Làm nên 400 điều trường học vẫn không dạy bạn

11. TIỀN BẠC



327. Bạn cần học cách kiếm tiền và cách sử dụng đồng tiền. Không ai tìm ra lý lẽ vững chắc để biện hộ cho sự đói nghèo. Đói nghèo là một tai họa giống như bệnh tật. Tiền bạc có thể giúp bạn được sống ở nơi mà bạn thích và theo lối mà bạn hưởng thụ. Nó giúp bạn thỏa mãn những khát vọng. Nó tạo cho bạn một đời sống độc lập, giúp tránh khỏi sự kiểm soát của người khác. Nhờ nó bạn có thể du lịch, khám phá thế giới. Cũng nhờ nó mà con cái bạn được hưởng học vấn đầy đủ. Tóm lại, nếu đầy đủ, mức sống của bạn sẽ cao.

328. Lẽ đương nhiên, bạn thích sự an toàn và bạn cũng có lòng tự ái. Để bảo vệ hai thứ ấy, bạn cần có tài sản. Sự đói nghèo không mang lại một lợi ích nào cả. Muốn thăng tiến, bạn cần học nghệ thuật kiếm tiền. Trước khi bạn kiếm đủ tiền để không sợ đói nghèo thì đối với bạn, đồng tiền là quan trọng hơn cả. Tiền bạc tạo cho bạn những cơ hội tốt để phát triển khả năng, giúp bạn chọn hoàn cảnh sinh sống. Lẽ thường trong cuộc chiến đấu đầu tiên mà mỗi người chúng ta phải đương đầu là cuộc chiến với đói nghèo. Phải chiến thắng ở trận đầu tiên ấy, bạn mới nghĩ đến những cuộc đấu tranh tiếp theo.

329. Giá trị của đồng tiền ở chỗ nó nâng cao mức sống của bạn, nó giải thoát bạn khỏi đói nghèo, nó giúp bạn tự do thực hiện những dự định. Khi chưa có tiền, bạn phải xem đồng tiền là vật quan trọng hơn cả. Tham vọng làm giàu là chính đáng. Nó không phải là ích kỷ, cũng không có gì là phản xã hội. Càng giàu, người ta càng có thể làm việc nghĩa. Tiền của làm cho người ta thêm chín chắn hơn là làm cho con người hư đốn. Chính bởi thiếu tiền nên người ta trở nên đê tiện. Một đất nước có nhiều dân giàu thì không bao giờ sụp đổ.

330. Khi biết rèn mình sống một cách dành dụm là bạn đã bắt đầu nhúng tay vào công việc tài chính. Nếu bạn làm ra một đồng mà tiêu cả một đồng thì khó mà vượt qua tình trạng đói nghèo. Bạn cần tiết kiệm đồng tiền cho đến khi có trong ngân hàng một số tiền bằng ba lần số tiền bạn kiếm được mỗi tháng. Món tiền vốn ấy có tác dụng như cái “vô lăng” điều hòa bộ máy. Nó giúp bạn khỏi phải nhận những chỗ làm xoàng xĩnh, nó tăng cường lòng tự ái và cuộc sống độc lập của bạn.

331. Nếu làm việc cho một công ty lớn, bạn có thể trở thành một trong những quản lý của công ty ấy. Với những món tiền dành dụm đầu tiên, bạn có thể mua một số cổ phần.

Bạn có thể vừa là cổ đông vừa là người làm việc cho công ty. Làm như vậy, bạn càng trở nên quan trọng và dễ có cơ hội thăng tiến. Đó cũng là một phương thức để củng cố ý kiến về chính con người bạn và để bạn cảm thấy được an toàn. Khi trở thành hội viên, quan điểm của bạn sẽ khác. Bạn sẽ bắt đầu học tập về trò vui vĩ đại là doanh nghiệp.

332. Với số vốn nhỏ, bạn có thể gây dựng một cơ sở kinh doanh nhỏ hoàn toàn thuộc về bạn, nhưng trước đó bạn cần tạo ra số vốn nhỏ ấy và thu thập những kiến thức cần thiết về công việc định thực hiện. Bạn có thể mở một văn phòng hoặc mua một số ít hàng hóa nào đó để tiêu thụ. Bạn có thể kinh doanh được nếu số tiền bán hàng mỗi tuần tương xứng với số vốn nhỏ mà bạn bỏ ra để khai thác. Bạn có thể mở một xưởng máy chế tạo kẹo ngọt hoặc lĩnh bia bỏ mối một vài cửa hàng nhỏ. Sự thành công tùy thuộc vào tài bán hàng và đức tiết kiệm của bạn.

333. Phương thức tốt nhất để gây dựng một số vốn là bắt đầu dành dụm tất cả những món tiền bạn kiếm ra và sau đó tìm cách làm cho món lợi tức giàu (bénéfices nets) thật khá. Khi biết cách làm cho số vốn sinh lợi ròng ít ra 12%, bạn có thể vay mượn thêm. Mới bắt đầu kinh doanh, bạn đã vay mượn bà con hoặc bạn bè là điều không hay. Khi chứng tỏ rằng mình có thể làm sinh lợi ròng 12%, chắc chắn ngân hàng hoặc tư nhân sẽ cấp vốn cho bạn. Hãy bắt đầu kinh doanh với số vốn riêng của bạn và chú tâm làm cho nó sinh lãi.

334. Nếu bạn muốn biết cần bao nhiêu để lập nên một cơ sở buôn bán lẻ (commerce de détail) thì điều đó còn tùy vào tính chất của công việc buôn bán. Đại khái có một vài con số, tuy không có giá trị tuyệt đối nhưng nó có thể giúp chúng ta nhận xét hữu ích về tỷ lệ. Nếu muốn có số hoa lợi 1.000 quan mỗi tuần thì số tiền bán hàng hằng năm của bạn cần đến 500.000 quan. Muốn đạt đến con số ấy, một người bán trái cây phải có số vốn 60.000 quan, một nhà bán kẹo mứt phải có 130.000 quan, một nhà bán trang phục nữ cần 140.000 quan, một dược sư phải có 180.000 quan, một nhà bán bàn ghế 200.000 quan, một nhà buôn đồ sắt 300.000 quan. Vốn càng ít, bạn càng phải luân chuyển hàng thật nhanh chóng.

335. Để gia tăng lợi tức, bạn cần nghiên cứu về sức sinh lợi của số vốn. Tiền gửi ngân hàng sinh lợi rất ít. Nếu không nhằm mục tiêu gửi tiền một cách chắc chắn, tốt hơn bạn nên làm cho món tiền ấy luân chuyển. Mua những hàng hóa có thể tiêu thụ nhanh. Số vốn ấy phải sinh lợi nhiều lần trong một năm, không phải chỉ một lần. Bạn có thể gia tăng số vốn gấp đôi mà không cần vay mượn một đồng nào, nếu con số bán hàng của bạn luân chuyển nhanh gấp đôi. Nên phòng ngừa việc mua hàng thừa thãi nếu không số vốn mà bạn bỏ ra sẽ bị mục thối trong mớ hàng tồn kho vô bổ. Tinh hoa của doanh nghiệp là trao đổi, lấy tiền đổi hàng lấy hàng để đổi ra tiền trở lại, dùng tiền để đổi lấy hàng và trao đổi như vậy càng nhanh càng tốt. Càng ít vốn, bạn càng phải giữ cho vốn ấy được hoạt động.

336. Nếu bạn lập công ty, muốn gia tăng số vốn gấp đôi mà không cần vay mượn hoặc cầm cố, thì phương thức hay hơn hết là làm cách nào để có thể chia lãi cho các cổ đông đến 15%. Với mức lãi ấy, giá các cổ phiếu của công ty bạn sẽ vọt lên gấp đôi.

Sau đó, nếu muốn, bạn có thể nhượng lại 40% số cổ phần với món tiền bằng giá của doanh nghiệp. Đạt đến mức lãi ròng 15%, bạn sẽ có cơ hội tạo ra những mối lợi quan trọng hơn.

337. Bạn nên làm cho vốn sinh lợi càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn bạn có thể kiếm lợi thêm bằng cách mua hàng trả tiền mặt và hưởng số tiền chiết khấu hoặc tránh những phí phạm bằng cách cố gắng bán thật nhanh số hàng đã mua. Một nhà buôn biết luân chuyển hàng tồn trữ sáu lần trong một năm kiếm lợi được sáu lần. Ngoài ra, còn có thể kiếm lợi thêm bằng cách mua nhiều hàng để hưởng chiết khấu, song như thế sẽ rủi ro nếu gặp tình trạng ứ đọng. Tiền bạc phải làm việc giúp bạn. Bạn phải cố gắng làm sao để không một đồng tiền nào có thể lười biếng.

338. Bạn hãy tập trung vào việc nghiên cứu tiền lãi ròng. Trong công việc kinh doanh, có rất nhiều điều mà bạn có thể thu đoạt nhưng có một điều mà bạn cần phải thu đoạt đó là tiền lãi ròng. Không tạo ra món tiền lãi ròng, công việc kinh doanh sẽ dễ bước tới những thảm bại. Nhưng vấn đề chính không phải là bán được nhiều hàng. Một hãng buôn có thể đạt đến con số thương vụ 500.000 quan, nhưng chỉ lãi có 50.000 quan. Muốn biết một việc kinh doanh có đắc lực hay không, bạn phải nhìn vào số tiền lãi ròng nó mang lại. Chính bản kế toán (bitan) của một doanh nghiệp cho chúng ta biết doanh nghiệp ấy có thể tồn tại hay sụp đổ.

339. Bạn phải có một chính sách rõ ràng về vấn đề tín dụng (crédit). Không nên quá thắt ngặt, cũng không nên quá mạo hiểm. Nếu trong sổ sách, số tiền khách hàng nợ bạn chiếm một nửa phần trăm tổng số thương vụ, bạn có thể tự thỏa mãn về chính sách của bạn. Nếu không ai thiếu chịu bạn cả thì chính sách ấy quá gắt gao, bạn đã bỏ lỡ nhiều cơ hội bán hàng. Nhưng nếu món tiền khách hàng thiếu bạn quá nửa đến 4%, bạn đã tỏ ra quá mạo hiểm. Chỉ nên đồng ý thiếu chịu với những người xứng đáng được hưởng. Nếu chỉ có một số vốn nho nhỏ, bạn cần phải có được lãi ròng bằng tiền mặt hoặc ít ra chỉ cho chịu trong 1 tháng. Những món nợ “cà nhầy” sẽ làm giảm bớt số tiền lãi ròng của bạn.

340. Cho tiền, nhưng không cho mượn tiền. Khi bạn có ít vốn liếng thì bọn ký sinh trùng chợt đến. Bọn này đủ loại nhưng tất cả đều thèm khát món tiền của bạn. Tôi không khuyên bạn giữ quả tim trơ trơ như đá, song bạn phải học tập để biết nói “không” đối với một vài tên chuyên ăn bám. Hãy để những chủ ngân hàng và những người chuyên sống bằng nghề cầm đồ đóng vai của họ. Bạn chớ len vào địa hạt của họ. Họ có những phương tiện để bảo vệ đồng tiền của họ. Cho mượn tiền không mấy khi bạn được người ta đáp ơn. Hơn nữa, nếu cho một người đến mượn tiền chỉ vì người ấy thấy cần tiền thì bạn chỉ làm hại họ mà thôi. Bạn làm suy giảm lòng tin ở nơi họ, suy giảm lòng tự ái của họ.

341. Trong lúc lên voi cũng như xuống chó, bạn luôn luôn giữ tâm hồn thư thái, không nên hoang mang vì hàng hóa lên giá hay sụt giá. Muốn kiếm tiền và giữ được đồng tiền bạn cần tỏ ra cương nghị, chớ chạy theo quần chúng. Khi giá lên thì quần chúng cố chạy vượt lên đỉnh chóp mà khi giá sụt thì họ đổ dốc tán loạn. Bạn chớ vội tin rằng ngồi trên đỉnh chóp của thế giới hoặc thế giới tựa mình trên người bạn. Lúc mua cũng như lúc bán, bạn phải đứng ra để ngắm nhìn sự vật.

342. Bạn có thể đầu cơ, song đầu cơ trên thực tế, không trên những dự án. Mỗi thực tế đều có chân giá trị của nó, trái lại giá trị của một dự án còn tùy thuộc cách mà nó sẽ được thực hiện. Một dự án chỉ là một khuyết dụ và như thế không thể bán cho ai. Nếu dự án ấy tan vỡ thì tiền bỏ vào đó cũng sẽ tiêu tan. Có nhiều thứ dự án: thứ hay, thứ dở, hoặc thứ vô thưởng vô phạt. Từ khi bắt đầu xây dựng dự án, không có phương thức nào chắc chắn để phân biệt nó hay hoặc dở. Có thể nói rằng, nếu chưa có đủ 10 năm kinh nghiệm thực tế trở lên, không một ai dám bỏ tiền vào dự án.

343. Khi định mua chứng khoán (titres), bạn chỉ nên mua những chứng khoán bạn biết rõ. Nên mua những cổ phiếu của công ty bạn đang làm, nếu bạn thấy công ty ấy có tiềm năng hoặc một công việc kinh doanh nào khác mà bạn biết rõ hoặc giả của một doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Nếu là nhà buôn lẻ, bạn nên mua cổ phiếu nhà cung cấp nào tỏ ra đắc lực nhất. Phải biết mua sắm một cách thông minh. Không nên nghe lời khuyên của những kẻ “gánh bàn độc mướn”. Những “tuy dô” nói tốt về một món hàng thường do những tay bán hàng tung ra, chớ vội tin tưởng.

344. Nếu định tích lũy, bạn nên mua khi thời giá sụt và bán ra lúc thời giá lên. Nói thì dễ, thực hiện điều đó thì lại rất khó. Đó là một quy tắc để kiếm tiền đầy khôn ngoan, song phần nhiều người ta thường làm ngược lại với quy tắc ấy. Trong địa hạt đầu cơ, quần chúng luôn luôn bị thua thiệt. Phần nhiều người lo bán ra khi họ bi quan (thấy sụt giá) và mua vào khi họ lạc quan (thấy giá lên). Thật ra, không bao giờ giá lên mãi hoặc sụt mãi. Trồi hay sút đều có những chu kỳ (eyeles) nhất định. Bạn phải cố gắng mua vào khi giá sụt và bán khi giá vọt lên.

345. Một quy tắc hay nếu bạn muốn đầu cơ là: mua cổ phiếu những công ty có tiếng, trong một ngành đang tạm khủng hoảng. Khi giá trên thị trường chứng khoán của ngành ấy bị sụt thì những cổ phiếu của công ty có tiếng nhất cũng phải sụt theo. Song trong việc kinh doanh, không ngành nào bị khủng hoảng mãi. Lúc ngành ấy thịnh vượng trở lại thì những công ty có tiếng nhất trong lĩnh vực ấy lại vượt lên trước nhất và giá cổ phiếu cũng lên cao nhất.

346. Chỉ nên “xả láng” tiền bạc của bạn trong mức có thể. Đã làm kinh doanh, bạn khó tránh khỏi sự rủi may. Nhận lấy sự rủi may đôi khi có lợi. Một quy tắc trong giới doanh nghiệp là càng có phần may rủi nhiều thì số lợi nhuận càng lớn. Nếu mua những phần hùn trong một công việc kinh doanh mới bắt đầu, bạn chỉ nên mua với giá thấp bởi một doanh nghiệp mới xuất đầu lộ diện, chỉ toàn may rủi. Thói thường những giá khoán chắc chắn nhất là giá khoán căn cứ trên tài sản. Nếu nhắm mục đích là sự an toàn, trước nhất bạn chỉ nên bỏ tiền ra để cầm cố tài sản; nếu hơi có óc “cờ bạc” bạn có thể đầu cơ một cách khéo léo trên thị trường chứng khoán “bourse”.

347. Nếu cần giải quyết một vấn đề tài chính, bạn nên tham bác ý kiến người chủ ngân hàng. Người chủ ngân hàng không cùng địa vị với những nhân viên môi giới chứng khoán (agent de change) hoặc nhân viên chạy quảng cáo, những người này cốt sao lĩnh được mối để ăn hoa hồng và như vậy nhiều khi họ kiếm lợi nhuận trên lưng bạn. Trái lại, người chủ ngân hàng thường lo sao cho bạn khỏi mất của. Họ chỉ ăn lương bổng. Họ cho bạn những ý kiến, cho dù lời khuyên của họ không mang đến lợi lộc nào. Điều khác, người chủ ngân hàng có địa vị độc lập, họ có thể báo trước những hiểm nguy mà bạn cần biết. Bạn quả quyết đương đầu với hiểm nguy, tốt đấy, nhưng trước đó phải tìm hiểu những nguy cơ ấy. Không nên nghe lời khuyên từ những kẻ có thể hưởng lợi trên sự thua lỗ của bạn.

348. Nên mua chuộc cảm tình và lòng tin đối với viên chủ ngân hàng. Hãy xem ông ta như vị cố vấn. Ông ta không đòi tiền thù lao bởi ông ta đã có lợi vì thấy bạn làm được việc. Khi cần vay mượn, bạn nên nói rõ với ông ta về tình hình tài chính của bản thân. Đến thời hạn trả, bạn nên giữ đúng để tạo lòng tin. Bổn phận của ông ta là cho vay ngắn hạn, không phải bỏ vốn vào công việc trường kỳ. Trước khi mua cổ phiếu, hoặc tài sản, nên hỏi ý kiến của ngân hàng. Ông ta có nhiều kinh nghiệm về tài chính mà bạn không có.

349. Bạn chớ mạo hiểm, cố tạo cho mình cái tiếng là một người mua hàng vô tâm, liều lĩnh. Danh tiếng ấy rất đắt giá. Một công việc kinh doanh có thể bị sụp đổ chỉ vì việc phân bổ hàng bừa bãi. Lý tưởng của một người mua hàng đắc lực là: mua những món hàng thích đáng, vào lúc thích hợp, với một số lượng thích hợp, của những hãng xứng đáng và một giá vừa phải. Tốt hơn chỉ nên phân bổ hàng ở những hãng đã có tín nhiệm. Điều khác, không nên quá hấp tấp trong lúc mua. Làm cách nào để đồng tiền của bạn sinh lợi thật nhiều? Đó là câu hỏi đáng cho bạn suy nghĩ.

350. Không nên mua sắm quá mức bạn có thể trả. Nếu chúng ta biết giữ quy tắc khôn ngoan sơ đẳng ấy, ắt tránh được nhiều cuộc khánh tận. Quy tắc ấy có thể áp dụng về tiền bạc cũng như về hàng hóa. Nợ nần trở thành một mối hiểm nguy khi nó vượt đến mức cao hơn số vốn bạn có hoặc khi bạn mua những hàng hóa khó có thể tiêu thụ ngay trong năm. Vì nợ nần, có một phần suất (pourcentage) mà chúng ta không nên vượt qua. Một công việc kinh doanh khó có thể tồn tại nếu nó hoàn toàn dựa trên món tiền nợ hoặc trên số vốn mà 2/3 là tiền nợ. Vay mượn đến một nửa số vốn còn tạm được tuy vẫn rất nguy hiểm. Có thể tránh khỏi bị kẹt tài chính nếu bạn chỉ mua những gì có thể trả.

351. Chớ mua khi bạn bị ép buộc. Không nên xuất tiền ra mua, không cho mượn, không bỏ vốn vào việc gì trong khi bạn đang bị ảnh hưởng của một sức dẫn dụ nào đó. Hãy để ngày mai quyết định. Tìm hiểu rõ ý kiến của bạn về việc đó. Không được để người khác làm lung lạc, đó là một quy tắc hay để tự vệ, nó sẽ giúp bạn tránh mất tiền bạc. Có nhiều người bán hàng, môi giới đầy nhiệt huyết, lại có những người họ hàng bao vây để cầu cạnh và nài bạn phải trả lời tức khắc. Nếu “gật đầu” ngay, chắc chắn bạn sẽ hối tiếc. Giữ tiền cũng khó như kiếm ra tiền. Trước một cuộc tấn công, bạn chớ tỏ ra lung lạc, luôn luôn biết trì hoãn sự phúc đáp.

352. Nếu không đủ phương thức trì hoãn, chỉ nên mua những gì bạn có thể bán lại nhanh và không bị thua lỗ. Khi mua một món hàng, bạn luôn luôn phải xem xét về yếu tố có thể bán lại món ấy chăng. Giá trị của một món hàng không chỉ căn cứ nơi giá mua hoặc giá trị của nó mà chính ở sự đòi hỏi của khách hàng. Nếu mua những chứng khoán có giá trị ở trị trường chứng khoán, bạn có thể bán lại ngay, nhưng nếu mua những chứng khoán không đáng giá như một bằng sáng chế hay một ngôi nhà ở một vùng hẻo lánh, bạn có thể thấy rằng thật khó bán những thứ ấy khi cần. Muốn chắc ăn, bạn chỉ nên mua những gì mà mọi người đều thèm muốn.

353. Trong doanh nghiệp, nên đòi hỏi người ta phải trả một cách xứng đáng những gì bạn đã cung ứng về hàng hóa cũng như về sự phục dịch. Mua hàng về để bán lại kiếm lợi, bạn trả lương để người giúp việc làm lợi cho bạn. Nếu chểnh mảng về điều ấy, bạn sẽ bị người ta “lừa thăng tráo đấu” trong tất cả mọi việc. Bạn phải trông nom món tiền tiêu tốn, bằng không sẽ có người lấy tiền bạn mà không trả xứng công của.

354. Hãy cố giữ tầm hoạt động dưới mức số vốn bạn có. Hãy liệu cơm gắp mắm. Không nên kinh doanh quá sức. Mua quá nhiều cũng như vay mượn quá nhiều là những lề lối nguy hiểm. Đó là nguồn gốc của nhiều vụ khánh tận. Chính sách lành mạnh hơn cả là chỉ dùng vốn riêng mình sẵn có, mua bán tiền mặt và thành lập số tiền dự trữ. Mọi số tiền chiết khấu mà bạn được hưởng đều là số tiền lãi ròng. Nếu không mắc nợ thì không bao giờ một công việc kinh doanh lại có thể lâm nguy. Muốn được an tâm an trí, bạn phải biết sợ công nợ. Để có thể nắm vững những công việc kinh doanh, bạn chỉ nên hoạt động dưới sức mình.

355. Tốt hơn không nên mua trả góp dài hạn. Mua theo lối ấy, bạn phải trả đắt hơn nhiều vì người ta sẽ tính thêm tiền lời, tiền chi phí phụ trội, tiền công người đi thu…
Lối bán trả góp hẳn là có ích cho những người không biết tiết kiệm. Đối với bạn tốt hơn là nên dành dụm tiền và khi cần mua một món đồ gì hãy đợi đến khi đã góp đủ số tiền cần thiết, chớ làm suy giảm sức mua (pouyoir d’achat) của bạn. Với một số tiền nhất định, bạn sẽ mua được nhiều hơn nếu biết chờ đợi và mua bằng tiền mặt. Hơn nữa, sự tiết chế mà bạn tự bắt buộc sẽ có ảnh hưởng tốt về phương diện tâm lý.

356. Một thói quen tốt nên tập là cứ nhân 52 lần tất cả những món tiền nhỏ mà bạn quen tiêu xài hàng tuần. Bạn sẽ tính ra trong một năm, tổng số tiền tiêu xài ấy nhiều hơn là bạn tưởng. Nếu mỗi tuần bạn dám bỏ bớt một chi phí nào đó trị giá bằng đồng lương bạn lĩnh trong giờ làm việc, thì một năm bạn sẽ kiếm được món tiền tương đương với số tiền lương của một tuần lễ. Đối với nhiều người, số tiền như thế thật đáng kể. Nên nhân lên 52 lần, mỗi món tiền dành dụm hoặc mỗi món tiền tiêu xài hàng tuần để tìm ra món tiền hàng năm. Đó là một cách tiết kiệm khôn ngoan.

357. Nên buộc mình trả đúng kỳ hạn những gì bạn thiếu. Bạn cần giữ tiếng là một con nợ đúng hẹn và đáng tin cậy. Nhiều người chỉ trả nợ sau khi người ta đòi năm lần bảy lượt, lại có người chỉ trả khi bị người ta đưa ra trước pháp luật. Có người lại không muốn trả hoặc không thể trả. Khi đến vay ngân hàng trong thời hạn ngắn, bạn nên trả đúng ngày hẹn. Giữ được như vậy trong mươi lượt bạn sẽ được người ta tin cậy. Không chính sách nào tệ hơn là không đếm xỉa đến những bản kế toán và trì hoãn việc trả tiền. Lấy tiền của người khác làm của mình là điều bất chính. Một món nợ bắt buộc có giới hạn về thời gian. Người liêm sỉ là người trả tiền đúng hẹn.

358. Nên bảo vệ sự tin tưởng của người khác với bạn. Có thể sánh nó như tấm gương. Nếu nó bị hoen ố người ta còn có thể lau chùi nhưng nếu nó bị vỡ thì thật vô phương hàn gắn. Chậm trả những món tiền bạn thiếu, sự tin tưởng của người khác đối với bạn tạm thời bị hoen ố, song nếu chỉ một lần bạn không trả đủ thì nó cũng đã bị rạn nứt.

359. Không nên vay nợ để thỏa mãn một thú vui. Làm như thế bạn sẽ tự xếp mình vào hàng những người phung phí. Hãy quyết tâm gia tăng sức mua và chỉ nên tiêu xài cho những thú vui tùy theo điều kiện bạn có. Chớ sắm ô tô nếu bạn chỉ có vừa đủ tiền để tu bổ chiếc xe đó. Phải kiểm soát tất cả những khoản chi phí của bạn cho đến khi nào bạn thật sự giàu có và không còn quan tâm đến tiền bạc. Nếu đã mang tiếng là một con nợ (cố chầy), bạn phải mất nhiều năm mới lấy lại được tín nhiệm. Trong những bước đầu tiên trên con đường lập nghiệp, bạn nên tránh công nợ. Như thế bạn sẽ phát triển thêm lòng tự tin và tính cương nghị.

360. Còn nếu muốn biết có nên vay mượn không, thì điều ấy tùy khả năng và theo mức lãi ròng của bạn. Nếu bạn “mình trần thân trụi” thì không nên vay mượn. Cũng không nên vay mượn nếu khoản đó chỉ giúp bạn sinh lợi khoảng 5%. Số lãi ròng ít ra phải bằng hai lần số tiền lời bạn phải trả. Nếu biết làm lợi đến 14% thì cần bao nhiều tiền bạn cũng có thể vay mượn và người chủ ngân hàng không ngần ngại trong việc cấp vốn cho bạn. Trong kinh doanh, chính số vốn tạo ra những yếu tố, có thể nói tất cả những yếu tố, sinh lợi, ngoại trừ khối óc.

361. Khi đã khá giả, bạn nên nhớ rằng nghiệp “phú quý” là một nghiệp hữu ích và danh vọng nhất. Nhưng bạn cần phải có một quy luật luân lý mà tôi xin tóm luận dưới đây:

– Tôi kiếm tiền bằng cách phục dịch quần chúng.

– Tôi nâng cao đời sống nhân viên của tôi và tôi chỉ huy họ một cách nhân đạo.

– Tôi chỉ cải tiến ngành thương mại hoặc ngành kỹ nghệ của tôi.

– Tôi dám phân phối đồng tiền một cách rộng rãi cho những gì xứng đáng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.