Làm nên 400 điều trường học vẫn không dạy bạn

7. GIAO DU



187. Sống là một nghệ thuật giao tiếp. Những cuộc tiếp xúc hàng ngày sẽ khắc sâu trong tâm trí người xung quanh những ý niệm tốt hay xấu về ta. Mỗi ngày, chính ta gây ra những thiện cảm hoặc bất thiện cảm. Nên tránh mọi xích mích, đụng chạm. Về cách giao tiếp với khách hàng, ta luôn luôn phải làm hài lòng. Sự thành công của bạn một phần lớn do giao tiếp của bản thân.

188. Trong môi trường kinh doanh, ta luôn phải chú ý đến giao tiếp. Việc kinh doanh không thể là độc chiếc, ít nhất phải có hai người. Sản xuất chưa hẳn là kinh doanh, kinh doanh đòi hỏi phải có hai người hoặc nhóm người. Vì thế ta phải đặc biệt chú ý đến đối phương.

189. Mỗi khi tiếp xúc với ai đó để mua bán hoặc giao dịch, chớ quên rằng ta đang đứng trước một đối phương có nhiều mặt. Ta chỉ nhìn thấy hình thể, không nhìn thấy tâm hồn, tình cảm hoặc tính nết họ. Muốn cảm hoá họ, ta cần phải tìm hiểu những nguyên nhân, động lực sai khiến họ. Phải tìm hiểu những gì tiềm tàng trong não họ. Tuỳ bản thân mỗi người mà bạn ứng xử. Phải nghiên cứu tường tận những gì người ta ưa thích, những gì làm người ta khó chịu.

190. Phải biết áp dụng một cách đắc lực giao du của mình. Chẳng hạn, khi tiếp xúc với một người, ta nên đặt những câu hỏi:

– Người ấy biết rõ những gì có thể giúp ích mình chăng?

– Ta có thể giúp ích cho người ấy?

– Người ấy có thể làm điều gì có lợi cho ta?

Hành động này giúp cho ta đỡ mất thời gian nói những chuyện vô bổ. Ngoài ra, nó còn giúp cho ta gặp được những người bạn tốt trong công việc.

191. Mỗi khi đàm đạo hoặc giao dịch, ta nên để ý điều này: phải tỏ ra mình biết rành mạch về danh tính của họ. Đây là một điều rất quan trọng. Danh tính là điều mà người ta xem như một vật sở hữu. Khi ta nghe ai gọi tên mình mà không đúng, ắt ta rất buồn phiền. Gọi không đúng tên, có khác nào cho thấy người ấy không đáng để ý. Nếu ta lỡ quên hoặc không rõ danh tính của người đang đàm đạo thì tốt hơn nên xin phép người ta nói rõ cho mình.

192. Nên ăn ở có chừng mực. Cố gắng để cho người khác nhìn nhận ta là một người mực thước. Theo lịch sử tiến hoá nhân loại, ăn ở có chừng mực là một đức tính mới xuất hiện từ khi con người phát minh ra đồng hồ. Trong một nước văn minh, đức tính ấy trở thành một nghĩa vụ. Ăn ở chừng mực tức là áp dụng đức tính liêm khiết trong sử dụng thời gian. Trong xã hội bây giờ, ta xem nó như một chứng chỉ về tính cương quyết. Bạn phải trả nợ đúng hẹn, trả lương đúng kỳ, giao hàng đúng giờ. Người không chừng mực đã làm mất thời giờ của chính họ và của người khác.

193. Người kinh doanh chính đáng là người biết phụng sự công chúng để hưởng một số lời chính đáng. Kinh doanh tức là phụng sự. Kinh doanh giỏi tức là phụng sự nhiều người. Nên suy nghĩ về hai điểm này: trước nhất ta phải phụng sự khách hàng; sau đó khách hàng phải trả ta một số tiền tương xứng để ta có thể tiếp tục nhiệm vụ. Tóm lại, phục dịch người khác để nhận một số tiền lời thích đáng, đó là kinh doanh.

194. Thành công nhiều hay ít là do ở giá trị sự phục dịch của mình. Phục dịch tức là nói hoặc làm để hướng dẫn, giúp vui hoặc làm lợi cho kẻ khác. Phục dịch căn cứ trên ba điểm chính: lịch thiệp, đắc lực và đảm bảo. Một hãng bị sụp đổ hoặc được đứng vững là tuỳ cách phục dịch của nó. Các doanh nghiệp đều đặt trọng tâm vào vấn đề tài chính và vấn đề phục dịch khách hàng. Về phương diện dụng cụ hoặc hàng hoá, ít có hãng nào làm hay hơn đối phương. Nhưng bất cứ hãng nào làm hay hơn có thể làm hơn người bằng cách phục dịch khách hàng một cách mỹ mãn hơn.

195. Hoàn thành một công việc sáng tạo và nhận thấy công việc ấy được người đời thưởng thức, đó là thành công. Một người không giúp ích cho ai cả, không thể gọi là thành công. Cuộc sống của chàng hà tiện không phải là đắc thắng vì anh ta phải trả một giá quá đắt. Những thành công lớn lao luôn luôn có những yếu tố “tài năng”, “đắc lực” và “tính cương quyết” dự phần.

196. Hoặc bạn phải làm theo lời chỉ bảo của người khác hoặc bạn chỉ huy cho người khác làm. Hoặc bạn phải vâng lời một vị chỉ huy hoặc bạn phải đóng vai một chỉ huy. Chúng ta nên theo lời những người tài ba hơn ta và nên sai khiến lại kẻ kém hơn ta. Kẻ bất tài vừa muốn lẩn trốn trách nhiệm vừa muốn khỏi bị lệ thuộc. Họ không muốn điều khiển cũng không bằng lòng cho người khác điều khiển. Họ chỉ là một công nhân bình thường, không thể trở thành một ông chủ. Không thể lừng chừng: hoặc bạn phải vâng lời người khác hoặc người khác phải vâng lời bạn.

197. Bạn nên nhớ đến nhiệm vụ hơn là đến những điều thích hoặc không thích. Người có kinh nghiệm không để ý tới những cái thích hay không thích. Họ chỉ lo làm tròn công việc, dẫu muốn hay không. Mỗi người khi đến tuổi trưởng thành đều phải lo kéo cày. Họ phải nhận lĩnh trách nhiệm này là món mà người có tài năng phải đóng góp. Người đời sẽ phán đoán tuỳ theo nhiệm vụ và trách nhiệm bạn đảm đương.

198. Một phương châm giúp ta sống dễ dàng: là giúp ích cho kẻ khác. Dẫu giàu hay nghèo bạn vẫn có thể làm được điều đó. Ích kỷ và lo cho mình là một thiệt thòi lớn. Đời là một cuộc tương trợ cho dù chúng ta chưa đến mức “bác ái đại đồng”. Trong giới doanh nhân, sự giúp đỡ lẫn nhau có tên là: phụng sự. Hình thức tốt đẹp hơn hết về quan niệm phụng sự là sự hy sinh của một quốc gia khi tham gia vào chiến tranh để giải cứu một nước láng giềng.

199. Ta nên nuôi trong lòng ý niệm giúp ích cho kẻ khác. Đó là lễ độ cơ bản và đặc điểm của một phẩm tính tốt. Người gác thang máy cũng có ý niệm ấy. Ông bộ trưởng cũng thế. Người chỉ huy là người phụng sự mọi người. Đó là bí quyết của một cuộc sống công bằng. Người chỉ biết lo những gì mà họ nắm lấy, sẽ có kết cục tuổi già hiu quạnh, đầy chán nản. Bất cứ trong địa hạt nào, muốn thành công cần phải giúp kẻ khác. Kẻ ích kỷ sẽ bị trừng phạt đắng cay.

200. Bạn không nên bỏ lỡ cơ hội an ủi người xung quanh. Hàng ngày, bạn vẫn gặp nhiều kẻ thất chí, và bạn có bổn phận giúp đỡ. Phải làm cho bộ máy của họ chạy hài hoà. Gieo rắc sự chán nản và bi quan là một trọng tội. Về phương diện luân lý, làm khổ một người đang khổ là một tội lớn. Bạn nên cố gắng gieo sự tin cậy và tin tưởng vào tâm hồn kẻ đối thoại.

201. Mọi cử chỉ của bạn, lời nói của bạn đều ảnh hưởng đến kẻ khác. Bạn nên lo tu chỉnh phạm vi ảnh hưởng của mình. Mỗi ngày, bạn đều góp phần vào công cuộc xây dựng dư luận. Bạn sẽ đem lại cho người xung quanh một ảnh hưởng suy nhược hoặc phấn khởi. Bạn làm cho họ mạnh dạn hay yếu hèn. Bạn làm cho họ hạnh phúc hay khổ tâm. Trách nhiệm tinh thần buộc bạn không được làm tổn thương họ bằng những lời nói chán nản. Nên nhớ, ảnh hưởng của bạn rất quan trọng, bạn có bổn phận phải làm cho nó trở nên hữu ích.

202. Bạn nên tìm xem có ai kém về khả năng hoặc tài chính đang cần được bạn giúp đỡ. Với thái độ ấy, sự thành công của bạn mới thật là suôn sẻ. Bạn sẽ tránh được câu “vi phú bất nhân”.

203. Bạn phải biết kính trọng tuổi tác và sự khôn ngoan. Biết kính nể người nhiều tuổi hơn mình, đó là một khuôn phép xã giao. Song, bạn còn phải kính nể những kẻ tuy kém tuổi nhưng khôn ngoan hơn. Không đối xử như thế, bạn sẽ mất thiện cảm từ những người có tuổi và những người có khả năng hoặc có những hiểu biết chuyên môn. Khi dùng người, bạn nên quan tâm đến ý tưởng của họ về chính họ. Không biết nể vì là một lỗi lầm to, nhiều khi chúng ta phải trả bằng một giá rất đắt. Gặp người đáng phục, chớ tiếc lời khen tặng.

204. Suốt đời, bạn nên quan tâm đến việc học tập, đến trò chơi và cả đến những câu chuyện về bọn trẻ của bạn. Chính trẻ con có thể giúp ích cho bạn nhiều hơn là bạn giúp chúng. Chúng giúp cho tinh thần bạn trẻ trung. Chúng có những đức tính cần thiết và bạn sẽ thấy thiếu những đức tính ấy nếu không lân la với bọn trẻ. Chúng đầy nhiệt tâm, hay tò mò, ham hiểu và rất yêu đời. Chính bạn cũng cần có những đức tính ấy. Bọn trẻ có những quan điểm của chúng, nó cũng quan trọng như quan điểm của mình. Mọi người khôn ngoan đều biết: người lớn chỉ là một đứa trẻ to xác hơn thôi, bạn nên giữ cho tính tình mãi được trẻ trung.

205. Nên biết thương yêu loài vật. Tính ác độc là một thói xấu đáng ghét nhất và các nước văn minh đang tìm cách tận diệt nó. Những kẻ xử ác với loài vật ắt cũng tỏ ra ác độc với loài người. Bản chất con người càng thêm già dặn, người ta càng tìm thấy nhiều lòng bác ái trong xã hội loài người. Một vài con thú như chó, ngựa đáng cho chúng ta thương mến và cũng đáng cho chúng ta kính nể. Có những con chó còn đa cảm và thông minh hơn một số người. Chúng có tính khí nhưng bị thiệt thòi vì không biết nói. Nếu con chó của bạn nói được, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên về những điều mà chúng biết.

206. Nên biết chọn bạn và có nhiều bạn. Càng có nhiều bạn càng thêm thú. Nên kết thân với những người cùng hoạt động, cùng một sở thích với bạn và đừng gây thêm một kẻ thù nào. Người ta có thể “sang vì bạn”. Bạn có thể chọn bạn trong đám bạn trẻ hoặc trong số người đã có tuổi, song dễ thích hợp nhất là những người đồng tuổi với bạn. Rất có thể, một trong số bạn lúc thiếu thời sẽ là bạn tri ân suốt đời và khi bóng xế bạn sẽ càng nhận thấy giá trị vô biên của tình bằng hữu chân thành ấy.

207. Càng ít vốn liếng, bạn càng phải biết thu nhặt nhiều thiện chí. Bạn nên tìm kiếm những thiện chí ấy. Nên chịu khó đi tìm bạn hữu. Phải biết giúp ích cho kẻ khác và lúc cần cũng nên biết nhờ người khác giúp lại mình. Càng được nhiều người nói tốt về bạn càng hay. Không một ai trong số chúng ta có thể xem thường dư luận hoặc xem nhẹ cảm tưởng của những người xung quanh. Nếu có tính tự cao, kém giao du hoặc tính hay gắt gỏng, bạn dễ mất thiện cảm, nếu bạn làm cho người khác có ác cảm, đó là một thiệt thòi lớn. Ở đời, nhiều khi chúng ta nhờ ân sủng mà làm nên.

208. Đa số những người cùng hoạt động, chung một sở thích phải là bạn của bạn. Không nên gây những hiềm khích, ghen tị. Nên tìm cách thu phục thiện chí của những người cùng sở thích. Như vậy, không phải là để dùng họ như một bàn đạp cho bạn tiến bước, mà vì bạn biết quý trọng tình bạn của họ. Chúng ta không đủ tài khéo léo để kết bạn giả tạo. Do đó, chúng ta cần nhiều thời gian mới có thể kết thân. Tuy thế, chúng ta cũng nên biết thành thực lưu tâm đến những người đáng cho chúng ta lưu tâm, nhất là đối với những người cùng hoạt động trong một lĩnh vực kinh doanh.

209. Ít ra, chúng ta cũng phải có một vài người bạn thân mà chúng ta có thể bộc lộ tâm tình. Ai cũng có thể cần đến những người bạn thân tín, những người bạn mà chúng ta không phải giấu giếm một điều gì, cũng không phải rào trước đón sau trong khi nói chuyện. Đã hẳn là trong đường lối xã giao, nhiều khi chúng ta cũng phải dối lòng, phải màu mè để có thể lọt vào khuôn khổ xã hội. Có ai muốn làm một người kỳ quái? Song, đè nén tình cảm của mình mãi như thế rất có hại. Thỉnh thoảng, nếu có dịp đàm luận với một người bạn khả ái có thể hiểu mình, đó là một diễm phúc. Đó là phương tiện để đôi bên gia tăng hạnh phúc của mình.

210. Nên biết chăm sóc tình bằng hữu. Nếu bạn ở xa, hàng năm bạn cũng nên thăm viếng một đôi lần hoặc thỉnh thoảng nên có thư đi tin lại. Đến lúc về già, bạn sẽ hối tiếc những tình bạn đã mất. Chớ quên những bạn bè trong buổi đầu, có được vài người bạn sát cạnh với bạn suốt cả một đời, đó là một số vốn đáng quý.

211. Bạn phải có một khái niệm linh hoạt và rõ ràng về chế độ dân chủ. Dân chủ không có nghĩa đa số phải lên nắm chính quyền. Đó chỉ là chủ trương của những người mị dân. Dân chủ có nghĩa là làm thế nào để mỗi người được tự do theo đuổi quyền lợi riêng của mình. Dân chủ có nghĩa là mỗi người phải có thể thăng tiến bởi tài đức của mình, không phải bởi tông môn tổ đường hoặc bởi bè đảng.

212. Sống trong một chế độ dân chủ, bạn nên đóng góp vào việc tạo dư luận. Bạn phải biết sử dụng ảnh hưởng của mình, dù nó mạnh hay yếu. Bạn là một thành viên trong xã hội nên chỉ sử dụng lá phiếu không chưa đủ. Mọi nhà nước đều biết thích ứng chính sách của mình dưới áp lực của dư luận quần chúng và bạn có thể góp sức để tạo ra nó. Công cuộc bảo vệ tự do căn cứ vào cách mà dân chúng phát triển sở thích của họ.

213. Nếu bà mẹ cho đứa con những gì mà nó khóc lóc, vòi vĩnh, chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ bị “hư” ngay. Bạn phải sẵn sàng đón nghe ý kiến của bất luận ai, nhưng khi cần quyết định, bạn phải tự mình quyết định lấy để hành động hợp với quyền lợi của bạn và làm lợi cho mọi người.

214. Nếu bạn là một giáo sư hoặc một công bộc, nên tự đặt cho mình quy tắc là chỉ nói với quần chúng những gì họ cần phải biết, chớ nên nói những gì họ thích nghe. Nịnh hót bọn người dốt nát hoặc hứa hẹn mang cung trăng xuống cho họ là trò hề của một gã lưu manh. Người muốn lãnh đạo quần chúng không nên thoả mãn những thói mê tín hoặc những ý kiến dại dột của quần chúng. Đành rằng phải biết tỏ ra mẫn tiệp nhưng cũng đừng xao lãng mục tiêu chính của mình là: mưu cầu lợi ích cho dân chúng. Đối với các nhà lãnh đạo, đó là một bổn phận luân lý.

215. Thuật tuyên truyền quảng cáo phát triển mạnh theo nhịp độ phát triển của ngành in ấn, nhất là ngành vô tuyến điện. Bạn phải biết dùng mà cũng nên biết đề phòng thuật ấy. Người ta có thể lợi dụng báo chí để làm nhiều điều tốt mà cũng có thể làm nhiều điều không tốt. Nó có thể giúp ta những tài liệu để học hỏi hoặc để suy nghĩ, nhưng nó cũng có thể cung cấp những lời vô bổ. Nhiều bậc bác ái nhờ đến nó và lắm gã lưu manh cũng dùng nó. Nó ảnh hưởng rất mạnh đối với dư luận quần chúng, vì vậy chúng ta không thể không đếm xỉa đến nó. Bạn sẽ nhận thấy rằng có thể dùng nó để vừa mưu ích cho bạn vừa làm lợi cho kẻ khác.

216. Bạn phải tin tưởng ở một tương lai rực rỡ suốt đời, dù có gặp cảnh ngộ nào, bạn cũng phải vững lòng tin ở ngày mai. Mặc dù nhiều phen lên bổng xuống trầm, loài người cũng vẫn luôn luôn tiến bộ. Nhân loại đã tiến đến mức khá cao nhưng sẽ còn tiến nữa. Chúng ta có đủ lý lẽ để tin tưởng. Tất cả nhân loại đều đang tiến bộ. Riêng về phần bạn, có tiến bộ hay chăng, điều ấy tuỳ thuộc bạn, không do sự tiến hoá của nhân loại.

217. Việc hiểu rằng hạnh phúc là một trong những nguyên tắc của khoa học đắc lực, bạn sẽ tiến đến hạnh phúc chắc chắn hơn những người nhu nhược, sống không mục đích. Đây là bí quyết để tiến đến hạnh phúc: thương mến những người cộng sự với mình, cả những người mình phục vụ, phải thích thú công việc mình làm và luôn luôn tìm cách cải thiện chúng, phải có cao vọng muốn thăng tiến và làm tốt vai trò của mình một cách giỏi giang. Chính sách hay hơn cả là đồng thời nhằm hai mục tiêu: đắc lực và hạnh phúc.

218. Bạn sẽ nhận thấy, sống hạnh phúc trên cõi trần là một trong những lý tưởng của bạn. Bởi dù có sống được trăm tuổi, cuộc sống của bạn chỉ là một giấc phù du. Chỉ có đời sống tinh thần mới đáng kể, tuỳ theo nó có được hài hoà hay bấn loạn. Bạn không sợ bị ai cướp lấy đời sống bên trong ấy. Vì thế, bạn cần phải vươn mình đến hạnh phúc. Dù gặp phải cảnh ngộ nào cũng nên nhìn thế giới xung quanh bằng cặp mắt yêu đời.

219. Bạn nên biết thưởng thức những lạc thú mà bất luận ai cũng có thể hưởng:

– Cái thú HÔ HẤP, một phép màu kỳ lạ của sinh hoạt thể xác.

– Cái thú NGHE, một lối truyền âm thanh rất đặc sắc.

– Cái thú biết CẢM GIÁC, nó có thể dẫn dắt ta đến những tuyệt thú của tình cảm.

– Cái thú TƯ TƯỞNG, nó giúp ta liên lạc với vũ trụ tinh thần.

– Cái thú LÀM VIỆC, nó cho chúng ta cơ hội phục vụ đồng loại.

220. Bạn sẽ nhận thấy hạnh phúc gia đình là vô giá. Đó là một thứ thuốc hay để ngăn ngừa những chứng bệnh tinh thần và những bấn loại của tâm hồn. Đời sống bạn có hai phương diện: đời công, tức là đời sống xã hội và đời sống gia đình. Bạn phải chăm lo cả hai đời sống ấy. Gia đình là nơi để bạn ngơi nghỉ và phục hồi sức lực. Không một người nào có thể chịu đựng được cảnh gia đình xào xáo. Hôn nhân không phải là một việc bất khả kháng. Đối với một người đàn ông, nó có thể là một thành công rực rỡ hoặc tai họa. Gia đình có ảnh hưởng sâu xa, hoặc tốt hoặc xấu, đến cuộc đời mỗi người và suốt cả một đời người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.