Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

2. RANH GIỚI SẮC MÀU



Nhà văn Mỹ gốc Phi J. Saunders Redding miêu tả sự xuất hiện một con tàu ở Bắc Mỹ vào năm 1619:

Buồm được hạ xuống, cờ rủ phía đuôi tàu. Con tàu bập bềnh theo những đợt thủy triều trên biển. Đó là một con tàu lạ, và theo những thông tin có được thời ấy, nó là con tàu thật đáng sợ và bí ẩn. Không ai biết liệu đó có phải là tàu buôn, tàu cướp biển hay tàu chiến. Vươn dài qua boong tàu là nòng pháo đen ngòm. Lá cờ trên tàu là cờ Hà Lan, thủy thủ đoàn thì pha tạp. Nơi tàu cập cảng là Jamestown, thuộc địa của Anh ở Virginia. Tàu cập bờ, trao đổi hàng hóa và nhanh chóng rời cảng. Có lẽ trong lịch sử cận đại, không có một con tàu nào lại chở loại hàng hóa kỳ lạ hơn thế. Hàng hóa của con tàu này là gì? Hai mươi nô lệ.

Không một quốc gia nào trong lịch sử thế giới mà ở đó vấn đề chủng tộc lại quan trọng trong một thời gian dài như ở nước Mỹ. Và vấn đề “đường ranh giới màu da”, do W. E. B. Du Bois vạch ra, vẫn còn tồn tại. Một câu hỏi đặt ra, không đơn thuần là vấn đề của lịch sử, là: Khái niệm đó bắt đầu như thế nào? Và cấp thiết hơn là câu hỏi: Làm thế nào có thể chấm dứt tình trạng đó? Hay nói cách khác: Liệu người da trắng và người da đen có thể chung sống không hận thù?

Nếu lịch sử có thể giúp đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, thì sự khởi đầu của chế độ nô lệ ở Bắc Mỹ – lục địa giúp chúng ta tìm ra dấu vết những người da trắng và da đen đầu tiên – ít nhất cũng có thể cung cấp một vài gợi ý.

Một số nhà sử học cho rằng, những người da đen đầu tiên ở Virginia được xem là đầy tớ, giống như đầy tớ da trắng làm việc theo hợp đồng được mang tới từ châu âu. Tuy nhiên, khả năng duy nhất là, cho dù họ được coi là “đầy tớ” (một khái niệm gần gũi hơn với người Anh), họ vẫn bị nhìn nhận và đối xử khác so với đầy tớ da trắng và trên thực tế họ là nô lệ. Bất luận thế nào, chế độ nô lệ vẫn phát triển nhanh chóng thành một thiết chế thông dụng, thành quan hệ lao động bình thường giữa người da đen với người da trắng ở Tân Thế giới. Cùng với đó là một thứ xúc cảm đặc biệt về chủng tộc, cho dù là căm hận, khinh thường, thương hại hay kẻ cả, gắn chặt với vị trí hạ đẳng của người da đen ở Mỹ trong khoảng 350 năm tiếp sau đó; là sự kết hợp giữa vị thế thấp kém và sự coi thường mà chúng ta thường gọi là sự phân biệt chủng tộc.

Tất cả kinh nghiệm của những người định cư da trắng đầu tiên trở thành áp lực đối với quá trình nô lệ hóa người da đen.

Những người dân Virginia vào năm 1619 đã kiệt sức vì lao động, nhằm có đủ lương thực để tồn tại. Trong số đó có những người sống sót sau mùa đông năm 1609-1610, còn gọi là “thời kỳ chết đói”. Khi đó, do điên cuồng vì kiếm lương thực, họ đã phải lang thang trong rừng sâu tìm các loại hạt và quả dâu, phải đào mộ để ăn xác người; và đã chết hàng loạt, số thực dân từ 500 người giảm còn 60 người.

Trong biên bản của Nghị viện Burgesses Virginia còn lưu giữ một tài liệu từ năm 1619, trong đó thuật lại quãng thời gian 12 năm đầu tiên của chế độ thuộc địa Jamestown. Những cư dân đầu tiên có khoảng 100 người. Mỗi bữa họ được ăn một muôi cháo đại mạch. Nhưng khi có thêm nhiều người đến, thức ăn ngày càng ít đi. Nhiều người đã sống trong những cái hố giống như hang, đào sâu dưới đất. Mùa đông 1609-1610, họ bị…

… đẩy đến tình trạng đói kinh hoàng, đến nỗi phải ăn những thứ tởm lợm nhất: thịt và phân người, của cả người cùng chủng tộc lẫn người Anh-điêng. Những thứ này bị đào khỏi mộ sau khi được chôn vài ngày và được ăn ngấu nghiến. Những người khác, thèm khát cơ thể còn khả dĩ hơn của bất cứ ai chưa bị cơn đói hủy hoại như mình, thì ngồi rình rập, dọa giết thịt …

Một thỉnh nguyện đơn của 30 người khẩn hoang gửi Nghị viện Burgesses kêu ca về giai đoạn 12 năm làm thống đốc của Thomas Smith viết:

Trong 12 năm cầm quyền của Thomas Smith và chính quyền của ông ta, chúng tôi có thể khẳng định rằng, chế độ thuộc địa phần lớn duy trì tình trạng nghèo nàn và đau khổ cùng cực, với luật pháp hà khắc, tàn bạo… Những thứ dành cho người ta trong giai đoạn này chỉ là bữa ăn mỗi ngày gồm 8 ao-xơ (hơn 28 gam/1 ao-xơ) bột đại mạch và một nửa panh (khoảng 0,5 lít/1 panh) nước đậu…, tất cả mốc meo, thối rữa, đầy mạng nhện và dòi bọ, rất kinh tởm với con người, không đáng dành cho súc vật. Điều này đã khiến nhiều người tự giải thoát bằng cách bỏ chạy sang phía kẻ thù đối địch, những người bị bắt trở lại sẽ bị giết bằng nhiều cách như treo cổ, bắn, hay cho bánh xe đè… còn kẻ ăn cắp hai hay ba panh cháo yến mạch thì nhận một nhát dao găm vào lưỡi, bị trói chặt bằng một sợi dây xích vào thân cây cho đến khi chết đói…

Cư dân Virginia vẫn phải lao động, trồng ngô lấy lương thực, trồng cây thuốc lá để xuất khẩu. Họ đã tìm ra được cách trồng cây thuốc lá và đến năm 1617, họ xuất chuyến hàng đầu tiên về nước Anh. Cũng giống như mọi chất kích thích thần kinh có khả năng gây hưng phấn bị phản đối về khía cạnh đạo đức, thuốc lá mang lại khoản tiền lớn và người trồng, bất chấp đức tin tôn giáo cao cả của mình, đã không hề băn khoăn về việc tại sao nó mang lại lợi nhuận cao như vậy.

Họ đã không thể ép buộc người Anh-điêng làm việc cho mình, giống như Columbus đã làm. Họ đông hơn, và với vũ khí tân tiến hơn, họ có thể tàn sát thổ dân, nhưng họ cũng phải đối mặt với việc bị trả thù. Họ cũng không thể bắt và biến thổ dân thành nô lệ bởi người Anh-điêng mạnh mẽ, cứng đầu, có tài biến hóa và coi cánh rừng là nhà mình, trong khi người Anh mới ngụ cư tại đây không có được những tính cách ấy.

Trong khi đó, số đầy tớ da trắng được mang từ Anh tới không đủ. Họ lại không xuất thân từ nô lệ và không phải làm việc nhiều hơn những gì hợp đồng lao động đã ghi trong số ít năm, sau đó được tự do và bắt đầu cuộc sống mới ở Tân Thế giới. Còn đối với dân định cư da trắng tự do, nhiều người trong số họ là những thợ thủ công lành nghề, hoặc thậm chí thất nghiệp ở Anh, rất ít mặn mà với các công việc ở vùng đất mà John Smith, trong những năm đầu tiên, phải áp dụng luật giới nghiêm, tổ chức làm việc thành từng nhóm, hoặc ép người lao động làm việc trên cánh đồng để kiếm sống.

Có lẽ cơn giận dữ tuyệt vọng trước sự lạc lõng của chính mình, cũng như trước khả năng tự chăm sóc nổi trội của người Anh-điêng, đã khiến cư dân da trắng Virginia sẵn sàng trở thành người chủ nô lệ. Trong cuốn American Slavery, American Freedom (Chế độ nô lệ Mỹ, tự do kiểu Mỹ), Edmund Morgan mô tả trạng thái này như sau:

Nếu anh là thực dân, anh biết có kỹ thuật ưu việt hơn người Anh-điêng. Anh biết rằng, anh văn minh và họ hoang dã… Thế nhưng kỹ thuật ưu việt của anh không đủ để làm bất cứ điều gì. Người da đỏ, cứ đi theo con đường của họ, cười vào những phương pháp ưu việt của anh, họ sống nhờ vào đất một cách dư dả trong khi lại tốn ít công sức lao động hơn anh… Và cho đến khi người của anh lại còn trốn đi để sống cùng với họ nữa thì như vậy đã là quá sức chịu đựng… Vì thế anh giết hại thổ dân, hành hình họ, đốt cháy làng mạc, cánh đồng của họ. Anh muốn chứng tỏ vị thế cao hơn dù anh là người thất bại. Và anh cũng đối xử tương tự với bất kỳ người nào của anh bị khuất phục trước lối sống hoang dã của thổ dân. Thế nhưng anh vẫn không thể trồng được nhiều ngô…

Nô lệ da đen chính là lời giải cho vấn đề này. Việc xem xét mua người da đen làm nô lệ rất tự nhiên, ngay cả khi chế độ nô lệ không theo thể thức và không có tính pháp lý trong nhiều thập kỷ. Bởi thế, đến năm 1619, khoảng một triệu người da đen đã được mang từ châu Phi tới Nam Mỹ và vùng Caribe, tới các thuộc địa của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, để làm nô lệ. Năm mươi năm trước thời Columbus, người Bồ Đào Nha đã mang 10 người da đen châu Phi về thành phố Lisbon – đó là khởi đầu của hoạt động mua bán nô lệ. Người da đen châu Phi bị đánh dấu “lao động nô lệ” trong hàng trăm năm. Và vì thế, sẽ thật kỳ lạ nếu coi 20 người da đen ấy – những người bị ép đưa tới Jamestown và bán như đồ vật cho cư dân da trắng đang khao khát nguồn lao động ổn định – là thứ gì khác ngoài nô lệ.

Tình cảnh bơ vơ, không chỗ dựa của người da đen đã khiến cuộc nô dịch trở nên dễ dàng hơn. Người da đỏ sống trên đất của họ. Người da trắng có văn hóa châu âu của riêng họ. Còn người da đen bị tách khỏi đất đai và văn hóa của mình, bị ép rơi vào tình cảnh ở đó di sản về ngôn ngữ, trang phục, tập quán, quan hệ gia đình đã dần dần bị phá hủy, chỉ trừ những thứ sót lại do nghị lực gìn giữ phi thường.

Liệu văn hóa của họ có thấp kém và vì thế dễ bị hủy hoại? Đúng là họ thua kém về mặt quân sự, dễ bị tấn công trước người da trắng có súng và tàu. Nhưng không hề thua kém về các mặt khác, chỉ trừ một điều là các nền văn hóa khác biệt thường bị xem là hạ đẳng, nhất là khi quan điểm đó thiết thực và có lợi. Thậm chí xét trong lĩnh vực quân sự, người phương Tây chỉ có thể bảo vệ được những pháo đài ven biển châu Phi, chứ không thể chinh phục được sâu hơn trong đất liền và vì thế họ buộc phải thương lượng với các tù trưởng bộ lạc.

Giống như châu âu, nền văn minh châu Phi cũng tiến triển theo cách riêng của mình.

Ở khía cạnh nhất định, nó thậm chí còn đáng khâm phục hơn dù cũng bao gồm cả tính tàn bạo, những đặc quyền theo tôn ti trật tự và tính sẵn sàng hy sinh sinh mạng con người vì tôn giáo và lợi nhuận. Đó là một nền văn minh của 100 triệu người, biết sử dụng các công cụ bằng sắt và thuần thục nghề nông. Nền văn minh đó có những trung tâm đô thị lớn và tiến bộ nổi bật về dệt vải, làm gốm và điêu khắc.

Khách du lịch châu âu thế kỷ XVI đã có ấn tượng mạnh về các vương quốc Timbuktu và Mali ở châu Phi, nơi đã phát triển ổn định và có tổ chức vào thời điểm mà các nhà nước ở châu âu mới bắt đầu giai đoạn phát triển thành quốc gia hiện đại. Năm 1563, Ramusio, viên thư ký cho giới cầm quyền ở Venice, đã viết về các thương gia Italia: “Hãy để họ (các thương gia) đi và làm ăn với Quốc vương Timbuktu và Mali; không còn nghi ngờ rằng với những chuyến tàu và hàng hóa của mình, họ (các thương gia) sẽ được chào đón nồng hậu ở đó, được đối xử tốt và nhận được sự ưu ái mà họ muốn…”

Một báo cáo của Hà Lan, viết khoảng năm 1602, về vương quốc Benin ở Tây Phi nêu rõ: “Thành phố dường như rất lớn khi bạn bước vào. Bạn bước trên một đường phố rộng rãi, không lát đá, ước chừng rộng gấp bảy hoặc tám lần phố Warmoes ở Amsterdam… Nhà cửa xây dựng có trật tự, đứng san sát và ngang bằng nhau, giống như nhà cửa ở Hà Lan.”

Khoảng năm 1680, một người du lịch đã mô tả cư dân Bờ biển Guinea “là những người thân thiện và hồn nhiên, dễ thương lượng, nhún nhường trước những gì người châu âu đòi hỏi và sẵn sàng trả lại gấp đôi những gì người châu âu tặng họ”.

Giống như châu âu dựa vào nông nghiệp, ở châu Phi tồn tại một kiểu chế độ phong kiến, có phân biệt chủ và tớ. Nhưng không như ở châu âu, chế độ phong kiến châu Phi không thoát thai từ xã hội nô lệ kiểu Hy Lạp và La Mã vốn hủy hoại cuộc sống các bộ lạc cổ. Ở châu Phi, đời sống bộ lạc vẫn rất mạnh mẽ và một số đặc điểm ưu việt như tinh thần cộng đồng, tính nhân đạo trong luật pháp và sự trừng phạt vẫn còn tồn tại. Và do không có vũ khí như các ông chủ châu âu, giới chủ châu Phi không dễ được phục tùng.

Trong cuốn The African Slave Trade (Buôn bán nô lệ châu Phi), Basil Davidson đã so sánh luật pháp của Congo đầu thế kỷ XVI với luật pháp của Bồ Đào Nha và Anh. Ở các nước châu âu này, khi tư tưởng về sở hữu cá nhân trở nên mạnh mẽ, việc trừng phạt kẻ cắp hết sức hà khắc. Thậm chí vào cuối những năm 1740 tại Anh, một đứa trẻ có thể bị treo cổ chỉ vì ăn cắp một chiếc mũ bằng bông! Nhưng ở Congo, cuộc sống cộng đồng rất gắn kết, vậy nên sở hữu tư nhân là điều lạ lẫm và kẻ cắp chỉ bị phạt tiền hoặc nô dịch. Trong lần nói chuyện với một người Bồ Đào Nha về luật hình sự của Bồ Đào Nha, một vị lãnh đạo Congo hỏi mỉa mai: “Ở Bồ Đào Nha có hình phạt nào dành cho một người đặt chân của họ trên mặt đất?”

Chế độ nô lệ tồn tại ở các nhà nước châu Phi và đôi khi được người châu âu sử dụng nhằm biện minh cho việc buôn bán nô lệ của họ. Nhưng Davidson đã chỉ ra rằng “nô lệ” ở châu Phi giống với nông nô ở châu âu hơn, hay nói cách khác, giống hầu hết người dân châu âu. Đó là chế độ nô dịch hà khắc, nhưng họ có những quyền mà nô lệ châu Phi bị đưa tới châu Mỹ không có, “và không giống như những ‘chuồng người’ trên các con tàu nô lệ và đồn điền ở Mỹ”. Ở Vương quốc Ashanti ở Tây Phi, một nhà quan sát ghi nhận: “Nô lệ có thể kết hôn, sở hữu tài sản, sở hữu nô lệ khác, tuyên thệ, làm nhân chứng hợp pháp và hoàn toàn có thể được hưởng thừa kế từ chủ mình… Trong 9/10 trường hợp, một nô lệ Ashanti có thể trở thành thành viên của gia đình nuôi họ. Khi hậu duệ của họ hòa nhập và kết hôn với những người bà con của ông chủ, rất ít người còn biết đến nguồn gốc của mình.”

John Newton, một người chuyên buôn bán nô lệ (về sau trở thành lãnh tụ phong trào phản đối chế độ nô lệ), đã viết về những người Cộng hòa Sierra Leone – quốc gia nằm ở Tây Phi, như sau:

“Tình trạng chế độ nô lệ của những con người hoang dã và hung bạo này (nếu chúng ta coi là như vậy) lại dễ chịu hơn ở các thuộc địa của chúng ta. Bởi vì, một mặt, họ không có đất để canh tác nhiều như ở các đồn điền vùng Tây Ấn của chúng ta, và vì vậy không đòi hỏi sự lao động dư thừa và liên tục, vắt kiệt sức nô lệ như chúng ta. Mặt khác, không người nào được phép gây đổ máu, thậm chí đối với nô lệ.”

Không thể ca ngợi chế độ nô lệ ở châu Phi. Nhưng nó khác xa với chế độ nô lệ ở các đồn điền hay hầm mỏ ở châu Mỹ – một chế độ kéo dài, làm băng hoại đạo đức, phá hủy các mối quan hệ gia đình, không có hy vọng vào tương lai. Chế độ nô lệ châu Phi không có hai yếu tố khiến chế độ nô lệ châu Mỹ trở thành hình thức tàn bạo nhất trong lịch sử nô lệ của thế giới. Đó là: khát vọng điên cuồng về lợi nhuận không giới hạn từ nền nông nghiệp theo kiểu tư bản; hạ nô lệ xuống vị trí thấp hơn vị trí dành cho con người thông qua kỳ thị chủng tộc và phân biệt màu da một cách tàn nhẫn, theo đó người da trắng là ông chủ và người da đen là nô lệ.

Thực tế, lý do là họ xuất thân từ một nền văn hóa đã ổn định gắn với phong tục bộ lạc và quan hệ gia đình, đời sống cộng đồng và nghi lễ truyền thống − một nền văn hóa mà người da đen châu Phi tự cho rằng, nếu bị tách khỏi họ sẽ trở nên vô dụng. Họ bị bắt từ trong nội bộ (thường là người da đen tự bắt lẫn nhau trong các cuộc buôn bán nô lệ), bị đem bán trên các bờ biển và bị xô đẩy tới các đồn điền, cùng với những người da đen của các bộ lạc khác, thường nói những ngôn ngữ khác nhau.

Các điều kiện bắt bớ và buôn bán nô lệ càng cho thấy tình cảnh bơ vơ của người da đen châu Phi trước thế lực áp đảo. Hành trình dài tới bờ biển, đôi khi chặng đường đó lên tới một nghìn dặm với những con người cổ đeo gông cùm, bị áp giải bằng roi da và súng, là hành trình chết chóc mà cứ năm người thì có một người chết. Trên bãi biển, người da đen bị nhốt trong cũi, cho tới khi có người tới mua và mang đi. Vào cuối thế kỷ XVII, John Barbot đã mô tả những chuồng người trên Bờ biển Vàng (Gold Coast):

Nô lệ được đưa từ nội địa tới Fida, họ bị nhốt vào các cũi giam gần bãi biển. Khi người châu âu tới nhận, họ được đưa tới khu vực đất bằng phẳng, rộng lớn, các y sỹ của tàu khám xét kỹ lưỡng từng người trong số họ, phụ nữ và đàn ông đều hoàn toàn trần truồng… Những người nào được cho là khỏe mạnh được xếp sang một bên và đánh dấu lên ngực bằng một dụng cụ sắt nung đỏ nhận dạng công ty của Pháp, Anh hay Hà Lan… Những nô lệ đã đánh dấu được đưa trở lại cũi và tiếp tục đợi cho tới khi được đưa lên tàu, có thể từ 10 đến 15 ngày…

Sau đó, họ được đưa lên các con tàu chở nô lệ, chật chội như bị lèn trong quan tài, bị xích lại với nhau trong bóng tối, trên sàn tàu ẩm và trơn, ngột ngạt bởi mùi phân hôi thối của chính họ. Các tài liệu thời đó miêu tả tình trạng này như sau:

Chiều cao của hầm tàu chưa đầy 0,5 m, không bằng khoảng cách hai vai, đến nỗi những con người kém may mắn đó không thể cựa mình, trong khi họ bị xích chân và cổ vào sàn và thành tàu. Ở nơi chật hẹp đó, sự cùng cực và ngột ngạt kinh khủng đến mức những người da đen phát điên!

Cứ mỗi lần nghe tiếng la hét lớn từ hầm tàu, nơi những nô lệ da đen bị xích lại với nhau, thủy thủ lại mở nắp khoang và phát hiện nhiều nô lệ ở trong cũi chết ngạt, nhưng cũng nhiều người giết hại lẫn nhau chỉ vì để có thêm không khí hít thở. Nô lệ cũng thường nhảy khỏi tàu, thà chết chìm còn hơn tiếp tục chịu đựng. Theo một người làm nhiệm vụ canh gác, hầm tàu giam nô lệ “nhuộm đỏ máu, giống như lò sát sinh!”

Trong điều kiện tồi tệ như vậy, cứ ba người da đen được vận chuyển trên các con tàu thì có một người chết. Nhưng lợi nhuận khổng lồ (thông thường gấp hai lần khoản đầu tư cho một chuyến đi như vậy) cũng đã đáng giá đối với các lái buôn nô lệ và vì thế người da đen vẫn bị “lèn chặt” như cá ướp.

Đầu tiên là người Hà Lan, sau đó đến người Anh thống trị việc buôn bán nô lệ. (Khoảng năm 1795, ở Liverpool đã có hơn 100 tàu buôn nô lệ, chiếm hơn một nửa các hoạt động buôn bán nô lệ ở châu âu). Một số người Mỹ ở New England sau đó bắt đầu tham gia các thương vụ này và đến năm 1637, con tàu chở nô lệ đầu tiên của Mỹ có tên là Desire (Khát vọng), đã khởi hành từ Marblehead. Khoang tàu ngăn làm nhiều giá, kích thước 2×6 feet (1 foot = 0,3 m), chân và rào chắn bằng sắt.

Khoảng năm 1800 đã có 10-15 triệu người da đen được đưa tới châu Mỹ làm nô lệ, có lẽ chiếm khoảng một phần ba số người bị bắt làm nô lệ tại châu Phi. Ước tính châu Phi mất khoảng 50 triệu dân do chết và bị bắt làm nô lệ trong những thế kỷ mà chúng ta gọi là khởi đầu của nền văn minh phương Tây hiện đại. Số dân này đã rơi vào tay những kẻ buôn nô lệ và các ông chủ đồn điền ở Tây âu và Mỹ – những quốc gia tiên tiến nhất thế giới.

Năm 1610, mục sư Cơ đốc giáo ở châu Mỹ, Cha Sandoval, đã viết thư hỏi một giới chức nhà thờ ở châu âu, rằng việc bắt giữ, vận chuyển và nô lệ hóa người da đen châu Phi có được giáo lý nhà thờ cho phép không? Bức thư đề ngày 12 tháng 3 năm 1610, gửi từ Thầy dòng Luis Brandaon cho Cha Sandoval trả lời:

Thưa Đức cha, người muốn biết việc những người da đen được đưa tới châu Mỹ có phải bị bắt giữ bất hợp pháp không? Việc này tôi xin phúc đáp rằng, tôi nghĩ Đức cha không cần đắn đo về vấn đề đó, bởi vì đây là vấn đề mà Hội đồng Lương tâm ở Lisbon đã thảo luận nhiều và tất cả các thành viên tòa án đều là những người học cao và có lương tri. Không ai trong số các vị giám mục ở Sao Thome, Cape Verde và Loando, gồm toàn những người có hiểu biết và đạo đức tốt, cho việc đó là phạm tội. Chúng tôi đã ở đây 40 năm, chúng tôi có các Đức cha có trình độ…, và các Đức cha không bao giờ coi việc buôn bán đó là phạm pháp. Vì lý do đó, chúng tôi và các Đức cha ở Brazil đã mua những nô lệ này mà không hề đắn đo…

Với tất cả các yếu tố: sự thất vọng của người định cư tại Jamestown về công ăn việc làm, việc không thể sử dụng thổ dân Anh-điêng và khó sử dụng người da trắng, lực lượng lao động da đen ngày càng nhiều do những kẻ kiếm lợi nhuận từ món hàng “thịt người” cung cấp và dễ dàng kiểm soát những người da đen đó bởi vì họ vừa trải qua một thử thách mà thử thách đó nếu không giết chết họ thì cũng đưa họ tới một quốc gia − nơi họ không có nơi nương tựa cả về vật chất và tinh thần. Với tất cả các yếu tố đó, chẳng có gì lạ nếu như người da đen bị biến thành nô lệ.

Trong những điều kiện như trên, thậm chí nếu một vài người da đen có thể được nhìn nhận chỉ là đầy tớ, liệu họ có được đối xử giống như với đầy tớ da trắng?

Chứng cứ là, trong hồ sơ tòa án Virginia thuộc địa có văn bản ghi rằng: Năm 1630, một người da trắng tên là Hugh Davis “bị phạt roi… vì đã tự sỉ nhục và làm nhơ bẩn thân thể mình khi… nằm cạnh một người da đen”. Hoặc, mười năm sau đó, sáu đầy tớ và một người da đen của ông chủ Reynolds bỏ trốn. Trong khi những người da trắng chịu hình phạt nhẹ hơn, đầy tớ da đen Emanuel phải nhận 30 roi, bị đánh dấu lên má bằng chữ R sắt nung đỏ và phải làm việc trong điều kiện bị xiềng xích trong suốt một năm hoặc hơn thế tùy thuộc quyết định của ông chủ.

Dù trong những năm đầu tiên, chế độ nô lệ chưa được hợp pháp hóa, nhưng người ta vẫn phân biệt người da đen trong danh sách đầy tớ riêng. Một đạo luật thông qua năm 1639 quy định: “tất cả mọi người trừ người da đen” được trang bị vũ khí và đạn dược – có lẽ là để chống lại thổ dân Anh-điêng. Năm 1640, khi có ba đầy tớ tìm cách bỏ trốn, thì hai người da trắng bị trừng phạt kéo dài thời hạn làm việc. Tuy nhiên, tòa tuyên phạt: “người thứ ba là người da đen, tên là John Punch, phải phục vụ suốt đời cho ông chủ, hoặc người được ông chủ ủy quyền”. Cũng vào năm 1640, có trường hợp một nữ đầy tớ da đen sinh con với Robert Sweat, một người da trắng. Tòa tuyên: người phụ nữ da đen bị phạt roi, Sweat ngay sáng hôm sau phải xưng tội, sám hối công khai tại nhà thờ của thành phố.

Lối hành xử thiếu công bằng, sự kết hợp giữa miệt thị và áp bức, giữa tình cảm và hành động mà chúng ta gọi là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” đó liệu có phải là kết quả mối ác cảm “tự nhiên” của người da trắng với người da đen? Vấn đề này rất quan trọng, không chỉ vì tính chính xác của lịch sử, mà còn vì bất cứ sự nhấn mạnh nào đối với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc “tự nhiên” cũng sẽ làm giảm nhẹ trách nhiệm của hệ thống xã hội. Nếu phân biệt chủng tộc không phải “tự nhiên”, đó là kết quả của các điều kiện nhất định và chúng ta bị thúc ép phải xóa bỏ các điều kiện đó.

Chúng ta không cách nào để thử nghiệm những hành vi người da trắng và da đen đối xử với nhau trong các điều kiện thuận lợi ‒ không có lịch sử về sự lệ thuộc, không có khoản lợi tiền bạc từ việc bóc lột và nô lệ hóa, cũng không có cơn tuyệt vọng tìm cách tồn tại dẫn tới sự hình thành lao động bị ép buộc. Tất cả các điều kiện của người da trắng và da đen nước Mỹ ở thế kỷ XVII đều đi ngược lại các yếu tố trên, tất cả đều hướng tới đối lập và ngược đãi. Trong những điều kiện đó, thậm chí biểu hiện nhỏ nhất về tính nhân văn giữa các chủng tộc cũng có thể được coi là bằng chứng cho xu thế căn bản của con người đó là hướng tới cộng đồng.

Một điều đáng chú ý là, thậm chí trước năm 1600 khi mà buôn bán nô lệ mới chỉ bắt đầu và trước khi người châu Phi để lại ấn tượng về điều này, xét cả về nghĩa đen và biểu tượng thì màu đen vẫn được xem là cái gì đó đáng ghê sợ. Ở Anh, trước năm 1600, theo từ điển tiếng Anh Oxford, màu đen có nghĩa: “bị nhúng bẩn, cặn bã, dơ dáy, hôi thối; có mục đích xấu xa hay đen tối, hiểm độc; gắn với chết hay liên quan chết chóc; xấu xa, thảm khốc, nham hiểm; cái xấu, tội lỗi, tàn bạo, ác hiểm. Biểu thị sự ô nhục, đáng bị trừng phạt…”. Thơ ca triều đại Elizabeth thường sử dụng màu trắng tượng trưng cho cái đẹp.

Có lẽ dù thiếu vắng bất kỳ yếu tố quan trọng nào khác, thì bóng tối và màu đen, gắn với màn đêm và những điều bí ẩn, đã đảm trách được những ý nghĩa đó. Tuy nhiên, sự có mặt của con người là một thực tế rõ ràng và những điều kiện về sự có mặt đó là cốt yếu để quyết định liệu định kiến ban đầu, chỉ là sự phản đối một màu sắc đơn thuần, tách khỏi yếu tố con người, có biến thành tính hung ác và lòng thù hận?

Nếu không xét đến những thành kiến về màu đen, nếu không nhìn nhận sự lệ thuộc của người da đen ở Mỹ vào thế kỷ XVII, có bằng chứng cho thấy, nơi nào người da trắng và người da đen có cùng những vấn đề, cùng công việc và kẻ thù thì họ hành xử với nhau một cách bình đẳng. Kenneth Stampp, một học giả về vấn đề nô lệ, đã nhận định: Đầy tớ người da đen và đầy tớ da trắng hồi thế kỷ XVII đã “không quan tâm nhiều đến sự khác biệt nhìn thấy được về cơ thể”.

Người da đen và người da trắng từng làm việc cùng nhau, kết thân với nhau. Thực tế các đạo luật thông qua sau đó nhằm cấm các mối quan hệ như vậy đã cho thấy rõ xu hướng nói trên. Năm 1661, một đạo luật được thông qua ở Virginia quy định: “trong trường hợp đầy tớ da trắng chạy trốn cùng với đầy tớ da đen”, người da trắng đó chịu hình phạt kéo dài thời hạn lao động phục dịch cho ông chủ có người da đen bỏ trốn. Năm 1691, Virginia ban hành luật trục xuất bất kỳ “đàn ông hoặc phụ nữ da trắng tự do đã kết hôn với người da đen, người lai giữa da trắng và da đen, hoặc bất kỳ thổ dân Anh-điêng tự do hay bị ràng buộc”.

Có sự khác biệt lớn giữa cảm giác về sự xa lạ chủng tộc, có thể là nỗi sợ hãi, với quá trình nô lệ hóa hàng triệu người da đen diễn ra ở Mỹ. Sự biến chuyển từ cái này sang cái khác không thể giải thích dễ dàng bằng các xu hướng “tự nhiên”. Không khó khăn để hiểu đó là kết quả của những điều kiện lịch sử.

Chế độ nô lệ phát triển cùng với sự lớn mạnh của hệ thống đồn điền. Lý do cũng dễ thấy, không đơn thuần chỉ là mối ác cảm về chủng tộc: số người da trắng, dù là tự do hay những đầy tớ ràng buộc (theo các hợp đồng lao động từ 4 đến 7 năm), đều không đủ đáp ứng nhu cầu của các đồn điền. Vào khoảng năm 1700, ở Virginia đã có 6 nghìn nô lệ, chiếm khoảng 1/12 dân số. Đến năm 1763, con số này tăng lên 170 nghìn nô lệ, chiếm một nửa số dân.

So với người Anh-điêng và người da trắng, người da đen dễ bị nô lệ hóa hơn. Nhưng cũng không phải dễ dàng có thể biến họ thành nô lệ. Ngay từ đầu, đàn ông và phụ nữ da đen được đưa đến từ châu Phi luôn chống lại việc bị biến thành nô lệ. Cuối cùng nỗ lực phản kháng của họ đã bị kiểm soát và khoảng ba triệu người da đen ở miền Nam đã bị nô lệ hóa. Tuy nhiên, trong những điều kiện khó khăn nhất, bất chấp thương tật và cái chết, người Mỹ gốc Phi liên tục nổi dậy trong suốt khoảng 200 năm chế độ nô lệ ở Bắc Mỹ. Rất ít cuộc nổi dậy có tổ chức. Hầu hết, họ bày tỏ sự phản kháng của mình bằng việc bỏ trốn. Thông thường hơn là tham gia phá hủy, trì hoãn sản xuất và các hình thức phản kháng tinh vi khác nhằm đòi lại phẩm giá con người cho mình và người thân.

Phản khảng bắt đầu từ châu Phi. Một lái buôn nô lệ cho biết, người da đen “cứng đầu và miễn cưỡng phải rời bỏ đất nước họ, đến nỗi họ thường nhảy khỏi ca-nô, tàu hoặc thuyền xuống biển và ở dưới nước cho tới khi chết chìm”.

Khi những nô lệ da đen đầu tiên được đưa tới đảo Hispaniola năm 1503, Thống đốc Hispaniola người Tây Ban Nha đã kêu lên tòa án ở Tây Ban Nha rằng những nô lệ da đen đang bày cho người Anh-điêng cách bất tuân lệnh. Vào những năm 1520-1530, các cuộc nổi dậy của nô lệ nổ ra khắp nơi ở Hispaniola, Puerto Rico, Santa Marta và khu vực ngày nay là Panama. Không lâu sau các cuộc nổi dậy đó, người Tây Ban Nha đã thiết lập một lực lượng cảnh sát đặc biệt để truy nã những nô lệ chạy trốn.

Một đạo luật ở Virginia năm 1669 có nói đến “sự cứng đầu của rất nhiều người trong số họ”; năm 1680, hội đồng thành phố đã ghi chép lại các cuộc gặp gỡ của nô lệ “dưới vỏ bọc lễ hội hay các cuộc gây lộn” mà họ cho là “có hậu quả nguy hiểm”. Năm 1687, ở khu vực thuộc địa Northern Neck phát hiện các nô lệ lên kế hoạch giết tất cả người da trắng, sau đó bỏ trốn trong thời điểm diễn ra lễ tang.

Gerald Mullin, nhà nghiên cứu phong trào phản kháng của nô lệ ở Virginia vào thế kỷ XVII, viết trong cuốn sách Flight and Rebellion (Cuộc chiến và phong trào nổi dậy):

Các nguồn thông tin có sẵn về nô lệ ở Virginia hồi thế kỷ XVIII (gồm hồ sơ tư liệu của đồn điền và hạt, yết thị trên báo về nô lệ bỏ trốn) đã mô tả việc nô lệ nổi dậy. Nô lệ được mô tả là lười biếng, hay ăn cắp; họ giả vờ ốm, phá hoại cây trồng, kho bãi, dụng cụ lao động; đôi khi tiến công và giết những người đốc công, quản lý. Họ còn hình thành chợ đen để buôn bán những đồ đánh cắp. Những kẻ bỏ trốn được xác định có nhiều dạng; họ là những kẻ trốn việc, lêu lổng (nhưng thường quay trở lại một cách tự nguyện), là những kẻ “sống ngoài vòng pháp luật”… và những nô lệ thật sự chạy trốn: họ lợi dụng cơ hội thăm người thân để lên thị trấn rồi bỏ trốn; hoặc cố tìm cách thoát khỏi thân phận nô lệ hoàn toàn bằng cách lên các con tàu rời khỏi khu vực thuộc địa, hay lập thành các nhóm để xây làng hoặc nơi ẩn náu ở các khu vực giáp giới. Những cam kết của loại nô lệ cứng đầu này đã tan thành mây khói, họ trở thành kẻ giết người, đốt nhà cướp của và quân nổi loạn.

Những nô lệ đến từ châu Phi, vẫn còn gắn với di sản xã hội cộng đồng của mình, đã bỏ trốn thành từng nhóm và cố gắng lập các làng gồm những người bỏ trốn ở nơi hoang vu trong rừng sâu, gần biên giới. Trong khi đó, những nô lệ sinh ở Mỹ lại thường bỏ trốn riêng lẻ và với những kinh nghiệm và kỹ năng học được ở đồn điền họ cố tìm cách vượt rào để trở thành người tự do.

Trên báo chí thuộc địa của Anh, một báo cáo năm 1729 của vị Phó thống đốc Virginia gửi Hội đồng Thương mại Anh đã nêu rõ cách “một số người da đen, khoảng 15 người, đã phác thảo một kế hoạch bỏ trốn khỏi ông chủ và náu mình tại khu vực rừng núi kế cận. Chúng cũng tìm được cách sở hữu vũ khí và đạn dược, chúng cũng mang theo được lương thực dự trữ, quần áo, chăn màn và dụng cụ lao động… Dù âm mưu đó đã bị thất bại, tuy nhiên điều đó cũng cảnh báo chúng ta cần có một vài biện pháp hữu hiệu…”.

Chế độ nô lệ đã mang lại lợi nhuận đáng kể đối với các ông chủ. Ngay sau cuộc Cách mạng Mỹ, James Madison nói với một vị khách người Anh rằng, mỗi năm, một người da đen có thể mang lại cho ông ta 257 đô-la, trong khi ông ta chỉ chi 12 đô-la hoặc 13 đô-la chi phí để giữ người này. Trước đó khoảng 50 năm, một chủ nô lệ là Landon Carter đã có quan điểm khác cho rằng, nô lệ của ông ta thờ ơ với công việc và không chịu hợp tác (không thể hoặc không muốn làm việc), đến mức ông ta phải tự hỏi có đáng để tiếp tục giữ họ không.

Một số nhà sử học đã vẽ nên bức tranh, dựa trên các cuộc nổi dậy có tổ chức xảy ra không thường xuyên và khả năng duy trì chế độ nô lệ trong 200 năm của miền Nam, về những nô lệ đã bị khuất phục trước hoàn cảnh của họ. Stanley Elkins mô tả: gốc gác châu Phi bị mai một, họ bị biến thành “người da đen” đơn thuần (Sambo) – “một cộng đồng của những người sống phụ thuộc, không tự lực được”. Hay như một sử gia khác là Ulrich Phillips, “họ bị khuất phục do yếu tố chủng tộc”. Nhưng nếu nhìn tổng thể những hành vi của nô lệ, từ sự phản kháng trong cuộc sống hằng ngày, từ sự thiếu hợp tác âm thầm trong công việc, tới việc bỏ trốn của họ thì sẽ thấy một bức tranh khác.

Năm 1710, Thống đốc Alexander Spotswood đã cảnh báo Hội đồng Dân biểu Virginia:

“… Sự tự do mang một sức mạnh mà không cần nhiều lời, có thể tập hợp tất cả những người từ lâu đã muốn phá bỏ gông cùm của chế độ nô lệ và với một cuộc nổi dậy như vậy chắc chắn gây ra hậu quả nghiêm trọng, mà chúng ta không thể sớm có biện pháp ngăn chặn, bằng cả việc tạo cho chúng ta thế phòng thủ tốt hơn, hay tạo ra luật pháp ngăn chặn những người da đen ấy bàn bạc…”

Thực tế, tính hà khắc của các hình phạt đối với những nô lệ bỏ trốn cho thấy việc nhiều người da đen bỏ trốn là một dấu hiệu của sự nổi dậy mạnh mẽ. Trong suốt những năm 1700, đạo luật về nô lệ của Virginia đều quy định:

Đã nhiều lần nô lệ bỏ trốn, ẩn náu trong rừng sâu, đầm lầy và những nơi kín đáo, giết hại và gây thương tích cho cư dân…; nếu nô lệ không ngay lập tức quay trở lại, bất kể ai cũng có thể giết, hoặc tiêu diệt những nô lệ này bằng mọi cách thức và biện pháp mà cho là phù hợp… Nếu bắt được nô lệ… luật pháp cho phép tòa án hạt ban hành hình phạt đối với nô lệ này, có thể chặt tay chân, hoặc bằng bất cứ hình thức nào… mà tòa tự quyết định là phù hợp, nhằm cải tạo những nô lệ cứng đầu và răn đe nô lệ khác phạm tội tương tự…

Mullin tìm thấy thông tin trên báo chí, trong khoảng thời gian từ năm 1736 tới 1801, có 1.138 đàn ông và 141 đàn bà nô lệ bỏ trốn. Nguyên nhân chủ yếu khiến họ bỏ trốn là để tìm lại người thân trong gia đình. Điều này cho thấy, bất chấp mọi âm mưu của hệ thống nô lệ nhằm phá hủy quan hệ gia đình bằng cách không cho phép kết hôn, chia rẽ các gia đình, nô lệ vẫn sẵn sàng đối mặt cái chết hoặc hình phạt chặt bỏ bộ phần cơ thể để tìm cách đoàn tụ.

Ở Maryland, nơi nô lệ chiếm tới một phần ba dân số vào năm 1750, luật pháp đã có quy định về chế độ nô lệ từ những năm 1660 và các đạo luật về kiểm soát nô lệ nổi dậy cũng đã được thông qua. Có những trường hợp phụ nữ nô lệ giết chủ của mình, bằng cách hạ độc, hay đốt nhà và xưởng sản xuất thuốc lá. Các hình phạt được thực hiện, từ đánh roi cho tới tử hình, nhưng hành động nổi loạn vẫn tiếp diễn. Năm 1742, có bảy nô lệ bị tử hình vì giết chủ.

Nỗi lo sợ nô lệ nổi dậy dường như thường trực ở các đồn điền. William Byrd, một ông chủ nô lệ giàu có ở Virginia, đã viết năm 1736 như sau:

Chúng ta có ít nhất 10 nghìn trai tráng là hậu duệ của Ham (theo Kinh thánh, Ham là con trai của Noah và là ông tổ của người Canaan, dân tộc sống ở châu Phi. Dân tộc này chịu lời nguyền sẽ trở thành nô lệ của những nô lệ – ND), có thể cầm súng và con số này tăng lên mỗi ngày, do sinh đẻ hoặc mua thêm. Trong trường hợp một kẻ nào đó nổi loạn, hắn ta có thể có lợi thế hơn nhiều so với Cataline để phát động cuộc chiến nô lệ… và biến các dòng sông rộng của chúng ta thành dòng sông máu.

Đó là một hệ thống kiểm soát mạnh và phức tạp mà giới chủ nô xây dựng nhằm duy trì nguồn cung lao động và cuộc sống của họ, một hệ thống vừa tinh vi vừa thô bạo, liên quan đến tất cả biện pháp duy trì trật tự xã hội nhằm mục đích bảo vệ quyền lực và tài sản. Kenneth Stampp viết:

Một chủ nô ma lanh không tin rằng người da đen sinh ra để làm nô lệ. ông ta biết nhiều hơn thế, rằng người da đen mới được mua về từ châu Phi cần phải bị đẩy vào cảnh nô lệ, rằng mỗi một thế hệ thành công cần phải được đào tạo kỹ lưỡng. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, bởi nông nô rất hiếm khi sẵn sàng quy phục. Hơn thế, nông nô lại ít khi khuất phục hoàn toàn. Trong hầu hết trường hợp, sự cần thiết phải kiểm soát nô lệ không bao giờ chấm dứt, ít nhất cho tới khi tuổi già khiến nô lệ rơi vào hoàn cảnh không nơi bấu víu.

Hệ thống đó vừa mang yếu tố tinh thần, vừa mang yếu tố vật chất. Nô lệ được dạy về tính kỷ luật; liên tục bị áp đặt nhận thức về vị trí hạ đẳng để xác định được “chỗ đứng của mình”, để nhìn nhận màu đen là dấu hiệu của sự phụ thuộc, để sợ hãi trước quyền lực của chủ nô, để gắn lợi ích của bản thân vào lợi ích của chủ, dẹp bỏ nhu cầu cá nhân. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần thực hiện kỷ luật lao động chăm chỉ; phá vỡ các gia đình nô lệ; tạo hiệu quả lừa mị về tôn giáo (như một chủ nô cho rằng, điều này đôi khi dẫn tới “tai họa lớn”); gây mất đoàn kết trong giới nô lệ bằng cách tách họ thành hai nhóm: nhóm làm việc ngoài cánh đồng và nhóm làm việc trong nhà, trong đó nhóm thứ hai được hưởng nhiều đặc lợi hơn; cuối cùng là sức mạnh của luật pháp và quyền lực trực tiếp của các viên đốc công trong việc sử dụng các hình phạt roi, đốt cháy, chặt bộ phận cơ thể và giết chết. Đạo luật Virginia năm 1705 có quy định về hình phạt chặt tay, chân. Năm 1723, Maryland cũng thông qua luật quy định về cắt tai người da đen tấn công người da trắng. Nô lệ phạm các tội nghiêm trọng sẽ bị treo cổ, xác bị chặt làm tư và phơi bày công khai.

Các cuộc nổi dậy vẫn nổ ra, dù không nhiều nhưng cũng tạo mối lo ngại thường trực trong giới chủ đồn điền da trắng. Cuộc nổi dậy quy mô lớn đầu tiên ở các thuộc địa Bắc Mỹ nổ ra ở New York năm 1712. Ở New York, nô lệ chiếm khoảng 10% dân số, tỷ lệ cao nhất tại các bang miền Bắc, nơi các điều kiện kinh tế thường không đòi hỏi số lượng lớn nô lệ làm việc ngoài cánh đồng. Khoảng 25 nô lệ da đen và hai người Anh-điêng đã phóng hỏa đốt một tòa nhà, sau đó giết hại chín người da trắng có mặt tại hiện trường. Những người này bị binh sỹ bắt, xét xử và 21 người bị tử hình. Báo cáo của Thống đốc bang gửi về Anh ghi rõ: “Một số bị thiêu sống, số khác bị treo cổ, một bị bánh xe đè chết và một bị treo bằng xích công khai trong thành phố…” Một người bị thiêu từ từ trong khoảng 8-10 tiếng đồng hồ – tất cả cảnh tượng này là lời cảnh báo các nô lệ khác.

Một bức thư từ Nam Carolina gửi tới London năm 1720 viết:

Tôi muốn thông báo với quý vị rằng, mới đây chúng tôi đã phát hiện một âm mưu độc ác và dã man của người da đen nổi loạn, với một kế hoạch tiêu diệt toàn bộ người da trắng, sau đó chiếm thành phố Charles. Nhưng ơn Chúa, âm mưu đó đã bị phát hiện và nhiều kẻ trong số chúng bị bắt giam, một số bị thiêu, hoặc bị treo cổ, hoặc bị trục xuất.

Cùng thời điểm trên, ở Boston và New Haven cũng xảy ra một loạt vụ hỏa hoạn, bị nghi là do nô lệ da đen tiến hành. Vì thế, một người da đen ở Boston bị tử hình và Hội đồng thành phố Boston ban hành lệnh phạt roi đối với những người da đen tụ tập thành nhóm từ hai người trở lên.

Năm 1739, ở Stono, bang Nam Carolina, khoảng 20 nô lệ đã nổi dậy, giết hai nhân viên gác nhà kho, cướp súng và thuốc súng; sau đó tiến về phương nam, trên đường đi tiếp tục giết người và đốt nhà cửa. Nhiều người đã cùng tham gia với họ, tổng cộng lên tới khoảng 80 nô lệ. Theo tư liệu hồi đó, “họ hô vang tự do, diễu hành cùng cờ và hai chiếc trống”. Quân đội phát hiện và tấn công họ. Đụng độ xảy ra khiến khoảng 50 nô lệ và 25 người da trắng chết trước khi cuộc nổi dậy bị dập tắt.

Trong cuốn American Negro Slave Revolts (Các cuộc nổi dậy của nô lệ da đen ở Mỹ), viết về sự phản kháng của nô lệ ở Bắc Mỹ, Herbert Aptheker cho biết, khoảng 250 vụ đã xảy ra, trong đó mỗi vụ có ít nhất 10 nô lệ da đen tham gia nổi loạn hoặc âm mưu nổi dậy.

Đôi khi, người da trắng cũng tham gia phong trào phản kháng của nô lệ. Đầu năm 1663, đầy tớ da trắng và nô lệ da đen ở hạt Gloucester, bang Virginia, đã vạch một âm mưu nổi dậy, giành tự do. Kế hoạch bị bại lộ và kết thúc bằng hàng loạt án tử hình. Mullin viết, những thông cáo báo chí về các vụ bỏ trốn ở Virginia thường cảnh báo những người da trắng “thiếu thiện chí” trong vụ tố cáo những kẻ bỏ trốn. Có khi nô lệ và người tự do bỏ chạy cùng nhau, hoặc phối hợp cùng nhau phạm tội. Như nô lệ đàn ông da đen bỏ chạy cùng phụ nữ da trắng. Hoặc các thuyền trưởng và thủy thủ da trắng hợp tác với những người bỏ trốn bằng cách “biến” nô lệ thành thành viên thủy thủ đoàn.

Năm 1741, ở New York có khoảng 10 nghìn người da trắng và 2 nghìn nô lệ da đen. Thời tiết mùa đông khắc nghiệt và người nghèo – cả nô lệ và người tự do – là những người phải chịu đựng nhiều nhất. Khi các vụ cháy bí ẩn xảy ra, người da đen và da trắng đều bị cáo buộc cùng nhau thực hiện âm mưu trên. Một cơn kích động lớn nhằm vào những kẻ bị buộc tội. Và sau một phiên xét xử với hàng loạt lời buộc tội khủng khiếp của những tên chỉ điểm và lời thú tội do bị ép buộc, hai người đàn ông da trắng và hai phụ nữ da trắng bị tử hình, 18 nô lệ bị treo cổ, 13 nô lệ bị thiêu sống.

Có một nỗi lo sợ lớn hơn nỗi lo sợ về người da đen nổi loạn tại các thuộc địa mới ở châu Mỹ, đó là nỗi lo sợ những người da trắng bất mãn sẽ tham gia lật đổ chế độ hiện hành cùng nô lệ da đen. Trong những năm đầu của chế độ nô lệ, nhất là trước khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trở thành lối nghĩ ăn sâu, khi các đầy tớ da trắng bị đối xử tồi tệ chẳng kém gì nô lệ da đen, họ có nhiều cơ hội hợp tác. Edmund Morgan nhìn nhận việc này như sau:

Có nhiều lý do để ngay từ đầu hai nhóm người bị khinh thường này đã coi nhau là những người cùng cảnh ngộ. Điều bình thường đối với các đầy tớ da trắng và nô lệ là bỏ trốn cùng nhau, ăn cắp cùng nhau và “chén chú chén anh” cùng nhau. Điều cũng không phải bất bình thường là họ ăn nằm với nhau. Trong Cuộc nổi dậy Bacon, một trong những nhóm cuối cùng đầu hàng là một nhóm hỗn hợp gồm 80 người da đen và 20 đầy tớ da trắng.

Morgan viết, giới chủ nô “ban đầu ít nhất cũng nhìn nhận nô lệ da đen gần tương tự cách họ nhìn nhận những đầy tớ da trắng… đó là những kẻ lười biếng, thiếu trách nhiệm, không trung thành, vô ơn và thiếu trung thực…”. Và “khi những người tự do có tâm trạng thất vọng đứng về phe với đám nô lệ bất mãn, kết quả có thể còn tồi tệ hơn những gì Cuộc nổi dậy Bacon gây ra”.

Và vì thế, các biện pháp đã được thực hiện. Gần như cùng lúc đó, các đạo luật liên quan đến những quy định và hình phạt đối với nô lệ đã được Hội đồng dân biểu Virginia thông qua.

Giới cầm quyền ở Virginia, khi đó đã công nhận rằng người da trắng ở vị thế cao hơn người da đen, bắt đầu ban phát cho tầng lớp thấp kém hơn trong xã hội (chỉ riêng người da trắng) một số quyền lợi mà trước đây họ không được nhận. Năm 1705, một đạo luật được thông qua quy định chủ nô phải cấp cho những đầy tớ da trắng hết hạn làm việc theo hợp đồng 10 giạ ngô (đơn vị đo thể tích, khoảng 36 lít/giạ), 30 shilling (đơn vị tiền cổ của Anh) và một khẩu súng, trong khi đó phụ nữ được nhận 15 giạ ngô và 40 shilling. Đầy tớ mới hết hạn làm việc cũng được cấp 50 mẫu đất (đơn vị đo diện tích của Anh, khoảng 0,4 ha/mẫu).

Morgan kết luận: “Khi những điền chủ nhỏ thấy phải đóng thuế ít hơn và bắt đầu kiếm được chút ít, anh ta trở nên bớt hung hăng, ít nguy hiểm và biết tôn trọng hơn.

Anh ta có thể đã bắt đầu nhìn nhận người láng giềng lớn sống cạnh mình không còn là một “kẻ bóp hầu bóp cổ người khác”, mà là một người bảo trợ đầy uy quyền đối với những lợi ích chung của mình.”

Giờ có thể thấy được mạng lưới phức tạp xâu chuỗi lịch sử nhằm gài bẫy người da đen thành nô lệ ở Mỹ: đó là nỗi tuyệt vọng của người định cư da trắng đói khát, tình trạng không thể tự lực của người châu Phi ly hương, sức hấp dẫn mạnh mẽ của lợi nhuận đối với những lái buôn nô lệ và giới chủ đồn điền, người da trắng nghèo bị cám dỗ bởi một vị trí cao hơn trong xã hội, sự kiểm soát chặt chẽ nhằm đối phó các cuộc bỏ trốn và nổi dậy, những hình phạt về mặt xã hội và pháp lý đối với quan hệ hợp tác giữa người da đen và người da trắng.

Điều đáng chú ý là các thành tố của mạng lưới này mang tính lịch sử, chứ không phải “tự nhiên”. Điều đó không có nghĩa rằng các yếu tố trên dễ dàng được gỡ rối, mà chỉ hàm nghĩa là có thể xảy ra một khả năng khác do điều kiện lịch sử chưa được nhìn nhận. Và một trong những điều kiện đó sẽ là việc xóa bỏ bóc lột giai cấp vốn khiến người da trắng nghèo liều mạng để có được một chỗ đứng thấp bé trong xã hội, ngăn chặn sự đoàn kết cần thiết giữa người da đen và da trắng để nổi dậy và tái thiết.

Khoảng năm 1700, Hạ viện Burgesses của Virginia tuyên bố:

Những đầy tớ theo Đạo Thiên chúa ở đất nước này hầu hết thuộc nhóm người kém cỏi ở châu âu. Và vì lẽ… loại người này, từ Ailen hay từ các quốc gia khác tới, có nhiều người từng là binh sỹ tham gia các cuộc chiến tranh, nên trong bối cảnh hiện nay chúng ta khó có thể chi phối được họ. Nếu chúng được trang bị vũ khí và có cơ hội tập hợp lại với nhau, chúng ta có lý do để lo sợ họ có thể lấn lướt chúng ta.

Đó là một loại ý thức giai cấp, một nỗi sợ mang tính giai cấp. Những gì xảy ra thời kỳ đầu ở Virginia và các thuộc địa khác đã minh chứng điều này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.