Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

CHƯƠNG 5: SỨC MẠNH KHÔNG TƯỞNG CỦA NIỀM TIN



TRƯỚC KHI ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ THẬT SỰ, BẠN PHẢI ĐẠT ĐƯỢC NÓ TRONG TÂM TRÍ TRƯỚC ĐÃ

Bây giờ chúng ta hãy cùng thực hành một bài tập thú vị khác về việc bạn có thể hình dung bản thân mình vượt qua được giới hạn cơ thể nhé. Tôi muốn bạn hãy đứng thẳng người và đặt hai bàn chân của bạn cách nhau một khoảng cách bằng độ rộng của vai. Trong bài thử nghiệm này, bạn phải giữ vững hai bàn chân trên mặt đất.

Trước tiên, tôi muốn bạn khởi động làm nóng người bằng cách duỗi tay chân và thả lỏng cơ hông. Lắc người nhẹ nhàng từ trái qua phải và ngược lại.

Tốt lắm! Bạn đã sẵn sàng chưa?

Bây giờ, hãy giang thẳng cánh tay phải của bạn, chỉ ngón tay trỏ về phía trước và xoay người theo chiều kim đồng hồ càng xa càng tốt. Khi bạn đã xoay người hết cỡ, hãy ghi nhớ vị trí mà bạn vừa xoay tới và xoay về vị trí cũ.

Kế tiếp, tôi muốn bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng bản thân bạn đang xoay người theo chiều kim đồng hồ và nhìn thấy ngón tay bạn di chuyển vượt qua vị trí tối đa mà bạn vừa xoay trước đó khoảng một mét.

Sau khi bạn đã tưởng tượng xong, hãy mở mắt ra và lặp lại động tác xoay người một lần nữa. Lần này bạn có xoay người xa hơn không?

Đa số mọi người xoay được xa hơn nhiều và cảm thấy ngạc nhiên về việc bài tập hình dung ngắn này đã giúp họ vượt qua được “giới hạn trong tâm trí”. Vậy thì hãy nghĩ xem, bạn sẽ còn vượt qua được bao nhiêu giới hạn khác với đầy đủ niềm tin và việc luyện tập trong tâm trí.

PHÁ VỠ NIỀM TIN CỦA CẢ THẾ GIỚI

Vào năm 1954, một người đàn ông đã vượt qua được mức giới hạn tâm trí đặt ra cho môn chạy đường dài. Trong hàng trăm năm trước đó, những người thi chạy không bao giờ chạy được một dặm (khoảng 1,6 kilômét) trong vòng dưới bốn phút. Nhiều người đã nỗ lực vượt qua mốc thời gian này nhưng đều thất bại. Thêm vào đó, các nhà khoa học còn đưa ra các bằng chứng y khoa là con người không có đủ năng lực thể chất để chạy được một dặm trong vòng ít hơn bốn phút. Kết quả là hầu hết mọi người đều tin rằng không ai có thể chạy nhanh đến thế.

Roger Bannister, một sinh viên cao học ở Đại Học Oxford đã đặt mục tiêu là người đầu tiên phá vỡ “kỷ lục không thể” này. Mặc dù anh không thể nào sánh nổi với những vận động viên xuất sắc thời đó, Roger không hề nhụt chí. Bên cạnh việc rèn luyện thể chất, anh tập luyện việc chạy bộ rất nhiều trong tâm trí. Anh cứ liên tục tưởng tượng bản thân anh chạy được một dặm ít hơn bốn phút.

Thế rồi, vào ngày 6 tháng 5 năm 1954, Roger Banister đã khiến cả thế giới sững sờ khi anh chạy một dặm trong vòng 3 phút 54 giây. Đó chưa phải là điều đáng nói nhất. Điều thật sự đáng kinh ngạc là trong vòng một năm sau đó, 37 vận động viên điền kinh khác phá vỡ được kỷ lục của anh. Trong ba năm kế tiếp, hơn 300 vận động viên khác đạt được thành tích tương tự.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao trong suốt thời gian dài hàng trăm năm trước đó, không một ai có thể đạt được điều này? Vậy mà ngay từ thời điểm một người bình thường làm được, rất nhiều người khác lập tức làm được hoặc làm tốt hơn chỉ trong vòng 1-2 năm sau đó. Điều này chắc chắn chứng tỏ rằng trở ngại duy nhất khiến nhiều người không đạt được mục tiêu và không tận dụng tối đa tiềm năng của họ không phải là vì họ không có khả năng, mà do chính niềm tin của họ giới hạn bản thân họ.

NIỀM TIN CỦA BẠN KHÔNG BAO GIỜ ĐÚNG TUYỆT ĐỐI CẢ!

Nếu niềm tin của bạn có tác động mạnh mẽ như vậy đến chất lượng cuộc sống và thậm chí sức khỏe của bạn, vậy thì bạn phải bắt đầu xem xét, liệu niềm tin mà bạn sở hữu có tác dụng thúc đẩy bạn hay kiềm hãm bạn. Và nếu niềm tin của bạn đang cản trở bạn, bạn phải thay đổi chúng ngay từ bây giờ!

Một số người sẽ phản đối: “Nhưng nếu niềm tin mà tôi đang có là sự thật thì sao? Nếu tôi thật sự không giỏi kinh doanh? Nếu quả thật không có cơ hội nào xung quanh tôi? Nếu việc này không thể làm được? Nếu tôi không có đủ khả năng?…”.

Bạn phải hiểu rằng niềm tin của bạn không bao giờ đúng tuyệt đối cả. Niềm tin không phải là một dữ kiện được chứng thực. Niềm tin chỉ là nhận thức, ý kiến, sự khái quát hóa của bạn về thế giới xung quanh.

Trong mỗi niềm tin ấy, cho dù bạn tin nó đúng đến mức nào, sẽ luôn có một người nào đó tin vào một điều hoàn toàn trái ngược với bạn. Nếu bạn tin rằng hiện kinh tế đang rất khó khăn, sẽ có người tin rằng đây mới chính là thời điểm thuận lợi để kiếm tiền.

Điều quan trọng với chúng ta không phải là niềm tin ấy đúng hay không mà là việc nó tạo động lực hay cản trở chúng ta hành động. Hãy trả lời câu hỏi: “Niềm tin này có giúp tôi tận dụng khả năng tốt nhất để đạt mục tiêu không?”. Hay, “Niềm tin này có trói buộc tôi không?”.

Trong chương một, chúng tôi có nói rằng: “Tất cả chúng ta có cùng một hệ thần kinh. Nếu người khác có thể thành công, tôi cũng có thể thành công”. Đây chính là ví dụ của một niềm tin tích cực.

Nếu bạn hỏi tôi niềm tin này có thật sự đúng không, tôi tin là đúng nhưng tôi không thể khẳng định 100% vì có thể vài chục hoặc vài trăm năm sau, khoa học lại chứng minh khác đi. Tôi chỉ biết rằng: khi tôi lựa chọn niềm tin này, tôi có thêm động lực để đạt được thành công hơn hẳn nhiều người đồng trang lứa, những người chọn việc tin rằng: “Người khác có thể làm được vì họ sinh ra đã tài năng và may mắn hơn tôi. Cho nên, tôi KHÔNG thể làm được như họ…”.

Nhờ niềm tin mạnh mẽ này mà tôi dám đặt ra những mục tiêu có vẻ như không tưởng và đạt được nó – ví dụ như vươn lên dẫn đầu toàn trường, viết sách, mở công ty, nói chuyện với hàng ngàn người hay xoay chuyển tình thế cho các công ty.

Ngoài việc tin rằng: “Nếu người khác làm được, tôi cũng có thể làm được”, tôi còn phát hiện ra tất cả những người thành công có chung niềm tin rằng: “Mọi việc xảy đều có một ý nghĩa đặc biệt riêng của nó đối với cuộc đời chúng ta” và rằng “Đằng sau những thử thách là cơ hội đang ẩn mình”.

Một lần nữa, liệu tôi có thể tuyên bố những niềm tin này là hoàn toàn đúng không? Dĩ nhiên là không. Nhưng tôi khám phá ra rằng những niềm tin này thúc đẩy tôi đứng lên sau mỗi lần thất bại. Niềm tin này mang lại sức mạnh giúp tôi chiến đấu đến cùng. Kết quả, tôi đạt được điều mà tôi mong muốn và điều đó chứng tỏ niềm tin của tôi là sự thật.

Đồng thời, nếu bạn chọn việc tin rằng mọi khó khăn bạn gặp phải là do bạn xui xẻo, bất hạnh hay bị “quả báo”, bạn có thể sẽ cảm thấy nản lòng, bỏ cuộc và ngừng hành động. Kết quả, khó khăn này thật sự trở thành hình phạt đối với bạn, bởi vì bạn sẽ không bao giờ đạt được điều mình mong muốn.

NHỮNG GÌ BẠN TIN TƯỞNG SẼ TRỞ THÀNH SỰ THẬT ĐỐI VỚI BẠN!

Mặc dù niềm tin không bao giờ đúng tuyệt đối, nó lại trở nên hoàn toàn đúng với những người tin vào nó. Đơn giản là vì những gì bạn tin trở thành thực tế đối với bạn.

Nếu bạn tin rằng bạn ngu ngốc, bạn sẽ trở nên ngu ngốc. Nếu bạn tin rằng bạn thông minh, bạn sẽ là người thông minh. Nếu bạn tin rằng bạn không may mắn, bạn sẽ luôn gặp xui xẻo. Nếu bạn tin rằng những cơ hội tuyệt vời đang chờ đón bạn, thì những điều may mắn sẽ kéo đến với bạn.

“Dù bạn tin rằng mình có thể làm được hay không làm được việc gì, thì điều nào cũng đúng!” – Henry Ford

Tại sao lại như thế? Bởi vì niềm tin của bạn là một trong những bộ lọc thông tin chính yếu, quyết định nhận thức của bạn về thế giới xung quanh. Ở bất cứ thời điểm nào, bạn không hề trải nghiệm thực tế mà là trải nghiệm nhận thức cá nhân của bạn về thực tế.

Não bộ của bạn luôn xóa bỏ, bóp méo những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận. Đây là lý do tại sao hai người cùng chứng kiến một sự việc giống nhau, nhưng nhận thức về nó rất khác nhau. Và nếu hai người đó tranh luận với nhau về sự việc đó, cả hai sẽ miêu tả những chuyện xảy ra hoàn toàn khác biệt.

Không phải là do người này hay người kia nói dối, mà vì cả hai đều đã xóa bỏ và bóp méo những gì họ nhìn thấy mà không hề hay biết, tùy vào niềm tin riêng của bản thân họ.

Có bao giờ cha mẹ bạn cho rằng bạn vô trách nhiệm không? Bạn có thể làm hàng trăm việc một cách đầy trách nhiệm, nhưng họ chỉ nhớ một vài lần bạn vô trách nhiệm. Họ sẽ nói “Chậc chậc, con lại thế nữa rồi!”.

Tất cả chúng ta cũng hành xử như vậy với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Nếu ai đó nghĩ rằng một người bạn của họ tính tình rất ích kỷ, họ sẽ có khuynh hướng tập trung vào tất cả những sự việc chứng minh niềm tin của họ là đúng, và không nhận thấy rằng cũng có những lúc người bạn đó biết nghĩ cho người khác. Thậm chí nếu họ có nhận thấy đi chăng nữa, họ cũng sẽ bóp méo điều đó bằng cách nói rằng anh ta hẳn có mục đích xấu gì đây nên mới tử tế như thế.

Vậy thì bất cứ những gì bạn tin đều trở thành sự thật đối với bạn. Niềm tin đó là “sự thật của riêng bạn”.

Nếu một người phụ nữ tin rằng tất cả đàn ông trên thế gian đều không chung thủy, chị sẽ chỉ nhớ và tập trung vào những lúc chị thấy và nghe về chuyện đàn ông ngoại tình. Chị sẽ có khuynh hướng xóa bỏ trong tâm trí tất cả những trường hợp đi ngược lại niềm tin của mình. Chị cũng sẽ có khuynh hướng bóp méo những gì chị nhìn thấy và nghe thấy để củng cố niềm tin ấy. Nếu ông xã chị gọi điện nói rằng anh ta có việc gấp phải ở lại công ty nên về trễ, chị sẽ nghĩ gì? Chị có thể bắt đầu nghi ngờ anh ta ngoại tình, bởi vì chị tin rằng tất cả bọn đàn ông trên đời đều không chung thủy.

Phản ứng của chị sẽ ra sao? Chị có thể tra vấn chồng, dò xét từng đường đi nước bước của anh ta, bắt đầu hoảng sợ, bất an và buồn phiền. Kết quả, mối quan hệ gia đình chị đứng bên bờ vực tan vỡ, đẩy anh ta đến cái việc mà chị lo sợ nhất…. bởi vì không ai có thể sống chung với một người vợ luôn cằn nhằn và nghi ngờ cả.

Trong thực tế, tôi đã thấy rất nhiều trường hợp niềm tin trở nên “linh nghiệm” như thế. Bất cứ việc gì bạn tin tưởng mạnh mẽ sẽ trở thành thực tế, bởi vì bạn sẽ hành động để củng cố niềm tin đó, do đó dẫn đến kết quả.

Một số người tin rằng không hề có cơ hội kiếm tiền trong đời họ. Họ tin rằng việc kinh doanh là một bước đi sai lầm. Thế là họ chú trọng vào tất cả mọi tin tức trên báo đài cũng như từ bạn bè về “người này người kia mất tiền, phá sản và thất bại trong kinh doanh này nọ”. Việc này liên tục củng cố niềm tin của họ và ngăn cản họ không chộp lấy bất cứ cơ hội nào trước mắt.

Đồng thời, tôi cũng biết có nhiều người tin rằng cơ hội đầy rẫy ở bên ngoài. Những người lạc quan như thế cho rằng việc kiếm tiền rất dễ dàng. Và bạn biết không? Họ thật sự kiếm được nhiều tiền và tìm thấy cơ hội ngàn vàng khắp nơi. Thậm chí khi khó khăn bao vây họ, những người này vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm và chuyển bại thành thắng.

LÀM THẾ NÀO MÀ MỘT SỐ NGƯỜI CÓ THỂ BIẾN KHÓ KHĂN THÀNH CƠ HỘI

Sau đây là một ví dụ điển hình. Khi bệnh dịch SARS tràn lan khắp nơi, nhiều người bắt đầu tin rằng công việc làm ăn của họ không thể ngóc đầu lên nổi và họ sẽ phải vật lộn để kiếm sống. Một người bạn của tôi kinh doanh thú nuôi cũng gặp khó khăn do SARS gây ra. Nhưng thay vì tin rằng SARS là một vấn đề không thể vượt qua, anh tập trung vào việc làm thế nào để tìm được cơ hội trong giai đoạn thử thách này. Anh nhanh chóng tận dụng mạng lưới các nhà cung cấp và nhân viên bán hàng rộng khắp của mình để thâm nhập vào ngành kinh doanh mặt nạ và máy lọc không khí. Nhờ vậy, anh kiếm được khối tiền từ căn bệnh dịch này.

ĐIỂM MÙ TRI GIÁC…BẠN ĐÃ BAO GIỜ GẶP TRƯỜNG HỢP NÀY CHƯA?

Đã khi nào bạn ở trong tình huống này chưa? Bạn đang ngồi trong phòng khách xem tivi thì nghe tiếng vợ bạn gọi lớn, “Anh vào bếp lấy giùm em hũ muối được không?”. “Anh không biết nó ở đâu”, bạn trả lời. Cô ấy nói vọng lại, “Anh tìm xem. Nó nằm ở đâu đó thôi”.

Một cách miễn cưỡng, bạn đứng dậy và đi vào nhà bếp lẩm bẩm một mình, “Mình không biết hũ muối ở đâu, làm sao mình tìm thấy nó được đây?”. Chắc chắn là bạn nhìn quanh quất khắp nơi mà vẫn không thấy hũ muối. Bạn đành quay ra và nói, “Anh không tìm thấy hũ muối đâu cả”.

Vợ bạn lại nói, “Anh tìm kỹ xem, nó ở đó thôi mà”. Bạn nhìn lên, nhìn xuống mà vẫn không thấy hũ muối. Cuối cùng, vợ bạn bước vào bếp, với lấy hũ muối ngay trước mũi bạn và nói, “Thế đây là cái gì? Mắt anh để ở đâu đấy?”.

Tại sao việc này lại xảy ra? Theo ngành tâm lý học, hiện tượng này được gọi là điểm mù tri giác. Đây là một trong những ví dụ phổ biến nhất về việc niềm tin xóa bỏ những gì bạn nhận thức. Nếu bạn liên tục thuyết phục bản thân rằng bạn không thể nào tìm thấy hũ muối, não của bạn sẽ xóa hình ảnh hũ muối bên trong não, cho dù mắt bạn vẫn nhìn thấy hũ muối sờ sờ ngay đó.

Tương tự, nếu bạn tin rằng không có cơ hội xung quanh và thời điểm kinh tế này tệ hại hết chỗ nói, bạn sẽ xóa đi mọi thứ đi ngược lại niềm tin của bạn, và bạn sẽ chỉ thấy khó khăn nhan nhản khắp nơi.

MỘT SỐ NGƯỜI NỔI TIẾNG VÀ THÔNG MINH TỪNG HẾT LÒNG TIN VÀO NHỮNG ĐIỀU MÀ… HIỆN NAY CHÚNG TA BIẾT LÀ HOÀN TOÀN SAI!

Đa số mọi người đều có khuynh hướng đấu tranh mạnh mẽ để khư khư giữ lấy những niềm tin cũ kỹ và giới hạn của mình vì họ một mực tin rằng những điều đó là đúng. “Nhưng tôi chắc chắn là niềm tin của tôi đúng. Làm sao có thể khác được cơ chứ?”, họ khăng khăng như thế.

Tôi xin hỏi bạn một câu. Bạn đã từng hết lòng tin vào một việc gì đó trong quá khứ mà bây giờ bạn biết là thực tế hoàn toàn ngược lại chưa? Tôi chắc là bạn đã từng như thế. Thậm chí một số người thông minh nhất trên đời cũng đã từng cực kỳ tin tưởng vào những điều giới hạn mà sau này được chứng thực là hoàn toàn sai. Dưới đây chỉ là vài ví dụ để bạn tham khảo.

NIỀM TIN ĐƯỢC TẠO THÀNH NHƯ THẾ NÀO

Nhưng làm thế nào mà bạn hình thành những niềm tin mà bạn có được ngày hôm nay?

Hầu hết niềm tin đến từ việc bạn mô phỏng những người quan trọng xung quanh bạn – như cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Bạn có khuynh hướng tin vào những điều tương tự với những điều mà những người có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn tin tưởng. Nếu cha mẹ bạn tin rằng họ không bao giờ giàu lên được, có khả năng bạn cũng tin vào điều này. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình không có ai học xong đại học, rất có thể bạn sẽ tin rằng việc học rất khó khăn hoặc không quan trọng.

Nhiều niềm tin của bạn cũng đến từ kinh nghiệm trong quá khứ. Hãy ghi nhớ rằng, những niềm tin ấy chẳng qua chỉ là nhận thức và các lý giải mà bạn tạo ra về những kinh nghiệm trong quá khứ. Tuy nhiên, sau một thời gian, bạn quên mất rằng niềm tin chỉ đơn thuần là nhận thức và bắt đầu chấp nhận chúng như một sự thật tuyệt đối. Đó là khi chúng trở thành những mệnh lệnh khắc sâu vào não bộ của bạn và bắt đầu quyết định việc bạn sẽ sống như thế nào.

Trong khi một số niềm tin thật sự giải phóng bạn, nhiều niềm tin khác lại trói buộc bạn. Ví dụ, những niềm tin như “Tôi học dở Toán”, “Tôi là người chậm tiêu”, “Tôi không thể nào giao tiếp tốt với người khác”, “Tôi lười biếng” hay “Tôi còn quá trẻ hay đã quá già”.

Vậy thì bạn đã hình thành niềm tin ban đầu như thế nào? Niềm tin luôn khởi nguồn từ một nhận định của người khác hay từ một ý tưởng bạn tự nghĩ ra. Khi bạn trải nghiệm nhiều sự việc củng cố cho ý tưởng hay nhận định đó, nó trở nên vững chắc và biến thành niềm tin. Một khi niềm tin được tạo ra, bạn sẽ không còn nghi ngờ gì về điều đó nữa. Nó trở thành một phần trong hệ thống hoạt động nội tại, thúc đẩy mọi quyết định và hành vi của bạn.

Trong quyển sách “Sức mạnh không giới hạn” (Unlimited Power), Anthony Robbins dùng hình ảnh chiếc bàn để minh họa về niềm tin. Khi một suy nghĩ nào đó lần đầu tượng hình trong tâm trí bạn (ví dụ, “Tôi là người chậm hiểu”), lúc đó chiếc bàn chỉ có mỗi mặt bàn và không có chân bàn để đỡ. Do đó, chiếc bàn không thể đứng vững và không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống của bạn. Qua thời gian, nếu bạn thu thập chứng cứ về suy nghĩ đó, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã có đủ chân (bằng chứng), bạn sẽ có một chiếc bàn kiên cố (một niềm tin vững chắc).

TÔI HỌC DỐT TOÁN”… LÀM THẾ NÀO MÀ TÔI CÓ NIỀM TIN NÀY VÀO LÚC NĂM TUỔI

Trong nhiều năm trời, tôi từng tin rằng “Tôi học dốt Toán”. Niềm tin giới hạn này ngăn cản tôi không có nỗ lực học Toán. Giống như tất cả niềm tin khác, niềm tin của tôi xuất phát từ một ý nghĩ đơn giản khi tôi phải vất vả nhồi nhét bảng cửu chương vào đầu hồi còn nhỏ.

Lúc tôi lên năm, nhiều anh em họ của tôi đã đọc làu làu bảng cửu chương từ 1 đến 10 một cách dễ dàng. Còn tôi thì vì một số lý do nào đó mà tôi không thể nào hiểu được “phép tính nhân” là gì và cảm thấy bảng cửu chương cực kỳ “khó nuốt”. Mỗi lần tôi nhớ sai một phép tính nhân, cha mẹ tôi rất nản lòng và càng ép tôi học nhiều hơn. Vì cả hai người đều đi làm, những buổi đi chơi cuối tuần của tôi biến thành những buổi học bảng cửu chương dài lê thê và chán đến tận cổ.

Kết quả, tôi bắt đầu chán ghét môn Toán và cảm thấy rất đau khổ khi phải học cái môn “không đội trời chung này”. Tôi không thể hiểu tại sao những đứa trẻ khác có thể làm được phép tính nhân còn tôi thì không. Từ ngày đó trở đi, tôi bắt đầu hình thành ý nghĩ “Tôi học dốt Toán”.

Rồi vào một ngày đẹp trời nọ, thầy tôi quyết định kiểm tra cả lớp bảng cửu chương. Lẽ tất nhiên là đa số bạn bè tôi đều trả bài tốt. Khi đến lượt tôi, thầy hỏi “5 x 3” là bao nhiêu. Tôi cau mày suy nghĩ hồi lâu rồi la lên “13”. Cả lớp lăn ra cười và gọi tôi là “ thằng ngu”. Sự việc này là bằng chứng đầu tiên cho ý nghĩ “Tôi học dốt Toán” và bắt đầu củng cố ý nghĩ đó thành niềm tin của tôi.

Dĩ nhiên là với niềm tin này, tôi trở nên lơ đãng trong những giờ học Toán. Tôi thường mơ màng trong lớp và không bận tâm về những gì diễn ra xung quanh. Tôi cũng không thèm rớ đến bài tập về nhà. Có ích gì chứ? Môn Toán là một “môn ngu xuẩn” và “dù thế nào mình cũng không thể học tốt được”. Kết quả, tôi càng ngày càng tụt lại sau cả lớp. Chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi liên tục thi rớt môn Toán. Điều này càng củng cố thêm niềm tin “Tôi học dốt Toán” và gắn thêm một chân bàn khác vào chiếc bàn “dốt Toán” của tôi.

Niềm tin của tôi càng vững chắc hơn khi mẹ tôi an ủi cho việc thi rớt môn Toán của tôi bằng cách bảo tôi đừng lo lắng vì chính mẹ tôi ngày trước cũng dốt Toán nhất hạng. Và rằng có thể tôi đã thừa hưởng gien di truyền của bà và không thể làm gì khác được. Lý lẽ này của mẹ tôi càng khiến tôi tin tưởng “mình không thể học Toán” và không thèm cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề hay cố học Toán. Một lần nữa, não bộ của tôi bắt đầu thêm một chân “bằng chứng gien di truyền” vào mặt bàn niềm tin của tôi.

Kết quả, tôi bỏ cuộc ngay khi gặp một bài Toán khó. Bất cứ khi nào thầy giáo dạy một khái niệm Toán khó hiểu, tôi đều phớt lờ không thèm bận tâm tìm tòi. Ba mẹ tôi cũng gửi tôi đi học thêm Toán – nhưng tôi toàn ngồi mơ mộng trong suốt buổi học.

Chắc chắn là sau một thời gian, niềm tin “Tôi học dốt Toán” trở nên đúng tuyệt đối với tôi. Tôi hoàn toàn được thuyết phục rằng tôi không cách nào hiểu được môn Toán, chứ đừng nói đến việc học giỏi môn “quái quỷ” đó.

TÔI PHÁ VỠ NIỀM TIN GIỚI HẠN NÀY NHƯ THẾ NÀO?

Nếu bạn biết rằng niềm tin của mình chẳng qua chỉ là sự đúc kết những kinh nghiệm trong quá khứ và chúng đang kiềm hãm bạn, vậy làm thế nào để bạn phá vỡ chúng? Làm thế nào để bạn đánh sập chiếc bàn niềm tin hình thành trong tâm trí bạn? Câu trả lời rất đơn giản: hãy bẻ gãy chân bàn. Nói cách khác, bạn phải thử thách những bằng chứng củng cố niềm tin giới hạn đó. Một khi bạn bẻ gãy chân bàn, niềm tin sẽ sụp đổ.

Vậy làm thế nào để bạn thử thách những bằng chứng nâng đỡ niềm tin đó? Adam Khoo tôi đã làm như thế này…

Cuộc sống của tôi thay đổi từ khi tôi nhận ra việc học dốt Toán chỉ đơn thuần là niềm tin giới hạn của tôi. Đó chỉ là “sự thật” đối với tôi vì tôi chọn niềm tin đó. Tôi đã chọn việc suy diễn tất cả sự việc theo hướng củng cố niềm tin này. Tôi bắt đầu thử thách ngược lại mọi “bằng chứng hỗ trợ” niềm tin ấy.

Tôi nhận ra rằng nhiều bằng chứng nghiêng theo niềm tin của tôi chẳng qua chỉ là lập luận của cá nhân tôi từ những kinh nghiệm trong quá khứ. Những kinh nghiệm này có thể mang hàng triệu ý nghĩa khác nhau. Thậm chí, nhiều bằng chứng do người khác mang lại cho tôi cũng không đáng tin cậy.

Việc tôi không hiểu phép tính nhân không có nghĩa là tôi học dở Toán. Có thể là vì chưa ai biết cách dạy phép tính nhân để tôi có thể hiểu được. Cũng có thể là do tôi không chú ý nghe giảng. Việc tôi thi rớt tất cả các bài kiểm tra Toán có thể chỉ vì tôi không thèm học bài, hay không áp dụng đúng phương pháp.

Tôi cũng đi tìm các ví dụ phản biện lại bằng chứng là tôi có gien di truyền dốt Toán từ mẹ tôi. Tôi tìm bằng cách nào? Tôi nhận ra rằng nhiều bạn bè xung quanh tôi học giỏi Toán có cha mẹ ít học và làm nghề bán hàng ăn hay tài xế xe buýt. Khi tôi bắt đầu nghi ngờ tính xác thực của những bằng chứng đó, những chiếc chân bàn được tháo gỡ và niềm tin giới hạn trong tôi sụp đổ.

Sau đó, tôi tự nhủ lòng, “Mình nên có một niềm tin tích cực hơn như thế nào?”, “Một niềm tin mạnh mẽ giúp tôi nỗ lực hết mình là niềm tin ra sao?”. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một niềm tin “Tôi là thần đồng Toán học”.

TỪ ĐỨA TRẺ DỐT TOÁN THÀNH THẦN ĐỒNG TOÁN HỌC – BẮT ĐẦU CHỈ VỚI MỘT NIỀM TIN MỚI

Niềm tin mà tôi mới nghĩ ra này truyền động lực cho tôi và khiến tôi hết sức phấn khởi. Vấn đề ở chỗ: tôi không có bằng chứng hay ví dụ nào củng cố cho niềm tin mới cả. Vậy tôi đã làm gì? Tôi tự tạo ra bằng chứng mới cho bản thân.

Vào năm lớp bảy, tôi ôn lại và chăm chỉ làm những bài Toán lớp bốn (dưới bốn lớp). Khi đã thành thục, tôi chuyển sang làm những bài Toán lớp năm, cứ thế dần dần tôi lấy lại căn bản và cảm thấy tự tin hơn. Khi giải được các bài Toán, tôi bắt đầu củng cố niềm tin mới này. Dĩ nhiên, tôi vẫn bị rớt lại phía sau khá xa so với bạn cùng lớp, nhưng tôi quyết tâm theo cho bằng được.

Chẳng bao lâu sau khi dành rất nhiều thời gian trong kỳ nghỉ hè để rèn luyện môn Toán, tôi đã có thể giải được tất cả các bài Toán mà đa số bạn bè tôi đang học. Khi tôi “nuốt được” các khái niệm Toán và ngày càng giải được nhiều bài Toán, tôi càng có thêm nhiều chứng cứ cho niềm tin mới của tôi.

Cuối cùng, niềm tin mới của tôi được gia cố vững chắc nhờ vào một sự việc xảy ra khi tôi vào lớp 9.

Lúc đó, chúng tôi chuẩn bị học một môn mới mà ai cũng sợ, Toán nâng cao. Chúng tôi nghe nói môn này cực kỳ khó và là “sát thủ” đánh rớt nhiều học sinh hằng năm.

Khi bạn bè tôi bước vào năm học mới, họ đã tự hủy hoại tâm trí mình bằng cách ghim sâu những ý kiến của các anh chị đi trước về môn học này vào đầu. Vì một số lý do nào đó, tôi là đứa học sinh duy nhất quyết định đọc chương đầu tiên của “môn học cực kỳ khó nhai” này vào đêm trước buổi học.

Tất nhiên, tôi không hiểu mảy may những kiến thức tôi đọc được trong sách, nên tôi phải đi hỏi bài mấy anh chị lớp trên và nhờ vậy mà hiểu được khá rõ nội dung của chương “Phương trình tuyến tính”. Ngày hôm sau, khi thầy Toán mới bắt đầu giảng bài, cả lớp như bị lạc trong khu rừng Toán học đầy trừu tượng. Do đã đọc sách trước, có vẻ như tôi là người duy nhất hiểu được thầy đang nói gì.

Sau đó, thầy gọi học sinh xung phong lên bảng giải bài. Trong khi mọi người nhìn nhau lắc đầu, tôi mạnh dạn đứng dậy, lên bảng viết bài giải. Ai nấy đều sửng sốt, trong đó có cả thầy giáo. Trong tất cả các lớp trước thầy đã dạy, không ai có thể giải được bài toán hóc búa này ngay ngày đầu tiên.

Vì đây là lớp học mới tinh và không đứa bạn nào trong lớp biết về “tiền sử học Toán“ của tôi, mọi người nhìn tôi như thể tôi là một thiên tài. Tôi cảm thấy thật vui và thích thú với hình tượng mới của mình, một “thần đồng Toán học”.

Tôi bắt đầu hình thành thói quen đọc sách trước khi vào lớp, nỗ lực nhiều hơn trong các bài tập và bài kiểm tra. Chẳng mấy chốc, với sự chuyên cần đó, tôi dẫn đầu lớp và đạt loại xuất sắc trong kỳ thi cuối cấp toàn quốc.

Sự kiện to lớn đó cuối cùng đã đập tan tất cả mọi niềm tin giới hạn trong tôi và củng cố niềm tin mới của tôi là “Môn Toán rất dễ”, “Tôi là thần đồng Toán học”. Chính niềm tin này đã khiến tôi chọn học lớp chuyên Toán khi vào Trung học. Tôi chăm chỉ học Toán và đạt điểm mười tuyệt đối ở các môn Toán trung cấp và Toán cao cấp, hai môn Toán mà mọi học sinh đều e ngại và cho là “cực khó”. Đó chính là sức mạnh tuyệt đối của sự thay đổi niềm tin.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.