Lão Goriot

CHƯƠNG 24



 Này! Ông Eugène.

– Thưa ông Eugène. Bà chủ gọi ông, Sylvie kêu lên.

– Ông Goriot và cậu lẽ ra đã phải ra khỏi đây vào ngày mười lăm tháng hai, bà goá phụ nói. Đã quá ba ngày rồi, hôm nay là ngày mười tám, cậu và ông ấy sẽ phải trả tiền cho tôi một tháng, nhưng nếu cậu muốn bảo lãnh cho ông Goriot, cậu phải hứa với tôi.

– Tại sao? Bà không tin tưởng ư?

– Tin tưởng ư? Nếu như lão ấy chết thì những cô con gái của lão sẽ không đưa tôi một xu nào. Còn tất cả những đồ quần áo cũ của lão thì không đáng giá mười phơ-răng. Sáng nay, lão đã mang đi những bộ đồ ăn cuối cùng rồi, tôi không biết tại sao. Lão ăn mặc rất trẻ trung, Chúa tha thứ cho tôi, tôi tin rằng lão đánh phấn hồng trên khuôn mặt.

– Tôi sẽ chịu trách nhiệm tất cả, Eugène rùng mình nói và hiểu ra rằng đang có một thảm hoạ.

Chàng chạy đến chỗ lão Goriot, lão đang nằm trên giường còn Bianchon ngồi bên cạnh.

– Chào ông cụ, Eugène nói, lão mỉm cười nhẹ nhàng và quay về phía chàng với cặp mắt lờ đờ và hỏi.

– Nó có khoẻ không?

– Dạ khoẻ, vậy còn cụ?

– Không tồi lắm.

Bianchon kéo Eugène đến góc phòng và nói:

– Đừng làm cho ông ấy quá sức.

– Sao vậy? Eugène nói.

– Ông ấy chỉ có thể thoát chết nhờ vào một điều kỳ diệu, chứng bệnh sung huyết đã tái phát, may thay ông ấy có những viên thuốc cao hột cải, ông ấy ngửi nó và có phản ứng.

– Chúng ta có thể chuyển ông ấy đi được không?

– Không thể được, cần phải để ông ấy ở đây, tránh cho ông ấy mọi xúc động.

– Anh Bianchon tốt bụng của tôi, cả hai chúng ta sẽ chăm sóc ông ấy.

– Tôi đã gọi bác sĩ trưởng trong bệnh viện của tôi đến.

– Vậy sao?

– Ông ấy sẽ nói kết quả vào tối ngày mai, ông ấy đã hứa với tôi là sẽ đến sau khi làm việc xong. Thật không may, sáng nay ông già khốn khổ của chúng ta đã phạm phải một điều bất cẩn mà ông ấy không muốn nói lí do. Lão là người rất cứng đầu. Khi tôi nói với lão thì lão xem như không nghe thấy và ngủ để không trả lời tôi hoặc là mở to mắt và bắt đầu rên rỉ. Buổi sáng, lão đã ra ngoài, và đi bộ trong Paris, không ai biết lão đi đâu. Lão đã mang theo tất cả những gì lão có. Đi làm cái vụ bán chác nào đó vượt quá sức của lão. Một trong số những cô con gái của lão đã đến đây.

– Bà bá tước? Eugène nói. Một người dáng cao, mái tóc màu hung, mắt lanh lợi, bàn chân đẹp, vóc dáng mềm mại phải không?

– Đúng rồi.

– Hãy để tôi ngồi lại một mình với ông ấy, Rastignac nói. Tôi sẽ gạn hỏi ông ấy, ông ấy sẽ nói với tôi tất cả.

– Tôi sẽ đi ăn tối, cố gắng đừng cho ông ấy cử động, may ra còn vài tia hy vọng.

– Cậu yên trí.

– Ngày mai, chúng nó sẽ vui chơi thoải mái, chúng sẽ đi đến một buổi dạ hội lớn, lão Goriot nói với Eugène khi trong phòng chỉ còn lại hai người.

– Cha, sáng nay cha đã làm gì để tối nay cha phải nằm trên giường chịu đau đớn như thế này?

– Không làm gì cả.

– Anastasie đã đến phải không cha? Rastignac hỏi.

– Đúng, lão Goriot đáp.

– Được rồi, cha không được giấu con điều gì. Cô ấy đã yêu cầu cha điều gì?

À! Lão cố lấy sức để nói. Nó thật là bất hạnh, Nasie không có lấy một xu từ sau cái vụ kim cương. Để đi dạ hội nó đã đặt mua một chiếc váy dệt kim tuyến phù hợp với nó, phù hợp với đồ trang sức. Bà thợ may của nó, một con mụ thối tha đã không muốn nó trả bằng tín dụng và người hầu phòng đã đặt trước một ngàn phơ-răng cho cái áo. Nasie tội nghiệp, nó đã đến đây. Điều đó đã làm trái tim cha đau đớn. Nhưng người giúp việc khi nhìn thấy Restaud không còn lòng tin với Nasie thì chị ta sợ mất tiền và đồng tình với bà thợ may chỉ giao váy cho nó khi một nghìn phơ-răng được trả. Buổi dạ hội sẽ diễn ra vào ngày mai, chiếc váy thì đã may xong còn Nasie đang trong nỗi tuyệt vọng. Nó muốn mượn tôi những bộ đồ ăn để đi cầm cố chúng. Chồng của nó muốn nó đến buổi dạ hội để chứng tỏ cho cả thành phố Paris biết rằng những viên kim cương mà người ta đồn là đã bán mất rồi, nó có thể nói với tên chồng ác quỷ câu này không: “Tôi phải trả mười nghìn phơ-răng, hãy trả số tiền đó đi.” Không, cha đã hiểu điều đó. Em gái Delphine của nó sẽ đi đến đó với bộ trang phục lộng lẫy, sang trọng. Anastasie không thể ở dưới vị trí của em nó được. Và nó đã khóc rất nhiều, đứa con gái tội nghiệp của tôi. Ngày hôm qua tôi đã rất nhục nhã khi không có lấy mười hai nghìn phơ- răng, tôi sẽ đánh đổi phần đời nghèo khổ còn lại của mình để chuộc lại lỗi lầm đó. Con có thấy vậy không? Tôi đã có sức mạnh để chống lại tất cả, nhưng chỉ có thiếu tiền, điều đó đã làm trái tim tôi đau đớn. Ồ! Tôi đã không làm điều đó một hai lần, tôi tự vá víu lấy. Tôi đã bán bộ đồ ăn và những vòng bạc được sáu trăm phơ-răng, tiếp đó tôi đã cầm cố một năm trái phiếu suốt đời, mỗi lần trả được bốn trăm phơ-răng ở nhà Gobseck! Tôi sẽ ăn bánh mì, tôi sẽ đủ sức như khi còn trẻ, có thể còn khoẻ hơn nữa, ít ra nó sẽ có một buổi dạ hội vui vẻ. Ôi Nasie yêu quý của cha. Nó sẽ rất duyên dáng. Tôi có một nghìn phơ-răng để ở dưới đầu giường, nó luôn sưởi ấm tôi khi nghĩ những đồng tiền này sẽ làm Nasie hài lòng. Có thể nó sẽ vứt con hầu xấu xa Victorie ra ngoài đường. Mọi người sẽ thấy được những kẻ ở không có lòng tin với chủ như thế nào? Ngày mai, tôi sẽ rất khoẻ, Nasie sẽ đến vào lúc mười giờ. Cha không muốn chúng thấy cha ốm, chúng sẽ không đi đến buổi vũ hội, chúng sẽ chăm sóc tôi. Ngày mai, Nasie sẽ ôm hôn chà, sự âu yếm của nó sẽ làm tôi khỏi bệnh. Cuối cùng, tôi sẽ không tốn một nghìn phơ-răng ở nhà dược sĩ. Số tiền ấy để dành cho các con, cho con Nasie của tôi còn hơn. Tôi sẽ trả giá cho những sai lầm của mình bằng cả cuộc đời. Nó đang ở dưới đáy vực, còn tôi thì không đủ sức để kéo nó lên. Ồ! Tôi sẽ lại bắt tay vào kinh doanh. Tôi sẽ đến Odessa để mua hạt giống. Lúa mì ở đó rẻ gấp ba lần so với giá lúa mỳ của chúng ta. Người ta cấm không cho nhập bột mì, nhưng bọn người thật thà ấy làm ra đạo luật mà không ngăn cấm những sản phẩm từ lúa mì. Hề, hề… sáng nay cha đã nghĩ ra điều đó đấy. Thật là thú vị khi làm tinh bột.

– Ông ấy điên mất rồi, Eugènie tự nhủ và nhìn ông lão. Cụ hãy nằm nghỉ ngơi đi, đừng nói nữa.

Eugène bước xuống nhà để ăn tối khi Bianchon đi lên. Tiếp đó cả hai người thức đêm để trông nom người bệnh, trong lúc chăm sóc, người thì đọc những cuốn sách về ngành y, người kia viết thư cho mẹ và các chị gái. Ngày hôm sau, những triệu chứng của người bệnh tái phát, theo Bianchon thì đó là điềm lành, nhưng đòi hỏi phải có sự chăm sóc liên tục, trong khi đó duy nhất chỉ còn hai chàng sinh viên có khả năng làm được cái việc này. Hai chàng sinh viên thì thấy không thể phạm sai lầm khi chăm sóc lão Goriot vào thời điểm này. Cơ thể kiệt quệ của người bệnh được dán những miếng cao, ngâm chân, uống thuốc. Và biết bao phép điều trị khác cần đến sức mạnh và lòng tận tuỵ của hai chàng sinh viên. Bà Restaud không đến, bà ta sai một gia nhân đến lấy món tiền một ngàn phơ-răng.

– Tôi tưởng là chính nó sẽ đến, nhưng nó không đến có lẽ lại hay vì nó không phải là đứa con tồi, là đứa con gái tồi, nó sẽ lo lắng. Người cha nói và cảm thấy sung sướng về việc này.

Vào lúc bảy giờ tối, Thérèse mang đến một lá thư của Delphine.

“Anh đang làm gì vậy, anh yêu của em? Vừa mới được yêu mà em đã bị hờ hững sao? Trong những lời tâm tình được phát ra từ con tim với con tim, anh đã chỉ cho em thấy một tâm hồn thật đẹp ắt phải thuộc hàng người mãi mãi thủy chung. Tình cảm có biết bao sắc thái. Như anh đã từng nói về điều này khi nghe bản kinh cầu nguyện của Mose: ‘Đối với người này nó là đơn điệu, nhưng đối với người kia nó là cái vô biên của âm nhạc’. Anh hãy nhớ rằng tối nay em đợi anh để đi đến buổi dạ hội ở nhà bà Beauséant. Tờ hôn ước của ngài d’Ajuda chính thức đã được ký sáng nay ở trong triều đình và bà tử tước tội nghiệp chỉ biết điều đó vào lúc hai giờ. Cả thành phố Paris sẽ đến nhà bà ấy, cũng như dân chúng đi xem vụ hành quyết ở pháp trường. Đến xem để người phụ nữ này có giấu được nỗi đau khổ không, có biết chết một cách chững chạc không, đó chẳng phải là điều hay ho hay sao? Nếu em đã từng đến nhà bà ta rồi thì hôm nay chẳng dám đến nữa; nhưng có lẽ bà ta không còn tiếp khách được nữa và thế là tất cả những cố gắng của em từ trước tới nay thật là uổng phí. Hoàn cảnh của em khác với hoàn cảnh của những người khác. Vả lại, em đi đến đó cũng vì anh. Em đợi anh, nếu hai giờ nữa anh không có mặt ở bên em, em không biết liệu em có tha thứ cho anh về sự phản bội này không.”

Rastignac cầm bút viết và đáp lại như sau:

“Anh đang đợi một bác sĩ để biết xem cha của em có còn sống được không, ông ấy đang hấp hối. Anh sẽ mang đến cho em lời kết luận và e rằng đó là phán quyết tử hình. Gửi em nghìn lần âu yếm.”

Bác sĩ đến vào lúc tám giờ ba mươi phút và không đưa ra ý kiến khả quan nào cả, ông ta không nghĩ rằng cái chết sắp xảy ra. Ông ta thông báo những tiến triển, sẽ có lúc mê lúc tỉnh và điều này còn phụ thuộc vào đời sống và suy nghĩ của ông lão.

– Tốt hơn hết ông ấy nên chết nhanh, đó là lời cuối cùng của bác sĩ.

Eugène giao lão Goriot cho Bianchon chăm sóc và ra đi để mang đến cho bà Nucingen những tin buồn này, có lẽ nó sẽ làm mất đi niềm vui của nàng, trong tâm trí của chàng vẫn còn thấm nhuần trách nhiệm gia đình.

– Hãy nói với nó cứ chơi vui vẻ, lão Goriot kêu lên trong lúc đang thiếp đi, nhưng lão ngồi dậy lúc Rastignac đi ra ngoài.

Chàng trai đi báo tin buồn này với Delphine và thấy nàng đã đội mũ, đi giầy, chiếc váy dạ hội vẫn chưa mặc. Nhưng cũng giống như những nét của họa sĩ hoàn thành bức vẽ, công việc tô điểm cuối cùng thường đòi hỏi rất nhiều thì giờ hơn chính phần vẽ nội dung.

– Gì thế, sao anh không ăn mặc tử tế vào?

Nàng nói.

– Nhưng thưa phu nhân, cha của phu nhân…

– Lại là cha tôi, nữ nam tước vừa kêu lên vừa hỏi. Xin anh đừng dạy cho em cái bổn phận phải làm với bố mình. Em biết bố em từ lâu rồi. Không nói nữa, Eugène… Em sẽ chỉ nghe anh khi anh đi ăn mặc đàng hoàng. Thésère đã chuẩn bị tất cả ở nhà anh. Xe ngựa của em đã sẵn sàng, hãy lấy nó mà đi và sau đó quay trở lại đây. Chúng ta sẽ trò chuyện về cha của em trên đường đến buổi dạ hội. Cần phải đi sớm, nếu không chúng ta bị mắc kẹt vào dòng xe và có lẽ phải mười một giờ mới tới nơi.

– Thưa phu nhân, cụ nhà…

– Anh hãy đi đi! Không nói nữa, nàng vừa nói vừa chạy vào phòng khách để lấy một chiếc vòng.

– Hãy đi đi, ông Eugène, ông làm bà ấy tức giận đấy.

Thésère nói và đẩy chàng thanh niên đang hoảng sợ về cái kiểu giết cha mẹ một cách lịch lãm này.

Chàng buồn bã đi về mặc quần áo và những suy nghĩ buồn chán nhất đang xuất hiện trong đầu Chàng nhìn thế giới như một đại dương đầy bùn, trong đại dương ấy một người đàn ông sẽ ngập sâu đến cổ, nếu nhúng chân vào đó, ở đó toàn là những tội ác ti tiện – chàng tự nhủ. Chàng nhận thấy ba biểu hiện lớn của xã hội: sự phục tùng, sự vật lộn và sự nổi loạn, tức là gia đình, xã hội thượng lưu và Vautrin. Chàng không dám đứng hẳn về bên nào. Phục tùng thì chán ngắt, nổi loạn thì không thể, còn vật lộn thì bấp bênh. Ý nghĩ này đã đưa chàng trở lại với gia đình. Chàng nhớ những cảm xúc trong sáng của cuộc sống yên ả ấy. Chàng nhớ về những ngày đã qua được sống giữa những người mà chàng yêu quý. Trong khi thuận theo những quy luật tự nhiên trong gia đình. những người thân thuộc nhận thấy một niềm hạnh phúc tràn đầy, liên tục, không có nỗi lo âu.

Mặc dù với những ý nghĩ tốt lành này, chàng vẫn thấy mình không đủ can đảm đến giãi bày với Delphine, nhân danh đức tin của những tâm hồn trong sạch và nhân danh tình yêu bắt nàng phải tuân theo đạo đức. Thế là nền giáo dục vỡ lòng của chàng có kết quả, chàng đã yêu một cách ích kỷ.

Khiếu nhạy cảm của chàng đã cho phép chàng nhận thức được bản chất trái tim Delphine. Chàng đoán trước một cách mơ hồ rằng nàng có thể bỏ mặc cha mình để đi vũ hội và chàng không có đủ khả năng để trở thành một người giảng giải lẽ phải trái, cũng không có lòng can đảm để làm mất lòng nàng, không có khả năng từ bỏ nàng: “Nàng không bao giờ tha thứ cho mình vì đã lấy lý do để chống lại nàng trong hoàn cảnh này.” chàng tự nhủ. Sau đó, chàng suy luận những câu nói của thầy thuốc, chàng hài lòng nghĩ rằng bệnh của lão Goriot cũng không nguy hiểm như chàng tưởng, cuối cùng chàng chất hàng đống lý do để biện minh cho Delphine: Nàng không biết tình trạng bây giờ của cha mình, nếu nàng đi đến thăm lão, lão sẽ lại đuổi nàng đến buổi lễ hội. Pháp luật xã hội với thể thức nghiêm khắc vẫn lên án việc phạm tội được tha thứ do nhiều thay đổi xảy ra trong gia đình, sự khác nhau về tính cách, đa dạng về quyền lợi và theo từng hoàn cảnh.

Eugène muốn tự lừa dối chính bản thân mình, chàng sẵn sàng quên đi những ý nghĩ của mình cho tình nhân. Từ hai ngày nay, tất cả đã thay đổi trong cuộc đời chàng. Người phụ nữ đã làm hỗn loạn cuộc sống của chàng, đã làm mờ đi gia đình, đã tịch thu tất cả để mưu cầu sung sướng cho họ. Rastignac và Delphine gặp nhau trong những điều kiện nhất định để gây cho cho nhau thấy niềm thích thú nhất. Niềm đam mê được chuẩn bị rất tốt của họ đã lớn dần lên do một cái nó giết chết những mối tình say đắm, đó là khoái lạc. Từ khi sở hữu được người phụ nữ này, Eugène thoáng nhận ra kể từ khi đó chàng chỉ mong muốn nàng thôi. Chàng chỉ yêu nàng vì niềm hạnh phúc của ngày hôm sau, tình yêu chỉ có thể là sự ngộ nhận niềm vui thú. Hèn hạ hay cao quý, chàng tôn thờ người phụ nữ này vì những ham muốn tình dục mà nàng đã mang lại cho chàng như là của hồi môn và chàng đón nhận được những ham muốn ấy, ngay cả Delphine cũng yêu Rastignac như Tantale yêu vị thiên thần, nàng đã đến xoa dịu cơn đói của y hay là làm dịu cơn khát cháy họng của y.

– Thôi được, bố em có khoẻ không? Phu nhân Nucingen nói khi chàng quay lại trong bộ trang phục lễ hội.

– Cực kỳ tồi tệ, chàng đáp, nếu như em muốn đưa cho tôi một chứng cứ về tình thương của em thì chúng ta sẽ đến thăm ông ấy ngay.

– Được thôi, nhưng phải sau buổi lễ hội, nàng nói. Eugène yêu quý của em, anh thật là tốt bụng, đừng lên mặt đạo đức với em, hãy đến đây.

Họ đi ra, Eugène vẫn im lặng trong suốt quãng đường đi.

– Anh làm sao vậy? Nữ nam tước hỏi.

– Tôi nghe thấy tiếng thở hấp hối của bố em, chàng trả lời với giọng tức giận. Và bằng giọng nói lưu loát của tuổi thanh niên, chàng bắt đầu kể về hành động tàn bạo do tính khoe khoang đã thúc đẩy bà Restaud. Sự khủng hoảng tinh thần đã làm cho lòng tận tuỵ cuối cùng của người cha đối với các con đã kết thúc, bộ váy kim tuyến của Anastasie sẽ phải trả giá cho điều đó.

Delphin đã khóc.

– Em thật là xấu, nàng nói. Những giọt nước mắt của cha khô hết rồi. Em sẽ đi trông nom cha, em sẽ không rời giường bệnh của ông ấy.

– Ồ, đó mới là em như anh từng muốn, Rastignac kêu lên.

Ánh đèn soi sáng khắp xung quanh dinh thự Beauséant. Mỗi khung cửa sổ sáng rực đều có một gã vệ binh đứng trấn giữ. Xã hội thượng lưu kéo đến rất đông và ai cũng muốn nhìn thấy người phụ nữ vào thời điểm bà ta gục ngã. Khi nữ nam tước và Rastignac đến nơi thì toàn bộ tầng dưới của tòa dinh thự đã đông nghịt người. Kể từ dạo tất cả triều đình đổ xô đến nhà Đại công tước khi vua Louis triệt mất người yêu của nàng thì không còn một vụ tình hận nào đặc sắc hơn vụ này. Trong cảnh ngộ này, cô gái cuối cùng của dòng họ Bourgogne tỏ ra được nỗi đau khổ của mình, cho đến giờ phút cuối cùng cô ta vẫn chế ngự được đám người quí phái mà nàng đã tiếp nhận những vẻ kiêu bạc phù hoa của họ, chẳng qua là để nó tăng thêm sự đắc thắng mối tình của nàng thôi. Những phụ nữ xinh đẹp của Paris, với những trang phục và nụ cười đã làm rạng rỡ tất cả phòng khách.

Những nhân vật đáng kính nể của triều đình, những vị sứ thần, các ngài tổng trưởng, những nhân vật nổi tiếng đủ các loại, đủ loại bội tinh, huy chương, thánh giá các màu chen chúc nhau đứng vây quanh bà tử tước. Dàn nhạc tấu lên những khúc nhạc rộn rã dưới ánh vàng son của tòa dinh thự mà nữ chủ nhân cảm thấy như không có ai. Bà tử tước Beauséant đứng trước cửa phòng khách thứ nhất để đón những kẻ có danh hiệu là bạn bè.

Bà ta mặc bộ đồ màu trắng, không một chút trang điểm trên mái tóc tết đuôi sam giản dị, bà có vẻ bình tĩnh và không biểu hiện đau đớn, không kiêu ngạo, cũng không biểu hiện niềm vui giả dối. Không ai có thể đọc được tâm hồn bà ta. Các bạn sẽ phải nói rằng đó là một bức tượng Niobé bằng đá cẩm thạch. Nụ cười của bà với những người bạn thân thiết đôi khi có vẻ chế nhạo và bản thân bà, vẫn phong độ như hồi bà ta đang sống trong hạnh phúc thắm tươi, những cử chỉ của bà đã làm cho những người vốn vô cảm nhất cũng phải ngưỡng mộ bà, cũng như đám thiếu nữ Roma tán thưởng đấu sĩ người biết cười trong khi đang hấp hối. Mọi người dường như đã được chuẩn bị để chào tạm biệt một trong những vị nữ chúa của mình.

– Tôi sợ rằng cậu không đến, bà ấy nói với Rastignac.

– Thưa quý bà, tôi đã đến để là người cuối cùng ở lại.

Chàng trả lời với giọng xúc động và dường như trong đó ẩn chứa lời trách cứ.

– Tốt quá, bà ta nói và cầm lấy tay chàng. Cậu có thể là người duy nhất ở đây mà tôi có thể tin cậy Người bạn của tôi, cậu hãy yêu một người phụ nữ mà cậu có thể mãi mãi yêu thương cô ấy, và đừng từ bỏ điều đó.

Bà ta kéo tay của Rasstignac và dẫn chàng đến chỗ chiếc ghế trường kỷ trong phòng khách nơi mọi người đang chơi.

– Cậu hãy đi đến nhà hầu tước, bà nói. Người hầu phòng của tôi sẽ dẫn cậu đi và đưa cho cậu một bức thư để cậu trao cho hầu tước. Tôi yêu cầu ông ta trao lại tập thư cho tôi. Tôi rất tin tưởng ông ta sẽ trả lại cho tôi. Nếu cậu có được những lá thư của tôi, hãy lên phòng tôi, người nhà sẽ báo cho tôi.

Bà ta đứng dậy đi đến trước bà công tước Langeais, người bạn thân của bà, người cũng vừa mới đến. Rastignac đi tìm hầu tước Ajuda ở lâu đài Rochefide, nơi ông này dự buổi vũ hội và chàng đã gặp hầu tước. Hầu tước dẫn chàng đến nhà mình, trao cho chàng một chiếc hộp và nói:

“Tất cả đều ở trong đó.” Hình như ông ta muốn hỏi chuyện Eugène, một là về những sự kiện của buổi dạ hội và bà tử tước, một là muốn thú nhận với chàng về nỗi thất vọng trong cuộc hôn nhân mới của mình, nhưng rồi một sự ngạo mạn loé lên trong mắt, ông ta cố gắng tỏ ra dũng cảm để giữ bí mật về những tình cảm cao thượng của mình: – “Đừng nói điều gì về tôi với bà ấy, Eugène yêu quý”, ông xiết chặt tay Rastignac một cách trìu mến nhưng đượm buồn và ra hiệu cho chàng đi.

Eugène trở lại khách sạn Beauséant và đến phòng của bà tử tước, ở đây chàng nhìn thấy mọi người đang chuẩn bị hành lý cho một chuyến du hành.

Chàng ngồi gần đống lửa, nhìn cái hộp được làm bằng thông bá hương và đắm chìm trong nỗi buồn.

Đối với chàng, bà Beauséant còn lớn lao như nữ thần Iliade.

– Ồ người bạn của tôi, bà tử tước bước vào vừa nói vừa để tay lên vai Rastignac.

Chàng nhận ra người chị họ của mình đang khóc, đôi mắt ngước lên, một bàn tay run rẩy.

Bỗng nhiên bà cầm lấy chiếc hộp ném nó vào trong lửa và nhìn nó cháy.

– Họ đang nhảy kìa? Họ đến thật đúng lúc, trong khi cái chết thì luôn đến muộn. Suỵt! Bạn của tôi, nàng vừa nói vừa đặt một ngón tay lên miệng đang định nói của Rastignac. Tôi sẽ không bao giờ còn nhìn thấy Paris và cái thế giới này nữa. Năm giờ sáng mai, tôi sẽ ra đi để đến sống ẩn dật ở tận cùng của vùng Normandie. Từ ba giờ chiều, tôi đã bắt buộc phải chuẩn bị các thứ, ký các văn bản, xem xét các công việc; mà tôi không thể nhờ ai…

Nàng dừng lại. Chắc chắn là người ta đã tìm thấy nó ở nhà… Nàng lại dừng lại, nỗi đau đớn dồn lên. Vào lúc này tất cả đều chỉ còn nỗi đau đớn và có một lời không thốt ra được.

– Cuối cùng, nàng nói, tối nay tôi tin tưởng vào cậu với sự giúp đỡ cuối cùng này. Tôi muốn đưa cho cậu một bằng chứng về tình thân thiết của tôi. Tôi thường xuyên nghĩ về cậu, người luôn hiện ra thật tử tế và cao thượng, trẻ trung và trong trắng ở giữa cái thế giới mà những đức tính này thật là hiếm hoi. Tôi mong rằng thỉnh thoảng cậu sẽ nhớ đến tôi. Hãy cầm lấy, nàng nói, liếc cặp mắt nhìn xung quanh mình, đây là chiếc hộp đựng găng tay của tôi. Mỗi lần mà tôi mang nó trước khi đi dự vũ hội hay đi đến nhà hát, tôi thấy mình thật xinh đẹp, bởi vì tôi hạnh phúc và mỗi lần tôi sờ vào nó là tôi đã để lại đó vài ý nghĩ duyên dáng: có rất nhiều dấu ấn của tôi ở trong đó, có tất cả của một phu nhân de Beauséant không còn nữa. Hãy nhận lấy nó, tôi sẽ cho người ta mang nó đến nhà cậu, phố Artois. Bà de Nucingen tối nay thật đẹp, hãy yêu quý bà ấy nhé. Nếu như chúng ta không còn gặp nhau nữa, bạn thân mến của tôi, cậu hãy chắc chắn rằng tôi luôn cầu chúc cho cậu, người đã thật tốt với tôi. Chúng ta hãy đi xuống nào, tôi không muốn để họ nhìn thấy tôi khóc. Tôi còn thời gian rất dài ở phía trước, tôi sẽ ở đó một mình và không người nào có thể yêu cầu tôi đếm những giọt nước mắt của mình nữa. Nàng nhìn lại căn phòng đó một lần cuối.

Nàng dừng lại. Rồi sau một lát giấu cặp mắt vào lòng bàn tay, nàng lau nước mắt, hai bàn tay nàng ướt đẫm và nắm lấy cánh tay của chàng sinh viên.

– Chúng ta đi thôi, nàng nói.

Rastignac chưa từng cảm thấy mối xúc động nào mãnh liệt như sự tiếp xúc với nỗi đau bị dồn nén một cách cao quý này. Khi bước vào phòng vũ hội, Eugène đi một vòng quanh phòng với bà de Beauséant, đấy là sự chú ý và tế nhị cuối cùng của người phụ nữ duyên dáng này. Ngay lập tức chàng nhận ra hai chị em, bà de Restaud và bà de Nucingen. Bà bá tước thật tuyệt vời với tất cả những hạt kim cương đang phô ra, rực rỡ và hẳn là rất nóng bỏng trên cổ, nàng đeo chúng lần cuối cùng. Dù tính kiêu căng và tình yêu lớn lao mãnh liệt đến mấy, nàng cũng không chịu nổi cái nhìn của chồng nàng. Cảnh tượng này tất nhiên chẳng làm Eugène bớt đi ý nghĩ phiền muộn. Lúc đó, nhìn những hạt kim cương mà hai chị em đeo trên người, Rastignac lại nhớ đến cái giường tồi tàn mà lão Goriot đang nằm. Thái độ buồn bã của chàng đã làm bà tử tước hiểu nhầm, nàng kéo tay chàng.

– Đi nào! Tôi không muốn anh bị bỏ lỡ một dịp vui, nàng nói. Lát sau Eugène nhanh chóng được Delphine mời, nàng đang rất hạnh phúc về kết quả mình tạo ra và nàng thích thú khi đặt dưới chân chàng sinh viên những sự kính trọng mà nàng đã nhận được ở giới thượng lưu này, cái giới mà nàng hy vọng là được chấp nhận.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.