Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

11. CÁC NAM TƯỚC CƯỚP BÓC VÀ NHỮNG KẺ NỔI LOẠN



Vào năm 1877, các tín hiệu được đưa ra cho những năm còn lại của thế kỷ: người da đen sẽ bị kéo tụt hậu; các cuộc đình công của công nhân da trắng sẽ không được dung tha; các tầng lớp tinh hoa về chính trị và công nghiệp của miền Nam và miền Bắc sẽ nắm giữ nước Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Họ sẽ thực hiện điều đó, với sự trợ giúp của lao động da đen, lao động da trắng, lao động Trung Quốc, lao động nhập cư từ châu âu, lao động nữ, tìm cách thỏa mãn bản thân một cách khác nhau tùy chủng tộc, giới tính, nguồn gốc quốc tịch, tầng lớp xã hội, theo cách thức tạo ra các tầng áp bức khác nhau – một cách tạo ra các bậc thang chắc chắn nhằm ổn định hình tháp của cải.

Khoảng thời gian từ giữa cuộc Nội chiến đến năm 1900, điện và hơi nước đã thay thế cơ bắp con người, sắt thay gỗ và thép thay sắt (trước khi có phương pháp Bessemer , sắt được luyện thành thép với sản lượng khoảng 3-5 tấn mỗi ngày; giờ đây khối lượng đó chỉ cần luyện trong vòng 15 phút). Máy móc giờ đây đã sản xuất được các công cụ bằng thép. Dầu được dùng để bôi trơn máy móc và thắp sáng nhà cửa, đường phố và các nhà máy. Con người và hàng hóa có thể được vận chuyển bằng đường sắt, được kéo bằng các đầu máy hơi nước trên các đường ray; đến năm 1900, nước Mỹ đã có tổng cộng 193 nghìn dặm đường sắt. Điện thoại, máy chữ và máy tính cộng đã thúc đẩy công việc kinh doanh.

Máy móc đã làm thay đổi hoạt động nông nghiệp. Trước Nội chiến, thường phải mất khoảng 61 giờ lao động để canh tác một mẫu lúa mỳ. Đến năm 1900, việc đó chỉ còn cần 3 giờ 19 phút. Đá lạnh được sản xuất cho phép bảo quản và vận chuyển thực phẩm đến những vùng xa xôi, nhờ vậy ngành công nghiệp đóng bao thịt đã ra đời.

Hơi nước đã giúp điều khiển con suốt trong các nhà máy dệt, điều khiển máy may. Điều đó có được là nhờ than. Các máy khoan nén khí cho phép khoan sâu hơn vào lòng đất để khai thác than. Năm 1860, 14 triệu tấn than đã được khai thác; đến năm 1884 lên tới 100 triệu tấn. Thêm nhiều than có nghĩa là thêm nhiều thép, bởi vì than

rất cần cho việc luyện sắt thành thép; năm 1880, một triệu tấn thép đã được sản xuất; đến năm 1910 là 25 triệu tấn. Tới lúc này, điện bắt đầu thay thế hơi nước. Dây điện cần đến đồng, vì thế năm 1880 khoảng 30 nghìn tấn đồng đã được sản xuất; đến năm 1910, con số này là hơn 500 nghìn tấn.

Để hoàn thành được tất cả những điều đó đòi hỏi phải có các nhà sáng chế tài năng của các quy trình và máy móc mới, có các nhà tổ chức và nhà quản lý thông minh của các tập đoàn mới, một đất nước giàu đất đai và khoáng sản, một nguồn cung cấp khổng lồ về nhân lực làm các công việc vắt kiệt sức, ảnh hưởng tới cho sức khỏe và tính mạng. Những người nhập cư từ châu âu và Trung Quốc trở thành một nguồn nhân công mới. Những nông dân vốn không thể mua nổi máy móc mới hoặc trả tiền cho việc vận chuyển bằng đường sắt với mức cước giácao hơn, đành phải di cư ra thành phố. Khoảng từ năm 1860 đến 1914, dân số New York đã tăng từ 850 nghìn lên bốn triệu người, Chicago từ 110 nghìn lên hai triệu người, Philadelphia từ 650 nghìn lên một triệu rưỡi.

Trong một số trường hợp, bản thân các nhà sáng chế trở thành những người tổ chức công việc kinh doanh – như Thomas Edison, nhà sáng chế các thiết bị điện. Trong một số trường hợp khác, một chủ doanh nghiệp có thể kết hợp một loạt các sáng chế của những người khác, chẳng hạn như Gustavus Swift, một người bán thịt tại Chicago, đã kết hợp các toa tàu đông lạnh với các kho lạnh để thành lập công ty chuyên đóng gói thịt đầu tiên vào năm 1855. Còn James Duke lại sử dụng loại máy cuốn thuốc lá mới cho phép cuốn, dán và cắt thuốc lá tới 100 nghìn điếu mỗi ngày; đến năm 1890 ông ta đã kết hợp bốn nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất và thành lập công ty thuốc lá American Tobacco.

Trong khi chỉ một số triệu phú khởi đầu sự nghiệp trong nghèo đói, thì phần đa không phải vậy. Một nghiên cứu về nguồn gốc của 303 giám đốc các hãng dệt, đường sắt và thép trong những năm 1870 đã cho thấy 90% trong số đó xuất thân từ các gia đình trung hoặc thượng lưu. Những câu chuyện “từ khố rách áo ôm trở thành giàu có” của nhà văn Horatio Alger chỉ đúng đối với một số người, nhưng hầu hết đều mang

tính huyền thoại và là một huyền thoại có ích cho việc kiểm soát.

Hầu hết việc các chủ doanh nghiệp gây dựng gia tài đều được tiến hành hợp pháp, với sự hợp tác của chính phủ và tòa án. Đôi khi phải trả tiền để mua lấy sự hợp tác đó. Thomas Edison từng hứa trả cho mỗi chính trị gia New Jersey một nghìn đô-la cho một luật được thông qua. Daniel Drew và Jay Gould đã chi một triệu đô-la để hối lộ cơ quan lập pháp New York nhằm hợp pháp hóa việc phát hành 8 triệu đô-la cổ phiếu “bong bóng” (cổ phiếu không mang giá trị thực) đối với công ty Erie Railroad.

Đường sắt xuyên lục địa đầu tiên đã được xây dựng bằng máu, mồ hôi, các mưu đồ chính trị và các hoạt động trộm cắp, khác xa với những gì diễn ra trong các cuộc họp của các tập đoàn đường sắt Union Pacific và Central Pacific. Central Pacific bắt đầu từ phía bờ Tây tiến về phía Đông; tại Washington, tập đoàn này đã phải chi 200 nghìn đô-la để kiếm được 9 triệu mẫu đất hoang và 24 triệu đô-la tiền trái phiếu, trả 79 triệu đô-la − khoản trả vượt mức 36 triệu đô-la − cho một công ty xây dựng thuộc tập đoàn này… Công việc xây dựng được 3 nghìn công nhân Ailen và 10 nghìn công nhân Trung Quốc thực hiện trong thời gian bốn năm, với mức lương 1-2 đô-la mỗi ngày.

Union Pacific bắt đầu từ Nebraska tiến về phía Tây. Tập đoàn này đã được cấp 12 triệu mẫu đất hoang và 27 triệu đô-la bằng trái phiếu chính phủ. Tập đoàn đã thành lập công ty Credit Mobilier và chi cho công ty này 94 triệu đô-la để tiến hành xây dựng, trong khi chi phí thực tế chỉ là 44 triệu đô-la. Các cổ phiếu được bán rẻ cho các nghị sỹ để ngăn chặn việc điều tra. Đây là gợi ý của Oakes Ames, một nghị sỹ của Massachusetts, từng là người chuyên sản xuất xẻng, sau đó làm giám đốc của Credit Mobilier. Union Pacific đã sử dụng 20 nghìn công nhân – gồm các cựu binh và người Ailen nhập cư. Mỗi ngày họ phải lắp đặt năm dặm đường ray, hàng trăm người đã chết dưới nắng nóng và giá rét, hay thiệt mạng trong các trận giao tranh với người Anh-điêng nhằm xâm lấn lãnh thổ.

Cả hai tập đoàn đường sắt này đều làm các cung đường dài, quanh co hơn để được nhận tiền trợ cấp từ các thành phố mà tuyến đường đi qua. Năm 1869, trong tiếng nhạc và các bài diễn văn, hai đoạn đường cong đã gặp nhau tại Utah.

Những gian lận trắng trợn này đã dẫn đến việc hệ thống tài chính của ngành đường sắt được các chủ ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn − những người muốn có lợi nhuận bền vững và hợp pháp, hơn là bằng các hành động ăn cướp. Đến những năm 1890, hầu hết các đường sắt của Mỹ được quy về sáu hệ thống quản lý lớn. Bốn trong số đó do Nhà Morgan quản lý hoàn toàn, hoặc một phần; hai hệ thống còn lại do giới chủ nhà băng Kuhn, Loeb & Co kiểm soát.

J. P. Morgan khởi nghiệp từ trước chiến tranh, vốn là con trai của một chủ nhà băng, từng bán cổ phiếu đường sắt để kiếm các khoản hoa hồng hậu hĩnh. Đến thời Nội chiến, ông đã mua năm nghìn khẩu súng trường với giá 3,5 đô-la/khẩu tại một kho vũ khí của quân đội và bán lại cho một vị tướng ngoài chiến trường với giá 22 đô-la/khẩu. Các khẩu súng đó đều bị lỗi và người sử dụng thường bị cướp cò. Một ủy ban Quốc hội biết việc này từ một mẩu báo cáo không rõ nguồn gốc, nhưng vị thẩm phán liên bang lại xác nhận rằng phi vụ này được thực hiện theo một hợp đồng hợp pháp.

Trong Nội chiến, Morgan đã trốn quân dịch bằng cách trả 300 đô-la cho một người đi thay. John D. Rockefeller, Andrew Carnegie, Philip Armour, Jay Gould và James Mellon cũng vậy. Bố của Mellon đã viết cho ông ta rằng “một người vẫn là người yêu nước nếu như biết cách không đẩy mạng sống của mình vào rủi ro hoặc hy sinh sức khỏe. Vẫn có nhiều sinh mạng có giá trị kém hơn rất nhiều”.

Hãng Drexel, Morgan & Co đã nhận được một hợp đồng với chính phủ Mỹ phát hành lượng cổ phiếu trị giá 260 triệu đô-la. Chính phủ lẽ ra có thể trực tiếp bán số cổ phiếu này, nhưng lại chọn cách trả cho các chủ nhà băng một khoản hoa hồng trị giá 5 triệu đô-la.

Ngày 2 tháng 1 năm 1889, Gustavus Myers cho biết:

… một thông tư có đóng dấu “Riêng tư và tuyệt mật” do ba nhà băng Drexel, Morgan

& Co, Brown Brothers & Co và Kidder, Peabody & Co đưa ra. Người ta đã cố gắng cẩn thận hết mức sao cho tài liệu này không bị tiết lộ với báo chí hoặc công chúng… Tại sao lại có mối lo sợ đó? Bởi lẽ thông tư đó là một lời mời… gửi các nhân vật quan

trọng trong ngành đường sắt họp tại nhà của Morgan, số 219 Đại lộ Madison, để hình thành một liên minh bằng thép… một sự kết hợp có thể lấn át tất cả những đối thủ cạnh tranh trong ngành đường sắt, thống nhất các lợi ích bằng một thỏa thuận mà theo đó người dân Mỹ sẽ bị bòn rút thậm chí tồi tệ hơn trước.

Có cả những tổn thất về nhân mạng liên quan đến các tính toán về tài chính này. Năm 1889, hồ sơ của Ủy ban Thương mại Liên bang cho thấy khoảng 22 nghìn công nhân đường sắt đã bỏ mạng hoặc bị thương.

Năm 1895, dự trữ vàng của Mỹ đã rỗng, trong khi các kho dự trữ của 26 ngân hàng ở thành phố New York chứa một lượng vàng dự trữ tương đương tới 129 triệu đô-la. Một nghiệp đoàn các chủ ngân hàng do P. Morgan & Co, August Belmont & Co, National City Bank và một số nhà băng khác đề xuất đổi vàng cho chính phủ để lấy trái phiếu. Tổng thống Grover Cleveland đã đồng ý. Các chủ nhà băng ngay lập tức bán lại các cổ phiếu với giá cao hơn và kiếm được khoảng 18 triệu đô-la lợi nhuận.

Một phóng viên viết: “Nếu một người muốn mua thịt bò, anh ta phải đến cửa hàng thịt… Còn nếu Ngài Cleveland muốn có thêm vàng, ông ta phải đến các nhà băng lớn.”

Trong khi làm ăn, Morgan đã cố gắng mang lại sự hợp lý và có tổ chức cho nền kinh tế quốc gia. ông ta duy trì tính ổn định của các hệ thống. ông ta nói: “Chúng ta không muốn có những biến động về mặt tài chính, hôm nay thế này, ngày mai lại thế khác.” ông ta tìm cách gắn kết các hệ thống đường sắt, tất cả đều gắn với các nhà băng và từ nhà băng gắn với các công ty bảo hiểm. Đến năm 1900, ông ta đã kiểm soát tới 100 nghìn dặm đường sắt, chiếm đến một nửa chiều dài đường sắt của nước Mỹ.

Ba công ty bảo hiểm do tập đoàn Morgan chi phối có tài sản lên tới cả tỷ đô-la. Mỗi năm họ thu được khoảng 50 triệu đô-la từ khoản người dân đầu tư vào các chính sách bảo hiểm. Louis Brandeis đã miêu tả lại điều này trong cuốn Other People’s Money (Tiền của kẻ khác) (trước khi ông ta trở thành thẩm phán của Tối cao Pháp viện): “Họ đã kiểm soát người dân thông qua tiền của chính người dân.”

John D. Rockefeller khởi nghiệp từ vị trí kế toán viên tại Cleveland, sau đó trở thành một nhà buôn, tích cóp tiền bạc và đã đi đến một quyết định rằng, trong ngành công nghiệp mới là dầu lửa, kẻ nào kiểm soát các nhà máy lọc dầu thì sẽ kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp này. ông ta đã mua nhà máy lọc dầu đầu tiên vào năm 1862, đến năm 1870 thành lập công ty Standard Oil tại Ohio, đồng thời có các thỏa thuận ngầm đối với ngành đường sắt nhằm dành cho ngành đường sắt quyền vận chuyển dầu của công ty này với điều kiện giảm cước vận chuyển, từ đó có thể loại bỏ được các đối thủ cạnh tranh.

Một công ty lọc dầu độc lập cho biết: “Nếu chúng tôi không chấp nhận bán tống bán tháo… chúng tôi sẽ bị đè nát… chỉ có một công ty thu mua trên thị trường và chúng tôi phải chấp nhận bán với các điều khoản do họ đưa ra.” Một nhà máy lọc dầu ở Buffalo đã bị rung chuyển bởi một vụ nổ nhỏ do Standard Oil thông đồng với kỹ sư cơ khí trưởng của nhà máy lọc dầu gây ra.

Đến năm 1889, Standard Oil trở thành công ty cổ phần, kiểm soát cổ phiếu của nhiều công ty khác, với tổng vốn khoảng 110 triệu đô-la, lợi nhuận khoảng 45 triệu đô-la mỗi năm và tài sản của John D. Rockefeller ước tích lên tới 200 triệu đô-la. Không lâu sau, ông ta chuyển sang đầu tư vào ngành sắt, đồng, than đá, đóng tàu và ngân hàng (Chase Manhattan Bank), với lợi nhuận thu được khoảng 81 triệu đô-la mỗi năm, tài sản cá nhân của ông ta trị giá tới hai tỷ đô-la.

Andrew Carnegie làm nhân viên điện báo từ năm 17 tuổi, tiếp đó làm người môi giới chứng khoán tại Phố Wall chuyên bán các cổ phiếu của ngành đường sắt và thu được hoa hồng kếch xù, rồi không lâu sau trở thành triệu phú. Năm 1872, ông ta đến Anh quốc và được chứng kiến phương pháp luyện thép mới – phương pháp Bessemer. Khi quay về Mỹ, ông ta tiến hành xây dựng một nhà máy luyện thép trị giá hàng triệu đô-la. Các yếu tố cạnh tranh nước ngoài đã bị ngăn cản bằng hàng rào thuế quan do Quốc hội thông qua; đến năm 1880, mỗi tháng Carnegie sản xuất khoảng 10 nghìn tấn thép, lợi nhuận mỗi năm thu được khoảng 1,5 triệu đô-la. Đến năm 1900, mỗi năm ông ta thu được 40 triệu đô-la và cũng vào năm đó, trong một bữa tiệc tối, ông ta đã đồng ý

bán nhà máy thép của mình cho J. P. Morgan. ông ta nguệch ngoạc ra giá trên một mẩu giấy: 492.000.000 đô-la.

Sau đó, Morgan thành lập tập đoàn U.S. Steel Corp, sáp nhập với tập đoàn của Carnegie và các tập đoàn khác. ông ta bán cổ phần và trái phiếu được 1,3 tỷ đô-la (cao hơn 400 triệu đô-la so với chi phí sáp nhập các công ty) và đút túi một khoản gần 150 triệu đô-la phí dàn xếp việc sáp nhập. Liệu cổ tức được chia như thế nào cho tất cả các cổ đông? Chính là thông qua việc bảo đảm để Quốc hội phê chuẩn hàng rào thuế quan ngăn thép nước ngoài vào nước Mỹ, bằng cách triệt tiêu các yếu tố cạnh tranh và duy trì mức giá 28 đô-la/tấn thép và buộc 200 nghìn người làm việc 12 tiếng mỗi ngày với đồng lương ọp ẹp khó có thể đảm bảo cuộc sống gia đình.

Đó là cách mà từ ngành công nghiệp này đến ngành công nghiệp khác – các chủ doanh nghiệp vẫn rất khôn ngoan và hiệu quả − đã xây dựng các đế chế của họ, đè nát cạnh tranh, duy trì giá cao, lương thấp, sử dụng các khoản trợ cấp của chính phủ. Các ngành công nghiệp này hưởng lợi đầu tiên từ “nhà nước phúc lợi”. Đến đầu thế kỷ XX, công ty American Telephone & Telegraph độc quyền hệ thống điện thoại quốc gia; International Harvester chiếm 85% thị phần của tất cả các loại máy móc nông nghiệp; và trong mọi ngành công nghiệp khác, nguồn lực được tập trung và kiểm soát chặt chẽ. Các nhà băng rất quan tâm tới các nhà độc quyền này, đến nỗi đã tạo ra một mạng lưới phối hợp giữa giám đốc của các tập đoàn hùng mạnh, mỗi giám đốc thường nằm trong hội đồng quản trị của nhiều tập đoàn khác. Theo một báo cáo của Thượng viện vào đầu thế kỷ XX, vào lúc cao điểm, Morgan có chân trong hội đồng quản trị của 48 tập đoàn, còn Rockefeller là 37 tập đoàn.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ hành động giống hệt như những gì mà Karl Marx đã miêu tả về một nhà nước tư bản: giả vờ trung lập để duy trì trật tự, nhưng chỉ tập trung để phục vụ lợi ích của nhóm những người giàu có. Nhóm này không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau; họ cũng có những tranh chấp chung quanh các vấn đề chính sách. Nhưng mục đích của chính quyền là giải quyết những tranh chấp của tầng lớp trên một cách hòa bình, kiểm soát sự nổi loạn của tầng lớp hạ lưu, thông qua các

chính sách để duy trì ổn định lâu dài hệ thống chính trị. Sự dàn xếp giữa những người theo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nhằm tạo điều kiện cho Rutherford Hayes thắng cử vào năm 1877 đã khẳng định điều đó. Dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa thắng cử, chính sách quốc gia vẫn không có những thay đổi quan trọng.

Khi Grover Cleveland, ứng cử viên của Đảng Dân chủ ra tranh cử chức tổng thống vào năm 1844, một ấn tượng chung trong cả nước Mỹ là ông ta chống lại quyền lực của các đế chế độc tài và tập đoàn, còn Đảng Cộng hòa mà đại diện là James Blaine lại đứng về phía nhà giàu. Nhưng khi Cleveland đánh bại Blaine, Jay Gould đã gửi điện cho ông ta: “Tôi thấy… rằng các lợi ích kinh doanh to lớn của đất nước hoàn toàn an toàn trong tay Ngài.” Và điều này hoàn toàn đúng.

Một trong những cố vấn hàng đầu của Cleveland là William Whitney, triệu phú và là luật sư của một công ty, nhờ vào kết hôn đã có một khối tài sản kếch xù ở Standard Oil, sau đó được Cleveland bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hải quân. Ngay lập tức ông ta đề ra kế hoạch “thép hóa lực lượng hải quân”, thông qua việc mua các sản phẩm thép với giá cao khủng khiếp từ các nhà máy của Carnegie. Cleveland đã trấn an các nhà tư bản công nghiệp rằng sự thắng cử của ông ta không đe dọa đến công việc làm ăn của họ: “Chừng nào tôi vẫn làm Tổng thống, thì sẽ không có chính sách điều hành nào làm tổn hại đến bất cứ lợi ích kinh doanh nào… Việc chuyển giao quyền điều hành từ đảng này sang đảng khác không có nghĩa là sẽ có những xáo trộn nghiêm trọng đến các điều kiện hiện tại.”

Bản thân cuộc bầu cử tổng thống đã triệt tiêu các vấn đề thực tế; không ai hiểu rõ những lợi ích nào sẽ giành được và lợi ích nào sẽ mất đi nếu chính sách nào đó được thông qua. Cuộc bầu cử cũng đã tiến hành vận động tranh cử như thông thường, che giấu những điểm tương đồng căn bản của các đảng bằng cách lái sang hình ảnh các cá nhân, những câu chuyện tầm phào, nhạt nhẽo. Henry Adams, một bình luận viên sắc sảo về vấn đề này, đã viết cho một người bạn của ông về cuộc bầu cử:

Chúng tôi bị kéo vào các cuộc phiêu lưu chính trị hài hước hơn tất cả những gì từ ngữ có thể miêu tả. Có những vấn đề lớn liên quan… Nhưng một điều hết sức nực cười là

không hề đề cập các mối quan tâm thực tế. Bằng sự thỏa thuận ngầm, họ đồng ý là không đả động đến điều đó. Chúng tôi cảm thấy sợ hãi khi phải thảo luận về chúng. Thay vì điều đó, báo chí bị lôi cuốn vào một cuộc tranh luận hết sức nực cười là liệu Ngài Cleveland có phải là một đứa trẻ được sinh ngoài giá thú hay không, có phải ông ta sống với nhiều hơn một nhân tình hay không.

Năm 1887, dù có một khoản thặng dư khổng lồ trong kho bạc, Cleveland vẫn phủ quyết một dự luật sử dụng khoảng 100 nghìn đô-la hỗ trợ nông dân ở Texas để mua hạt giống ngũ cốc, do ảnh hưởng của hạn hán. ông ta nói: “Sự trợ giúp của chính phủ Liên bang cho những trường hợp như vậy… sẽ khuyến khích sự trông chờ vào chính phủ và làm giảm đi sự cương quyết trong tính cách của dân tộc chúng ta.” Nhưng cũng chính trong năm đó, Cleveland dùng lượng vàng thặng dư để trả cho những người mua công trái với mức mỗi công trái trị giá 100 đô-la được trả thêm 28 đô-la, tổng giá trị phần trả thêm này lên tới 45 triệu đô-la.

Cuộc cải cách chính của chính quyền Cleveland đã bộc lộ bí mật về hệ thống pháp chế cải cách của Mỹ. Đạo luật Thương mại giữa các tiểu bang (Interstate Commerce Act) năm 1887 lẽ ra phải đưa ra những quy định nhân danh người tiêu dùng. Nhưng Richard Olney, một luật sư đại diện cho Boston & Maine và các công ty đường sắt khác, ngay sau khi trở thành Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền Cleveland đã nói với các quan chức ngành đường sắt, những người than phiền về Ủy ban Thương mại Liên bang, rằng tốt hơn hết không nên giải thể ủy ban này “trên quan điểm của ngành đường sắt”. ông ta giải thích:

Ủy ban… được lập ra hoặc có thể được lập ra một cách rất có lợi cho ngành đường sắt. Nó đáp ứng được yêu cầu của dân chúng đòi hỏi có sự giám sát của chính phủ đối với các công ty đường sắt, đồng thời sự giám sát đó chỉ mang tính chất danh nghĩa… khôn ngoan nhất là không nên hủy hoại ủy ban này, mà tìm cách sử dụng nó.

Bản thân Cleveland trong Thông điệp Liên bang năm 1887 cũng đưa ra quan điểm tương tự, cùng với lời cảnh báo: “Cơ hội cho một cuộc cải cách mang tính an toàn, thận trọng nay đang đến; và không ai trong chúng ta được phép xao nhãng rằng có lúc

những con người bị lạm dụng và tức giận… có thể đòi hỏi sự điều chỉnh mang tính cấp tiến và rộng lớn đối với những điều sai trái với họ.”

Benjamin Harrison, thành viên Đảng Cộng hòa, kế nhiệm Cleveland chức Tổng thống từ năm 1889-1893, đã được Matthew Josephson mô tả trong một nghiên cứu đầy màu sắc về thời hậu Nội chiến, có tên The Politicos (Những con buôn chính trị): “Benjamin Harrison có một đặc điểm nổi bật là phục vụ các tập đoàn đường sắt với cả tư cách luật sư và người lính. ông ta đã truy tố những người tham gia biểu tình [trong những năm 1877] tại các tòa án liên bang… đồng thời cũng tổ chức và chỉ huy các đại đội trong thời gian các cuộc biểu tình nổ ra…”

Nhiệm kỳ của Harrison cũng có những động thái hướng tới cải cách. Đạo luật chống độc quyền Sherman (Sherman Anti-Trust Act), được thông qua năm 1890, tự gọi là “một đạo luật bảo vệ ngành kinh doanh và thương mại chống lại những rào cản phi pháp”, đồng thời coi việc hình thành “sự kết hợp hoặc âm mưu” cản trở việc giao thương giữa các bang hoặc ngành ngoại thương là vi phạm luật pháp. Thượng nghị sỹ John Sherman, tác giả của đạo luật nêu trên, giải thích về sự cần thiết phải xoa dịu các nhà chỉ trích sự độc quyền: “Trước kia cũng có tình trạng độc quyền, nhưng chưa bao giờ độc quyền trở nên mạnh mẽ như ngày nay. Các vị cần phải lưu ý những đề nghị của họ, hoặc chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với những người theo chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Hiện nay xã hội bị xáo trộn bởi nhiều lực lượng mà trước kia chưa bao giờ có…”

Khi Cleveland tái đắc cử Tổng thống vào năm 1892, Andrew Carnegie, lúc đó đang ở châu âu, đã nhận được lá thư từ viên quản lý nhà máy thép của ông ta, Henry Clay Frick: “Tôi rất lấy làm tiếc cho Tổng thống Harrison, nhưng tôi không thấy các lợi ích của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, bất kể sự thay đổi như thế nào trong chính phủ.” Khi đối mặt với tình trạng lộn xộn trong nước Mỹ năm 1893, Cleveland đã sử dụng quân đội để đàn áp Đội quân Coxey (Coxey’s Army), lực lượng gồm những người thất nghiệp đến Washington tham gia biểu tình, cũng như để dẹp cuộc đình công ngành đường sắt trên toàn nước Mỹ vào năm tiếp theo.

Trong khi đó, Tối cao Pháp viện, bất chấp vẻ công bằng thể hiện qua bộ áo khoác ngoài màu tối của các quan tòa, lại chăm chút cho lợi ích của tầng lớp cai trị. Làm sao Pháp viện có thể độc lập một khi các thành viên là do Tổng thống lựa chọn và được Thượng viện thông qua? Làm sao có thể bảo đảm được tính trung lập khi thành viên của Pháp viện thường là các luật sư giàu có và hầu hết xuất thân từ tầng lớp thượng lưu? Đầu thế kỷ XIX, Pháp viện đã đặt ra các cơ sở về mặt pháp lý cho nền kinh tế quốc gia, bằng cách thiết lập quyền kiểm soát liên bang đối với các hoạt động thương mại giữa các bang, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho chủ nghĩa tư bản mại bản bằng cách làm cho khế ước trở nên thiêng liêng.

Đến năm 1895, Pháp viện tìm cách diễn giải Đạo luật Sherman theo cách làm cho nó trở nên vô hại. Họ đưa ra định nghĩa rằng, việc tinh luyện đường là một dạng độc quyền trong sản xuất, chứ không phải trong kinh doanh, do đó không chịu các quy định của Quốc hội trong Đạo luật Sherman (trong vụ kiện U.S. chống E. C. Knight Co.). Pháp viện cũng cho rằng Đạo luật Sherman có thể sử dụng để chống lại cuộc biểu tình giữa các bang (như cuộc đình công của ngành đường sắt năm 1894), bởi lẽ những cuộc biểu tình đó cản trở các hoạt động thương mại. Pháp viện cũng tuyên bố một nỗ lực nhỏ của Quốc hội trong việc nâng mức thuế đối với những người có thu nhập cao là vi hiến (trong vụ kiện Pollock chống Farmers’ Loan & Trust Company). Những năm sau đó, Pháp viện cũng từ chối xóa bỏ độc quyền của Standard Oil và American Tobacco, bằng cách viện dẫn Đạo luật Sherman chỉ cấm sáp nhập “bất hợp lý” gây cản trở hoạt động thương mại.

Năm 1895, một chủ nhà băng ở New York đã tôn vinh Tối cao Pháp viện: “Thưa các ngài, tôi đã dành cho các ngài cả Tối cao Pháp viện – người bảo vệ đồng đô-la, người che chở các tài sản cá nhân, kẻ thù của sự cướp bóc, nơi tin cậy vững chắc của nền Cộng hòa.”

Ngay sau khi Tu chính án số 14 thành luật, Tối cao Pháp viện bắt đầu xóa bỏ một phần vai trò chức năng là cơ quan bảo vệ người da đen và chuyển thành một lực lượng chuyên bảo vệ các tập đoàn. Tuy nhiên, đến năm 1877, quyết định của Tối cao

Pháp viện (trong vụ kiện Munn chống Illinois) đã phê chuẩn các luật của bang nhằm quy định mức giá tính vào máy quạt gió khi sử dụng máy hút lúa. Công ty kinh doanh máy hút lúa biện hộ rằng làm như thế là lấy đi tài sản của một người, điều đó vi phạm quy định trong Tu chính án số 14 là “không một bang hoặc cá nhân nào được lấy đi cuộc sống, sự tự do hoặc tài sản của người khác mà không tuân thủ các quy trình của luật pháp”. Tối cao Pháp viện không đồng ý, viện dẫn rằng các máy gieo hạt không chỉ thuần túy là tài sản cá nhân mà thực chất chúng đã được đầu tư với “lợi ích của cộng đồng”, do đó cần phải điều chỉnh.

Một năm sau quyết định đó, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, do các luật sư phục vụ tầng lớp giàu có thành lập, bắt đầu một cuộc vận động trên quy mô toàn nước Mỹ nhằm đảo ngược quyết định của Pháp viện. Chủ tịch của hiệp hội này đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại: “Nếu niềm tin là thứ vũ khí mạnh mẽ của các lợi ích tài sản chống lại khuynh hướng chung ủng hộ công xã, thì chúng là chính đáng.” Và: “Độc quyền là một điều cần thiết và là một lợi thế.”

Đến năm 1886, họ đã thành công. Các cơ quan lập pháp cấp bang, dưới áp lực của nông dân nổi dậy, đã thông qua các luật nhằm quy định các mức phí mà các công ty đường sắt áp dụng đối với nông dân. Trong năm đó, Tối cao Pháp viện (trong vụ kiện Wabash chống Illinois) tuyên bố rằng các bang không thể thực hiện điều này, rằng điều này là sự vi phạm quyền lực của liên bang. Chỉ trong năm đó, Pháp viện rút lại 230 luật của các bang đã được thông qua về quản lý các tập đoàn.

Đến lúc này, Tối cao Pháp viện đã chấp nhận lập luận rằng các tập đoàn là “các cá nhân” và tiền của họ là tài sản cá nhân được bảo vệ theo các điều khoản quy định trong Tu chính án số 14. Nếu coi Tu chính án được thông qua là để bảo vệ quyền lợi của người da đen, thì trong những trường hợp mà Tu chính án số 14 áp dụng tại Tối cao Pháp viện, từ năm 1890 đến 1910, chỉ có 19 vụ liên quan đến người da đen, trong khi có đến 288 vụ liên quan các tập đoàn.

Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện không chỉ thuần túy là những người diễn giải Hiến pháp. Họ là những người có gốc gác khác nhau, lợi ích khác nhau. Một trong

những thành viên (thẩm phán Samuel Miller) năm 1875 nói: “Thật hão huyền để giành được thắng lợi trước các thẩm phán mà trong suốt 40 năm đã ngồi tại tòa như những người biện hộ cho các công ty đường sắt và tất cả các loại hình tư bản liên kết…” Năm 1893, David J. Brewer, một thẩm phán của Tối cao Pháp viện, khi phát biểu tại Hiệp hội Luật sư New York đã nói:

Luật pháp không có gì thay đổi khi mà của cải của cộng đồng tập trung vào tay một số người… Phần đông không sẵn lòng chấp nhận sự hy sinh và tiết kiệm lâu đến thế để tạo ra sự tích lũy… và mọi chuyện vẫn như thường diễn ra, cho đến khi bản chất con người có được thay đổi thì điều đó vẫn luôn là đúng, đấy là của cải của cả một quốc gia sẽ vẫn chỉ tập trung vào tay số ít người, trong khi số đông vẫn phải cặm cụi với công việc cực nhọc hàng ngày của họ.

Điều này không phải là bất chợt xảy ra trong những năm 1880 và 1890 – câu chuyện quay trở lại thời Những người cha lập quốc, những người vốn đã được tìm hiểu về các vấn đề luật pháp trong Commentaries on the Laws of England (Chú giải về luật của nước Anh) của Blackstone , tác phẩm khẳng định: “Luật về tài sản cá nhân thật là một điều tuyệt vời, điều này ít nhất không cho phép vi phạm đến tài sản cá nhân, thậm chí đến hàng hóa chung của cả một cộng đồng.”

Việc kiểm soát trong thời kỳ hiện đại đòi hỏi những yếu tố cao hơn vũ lực, cao hơn cả luật pháp. Nó đòi hỏi cộng đồng dân cư, những người đang sống tập trung một cách nguy hiểm tại các thành phố, nhà máy và cuộc sống của họ đầy rẫy mầm mống nổi loạn, phải được dạy dỗ rằng mọi chuyện đều ổn như vốn có. Tương tự, trường học, nhà thờ, văn học đại chúng đã chỉ ra rằng, trở nên giàu có là một dấu hiệu của sự ưu việt, nghèo đói là dấu hiệu của sự thất bại cá nhân và cách duy nhất để một người nghèo vươn lên là tìm cách trèo lên những thang bậc của người giàu, thông qua nỗ lực phi thường cộng thêm những may mắn đặc biệt.

Những năm sau Nội chiến, một người đàn ông tên là Russell Conwell, tốt nghiệp trường Luật Yale, đồng thời là mục sư và tác giả của hàng loạt cuốn sách bán chạy, đã đưa ra bài thuyết giảng tương tự − tác phẩm Acres of Diamonds (Những cánh đồng

kim cương), thu hút hàng triệu độc giả trên toàn nước Mỹ. Thông điệp ông đưa ra là ai cũng có thể trở nên giàu có nếu cố gắng đúng mức; rằng mọi nơi, nếu nhìn kỹ, thì đều có thể thấy được “những cánh đồng kim cương”. Một đoạn viết:

Tôi nói rằng bạn cần phải trở nên giàu có và trở nên giàu có là nghĩa vụ của bạn… Những người trở nên giàu có có thể là những người trung thực nhất trong cộng đồng. Hãy để tôi nói một cách rõ ràng… 98 trong số 100 người giàu có tại Mỹ đều là những người trung thực. Đó là lý do tại sao họ giàu có. Đó là lý do tại sao họ được tin tưởng vào tiền bạc. Đó là lý do tại sao họ có sự nghiệp vẻ vang và nhiều người làm việc với họ. Điều đó có được bởi lẽ họ là những người trung thực…

… Tôi thông cảm với người nghèo, nhưng số người nghèo đáng được thông cảm thì rất nhỏ bé. Thông cảm với một con người mà Chúa đã trừng phạt anh ta vì những tội lỗi… là một điều sai trái… chúng ta cần phải ghi nhớ rằng ở Mỹ không có ai mà không bị nghèo đi do những khiếm khuyết của chính họ…

Conwell là người sáng lập Đại học Tổng hợp Temple. Rockefeller từng là nhà tài trợ cho nhiều trường đại học, cao đẳng trên khắp nước Mỹ, giúp thành lập Đại học Tổng hợp Chicago. Huntington thuộc công ty Central Pacific thì tặng tiền cho hai trường đại học của học sinh da đen là Học viện Hampton và Học viện Tuskegee. Carnegie đã góp tiền tặng cho các trường đại học, cao đẳng và thư viện. Johns Hopkins được thành lập bởi một nhà triệu phú xuất thân từ thợ cơ khí; các triệu phú khác, như Cornelius Vanderbilt, Ezra Cornell, James Duke và Leland Stanford, cũng đã lập ra các trường đại học mang tên họ.

Những người giàu có dành một phần khoản thu nhập khổng lồ cho những việc như trên thường được biết đến như các nhà hảo tâm. Các cơ sở giáo dục đó không khuyến khích sự bất đồng quan điểm; chúng đào tạo ra những người thuộc tầng lớp trung lưu trong hệ thống nước Mỹ – đó là giáo viên, bác sỹ, luật sư, nhà quản lý, kỹ sư, thợ kỹ thuật, chính trị gia – những người sẽ được trả lương để duy trì vận hành hệ thống, trở thành vùng đệm an toàn chống lại tình trạng nổi dậy.

Trong khi đó, sự mở rộng của hệ thống giáo dục công lập phổ cập đã tạo điều kiện để cả thế hệ công nhân, lành nghề và chưa lành nghề, những người sẽ có học vấn hoặc trở thành nguồn nhân lực cho thời đại công nghiệp mới, được học đọc, học viết, học làm tính. Một điều hết sức quan trọng là những người này học cách vâng lời tầng lớp cai trị. Một nhà báo chuyên quan sát các trường học vào những năm 1890 đã viết: “Thái độ khó chịu của giáo viên thể hiện rõ ra bên ngoài, học trò khuất phục trước ý chí của giáo viên, cố giữ một không khí im lặng và bất động, bầu không khí tinh thần trong lớp học thật tẻ nhạt và lạnh lùng.”

Năm 1859, nguyện vọng của các chủ xưởng tại thành phố Lowell để công nhân của họ học hành đã được thư ký Hội đồng Giáo dục Massachusetts giải thích:

Chủ các nhà máy quan tâm tới tri thức người lao động của họ hơn các tầng lớp và nhóm lợi ích khác. Khi những lao động mới được học hành tử tế hơn và những người làm cũ vẫn được đối xử công bằng, thì sẽ không có tranh cãi hay bãi công nổ ra; cũng như dư luận quần chúng không phải chịu thành kiến của những kẻ mị dân hoặc chịu sự kiểm soát của các biện pháp mang tính bè phái và tạm thời.

Trong cuốn sách Education and the Rise of the Corporate State (Giáo dục và sự trỗi dậy của nhà nước công ty), Joel Spring viết: “Sự phát triển của một nhà máy, giống như hệ thống trong trường học thế kỷ XIX, không phải là một điều ngẫu nhiên.”

Điều này tiếp tục với thế kỷ XX, khi cuốn Classroom Management (Quản lý lớp học) của William Bagley trở thành giáo trình chuẩn cho giáo viên và đã được tái bản tới 30 lần. Bagley nói: “Ai nghiên cứu lý thuyết giáo dục đều có thể dễ dàng nhận thấy, trong chu trình máy móc của lớp học, các lực lượng giáo dục đang từng bước chậm chạp chuyển hóa một đứa trẻ từ tình trạng đôi chút hoang dã thành một sinh vật biết tuân thủ luật pháp và trật tự, rất phù hợp với cuộc sống của một xã hội văn minh.”

Vào giữa và cuối thế kỷ XIX, các trường cao đẳng được xây dựng như là công cụ hỗ trợ cho hệ thống công nghiệp, mà trong đó lịch sử được đề cập rộng rãi trong các giáo trình nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy lòng yêu nước. Những lời thề trung thành, các

chứng chỉ giáo viên, cũng như những đòi hỏi về trách nhiệm công dân được đưa ra nhằm kiểm soát cả chất lượng giáo dục và chính trị của giáo viên. Tương tự, vào cuối thế kỷ này, các quan chức của nhà trường, những người không phải giáo viên, đã được giao quyền kiểm soát sách giáo khoa. Các luật cấm một vài loại sách giáo khoa được một số bang thông qua. Thí dụ, bang Idaho và Montana đã cấm các loại sách giáo khoa về các học thuyết tuyên truyền “chính trị”; bang Dakota đặt ra quy định là các thư viện của trường không được phép lưu trữ các “cuốn sách hoặc tài liệu cổ vũ chính trị bè phái”.

Đối lập với các tổ chức truyền đạt kiến thức và giáo dục nhằm tạo ra hệ thống chính thống và tuân thủ là sự xuất hiện dòng văn học của những tiếng nói bất đồng và phản kháng, được người đọc chuyền tay nhau để chống lại những rào cản to lớn. Henry George, một công nhân tự học, xuất thân từ một gia đình nghèo ở Philadelphia, trở thành nhà báo và là nhà kinh tế, đã xuất bản một cuốn sách năm 1879 và bán được hàng triệu bản, không chỉ ở Mỹ, mà trên toàn thế giới. Cuốn Progress and Poverty (Sự tiến bộ và nghèo đói) của ông cho rằng, nền tảng của tài sản là đất đai, mặt hàng này đang ngày càng bị độc quyền và chính sách thuế đối với đất đai lẽ ra phải mang lại lợi tức đủ để giải quyết vấn đề nghèo đói, cũng như bảo đảm sự công bằng về của cải cho cả nước Mỹ. Độc giả có thể không cảm thấy bị thuyết phục với các giải pháp của ông, nhưng có thể nhìn thấy cuộc sống của mình từ chính những quan sát của ông:

Thực tế là của cải đã tăng lên mạnh mẽ, mức độ trung bình về tiện nghi, giải trí cũng như sự cải tiến đã được nâng lên; nhưng những thứ đạt được không phải trên diện rộng. Tầng lớp hạ đẳng nhất không được chia sẻ những điều đó… Sự liên quan mật thiết giữa nghèo đói và tiến bộ là một bí ẩn to lớn trong thời đại của chúng ta… Tuy có sự mơ hồ, nhưng vẫn tồn tại một cảm nhận chung về sự thất vọng; sự cay đắng ngày càng gia tăng trong các tầng lớp lao động; cảm giác bất ổn và mầm mống một cuộc cách mạng ngày càng lan rộng… Thế giới văn minh bị rung chuyển đến bờ vực của biến động lớn. Hoặc nó phải có bước nhảy vọt mới có thể mở đường tới tiến bộ, đạt được những điều chưa ai dám mơ ước. Hoặc nó sẽ lao xuống dốc và kéo theo toàn bộ

chúng ta quay lại với thời man rợ…

Một thách thức khác đối với hệ thống kinh tế và xã hội đã được Edward Bellamy − luật sư, nhà văn đến từ phía tây Massachusetts − đưa ra. Bằng ngôn từ giản dị, nhưng kích thích trí tò mò, ông đã viết nên cuốn tiểu thuyết Looking Backward (Nhìn lại quá khứ), trong đó tác giả đã rơi vào một giấc ngủ và bừng tỉnh vào năm 2000, tìm thấy một xã hội xã hội chủ nghĩa trong đó con người sống và làm việc hợp tác với nhau. Tác phẩm mô tả xã hội xã hội chủ nghĩa đầy sinh động và đáng yêu, trong vòng vài năm đã bán được hơn một triệu bản; hơn 100 nhóm người đã được thành lập trên khắp nước Mỹ nhằm biến giấc mơ đó thành hiện thực.

Dường như bất chấp những nỗ lực tích cực của chính phủ, các doanh nghiệp, nhà thờ, trường học nhằm kiểm soát suy nghĩ của họ, hàng triệu người Mỹ vẫn hướng tới những lời chỉ trích cay nghiệt đối với hệ thống hiện tại, suy ngẫm về những lối sống có thể khác. Chính các phong trào rầm rộ của công nhân và nông dân diễn ra trong toàn nước Mỹ vào những năm 1880-1890 đã thức tỉnh họ rất nhiều. Các phong trào này vượt xa các cuộc đình công và đấu tranh lẻ tẻ của tá điền trong giai đoạn 1830-1877. Đây là các phong trào toàn dân, khiến tầng lớp cai trị lo ngại hơn bao giờ hết. Đó là quãng thời gian mà các tổ chức cách mạng hiện diện trong các thành phố lớn của Mỹ, bầu không khí tràn ngập các cuộc thảo luận về cách mạng.

Trong những năm 1880-1890, dân nhập cư từ châu âu đã đổ xô đến với tốc độ chưa từng thấy. Tất cả họ đều trải qua các cuộc hành trình khốn khó bằng đường biển. Giờ đây không còn nhiều người nhập cư đến từ Ailen, Đức, nhưng thay vào đó là từ Nga, ý, Do Thái, Hy Lạp – những người đến từ Nam và Đông âu, vốn xa lạ hơn đối với dòng máu Anglo-Saxons bản địa.

Việc nhập cư của các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau góp phần thế nào vào sự tan vỡ của tầng lớp lao động, xung đột đã diễn ra thế nào trong các nhóm phải đối mặt với cùng khó khăn – tất cả đã được mô tả trên một tờ báo của người Bohemian − tờ Svornost, ra ngày 27 tháng 2 năm 1880. Đơn kiến nghị của 258 phụ huynh và những người bảo vệ của Trường Throop tại New York, được hơn một nửa số người đóng

thuế tại quận có trường học đó ký ủng hộ, viết: “những người tham gia kiến nghị có đủ quyền đề nghị dạy tiếng Bohemian, giống như công dân Đức đề nghị dạy tiếng Đức tại các trường công… Phản đối kiến nghị này, có tuyên bố cho rằng giữa người Đức và người Bohemian có sự khác biệt rất lớn, hay nói cách khác, người Đức thuộc nhóm ưu việt hơn”.

Người Ailen vẫn còn nhớ họ từng phải chịu đựng sự thù ghét khi mới đặt chân đến, giờ đây họ đã bắt đầu kiếm được công việc trong các bộ máy chính trị mới vốn mong muốn lá phiếu của họ. Những người làm nghề cảnh sát phải chạm trán với người Do Thái mới nhập cư. Ngày 30 tháng 7 năm 1902, khi cộng đồng Do Thái tổ chức đám tang lớn cho một giáo sỹ quan trọng, đã xảy ra một cuộc bạo loạn của những người Ailen vốn căm ghét việc người Do Thái đến định cư gần họ. Lực lượng cảnh sát chủ yếu là người Ailen. Một cuộc điều tra chính thức sau đó cho thấy cảnh sát đã giúp đỡ những người nổi loạn: “… đã có những kết luận chống lại lực lượng cảnh sát, kết quả là họ bị quở trách, bị phạt một ngày lương hoặc không được làm việc trong lực lượng cảnh sát”.

Cạnh tranh về kinh tế trong cộng đồng mới nhập cư cũng diễn ra gay gắt. Năm 1880, tại California, số người Trung Quốc nhập cư làm công việc xây dựng các tuyến đường sắt nặng nhọc nhưng lương thấp đã lên tới 75 nghìn người, chiếm gần một phần mười dân số của thành phố này. Họ trở thành mục tiêu của các đợt bạo động liên tiếp. Tiểu thuyết gia Bret Harte đã viết bài điếu văn cáo phó cho một người Trung Quốc tên là Wan Lee:

Chết, người bạn thân yêu của tôi đã chết. Bị ném đá cho đến chết, trên chính đường phố của San Francisco, vào đúng năm 1869, bởi một đám choai choai và lũ học sinh của một trường Thiên Chúa giáo.

Tại Rock Springs, Wyoming, mùa hè năm 1885, những người da trắng đã tấn công 500 thợ mỏ người Trung Quốc, thảm sát tàn bạo 28 người.

Những người mới nhập cư đã trở thành tầng lớp lao động, thợ sơn nhà, thợ cắt đá,

người chuyên đào hố. Họ thường được các nhà thầu nhập khẩu ồ ạt. Một người ý kể rằng anh ta dự định đến Connecticut để làm công việc liên quan đến đường sắt, nhưng thay vào đó lại bị đưa đi làm việc tại các mỏ sun-phát tại miền Nam, ở đó anh ta và các công nhân khác bị bọn lính gác có súng canh chừng cả nơi làm việc và lán trại, họ chỉ được trả một số tiền ít ỏi để thanh toán vé tàu và dụng cụ, còn lại rất ít để chi tiêu. Anh ta cùng một số người khác quyết định tìm cách trốn thoát. Họ bị bắt tại một trạm kiểm soát, bị ép tiếp tục làm việc hoặc chấp nhận chết; họ từ chối và đã bị mang ra xét xử tại một phiên tòa, bị xiềng xích và năm tháng sau khi họ đặt chân đến đó, cuối cùng họ đã được thả ra. “Bè bạn tôi bắt tàu đi New York. Tôi chỉ còn một đô-la, trong tình cảnh chẳng hiểu gì về đất nước này hoặc ngôn ngữ ở đây, tôi đã phải đi bộ đến New York. Sau 42 ngày, tôi đã mò được đến thành phố này trong trạng thái kiệt sức hoàn toàn.”

Hoàn cảnh của họ đôi khi đã dẫn đến tình trạng bạo loạn. Một nhà quan sát đương thời kể lại: “một số người ý làm việc tại một địa điểm gần Deal Lake, New Jersey, do không nhận được tiền lương đã bắt trói viên chủ thầu, nhốt hắn ta vào lán trại, hắn ta bị cầm tù cho đến khi viên cảnh sát trưởng của quận cùng với quân lính đến giải thoát.”

Việc buôn bán lao động trẻ em nhập cư phát triển, hoặc thông qua các hợp đồng ký với các bậc cha mẹ đã tuyệt vọng tại quê nhà, hoặc bị bắt cóc. Bọn trẻ sau đó bị giám sát bởi các “trùm cái bang” dưới hình thức nô lệ, đôi khi chúng bị ép biểu diễn âm nhạc để ăn xin. Hàng đàn trẻ em lang thang khắp các đường phố ở New York và Philadelphia.

Khi những người nhập cư đã trở thành công dân trung lập hơn, họ bị lôi kéo vào hệ thống hai đảng của nước Mỹ, bị thuyết phục để trung thành với đảng này hoặc đảng khác, năng lực chính trị của họ bị hút vào các cuộc bầu cử. Một bài báo trên tờ L’ltalia, tháng 11 năm 1894, đã kêu gọi người ý ủng hộ Đảng Cộng hòa:

Khi các công dân Mỹ sinh ra ở nước ngoài từ chối liên kết với Đảng Cộng hòa, họ đã tuyên chiến với chính lợi ích của họ. Đảng Cộng hòa ủng hộ tất cả những gì mà người

ở Cựu Thế giới đang đấu tranh. Đảng này là người bảo vệ cho tự do, sự tiến bộ, trật tự và luật pháp. Đảng này là kẻ thù kiên định của tầng lớp quân chủ.

Trong những năm 1880 có khoảng 5,5 triệu người nhập cư, đến những năm 1890, con số này khoảng 4 triệu, tạo ra sự dư thừa về nhân công, lương bị cắt giảm. Người nhập cư dễ bị kiểm soát hơn, ít được bảo vệ hơn so với dân bản địa; họ bị cách biệt về mặt văn hóa, bị tách biệt khỏi nhau, do đó được sử dụng như người phá đình công. Khi trẻ em tham gia thị trường lao động, điều này cũng làm gia tăng vấn đề về lao động dôi dư và tình trạng thất nghiệp; năm 1880 có tới 1.118.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm một phần sáu tổng số trẻ em) tham gia thị trường lao động tại Mỹ. Trong hoàn cảnh mọi thành viên trong gia đình phải làm việc phần lớn thời gian trong ngày, họ trở nên xa lạ với nhau. Một thợ chuyên gia công đồ áo tên là Morris Rosenfeld đã viết bài thơ My Boy (Cậu bé của tôi), sau đó nó nhanh chóng được sao chép và phổ biến rộng rãi:

Tôi có một đứa con trai bé bỏng,

Một đứa con trai bé bỏng dễ thương;

Đôi khi tôi nghĩ thế giới này là của tôi

Với nó, tôi là người duy nhất

Từ mờ sáng tôi đã phải đi làm

Mãi tối tôi mới được nghỉ ngơi

Tôi thành người xa lạ với con trai tôi

Và đứa bé cũng xa lạ với tôi…

Những người phụ nữ nhập cư trở thành người hầu, gái điếm, nội trợ, công nhân nhà máy và đôi khi trở thành những kẻ nổi loạn. Leonora Barry sinh ra tại Ailen và được mang đến nước Mỹ. Chị lập gia đình và khi chồng qua đời, chị đã phải đi làm tại một nhà máy dệt kim ở vùng thượng New York để nuôi nấng ba đứa con còn bé, tuần đầu

tiên chỉ nhận được 65 xu. Chị đã gia nhập nhóm Hiệp sỹ Lao động, có tới 50 nghìn thành viên là lao động nữ và đến năm 1886 có tới 192 chi hội. Chị trở thành “công nhân nòng cốt” thuộc một chi hội gồm 927 phụ nữ. Chị được bổ nhiệm làm tổng thanh tra của nhóm Hiệp sỹ Lao động, với nhiệm vụ “đào tạo các chị em phụ nữ thuộc tầng lớp lao động và công chúng theo sự cần thiết và nhu cầu của họ”. Chị đã miêu tả vấn đề lớn nhất đối với các nữ công nhân: “Qua những năm tháng dài nhẫn nại, họ đã tạo ra thói quen, như bản chất thứ hai của phụ nữ, phục tùng và chấp nhận mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào cho mình, cái nhìn tiêu cực về cuộc sống khiến họ không có hy vọng.” Báo cáo hoạt động của chị năm 1888 nêu rõ: 537 lời yêu cầu giúp đỡ phụ nữ tổ chức hoạt động; thăm 100 thành phố, thị trấn; phân phát 1.900 tờ rơi.

Năm 1884, các chi hội phụ nữ của công nhân ngành dệt may và sản xuất mũ đã tiến hành đình công. Năm tiếp theo tại New York, công nhân may áo choàng và sơ mi, gồm cả nam và nữ (tổ chức các cuộc mít-tinh riêng rẽ nhưng cùng nhau hành động) cũng đình công. Tờ New York World đã gọi đó là “một cuộc nổi dậy vì bánh mỳ và bơ”. Họ đã nhận được lương cao hơn và giảm giờ làm.

Mùa đông năm đó, tại Yonkers, một số ít nữ công nhân làm thảm bị phạt vì gia nhập nhóm Hiệp sỹ Lao động; vào tháng 2 lạnh giá, 2.500 công nhân đã bỏ làm và đứng chặn trước cổng nhà máy. Trong số đó chỉ có 700 người là thành viên của nhóm Hiệp sỹ Lao động, nhưng chẳng mấy chốc những người tham gia đình công đã gia nhập. Cảnh sát tấn công những người chặn cửa nhà máy và bắt giữ họ, nhưng tòa án kết luận họ vô tội. Một bữa ăn tối thịnh soạn đã được những người lao động tại New York tổ chức để tôn vinh họ, có tới hai nghìn đoàn đại biểu của các công đoàn từ khắp nơi trong thành phố đã tới dự. Cuộc đình công kéo dài sáu tháng, những người phụ nữ đạt được một số yêu cầu, đã quay trở lại làm việc, dù tổ chức công đoàn của họ không được công nhận.

Một điều hết sức lạ lùng đối với nhiều cuộc đấu tranh như vậy là những người đình công chưa bao giờ giành được hết những gì họ muốn, tuy nhiên bất chấp điều kỳ quặc đó, họ vẫn phán kháng và không hề bị bẻ gãy.

Có lẽ phải nhận thấy rằng cuộc chiến hàng ngày vẫn chưa đủ, thay đổi nền tảng là hết sức cần thiết, như vậy mới có đủ khả năng để thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào cách mạng thời điểm đó. Đảng Lao động Xã hội, được thành lập năm 1877, lúc đó vẫn còn non trẻ và bị giằng xé bởi các lập luận khác nhau trong nội bộ, nhưng cũng đã có những ảnh hưởng nhất định đối với việc tổ chức các công đoàn trong giới công nhân ngoại quốc. Tại New York, những người Do Thái theo phong trào chủ nghĩa xã hội đã hợp nhau lại và xuất bản một tờ báo. Tại Chicago, các nhà cách mạng Đức, cùng với những người cấp tiến bản địa như Albert Parsons đã thành lập các hội Cách mạng Xã hội. Năm 1883, một đại hội của những người chủ trương vô chính phủ đã diễn ra tại Pittsburgh. Đại hội đưa ra tuyên ngôn:

… Tất cả các luật lệ đều nhắm tới việc chống lại những người lao động… thậm chí trường học cũng là để phục vụ mục đích trang bị cho các thế hệ con cháu của nhà giàu những phẩm chất cần thiết để duy trì sự thống trị giai cấp của họ. Con cái của người nghèo hiếm khi được hưởng nền giáo dục tiểu học một cách bài bản và điều đó cũng chủ yếu nhằm tạo ra các thành kiến, sự kiêu ngạo và sự lệ thuộc; nói tóm lại, tạo ra sự thiếu hụt về ý thức. Cuối cùng thì Nhà thờ tìm trong đông đảo quần chúng những kẻ dốt nát một cách tuyệt đối và đưa họ tới thiên đường trên mặt đất bằng cách hứa hẹn về những thiên đường giả tưởng… Do đó, công nhân cũng không mong đợi gì từ bất cứ một đảng phái tư bản nào trong cuộc đấu tranh của họ nhằm chống lại hệ thống hiện tại. Họ phải giành được sự giải phóng bằng chính nỗ lực của họ. Như trước kia, tầng lớp đặc quyền đặc lợi không bao giờ chịu chấp nhận từ bỏ sự hung bạo, không thể hy vọng các nhà tư bản thời này từ bỏ quyền cai trị của họ nếu không bị bắt buộc phải làm vậy…

Bản tuyên ngôn cũng kêu gọi “bình quyền cho mọi người bất kể giới tính hoặc chủng tộc”. Tuyên ngôn đã trích dẫn Communist Manifesto (Tuyên ngôn Cộng sản): “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại! Các bạn không có gì để mất, ngoài những xiềng xích trói buộc các bạn; các bạn sẽ giành được cả thế giới!”

Tại Chicago, Hiệp hội Những người lao động quốc tế vừa được thành lập đã có năm

nghìn thành viên, xuất bản một số tờ báo bằng năm thứ tiếng, tổ chức các cuộc đình công và diễu hành của quần chúng; và thông qua lãnh đạo các cuộc đình công nó đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với 22 tổ chức công đoàn mà sau đó hình thành nên Liên đoàn Lao động Trung ương của Chicago. Về mặt lý thuyết, các nhóm hoạt động cách mạng này có những khác biệt, nhưng các nhà lý luận thường gắn bó với nhau thông qua các nhu cầu thực tế cuộc đấu tranh của người lao động, vào giai đoạn giữa những năm 1880 có rất nhiều nhu cầu thực tế đó.

Đầu năm 1886, công ty Texas & Pacific Railroad đã sa thải một lãnh đạo chi hội cấp quận của nhóm Hiệp sỹ Lao động, điều này dẫn đến một cuộc đình công lan rộng khắp miền Tây Nam, làm tắc nghẽn hệ thống giao thông đến cả vùng St. Louis và thành phố Kansas. Chín thanh niên được tuyển dụng tại New Orleans để làm cảnh sát trưởng đã được điều đến Texas để bảo vệ tài sản của công ty này. Sau khi biết về cuộc đình công họ đã bỏ việc và nói rằng “với tư cách là con người với con người, chúng ta không thể cứ cam chịu đi làm và tìm cách cướp miếng cơm từ miệng của những người công nhân, bất chấp chúng ta cần đến mức nào”. Sau đó, những người này đã bị bắt giữ với tội lừa gạt công ty do từ chối làm việc, bị kết án ba tháng tù giam tại nhà tù của quận Galveston.

Những người biểu tình đã có các hành động phá hoại. Một bản tin từ Atchison, Kansas cho biết:

Vào lúc 12 giờ 45 phút sáng nay, những người gác khu nhà để đầu máy xe lửa hết sức kinh ngạc trước sự xuất hiện của khoảng 35-40 người bịt mặt. Họ đã bị một số người khách lạ mặt mang theo cả súng lục bao vây trong một phòng chứa dầu, trong khi một số người lạ mặt khác tìm cách vô hiệu hóa 12 đầu tàu.

Tháng 4, tại Đông St. Louis đã nổ ra trận chiến giữa những người biểu tình và cảnh sát. Bảy người lao động chết, trong khi các công nhân đã đốt cháy ga hàng hóa tại Louisville & Nashville. Thống đốc tuyên bố tình trạng thiết quân luật và triển khai 700 Vệ binh quốc gia. Do bị bắt bớ tràn lan, bị các cảnh sát trưởng và quân lính tấn công kịch liệt, lại không có sự ủng hộ của các công nhân lành nghề hưởng lương của công

ty Railway Brotherhoods, những người đình công đã không thể duy trì. Sau vài tháng, họ phải đầu hàng và nhiều người trong số họ bị đưa vào danh sách đen.

Mùa xuân năm 1886, phong trào đấu tranh ngày làm việc tám tiếng đã phát triển mạnh mẽ. Ngày 1 tháng 5, Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ, lúc này được năm tuổi, đã kêu gọi đình công trên toàn quốc, ở bất cứ nơi nào từ chối chế độ ngày làm tám tiếng. Terence Powderly, lãnh đạo của nhóm Hiệp sỹ Lao động đã phản đối cuộc đình công, ông ta cho rằng trước hết giới chủ và người làm thuê phải được giáo dục về chế độ ngày làm tám tiếng, nhưng các chi hội của nhóm Hiệp sỹ Lao động vẫn lên kế hoạch đình công. Người đứng đầu của Hiệp hội Những người anh em kỹ sư đầu máy phản đối việc ngày làm tám tiếng, ông ta cho rằng “bớt đi hai giờ làm việc nghĩa là thêm hai giờ cho những trò vô bổ và thêm hai giờ cho việc rượu chè”, trong khi đó công nhân đường sắt không đồng ý với quan điểm này và vẫn tiếp tục ủng hộ phong trào đòi ngày làm tám tiếng.

Do đó, 350 nghìn công nhân ở 11.562 cơ sở khắp nước Mỹ đã tham gia đình công. Tại Detroit, 11 nghìn công nhân tham gia diễu hành trong suốt tám tiếng. Tại New York, 25 nghìn người tạo ra một hàng đuốc khổng lồ, dọc theo đại lộ Broadway, dẫn đầu là 3.400 thành viên của Công đoàn những người thợ làm bánh mỳ. Tại Chicago, 40 nghìn người đã biểu tình và 45 nghìn người được quyền rút ngắn thời gian làm việc để chấm dứt biểu tình. Tất cả các tuyến đường sắt tại Chicago đều ngừng hoạt động và hầu hết các ngành công nghiệp tại Chicago bị ngưng trệ. Các cơ sở chăn nuôi bị đóng cửa.

Một “Ủy ban Công dân” gồm các chủ doanh nghiệp họp hàng ngày để bàn bạc chiến lược tại Chicago. Lực lượng quân sự của bang được huy động, cảnh sát đã sẵn sàng và tờ Mail Chicago ngày 1 tháng 5 kêu gọi theo dõi Albert Parsons và August Spies, các nhà lãnh đạo theo khuynh hướng vô chính phủ của Hiệp hội Những người lao động quốc tế. “Cần phải để mắt đến họ. Nếu có vấn đề gì xảy ra thì họ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nếu có điều gì xảy ra thì phải xử họ để làm gương.”

Dưới sự lãnh đạo của Parsons và Spies, Liên đoàn Lao động Trung ương, bao gồm 22

tổ chức công đoàn khác nhau, đã thông qua một nghị quyết quan trọng vào mùa thu năm 1885:

Hãy quyết tâm! Chúng tôi kêu gọi tầng lớp lao động hãy tự trang bị vũ khí để có thể đấu tranh chống lại những kẻ bóc lột, một khi thảo luận không đưa ra được giải pháp: Bạo lực và còn hơn thế, hãy quyết tâm, dù chúng ta mong đợi rất ít từ việc đưa ra yêu cầu về ngày làm tám tiếng, nhưng chúng ta cam kết một cách chắc chắn rằng chúng ta sẽ nỗ lực hết sức nhằm giúp đỡ những người anh em vẫn chịu nhiều lao khổ trong cuộc đấu tranh giai cấp này, chừng nào những người anh em đó vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột… Khẩu hiệu đấu tranh của chúng ta là “Tiêu diệt hết kẻ thù của nhân loại!”

Vào ngày 3 tháng 5, một loạt các sự kiện diễn ra đã đặt Parsons và Spies vào đúng vị trí mà tờ Chicago Mail đã gợi ý (“Nếu có điều gì xảy ra thì phải xét xử họ để làm gương”). Ngày hôm đó, ngay tại điểm đối diện Khu xưởng máy gặt McCormick, những người đình công và người ủng hộ gây đụng độ, ngăn cản người đi làm, cảnh sát nổ súng vào đám đông biểu tình, khiến nhiều người bị thương và bốn người chết. Spies nổi giận, đến nhà in Arbeiter-Zeitung và in một thông tư bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức:

Hãy trả thù!

Hỡi anh em công nhân, hãy cầm lấy vũ khí!!!

… Trong suốt nhiều năm anh em đã phải chịu đựng những nhục nhã tồi tệ nhất,… anh em đã phải làm việc quần quật đến chết… anh em đã phải hy sinh con cái mình cho các chủ nhà máy. Anh em đã phải sống như những nô lệ khốn khổ và nhẫn nhục trong suốt bao nhiêu năm. Tại sao? Để đáp ứng lòng tham lam vô độ, để làm đầy thêm két của những gã chủ trộm cắp? Và giờ đây khi anh em yêu cầu chúng giảm bớt gánh nặng cho anh em, chúng lập tức đưa lũ chó săn đến và bắn giết anh em!

… Anh em hãy cầm lấy vũ khí!

Một cuộc mít-tinh được tổ chức tại Quảng trường Haymarket vào tối ngày 4 tháng 5, với sự tham dự của khoảng ba nghìn người. Cuộc mít-tinh diễn ra rất yên tĩnh. Khi thời gian đã muộn và trời sắp đổ mưa, đám đông rút lại chỉ còn vài trăm người. Một đội gồm 180 cảnh sát xuất hiện, tiến đến bục diễn giả và yêu cầu đám đông giải tán. Diễn giả nói rằng cuộc mít-tinh chấm dứt. Bỗng nhiên một quả bom nổ tung giữa đoàn cảnh sát, 66 cảnh sát bị thương, bảy người trong số này sau đó chết. Cảnh sát cũng nổ súng vào đám đông, một số người chết và 200 người bị thương.

Do không có chứng cớ thủ phạm ném bom, cảnh sát đã bắt giữ tám lãnh đạo chủ trương vô chính phủ tại Chicago. Tờ Chicago Journal viết: “Công lý phải được thực thi một cách mau lẹ đối với những người chủ trương vô chính phủ đang bị bắt giữ này. Luật lệ đề cập việc đồng lõa với tội phạm tại bang này đơn giản đến mức mà các vụ xét xử diễn ra trong thời gian rất ngắn.” Luật của bang Illinois quy định bất cứ ai kích động giết người sẽ phải chịu tội gây ra vụ giết người đó. Chứng cứ chống lại tám người theo chủ trương vô chính phủ chính là tư tưởng của họ, tài liệu về họ; tuy trong số họ chỉ duy nhất Fielden là có mặt tại Haymarket, anh ta đang phát biểu thì quả bom phát nổ. Tòa án đã kết tội và xử tử họ. Đơn xin ân xá của họ bị bác; Tòa án Tối cao tuyên bố họ không có quyền xét xử.

Vụ việc này đã khuấy động sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Các cuộc mít-tinh đã diễn ra tại Pháp, Hà Lan, Nga, Italia, Tây Ban Nha. Tại London, một cuộc mít-tinh phản đối đã được George Bernard Shaw, William Morris, Peter Kropotkin và những người khác bảo trợ. Shaw đã phản bác tám thành viên thuộc Tòa án Tối cao Illinois, theo cách riêng của ông: “Nếu như thế giới này cần phải mất đi tám người, thì có lẽ tốt nhất là hy sinh tám vị quan tòa của Tòa án Tối cao Illinois.”

Một năm sau vụ xử án, bốn người chủ trương vô chính phủ đã bị kết án là Albert Parsons − thợ in, August Spies − thợ bọc thảm, Adolph Eischer và George Engel bị treo cổ. Louis Lingg, một thợ mộc mới 21 tuổi, đã tự nổ tung thân mình trong xà lim bằng một ống thuốc nổ giấu trong miệng. Ba người còn lại vẫn tiếp tục ngồi tù.

Các vụ xử án đã kích động người dân khắp nước Mỹ. Một đám tang diễu hành thu hút

25 nghìn người tham gia tại Chicago. Một số bằng chứng cho thấy một người tên là Rudolph Schnaubelt, vốn vẫn được cho là người chủ nghĩa vô chính phủ, trên thực tế lại là một tay sai của cảnh sát, một tay sai phụ trách việc gây lộn xộn, được thuê ném bom và như vậy cảnh sát có thể bắt giữ hàng trăm người, cũng như tiêu diệt bộ máy lãnh đạo của phong trào cách mạng tại Chicago.

Hậu quả ngay tức thì là sự đàn áp phong trào cấp tiến, trong khi tác động lâu dài là làm sống lại sự hận thù giai cấp, lôi cuốn thêm nhiều người khác, nhất là lớp trẻ thời đó, hành động vì sự nghiệp cách mạng. Sáu mươi nghìn người đã ký tên kiến nghị gửi thống đốc mới của Illinois là John Peter Altgeld. ông này sau đó đã cho điều tra lại sự việc, thông báo công khai về chuyện đã xảy ra và trả tự do cho ba người tù còn lại. Hết năm này sang năm khác, trên khắp nước Mỹ, người ta lại tổ chức các cuộc mít-tinh để tưởng nhớ những người đã hy sinh tại Haymarket; không thể biết được là bao nhiêu người đã giác ngộ cách mạng, như Emma Goldman và Alexander Berkman − những nhà cách mạng kiên cường của thế hệ nối tiếp đã trưởng thành từ vụ Haymarket. (Thậm chí đến năm 1968, tinh thần các sự kiện Haymarket vẫn sống mãi; năm đó một nhóm thanh niên cấp tiến đã làm nổ tung một tượng đài được dựng lên để tưởng nhớ những viên cảnh sát chết trong vụ nổ bom. Vụ xử tám nhà lãnh đạo của phong trào phản chiến thời đó luôn được nhắc trên báo chí, trong các cuộc mít-tinh và trong văn học như là một ký ức khó quên).

Sau sự kiện Haymarket, bạo lực và xung đột giai cấp vẫn tiếp diễn, đình công, danh sách đen, rồi đến việc sử dụng các thám tử Pinkerton và cảnh sát để đàn áp đình công bằng bạo lực, dùng tòa án để tìm cách trấn áp thông qua luật pháp. Trong cuộc đình công của những người bán vé xe điện diễn ra tại Đại lộ số 3 ở New York, một tháng sau vụ Haymarke, cảnh sát đã tấn công đám đông hàng nghìn người, sử dụng gậy gộc hết sức tàn bạo. Tờ New York Sun mô tả: “Những người đàn ông với vẻ mặt giận dữ tràn đi khắp mọi hướng…”

Cuối năm 1886, không khí căm phẫn đã dồn vào chiến dịch vận động tranh cử thị trưởng New York. Các công đoàn thương mại thành lập Đảng Lao động Độc lập và bổ

nhiệm thị trưởng Henry George, một nhà kinh tế cấp tiến, mà tác phẩm Progress and Poverty (Nghèo đói và sự tiến bộ) của ông đã được hàng nghìn công nhân đón đọc. Bản cương lĩnh của George phần nào miêu tả được tình trạng làm việc của công nhân tại New York vào những năm 1880. Cương lĩnh đặt ra yêu cầu:

1. Những chứng chỉ có được khi tài sản của các thành viên hội thẩm đoàn cần bị loại bỏ.

2. Các vị đại thẩm phải được chọn từ đại diện tầng lớp thấp và tầng lớp cao – các tầng lớp vẫn chi phối đại thẩm đoàn.

3. Cảnh sát không được can thiệp vào các cuộc mít-tinh mang tính hòa bình.

4. Cần được tăng cường kiểm tra tình trạng vệ sinh của các tòa nhà.

5. Các công việc công cộng không áp dụng hình thức hợp đồng lao động.

6. Phụ nữ phải được trả lương như nam giới đối với cùng loại công việc.

7. Xe chở khách công cộng phải do chính quyền thành phố sở hữu.

Tại một hội nghị do luật sư Elihu Root chủ trì và giám đốc ngành đường sắt Chauncey Depew đọc diễn văn giới thiệu, Đảng Dân chủ đã đề cử nhà sản xuất thép Abram Hewitt, còn Đảng Cộng hòa đề cử Theodore Roosevelt. Trong một chiến dịch tranh cử phản đối áp bức và hối lộ, Hewitt đã giành được 41% phiếu bầu, George về vị trí thứ hai với 31% phiếu bầu và Roosevelt chiếm vị trí thứ ba với 27% phiếu bầu. Tờ New York World đã nhìn nhận về tín hiệu này:

Sự phản đối sâu sắc được thể hiện trong 67 nghìn phiếu cho Henry George nhằm chống lại quyền lực kết hợp của cả hai chính đảng, các lợi ích của Phố Wall và các chủ doanh nghiệp; và các phương tiện thông tin đại chúng cần phải được xem như một lời cảnh báo cộng đồng chú ý tới những yêu sách của Đảng Lao động, vì tính công bằng và hợp lý của nó…

Tại các thành phố khác của nước Mỹ cũng vậy, các ứng cử viên của Đảng Lao động tham gia tranh cử, chiếm 25 nghìn trong tổng số 92 nghìn cử tri ở Chicago, bầu thị trưởng tại Milwaukee và một số vị trí quan chức khác tại Fort Worth, Texas, Eaton, Ohio, Leadville, Colorado.

Dường như những gì diễn ra từ sự kiện Haymarket vẫn không thể đè bẹp phong trào lao động. Năm 1886 được những người đương thời miêu tả là “năm của những cuộc nổi dậy lớn nhất của các tầng lớp lao động”. Từ năm 1881 đến 1885, mỗi năm có chừng 500 cuộc đình công, lôi kéo sự tham gia của khoảng 150 nghìn công nhân mỗi năm. Năm 1886 có hơn 1.400 cuộc đình công, với khoảng 500 nghìn công nhân tham gia. Trong cuốn History of the Labor Movement in the United States (Lịch sử phong trào lao động tại Mỹ), John Commons phát hiện:

… những dấu hiệu một phong trào to lớn của tầng lớp lao động phổ thông, cuối cùng cũng trở thành cuộc nổi loạn… Phong trào mang đầy đủ dáng dấp của một cuộc đấu tranh xã hội. Sự căm thù một cách cuồng nộ của những người lao động đối với chủ nghĩa tư bản đã được thể hiện trong các cuộc đình công quan trọng… Cảm giác cực kỳ cay đắng đối với chủ nghĩa tư bản thể hiện trong tất cả hành động của nhóm Hiệp sỹ Lao động và ở bất cứ nơi nào những người lãnh đạo phong trào chỉ muốn bó hẹp việc đấu tranh trong giới hạn nhất định, thì cuối cùng đều bị những người tham gia phá vỡ rào cản đó…

Thậm chí đã nổ ra những cuộc nổi loạn rời rạc trong cộng đồng người da đen ở miền Nam, nơi tất cả các thế lực kinh tế, chính trị và quân sự của các bang miền Nam, với sự chấp nhận của chính phủ quốc gia, đã được tập trung nhằm khiến họ trở nên dễ bảo và chịu làm việc. Trên các cánh đồng bông, những người da đen làm việc một cách phân tán, nhưng tại các cánh đồng mía, công việc đòi hỏi phải có từng nhóm, điều này tạo điều kiện cho các hành động có tổ chức. Năm 1880, họ đình công đòi được trả 1 đô-la, thay cho 75 xu mỗi ngày, đe dọa rời khỏi bang này. Một số người đình công đã bị bắt và tống giam, nhưng đoàn người vẫn đi dọc các cánh đồng mía, mang theo các biểu ngữ: “MỘT Đô-LA MỖI NGàY, HOẶC BANG KANSAS”. Họ bị

bắt trở lại, đình công lại nổ ra.

Tuy nhiên, đến năm 1886, nhóm Hiệp sỹ Lao động đã được tổ chức tại các cánh đồng mía, vào đúng năm mà phong trào đang ở đỉnh cao ảnh hưởng. Công nhân da đen, với mức lương không bảo đảm nổi cơm ăn và áo mặc cho gia đình họ, lại thường bị thanh toán bằng các phiếu mua hàng, đã đấu tranh để đòi hỏi mỗi ngày phải được trả ít nhất một đô-la. Mùa thu năm sau đó, gần 10 nghìn công nhân mía đường đã đình công, 90% trong số họ là người da đen và là thành viên của nhóm Hiệp sỹ Lao động. Quân lính đã được triển khai và các cuộc đọ súng bắt đầu.

Bạo lực đã nổ ra tại Thibodaux, thành phố trở thành khu tỵ nạn, nơi hàng trăm người đình công tụ tập, sau khi họ bị đuổi khỏi các lán trại của mình tại các đồn điền, không đồng xu dính túi và đói rách, mang theo con cái và những mảnh vải trải giường. Việc họ từ chối làm việc đã đe dọa toàn bộ vụ thu hoạch mía, lệnh thiết quân luật được tuyên bố tại Thibodaux. Henry và George Cox, hai anh em người da đen, lãnh đạo của nhóm Hiệp sỹ Lao động đã bị bắt giữ, tra khảo, bị lôi đi khỏi phòng giam và không bao giờ người ta còn nghe được tin tức gì về họ nữa. Vào đêm ngày 22 tháng 11, có tiếng súng nổ và hai bên đều đổ lỗi lẫn nhau; đến trưa hôm sau, 30 người da đen đã bị giết hoặc đang ngắc ngoải, hàng trăm người bị thương. Hai người da trắng cũng bị thương. Một tờ báo của người da đen tại New Orleans viết:

… Những người đàn ông què quặt và những người đàn bà mù đã bị bắn chết, những đứa trẻ và những người già đầu hai thứ tóc thì bị nghiến nát một cách tàn bạo! Những người da đen đã không phản kháng; họ không thể, vì việc giết chóc diễn ra quá bất ngờ. Những người không bị giết thì tìm cách chạy trốn, phần đa trong số họ đều chạy đến tận thành phố…

Các công dân của Hợp chúng quốc Mỹ bị giết hại bởi một đám đông do tòa án của bang chỉ đạo… Những người lao động cố gắng để được tăng lương thì bị đối xử như những con chó!…

Tại thời điểm đó, những lời chỉ trích lại dội xuống như những bông tuyết tan trên

miếng chì bị nấu chảy. Người da đen phải bảo vệ cuộc sống của họ; và nếu cần phải chết, họ chết với nét mặt căm phẫn những kẻ ngược đãi họ, trong khi tìm cách đấu tranh vì gia đình, vì con cái và vì những quyền lợi của họ mà luật pháp đã quy định.

Những người nghèo gốc da trắng cũng chẳng khá hơn. Tại miền Nam, họ chủ yếu là nông dân tá điền, chứ không phải là chủ đất. Tại các thành phố miền Nam, họ cũng chỉ là đầy tớ, chứ không phải là các chủ nhà. Ghi chép của C. Vann Woodward trong cuốn Origins of the New South (Nguồn gốc của miền Nam mới) cho thấy tỷ lệ tá điền cao nhất của Mỹ là tại Birmingham, lên đến 90%. Còn những khu ổ chuột của các thành phố phía Nam thì thuộc về người da trắng nghèo khổ, cuộc sống chẳng khác gì người da đen, ở những khu phố bẩn thỉu không được trải nhựa “ngập ngụa trong rác rưởi, bụi bặm và bùn đất”, theo như một báo cáo của cơ quan phụ trách y tế của bang.

Cũng có các cuộc nổi dậy chống lại hệ thống lao động cưỡng bức tại miền Nam, trong đó những người tù phải lao động khổ sai tại các nhà máy, cách này được dùng để ép mặt bằng chung của lương xuống thấp, đồng thời đập tan các cuộc đình công. Năm 1891, những người thợ mỏ của công ty Tennessee Coal Mine được yêu cầu ký một “hợp đồng phủ thép”: cam kết không tham gia đình công, chấp nhận trả lương bằng phiếu đổi hàng và từ chối quyền kiểm tra khối lượng than mà họ khai thác được (thường thì họ được trả lương theo khối lượng mà họ khai thác). Họ từ chối ký và đã bị đuổi việc. Những phạm nhân được chở đến để thay chân họ.

Vào đêm ngày 31 tháng 10 năm 1891, khoảng một nghìn công nhân mỏ có vũ trang đã chiếm khu mỏ, giải phóng 500 phạm nhân và đốt cháy khu trại giam. Các công ty đã đầu hàng, chấp nhận không sử dụng phạm nhân nữa, cũng như không yêu cầu ký kết các “hợp đồng phủ thép”, cho phép công nhân mỏ kiểm tra khối lượng than mà họ khai thác được.

Năm tiếp theo, càng có nhiều vụ tương tự diễn ra tại Tennessee. C. Vann Woodward gọi đây là “các cuộc khởi nghĩa”. Thợ mỏ đã áp đảo lực lượng lính gác của công ty Tennessee Coal Mine, đốt cháy trại giam nhốt các phạm nhân và dùng tàu chở họ đến Nashville. Các công đoàn khác tại Tennessee đến chung tay giúp đỡ. Một người quan

sát đã thông báo tới Liên đoàn Thương mại Chattanooga:

Tôi rất muốn kể lại ấn tượng mà những người tham gia phong trào này đã tạo ra. Tôi đã được đọc một cam kết viết rõ rằng sẽ có một lực lượng bổ sung gồm khoảng 7.500 người tăng cường cho thợ mỏ, những người này sẽ tham gia đình công suốt mười giờ sau khi nghe tiếng súng đầu tiên… Toàn quận gần như hợp nhất lại thành một bộ phận, “phạm nhân phải ra đi”. Ngày thứ hai, tôi đếm được cả thảy 840 khẩu súng trường khi những người thợ mỏ đi ngang qua, trong khi vô số những người đi theo họ mang theo súng lục ổ quay. Người da đen và người da trắng sát cánh cùng nhau.

Cũng vào năm đó, tại New Orleans, 42 cơ sở công đoàn, với hơn 20 nghìn thành viên, hầu hết là người da trắng và thêm một số người da đen (trong ủy ban đình công có một người da đen), đã kêu gọi một cuộc tổng đình công, với sự tham gia của một nửa dân số thành phố. Công việc ở New Orleans gần như bị ngưng trệ. Sau ba ngày, với sự giúp sức của những kẻ phá hoại đình công được gửi đến, lệnh thiết quân luật, sự đe dọa từ quân lính, cuộc đình công đã kết thúc với một sự thỏa hiệp, giới chủ chấp nhận yêu sách giảm giờ làm và tăng lương, nhưng không công nhận công đoàn như là đại diện đàm phán.

Năm 1892 chứng kiến hàng loạt cuộc đấu tranh biểu tình trên toàn nước Mỹ: bên cạnh cuộc tổng đình công tại New Orleans và đình công của thợ mỏ tại Tennessee, xuất hiện cuộc đình công của những người thợ bẻ ghi đường sắt tại Buffalo, New York và một cuộc đình công của công nhân mỏ đồng tại Coeur d’Alene, Idaho. Cuộc đình công Coeur d’Alene được đánh dấu bằng các cuộc đấu súng giữa những người đình công và những kẻ phá hoại đình công, nhiều người đã chết. Một tờ báo ngày 11 ngày 7 năm 1892 cho biết:

… Cuộc xung đột cam go kéo dài giữa lực lượng đình công và những người không thuộc công đoàn cuối cùng cũng diễn ra. Hậu quả là năm người bị giết chết và 16 người phải nhập viện; nhà máy Frisco ở Canyon Creek thì tan hoang; mỏ Gem đã đầu hàng những người đình công, vũ khí bị thu giữ… Say sưa với chiến thắng, những người đình công chuẩn bị mở các đợt tấn công mới đối với những người không đứng

về phía công đoàn…

Lực lượng Vệ binh quốc gia, do thống đốc điều đến, đã được tăng cường lực lượng lính liên bang: 600 công nhân mỏ bị bao vây và tống giam, những người không tham gia đình công đi làm trở lại, các lãnh đạo công đoàn bị phạt, đình công chấm dứt.

Đầu năm 1892, Nhà máy Carnegie Stell tại Homestead, Pennsylvania, ngay gần Pittsburgh, đã được Henry Clay Frick quản lý trong khi Carnegie đang ở châu âu. Frick quyết định giảm lương công nhân và giải tán công đoàn của họ. ông ta xây dựng một hàng rào dài 3 dặm và cao hơn 3,5 m quanh khu sản xuất thép và rào phía trên bằng dây thép gai, bổ sung các lỗ châu mai có bố trí các tay súng trường. Khi công nhân không chấp nhận giảm lương, Frick tuyên bố giãn toàn bộ lực lượng thợ tham gia biểu tình. Lực lượng thám tử Pinkerton được thuê để bảo vệ những người chấp nhận đi làm.

Chỉ có 750 trong số 3.800 công nhân tại Homestead là thành viên công đoàn, nhưng đã có tới ba nghìn công nhân tụ họp tại Opera House và bỏ phiếu áp đảo ủng hộ đình công. Nhà máy nằm bên sông Monongahela và khoảng một nghìn người ngăn cản đình công bắt đầu tuần tra dọc sông, kéo dài tới 10 dặm. Một ủy ban những người đình công đã chiếm giữ thành phố và cảnh sát trưởng không thể huy động quân lính địa phương chống lại những người biểu tình.

Đêm ngày 5 tháng 7 năm 1892, hàng trăm đội bảo vệ Pinkerton lên các xuồng đỗ trên sông cách Homestead năm dặm và di chuyển về phía nhà máy, nơi khoảng 10 nghìn người biểu tình và người ủng hộ đang chờ. Đám đông cảnh báo đội bảo vệ Pinkerton không nên ra khỏi xuồng. Một người biểu tình nằm lăn ra tấm ván cầu, và khi một thám tử Pinkerton cố gắng lôi anh ta sang một bên, thì anh ta đã nổ súng, làm một viên thám tử bị thương ở trán. Trong trận đọ súng giữa hai bên, bảy công nhân đã chết.

Đội bảo vệ Pinkerton phải quay lại xuồng. Họ bị tấn công từ khắp phía, phải chấp nhận đầu hàng, sau đó bị đám đông giận dữ đánh đập. Cả hai bên đều có người thiệt

mạng. Trong vài ngày tiếp theo, những người đình công đã cai quản cả vùng. Và cả bang đã lao vào một cuộc chiến: thống đốc huy động quân sỹ, được trang bị súng trường đời mới nhất và súng Gatling, để bảo vệ những người phá đình công được bổ sung tới.

Những người lãnh đạo đình công bị kết án tội giết người; 160 người tham gia đình công bị kết án các tội khác. Tất cả đều được các vị quan tòa thân thiện tha bổng. Toàn bộ Ủy ban Đình công bị bắt vì tội phản quốc chống lại bang, nhưng không có tòa án nào kết án họ. Cuộc đình công kéo dài suốt bốn tháng, nhưng nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất thép, nhờ những người phá đình công được huy động đến, thường là trên những đoàn tàu bị khóa chặt cửa, không biết được nơi sẽ đặt chân đến và cũng không biết là đình công đang diễn ra. Những người tham gia đình công, khi đã không còn nguồn lực, đành phải chấp nhận quay lại làm việc, lãnh đạo của họ thì bị đưa vào danh sách đen.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại là cuộc đình công chỉ giới hạn trong địa phận Homestead, trong khi các nhà máy khác của Carnegie vẫn tiếp tục làm việc. Một số công nhân của các lò luyện kim tham gia đình công, nhưng họ nhanh chóng bị thất bại, sắt từ các lò luyện này sau đó đã được sử dụng tại Homestead. Sự thất bại đã khiến phong trào công đoàn tại các nhà máy ở Carnegie tiếp tục sang tận thế kỷ XX và công nhân thì phải chịu hạ lương và tăng giờ làm, mà không có sự phản kháng nào mang tính tổ chức.

Giữa lúc diễn ra cuộc đình công Homestead, một thanh niên theo chủ trương vô chính phủ tên là Alexander Berkman, theo kế hoạch của những người bạn tại New York, trong đó có người yêu của anh ta là Emma Goldman, đã đến Pittsburg và đột nhập văn phòng của Henry Clay Frick, định giết hắn ta. Mục đích của Berkman không thành, anh ta chỉ làm Frick bị thương và sau đó bị trấn áp, đem ra xét xử với tội danh cố ý giết người. Anh ta đã mất 14 năm trong trại cải tạo của bang. Cuốn Prison Memoirs of an Anarchist (Những ghi nhớ từ nhà tù của một người chủ trương vô chính phủ) đã mô tả chi tiết về những nỗ lực trong vụ ám sát và những năm tháng tù đày của anh ta,

mặc dù đã có những thay đổi suy nghĩ về sự cần thiết của vụ ám sát, nhưng vẫn bày tỏ quan điểm trung thành với tinh thần cách mạng. Cuốn tự truyện của Emma Goldman, Living My Life (Sống cuộc đời tôi), thì truyền tải nỗi giận dữ, sự bất công, khát vọng về một cuộc sống mới của những người theo tư tưởng cấp tiến trẻ tuổi ngày đó.

Năm 1893 chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sau vài thập kỷ liên tục tăng trưởng về công nghiệp, sự gian lận về tài chính, nạn đầu cơ không kiểm soát nổi và sự trục lợi, tất cả đều bắt đầu sụp đổ: 642 nhà băng phá sản và 16 nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa. Trong tổng số 15 triệu nhân công, có tới 3 triệu bị thất nghiệp. Không hề có sự cứu trợ từ chính phủ bang, nhưng những cuộc diễu hành trên diện rộng của quần chúng đã buộc các cấp chính quyền thành phố phải duy trì bếp nấu cháo phát chẩn cho người dân tại các đường phố hoặc công viên.

Tại thành phố New York, ngay ở Quảng trường Union, Emma Goldman đã có bài phát biểu trong một cuộc mít-tinh của đông đảo những người thất nghiệp và thúc giục những người có con cái đang cần lương thực, thực phẩm đổ xô đến các cửa hàng và xông vào cướp bóc. Chị ta đã bị bắt vì tội “khuấy động nổi loạn” và bị kết án hai năm tù. Tại Chicago, ước chừng khoảng 200 nghìn người mất việc làm, tại cầu thang và các lối đi lại của Tòa thị chính thành phố, cũng như các đồn cảnh sát hàng đêm chật ních những người vô gia cư đang cố tìm chỗ ngủ.

Cuộc Đại khủng hoảng kéo dài hàng năm trời và gây ra làn sóng đình công trên phạm

vi cả nước Mỹ. Cuộc đình công có quy mô lớn nhất là cuộc đình công trên phạm vi cả nước của công nhân ngành đường sắt vào năm 1894, bắt đầu tại công ty Pullman ở Illinois, ngay bên ngoài Chicago.

Lương hàng năm của công nhân đường sắt, theo như báo cáo của ủy viên hội đồng lao động vào năm 1890, là 957 đô-la đối với kỹ sư − lực lượng “thống trị” trong ngành đường sắt, còn trưởng tàu chỉ được 575 đô-la, người gác phanh là 212 đô-la và lao động thông thường chỉ được 124 đô-la. Công việc của ngành đường sắt được xem là một trong những công việc nguy hiểm nhất tại Mỹ; mỗi năm khoảng hai nghìn công nhân chết và khoảng 30 nghìn người bị thương tật. Các công ty đường sắt gọi vấn đề

này là “hành động của Chúa” hoặc là hậu quả của “sự bất cẩn” của công nhân, nhưng tờ Locomotive Firemen’s Magazine cho rằng: “Thực tế sự thật là như thế này: trong khi các viên quản đốc ngành đường sắt cố gắng giảm nhân công và yêu cầu những người còn lại phải làm việc bằng hai, điều này cũng làm giảm thời gian nghỉ ngơi hoặc ngủ… các tai nạn đã xảy ra chủ yếu là do sự bần tiện của chính các công ty.”

Chính cuộc Đại khủng hoảng năm 1893 đã thúc đẩy Eugene Debs cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa công đoàn và chủ nghĩa xã hội. Debs sinh ra tại Terre Haute, Indiana, nơi bố mẹ ông có một cửa hàng. ông làm việc trong ngành đường sắt suốt bốn năm trời cho đến khi bước sang tuổi 19, rồi bỏ việc khi chứng kiến một người bạn chết do ngã từ đầu máy xuống. ông gia nhập Hiệp hội Anh em Đường sắt (Railroad Brotherhood). Đến giai đoạn diễn ra các cuộc đình công lớn vào năm 1877, Debs đã phản đối chúng và tranh luận rằng không có sự “xung đột cần thiết giữa các nhà tư bản và người lao động”. Nhưng đến khi đọc tác phẩm Looking Backward (Nhìn nhận lại) của Edward Bellamy, ông đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ. ông tham gia các sự kiện tại Homestead, Coeur d’Alene và cuộc đình công của những người bẻ ghi đường sắt tại Buffalo. ông viết:

Nếu năm 1892 đã rút ra cho cả thế giới một bài học đáng nhớ thì đó chính là việc giai cấp tư bản, giống con bạch tuộc, đã cuộn chặt họ bằng những chiếc vòi của chúng và kéo chìm họ xuống chiều sâu của sự bần cùng hóa. Để có thể thoát khỏi những cái vòi của con quái vật này, thì phong trào lao động có tổ chức vẫn phải đối mặt với muôn vàn thách thức trong năm 1893.

Vào giữa thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 1893, một nhóm công nhân đường sắt, gồm cả Debs, đã thành lập Công đoàn Đường sắt Mỹ để đoàn kết tất cả công nhân đường sắt. Debs nói:

Mục tiêu cuộc sống của tôi là thành lập công đoàn của công nhân đường sắt. Đoàn kết họ thành một khối thống nhất vững mạnh đó là mục tiêu của tôi… Sự hình thành một giai cấp sẽ nuôi dưỡng những thành kiến và sự ích kỷ của giai cấp… Ước nguyện của đời tôi là thống nhất toàn bộ công nhân đường sắt và xóa bỏ tầng lớp bóc lột người lao

động… và tổ chức sắp xếp lại họ, sao cho mọi người đều bình đẳng…

Những người thuộc nhóm Hiệp sỹ Lao động đã xuất hiện và hầu như đã có sự sáp nhập giữa những người của phong trào này và Công đoàn Đường sắt Mỹ, theo lời của David Montgomery, một sử gia chuyên nghiên cứu về lao động.

Debs muốn huy động mọi người, nhưng người da đen đã bị loại ra: tại một hội nghị vào năm 1894, điều khoản hiến pháp quy định việc cấm người da đen đã được xác nhận theo tỷ lệ là 112 phiếu thuận trên 100 phiếu chống. Về sau, Debs cho rằng điều đó đã ảnh hưởng to lớn tới kết quả cuộc đình công ở Pullman, vì những người công nhân da đen không hề muốn hợp tác với người biểu tình.

Tháng 6 năm 1894, công nhân tại công ty Pullman Palace Car tiến hành đình công. Chúng ta có thể thấy được những trợ giúp mà họ có, hầu hết là từ các vùng phụ cận của Chicago, trong tháng đầu tiên của cuộc đình công; có thể từ danh sách đóng góp mà Đức cha William H. Carwardine, một mục sư theo dòng Giám lý tại thị trấn Pullman đã tổng hợp lại trong vòng ba năm (ông đã bị chuyển đi nơi khác sau khi ủng hộ những người đình công):

Công đoàn ngành in số 16

Công đoàn thợ sơn và trang trí số 147

Công đoàn thợ mộc số 23

Hội Những người cộng hòa khu phố số 34

Lực lượng cảnh sát Grand Crossing

Bộ phận phụ trách nước Công viên Hyde

Những người cắm trại tại Công viên Gardener

Công đoàn những người buôn sữa

Những nhà cung cấp rượu thuộc Công viên Hyde

Đồn cảnh sát số 14

Dàn nhạc Thụy Điển

Sở Cứu hỏa Chicago

Hội ca hát Đức

Séc chuyển tiền từ Anaconda, Montana

Những người đình công của công ty Pullman đã kiến nghị tới một phiên họp của Công đoàn Đường sắt Mỹ để kêu gọi sự giúp đỡ:

Kính thưa ngài Chủ tịch và các anh em thuộc Công đoàn Đường sắt Mỹ. Chúng tôi đã đình công tại Pullman, bởi vì chúng tôi tuyệt vọng. Chúng tôi xin gia nhập Công đoàn Đường sắt Mỹ vì tổ chức này ít nhiều đem lại cho chúng tôi hy vọng. Hai mươi nghìn linh hồn, đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ, đang hướng ánh mắt tới phiên họp hôm nay, đang mệt mỏi cố gắng nhìn xuyên qua bầu không khí u ám để có thể tìm ra được thông điệp của Chúa trời mà các vị sẽ mang lại cho chúng tôi trên mảnh đất này…

Tất cả các vị hẳn đều biết, nguyên nhân chính cuộc đình công của chúng tôi là hai thành viên trong ban kiến nghị đã bị đuổi việc… năm người bị hạ lương… Điều cuối cùng mới là nghiêm trọng nhất, bị cắt đến gần 30% lương, trong khi giá thuê nhà không hề giảm…

Nước mà Pullman mua từ thành phố với giá 8 xu 1.000 ga-lon, ông ta đã bán lẻ lại cho chúng tôi với giá gấp 500 lần… Gas được bán với giá 75 xu một feet khối tại Công viên Hyde, ngay phía bắc khu chúng tôi, nhưng ông ta lại bán với giá 2,25 đô-la. Khi chúng tôi trình bày với ông ta về những nỗi thống khổ của mình thì ông ta nói rằng chúng tôi đều là “con cháu” của ông ta…

Pullman, tên của cả một con người và thị trấn, là khối ung nhọt trên một cơ thể chính

trị. ông ta làm chủ các khu nhà, các nhà trường; các nhà thờ trong thị trấn đều được ông ta đặt cho cái tên rất xoàng xĩnh của ông ta…

Và như thế cuộc chiến chếnh choáng – vũ khúc của những bộ xương khoác trên người những giọt nước mắt con người – vẫn tiếp tục và nó sẽ vẫn còn tiếp diễn mãi mãi, thưa các anh em, trừ phi anh em, Công đoàn Đường sắt Mỹ ra tay ngăn lại, chấm dứt và đập tan nó.

Công đoàn Đường sắt Mỹ đã đáp lại. Công đoàn yêu cầu các thành viên trên khắp nước Mỹ tẩy chay các toa xe lửa của Pullman. Vì tất cả các đoàn tàu khách đều có các toa xe của Pullman, điều này đã dẫn đến tình trạng tẩy chay tất cả các đoàn tàu – một cuộc đình công trên phạm vi toàn quốc. Chẳng mấy chốc tất cả các phương tiện giao thông trên 24 hệ thống đường sắt ở Chicago phải ngưng hoạt động. Công nhân làm trật bánh các toa tàu chở hàng, bao vây các đường ray, lôi kỹ sư ra khỏi các đoàn tàu nếu họ từ chối hợp tác.

Hiệp hội các tổng giám đốc, đại diện cho các chủ đường sắt, đã đồng ý trả tiền cho hai nghìn người, cử họ đến để phá cuộc đình công. Nhưng cuộc đình công vẫn tiếp tục. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Richard Olney, cựu luật sư ngành đường sắt, được lệnh của tòa chống lại việc bao vây các đoàn tàu, căn cứ vào cơ sở luật pháp cho rằng thư từ của liên bang có thể bị ảnh hưởng. Khi những người biểu tình phớt lờ lệnh này, Tổng thống Cleveland đã điều quân đội liên bang đến Chicago. Vào ngày 6 tháng 7, những người biểu tình đã đốt hàng trăm toa xe.

Ngày hôm sau, quân đội của bang được điều đến và tờ Chicago Times đã phản ánh:

Chiều hôm qua, Đại đội C. Trung đoàn số 2… đã vô hiệu hóa một đám đông những kẻ nổi loạn tại phố 49 và phố Loomis. Cảnh sát đã đến hỗ trợ… và hoàn tất công việc. Không có cách nào để biết được là bao nhiêu tên nổi loạn đã bị giết chết hoặc bị thương. Đám đông khuân đi rất nhiều người chết và bị thương.

Một đám đông khoảng năm nghìn người đã tụ tập. Họ ném đá vào lực lượng binh sỹ,

lệnh nổ súng đã được đưa ra.

… Có thể nói rằng đám đông tỏ ra hung dữ, nhưng đó là một biểu hiện của sự yếu đuối… Lệnh tấn công được đưa ra… từ thời điểm đó, chỉ lưỡi lê được sử dụng… hàng chục người ở hàng đầu của quân nổi loạn đã bị thương vì lưỡi lê đâm…

Đám đông đã quyết định phản công bằng đá sỏi… lệnh được truyền xuống từng hàng để các sỹ quan có biện pháp phòng vệ. Thi thoảng lại có những phát đạn chỉ thiên về phía đám đông… cảnh sát với dùi cui trên tay bám theo sau. Một rào thép gai được thiết lập trên đường ray. Những người nổi loạn đã quên điều này; khi quay trở lại thì họ đã bị rơi vào bẫy.

Cảnh sát không có vẻ khoan nhượng, họ dùng dùi cui đẩy lùi đám đông quay lại phía hàng rào thép gai một cách không khoan nhượng… Đám đông phía bên ngoài hàng rào đã tràn đến để hỗ trợ cho những người nổi loạn… đá bay vèo vèo…

Khu vực xảy ra trận đấu không khác gì một bãi chiến trường. Nhiều người bị quân lính và cảnh sát bắn ngã vật ra…

Ngày hôm đó tại Chicago, 13 người bị giết, 53 người bị thương nặng, 700 người bị bắt. Trước khi cuộc đình công chấm dứt, có lẽ phải đến 34 người đã chết. Với 14 nghìn cảnh sát, dân quân, binh sỹ tại Chicago, cuộc đình công đã bị đè bẹp. Debs bị bắt vì coi thường tòa án, vì đã vi phạm lệnh là anh ta không được làm hoặc nói gì kích động cuộc đình công. Anh ta đã nói với tòa án: “Tôi cho rằng, nếu như không có những hành động phản kháng, thì xu hướng toàn bộ nền văn minh của chúng ta sẽ đi thụt lùi; một khi chúng ta đạt đến điểm mà không còn sự phản kháng nữa, thì chế độ nô lệ hẳn sẽ xuất hiện.”

Tại tòa, Debs bác bỏ mình là người theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng trong thời gian ở tù suốt sáu tháng, anh ta nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội và trao đổi với bạn tù là những người theo chủ nghĩa xã hội. Về sau anh ta viết: “Tôi đã được giác ngộ về chủ nghĩa xã hội trong tiếng gào thét của cuộc xung đột… giữa ánh thép lưỡi lê và tiếng đạn

súng trường chát chúa… Đây là cuộc đấu tranh thực tế của tôi vì Chủ nghĩa Xã hội.”

Hai năm sau khi ra tù, Debs viết trên tờ Railway Times:

Vấn đề là chủ nghĩa xã hội đối lập với chủ nghĩa tư bản. Tôi theo chủ nghĩa xã hội bởi vì tôi đấu tranh cho nhân loại. Chúng ta đã phải khổ sở bởi ngai vàng quá lâu. Tiền bạc không thể tạo ra cơ sở vững chắc cho nền văn minh. Đã đến lúc tân tạo lại xã hội – chúng ta đang ở giai đoạn chuẩn bị có những thay đổi trên toàn thế giới.

Do vậy, những năm 1880-1890 đã chứng kiến hàng loạt vụ nổi dậy của người lao động; và các cuộc nổi dậy đó có tổ chức hơn là các cuộc nổ ra triền miên vào năm 1877. Giờ đây đã có những phong trào cách mạng ảnh hưởng đến các cuộc đấu tranh của người lao động, những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội ảnh hưởng đến lãnh đạo các phong trào lao động. Văn học cấp tiến bắt đầu xuất hiện, đề cập những thay đổi căn bản, những triển vọng mới trong đời sống.

Cũng trong giai đoạn đó, các nông dân làm việc trên đồng ruộng, ở miền Nam và miền Bắc, da đen và da trắng, đã có những tiến bộ vượt xa các cuộc phản đối lẻ tẻ của tá điền giai đoạn trước Nội chiến và tạo ra một phong trào phản kháng mạnh mẽ nhất của nông dân trong lịch sử nước Mỹ.

Khi Đạo luật Homestead được ra thảo luận tại Quốc hội năm 1860, một thượng nghị sỹ của tiểu bang Wisconsin tuyên bố ủng hộ đạo luật đó:

… vì hiệu lực tốt lành của dự luật sẽ giúp trì hoãn trong hàng thế kỷ nữa, nếu như không muốn nói là vĩnh cửu, tất cả các cuộc xung đột nghiêm trọng giữa tư bản và người lao động tại các bang tự do hơn, trong khi giảm bớt lượng dân số dư thừa nhằm tạo ra nhiều hơn các phương tiện tồn tại.

Đạo luật Homestead không có được sức tác động đó. Nó đã không mang lại sự thanh bình cho miền Đông bằng cách di chuyển nhiều người Mỹ sang miền Tây. Đó không phải là giải pháp an toàn cho tình trạng bất mãn vốn đã lên cao quá mức có thể kiềm chế. Như Henry Nash Smith nói (trong cuốn Virgin Land – Vùng đất nguyên sinh) và

cũng là thực tế: “Ngược lại, ba thập kỷ sau đó đã chứng kiến những lộn xộn trên diện rộng một cách cay đắng nhất mà nước Mỹ từng phải trải qua.”

Đạo luật đó cũng không mang lại được sự yên bình cho vùng nông thôn ở miền Tây. Hamlin Garland, một người đã giúp rất nhiều người Mỹ ý thức được cuộc sống của nông dân, trong phần mở đầu tiểu thuyết có tên Jason Edwards, đã viết: “Những vùng đất có cây cối giờ đây không còn nữa. Mẫu đất cuối cùng có thể canh tác giờ đây đã lọt vào tay các cá nhân hoặc công ty.” Trong Jason Edwards, một thợ cơ khí người Boston đã chuyển gia đình anh ta sang miền Tây, theo lời quảng cáo. Nhưng anh ta được chứng kiến tất cả đất đai trong phạm vi 30 dặm cách đường sắt đã bị các tay đầu cơ chiếm sạch. Anh ta đã phải vật lộn để trang trải khoản nợ cho trang trại của mình, nhưng rồi một cơn bão ập đến đã tàn phá cánh đồng lúa mỳ của anh ta trước khi vụ thu hoạch được tiến hành.

Đằng sau những tâm trạng thất vọng thường gặp trong các tác phẩm văn học về đời sống ở các trang trại lại có những ảo tưởng khác nhau về cách tìm một lối sống khác. Trong một tác phẩm khác của Garland có tên là A Spoil of Office (Chiến lợi phẩm của văn phòng), một nhân vật nữ đã phát biểu trong chuyến dã ngoại của những người nông dân:

Tôi thấy đến lúc người nông dân không cần sống trong túp lều ở một trang trại cô độc nữa. Tôi thấy những người nông dân tụ họp với nhau thành nhiều nhóm. Tôi thấy họ dành thời gian để đọc và thăm thú bạn hữu. Tôi nhìn thấy họ say sưa lắng nghe những bài giảng trong các tòa nhà xinh đẹp, mà ở làng nào cũng có. Tôi nhìn thấy họ tụ tập nhau lại, như những người già Saxons, vào mỗi tối, trên các thảm cỏ xanh, cùng nhau ca múa. Tôi thấy các thành phố đang mọc lên gần họ, với trường học, nhà thờ, các phòng hòa nhạc và nhà hát. Tôi nhìn thấy ngày mà người nông dân không còn phải chịu kiếp thân trâu ngựa và vợ con họ là những kẻ nô lệ tôi đòi, lúc đó họ là những người đàn ông và đàn bà hạnh phúc, cùng nhau ca hát khi làm những công việc đồng áng trong các trang trại màu mỡ của họ. Khi mà các cậu bé và cô bé không phải đi đến miền Tây hoặc vào các thành phố, khi mà cuộc đời đáng để sống. Đến ngày đó,

mặt trăng sẽ sáng hơn, các vì sao sẽ lấp lánh hơn, niềm vui, thơ ca và tình yêu cuộc sống sẽ quay lại với những con người vun xới đất đai.

Hamlin Garland viết cuốn Jason Edwards năm 1891 để dành riêng cho Liên minh Nông dân. Liên minh Nông dân này chính là nòng cốt của một phong trào lớn trong những năm 1880-1890, mà sau này có tên là phong trào Dân túy.

Giữa những năm 1860 và 1910, sau khi đánh bật các ngôi làng người Anh-điêng ra khỏi vùng Đồng bằng Lớn, quân đội Mỹ đã mở đường cho các hệ thống đường sắt tiến vào và giành những vùng đất tốt nhất. Sau đó nông dân tràn vào chiếm lấy những gì còn sót. Từ năm 1860 đến 1900, dân số Mỹ tăng từ 31 lên 75 triệu người; giờ đây 20 triệu người đã sống ở khu vực phía tây Mississippi, con số nông trang tăng từ 2 triệu lên 6 triệu. Do các thành phố ở phía Đông đông đúc dân cư rất cần lương thực, thị trường lương thực nội địa đã tăng gấp đôi; 82% sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ bên trong nước Mỹ.

Hoạt động canh tác bắt đầu sử dụng các loại cày máy, máy gặt, máy đập, máy tỉa hạt bông cải tiến để tách sợi bông từ hạt; và đến đầu thế kỷ XIX, đã có những kỹ thuật vượt bậc trong việc gặt lúa mỳ, đập và đóng bao. Năm 1830, một giạ lúa mỳ mất ba giờ để xay xát, đến năm 1900 chỉ còn mất 10 phút. Chuyên môn hóa đã được phát triển theo từng vùng: bông và thuốc lá ở miền Nam, lúa mỳ và ngô ở vùng Trung Tây.

Mua đất thì mất tiền, mua máy móc cũng tốn kém – do đó nông dân phải vay mượn, với hy vọng rằng các vụ thu hoạch của họ vẫn duy trì được giá cao, để họ có thể trả nợ cho nhà băng, trả phí vận chuyển cho ngành đường sắt, trả tiền mua lúa mỳ cho những nhà buôn, trả tiền lưu kho cho các nhà có máy quạt thóc. Nhưng họ lại gặp phải tình trạng sản phẩm bị rớt giá, trong khi chi phí vận tải và các khoản vay cứ tăng dần, bởi vì bản thân người nông dân không thể kiểm soát được giá lúa mỳ, trong khi ngành đường sắt và các nhà băng độc quyền có thể tính giá theo cách họ muốn.

Trong tiểu thuyết The Hamlet (Xóm quê), William Faulkner đã mô tả một người mà nông dân phải phụ thuộc:

ông ta là chủ đất lớn nhất… ở một quận, là thành viên tòa Công lý và Hòa bình của quận bên cạnh và là ủy viên hội đồng bầu cử ở hai quận… ông ta vẫn là một nông dân, một người cho vay nặng lãi, kiêm bác sỹ thú y… ông ta sở hữu hầu hết các mảnh đất tốt trong quận và nắm quyền cầm cố của hầu hết phần đất còn lại. ông ta sở hữu các cửa hàng và máy tỉa hạt bông, các nhà máy xay liên hợp và các lò rèn…

Những nông dân không trả được nợ phải chứng kiến cảnh nhà cửa và đất đai của họ bị lấy đi. Đến năm 1880, 25% tổng số các trang trại là do các tá điền thuê để canh tác, con số đó tiếp tục gia tăng. Nhiều người thậm chí không có tiền thuê đất canh tác riêng, phải chấp nhận làm thuê trong các trang trại. Đó là số phận chung cho những nông dân không trả được nợ.

Liệu nông dân bị bần cùng hóa và tuyệt vọng có quay sang chính phủ để mong được giúp đỡ? Trong một nghiên cứu về phong trào Dân túy − The Democratic Promise (Lời hứa dân chủ), Lawrence Goodwyn cho biết sau Nội chiến cả hai đảng đều bị các nhà tư bản kiểm soát. Họ chia cắt nhau theo các trục Nam – Bắc và vẫn duy trì tình trạng thù địch từ cuộc Nội chiến. Điều này khiến khó có thể tạo ra được một đảng cải cách từ hai đảng trên nhằm thống nhất được tầng lớp lao động của hai miền Nam, Bắc – không tính người da đen và da trắng, người sinh ra ở nước ngoài và người bản xứ.

Chính phủ thực hiện phần việc của mình là giúp đỡ các chủ nhà băng và làm tổn thương những người nông dân; chính phủ duy trì ổn định một lượng tiền mặt – đã được bảo đảm bằng vàng, trong khi dân số gia tăng, ngày càng có ít tiền lưu thông. Nông dân phải trả các khoản nợ bằng những đồng đô-la mà họ rất khó khăn mới kiếm được. Các chủ nhà băng, sau khi thu hồi các khoản vay về, sẽ có lượng tiền lớn hơn mức họ cho vay – một loại lãi suất trên các mức lãi suất. Đó là lý do tại sao các phong trào nông dân vào những ngày đó là đòi hỏi bơm thêm tiền vào lưu thông – bằng cách phát hành thêm tiền giấy (loại tiền tệ không được bảo đảm bằng vàng tại kho bạc) hoặc lấy bạc làm cơ sở cho việc phát hành tiền.

Tại Texas, phong trào Liên minh Nông dân đã bắt đầu. Tại miền Nam, hệ thống trả nợ theo mùa màng chuyển sang giai đoạn tàn bạo nhất. Thông qua hệ thống này nông

dân có thể ứng trước từ các thương gia những gì mà họ cần: máy tỉa hạt bông trong lúc thu hoạch, bất cứ mặt hàng nào mà họ muốn. Nông dân không có tiền để trả ngay, do đó các thương gia nắm giữ phần thế chấp là mùa màng – trong đó nông dân phải chịu lãi suất lên tới 25%. Goodwyn cho biết “hệ thống thế chấp mùa màng đã chi phối hàng triệu nông dân miền Nam, cả da đen và da trắng, hệ thống này chỉ khác hệ thống nô lệ đôi chút”. Mỗi năm nông dân vẫn có thể được vay thêm tiền cho đến khi cuối cùng trang trại của họ bị thu hồi và họ trở thành tá điền.

Goodwyn đã đưa ra hai câu chuyện cá nhân để minh họa cho vấn đề này. Trong quãng thời gian từ năm 1887 đến 1895, một nông dân da trắng tại Nam Carolina đã mua hàng hóa và dịch vụ từ một nhà cung cấp với tổng giá trị lên tới 2.681,02 đô-la, nhưng anh ta chỉ có thể trả được 687,31 đô-la và cuối cùng phải gán đất cho người này. Một nông dân da đen tên là Matt Brown, ở vùng Black Hawk, Mississippi, từ năm 1884 đến 1901 đã mua các mặt hàng từ cửa hàng Jones, mãi vẫn không trả được hết nợ và đến năm 1905, mặt hàng cuối cùng trong sổ của thương gia dành cho người nông dân này là một chiếc quan tài và dịch vụ mai táng.

Chúng ta không thể biết đã có bao nhiêu cuộc nổi loạn chống lại hệ thống này. Năm 1889 tại Delhi, bang Louisiana, một nhóm nông dân đã tụ tập và tấn công vào thành phố, phá tan các cửa hàng của các thương gia để “chấm dứt tình trạng nợ nần” như lời họ nói.

Vào lúc cao điểm của cuộc Đại khủng hoảng năm 1877, một nhóm nông dân da trắng đã tập hợp tại một trang trại ở Texas và lập ra “Liên minh Nông dân” đầu tiên. Vài năm sau, làn sóng này đã lan ra cả bang. Đến năm 1882, đã có 120 chi hội liên minh tại 12 quận. Đến năm 1886, 100 nghìn nông dân đã gia nhập hai nghìn chi hội. Họ bắt đầu đề ra hình thức thay thế hệ thống cũ: gia nhập Liên minh và hình thành các hợp tác xã; cùng nhau mua các hàng hóa, dịch vụ để được hưởng giá thấp hơn. Họ bắt đầu tập trung bông lại và bán theo hình thức hợp tác xã – họ gọi cách này là “bán sỉ”.

Ở một số bang, phong trào nghiệp đoàn nông dân đã phát triển; nghiệp đoàn tìm cách vận động để luật pháp thông qua nhằm giúp đỡ nông dân. Nhưng nghiệp đoàn, theo

một tờ báo, “thường mang tính bảo thủ và luôn theo đuổi một cách thức trật tự, dựa trên lý trí, có tổ chức chặt chẽ và ổn định, đối lập với trào lưu đấu tranh vì tự do của nhân dân, ngược lại với những nỗ lực liều lĩnh, vô luật pháp của chủ nghĩa cộng sản”. Đó là thời điểm khủng hoảng và nghiệp đoàn nông dân chỉ có thể hành động một cách hạn chế. Nghiệp đoàn mất dần thành viên, trong khi Liên minh Nông dân tiếp tục lớn mạnh.

Ngay từ đầu, Liên minh Nông dân đã bày tỏ sự đồng cảm với phong trào lớn mạnh của người lao động. Khi các thành viên nhóm Hiệp sỹ Lao động tham gia đình công chống lại các tuyến vận tải thủy tại Galveston, Texas, một trong những nhà lãnh đạo cấp tiến của Liên minh Texas là William Lamb đã phát biểu thay mặt nhiều (không phải là tất cả) thành viên của Liên minh trong một lá thư ngỏ gửi những người theo Liên minh: “Khi đã biết rõ rằng một ngày không xa Liên minh Nông dân sẽ phải sử dụng biện pháp tẩy chay đối với các nhà sản xuất nhằm có thể mua hàng một cách trực tiếp, chúng tôi nghĩ rằng đó là một cơ hội quý báu để giúp đỡ nhóm Hiệp sỹ Lao động…” Goodwyn cho hay: “Chủ nghĩa Liên minh cấp tiến – Dân túy – đã được bắt đầu từ lá thư này.”

Chủ tịch Liên minh Texas đã chống lại việc tham gia tẩy chay, nhưng một nhóm người thuộc Liên minh tại Texas đã thông qua một nghị quyết:

Trong khi chúng tôi được chứng kiến sự đè nén bất công mà các nhà tư bản đang áp dụng với người lao động… chúng tôi xin bày tỏ sự ủng hộ chân thành đến nhóm Hiệp sỹ Lao động trong cuộc đấu tranh của họ nhằm chống lại sự áp bức độc quyền… chúng tôi nguyện sẽ sát cách cùng nhóm Hiệp sỹ Lao động.

Mùa hè năm 1886, tại thị trấn Cleburne, gần thành phố Dallas, Liên minh đã tập hợp lực lượng và đưa ra thứ sau này được biết đến chính là “Những yêu sách Cleburne” – tài liệu đầu tiên của phong trào Dân túy, trong đó kêu gọi “luật pháp phải đảm bảo quyền tự do của người dân chống lại sự lạm dụng quá quắt và nặng nề mà các tầng lớp công nghiệp vẫn phải chịu đựng khi đang nằm trong tay của các nhà tư bản ngạo mạn và các tập đoàn hùng mạnh.” Họ kêu gọi phải có một hội nghị toàn quốc với sự tham

gia của tất cả các tổ chức lao động “để thảo luận về các biện pháp nhằm đáp ứng lợi ích của các tầng lớp lao động”, các quy định đề ra về giá vận chuyển bằng đường sắt, áp dụng việc đánh thuế nặng đối với các mục đích đầu cơ và việc tăng thêm tiền tệ lưu thông.

Liên minh tiếp tục lớn mạnh. Đến đầu năm 1887, Liên minh đã có tới 200 nghìn thành viên trong ba nghìn chi hội. Đến năm 1892, những người đi tuyên truyền cho nông dân đã có mặt ở 43 bang và tiếp cận được hai triệu gia đình nông dân. Goodwyn cho rằng “Đây là cuộc tấn công có tổ chức trên quy mô lớn nhất mà một tổ chức công dân đã tiến hành tại nước Mỹ trong thế kỷ XIX.” Đó là cuộc tấn công dựa trên lý tưởng về hợp tác, về việc nông dân tạo ra nền văn hóa riêng, các đảng phái chính trị riêng của họ, giành được sự tôn trọng mà không phải do các lãnh đạo chính trị hoặc công nghiệp hùng mạnh ban phát.

Các nhà tổ chức từ Texas đã đến Georgia để thành lập các liên minh, trong vòng ba năm Georgia đã có 100 nghìn thành viên tại 134 trong tổng số 137 quận. Tại bang Tennessee, đã có khoảng 125 nghìn thành viên và 3.600 chi hội tại 92 trong tổng số 96 quận. Có người nói rằng Liên minh đã tiến đến Mississippi “như một cơn bão”, tiếp đó đến Louisiana và Nam Carolina. Sau đó Bắc tiến lên Kansas và Dakotas, tại đây 35 hợp tác xã kho bãi đã được thành lập.

Một trong những nhân vật lãnh đạo tại bang Kansas là Henry Vincent, người từ năm 1886 đã xuất bản tạp chí American Nonconformist and Kansas Industrial Liberator, trong số đầu tiên viết:

Tạp chí này sẽ hướng tới công khai các vấn đề, như giáo dục các tầng lớp lao động, nông dân và các nhà sản xuất; và trong mọi cuộc đấu tranh, tạp chí sẽ cố gắng đứng về phía bị áp bức để chống lại những kẻ áp bức…

Đến năm 1889, Liên minh Kansas có 50 nghìn thành viên và đã lựa chọn các ứng cử viên địa phương giữ các chức vụ.

Giờ đây đã có đến 400 nghìn thành viên trong Liên minh Nông dân Quốc gia. Và hoàn cảnh khiến hoạt động của Liên minh khó khăn hơn. Ngô được mua với giá 45 xu một giạ vào năm 1870, chỉ còn 10 xu vào năm 1889. Việc thu hoạch lúa mỳ đòi hỏi phải sử dụng một loại máy bó lúa mỳ, chi phí tốn khoảng vài trăm đô-la, trong khi người dân lại phải vay nợ để thuê, dù họ biết rằng 200 đô-la sẽ thành gấp đôi trong vòng vài năm. Tiếp đó, nông dân phải trả một giạ ngô cho chi phí vận chuyển một giạ ngô. Ngoài ra họ phải trả giá cao cho dịch vụ quạt, sấy ở điểm cuối. Tại miền Nam, tình hình còn tồi tệ hơn những nơi khác – 90% nông dân phải sống trong cảnh mua chịu, bán đựng.

Để đương đầu với tình hình này, Liên minh Texas đã thành lập một hợp tác xã trên quy mô toàn bang, một trung tâm trao đổi lớn của Texas, đảm nhiệm việc bán bông của nông dân theo một hợp đồng lớn. Nhưng bản thân trung tâm này cũng cần các khoản vay nợ để tạm ứng trước cho các thành viên; các nhà băng đã từ chối. Nông dân kêu gọi dồn hết tiền để bảo đảm trung tâm có thể hoạt động. Ngày 9 tháng 6 năm 1888, hàng nghìn người đã tập trung tại 200 điểm ở Texas và thực hiện việc đóng góp, với tổng số tiền cam kết 200 nghìn đô-la. Tuy nhiên, trên thực tế chi thu được 80 nghìn đô-la. Số tiền này không đủ. Sự đói kém của nông dân khiến họ không giúp được chính mình. Các nhà băng đã chiến thắng, và điều này càng thuyết phục Liên minh rằng cải cách tiền tệ là cấp thiết.

Tuy nhiên cũng có những thắng lợi nhất định. Trước đó, những người nông dân phải trả khá nhiều tiền để mua các bao tải bằng đay (đựng bông). Nông dân trong Liên minh đã tổ chức một cuộc tẩy chay bao đay, tự làm lấy những chiếc bao từ bông, điều này khiến các nhà sản xuất bao đay phải hạ giá bán từ 14 xu xuống còn 5 xu.

Sự phức tạp trong niềm tin của những người theo phong trào Dân túy được thể hiện ở một trong những lãnh đạo quan trọng tại Texas, tên là Charles Macune. ông ta là một người có quan điểm cấp tiến về kinh tế (chống độc quyền và chủ nghĩa tư bản), một người bảo thủ về chính trị (chống lại một đảng mới tách từ Đảng Dân chủ) và là người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Macune đã đưa ra một kế hoạch với ý nghĩ cho

rằng nó sẽ trở thành trung tâm trong chương trình nghị sự Dân túy – đó là kế hoạch Ngân khố dự phòng. Theo đó, chính phủ có hệ thống kho bãi, nông dân ký gửi các sản phẩm của mình vào đó và được xác nhận từ hệ thống Ngân khố dự phòng. Họ có thể nhận bằng giấy bạc và điều đó có nghĩa là cần phải có thêm tiền tệ lưu hành, không phải phụ thuộc vàng hoặc bạc, nhưng lại dựa vào chính các sản phẩm của các trang trại.

Liên minh cũng có những thử nghiệm khác. Tại Dakotas, hợp tác xã đã đưa ra một kế hoạch bảo hiểm khổng lồ cho nông dân nhằm giúp họ chống chọi thất bát mùa vụ. Trong khi các công ty bảo hiểm lớn đòi phí bảo hiểm 50 xu một mẫu, hợp tác xã chỉ thu 25 xu hoặc ít hơn. Hợp tác xã đã phát hành 30 nghìn suất bảo hiểm, tương đương hai triệu mẫu đất canh tác.

Kế hoạch Ngân khố dự phòng của Macune phụ thuộc vào chính phủ. Và do nó không được hai đảng phái chính đưa ra, điều đó có nghĩa là (ngược lại niềm tin của Macune) phải có một đảng phái thứ ba. Liên minh tiếp tục hoạt động. Năm 1890, 38 thành viên của Liên minh được bầu vào Quốc hội. Ở miền Nam, Liên minh bầu ra thống đốc tại Georgia và Texas. Liên minh đã vượt qua Đảng Dân chủ tại Georgia và giành ba phần tư số ghế tại các cơ quan lập pháp ở Georgia, chiếm sáu trong mười vị trí nghị sỹ Quốc hội của Georgia.

Tuy nhiên, Goodwyn nói, điều này là “một cuộc cách mạng mang tính hình thức, bởi vì bộ máy của đảng vẫn trong tay bè phái cũ và vị trí chủ tịch chủ chốt của các ủy ban quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan lập pháp, vẫn nằm trong tay các đảng viên bảo thủ; và quyền lực của các tập đoàn tại các bang, trong phạm vi cả nước, vẫn có thể dùng tiền để thực hiện những điều mong muốn”.

Các Liên minh không nắm giữ được quyền lực thực tế, nhưng dẫu sao nó cũng đưa ra nhiều ý tưởng và tinh thần mới mẻ. Giờ đây, với tư cách là một đảng phái chính trị, các Liên minh trở thành Đảng Nhân dân (hay Đảng Dân túy) và đại hội đảng đã diễn ra tại Topeka, Kansas vào năm 1890. Một diễn giả có tiếng của Đảng Dân túy tại bang này là Mary Ellen Lease đã có bài phát biểu trước đám đông cuồng nhiệt:

Phố Wall đã làm chủ cả đất nước này. Hiện nay không còn có một chính phủ của dân, do dân và vì dân, mà chỉ có một chính phủ của Phố Wall, do Phố Wall và vì phố Wall… Hệ thống luật pháp của chúng ta là sản phẩm của một hệ thống mà trong đó những kẻ nhố nhăng thì xúng xính trong áo choàng và những người trung thực thì phải ăn mặc rách rưới… Các chính trị gia thì tuyên bố rằng chúng ta đang khốn khổ vì khủng hoảng thừa. Khủng hoảng thừa trong khi mỗi năm tại Mỹ vẫn có tới 10 nghìn trẻ em… chết vì đói và khoảng 100 nghìn cô gái tại New York buộc phải bán đức hạnh của mình để có miếng ăn…

Chỉ ba mươi người tại nước Mỹ với của cải gộp lại lên tới hơn một tỷ đến một tỷ rưỡi đô-la. Còn khoảng nửa triệu người vẫn cố gắng tìm lấy chút công ăn việc làm… Chúng tôi muốn có tiền, đất đai và các phương tiện giao thông vận tải. Chúng tôi mong muốn xóa bỏ các nhà băng quốc gia và chúng tôi muốn có quyền để thực hiện các khoản vay trực tiếp từ chính phủ. Chúng tôi muốn hệ thống tịch thu tài sản để trả nợ đáng nguyền rủa cần phải được xóa bỏ… Các gia đình và cộng đồng chúng tôi sẽ đoàn kết lại và chúng tôi sẽ không chịu trả các khoản nợ cho những công ty chém lãi cắt cổ, cho đến khi nào chính phủ trả các khoản nợ cho chúng tôi.

Người dân đã bị dồn vào đường cùng, hãy để bầy chó săn của tiền bạc vẫn nhùng nhằng theo bước chân chúng ta nhận ra điều đó.

Tại phiên họp toàn quốc của Đảng Nhân dân vào năm 1892 tại St. Louis, một bản cương lĩnh đã được đưa ra. Phần mở đầu được một diễn giả rất nổi tiếng khác của phong trào là Ignatius Donnelly viết và đọc trước cuộc họp:

Chúng ta gặp nhau giữa một dân tộc đã bị mang đến bờ vực sụp đổ về mặt vật chất, chính trị và đạo đức. Nạn tham nhũng đã chi phối hòm phiếu, các cơ quan lập pháp, Quốc hội, thậm chí đến ghế ngồi của các quan tòa. Những người này đã bị suy đồi về mặt đạo đức… Báo chí thì bị mua đứt và bị câm họng; quan điểm công luận thì bị làm cho nín lặng; việc làm ăn bị làm cho kiệt quệ, nhà cửa của chúng ta phải gánh đầy các khoản cầm cố, lao động bị vắt kiệt sức và đất đai thì tập trung vào tay các nhà tư bản.

Công nhân ở thành phố bị từ chối quyền lập hội để tự bảo vệ, lao động nhập cư bị bần cùng hóa và bị cắt giảm lương; quân đội thì chỉ đóng vai trò tay sai… được lập ra chỉ để đàn áp… Những thành quả từ công việc cực nhọc của hàng triệu người bị ăn cắp một cách trắng trợn để xây dựng nên những khối tài sản khổng lồ… Từ trong lòng những bất công đó của chính phủ đã sinh ra hai tầng lớp – những người khốn khổ và các triệu phú…

Hội nghị của Đảng Nhân dân tại Omaha vào tháng 7 năm 1892 đã cử James Weaver, một người Dân túy ở Iowa và là cựu tướng lĩnh trong quân đội Liên minh, giữ chức chủ tịch. Phong trào Dân túy giờ đây đã gắn bó với hệ thống bầu cử. Người phát ngôn đã nói rằng họ có thể “kết nối những bàn tay và con tim lại với nhau tiến đến thùng phiếu và chiếm lấy chính phủ, phục hồi nó quay về những nguyên tắc của cha ông ta và điều hành chính phủ vì lợi ích của nhân dân”. Weaver đã giành được một triệu phiếu bầu, nhưng cuối cùng vẫn thất bại.

Một đảng phái chính trị mới có nhiệm vụ thống nhất các nhóm đối lập nhau – những người theo Đảng Cộng hòa ở miền Bắc và những người theo Đảng Dân chủ ở miền Nam, công nhân ở thành phố và nông dân ở nông thôn, người da đen và người da trắng. Liên minh Nông dân Da màu Quốc gia đã phát triển ở miền Nam và có khoảng một triệu thành viên, nhưng lại do những người da trắng tổ chức và lãnh đạo. Cũng có những nhà tổ chức da đen, nhưng không dễ gì họ thuyết phục được các nông dân da đen rằng người da đen sẽ được đối xử công bằng trong việc tiếp cận các thành tựu đó, thậm chí nếu các cuộc cải cách kinh tế có giành được chiến thắng. Những người da đen đã gắn bó họ với Đảng Cộng hòa, đảng của Lincoln và các luật lệ về quyền dân sự. Đảng Dân chủ là đảng của những người nô lệ và sự chia cắt. Goodwyn đã chỉ ra: “Trong một thời đại mà những thành kiến về tính ưu việt của người da trắng vẫn tồn tại, việc kiềm chế ‘chế độ độc tài kinh doanh một cách xấu xa’ không mang lại cho những người nông dân da đen vòng bảo vệ như đã mang lại cho việc trồng trọt của người da trắng.”

Cũng có những người da trắng nhìn thấy nhu cầu phải có sự đoàn kết về mặt chủng

tộc. Một tờ báo ở Alabama viết:

Liên minh người da màu và da trắng đoàn kết lại trong cuộc chiến chống lại những người Dân túy và trong quá trình thúc đẩy học thuyết rằng nông dân cần thiết lập các cửa hàng hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, xuất bản tờ báo của riêng họ, điều hành các trường học riêng và tham gia vào tất cả những việc họ quan tâm với tư cách một công dân, hoặc ảnh hưởng đến cá nhân họ hoặc tập thể.

Tờ báo chính thức của nhóm Hiệp sỹ Lao động ở Alabama, Sentinel Alabama, viết: “Những người dân chủ Bourbon đang cố gắng đánh đổ lực lượng Liên bang bằng tiếng la hét của những tên ‘da đen’. Dù điều đó sẽ không có tác dụng gì.”

Một số người da đen trong Liên bang cũng có những lời kêu gọi đoàn kết tương tự. Một lãnh đạo của Liên bang Da màu Florida nói: “Chúng tôi ý thức được thực tế rằng những lợi ích của người lao động da màu và lợi ích của người lao động da trắng là một, hoặc tương tự nhau.”

Khi Đảng Nhân dân Texas được thành lập tại Dallas vào mùa hè năm 1891, đảng vẫn mang tính chất đa chủng tộc và cấp tiến. Giữa những người da đen và da trắng đã có cuộc tranh luận rất sôi nổi và thẳng thắn. Một đại biểu da đen, vốn hoạt động rất tích cực trong nhóm Hiệp sỹ Lao động, khi cảm thấy không hài lòng với tuyên bố mơ hồ về “sự bình đẳng”, đã nói:

Nếu chúng ta công bằng, tại sao cảnh sát trưởng lại không triệu tập những người da đen tham gia các hội thẩm đoàn? Và tại sao lại vẫn có cảnh treo các biển “da đen” trên các toa xe chở khách. Tôi muốn nói với nhân dân tôi về những điều mà Đảng Nhân dân sẽ làm. Tôi muốn nói với họ là liệu một con ngựa đen và một con ngựa trắng có thể cùng làm việc trên một cánh đồng hay không.

Một lãnh đạo da trắng đáp lại bằng cách kêu gọi mỗi quận trong bang cần có một đại diện da đen. “Họ cũng trong cảnh khốn cùng giống như chúng ta mà thôi.” Khi ai đó gợi ý rằng, nên có các câu lạc bộ riêng rẽ của những người da đen và da trắng theo

chủ nghĩa Dân túy, nhưng vẫn cho phép “cùng nhau hội ý”, thì R. M. Humphrey, một lãnh đạo da trắng của Liên minh Da màu phản đối: “Điều này chẳng hay ho gì. Những người da màu cũng là một bộ phận của nhân dân và họ cần phải được công nhận như vậy.” Sau đó, hai người da đen đã được bầu vào ủy ban chấp hành cấp bang của đảng.

Những người da đen và da trắng thường có hoàn cảnh khác nhau. Người da đen thường làm việc trên đồng ruộng, lao động làm thuê; còn hầu hết người da trắng là chủ trang trại. Năm 1891, khi Liên minh Da màu tuyên bố đình công tại các cánh đồng bông để đấu tranh đòi những người nhặt bông được trả lương một đô-la mỗi ngày, Leonidas Polk, người đứng đầu Liên minh Da trắng đã lên án, vì điều đó làm ảnh hưởng tới nông dân trong Liên minh – những người phải trả khoản tiền lương đó. Tại Arkansas, một người nhặt bông 30 tuổi tên là Ben Patterson đã dẫn đầu một cuộc đình công, đi từ đồn điền này đến đồn điền khác nhằm huy động sự giúp đỡ để nhóm của anh ta có thể lớn mạnh; đã có những đợt đụng độ với một lực lượng da trắng. Một quản đốc đồn điền bị giết hại, một máy tỉa hột bông bị đốt cháy. Patterson và các bạn hữu của anh ta bị bắt, 15 người bị bắn chết.

Cũng đã có một số thống nhất giữa người da đen và da trắng tại các hòm phiếu ở miền Nam – kết quả là một số người da đen đã thắng cử tại các cuộc bầu cử địa phương ở Bắc Carolina. Năm 1892, một nông dân da trắng ở Alabama đã viết cho một tờ báo: “Tôi cầu mong Chúa để Chú Sam có thể giăng được lưỡi lê quanh hòm phiếu ở vành đai đen vào thứ hai đầu tiên trong tháng 8, để người da đen có thể được bỏ phiếu một cách công bằng.” Cũng đã có các đại biểu da đen tham gia các cuộc hội thảo lần thứ ba của đảng tại Georgia: 2 cuộc vào năm 1892, 24 cuộc vào năm 1894, chương trình nghị sự của Đảng Nhân dân Arkansas đã lên tiếng vì “những người bị áp bức, không phân biệt chủng tộc”.

Cũng có những khoảng thời gian có sự đoàn kết chủng tộc. Lawrence Goodwyn đã thấy tại đông Texas một liên minh đặc biệt, giữa các quan chức da đen và da trắng: nó được bắt đầu trong suốt thời kỳ Tái thiết và tiếp tục duy trì đến giai đoạn Dân túy. Chính phủ bang nằm trong sự kiểm soát của những người da trắng theo Đảng Dân

chủ, nhưng tại quận Grimes, những người da đen nắm quyền lực và đã cử các nhà lập pháp đến thủ phủ của bang. Thư ký của quận là một người da đen; ngoài ra cũng có các phó cảnh sát trưởng là người da đen và hiệu trưởng một trường trung học cũng là người da đen. Công đoàn Những người da trắng thường hoạt động về đêm đã dùng các biện pháp hăm dọa và giết chóc để làm đổ vỡ liên minh, nhưng Goodwyn chỉ ra “những năm tháng dài hợp tác đa chủng tộc đã tồn tại tại quận Grimes” và lo ngại về những cơ hội bị bỏ lỡ.

Sự phân biệt chủng tộc rất sâu sắc và Đảng Dân chủ chủ trương theo đường lối này, giành được sự ủng hộ của rất nhiều nông dân trong Đảng Dân túy. Khi những tá điền da trắng bị rơi vào hệ thống phải thế chấp mùa màng, bị đuổi khỏi ruộng vườn của họ và bị thay thế bằng những người da đen, thì sự căm ghét chủng tộc trở nên gia tăng. Các bang miền Nam đã soạn thảo hiến pháp mới, bắt đầu là Mississippi vào năm 1890, nhằm loại người da đen ra khỏi các hệ thống bầu cử, cũng như duy trì tình trạng chia tách cứng rắn trong mọi lĩnh vực cuộc sống.

Những bộ luật tước đoạt quyền bỏ phiếu của người da đen – như thuế thân, kiểm tra trình độ, đánh giá phẩm chất căn cứ theo tài sản – thường khiến những người da trắng nghèo không được tham gia bỏ phiếu. Và các lãnh đạo chính trị miền Nam cũng biết điều này. Tại một hội nghị bàn về Hiến pháp tại Alabama, một trong những vị lãnh đạo nói rằng, ông ta muốn tước đi quyền bỏ phiếu của “tất cả những ai thiếu khả năng và thiếu phẩm chất, và nếu như điều luật đó có ảnh hưởng đến một người da trắng hay một người da đen, thì cứ mặc anh ta”. Tại Bắc Carolina, tờ Charlotte Observer đã nhìn nhận việc tước quyền bầu cử giống như “cuộc đấu tranh của những người da trắng tại Bắc Carolina nhằm giúp họ thoát khỏi nguy cơ bị người da đen hoặc tầng lớp da trắng hạ đẳng hơn cai trị”.

Tom Watson, một lãnh đạo phong trào Dân túy tại Georgia kêu gọi đoàn kết chủng tộc:

Các bạn bị chia tách để có thể bị lừa đảo những gì các bạn kiếm được, một cách riêng biệt. Các bạn đã được nhồi nhét để căm ghét nhau và lòng thù ghét đó chính là yếu tố

chủ chốt trong chế độ chuyên quyền về tài chính, vốn nô dịch cả hai phe của các bạn. Các bạn bị lừa dối và bị làm cho mù quáng đến mức mà các bạn không thể nhìn thấy được sự đối kháng chủng tộc này đã duy trì một hệ thống tiền tệ mà làm bần cùng hóa cả hai bên.

Theo Robert Allen, một học giả người da đen, sau khi đã xem xét chủ nghĩa Dân túy (trong tác phẩm Reluctant Reformers − Những nhà cải cách do dự), Watson muốn có sự ủng hộ của người da đen cho một đảng của người da trắng. Khi Watson thấy rằng sự ủng hộ này là đáng xấu hổ và không còn ích lợi gì nữa, ông ta lại hùng biện xác nhận lại lập trường phân biệt chủng tộc dù ông ta từng có lúc chống lại điều đó.

Dẫu vậy, Watson vẫn phải đề cập đến những tình cảm chân thành đối với những người da trắng nghèo mà sự đàn áp về giai cấp đã khiến họ có mối quan tâm chung với người da đen. Khi H. S. Doyle, một người thuyết giáo da đen ủng hộ việc Watson chạy đua vào Quốc hội bị một đám đông theo thuyết hành hình linsơ đe dọa, ông ta đã tìm đến Watson để tìm kiếm sự che chở. Và hai nghìn nông dân da trắng đã giúp Doyle trốn thoát.

Đó là quãng thời gian có thể minh họa cho tính phức tạp của cuộc xung đột giai cấp và chủng tộc. Mười lăm người da đen đã bị hành hình kiểu linsơ trong thời gian vận động tranh cử của Watson. Và sau năm 1891, tại Georgia, cơ quan lập pháp do Liên bang kiểm soát, Allen nêu rõ “chưa bao giờ trong lịch sử của Georgia, chỉ trong vòng một năm lại có đến nhiều dự luật chống lại người da đen được thông qua đến như thế”. Và đến năm 1896, chương trình nghị sự của Đảng Nhân dân tại bang Georgia đã tuyên bố bãi bỏ luật hành hình kiểu linsơ và khủng bố, cũng như đề nghị bãi bỏ hệ thống sử dụng phạm nhân tham gia sản xuất.

C. Vann Woodward đã chỉ ra đặc điểm độc đáo của những người theo chủ nghĩa Dân túy tại miền Nam: “Chưa bao giờ người ta có thể chứng kiến hai chủng tộc tại miền Nam lại gần gũi với nhau đến thế, như trong các cuộc đấu tranh của những người theo chủ nghĩa Dân túy.”

Phong trào Dân túy cũng có những nỗ lực to lớn nhằm tạo ra một nền văn hóa mới và độc lập cho nông dân nước Mỹ. Ủy ban Giảng dạy của Liên minh đã có mặt ở tất cả các nơi trong nước, có tới 35 nghìn giảng viên. Phong trào Dân túy đã tung ra không biết bao nhiêu sách vở, tờ rơi từ các nhà in của họ. Woodward nói:

Mọi người nhặt tờ rơi màu vàng mà các nhà lý luận về nông dân đã xây dựng nhằm cải tạo người dân nông thôn. Gạt bỏ lối mòn suy nghĩ rằng “lịch sử được giảng dạy tại trường học của chúng ta” là “những điều không có giá trị thực tế ”, họ quyết tâm viết đè lên đó, kể cả những kiến thức có từ thời đế chế Hy Lạp sụp đổ. Không chút ân hận, họ xắn tay chỉnh sửa lại tất cả các kiến thức về kinh tế học, lý thuyết chính trị, luật và chính phủ.

National Economist, một tạp chí của phong trào Dân túy, thu hút tới 100 nghìn độc giả. Goodwyn thống kê, có đến hơn một nghìn tạp chí của phong trào Dân túy vào những năm 1809. Cũng có những tờ báo như Comrade, xuất bản tại khu vực trồng bông ở Louisiana, Toiler’s Friend tại vùng nông thôn Georgia. Tờ Revolution cũng được xuất bản tại Georgia. Tại Bắc Carolina, nhà máy in của phong trào Dân túy bị đốt cháy. Tại Alabama, có tờ Living Truth. Tờ này bắt đầu được xuất bản năm 1892 và sang năm sau, cửa hiệu bị đốt cháy, tòa báo vẫn sống sót và biên tập viên thì không chịu bỏ lỡ một số báo nào.

Hàng trăm bài thơ và ca khúc đã được ra đời từ phong trào Dân túy, thí dụ như bài “Người nông dân là một Con người”:

… Người nông dân là một Con người Người nông dân là một Con người
Phải sống trong cảnh nợ nần đến tận mùa thu Với mức lãi suất cực cao

Thật ngạc nhiên là sao anh ta không chết

Và văn tự thế chấp là những gì anh ta có

Người nông dân là một Con người

Người nông dân là một Con người

Phải sống trong cảnh nợ nần đến tận mùa thu

Và chiếc quần anh ta mặc thì mỏng dính

Điều kiện sống của anh ta thật đáng tội

Anh ta đã quên rằng anh ta cũng là một Con người

Đã nuôi sống tất cả bọn họ.

Những cuốn sách do các lãnh đạo của phong trào Dân túy viết, như Henry Demarest Lloyd với cuốn Wealth Against Commonwealth (Sự giàu có chống lại Thịnh vượng chung) và William Harvey Coin với cuốn Financial School (Trường học tài chính), được nhiều người đọc. William Garrott Brown, một sử gia của Alabama thời đó đã nhận xét về phong trào Dân túy là “chưa hề có phong trào chính trị nào – kể cả tại thời điểm năm 1776, hoặc giai đoạn 1860-1861 − lại làm thay đổi đời sống miền Nam một cách sâu sắc đến vậy”.

Theo Lawrence Goodwyn, nếu phong trào lao động có thể thực hiện được ở các thành phố, giống như những gì phong trào Dân túy đã làm được tại các vùng nông thôn, “đó là tạo ra cho những người công nhân văn hóa hợp tác, tự trọng và khả năng phân tích về kinh tế”, thì có lẽ đã có một bước chuyển biến mạnh mẽ tại Mỹ. Rất tiếc là chỉ có những kết nối thất thường, không ổn định giữa các phong trào lao động và nông dân. Chẳng có ai phát biểu đủ hùng hồn để đáp ứng được nhu cầu của phía bên kia. Và vẫn chưa có được những dấu hiệu về nhận thức chung, dưới các điều kiện khác nhau, nhằm dẫn tới một phong trào thống nhất và tiếp tục phát triển.

Norman Pollack, căn cứ vào một nghiên cứu kỹ lưỡng về báo chí của phong trào Dân

túy tại vùng Trung Tây, nói: “Phong trào Dân túy đã tự xem mình như một phong trào giai cấp, lý do đưa ra là công nhân và nông dân đều chiếm giữ cùng vị trí vật chất trong xã hội.” Một bài xã luận của tờ Farmers’ Alliance nói về chuyện một người làm việc 14-16 tiếng mỗi ngày: “Anh ta đã bị đối xử một cách hung bạo cả về mặt vật chất và tinh thần. Anh ta không có lý tưởng, chỉ có thiên hướng, anh ta không có niềm tin, mà chỉ bản năng.” Pollack thấy rằng nó giống như tư tưởng của Marx về sự tha hóa bản chất nhân văn của người công nhân dưới tác động của chủ nghĩa tư bản và cũng tìm ra nhiều điểm tương đồng trong tư tưởng của phong trào Dân túy và tư tưởng Marxist.

Không nghi ngờ gì nữa, trong suy nghĩ của những người theo phong trào Dân túy, cùng với hầu hết người Mỹ da trắng, đều có tư tưởng phân biệt chủng tộc và thuyết vị bản địa (cho rằng công dân sinh ra ở địa phương trội hơn người nhập cư). Nhưng một phần trong đó là họ chỉ thuần túy không nghĩ rằng chủng tộc cũng quan trọng như hệ thống kinh tế. Do vậy, tờ Farmers’ Alliance đã viết: “Đảng Nhân dân xuất hiện không phải là để làm cho người da đen tự do, mà để giải phóng mọi người… nhằm đạt được sự tự do về công nghiệp, mà không có điều đó thì cũng sẽ không có tự do chính trị…”

Một điều quan trọng hơn những kết nối về mặt lý thuyết, đó là việc thể hiện sự ủng hộ của phong trào Dân túy đối với công nhân trong các cuộc đấu tranh thực tế. Trong thời gian diễn ra một cuộc đình công lớn tại nhà máy thép Carnegie, tờ Alliance-Independent của tiểu bang Nebraska đã viết: “Tất cả những ai nhìn thấu bên trong vẻ bề ngoài, sẽ thấy rằng cuộc chiến đẫm máu diễn ra tại Homestead chính là một vụ việc trong một cuộc xung đột lớn giữa tư bản và người lao động.” Cuộc diễu hành ở Coxey của những người thất nghiệp đã gây được sự thông cảm tại các vùng trang trại; tại Osceola, Nebraska, khoảng năm nghìn người đã tham dự cuộc diễu hành để tôn vinh Coxey. Trong thời gian đình công Pullman, một người nông dân đã viết cho thống đốc Kansas: “Không còn nghi ngờ gì nữa, hầu hết, nếu như không nói là tất cả những người theo Liên bang đều hết sức thông cảm với những người đang tham gia cuộc đình công này.”

Phía trên những thất bại nghiêm trọng trong việc đoàn kết người da đen và da trắng, công nhân và nông dân, thành phố và nông thôn, là những cám dỗ về mặt chính trị của việc bầu cử – tất cả những điều đó hợp lại đã phá hoại phong trào Dân túy. Một khi đồng ý liên kết với Đảng Dân chủ để ủng hộ William Jennings Bryan ra tranh cử Tổng thống vào năm 1896, phong trào Dân túy đã bị chết chìm trong biển chính trị của Đảng Dân chủ. áp lực đối với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đã khiến phong trào Dân túy phải nhượng bộ các đảng phái chính từ thành phố này đến thành phố khác. Nếu Đảng Dân chủ thắng cử, phong trào Dân túy sẽ bị hút vào đó, nếu Đảng Dân chủ thất bại, phong trào Dân túy sẽ bị tan rã. Các chính thể bầu cử tạo ra các nhân vật lãnh đạo hàng đầu là những tay mối lái chính trị, thay vì những người cấp tiến nông thôn.

Cũng có những người cấp tiến trong phong trào Dân túy nhìn thấy trước điều này. Họ đã cảnh báo rằng sự kết hợp với Đảng Dân chủ nhằm giành được “chiến thắng” có thể làm mất những cái mà họ cần, đó chính là một phong trào chính trị độc lập. Họ nói rằng những điều được làm ầm ĩ rùm beng sẽ không tạo được thay đổi nền tảng gì trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Một người cấp tiến tại Texas nói rằng, hệ thống tiền tệ bằng bạc “sẽ khiến tất cả các điều kiện giúp cho việc tập trung của cải không bị ảnh hưởng gì”.

Henry Demarest Lloyd nhận xét, việc bổ nhiệm Bryan đã được Marcus Daly (thuộc công ty Anaconda Copper) và William Randolph Hearst (người có các mối quan tâm về khai thác bạc tại miền Tây) hỗ trợ một phần. Khi nghe những lời hùng biện khoa trương mà Bryan đã sử dụng để khuấy động một đám đông khoảng 20 nghìn người tại Hội nghị của Đảng Dân chủ (“Chúng tôi đã kiến nghị và các bản kiến nghị của chúng tôi đã bị bác bỏ; chúng tôi đã khẩn cầu và những lời khẩn nài của chúng tôi đã không được xem xét; chúng tôi đã cầu xin, và họ đã nhạo báng khi tai họa ập đến với chúng tôi. Chúng tôi không thèm cầu xin nữa, chúng tôi cũng không cần nài nỉ nữa, chúng tôi cũng không cần kiến nghị nữa. Chúng tôi bất chấp họ!”), Lloyd đã chua chát viết:

Người nghèo tung mũ lên không trung để chào mừng những kẻ hứa là sẽ dẫn dắt họ

đến những vùng còn hoang sơ bằng con đường tiền bạc… Người ta đã bị dắt đi lang thang trong suốt 40 năm, trong mê cung tiền bạc, bởi lẽ trong suốt 40 năm ấy họ đã chịu cảnh lúc lên lúc xuống với biểu giá thuế.

Trong cuộc bầu cử năm 1896, với việc phong trào Dân túy bị lôi kéo vào Đảng Dân chủ, Bryan – ứng cử viên của Đảng Dân chủ đã bị William McKinley đánh bại, người mà các tập đoàn và báo chí ủng hộ và lần đầu tiên sử dụng một lượng tiền lớn cho các hoạt động tranh cử. Dù là do sự “góp mặt” của phong trào Dân túy vào Đảng Dân chủ, thì sự thất bại đó vẫn dường như không thể tha thứ; những khẩu súng lớn của giới quyền uy đã được rút ra, kèm theo tất cả đạn dược để bảo đảm chắc chắn.

Đó chỉ là một giai đoạn, vì các thời điểm bầu cử tại Mỹ là để củng cố lại hệ thống sau một vài năm bị phản đối và chống chọi các cuộc nổi dậy. Người da đen bị kiểm soát chặt ở miền Nam. Người Anh-điêng bị gạt ra khỏi các đồng bằng phì nhiêu ở miền Tây; rồi đến một ngày mùa đông giá lạnh vào năm 1890, lính Mỹ đã tấn công những người Anh-điêng đang trú ngụ tại Wounded Knee, Nam Dakota, giết hại 300 đàn ông, đàn bà và trẻ con. Đó là đỉnh điểm của 400 năm bạo lực, được bắt đầu bằng việc Columbus nỗ lực thiết lập lục địa này cho người da trắng. Nhưng rõ ràng chỉ áp dụng đối với một số người da trắng nhất định, bởi lẽ một điều rất rõ là năm 1896 tiểu bang này sẵn sàng bóp nát các cuộc đình công của người lao động, thông qua luật pháp nếu có thể và bằng vũ lực nếu cần thiết. Và mỗi khi mối đe dọa từ phong trào quần chúng xuất hiện, hệ thống hai đảng lại sẵn sàng cử một trong những cột trụ của họ bao vây phong trào đó và làm kiệt quệ sức sống của nó.

Và vẫn như thường lệ, lòng yêu nước đã được sử dụng, giống như cách để nhấn chìm sự thù hận giai cấp vào trong cơn lũ các khẩu hiệu về đoàn kết dân tộc. McKinley đã nói về một sự liên hệ khoa trương hiếm hoi giữa tiền bạc và lá cờ:

… Năm nay là một năm của lòng yêu nước hiến dâng cho đất nước. Tôi rất vui mừng được biết rằng, mọi người trên khắp đất nước đều hết lòng vì một lá cờ, lá cờ Sao và Sọc vinh quang; rằng người dân ở đất nước này vẫn nỗ lực duy trì danh dự về mặt tài chính của đất nước, cũng thiêng liêng như họ đang duy trì danh dự của lá cờ.

Hành động tối cao nhất của lòng yêu nước là chiến tranh. Hai năm sau khi McKinley trở thành Tổng thống, Mỹ tuyên chiến với Tây Ban Nha.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.