Làm nên 400 điều trường học vẫn không dạy bạn

6. ĐỘNG CƠ TINH THẦN



160. Bạn nên trang bị cho “cỗ máy” tinh thần. Não là phần tư duy trong thể xác bạn, đó là cả một nhà máy. Nó sản xuất những ý kiến, những chương trình, những phương pháp, song nó cũng cần bổ sung những yếu tố thích đáng. Nếu bạn cung cấp cho nó những nguyên liệu tầm thường, nó chỉ sản xuất ra những sản phẩm tầm thường. Bạn phải cung cấp cho nó ý tưởng của những nhân vật quan trọng, những con người thành công, những sự kiện thu nhặt trong khi du lịch, trong khi đọc sách hoặc do kinh nghiệm riêng. Bạn phải đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất ý tưởng. Tất cả những gì tốt đẹp hoặc hữu ích của nền văn minh hiện đại đều được thai nghén trong “xưởng máy tinh thần”.

161. Bạn là một người thực tế, không phải là lý thuyết gia nên có thể dùng trí tưởng tượng vẽ cho bạn thấy trong tâm trí những gì chưa có, hoặc có thể xảy ra. Nếu có được trí thông minh biết kiểm soát, nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Một kiến trúc sư “thấy” trước trong trí óc ngôi nhà họ sẽ xây dựng. Một nhà phát minh “thấy” trước trong trí óc bộ máy họ sẽ chế ra. Ai cũng có ít nhiều tưởng tượng, song ít người nhận thấy nó có thể giúp ích cho họ bằng cách nào. Họ không biết đó là cả một vốn tinh thần, mặc dù trí tưởng tượng đã từng mở đường cho bao nhiêu sự nghiệp, đã từng tạo ra bao nhiêu kỹ nghệ. Nhưng nó cần được kiểm soát.

162. Phải kiểm soát trí tưởng tượng và trí nhớ. Trí tưởng tượng kiểm soát bộ phim hiện ra trong tâm trí bạn, những gì có thể có được, còn trí nhớ thì diễn lại những gì đã có. Trí tưởng tượng giúp con người tìm những cách cải tiến và sáng tạo. Trí tưởng tượng và trí nhớ là hai động lực thúc đẩy nhân loại tiến bộ. Đó là một bộ máy gồm chiếc xe và bộ phanh của xe, và bạn đều cần dùng đến cả hai. Nếu chỉ có trí tưởng tượng bạn sẽ đâm ra mơ mộng một cách vô ích. Nếu chỉ có trí nhớ bạn sẽ chỉ là người máy. Để đạt những kết quả tốt đẹp, bạn cần phải pha trộn cái cũ và cái mới.

163. Về trí nhớ, bạn cũng có thể phát triển và kiểm soát nó. Đó là kho chứa hàng của khối óc. Kho hàng ấy có thể chứa những bảo vật cũng như có thể chứa những món đồ xoàng xĩnh. Trí nhớ không biết sáng tạo. Giá trị của nó tùy thuộc những gì nó chứa chất và tùy thuộc sự kiểm soát của bạn. Nó chỉ đáng xếp sau một khối óc hoạt động. Khi một người hoặc một đất nước chỉ biết “nhớ” mà không biết “tư duy” thì cả hai đều sụp đổ. Bạn phải có một trí nhớ được tuyển lọc, chỉ nên nhớ những gì có ích và quên những gì vô ích.

164. Khi trí nhớ của bạn không được kiềm chế, nó sẽ biến thành một kẻ thù địch, không còn biết cảm thụ, không còn biết học hỏi. Bạn chỉ biết bám vào những tín ngưỡng, những tập tục, bạn chỉ níu lấy những thói quen cũ. Trí nhớ vì thế sẽ là cái phanh hãm bánh xe tiến bộ. Nó có thể làm sụp đổ cả một quốc gia. Một sai lầm của nền giáo dục hiện đại là chỉ nhồi nhét vào trí nhớ bạn trẻ những ý kiến, những tư tưởng của thời xưa mà không biết khuyến khích họ tư duy một cách sáng tạo. Phát huy tư duy mới là điều chính, còn trí nhớ, ta chỉ nên đặt nó ở địa vị đáng có.

165. Làm sao kiểm soát trí nhớ? Bạn nên biểu diễn lại một cách linh hoạt những gì muốn nhớ và lờ đi những gì muốn quên. Muốn nhớ kỹ một điều gì, bạn cần lặp đi lặp lại nhiều lần, tưởng nhớ đến nó, liên tưởng đến những hình ảnh khác có liên quan đến nó. Ghi rõ trên giấy một ấn tượng đang in sâu vào trí nhớ bạn một cách linh động, khó phai mờ. Còn ngược lại, nếu muốn quên một điều gì, bạn không nên tưởng nhớ, chớ nên nghiền ngẫm nó, để ấn tượng ấy phai mờ dần dần.

166. Trí nhớ bạn cũng như ngọn lửa. Nó là một người đầy tớ tốt nhưng lại là một người chủ xấu. Nó phải lệ thuộc ý chí bạn. Nó phải phụng sự bạn, chớ để nó làm khổ bạn. Gặp một việc gì khó, nếu nghiền ngẫm và dằn vặt mãi, nó sẽ trở thành một mối lo có thể ám ảnh bạn, tâm trí bạn sẽ mất thăng bằng. Bị một việc ở tương lai ám ảnh đôi khi còn có ích, bị ám ảnh về một việc đã qua thì luôn luôn vô ích và có hại. Bị một việc xấu ám ảnh mãi có thể khiến bạn loạn óc.

167. Bạn phải biết làm nảy nở sức mạnh của ý chí để đủ sức vượt qua mọi khó khăn, để khỏi bị đánh bại. Có một cách hay để luyện chí là phải thích thú với công việc mình làm, nếu đó là một việc đáng làm. Phải đặt cho mình một mục tiêu. Bạn chỉ cần tiến thẳng theo hướng đã nhắm. Không một người nào đạt đến địa vị cao sang trong xã hội này mà khi xuất thân lại không đặt mục tiêu trong cuộc đời. Khi đã thành công phần nào, ý chí bạn càng thêm mạnh.

168. Bạn nên lập óc phán đoán cho thích đáng. Có những người không bao giờ biết phán đoán. Óc phán đoán tùy thuộc vào tri thức, kinh nghiệm và sự khôn ngoan của bạn. Ít ra, người ta có thể thu thập tri thức và kinh nghiệm. Nhờ óc phán đoán chúng ta mới nhận định giá trị con người và sự việc một cách xác đáng, không sai lầm. Nó giúp ta hành động bằng cách dựa vào những sự kiện, không theo dư luận, cảm tình hoặc tập tục. Bạn cần biết phán đoán để nhận thấy trong mỗi việc đâu là điểm cốt yếu.

169. Phải phát triển những phương tiện để diễn đạt ý của mình. Có nhiều người ít kinh nghiệm song có tài ăn nói, nhưng đồng thời cũng có nhiều người khôn ngoan và sành sỏi lại thiếu những phương tiện diễn đạt ý của họ. Đó là một thiệt thòi lớn, họ chưa bao giờ học qua nghệ thuật dùng lời nói một cách có sức mạnh. Dù làm nghề gì, biết ăn nói có thể giúp bạn rất nhiều. Chớ nên xem thường quyền lực của lời nói.

170. Bạn phải tập ăn nói. Nhiều người nhờ ăn nói trôi chảy và hấp dẫn mà chinh phục được người khác, không phải nhờ giá trị cá nhân họ. Tài ăn nói không phải là một chứng chỉ cho sự thông minh hoặc đức độ. Tuy nhiên, nó đã đưa nhiều người lên những địa vị quan trọng. Ở nhiều nước, những diễn giả có tài thường nắm quyền bính trong tay, chứ không phải những nhà tư tưởng. Nếu không tham gia hoạt động xã hội hay chính trị, bạn vẫn cần phải biết cách nói trước công chúng. Nghệ thuật ăn nói rất cần cho những người chỉ huy. Ngoài ra, bạn còn thấy nhiều áp dụng thực tiễn khác.

171. Bạn nên rành tiếng mẹ đẻ nhưng phải học tiếng Anh. Không nên phí thời giờ học nhiều ngoại ngữ, chỉ cần biết một hai thứ để có thể đi du lịch. Tốt hơn là đem hết cố gắng học tốt tiếng Anh hơn là học qua loa nhiều thứ tiếng. Tiếng Anh thông dụng ở khắp thế giới. Bạn nên biết nhiều ngữ vựng. Ít có người thuộc nhiều hơn 8% từ của một ngoại ngữ. Còn việc học những ngôn ngữ La Tinh, Hy Lạp theo tôi thường là một sự phung phí thời giờ, và chỉ dành cho một số học giả nào đó mà thôi. Nếu trong thương trường, bạn nên luyện tiếng Anh thương mại.

172. Bạn nên viết như bạn nói. Không nên dùng những câu “khách sáo”, những danh từ chuyên môn theo lối tòa án, thường thấy trong những thư từ mua bán. Nên dùng lối văn nói chuyện. Một quy tắc thực tiễn là ghi sơ qua những gì ta cần nói rồi xem đó như một nguyên cảo, chúng ta dựa vào đó để sửa chữa câu văn, rút ngắn lại càng nhiều càng tốt rồi sau cùng sẽ viết lại. Loại bỏ những từ không rõ nghĩa, gọt đẽo câu văn thêm chau chuốt. Đó là một cách hay để viết thư thương mại, để viết những thông cáo, những bài quảng cáo hiệu nghiệm.

173. Dù bạn nói hay viết, cũng nên tập “cô đọng” lại ý. Bất luận ai cũng có thể rót một “gáo” ý vị vào một “thùng” nhưng phải là người có tài mới có thể rót cả “thùng” ý vị vào một “gáo”. Khi cố gắng “cô đọng” ý, bạn cũng đã tập tư tưởng một cách rõ ràng, và những gì bạn nói hoặc viết sẽ thêm giá trị. Thư bạn viết, diễn văn bạn đọc sẽ hiệu nghiệm hơn nếu nó có độ dài hợp lý. Khi bạn cần nói một điều gì, chớ nói dài dòng. Hãy tập trung ý, hãy “cô đọng” lại.

174. Luyện giọng bằng việc ca hát hoặc diễn thuyết cũng có nghĩa là tập nói hoặc tập hát. Tập hát cũng là một cách để tránh giọng mũi hoặc để làm dịu bớt một giọng khàn hay the thé. Khi hát như vậy, giọng chúng ta phát ra ở phần trên cửa miệng, không phải trên lỗ mũi hoặc ở trong miệng. Đấy cũng là một cách tập cho giọng nói được du dương.

175. Bạn cũng nên tập làm một thính giả sành điệu. Thường khi bạn nghe sẽ có lợi hơn là nói. Ngay trong việc bán hàng, người ta cũng nhận thấy muốn bán hàng đắc lực nên nghe nhiều hơn nói. Người biết nghe đi đến đâu cũng được tiếp đãi. Biết chất vấn, hỏi han là người khôn ngoan. Theo thói thường, chúng ta lại thích nói hơn thích nghe. Bạn sẽ đạt mục đích một cách linh nghiệm hơn nếu biết lắng nghe. Biết nghe chăm chú cũng là một cách để tỏ ra nhã nhặn, vị nể của mình đối với người khác.

176. Thỉnh thoảng cũng nên gắng sức để phát triển óc quan sát. Không nên du ngoạn với cặp mắt lờ đờ, nên tìm xem những gì mà trước giờ bạn chưa trông thấy. Nếu cặp mắt linh hoạt, trong một giờ ít ra bạn sẽ có dịp nhìn thấy 10 việc hoàn toàn mới mẻ đối với bạn. Nhận xét và so sánh là cách thức hiệu quả phát triển khả năng tư duy.

177. Càng có tuổi, óc quan sát chúng ta càng kém, trừ phi bạn gắng sức chăm nom gìn giữ nó. Một đứa trẻ 10 tuổi có thể thu thập 40 điều quan sát trong một ngày. Đến 60 tuổi một người có thể trải qua suốt một ngày mà không quan sát một điều gì cả. Phần đông chúng ta chỉ quan tâm đến những gì mới lạ, khác thường. Chúng ta không trông thấy những gì quá thông thường, hoặc chúng ta chỉ nhìn thấy những gì chúng ta không chú ý. Người ta nhìn bằng khối óc, không phải bằng cặp mắt. Người mà khối óc không hoạt động có thể mù quáng trước những gì đang hiện ra trước mắt.

178. Hãy tập nhìn sự vật một cách chăm chú. Những người mẹ da đỏ thường dạy con cái họ làm như vậy, nhờ vậy người da đỏ thường có cái nhìn sắc sảo hơn người da trắng. Đôi mắt chúng ta thường máy động luôn, chúng ta hay liếc qua liếc lại, nhưng muốn tập quan sát, chúng ta phải biết nhìn chăm chú. Nhìn chăm chú một vật gì, đồng thời tư duy nhiều, đó là biết cách nhìn. Những cặp mắt đảo qua đảo lại không thấy gì cả, nó không thể truyền ý cho khối óc. Đôi mắt là những cửa sổ mà trí tuệ chúng ta sẽ phóng tầm mắt qua đó.

179. Bạn nên tập làm chủ khối óc để có thể tập trung tư tưởng và quan sát khi cần. Bạn không thể cùng làm hai việc một lúc, mặc dù đó là điều cần. Khi một luồng ý tưởng này sinh, trong một khoảnh khắc bạn quên hết hiện tại. Quá trình của tư duy là thế, nhưng bạn cần buộc mình phải quen dùng cặp mắt và quan sát. Sự quan sát đem lại cho khối óc những nguyên liệu cần thiết cho tư tưởng.

180. Thỉnh thoảng cũng nên thí nghiệm xem óc quan sát của bạn còn tinh nhuệ chăng. Một trắc nghiệm thường được dùng là nhờ một người nào đó đặt lên bàn độ 20 vật nho nhỏ. Bạn hãy nhìn những vật ấy thật kỹ trong một phút. Sau đó quay mặt đi chỗ khác, viết vào giấy tên của những đồ vật bạn nhớ đến. Nếu ghi lại được khoảng 15 món đồ, bạn có thể tự hào là quan sát giỏi. Một trắc nghiệm khác là nhìn kỹ một bức tranh trong một phút, sau đó nhắm mắt lại và kiểm điểm lại những chi tiết mà bạn đã nhận thấy trên bức tranh ấy.

181. Bạn nên lưu tâm và nghiệm xét ý kiến của người ngoài về công việc kinh doanh của bạn. Họ quan sát đích xác. Đôi khi người đứng ngoài xem đánh cờ, tìm ra những thế cờ hay hơn người trong cuộc. Người ngoài cuộc dễ chú ý đến những điều quá hiển nhiên mà chúng ta đang ở trong cuộc lại không nhận thấy. Xét qua lịch sử những phát minh, chúng ta nhận thấy những phát minh nho nhỏ là do người trong cuộc chế ra nhưng những phát minh vĩ đại thường do người ngoài cuộc. Đó là do bản chất của óc quan sát.

182. Để nhìn thấy đồ vật một cách dễ dàng, chúng ta nên bày trong tủ kính hoặc phải nghiên cứu cách làm nổi bật vật cần nhìn. Chúng ta có nhận thấy rõ một món gì, một vật gì là tuỳ hình thức của nó. Những hình thức này được chỉ định bởi góc cạnh và những góc cạnh này có nổi bật hay chăng là do sự phản chiếu màu sắc. Thuật ngữ làm nổi bật món hàng ngược hẳn với thuật ngữ nguỵ trang. Muốn làm cho một món hàng được nổi bật trên tấm phông thì màu sắc phải đối lập hẳn. Không ai có thể nhìn rõ màu xám. Sách vở đều được in bằng mực đen trên giấy trắng. Nếu in bằng mực xám chắc không ai đọc nổi.

183. Dù không phải là hoạ sĩ, bạn cũng cần biết một vài nguyên tắc về màu sắc. Có những màu không thể hoà hợp nhau và có những màu có thể hoà hợp nhau. Ví dụ màu đỏ không thể đi với màu lam hoặc màu xám đi với màu nâu, màu cam với màu vàng, màu tím với màu xanh. Trái lại, màu đen có thể đi với màu hồng, màu trắng với màu xanh lợt, còn màu vàng thì đi với màu tím đỏ, màu xanh đi với màu cam. Nếu bạn trình bày món hàng màu trắng, nên đặt trên nền xanh, nếu món hàng màu đen nên đặt nó trên nền vàng. Những người không biết nguyên tắc dung hoà màu sắc thì tốt hơn đừng dùng những màu tối.

184. Không nên bỏ lỡ cơ hội thị sát các hội chợ và những cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Đó là những dịp để cho ta tiếp xúc với các món hàng mới sáng chế, với các hãng biết tổ chức hiệu quả nhất. Mỗi cuộc triển lãm là một cơ hội thể hiện của các quốc gia, các doanh nghiệp. Bao nhiêu phát minh đều quy tụ ở đó. Các cuộc triển lãm quốc tế bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX, trở thành một trong những phương thức hay nhất để phô bày sản phẩm trong nước và xuất khẩu của một quốc gia.

185. Mỗi năm bạn nên đi du lịch trong vài tuần để thăm viếng các nước. Những cuộc du lịch có ảnh hưởng rất tốt đối với trí não. Nó phát triển óc quan sát và đem lại cho ta những quan niệm mới mẻ. Nó giúp ta gạt bỏ những thành kiến địa phương, bắt buộc ta phải suy nghĩ. Hiện nay, nhờ vào đường hàng không, ta có thể di chuyển nhanh chóng và đầy đủ tiện nghi. Từ Paris đi Washington chỉ mất hơn 10 ngày. Nên đi du lịch tuỳ theo thời giờ và túi tiền của mình.

186. Bạn chưa đến tuổi già, nên tự nhủ rằng trong người bạn còn nhiều khả năng tiềm ẩn chưa được khai thác. Chưa gặp được hoàn cảnh thuận lợi, chưa biết được khả năng của ta có thể tới mức nào. Hãy xem gương cậu Robert Clive, lúc 20 tuổi, cậu chỉ đóng vai một viên thư ký nhỏ tại hãng East India Company, cậu chưa biết mình sẽ ra sao. Mười năm sau cậu ta trở thành một Đại tướng, một vị tướng lĩnh lừng danh khắp thế giới. Không bạn thanh niên nào tiên đoán nổi bộ óc thông minh có thể đưa mình đến đâu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.