hoặc thanh thản trong lòng.

Vấn đề là ở chỗ hết thảy những “mong muốn” này đều quá mơ hồ chung chung nên khó mà thực hiện được. Bạn cũng biết rằng “hạnh phúc” hay “thanh thản” chẳng qua chỉ là những trạng thái cảm xúc mà bạn có thể tạo ra bất cứ lúc nào. Bạn muốn cảm thấy “hạnh phúc” ư, chỉ cần tập trung nghĩ về những gì bạn đang sở hữu và trân trọng, đồng thời tạo ra dáng vẻ điệu bộ khi bạn hạnh phúc. Thế là bạn cảm thấy hạnh phúc rồi đấy!

Hãy nhớ rằng bạn có toàn quyền kiểm soát cảm xúc bản thân. Vì thế, “hạnh phúc” không phải là một mục tiêu. Tuy nhiên, nhiều người lại nghĩ “hạnh phúc” là mục đích chung cuộc của đời mình, bởi vậy họ đuổi hình bắt bóng theo những thứ mà họ nghĩ sẽ làm cho họ hạnh phúc, như tiền bạc chẳng hạn. Để đến khi họ đã có tất cả tiền bạc trong tay, thì hạnh phúc vẫn chạy trốn ở đâu đó và cảm giác khốn khổ, đau đớn vẫn ở lại với họ. Tại sao vậy? Bởi vì nếu họ không thể học cách trở nên hạnh phúc ngay lúc này thì sao họ có thể hạnh phúc về sau được. Hạnh phúc chỉ là một trạng thái cảm xúc mà thôi.

Thành công dường như là một lý do chính đáng để đa số người đời hướng tới nhưng trong quá trình đào tạo của mình, mỗi khi tôi đặt câu hỏi, “Bạn phải đạt được những gì để được coi là thành công (trong lĩnh vực mà bạn lựa chọn)?”, tôi thường nhận được câu trả lời, “Tôi không biết”, “Tôi không chắc lắm, tôi chưa nghĩ kỹ về điều này”.

Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bạn biết rằng hầu hết mọi người không bao giờ có được những gì họ muốn. Đơn giản là vì họ thậm chí còn không biết rõ mình thật sự muốn gì nữa.

Nếu bạn không cài đặt một “lệnh” rõ ràng và trực tiếp vào “máy tính sinh học” của mình, chắc chắn nó sẽ không thể tự thi hành được một việc gì. Nếu bạn không hiểu rõ bạn muốn gì thì làm sao bạn có thể thiết kế một chiến lược cụ thể và kế hoạch chi tiết cho việc đạt được mục tiêu.

Đại đa số mọi người ai cũng mong kiếm được nhiều tiền và trở nên giàu có. Nhưng cớ làm sao chỉ có rất ít người đạt được điều này? Một lần nữa, đó là vì phần lớn mọi người chỉ có một mong muốn chung chung mơ hồ mà không hề có một mục tiêu cụ thể nào để nhắm đến.

Nếu bạn còn chưa biết rõ ràng mình muốn gì, bạn không thể phát triển một chiến lược rõ ràng và một kế hoạch hành động để đạt được điều đó. Ví dụ, chiến lược và kế hoạch hành động để kiếm được 200 triệu đồng một năm hoàn toàn khác với chiến

lược và kế hoạch hành động để kiếm được 2 tỷ đồng một năm. Và sẽ có sự khác biệt lớn hơn giữa việc kiếm được 10 tỷ đồng với 100 tỷ đồng một năm.

Nếu bạn muốn kiếm được 200 triệu đồng một năm, chiến lược và kế hoạch hành động của bạn phải như thế nào? Bạn có thể đạt được chỉ tiêu này bằng việc phấn đấu từ vị trí quản lý công ty cỡ trung bình lên một công ty lớn.

Còn nếu bạn muốn kiếm được 2 tỷ đồng một năm, chiến lược sẽ phải khác hẳn đúng không? Tất nhiên rồi. Bạn có thể kiếm được số tiền đó bằng cách thành lập công ty riêng hoặc đầu tư.

Điều gì xảy ra nếu bạn muốn có mức lãi ròng là 10 tỷ đồng một năm? Liệu bạn có thể đạt được con số đó nếu điều hành công ty nho nhỏ của mình hay trở thành một nhân viên bán hàng không? Không cách nào! Bất kể bạn lao lực đến đâu chăng nữa thì bạn cũng không thể đạt được con số đó!

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để điều này trở nên khả thi? Chỉ có cách là mở rộng công ty, mở thêm nhiều chi nhánh mới hoặc bán nhượng quyền thương hiệu trên toàn quốc hoặc toàn thế giới. Với đòn bẩy này, bạn mới có thể kiếm được 10 tỷ đồng một năm.

Nhưng nếu bạn muốn có 100 tỷ đồng một năm thì sao? Một lần nữa, mong muốn này đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp hoàn toàn khác. Bạn không thể kiếm được con số gấp 10 lần với doanh thu, lương bổng hoặc thậm chí lợi nhuận từ công ty hiện tại. Cách duy nhất là bán cổ phần của mình ra công chúng khi bạn niêm yết công ty trên sàn chứng khoán. Các tỷ phú trên thế giới cũng thường làm như thế để trở nên cực kỳ giàu có.

Và bây giờ, mặc dù tôi dùng tiền bạc làm ví dụ minh họa, nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho bất cứ điều gì bạn mong muốn đạt được trong cuộc sống, ví dụ như một cơ thể khỏe khoắn cường tráng hơn, những mối quan hệ tốt đẹp hơn, cống hiến cho xã hội nhiều hơn hoặc thậm chí một sự an dưỡng tinh thần.

Quan điểm của tôi rất đơn giản: Một khi bạn đã xác định cụ thể mình muốn gì, bạn sẽ hình dung rất rõ ràng những việc mình cần làm để đạt được điều đó. Nếu bạn muốn kiếm được 1 tỷ đồng, bạn phải nâng cao doanh số hoặc mở công ty riêng.

Nếu bạn muốn kiếm được 10 tỷ đồng, bạn cần cải thiện sản phẩm hoặc dịch vụ công ty để đưa vào thị trường quốc tế và nếu muốn kiếm được hàng trăm tỷ đồng, bạn phải niêm yết công ty lên sàn chứng khoán nơi giá trị công ty sẽ được tăng lên gấp nhiều lần.

Trái lại, nếu bạn vẫn còn mơ mơ màng màng về những gì mình muốn, bạn không có khả năng huy động hết mọi nguồn lực bao gồm ý tưởng, năng lượng và nỗ lực của bạn vào bất cứ điều gì còn chưa định hình trong tâm trí.

KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ, VẤN ĐỀ LÀ Ở CHIẾN LƯỢC

Tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện có thật, đó là việc tôi đã giúp cho một nhân viên bán bảo hiểm xác định rõ mục tiêu của anh và nhờ vậy mà vạch ra được một chiến lược cụ thể để đạt doanh số anh mong muốn. Khi Paul lần đầu tiên đến với khóa đào tạo của tôi, anh tâm sự rằng có lẽ anh phải đi tìm một công việc khác sau 5 năm theo nghề bảo hiểm.

Anh thổ lộ, “Tôi không thể hiểu tại sao một số đồng nghiệp của tôi rất thành công, trong khi tôi làm việc quần quật suốt ngày nhưng dường như vẫn không thể bằng họ”.

“Vậy cụ thể anh muốn đạt được điều gì?”, tôi hỏi. “Kiếm được nhiều tiền và làm việc tốt để đạt giải thưởng nào đó”, anh đáp. Thế là tôi nhận ra ngay lý do tại sao Paul không thành công. Đó là vì Paul không tập trung vào một mục tiêu rõ ràng nên anh không thể huy động tất cả thời gian và nỗ lực của mình vào bất cứ kế hoạch hành động cụ thể nào.

Cuối cùng, sau khi hiểu rõ hơn, Paul đề ra mục tiêu được công nhận vào nhóm “Millionaire Dollar Round Table”. Điều này có nghĩa là anh phải đạt mức doanh thu phí bảo hiểm là 150.000 đô/năm.

Trên cơ sở đó, tôi đặt ra cho anh một loạt các câu hỏi chi tiết kiểu như:

“Doanh thu phí bảo hiểm trung bình của anh trên một hợp đồng là bao nhiêu? Tỷ lệ bán hàng thành công của anh là bao nhiêu? Tỷ lệ cuộc hẹn khách hàng của anh là bao nhiêu?”. Từ những con số đó, tôi giúp anh phát triển một kế hoạch hành động nhằm đạt chỉ tiêu anh đề ra là 150.000 đô/năm.

Sau những phép tính đơn giản trên, Paul đã thấy rõ một điều là dựa trên tỷ lệ bán hàng thành công và tỷ lệ cuộc hẹn trong quá khứ của anh, nếu anh kiên trì gọi 5 cuộc điện thoại tới khách hàng mỗi ngày (làm tròn con số 4,6) và sắp xếp một cuộc hẹn khách hàng mỗi ngày (làm tròn con số 0,9) thì anh hoàn toàn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu 150.000 đô/năm.

Ngay khi Paul có một mục tiêu cụ thể, anh biết chính xác mình phải làm gì và phải tập trung vào việc gì. Mắt anh sáng rực lên và tôi có thể nói với bạn rằng anh cực kỳ hào hứng với việc anh có thể đạt được chỉ tiêu nếu làm theo kế hoạch.

Khoảng một năm sau, Paul gặp lại tôi và cho biết không những anh đạt được chỉ tiêu mình đề ra mà còn vượt mức nữa, bởi anh suy ra rằng nếu anh có thể đạt giải thưởng “Million Dollar Round Table” bằng cách đi gặp khách hàng một lần/ngày thì anh cũng có thể giành được danh hiệu “Court of the Table” bằng việc liên tục thực hiện ba cuộc hẹn mỗi ngày để đạt mức chỉ tiêu doanh thu 460.000 đô/năm và kiếm về cho mình hơn 150.000 đô/năm.

THÀNH CÔNG ÍT KHI DO MAY MẮN, PHẦN NHIỀU NHỜ DỤNG CÔNG THIẾT KẾ CỦA BẠN

Từ kinh nghiệm bản thân và từ việc nghiên cứu cuộc đời của hàng trăm người thành công khác, tôi tin rằng thành công chẳng mấy khi do ngẫu nhiên hay may mắn mang lại.

Vòng xoay may mắn của con xúc xắc hiếm khi làm cho bất cứ ai giàu có quá lâu hoặc hạnh phúc quá bền. Thành công bao giờ cũng là kết quả của một mục tiêu rõ ràng được nung nấu từ một khát vọng cháy bỏng.

Đó cũng chính là kết quả khám phá của một cuộc nghiên cứu được thực hiện ở Đại Học Yale (Mỹ) vào năm 1953. Vào năm ấy, người ta khảo sát những cử nhân vừa tốt nghiệp đại học, trong số đó chỉ có 3% cử nhân viết ra được mục tiêu của mình. Mục tiêu của số 3% này bao gồm: “trở thành tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất, thành lập công ty máy tính và phát hành cổ phiếu ra công chúng, ứng cử Tổng thống Mỹ…”.

97% cử nhân còn lại không viết ra được những mục tiêu cụ thể trong cuộc sống. Nhiều người còn chọn thái độ “mặc cho thời cuộc xoay vần, mọi việc đến đâu hay đến đó”.

20 năm sau, một nghiên cứu tiếp theo cho thấy 3% cử nhân viết ra được mục tiêu của mình có tổng thu nhập cao gấp 3 lần tổng thu nhập của 97% cử nhân không có mục tiêu cụ thể nào trước đó.

Điều này rõ ràng chứng tỏ sức mạnh kỳ diệu của việc xác lập mục tiêu.

KHÔNG LÊN ĐƯỢC KẾ HOẠCH CHO MÌNH Ư? BẠN SẼ RƠI NGAY VÀO KẾ HOẠCH CỦA KẺ KHÁC

Tôi có thể khẳng định với bạn rằng nếu 14 năm về trước, tôi không ngồi xuống thiết kế cuộc đời mình theo cách mà tôi muốn nó diễn ra thì chắc chắn tôi sẽ không gặt hái được những thành quả ngày hôm nay. Tôi sẽ ở một nơi nào đó và có lẽ đang làm những việc khác hẳn bây giờ.

Thường thì nếu bạn không có kế hoạch rõ ràng cho cuộc đời mình, bạn sẽ là một phần trong kế hoạch của người khác, thông thường nhất là kế hoạch của các bậc cha mẹ: “Con phải trở thành bác sĩ, luật sư, kỹ sư và sẽ kiếm được thật nhiều tiền”… Cho dù điều đó (theo quan điểm của cha mẹ) là tốt cho tương lai của con cái, những đứa con vẫn phải nỗ lực sống theo mong đợi của các bậc phụ mẫu và đôi khi còn phải gánh vác những ước mơ mà cha mẹ họ chưa kịp thực hiện.

Hoặc giả nếu bạn làm việc cho một công ty tư nhân hoặc nhà nước, bạn có ngồi chờ sếp bạn hay công ty bạn vẽ biểu đồ cho những mục tiêu bạn cần đạt được và hoạch định tương lai của bạn không? Tôi dám chắc với bạn rằng, nếu họ làm việc đó thì bạn chỉ có lợi khi mục tiêu của bạn song hành với chỉ tiêu lợi nhuận của công ty mà thôi.

Chẳng phải tất cả chúng ta đều muốn tự do làm điều ta muốn và trở thành bất cứ người nào ta muốn hay sao?

Khi lần đầu tiên báo chí giới thiệu tôi là triệu phú 26 tuổi với mức phí nói chuyện 1000 đô/giờ, nhiều người bạn đã hỏi sao tôi có thể đòi một mức phí cao như thế khi chỉ mới chân ướt chân ráo ra trường được hai năm. Lý do là vì, ở tuổi 26, hai năm sau khi tốt nghiệp NUS, tôi đã viết được một quyển sách bán chạy nhất, dựng lên và điều hành ba công ty, nói chuyện với hàng ngàn người và kiếm được hơn một triệu đô. Trong khi đó, hầu hết bạn bè cùng học với tôi hoặc đang đi kiếm công việc đầu tiên hoặc đang làm thuê cho người khác với mức lương khoảng 2000 đô/tháng.

Điều oái oăm là nhiều người trong số bạn bè đồng trang lứa với tôi chắc chắn là những người cũng thông minh, giỏi giang và làm việc chăm chỉ như tôi. Điểm khác biệt duy nhất giữa họ và tôi chỉ là một chấm nhỏ: vào lúc 15 tuổi (với sự động viên cao độ của những người thầy), tôi đã ngồi xuống bàn viết bản kế hoạch chi tiết về cuộc đời mình.

Một cách chính xác, tỉ mỉ, tôi viết ra những gì mà tôi sẽ đạt được trong vòng 20 năm tới (đó cũng là điều mà tôi sẽ giúp bạn thực hiện ở phần cuối chương này, bất kể bạn đang ở độ tuổi nào, đang ở đâu trên cuộc hành trình cuộc sống của mình).

Sau khi phác thảo xong bản kế hoạch cuộc đời, tôi xắn tay áo lên hành động và mỗi một hành động tôi thực hiện lại khuyến khích tôi tập trung mọi tài năng, trí tuệ và năng lượng một cách cao độ, giống như tia laser nhắm bắn thẳng vào mục tiêu phía trước. Tôi dùng hình ảnh tia laser để minh họa bởi vì tôi cảm thấy tràn trề năng lượng và có cảm tưởng mình có thể xuyên qua bất cứ vật cản nào trên đường.

Thông thường, chính thói quen bảo thủ là vật ngăn đường cản lối bạn!

Bây giờ, điều bạn cần biết là những chướng ngại vật trên con đường tiến lên của bạn chính là những thói quen thâm căn cố đế, chúng ngăn cản bạn, níu kéo bạn, ghìm chân bạn. Những thói quen như quây quần tán dóc với bạn bè ở quán café hoặc ở những câu lạc bộ sang trọng sau giờ làm việc thật hấp dẫn, dễ dàng đối với chúng ta, đúng không?

Còn việc xác định mục tiêu trong cuộc sống, kiên trì, nhẫn nại dấn bước về phía trước dường như lại là một sự “hy sinh” lớn lao; ví dụ dùng thời gian “tán dóc với bạn bè” để gọi điện chào hàng, đọc sách, nghiên cứu và tiến hành những cuộc thăm dò thị trường. Hầu hết những việc này nghe thật “buồn tẻ, chán nản” nhưng chúng hết sức cần thiết cho thành công sau này của bạn.

Thế là được trang bị bởi một kế hoạch chi tiết cho cuộc đời mình, tôi dốc toàn lực và làm tất cả những điều cần làm để biến ước mơ thành hiện thực. Chính những điều mà tôi thiết kế (trong bản kế hoạch) đã khiến tôi bắt đầu thu thập thông tin và viết một quyển sách. Chẳng có gì xảy ra một cách tình cờ cả, hết thảy đều “bám sát” kế hoạch.

Nào là mở kinh doanh ở tuổi 15 (sàn nhảy di động), tham dự chương trình phát triển bản thân, đọc hàng trăm quyển sách về động lực sống, tự rèn luyện bản thân và sách kinh doanh, tất cả đều nằm trong bản kế hoạch tổng thể chi tiết của tôi. Thậm chí cả việc sử dụng bất cứ khoảng thời gian rảnh rỗi nào (ngoài việc học) để diễn thuyết hay bán hàng cũng là một phần trong chiến lược vươn tới thành công của tôi.

Chính những mục tiêu mà tôi vạch ra là động lực thúc đẩy cho những quyết định và hành động của tôi. Nếu không có bản kế hoạch rõ ràng đến từng chi tiết đó, có lẽ tôi đã chạy theo đám đông làm những việc mà người khác làm (chỉ để có được tấm bằng) và có được những thứ mà người khác có.

Nếu bạn làm những việc mà ai cũng làm thì bạn sẽ chỉ có được những thứ mà ai cũng có! – Adam Khoo

Bạn có máy vi tính ở nhà không? Nếu có thì máy tính của bạn đang chạy chương trình phần mềm nào? Tôi đoán là Windows, và xác xuất tôi đoán trúng là 8 trên 10. Tại sao? Bởi vì hơn 80% máy tính cá nhân cài đặt các chương trình phần mềm của Microsoft. Điều này có phải do ngẫu nhiên không? Không hề!

Đó là thành quả của một tầm nhìn xa trông rộng, một mục tiêu rõ ràng, xác thực mà Bill Gates đã vạch ra khi ông thành lập Microsoft, cách đây hai thập kỷ. Ông đã xác định rõ, “mỗi máy tính đặt trên từng bàn làm việc và trong từng hộ gia đình đều cài đặt phần mềm của Microsoft”.

Điều đáng nói là mục tiêu này được lập ra vào thời điểm mà không phải nhà nào cũng có máy tính cá nhân. Chỉ vài năm trước đó, vào năm 1977, Kenneth Olsen, Chủ tịch của Digital Equip Corp còn nhận xét, “Chẳng có lý do gì để mỗi cá nhân phải sắm một máy tính trong nhà cả”.

Nhưng Gates lại nghĩ khác. Ông đã xác lập một mục tiêu cụ thể và huy động nhân viên mình tạo ra một điều đã trở thành hiển nhiên sau này: máy vi tính cũng thông dụng như điện thoại.

KHI NGƯỜI BÁN MÁY PHA SỮA RAY KROC ĐƯA RA MỘT MỤC TIÊU VĨ ĐẠI:

TOÀN CẦU HÓA BÁNH HAMBURGER…

Bạn có biết công ty nào nhìn chung sở hữu nhiều bất động sản nhất thế giới không? Đó chính là công ty McDonald. Ở bất cứ nơi nào trên trái đất, trong bất cứ thành phố lớn nào, bạn cũng có thể tìm thấy một cửa hàng bán hamburger McDonald. Thậm chí, trong những thành phố lớn như Los Angeles, California, Hồng Kông và Luân Đôn thì gần như cứ năm khu nhà lại có một cửa hàng McDonald.

Trước đây, trong giai đoạn lớn nhanh như thổi của đế chế McDonald, các chi nhánh McDonald phát triển chóng mặt đến nỗi mỗi ngày lại có một cửa hàng McDonald mới mọc lên trên toàn thế giới.

Hiện tượng này không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Việc các cửa hàng mang tên McDonald xuất hiện ở khắp nơi trên địa cầu là kết quả tầm nhìn của Ray Kroc, người đã mua lại quyền kinh doanh thương hiệu McDonald và quyền được dựng lên các cửa hàng McDonald ở bất cứ nơi đâu từ năm 1961.

Thuở ban đầu, McDonald chỉ là một cửa hàng ăn nhỏ trên đất Mỹ, do anh em nhà McDonald đứng ra làm chủ. Vào thời ấy, Ray Kroc còn là người buôn bán máy pha sữa. Khi tận mắt chứng kiến cửa hàng bán thức ăn nhanh này được vận hành như thế nào, ông đã say mê ngay dịch vụ hoàn hảo của nó thể hiện qua chất lượng, tính hiệu quả, chuyên nghiệp và độ sạch của món ăn được phục vụ. Chỉ ít ngày sau đó, Kroc đã thuyết phục anh em McDonald ký giấy phép cho ông thay mặt họ bán lại quyền kinh doanh thương hiệu này và xây dựng mô hình cửa hàng McDonald trên toàn cầu.

Khi người bán hàng Ray Kroc, lúc ấy đã ngoài 50 tuổi, bay về nhà với tờ giấy ký chưa ráo mực, ông biết rằng mình đã đào trúng mỏ vàng vì ông hình dung thấy trước hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng McDonald mở ra khắp nơi trên thế giới, ở mỗi quốc gia và mỗi thành phố lớn.

Đây chính là một mục tiêu hết sức vĩ đại được nuôi dưỡng bởi niềm đam mê cháy bỏng và cuối cùng đã trở thành hiện thực. Ngày nay, cứ sau bảy tiếng lại có một cửa hàng McDonald mới mở ở đâu đó trên trái đất: tổng cộng công ty này có đến hơn 20.000 cửa hàng ở 90 quốc gia và phục vụ cho 29 triệu người hàng ngày.

TẠI SAO BẠN PHẢI XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU, NGAY BÂY GIỜ!

Nếu có một thông điệp mà tôi thiết tha muốn gửi đến bạn thì chính là điều này đây. Bạn phải xác định điểm đến cho mỗi lĩnh vực quan trọng trong đời mình. Và hãy làm ngay bây giờ, bất kể bạn bao nhiêu tuổi, đang làm công việc gì. Nếu bạn không biết tập trung sức lực vào việc gì, thì những quyết định bạn đưa ra, những hành động bạn thực hiện hàng ngày sẽ không có định hướng lâu dài và sẽ không đưa đến bất cứ một thành tựu nào đáng kể.

Thiếu một hướng đi như vậy, cuộc sống của bạn sẽ chỉ quanh quẩn với những việc cỏn con như thanh toán hóa đơn điện nước, xem những tiết mục ưa thích trên truyền hình, đi mua sắm, ăn thử bữa tối ở một nhà hàng mới, né tránh những vấn đề gây đau đầu hoặc xoay như chong chóng hết tuần lễ bận rộn này đến tuần lễ dày đặc công việc khác. Đều đặn và buồn tẻ! Rất có thể bạn sẽ bị căng thẳng thần kinh và cuộc sống của bạn chỉ là sự tồn tại đơn điệu nhàm chán; vì thế bạn có thể tự thiết kế cuộc đời mình và sống cho ra sống.

Bạn thấy đấy, trí óc con người bao giờ cũng có khuynh hướng đuổi theo một mục tiêu nào đó, tuy rất mơ hồ. Nếu bạn không bắt tâm trí mình tập trung vào một mục đích lâu dài dẫn dắt bạn đến thành công, nó sẽ nghiêng sang những mục tiêu nhỏ bé ngay trước mũi, chỉ khiến bạn mất thời gian và xao nhãng mục đích lớn lao.

Cuộc sống như một dòng sông sôi sục chia ra hàng trăm dòng chảy nhỏ…

Tôi luôn dùng hình ảnh dòng sông như một ẩn dụ về cuộc đời. Chúng ta ai cũng ngồi trên chiếc thuyền của mình bơi vào dòng sông sôi sục, bát ngát, chẻ ra hàng trăm dòng chảy nhỏ tượng trưng cho những ngả đường khác nhau trong cuộc sống. Bạn sẽ chọn rẽ vào nhánh sông nào để đến được nơi bạn muốn đến?

Một khi đã quyết định dòng chảy mà bạn muốn xuôi theo, bạn sẽ bắt đầu chèo theo hướng này. Chắc chắn là trên đường đi, bạn sẽ gặp những luồng nước khác lôi kéo bạn đi theo nó mà lạc khỏi dòng chảy ban đầu. Cũng sẽ có những tảng đá lớn, những thác ghềnh cản đường không cho bạn đi qua. Nhưng nếu bạn tập trung vào điểm đến trước mắt và luôn vững tay chèo, bạn sẽ lèo lái con thuyền tiếp tục tiến lên cho đến khi cập bến.

Tuy vậy, nếu bạn sống mà không có ý niệm rõ ràng gì về nơi mình sẽ đi và điểm mình muốn đến, bạn sẽ chèo thuyền một cách vô định gặp chăng hay chớ. Bạn sẽ cho phép các dòng chảy và vật cản trên đường đẩy bạn đi theo bất cứ hướng nào.

Đáng tiếc thay, đó lại là điều xảy ra đối với phần lớn mọi người. Loay hoay thế nào, họ lại trôi theo dòng chảy ngoài ý muốn. Mãi cho đến phút cuối, khi nhận ra đó không phải là điều họ mong muốn, họ mới bắt đầu mạnh tay chèo ra khỏi dòng chảy đó. Nhưng than ôi, đối với rất nhiều người, điều đó thường là quá muộn rồi.

Hoặc họ sẽ bị cuốn trôi tuột vào vực xoáy (tai họa) hoặc lao thuyền vào một ao bùn lầy nước đọng nào đó. Và lúc ấy trong họ chỉ còn cảm giác thất vọng, vỡ mộng và trên rất nhiều phương diện, cuộc đời họ chỉ là một bản nháp dang dở chẳng có gì hoàn chỉnh cả. Vì thế, bạn của tôi ơi, chắc chắn đã đến lúc phải quyết định nơi bạn muốn đến trên dòng sông cuộc đời rồi!

ĐIỀU GÌ ĐÃ NGĂN CẢN HẦU HẾT MỌI NGƯỜI KHÔNG ĐỨNG RA THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI MÌNH?

Nếu việc xác định rõ mục tiêu trong đời có tầm quan trọng đến thế đối với việc có được một cuộc sống thành công và trọn vẹn, vậy cớ sao thiên hạ nhiều người lại không chịu làm cái việc đơn giản ấy? Tại sao có quá nhiều người phó mặc cho dòng sông cuộc đời đưa đẩy họ đến đâu thì đến?

1) Niềm tin giới hạn

Điều đầu tiên chặn tầm mắt của nhiều người, ngăn cản họ khỏi việc mạnh dạn cắm mốc mục tiêu cuộc đời mình chính là những niềm tin giới hạn của họ. Nhiều người chỉ biết mơ tưởng về những điều mà họ muốn có mà thôi. Khi cần cam kết và quyết tâm hướng đến một mục tiêu và kế hoạch cụ thể, họ lại nản chí hoặc chỉ thấy những phiền toái. Trong họ vang vang một giọng nói, “chẳng có cách nào đâu”. Đối với họ, công việc này quá khó hoặc đơn giản là họ không có khả năng làm việc đó.

Bây giờ thì bạn biết rằng, đó chẳng qua chỉ là những niềm tin giới hạn, bé mọn. Nếu bạn không phá vỡ những định kiến về bản thân trong quá khứ, bạn sẽ không bao giờ dám đặt ra mục tiêu đưa bạn lên một tầm cao mới.

2) Người đời không biết rõ thật ra mình muốn gì

“Nhưng mà… tôi cũng không biết mình muốn gì nữa!”. Đây có lẽ là câu trả lời mà tôi thường xuyên nhận được nhất mỗi khi tôi đặt ra câu hỏi họ muốn gì. Tôi dám chắc rằng nếu tôi đưa cho những người này cây đèn thần của Aladdin và bảo rằng họ có thể ước bất cứ điều gì thì đến lúc đó, họ mới vội vàng lên danh sách những điều mình muốn.

Cũng không hẳn là họ không biết mình muốn gì. Đúng hơn là hầu hết mọi người đã thôi không dám nuôi dưỡng những giấc mơ lớn. Tôi tin rằng khi còn bé, tất cả chúng ta đều có những ước mơ và trí tưởng tượng bay bổng về tương lai: chúng ta muốn đạt được những gì và trở thành người như thế nào. Tuy vậy, năm tháng qua đi, chúng ta lớn lên chứng kiến nhiều thất bại chua cay, nhiều thực tế bẽ bàng đến nỗi phần trí năng phân tích lý lẽ và phán xét thực tại của ta trở nên khắc nghiệt và cấm ta không tiếp tục dệt mộng nữa để khỏi bị thất vọng.

Bất cứ khi nào chúng ta tỏ ra hào hứng về việc gì, một hồi chuông cảnh báo trong ta sẽ nổi lên, “Này chuyện đó không làm được đâu”, “Mày không thể làm được điều này”, “Đó là điều không thể”, “Lớn rồi, thực tế chút đi”. (Đó cũng có thể là âm vang giọng nói của các bậc cha mẹ nếu họ quá nghiêm khắc và thẳng thắn). Kết quả, điều này làm thui chột suối nguồn sáng tạo trong bạn, làm phai nhạt nỗi khát khao trong bạn – những yếu tố mà bạn cần có để thiết kế cuộc đời như cách bạn thật sự mong muốn.

Do đó, bạn cần học cách tháo gông cùm cho trí tưởng tượng và giải thoát cho tính sáng tạo của bạn… khỏi nỗi sợ hãi và những điều cấm kỵ, để bạn có thể tự do mơ ước và cảm thấy thật sự phấn chấn trước những gì mà bạn hằng mong muốn trong đời.

3) Nỗi sợ thất bại

Nỗi sợ thất bại, sợ bị từ chối, phản đối hay sợ xấu hổ chắc chắn sẽ làm hầu hết mọi người tê liệt và mất hết nhuệ khí ngay ở bước “khởi đầu nan”. Trong một khóa đào tạo, tôi gặp một người không bao giờ dám đặt ra bất cứ mục tiêu nào, chỉ vì cô sợ đến ghê người khi nghĩ đến cảnh mình thất bại và không đạt được điều mà cô hướng đến trong tâm tưởng. Sâu thẳm trong lòng cô tự nhủ, nếu mình không mong đợi gì hết thì mình đâu có thất bại.

Bốn mươi năm về trước, mẹ tôi cũng làm một điều tương tự như vậy khi bà tham dự kỳ thi tốt nghiệp cấp trung học cơ sở. Bà đinh ninh rằng mình sẽ thi rớt môn Toán (môn học mà bà rất ghét), thế là bà quyết định chẳng thà không dự thi còn hơn mang điểm xấu về nhà!

Nghe có vẻ rất ngớ ngẩn, nhưng trong thực tế, có nhiều người làm như vậy đấy. Họ một mực tin rằng, tốt hơn hết là đừng đề ra một ngưỡng phấn đấu nào cả, để họ khỏi phải thất vọng về bản thân.

Điều này có nghĩa là những người liên tục đề ra mục tiêu cho mình không sợ thất bại chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng hết thảy mọi người trên đời ai cũng không thích và sợ bị thất bại, trong đó có cả tôi nữa. Vậy thì điều gì mang lại cho họ sự can đảm dám đưa ra những mục tiêu xa vời và phấn đấu vươn tới cho bằng được? Vấn đề là ở chỗ những người ấy có cách định nghĩa riêng về thất bại. (Chúng ta đã đề cập đến nội dung này trong chương về “Giá trị sống”.)

Người duy nhất có thể khẳng định bạn thất bại và làm cho bạn cảm thấy tồi tệ là… chính bạn. Phải, đấy chính là cách mà nhiều người thường tự bắn vào chân mình. Tại thời điểm họ không đạt được điều họ muốn, thậm chí ngay trong cố gắng đầu tiên, họ bụng bảo dạ rằng, thế là mình đã thất bại và cảm thấy không còn chỗ nào mà chui đầu vào trốn nữa. Chính nỗi đau này đã ngăn cản họ – đại đa số mọi người – không dám đưa ra những vạch mức quá cao và chấp nhận thách thức, rủi ro.

Những người luôn đưa ra ngưỡng phấn đấu và quyết tâm thực hiện thường có định nghĩa khác về sự thất bại. Họ tin rằng không đạt được mục tiêu không có nghĩa là thất bại, đó chỉ là thông tin phản hồi từ cuộc sống. Họ không cảm thấy xấu hổ gì về chuyện đó. Họ tin rằng họ chỉ thật sự thất bại khi họ bỏ cuộc mà thôi. Chừng nào họ còn tiếp tục phấn đấu và cố gắng không bỏ cuộc thì chừng ấy họ vẫn chưa thất bại. Niềm tin mạnh mẽ này là động lực giúp họ đạt được bất cứ điều gì, vì bản thân họ là người quyết định (nếu buộc phải như thế) khi nào thì bỏ cuộc.

Bạn cũng có thể làm vậy với chính mình. Tôi muốn hỏi bạn câu này: “Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết mình không bao giờ thất bại?”. Thế nào bạn cũng sẽ bật dậy và đi làm những việc bạn chưa bao giờ dám làm, đúng không? Tôi tin chắc là vậy.

Thế sao bây giờ bạn không bắt tay vào thực hiện những điều đó? Rốt cuộc, bạn không cách nào thất bại được, trừ phi bạn bỏ cuộc không làm nữa thôi. Chính động lực này đã giúp tôi làm được những điều không tưởng.

Và tôi có thành công trong tất cả mọi việc không? Tất nhiên là không, nhưng những mục tiêu cao vời này đã thúc đẩy tôi mạnh mẽ đến mức tôi đã đạt được rất nhiều thành quả tốt đẹp từ việc cố gắng không ngừng nghỉ để vươn tới thành công.

4) Ham muốn một cuộc sống dễ dãi êm đềm

Phần lớn mọi người không dám mạo hiểm bởi vì họ thích có một cuộc sống dễ dàng nhàn hạ, được bao bọc bởi những thói quen thoải mái và những điều kiện vật chất có sẵn mà họ không muốn đánh đổi. Trừ phi cuộc sống tiện nghi này bị đe dọa, bằng không họ sẽ chẳng làm bất cứ điều gì đòi hỏi một ý chí sắt đá và kỷ luật nghiêm ngặt.

Đề ra mục tiêu và sẵn sàng hành động vì mục tiêu thường có nghĩa là phải thay đổi thói quen và hy sinh khoảng thời gian giao du với bạn bè. Đó là lý do tại sao nhiều người chỉ cố gắng nửa vời. Ngay khi nẻo đường mới cắt ngang những thói quen cũ của họ, họ bèn rút lui… vì quá khó khăn.

Một người bạn của tôi dạy trong chương trình tự rèn luyện Detox and Energise nói rằng đại đa số mọi người không đủ kiên trì theo đuổi chương trình này. Ngay cả khi họ tin vào lợi ích lâu dài về mặt sức khỏe của nó, họ vẫn không sẵn lòng hao hơi tốn sức vì đó là công việc cả đời. Họ thà uống thuốc khi sức khỏe có vấn đề chứ không chịu phấn đấu cho một điều tốt đẹp hơn về lâu về dài.

Không hề có con đường tắt dẫn đến thành công dù ở bất cứ lĩnh vực nào, dù là kinh doanh, sự nghiệp, sức khỏe hay các mối quan hệ cá nhân. Vì vậy, hãy chuẩn bị tâm thế thực hiện những điều được xem là “hy sinh” và nếu bạn làm được điều đó, những phần thưởng phía trước đang chờ đợi bạn đấy!

5) Việc đặt mục tiêu không mang lại hiệu quả

“Tôi cũng đã thử đặt mục tiêu đấy chứ nhưng chẳng được tích sự gì”, “Tôi biết nhiều người cũng đề ra mục tiêu hẳn hoi nhưng họ chẳng bao giờ đạt được nên đã bỏ cuộc!”. Đó là những câu nói mà tôi thường nghe thấy nhất. Câu trả lời của tôi là, “Không phải việc đặt mục tiêu không mang lại hiệu quả mà là bạn chẳng làm gì hết!”.

Xin nhớ rằng nếu bạn chỉ ngồi đó đặt mục tiêu không thôi thì bạn sẽ chẳng bao giờ có được điều mình mong muốn. Mặc dù đây là việc làm đầu tiên và quan trọng trong công thức dẫn đến thành công, nếu bạn không theo đuổi mục tiêu bằng cách vạch ra chiến lược rồi bắt tay vào hành động, rồi lại thay đổi chiến lược sau khi nhận thông tin phản hồi từ các va chạm thực tế, thì thử hỏi làm sao bạn có thể thành công!

Khi bạn không đạt được điều mình muốn, đó chỉ đơn thuần là thông tin phản hồi mà bạn nhận được trong hành trình vươn tới thành công của bạn mà thôi.

Hãy để tôi minh họa điều này bằng hình vẽ sau

Khi bạn không có những cột mốc cụ thể dẫn dắt bạn trong cuộc sống, bạn ắt có khuynh hướng đi về phía bất cứ cái gì có ảnh hưởng nhất thời đến bạn. Bạn sẽ giống như một con cừu cứ bám theo những con cừu khác trong đàn mà thôi. Thời gian qua đi, bạn sẽ trôi dạt khắp nơi mà chẳng đến được nơi nào cả.

Nếu bạn đặt ra một mục tiêu cụ thể và tập trung sức lực vào mục tiêu đó, bạn sẽ quyết định và hành động theo kế hoạch đã định, như thế từng bước bạn sẽ tiến gần đến đích hơn.

Thật không may, con đường đi đến mục tiêu hiếm khi nào là con đường thẳng tắp và trải đầy hoa hồng. Chắc chắn trong cuộc hành trình ấy, bạn sẽ gặp nhiều chông gai trở ngại, thậm chí cả những thất bại cay đắng khiến bạn nản lòng thoái chí.

Những việc bất như ý như khi bạn bị từ chối, mất hợp đồng làm ăn hay thậm chí đổ bể việc kinh doanh. Tại thời điểm khó khăn này, bao giờ cũng có một số người (tôi ước tính vào khoảng 30%) nói lời từ giã với ước mơ của mình. Đây là những người sẽ sống trong sợ hãi suốt phần đời còn lại và không bao giờ dám cố gắng làm bất cứ chuyện gì nữa.

Những người còn lại (70%) sẽ không để cho chướng ngại vật đầu tiên chặn đứng con đường mình đi. Họ nhanh chóng hồi phục sau thất bại đầu tiên và tiếp tục bước tới. Lẽ dĩ nhiên, hết lần thất bại thứ nhất thì sẽ có lần thất bại thứ hai. Trong lần này, lại có thêm một nhóm người bỏ cuộc, chắc cũng vào khoảng 30% nữa.

Số còn lại 40% xốc lại tinh thần và tiếp tục hành động, tuy nhiên trên chặng đường đi lại có thêm nhiều người “rơi rụng” dần sau mỗi thất bại, mất mát. Thế là chỉ còn lại 5% cuối cùng “cán đích”.

TRỞ LẠI ĐẤU TRƯỜNG MẠNH MẼ HƠN SAU NHIỀU LẦN… ĐO VÁN

Trong thực tế, có những thất bại thật sự trở thành bệ phóng cho người trong cuộc. Sau nhiều chiêm nghiệm, tôi đi đến nhận xét, con người thường chỉ đạt được mơ ước của mình sau khi đã kinh qua vài lần thất bại cay đắng. Nếu bạn đã đọc câu chuyện cuộc đời của Sylvester Stallone, Richard Branson, Soichiro Honda và Donald Trump, bạn sẽ thấy đỉnh cao thành công của những con người này chỉ xuất hiện sau (và đôi khi là kết quả) của những thất bại ê chề trước đó.

Trong cuộc đời của mỗi người, thế nào cũng có những giai đoạn mà chúng ta bị ném vào dầu sôi lửa bỏng (những thử thách khốc liệt). Có những lúc cuộc đời tỏ ra chẳng công bằng tí nào. Bạn dốc toàn lực cho công việc chỉ để chứng kiến mọi thứ hóa thành tro bụi. Bạn còng lưng kiếm từng đồng một để rồi đùng một cái mất hết tất cả.

Trong khi có người cho phép những kinh nghiệm ấy đè bẹp giấc mơ của họ mãi mãi, những người thành công biết cách để tai họa mà họ gặp phải truyền thêm sức mạnh cho họ và thúc đẩy họ tiến đến mục tiêu còn nhanh hơn lúc đầu.

Trong chương trước, chúng ta đã biết đến câu chuyện về Donald Trump từng bị đẩy đến chỗ gần như phá sản nhưng ông đã gượng lại được, tập trung hết trí lực để kiếm lại 3 tỷ đô la trong vòng 3 năm. Còn câu chuyện về Soichiro Honda nữa, nhà máy của ông bị đánh bom hai lần trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bị san phẳng trong trận động đất sau khi nó được xây dựng lại lần thứ hai. Vừa mới hồi phục lại sau hai cú đấm thì Hãng Honda lại lâm vào trạng thái tê liệt trước tình trạng khan hiếm nhiên liệu sau cuộc chiến tranh Nhật Bản.

Bất chấp những đòn tấn công “chẳng công bằng” chút nào mà cuộc đời giáng cho Honda, ông vẫn thành công trong việc xây dựng hãng Honda trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới về kinh doanh vận tải.

VƯƠN LÊN TỪ ĐỐNG TRO TÀN CỦA HAI KINH NGHIỆM “TỒI TỆ”… TÔI TIẾP TỤC GẦY DỰNG CƠ NGHIỆP MỚI

Chính bản thân tôi cũng từng trải qua những kinh nghiệm tương tự trên con đường tìm kiếm thành công của mình. Sau khi công ty thiết kế nội thất mà tôi có phần lớn cổ phần sụp đổ, sau đó là việc tôi và những đối tác làm ăn trước đây quyết định “đường ai nấy đi”, tôi đã lấy lại tinh thần và tập trung đặt ra những mục tiêu mới.

Bước ra khỏi đống tro tàn của hai kinh nghiệm đau thương, tôi bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực mà tôi thông thạo nhất, có những người bạn và cộng sự mới, trở nên từng trải hơn, cứng cáp hơn, chai lì hơn và cũng tự tin hơn. Vậy phần thưởng mà tôi nhận được là gì? Đó là nhìn thấy công việc kinh doanh của mình bùng nổ và tiến lên những đỉnh cao mới.

Tôi tin rằng sai lầm và thất bại là những bài học mà cuộc sống muốn gửi gắm cho chúng ta. Trừ phi ta chịu tiếp thu, ta sẽ không bao giờ đạt tới tầm vóc cần thiết để chạm vào ngôi sao mơ ước. Tôi cũng tin rằng, cuộc sống thường thử thách mức độ quyết tâm của chúng ta đối với ước mơ của mình bằng cách liên tục ném ra những khó khăn trở lực trên đường đời.

Nếu bạn quyết tâm mạnh mẽ, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng khi giấc mơ thành hiện thực. Rất nhiều người không vượt qua được thử thách này và đó là lý do mà ước mơ của họ chỉ mãi mãi là mơ ước.

BA YẾU TỐ CHÍNH TẠO NÊN MỤC TIÊU MẠNH MẼ

Vậy thì bây giờ bạn đã sẵn sàng ngồi xuống để thiết kế một cuộc sống mà bạn mong muốn chưa? Trước khi bắt đầu, tôi muốn chia sẻ ba yếu tố chính cần thiết cho bất kỳ mục tiêu nào mà bạn đặt ra. Đó là 1) Cụ thể và đo lường được 2) Đam mê hào hứng và 3) Đầy thử thách.

1) Mục tiêu phải cụ thể và đo lường được

Mục tiêu của bạn càng cụ thể bao nhiêu, bạn sẽ càng tập trung tâm trí và nỗ lực cho nó bấy nhiêu. Những mục tiêu cụ thể và đo lường được sẽ dẫn tới những chiến lược và hành động hữu hiệu. Nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe của mình, bạn cần đặt ra những mục tiêu cực kỳ rõ ràng và đo lường được như “Tôi muốn giảm bao nhiêu ký?”, “Tôi muốn đạt tới nhịp tim bao nhiêu?”, “Tôi sẽ tập thể dục bao nhiêu tiếng mỗi tuần?”, “Tôi chỉ được tiêu thụ bao nhiêu calorie mỗi ngày?”, “Tôi cần chạy bộ bao nhiêu cây số mỗi lần, hay tôi phải bơi bao nhiêu vòng mỗi buổi và mỗi tuần bao nhiêu buổi?”.

Còn về vấn đề phát triển bản thân, bạn có thể đặt ra những mục tiêu tương tự như “Tôi sẽ học thêm ngôn ngữ mới nào, đạt tới cấp độ mấy?”, “Tôi phải đọc bao nhiêu quyển sách mỗi tháng, về những lĩnh vực nào?”. Bạn cũng cần xác định thời hạn cụ thể mà bạn phải hoàn thành cho từng mục tiêu.

2) Cảm giác đam mê và hào hứng

Đã bao giờ bạn trằn trọc cả đêm chỉ vì quá náo nức và thích thú về những việc sẽ làm hoặc đạt được chưa? Bạn không thể thôi nghĩ ngợi về một ý tưởng độc đáo? Bạn trông ngóng từng ngày từng giờ trước một sự kiện nổi bật? À, có thể đó là lần đầu tiên bạn đi du lịch tới một vùng đất lạ, hay tham gia vào một cuộc thi hoành tráng, hay một người đặc biệt đối với bạn sắp trở về, hay bạn đang lên kế hoạch cho bữa tiệc sinh nhật lần thứ 18, 30 hay 40 của mình. Khi bạn thiết tha đạt được một điều gì quan trọng đối với bạn, trong bạn sẽ phát ra nguồn năng lượng và sức tập trung cao độ không gì sánh bằng. Vì thế, nếu bạn muốn đạt được bất cứ mục tiêu gì, mục tiêu đó cũng phải mang lại cho bạn mức độ đam mê và hào hứng tương tự.

Có người băn khoăn hỏi tôi, “Anh lấy đâu ra sức lực dồi dào và kỷ luật sắt đá để viết sách, phát triển những khóa đào tạo và mở thêm công ty mới vậy?”. Tôi trả lời rằng đó là vì tôi được nạp năng lượng liên tục từ những mục tiêu mà tôi say mê và ngày đêm mong mỏi đạt được. Những mục tiêu này là tâm điểm cuộc sống của tôi cho tới khi chúng trở thành hiện thực. Rồi tôi lại tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới, cao hơn, xa hơn!

Nhiều người mất đi tính kỷ luật và ý chí phấn đấu không phải vì họ lười biếng mà vì những mục tiêu mà họ đặt ra không đủ hào hứng đối với họ. Họ không toàn tâm toàn ý với những điều họ muốn đạt được.

Do đó, yếu tố thứ hai này là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Bạn chỉ nên đặt ra những mục tiêu mà bạn thật sự đam mê và khao khát thực hiện. Nếu mục tiêu của bạn không thể “truyền lửa” cho bạn, nó không đủ mạnh để lôi cuốn bạn về phía nó. Và do đó, nó cũng không đủ sức khiến bạn phải hành động.

Những người gặt hái được thành công sau khi vượt qua bao khó khăn trắc trở, chỉ bởi một lý do duy nhất: niềm đam mê. Họ làm được đơn giản là vì họ yêu thích công việc đó.

Kể ra thì có… Tiger Woods sống chết với môn đánh gôn, Donald Trump đam mê nghệ thuật buôn bán, Steven Spielberg hết lòng tạo ra những thước phim kinh điển còn Bill Gates bị ám ảnh bởi ngành công nghệ và sôi sục những ý tưởng phát triển thế giới. Dẫu cho những con người này đã có tất cả mọi của cải trên đời (thực chất là vậy), những mục tiêu của họ vẫn ám ảnh họ, khiến họ luôn lao về phía trước.

Bạn thấy không? Bạn nhất định phải đặt ra những mục tiêu mà bạn thật sự mong mỏi. Bằng cách nào ư? Hãy tự hỏi mình, “Có điều gì trên đời mà mình vẫn muốn làm kể cả khi có trong tay 10 tỷ đô đi nữa? Có việc gì mà mình sẵn sàng làm dù có tất cả của cải trên thế gian“.

Một điểm quan trọng khác: bạn phải bảo đảm rằng mục tiêu của bạn phải song hành với các giá trị sống của bạn. Hãy nhớ rằng cảm xúc thúc đẩy bạn, chứ không phải lý trí. Khi mục tiêu của bạn tương thích với những gì quan trọng trong đời bạn, nguồn động lực sẽ tự nhiên đến với bạn, và theo sau đó là tính kỷ luật.

Một ví dụ điển hình là John (Baskin) Robbins, người thừa kế một đế chế bán kem Baskin Robbins hùng mạnh, đã từ bỏ gia sản kếch sù để sống một cuộc đời giản dị và theo đuổi lý tưởng sống của mình là xây dựng lại hành tinh thông qua quyển sách mang tính cách mạng “Chế độ dinh dưỡng cho nước Mỹ mới” (Diet for a New America) và những buổi diễn thuyết để kêu gọi mọi người đồng lòng tạo ra một thế giới tươi đẹp hơn và yên bình hơn với khẩu hiệu “Mong ai cũng được no ấm, được chữa lành và được yêu thương”.

Thế thì, cho dù bạn mơ ước điều gì, khao khát điều gì, hãy làm cho nó trở nên cao cả hơn, vĩ đại hơn. Khi chúng ta bước vào bài tập “Thiết kế vận mệnh” sau đây, bạn hãy viết ra những gì bạn thật sự đam mê, những gì đến từ trái tim bạn chứ không chỉ từ tâm trí mình, bạn nhé.

3) Mục tiêu đầy thử thách mang lại kết quả vượt bậc

Tôi tin rằng những mục tiêu mạnh mẽ nhất chính là những mục tiêu đầy thách thức. Nhờ những mục tiêu đầy thử thách này mà tôi đã đạt được vô số thành công chỉ trong một thời gian ngắn.

Hầu hết những người tôi biết có khuynh hướng đặt ra cho bản thân những mục tiêu nhỏ tăng dần. Mục tiêu nhỏ tăng dần là mục tiêu chỉ nhỉnh hơn một chút so với những gì bạn đang có trong hiện tại. Ví dụ, nếu số tiền lương của bạn bây giờ là 10 triệu đồng một tháng, mục tiêu nhỏ tăng dần của bạn sẽ là 12 triệu đồng một tháng.

Ngược lại, mục tiêu đầy thử thách là mục tiêu vượt ra ngoài tầm với của bạn, so với năng lực và kỹ năng hiện tại. Nếu bạn đang kiếm được 10 triệu đồng một tháng, một mục tiêu đầy thử thách là bạn phải kiếm được 50 triệu đồng một tháng. Nghe khác hẳn mục tiêu nhỏ tăng dần, đúng không nào?

Câu hỏi đặt ra là tại sao bạn nên xác lập những mục tiêu đầy thử thách như vậy?

MỤC TIÊU ĐẦY THỬ THÁCH THÚC ĐẨY BẠN VÀ TRUYỀN LỬA CHO BẠN

Mục tiêu đầy thử thách có thể mang lại kết quả vượt bậc là nhờ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, mục tiêu lớn lao bao giờ cũng khiến bạn cảm thấy hào hứng hơn nhiều so với mục tiêu nhỏ bé tầm thường. Và bạn nên nhớ rằng, nếu bạn đặt ra một mục tiêu không đủ phấn khích, bạn sẽ không bao giờ có đủ động lực để theo đuổi nó.

Ý nghĩ đạt được một điều gì đó to lớn hơn, vĩ đại hơn gấp nhiều lần những thứ bạn đang sở hữu sẽ kích thích trí tưởng tượng bay bổng của bạn, đồng thời tăng cường nguồn năng lượng trong bạn.

Mục tiêu đầy thử thách tuy nghe có vẻ hoang đường tại thời điểm bạn đặt ra mục tiêu đó, nhưng chính mong muốn nắm được điều đó trong tay sẽ tạo cảm giác hưng phấn và động lực thúc đẩy bạn.

Niềm đam mê và cảm giác phấn khích mà những mục tiêu đầy thử thách mang lại cho bạn là nguồn “nhiên liệu” cần thiết giúp bạn liên tục hành động. Một lần nữa, bạn hãy nhớ rằng lý do chính khiến hầu hết mọi người không chịu phấn đấu vươn tới mục tiêu là vì những mục tiêu mà họ đặt ra không làm cho họ đủ hào hứng. Đối với họ, những mục tiêu đó cũng chỉ là một công việc nhàm chán giữa trăm công nghìn việc khác chứ không phải là một chuyến phiêu lưu đầy cảm hứng.

Giả sử bạn đang đều đặn mỗi tháng “bỏ túi” 10 triệu đồng thì viễn tưởng kiếm được 12 triệu đồng/tháng có làm bạn nhảy phắt ra khỏi giường vì phấn khích không? Tất nhiên là không. Trong khi đó, niềm tin và quyết tâm đạt được 50 triệu đồng một tháng chắc chắn sẽ là động lực khiến bạn hành động không ngừng.

Một điều bắt buộc: bạn phải thật sự tin tưởng rằng bạn có thể đạt được mục tiêu đó (niềm tin quyết định mọi thứ, bạn có nhớ không?). Khi tôi còn là một học sinh xếp hạng nhất từ dưới đếm lên trong toàn trường, tôi đã đặt ra cho mình một mục tiêu điên rồ là dẫn đầu trường và vào học ở trường trung học số một trên toàn quốc. Chỉ mới nghĩ vậy thôi mà tôi đã cảm thấy hào hứng không thể tả và năng lượng dồi dào như không gì có thể cản được tôi.

Cũng thế, khi tôi quyết tâm trở thành triệu phú vào năm 26 tuổi và là tác giả của những quyển sách bán chạy nhất, niềm hứng khởi tột độ đã giúp tôi thức đêm thức hôm làm việc, bất chấp mọi khó khăn để biến ước mơ thành hiện thực.

MỤC TIÊU ĐẦY THỬ THÁCH MANG TỚI NHỮNG CHIẾN LƯỢC THẦN TÌNH

Mục tiêu đầy thử thách có tác dụng cực kỳ mạnh mẽ bởi vì nó sẽ khiến bạn vươn lên hết mình, đạt tới ngưỡng cao nhất của năng lực và kỹ năng của bản thân. Nó buộc bạn phải sáng tạo và phát triển những chiến lược thần tình.

Tôi xin phép được đưa ra một ví dụ điển hình cho nhận xét trên. Bạn hãy hình dung về một vận động viên nhảy cao, thường thì anh ta sẽ đặt ra cho mình các mục tiêu nhỏ tăng dần. Nếu lần trước anh ta đã nhảy được ở mức 1,5 mét thì lần sau anh ta có thể nhắm tới mục tiêu là… 1,55 mét chẳng hạn. Và cứ thế, với sự luyện tập chăm chỉ, anh ta có thể nâng lên đến 1,8 mét, rồi 1,9 mét,… Tuy nhiên, điều này sẽ khiến anh ta mất một thời gian rất dài.

Ngược lại, giả sử anh ta đặt ra cho mình một mục tiêu không tưởng ngoài tầm với là nhảy qua được mức xà 15 mét? Liệu anh ta có thể làm được không?

Hầu hết mọi người sẽ la lên, “Không thể nào! Việc đó thật điên rồ”. Họ nói đúng, anh ta không cách nào làm được việc đó… nếu anh ta vẫn giữ những suy nghĩ cũ và làm theo chiến lược hiện tại. Tôi đâu có nói rằng anh ta buộc phải nhảy qua mức xà cao 15 mét mà không cần bất kỳ phương tiện hỗ trợ nào.

Đa số mọi người khi nghe đến việc nhảy qua xà cao 15 mét đều nghĩ phải tự mình nhảy qua (vì đó là điều đầu tiên họ nghĩ tới). Và khi thấy cách đó không dùng được, họ lập tức nói rằng, “Điều đó là không thể”. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự động não và quyết tâm, bạn sẽ nghĩ ra được nhiều ý tưởng độc đáo, ví dụ như: dùng sào, dùng dây thừng, bắc thang, thậm chí đến những sáng kiến như dùng bàn đạp lò xo, dùng súng phóng người,…

Bạn thấy đó, nếu bạn chỉ đặt ra những mục tiêu nhỏ tăng dần, kết cục là bạn sẽ có xu hướng suy nghĩ theo lối mòn và làm những việc vẫn thường làm từ trước đến giờ. Bạn vô tình để cho bản thân luôn “dính chặt” vào một phương thức nhất định (như cố gắng nhảy qua xà bằng đôi chân và sức bật của mình). Cứ thế, bạn sẽ ở trong vòng lẩn quẩn cố gắng làm hoài một việc y như cũ và tốn công vô ích.

Tuy nhiên, ngay khi bạn đặt ra những mục tiêu lớn lao hơn cho bản thân và quyết tâm đạt được chúng, bộ não của bạn lập tức biết rằng không thể nào đạt được mục tiêu đó nếu nó cứ hoạt động (suy nghĩ) theo kiểu xưa cũ hay lối mòn. Thế là nó buộc phải sáng tạo để có thể nghĩ ra những ý tưởng độc nhất vô nhị, nhằm giúp bạn đạt được những mục tiêu to lớn. Kết quả là bạn tận dụng được rất nhiều tiềm năng vô tận của bản thân.

Đặt ra những mục tiêu đầy thử thách sẽ giúp bạn có được những kết quả tuyệt vời

Việc đặt ra những mục tiêu đầy thử thách là một trong những lý do chính khiến tôi gặt hái được nhiều thành công hơn bạn bè đồng trang lứa. Nếu tôi chỉ dám đặt ra những mục tiêu nhỏ tăng dần như bao người khác, tôi sẽ như thế nào? Chắc là tôi cũng sẽ sống “thực tế” và cố gắng tốt nghiệp đại học vào năm 25 tuổi, cố gắng tìm một công việc ổn định, ngày ngày đi làm đúng 8 tiếng và hàng tháng lãnh số tiền nhiều lắm là 1.800 đô Mỹ. Rồi dần dần tôi sẽ cố gắng tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc trong vòng 10 năm, trước khi dám nghĩ đến việc thành lập công ty riêng vào năm 35 tuổi (hoặc có thể tôi sẽ chẳng bao giờ làm được điều đó vì không dám đánh đổi sự nghiệp đã gầy dựng sau 10 năm). Ngược lại, nếu tôi dám bỏ sự nghiệp 10 năm của mình, thì có lẽ đến năm 50 tuổi, mọi thứ mới tương đối ổn định. Và tôi sẽ hy vọng rằng với sự cần cù, tiết kiệm của mình, tôi sẽ có thể về hưu vào lúc 60 tuổi.

Rõ ràng, nếu tôi cứ đặt ra những mục tiêu nhỏ tăng dần như vậy, tôi cũng sẽ đi theo những lối mòn để làm những việc mà đa số mọi người thường làm. Và mỗi lần đặt một mục tiêu nhỏ tăng dần, tôi chỉ cần làm việc cần cù hơn một chút.

Dĩ nhiên, việc chọn đi theo những con đường thông thường, bằng phẳng, dễ dàng không có gì là sai cả, nếu như bạn thật sự hài lòng với việc chỉ đạt được những thành tựu vừa phải và một cuộc sống êm ả. Mỗi người đều có lựa chọn riêng cho cuộc đời mình, không có gì là đúng hay sai, tất cả chỉ là sự lựa chọn của bạn.

Về phần mình, tôi đặt cho bản thân một mục tiêu không tưởng là kiếm được một triệu đô la đầu tiên vào năm 26 tuổi, và có thể nghỉ hưu vào năm 35 tuổi với tài sản 10 triệu đô. Mục tiêu này đã “ép” tôi phải suy nghĩ sáng tạo và làm những việc mà bình thường không ai nghĩ tới.

Nhờ thế mà tôi đã có những ý tưởng và chiến lược hết sức táo bạo, như bỏ tiền ra đầu tư vào những khóa học cũng như sách vở về kinh doanh, tiếp thị và phát triển bản thân (phần nền tảng trước), sau đó là kinh doanh sàn nhảy di động khi còn đang học trung học (phần hành động). Tôi chọn học nhiều môn học cùng lúc hơn để dồn chương trình đại học 4 năm của mình xuống 3 năm. Tôi cũng bắt đầu viết quyển sách đầu tiên của mình khi còn đang học đại học, và cùng lúc đó, làm thêm hai công việc khác (chuyên gia đào tạo và kinh doanh thiệp mừng).

Khi tôi đạt thành tích học tập tốt cũng như một số thành công ban đầu trong việc kinh doanh, tôi được các công ty lớn và cả bộ quốc phòng đề nghị cho tôi học bổng cũng như những công việc lương cao nhưng tôi đều từ chối. Lúc đó, ai cũng nghĩ tôi là kẻ mơ tưởng hão huyền và đã sai lầm khi chọn “ra riêng”. Nhưng bản thân tôi biết rõ: nếu tôi cũng đi theo con đường thăng tiến thông thường như bao người khác, tôi sẽ không bao giờ đạt được những kết quả vượt bậc.

Citibank đặt ra một mục tiêu đầy thử thách để vượt qua những rào cản

Tôi xin phép được chia sẻ với bạn một ví dụ về việc đặt ra mục tiêu đầy thử thách đã mở đường cho một ngân hàng Mỹ phát triển tại Singapore như thế nào, bất chấp những quy định chặt chẽ của chính phủ nhằm giới hạn hoạt động kinh doanh của họ. Theo những điều luật khắt khe áp dụng cho ngân hàng nước ngoài, Citibank chỉ được mở tối đa 3 chi nhánh trên toàn Singapore, trong khi đó, những ngân hàng Singapore lại có hơn hàng chục chi nhánh rải rác khắp quốc gia.

Nếu Citibank suy nghĩ “thực tế” và chấp nhận bị kiềm hãm bởi những luật lệ trên, họ chắc hẳn cũng sẽ chỉ là một ngân hàng nước ngoài tầm thường tại Singapore. Thay vào đó, họ đặt ra cho mình một mục tiêu đầy thử thách tại thị trường khó khăn: đó là trở thành ngân hàng chủ lực trên thị trường tín dụng cá nhân cũng như chiếm đa phần thị trường ngân hàng bán lẻ cao cấp. Làm sao Citibank có thể phát triển tại Singapore chỉ với 3 chi nhánh, chứ đừng nói đến cạnh tranh, trở thành chủ lực và chiếm đa số thị phần?

Tuy nhiên, chính mục tiêu đầy thử thách đó đã làm cho họ phải “vắt óc” suy nghĩ. Họ tự đặt ra câu hỏi, “Tại sao khách hàng cứ phải tới chi nhánh ngân hàng mới có thể thực hiện được giao dịch?”. Phương thức “giao dịch ngân hàng qua điện thoại” đã ra đời để trả lời cho câu hỏi đó. Ý tưởng đột phá này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của khách hàng và thành công nhanh chóng. Từ đó, rất nhiều người chọn việc thực hiện tất cả các giao dịch ngân hàng cần thiết tại… nhà (thông qua điện thoại của mình).

Hiển nhiên, ngay sau đó, các ngân hàng khác cũng ồ ạt áp dụng sáng kiến tuyệt vời này. Tuy nhiên, khách hàng vẫn gặp một phiền phức lớn trong việc ký gởi séc vào tài khoản, vì hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu họ phải đích thân đến ngân hàng để làm việc này. Thế là Citibank một lần nữa lại thay đổi quy định để đưa ra một phương án đơn giản hơn nhiều: đó là chỉ cần bỏ tờ séc vào phong bì đề địa chỉ ngân hàng và bỏ vào bất cứ thùng thư nào. Tờ séc đó sẽ được tự động ký gởi vào tài khoản khách hàng khi ngân hàng nhận được. Một cách gián tiếp, họ đã chuyển tất cả những thùng thư bưu điện trên toàn lãnh thổ Singapore trở thành một phần của chi nhánh ngân hàng Citibank. Kết quả là Citibank liên tục nằm trong danh sách những ngân hàng hàng đầu ở Singapore.

Ví dụ này chứng tỏ rằng: khi bạn đặt ra những mục tiêu đầy thử thách và bắt đầu suy nghĩ một cách sáng tạo để đạt được chúng, não bộ của bạn sẽ thật sự làm việc để tạo ra những chiến lược thần tình, từ đó giúp bạn đạt được những thành công vượt trội.

Người trưởng nhóm nhân viên bán bảo hiểm dám đặt ra những mục tiêu “phi thực tế”

Cho phép tôi được đưa thêm một dẫn chứng nữa từ dự án cố vấn của tôi cho một công ty về bảo hiểm nhân thọ. Hiện nay, hầu hết các trưởng nhóm nhân viên bán bảo hiểm đều mất khoảng 5 tới 10 năm để tạo lập được một đội ngũ nhân viên dưới họ khoảng 50 người. Cách thông thường là tuyển dụng thêm nhân viên mới bằng cách phỏng vấn những ứng cử viên tiềm năng, thông qua quảng cáo tuyển dụng hoặc giới thiệu truyền miệng.

Vậy mà có một trưởng nhóm của một công ty bảo hiểm lớn đã làm tôi chú ý bởi sự thành công thần tốc của anh trong lĩnh vực này. Chỉ trong vòng 12 tháng sau khi vào nghề, anh đã đạt được danh hiệu “Millionaire Dollar Round Table” (MDRT – chỉ dành cho 6% nhân viên bán bảo hiểm hàng đầu trên thế giới). Anh liên tiếp đạt được danh hiệu này trong 5 năm liền và cuối cùng ra thành lập công ty riêng. Tôi khám phá ra rằng, một trong những nhân tố chính quyết định sự thành công của anh là do anh dám xác lập những mục tiêu mang tính thách thức mà hầu hết mọi người đều xem là “phi thực tế”.

Vào năm thứ hai trong cương vị trưởng nhóm, anh đã đặt ra một mục tiêu không tưởng: đó là tuyển dụng 50 nhân viên trong vòng 5 tháng, và anh còn nhắm tới việc dẫn dắt 80% số nhân viên mới này đạt được danh hiệu MDRT trong vòng 12 tháng. Một điều bất khả thi nếu anh cũng đi theo lối mòn như những người trưởng nhóm bình thường khác. Tuy nhiên, chính mục tiêu xa vời này đã buộc anh phải suy nghĩ sáng tạo và tự hỏi bản thân mình, “Làm thế nào để tôi thực hiện được điều này?”. Đôi khi bạn không cần phải nghĩ ra giải pháp cho một vấn đề mà bạn có thể học hỏi từ những người xung quanh. Do đó, anh đến cầu viện tôi để giúp anh tuyển 50 nhân viên bán bảo hiểm có năng lực trong vòng 5 tháng.

Chiến lược mà chúng tôi đưa ra là đăng một bài quảng cáo hoành tráng trên báo với tiêu đề giật gân “Học phương pháp kiếm được 100.000 đô la một năm”. Không cần phải nói, mọi người tranh nhau đăng ký tham dự buổi giới thiệu đầy ấn tượng của chúng tôi về cách thức giúp họ kiếm được 100.000 đô từ nghề bán bảo hiểm. Dĩ nhiên, anh cũng cần tôi giúp đỡ làm diễn giả trong buổi giới thiệu.

Kết quả là hơn 50% số người tham dự mong muốn gia nhập đội ngũ của anh. Trên thực tế, anh đạt được mục tiêu tuyển 50 nhân viên còn sớm hơn cả dự định. Trước đây, chưa một trưởng nhóm nào thực hiện phương pháp có một không hai này do chi phí đầu tư ban đầu quá cao. Tuy nhiên, kết quả nhận được thì thật tuyệt vời. Anh đã làm được điều mà người khác phải làm trong 5-10 năm chỉ trong vòng vài tháng.

Và như một phần thưởng động viên cho những người tham gia vào nhóm của mình, tất cả nhân viên đều được anh tài trợ để tham dự khóa đào tạo “Những Mô Thức Thành Công” của công ty chúng tôi, bởi vì anh biết chắc rằng: với những mô thức thành công mà họ học được, việc đạt được danh hiệu MDRT chỉ là chuyện sớm muộn.

NẾU BẠN NHẮM TỚI NHỮNG THÀNH TÍCH VƯỢT TRỘI, HÃY SỬ DỤNG NHỮNG CHIẾN LƯỢC SÁNG TẠO!

Đã không biết bao nhiêu lần chúng ta nhận được những lời khuyên chân thành từ người khác rằng: chúng ta phải tự biết giới hạn của mình là ở đâu; rằng “càng cao danh vọng càng dày gian nan“. Chính vì những lời khuyên đó mà đa số mọi người đều chỉ đạt được kết quả tầm tầm.

Những người làm nên lịch sử thường là những người dám đặt ra cho bản thân những mục tiêu bị đánh giá là “ảo tưởng” hay thậm chí “điên khùng”. Nhưng vì tất cả những người “điên” đó đều biết áp dụng Công Thức Thành Công Tuyệt Đỉnh một cách triệt để, họ đã biến những điều “không thể” thành “có thể”.

Trên thực tế, tôi tin rằng khi người ta nói một việc gì đó là “không thể”, đơn giản chỉ vì họ chưa tìm thấy một chiến lược đúng đắn phù hợp để biến nó thành “có thể”. Rất nhiều thứ bình thường xung quanh ta cách đây không lâu đã bị gạt bỏ với lý do “mơ mộng hão huyền”.

Ví dụ, 30 năm trước, nếu bạn nói với ai đó rằng, phần lớn dân số ngày nay sẽ “lận lưng” một chiếc điện thoại nằm nhỏ gọn trong lòng bàn tay với đầy đủ chức năng như chơi nhạc, chụp ảnh, quay phim,… chắc chắn mọi người sẽ nghĩ bạn là kẻ điên rồ.

Vậy tại sao điều đó lại trở thành hiện thực? Tất cả chỉ cần một người dám nghĩ dám làm để tìm lời giải đáp cho bài toán “không thể” này. Mọi thứ nhân tạo mà bạn nhìn thấy xung quanh mình đều hình thành từ một ý tưởng trong não bộ con người đó thôi.

Liệu anh em nhà Wright có phải là người có óc thực tế chăng khi họ nghĩ tới việc phát minh ra máy bay? Nhất là ở thời của họ, cả cộng đồng khoa học đều tin và đã “chứng minh” rằng không có cỗ máy nào nặng hơn không khí có thể bay được. Một lần nữa, bằng cách thoát khỏi lối suy nghĩ cũ xưa, thay đổi phương pháp và hành động kiên định, cuối cùng họ cũng sáng chế ra được chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới.

Cho đến nay, việc một chiếc máy bay nặng hàng trăm tấn, chở hơn 300 hành khách có thể cất cánh và bay ở độ cao hơn 10.000 mét trên mực nước biển vẫn là một điều kỳ diệu đối với tất cả chúng ta. Nếu anh em nhà Wright sống “thực tế” hơn một chút, có lẽ bây giờ bạn và tôi vẫn còn phải khổ sở di chuyển bằng xe lửa hay tàu thủy, và phải mất hàng tuần thậm chí hàng tháng để đến được các quốc gia xa xôi trên thế giới.

Sự phát triển thần kỳ của Singapore nhờ vào những suy nghĩ sáng tạo

Làm thế nào mà Singapore trở thành một quốc gia phát triển với mức thu nhập bình quân trên đầu người lúc nào cũng nằm trong tốp dẫn đầu thế giới chỉ trong vòng 30 năm? Sau khi giành được độc lập vào năm 1965, chính phủ Singapore đối mặt với một thực tại phũ phàng là tất cả những gì Singapore có chỉ là một bán đảo nhỏ xíu và một triệu dân.

Singapore không có bất cứ nguồn tài nguyên thiên nhiên nào, ngay cả đất (vì diện tích quá nhỏ), thậm chí không có đủ nước ngọt. Tài nguyên duy nhất mà Singapore sở hữu tại thời điểm đó là nhân lực, nhưng nguồn “tài nguyên” này cũng chỉ bao gồm những người nhập cư trình độ thấp kém hoặc mù chữ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ,… cộng với dân chài Mã Lai bản xứ. Thêm vào đó, xung đột giữa các băng nhóm giang hồ và giữa các sắc tộc lan tràn khắp nơi. Chưa kể nền kinh tế bị sút giảm hơn 70% vì người Anh rút về nước.

Với điều kiện hạn hẹp như vậy, nếu chính phủ Singapore suy nghĩ thực tế, chỉ dám đặt ra những mục tiêu nhỏ tăng dần và chấp nhận đứng “chầu rìa” bên những nước láng giềng rộng lớn hơn, giàu có hơn (lúc bấy giờ) và dồi dào tài nguyên hơn, thì có lẽ bây giờ Singapore cũng chỉ là một nước thuộc thế giới thứ ba.

Thay vào đó, chính phủ Singapore đã quyết tâm đưa đảo quốc sư tử vào hàng ngũ “thế giới thứ nhất” bằng cách mô phỏng theo mô hình của đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé. Trong bối cảnh của Singapore thời đó, mục tiêu ấy nghe có vẻ như một giấc mơ hão huyền và rồ dại. Tuy nhiên, chính mục tiêu đầy thử thách này đã “ép” những người lãnh đạo Singapore phải đưa ra những kế hoạch và chiến lược cực kỳ sáng tạo và hiệu quả.

Singapore quyết định đẩy mạnh nền kinh tế bằng cách quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng một cách có tổ chức, nhằm thu hút các công ty đa quốc gia từ Mỹ và Nhật đến đầu tư. Họ còn tạo ra một môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng với vô số ưu đãi hấp dẫn. Và khi những tập đoàn đa quốc gia đến với Singapore cũng là lúc hàng chục ngàn người dân có cơ hội làm việc, học tập và thăng tiến.

Bên cạnh đó, để tạo sự gắn kết trong xã hội, chính phủ cũng áp dụng hàng loạt các chính sách công bằng và chương trình hòa giải sắc tộc. Ngày nay, Singapore là một đất nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ sống hòa đồng với nhau.

Singapore cũng xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo hàng đầu thế giới để có thể đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cung cấp cho nền công nghiệp và tài chính đang bùng nổ. Hiện nay, mục tiêu của Singapore là trở thành một trong các trung tâm nghiên cứu khoa học (đặc biệt là công nghệ sinh học) và tài chính của thế giới.

THIẾT KẾ VẬN MỆNH

Với tất cả kiến thức học được trong quyển sách này, bạn hãy sẵn sàng thiết kế vận mệnh của mình. Bài tập sau đây sẽ giúp bạn phát huy trí tưởng tượng và khai phá những điều bạn thật sự mong muốn đạt được hay tạo ra trong cuộc sống trong vòng 10-15 năm tới.

Sau đây là một vài nguyên tắc để bạn có thể đạt hiệu quả tối đa trong phần thực hành này.

Trước hết, bạn cần loại bỏ tất cả những định kiến hoặc suy nghĩ giới hạn về bản thân. Hãy tự hỏi lòng, “Tôi sẽ làm gì nếu tôi biết rằng mình không bao giờ thất bại vì không hề có thất bại mà chỉ có bài học kinh nghiệm?”.

Nguyên tắc thứ hai, bạn hãy viết ra những suy nghĩ của mình với tất cả tâm huyết và niềm đam mê cháy bỏng. Hãy tự hỏi bản thân, “Tôi thật sự đam mê và yêu thích công việc gì? Nếu tôi có thể sống một cuộc sống tràn đầy nhiệt huyết, cuộc sống đó sẽ như thế nào?”.

Nguyên tắc thứ ba là một khi bạn đã bắt đầu viết thì không được ngừng bút cho tới khi hết giờ. Vì thế, tốt nhất là bạn nên kiếm một góc yên tĩnh để có thể hoàn toàn tập trung trong vòng ít nhất 30 phút. Không nên có bất cứ sự xao lãng nào (và nhớ tắt điện thoại di động nhé).

Khi bạn đã sẵn sàng, trong khuôn khổ thời gian quy định, hãy viết ra tất cả những mục tiêu mà bạn muốn đạt được cho từng lĩnh vực bên dưới. Tôi có đưa ra một số câu hỏi gợi ý, nhưng bạn không nên tự bó buộc mình vào những câu hỏi đó. Hãy viết ra những gì bạn thật sự mong muốn và chúng thật sự quan trọng đối với bạn. Cố gắng xác định những mục tiêu thật cụ thể, chi tiết, có thể đo lường được và trong một thời hạn cụ thể. Những mục tiêu ấy còn phải chứa đựng niềm đam mê hoặc sở thích của bạn. Và dĩ nhiên, đó cũng nên là những mục tiêu đầy thử thách. Bạn đã sẵn sàng chưa? Bắt đầu nào!

Mục tiêu về phát triển bản thân (6 phút)

Bạn muốn học thêm những kiến thức gì?

Bạn muốn thành thạo những kỹ năng mới nào? Kỹ năng đọc nhanh?

Kỹ năng đầu tư? Kỹ năng nói chuyện trước công chúng?

Bạn có muốn học thêm một ngôn ngữ mới? Hay lấy một bằng cấp mới?

Bạn có muốn chơi một loại nhạc cụ? Ca hát? Hay khiêu vũ?

Bạn muốn cải thiện sức khỏe như thế nào?

Cân nặng lý tưởng của bạn là bao nhiêu? Bạn có kế hoạch gì để giữ gìn sức khỏe?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Mục tiêu về sự nghiệp và kinh doanh (6 phút)

Bạn muốn phát triển sự nghiệp đến mức nào?

Bạn muốn đạt được những thành tựu gì trong sự nghiệp?

Bạn nhắm tới vị trí nào trong công ty?

Bạn muốn vươn đến tầm cỡ nào trong lĩnh vực của mình?

Làm thế nào để bạn có thể trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình?

Bạn muốn mình là một ông chủ như thế nào?

Bạn muốn bước vào ngành kinh doanh nào?

Bạn đặt ra những mục tiêu gì cho công việc kinh doanh của mình?

Bạn muốn công ty mình chiếm lĩnh bao nhiêu phần trăm thị trường, có doanh thu và lợi nhuận ra sao?

Bạn muốn tuyển dụng những nhân viên như thế nào?

Bạn muốn phục vụ khách hàng của mình ra sao?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Mục tiêu về tài chính và lối sống (6 phút)

Bạn muốn kiếm được bao nhiêu tiền một năm?

Bạn muốn thu nhập của mình mỗi năm tăng lên bao nhiêu, trong vòng 10-15 năm tới?

Bạn muốn về hưu vào năm bao nhiêu tuổi, khi bạn có bao nhiêu tiền?

Bạn muốn tạo ra những nguồn thu nhập nào? Bằng cách nào?

Bạn muốn những khoản đầu tư của mình sinh lợi bao nhiêu mỗi năm?

Bạn muốn thành thục những phương pháp đầu tư nào?

Hãy miêu tả lối sống lý tưởng của bạn.

Ngôi nhà trong mộng của bạn sẽ trông như thế nào? Ở đâu?

Bạn muốn sở hữu loại xe hơi nào?

Bạn muốn đặt chân đến những nơi nào trên thế giới?

Bạn khao khát được làm những việc gì trong đời?

Bạn còn ao ước sở hữu những tài sản giá trị nào? Một chiếc du thuyền?

Một chiếc phi cơ? Một hòn đảo cho riêng mình?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Mục tiêu về gia đình và bạn bè (6 phút)

Bạn có thể góp phần vào cuộc sống của gia đình và bạn bè như thế nào? Bạn muốn trở thành một người con, người cha, người mẹ, người chồng, người vợ ra sao? Là hình mẫu về lòng rộng lượng và bác ái? Là nguồn động viên và sức mạnh cho gia đình bạn?

Bạn có thể bày tỏ tình cảm và sự cảm kích của bạn đối với mọi người ra sao? Làm thế nào để bạn có thể thắt chặt tình cảm giữa những người thân yêu của bạn?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Mục tiêu đóng góp cho xã hội (6 phút)

Bạn muốn đóng góp vào cuộc sống gia đình, láng giềng, cộng đồng, đất nước hay thế giới như thế nào?

Bạn có muốn lập quỹ tài trợ không? Với mục đích gì?

Bạn có muốn thường xuyên tham gia vào những hoạt động từ thiện? Của tổ chức nào? Bạn muốn giúp đỡ những người tàn tật, người nghèo khó, trẻ mồ côi hay người già yếu?

Nếu bạn hiện là một thành viên năng nổ trong cộng đồng, bạn có thể làm thêm được gì để đẩy mạnh những hoạt động này?

Bạn có thể đóng góp ý kiến, phát triển hướng đi mới, ví dụ như kêu gọi những người nông dân về hưu cùng nhau tạo nên một vườn rau xanh trong khu phố?

Hay bạn muốn đấu tranh vì quyền lợi của động vật? Gia nhập hội những người ăn chay hoặc các phong trào chăm sóc động vật? Đứng ra lập quỹ quyên góp vì một mục đích cao cả? Hoặc thậm chí hợp tác với những tổ chức nhân đạo trên thế giới?

Bạn muốn mọi người tưởng nhớ đến bạn như thế nào khi bạn nằm xuống vĩnh viễn?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

BIẾN GIẤC MƠ THÀNH HIỆN THỰC

Vậy là bạn đã suy nghĩ kỹ về những gì bạn thật sự mong muốn có được trong cuộc sống rồi phải không? Rất tuyệt! Tại thời điểm này, những gì bạn làm mới chỉ đơn giản là đặt bút viết ra những khát khao cháy bỏng của mình. Cách duy nhất để biến ước mơ thành hiện thực là bạn phải hoàn tất quá trình đạt mục tiêu.

Quá trình này được thiết kế nhằm giúp bạn chuyển hóa những ƯỚC MƠ thành ĐIỀU CÓ THỂ và cuối cùng thành HIỆN THỰC. Vậy thì bây giờ, tôi muốn bạn hãy nhìn lại tất cả những mục tiêu bạn đã viết ra. Nhớ kiểm tra xem bạn đã xác định thời hạn cụ thể cho từng mục tiêu đó chưa.

Sau đó, sắp xếp những mục tiêu đó vào những khoảng thời gian khác nhau từ 1 năm, 5 năm, 10 năm đến 15 năm. Bạn có thể điền vào bảng dưới đây.

Mục tiêu trong vòng 1 năm

Phát triển cá nhân

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Sự nghiệp và kinh doanh

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Tài chính và lối sống

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Gia đình và bạn bè

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Đóng góp cho xã hội

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Mục tiêu trong vòng 5 năm

Phát triển cá nhân

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Sự nghiệp và kinh doanh

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Tài chính và lối sống

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Gia đình và bạn bè

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Đóng góp cho xã hội

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Mục tiêu trong vòng 10 năm

Phát triển cá nhân

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Sự nghiệp và kinh doanh

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Tài chính và lối sống

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Gia đình và bạn bè

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Đóng góp cho xã hội

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Mục tiêu trong vòng 15 năm

Phát triển cá nhân

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Sự nghiệp và kinh doanh

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Tài chính và lối sống

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Gia đình và bạn bè

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Đóng góp cho xã hội

Thời hạn hoàn tất

1…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

2…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

3…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

4…………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

QUY TRÌNH BẢY BƯỚC ĐẠT MỤC TIÊU

1. Bạn mong muốn đạt được điều gì cụ thể? Thời hạn bao lâu?

2. Bạn có thể mô phỏng những người thành công nào?

3. Bạn cần hành động như thế nào để đạt được mục tiêu?

Thời hạn cho từng hành động? Hãy lên lịch cụ thể trong quyển sổ tay của bạn.

4. Bạn cần những điều kiện gì? (Nhân lực, tiền bạc, tài năng, kỹ năng, v.v…)

5. Ba hành động cụ thể trong vòng 36 giờ là gì?

6. Tại sao bạn phải đạt được mục tiêu này?

7. Hãy hình dung về mục tiêu này mỗi ngày. Thực hiện thử thách “36 giờ”

Bao giờ cũng vậy, những bước khởi đầu bao giờ cũng là những bước khó khăn nhất vì chúng ta có tính hay trì hoãn công việc. Khi bạn bước được vài bước đầu tiên, bạn sẽ có đà và tiếp tục tiến về phía trước cho tới khi đạt được mục tiêu. Hàng trăm ngàn học viên trong các khóa học “Tôi Tài Giỏi!” và “Những Mô Thức Thành Công” của chúng tôi đều biết đến một chiến lược cực kỳ mạnh mẽ, đó là họ phải thực hiện 3 bước hành động cho từng mục tiêu trong vòng 36 tiếng đồng hồ sau khi đặt ra mục tiêu đó.

Bất kể mục tiêu của bạn là gì, kéo dài trong bao lâu, chắc chắn sẽ có 3 bước hành động mà bạn có thể thực hiện trong vòng 36 giờ để tiến gần đến mục tiêu của mình.

Đây là một quá trình rất hiệu quả. Để thực hiện thành công quá trình này, bạn phải đặt mình vào tình thế bắt buộc, ví dụ như cam kết với những người xung quanh về việc bạn sẽ làm trong vòng 36 giờ. Bằng cách này, bạn tự nói với não bộ của mình rằng bạn hoàn toàn nghiêm túc về thời gian bạn sẽ đầu tư cho mục tiêu này.

Giả sử mục tiêu của bạn là giảm 5kg sau bốn tháng, bạn có thể thực hiện 3 bước hành động nào trong ba ngày sắp tới? Bạn có thể mang quần áo của mình cho người khác, chỉ giữ lại một vài bộ và thay cả tủ quần áo bằng những bộ đồ có kích cỡ nhỏ hơn. Như vậy, bạn hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải giảm cân.

Bạn cũng có thể đăng ký tham gia câu lạc bộ thể dục thể thao hoặc mua sách về chế độ ăn uống hợp lý.

Tôi biết có một học viên đã đặt ra mục tiêu từ bỏ công việc hiện tại và thành lập công ty riêng trong vòng hai năm. Mặc dù đây là một mục tiêu khá dài hạn, anh đã ngồi xuống và lập ra bản kế hoạch kinh doanh, bỏ 300 đô đi đăng ký công ty và đóng tiền tham gia một khóa học bán thời gian về quản trị kinh doanh. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 36 giờ đồng hồ.

Nếu bạn mơ ước mua được một chiếc Ferrari trong vòng 5 năm nữa, bạn có thể đến phòng trưng bày xe hơi ngay tức thì để lấy tờ quảng cáo và chạy thử xe.

Sức mạnh của “tại sao”

Một trong những bước quan trọng nhất là bạn phải liệt kê được những lý do tại sao bạn phải đạt được mục tiêu này. Thật ra, tôi tin rằng câu hỏi “tại sao” quan trọng hơn câu hỏi “làm thế nào”. Khi bạn biết được tại sao bạn khao khát một điều gì đó, trước sau gì bạn cũng tìm ra cách để đạt được nó. Xin bạn nhớ rằng những lý do “tại sao” của bạn nên tương ứng với những giá trị sống hàng đầu của bạn.

Hình dung: Nạp năng lượng cảm xúc cho mục tiêu của bạn

Bước cuối cùng này là bước vô cùng mạnh mẽ vì cảm xúc thúc đẩy hành động của bạn, chứ không phải lý trí. Giả sử bạn muốn gây dựng công ty của bạn trở thành công ty hàng đầu thế giới, nhưng nếu bạn không ở trong trạng thái cảm xúc cực kỳ phấn khích với mục tiêu này, bạn sẽ trì hoãn mãi.

Vì vậy, bạn phải duy trì cảm xúc tích cực bằng cách nạp năng lượng cảm xúc cho những mục tiêu của bạn mỗi ngày. Bản thân tôi rất thích làm việc này vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Bạn chỉ cần nghĩ về một mục tiêu quan trọng nào đó của bạn và tưởng tượng bản thân bạn đạt được mục tiêu đó trong tương lai. Trong lúc hình dung về việc này, tăng cường độ cảm xúc của bạn bằng cách chuyển đổi những giác quan nội tại thúc đẩy bạn.

Hãy đặt những hình ảnh trong tâm trí dưới góc nhìn của bạn và làm cho chúng lớn hơn, gần hơn và sáng hơn. Hãy tạo thành một bộ phim với dàn âm thanh nổi. Hãy nghe thấy những gì bạn sẽ nghe được xung quanh bạn khi bạn đạt được mục tiêu.

Tôi dám chắc một điều rằng nếu bạn thường xuyên làm việc này, bạn sẽ tìm được nguồn năng lượng và động lực để hành động không ngừng hướng đến mục tiêu.

Tôi còn nhớ như in rằng cách duy nhất giúp tôi có đủ nghị lực để viết được quyển sách đầu tiên là nhờ vào mỗi tối, tôi đều hình dung bản thân mình ký tên tặng sách cho độc giả trong hiệu sách và sách tôi thì bán chạy như tôm tươi.

Những hình ảnh đó rõ ràng tới mức chúng liên tục nạp năng lượng cho tôi hoàn tất quyển sách. Vậy thì bạn hãy bắt đầu hình dung về mục tiêu của bạn ngay hôm nay!

Bản mẫu quy trình bảy bước đạt mục tiêu

1. Bạn mong muốn đạt được điều gì cụ thể? Thời hạn bao lâu?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

2. Bạn có thể mô phỏng những người thành công nào?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

3. Bạn cần hành động như thế nào để đạt được mục tiêu? Thời hạn cho từng hành động? Hãy lên lịch cụ thể trong quyển sổ tay của bạn.

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

4. Bạn cần những điều kiện gì? (Nhân lực, tiền bạc, tài năng, kỹ năng, v.v…)

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

5. Ba bước hành động cần thực hiện trong vòng 36 tiếng là gì?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

6. Tại sao bạn phải đạt được mục tiêu này?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

7. Hãy hình dung về mục tiêu này mỗi ngày.

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Tổng kết chương

1. Bạn phải biết chính xác mình muốn gì. Chỉ có vậy bạn mới phát triển được những chiến lược cụ thể và tập trung mọi nỗ lực để đạt mục tiêu đó.

2. Thành công ít khi do may mắn, phần nhiều nhờ dụng công thiết kế của bạn.

3. Những điều sau cản trở nhiều người thiết kế vận mệnh của mình:

– Niềm tin giới hạn

– Thật sự không biết rõ mình muốn gì

– Sợ thất bại

– Ham thích một cuộc sống êm đềm

– Cho rằng việc đặt mục tiêu không mang lại hiệu quả

4. Những yếu tố quan trọng của mục tiêu:

-Cụ thể và đo lường được

– Đam mê và hứng thú

– Mục tiêu lớn mang lại ý tưởng và kết quả vượt trội

5. Bạn phải thiết kế vận mệnh của mình trên những phương diện:

-Phát triển cá nhân

-Sự nghiệp và kinh doanh

-Tài chính và lối sống

-Gia đình và bạn bè

-Đóng góp cho xã hội

6. Quy trình bảy bước đạt mục tiêu

a. Cụ thể, bạn muốn đạt được điều gì? Thời hạn bao lâu?

b. Bạn có thể mô phỏng những người thành công nào?

c. Bạn cần hành động như thế nào để đạt được mục tiêu? Thời hạn cho từng hành động? Hãy lên lịch cụ thể trong quyển sổ tay của bạn.

d. Bạn cần những điều kiện gì? (nhân lực, tiền bạc, tài năng, kỹ năng, v.v…)

e. Ba hành động cụ thể trong vòng 36 giờ là gì?

f. Tại sao bạn phải đạt được mục tiêu này?

g. Hãy hình dung về mục tiêu này mỗi ngày.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.