Lão Goriot

CHƯƠNG 27 (Hết)



Eugène đã đi lên được máy bậc thang nên chàng không nghe thấy bà chủ nhà nói gì.

Bianchon nói với Eugène: “Nhanh lên, chúng ta thay áo cho ông lão, cậu cầm ga lên đi.” Eugène đi đến đầu giường, nâng lão Goriot lên để Bianchon cởi bỏ chiếc áo cũ, nhưng ông già đưa tay ra như muốn giữ lại cái gì đó trên ngực rồi cất tiếng rên rỉ nhưng không thành tiếng, nó giống như cách biểu lộ của các con vật có nỗi đau đớn mà không diễn đạt nổi.

– A, a! Bianchon nói, ông cụ đòi cái dây chuyền nhỏ tết bằng tóc và cái mặt trái tim mà khi nãy bọn mình cởi ra để đắp thuốc. Tội nghiệp, phải đưa ngay cho ông cụ, ở trên lò sưởi ấy.

Eugène đến bên lò sưởi và cầm lấy cái dây chuyền tết bằng tóc màu vàng tro có lẽ là của bà Goriot, chàng đọc trên một mặt của cái trái tim đeo ảnh có hàng chữ Anastasie, mặt kia là hàng chữ Delphine. Đó là hình ảnh trái tim ông cụ. Những lọn tóc bên trong mỏng manh nhỏ mịn chắc hẳn cắt lúc các cô gái còn bé tí. Khi trái tim đeo ảnh chạm vào ngực, ông già bật lên một tiếng hự kéo dài biểu lộ một vẻ thỏa mãn đáng sợ. Đó là một trong những biểu hiện về cảm giác của ông cụ, cảm giác ấy hình như rút vào trung tâm bí ẩn mà tình cảm chúng ta xuất phát từ đó và cũng qui tụ vào đó. Khuôn mặt ông lão nhăn nhó nhưng đượm một niềm vui bệnh hoạn. Hai cậu sinh viên, kinh ngạc trước tia sáng ghê gớm của một sức mạnh tình cảm sống sót khi tư tưởng đã chết, những giọt nước mắt nóng hổi của hai người rơi trên mặt người hấp hối, ông lão kêu lên với một niềm vui sướng mãnh liệt.

– Nasie! Fifine!

– Ông lão vẫn còn sống, Bianchon nói.

– Sống để mà làm gì? Sylvie nói.

– Để đau khổ, Rastignac trả lời.

Bianchon ra hiệu cho bạn làm theo rồi anh quỳ xuống đưa cánh tay xuống dưới khuỷu chân người bệnh trong khi Rastignac cũng làm như thế ở bên kia giường để đưa tay xuống lưng. Sylvie vẫn đứng đó sẵn sàng kéo ga giường ra khi ông già được nâng lên để thay vào đó tấm ga mà cô mang tới.

Chắc hẳn ông cụ đã lầm tưởng những giọt nước mắt rơi vào mặt. Ông già dùng sức lực cuối cùng vươn tay ra chạm vào đầu của hai cậu sinh viên bên mép giường. Ông nắm thật chặt tóc của họ và yếu ớt kêu lên “Ôi! Những thiên thần của tôi!”, tiếng thì thầm yếu ớt của một linh hồn sắp bay lên.

– Tội nghiệp ông lão! Sylvie nói, cô cảm thấy mủi lòng bởi tiếng kêu rên chứa đựng tình cảm tuyệt vời mà sự đối trá khủng khiếp nhất, vô tình đã kích động lên một lần cuối.  Tiếng thở cuối cùng của người cha già hẳn là tiếng thở hạnh phúc. Cả cuộc đời lão hiện lên trong tiếng thở hạnh phúc đó, đến giờ ông lão vẫn bị lừa.

Lão Goriot được đặt lại một cách kính cẩn trên chiếc giường ọp ẹp. Từ lúc này, trên nét mặt ông lão chỉ còn lại những dấu vết đau buồn của cuộc đấu tranh giữa sống và chết trong một con người không còn nhận thức được nữa. Đó chính là kết quả của nhưng tình cảm buồn vui, đau khổ của con người. Sự hủy hoại chỉ còn là vấn đề thời gian.

– Ông ta sẽ sống thêm một vài giờ nữa rồi chết mà chúng ta không cảm nhận được điều đó. Ông ấy sẽ không kêu rên nữa, não đã không hoạt động nữa rồi.

Đúng lúc đấy, người ta nghe thấy tiếng bước chân của một người đàn bà trẻ đang thở hổn hển đi lên cầu thang.

– Cô ấy đến quá muộn, Rastignac nói.

Nhưng đó không phải là Delphine mà là Thérese. Người hầu phòng của bà nam tước.

– Thưa cậu Eugène. – Cô ta lên tiếng, – đã xảy ra một trận cãi vã kịch liệt giữa ông bà chủ tôi vì số tiền mà người phụ nữ tội nghiệp ấy đã lấy cho cha mình. Bà chủ đã bị ngất đi nhưng sau đó bác sĩ đã tới và trích máu cho bà ấy rồi. Bà chủ luôn miệng kêu “Cha tôi sẽ chết, tôi muốn gặp cha tôi”. Đấy là những tiếng kêu thét xé lòng.

– Đủ rồi, Thérese, bây giờ bà ấy có đến thì cũng vô ích, ông Goriot chẳng còn biết gì nữa.

– Tội nghiệp ông ấy, tệ đến mức đó rồi sao? Thérèse nói.

– Ở đây không cần tôi nữa, có lẽ tôi phải đi chuẩn bị bữa tối đây, bốn rưỡi rồi, Sylvie nói và đi xuống, suýt nữa thì đụng phải bà Restaud ở cầu thang.

Bà bá tước bất ngờ xuất hiện, đưa mắt nhìn cái giường của người chết, lờ mờ dưới ánh sáng yếu ớt của một ngọn nến duy nhất và bật khóc khi nhận thấy trên khuôn mặt của cha bà vẫn còn đọng lại những cảm giác run rẩy cuối cùng của sự sống – Bianchon ý tứ đi ra.

– Tôi đã không ra khỏi nhà sớm hơn được! Bà ta nói với Rastignac. Chàng gật đầu xác nhận thật buồn bã. Bà Restaud cầm tay cha lên và hôn.

– Cha ơi! Tha thứ cho con! Cha đã bảo là tiếng nói của con có thể gọi cha từ dưới mồ trở về được cơ mà! Cha sống lại đi, chỉ một lát thôi để cầu phúc cho đứa con gái đang ăn năn hối lỗi của cha. Cha ơi, chờ con với! Khủng khiếp quá! Từ giờ trở đi lời ban phúc của cha là lời duy nhất mà con có thể nhận được trên cõi đời này. Tất cả mọi người đều ghét con, chỉ có cha là yêu con. Ngay cả những đứa con của con, chúng sẽ ghét bỏ con. Cha cho con theo với, con sẽ yêu quý và chăm sóc cha. Con điên mất thôi! – Bà ta quỳ xuống và ngắm cái thi hài tàn tạ ấy với vẻ mê sảng. – Không còn gì bất hạnh hơn tôi. – Bà ta vừa nói vừa nhìn Eugène. – Lão Trailles đã bỏ đi để lại cho tôi một món nợ lớn, tôi biết ông ta lừa tôi. Chồng tôi sẽ không tha thứ cho tôi Và tôi đã để cho ông ta làm chủ cơ nghiệp của tôi Tôi đã mất hết ảo tưởng rồi. Tôi đã phản bội người yêu tôi hết mực (bà ta chỉ vào cha mình). Tôi đã không quan tâm đến cha, đã làm cha chán ghét tôi, tôi đã gây cho cha bao điều xấu xa tồi tệ.

– Cha bà đã biết điều đó, Rastignac nói.

Đúng lúc ấy, ông già mở mắt. Nhưng đó chỉ là hậu quả của cơn co giật. Hành động đó gợi cho bà bá tước niềm hy vọng, bà bớt sợ hơn khi nhìn vào mắt người chết.

– Cha nghe thấy con nói phải không? bà ta hét lên rồi tự nhủ: Không! Và ngồi xuống bên cạnh ông cụ.

Bà biểu lộ ý muốn không muốn rời xa cha mình. Eugène đi xuống để ăn một chút gì. Những người khách trọ đã tập trung ở đó.

– Ơ, này! Gã hoạ sĩ nói với Eugène. Hình như là có cảnh chết chóc đáng xem ở trên đó phải không?

– Này Charles, Eugène nói với hắn ta. Tôi nghĩ ông nên cười cợt về việc gì đó ít bi thảm hơn ấy.

– Như vậy là chúng tôi sẽ không thể cười đùa ở đây phải không? Gã hoạ sĩ tiếp tục nói, việc đó có sao đâu. Bianchon nói là lão già ấy không còn biết gì nữa phải không?

Gã nhân viên của bảo tàng lên tiếng:

– Ông ấy sẽ chết giống như ông đã sống.

– Cha tôi chết rồi, bà bá tước thét lên.

Nghe thấy tiếng kêu khủng khiếp đó, Sylvie, Rastignac và Bianchon chạy lên và thấy bà Restaud đã ngất. Họ cứu bà ta tỉnh dậy rồi đưa xuống chiếc xe ngựa đang chờ. Eugène giao cho Thérèse chăm sóc và đưa bà bá tước đến nhà bà Nucingen.

– Trời, ông ấy đã chết thật rồi, Bianchon vừa bước xuống vừa nói.

– Nào, mời các quý ông ngồi vào bàn ăn đi, món súp sẽ nguội lạnh mất thôi, bà Vauquer lên tiếng.

Hai cậu sinh viên ngồi cạnh nhau. Eugène hỏi Bianchon “Bây giờ phải làm gì?” Tôi đã vuốt mắt và sắp đặt mọi thứ ổn rồi. Khi nào chúng ta đến khai báo về cái chết của ông lão thì bác sĩ thị chính sẽ xác nhận. Sau đó đặt ông ấy vào tấm vải liệm rồi mang chôn cất. Cậu muốn thế nào?

– Lão ta sẽ không còn ngửi thấy mùi bánh mì như thế này nữa, một người khách trọ vừa nói vừa bắt chước cử chỉ của ông lão.

– Mẹ kiếp, thưa các ngài, viên phụ giáo lên tiếng. Các ngài hãy để chuyện lão Goriot đấy, các ngài đừng bảo chúng tôi ăn nữa, suốt một giờ rồi các ngài cứ lôi ông ấy ra để nói. Một trong những đặc ân của thủ đô Paris tốt đẹp này là chúng ta được sinh ra ở đây, sống và chết ở đây mà không một ai chú ý đến chúng ta. Vậy thì chúng ta hãy tận hưởng những lợi ích của nền văn minh ấy đi. Hôm nay có đến sáu mươi người chết. Các ngài muốn chúng tôi phải thương hại những người dân Paris đã chết ư? Lão Goriot đã chết rồi thì càng tốt cho lão ấy. Nếu các ngài còn thương tiếc lão ta thì hãy đi mà giữ lão ta lại, để cho chúng tôi và những người khác yên ổn mà ăn uống.

– Ồ phải đấy, bà chủ nhà nói. Lão chết là tốt cho lão ấy. Hình như lão già khốn khổ ấy có điều gì bất mãn suốt đời thì phải.

Đó là bài điếu văn duy nhất dành cho một con người, mà đối với Eugène, có đủ tư cách của một người cha. Mười lăm người khách trọ lại nói chuyện bình thường. Lúc mà Eugène và Bianchon ăn xong, tiếng động của thìa và đĩa, tiếng cười đùa trong các câu chuyện, những thái độ khác nhau của những kẻ háu ăn và vô tâm, sự vô tâm của họ đã làm cho Bianchon và Eugène cảm thấy ghê sợ.

Hai người bước ra khỏi nhà trọ và đi tìm một linh mục để trông coi và cầu nguyện cho người chết đêm nay. Họ phải cân nhắc xem với số tiền ít ỏi mà họ có, họ phải chi tiêu thế nào cho hoàn tất việc chôn cất ông lão vào khoảng chín giờ tối. Cái xác được bó trong một tấm phông, đặt giữa hai cây nến trong căn phòng trống, một vị linh mục ngồi bên cạnh. Trước khi đi ngủ, Rastignac đã hỏi những nguyên tắc của giáo hội về giá cả phục vụ đám tang và thuê xe tang. Chàng viết cho nam tước Nucingen và bá tước Restaud đề nghị họ gửi tiền chi phí cho việc an táng lão Goriot. Chàng bảo Christophe gửi gấp cho họ rồi lên giường đi ngủ với cảm giác mệt mỏi đè nặng. Ngày hôm sau, Bianchon và Rastignac phải đích thân đi khai báo về cái chết của lão Goriot, đến trưa thì được xác nhận. Hai giờ sau không một gã con rể nào gửi tiền đến cũng chẳng có ai nhân danh họ cả. Vậy là buộc Rastignac trả tiền chi phí cho linh mục, Sylvie cũng đòi mười phơ-răng tiền công khâm liệm cho lão Eugène và Bianchon tính rằng nếu bà con của người chết không muốn chăm lo đến việc gì thì cũng phải có cái gì đó để chi phí cho tang lễ.

Cậu sinh viên ngành y nhận trách nhiệm đặt tử thi vào quan tài, cái quan tài mà anh ta mua ở bệnh viện với giá rẻ mạt.

– Cậu đang thực hiện một màn kịch khôi hài đấy, cậu ta nói với Eugène: cậu đến nghĩa địa Lachaise mua một miếng đất trong năm năm, xin tang lễ hạng ba ở nhà thờ và ở dịch vụ đám tang. Nếu như con rể và con gái ông cụ mà không hoàn trả lại cho cậu thì cậu sẽ khắc lên mộ dòng chữ “Đây là nơi an nghỉ ông Goriot, cha của bá tước Restaud và nam tước Nucingen, được chôn cất bằng tiền của hai cậu sinh viên”.

Eugène làm theo lời khuyên của bạn nhưng sau lần đến nhà ông bà nam tước Nucingen và nhà ông bà bá tước Restaud chẳng có kết quả gì, chàng không lọt được vào nhà họ. Những kẻ gác cổng rất nghiêm trang.

– Ông bà chủ tôi nói là ông bà không muốn tiếp ai cả, cha của ông bà vừa mới mất, ông bà đang rất đau buồn.

Eugène thừa biết rằng có nài nỉ cũng chỉ vô ích mà thôi. Nhưng chàng vẫn thấy thật không phải khi chưa cho Delphine biết, thế nên chàng quyết định viết cho nàng mấy chữ:

“Để lo cho ông cụ về nơi an nghỉ được chu toàn mong bà hãy rộng lòng bán đi một vài món đồ trang sức”.

Dán kín mảnh giấy lại, chàng nhờ người gác cổng gửi cho bà nam tước, nhưng ông ta lại đưa bức thư đó cho ông nam tước Nucingen và ông ta ném ngay nó vào bếp lửa. Chờ đợi vô vọng, Eugène trở về khu nhà trọ lúc ba giờ. Về đến cái hẻm phố hoang vắng đó, chàng nhìn thấy chiếc quan tài được phủ tấm ga giường màu đen, đặt trên hai chiếc ghế dựa. Nhìn cảnh tượng đó, chàng không cầm nổi nước mắt. Cạnh cỗ quan tài là một cái que vẩy nước thánh cũ và xấu tới mức chẳng ai muốn động vào, nằm trong một cái đĩa bằng đồng mạ bạc chứa đầy nước. Đây là kết cục của một kiếp nghèo khổ, không ai đoái hoài, không người thân, không bạn bè đưa tiễn. Bianchon hiện còn đang ở trong bệnh viện. Anh đã để lại cho Ractignác mấy dòng thông báo cho chàng biết những việc đã thống nhất với nhà thờ cũng như những chi phí cần thiết, kể cả một bài thánh lễ phải trả thêm tiền. Vì thế mà phải chấp nhận sử dụng những bài kinh chiều tối với giá rẻ hơn để giảm chi phí. Chàng cũng nhờ Christophe đưa tới chỗ dịch vụ tang lễ một bức thư ngắn. Lúc mà Eugène đang cắm cúi đọc mấy dòng chữ viết vội của Bianchon thì chàng nhìn thấy bà Vauqueur cầm cái trái tim đeo ảnh nền bằng vàng giữ những sợi tóc của hai cô con gái lão Goriot.

– Ai cho bà lấy chúng? Chàng quát.

– Thế chôn nó đi à? Sylvie nói, nó bằng vàng đấy.

– Đúng vậy, Eugène tức giận nói. Chỉ còn lại cái này là kỉ vật duy nhất tượng trưng cho hai con gái lão mà thôi.

Xe chở quan tài đến, Eugène nâng nó lên xe rồi tháo đinh ra, kính cẩn đặt lên xác ông lão tấm ảnh ghi lại thời khắc trẻ thơ hồn nhiên trong trắng của Delphine và Anastasie đúng như lời lão dặn trong cơn hấp hối. Đưa tang chỉ có Rastignac, Christophe và hai nhân viên tang lễ. Chiếc xe chở xác ông lão khốn khổ về phía nhà thờ Sang- Etienne-du-mont, gần phố Neuve Sainte – Geneviève.

Tới nơi, quan tài được đưa vào một giáo đường thấp và tối om. Rastignac nhìn quanh để tìm hai vợ chồng hai con gái lão Goriot nhưng chẳng hề thấy bóng dáng, chỉ có mỗi chàng và Christophe, bởi thằng lỏi con này xác định đây là nghĩa vụ cuối cùng đối với người đã tạo điều kiện cho gã kiếm được vài món hời.

Trong khi chờ hai vị linh mục, thằng bé hát lễ và người giữ nhà thờ, Rastignac cứ nắm chặt lấy tay Christophe mà không biết nói gì.

– Cậu Eugène ạ – Christophe nói – ông lão quả là một người nhân hậu, chất phác, chưa bao giờ ông ấy làm hại ai và coi thường ai cả.

Những người kia đã tới và làm tất cả các công việc đã được thuê để kiếm bảy mươi phơ-răng. Thời ấy, người ta chưa có lệ cầu nguyện miễn phí như bây giờ vì sự tồn tại của cuộc sống. Tiếp đến là bài kinh siêu độ và kinh cầu hồn của các tu sĩ. Tất cả kéo dài chừng hai chục phút. Rồi bốn người gồm một linh mục, một chú bé cùng Eugène và Christophe lên một chiếc xe tang chật hẹp.

– Chẳng có ai thân thích cả – linh mục nói – chúng ta cũng phải thật nhanh lên, giờ đã là năm rưỡi rồi.

Nhưng rồi, đúng vào lúc chuyển quan tài lên xe thì có hai chiếc xe trang hoàng lộng lẫy nhưng trống rỗng của hai người còn rể tới. Họ phái chúng đến thay mặt con cái đưa tiễn người cha tới nghĩa địa Lachaise. Sáu giờ đúng, chiếc quan tài bắt đầu hạ huyệt, các đầy tớ của hai con gái lão Goriot chuồn ngay lập tức cùng các tu sĩ khi mà một bài kinh ngắn mà Eugène trả tiền dứt lời. Sau khi hất vài xẻng đất lên nắp áo quan, một trong hai phu huyệt chạy vội tới bên Rastignac đòi tiền công. Tìm mãi mà chẳng thấy gì, Eugène đành phải mượn Christophe hai mươi xu. Tuy việc ấy không có gì đáng phải ngạc nhiên, nhưng chàng cảm thấy buồn bã kinh khủng. Cảnh hoàng hôn ảm đạm càng làm cho thần kinh chàng căng thêm. Cúi nhìn lần nữa ngôi mộ, giọt nước mắt cuối cùng của chàng trai trẻ lăn dài, giọt nước mắt trào ra vì những rung cảm thiêng liêng của một trái tim trong trắng, nó rơi xuống mặt đất rồi từ từ vút lên trời cao. Chàng cứ đứng lặng khoanh tay nhìn những đám mây chiều. Nhìn chàng sinh viên buồn bã như vậy, Christophe chán nản bỏ đi.

Còn lại một mình, Rastignac sải bước trong nghĩa trang. Trước mắt chàng, Paris chạy dài và ngoắt ngoéo hai bên bờ sông Sène đang tràn ngập ánh đèn. Cặp mắt đau đáu của chàng hướng về quảng trưởng Vendome, nơi đó có đài tưởng niệm và nóc vòm điện Inralides, trong đó gói gọn tất cả mọi sinh hoạt của cái xã hội thượng lưu mà có lúc chàng đã muốn vươn tới. Chàng nhìn như hút hết mật ngọt của cái tổ ong ấy, rồi lẩm bẩm: “Bây giờ chỉ còn lại ta và ngươi!”.

Hành động thách thức đầu tiên khi chàng quay lại với xã hội là đến ăn tối ở nhà bà Nucingen.

Hết____


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.