Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

25. CUỘC BẦU CỬ NĂM 2000 VÀ “CUỘC CHIẾN CHỐNG KHỦNG BỐ”



Một điều hết sức rõ ràng là khi Clinton đã chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình (Tu chính án số 21 quy định tối đa là hai nhiệm kỳ), thì ứng cử viên của Đảng Dân chủ cho chiếc ghế tổng thống sẽ là Albert Gore – Phó Tổng thống. Đảng Cộng hòa đã chọn George W. Bush, Jr. (Bush con), Thống đốc bang Texas – một người nổi tiếng về các mối quan hệ lợi ích liên quan đến dầu lửa và con số kỷ lục về việc thực thi án tử hình trong quãng thời gian giữ chức Thống đốc bang.

Mặc dù trong thời gian vận động tranh cử, Bush lên án Gore là đã kêu gọi “một cuộc đấu tranh giai cấp”, việc ứng cử của Gore và ứng cử viên cho vị trí phó tổng thống của Thượng nghị sỹ Joseph Lieberman cũng không mang lại sự đe dọa nào cho các tầng lớp siêu giàu. Trên tờ New York Times, ngay trang đầu đã chạy dài hàng tít lớn “Là một Thượng nghị sỹ, Joseph Lieberman rất tự hào là người ủng hộ doanh nghiệp”, chi tiết còn cho hay: Ngành công nghiệp công nghệ cao của Thung lũng Silicon rất mến mộ ông ta, còn tổ hợp công nghiệp – quân sự ở Connecticut thì biết ơn ông ta vì đã giành được hợp đồng đóng tàu ngầm Seawolf trị giá tới 7,5 tỷ đô-la.

Mức độ khác nhau mà các công ty hỗ trợ cho hai ứng cử viên của chức tổng thống có thể đo được qua con số 220 triệu đô-la trong đợt vận động tranh cử của Bush và 170 triệu đô-la trong đợt vận động tranh cử của Gore. Cả Gore và Bush đều không hề có một kế hoạch để theo đuổi việc chăm sóc sức khỏe miễn phí trên phạm vi toàn nước Mỹ, hoặc theo đuổi các chương trình nhà giá rẻ trên phạm vi rộng, hoặc theo đuổi những thay đổi lớn lao trong việc kiểm soát môi trường. Cả hai đều ủng hộ án tử hình và sự gia tăng các nhà tù. Cả hai đều đề cao sự hiện diện quân sự, tiếp tục sử dụng bom mìn, cũng như tiếp tục các lệnh trừng phạt chống lại nhân dân Cuba và Iraq.

Một ứng cử viên của đảng thứ ba là Ralph Nader, người vốn giành được uy tín trong toàn nước Mỹ sau hàng thập kỷ kịch liệt lên án sự kiểm soát của các tập đoàn đối với nền kinh tế. Chương trình nghị sự của ông hoàn toàn khác với chương trình của hai ứng cử viên còn lại, nhấn mạnh tới vấn đề chăm sóc y tế, giáo dục và môi trường. Tuy nhiên, các buổi tranh luận trong thời gian vận động tranh cử của ông đã không được phát trong các chương trình truyền hình quốc gia, và do không có sự tài trợ của các doanh nghiệp lớn, ông đã phải quyên góp các khoản nhỏ nhặt từ những người tin tưởng vào chương trình nghị sự của mình.

Đúng như dự đoán, trong bối cảnh có sự thống nhất của cả hai đảng chung quanh vấn đề giai cấp, cũng như những rào cản đã được dựng lên để chống lại ứng cử viên của đảng thứ ba, phải đến một nửa dân số của nước Mỹ, vốn phần đa thuộc tầng lớp có thu nhập thấp và không mấy mặn mà với đảng chiếm đa số, thậm chí cũng không thiết tha tham gia bầu cử.

Một nhà báo đã nói chuyện với nhân viên thu ngân tại một cây xăng, vợ của một công nhân xây dựng, chị này cho biết: “Tôi không nghĩ là họ sẽ đếm xỉa gì đến những người như chúng tôi… Tuy nhiên nếu như họ phải ngủ trong một toa xe hai phòng ngủ, mọi chuyện hẳn đã khác đi.” Một người Mỹ gốc Phi, làm quản lý tại một nhà hàng McDonald’s với mức lương tối thiểu là 5,15 đô-la/giờ, đã nói về Bush và Gore: “Tôi thậm chí chẳng buồn để ý đến hai người đó, tất cả bạn bè của tôi cũng nói vậy. Cuộc sống của chúng tôi sẽ chẳng có gì thay đổi cả.”

Cuối cùng, sự kiện này trở thành một cuộc bầu cử kỳ quặc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Al Gore vượt Bush hàng trăm nghìn phiếu, nhưng Hiến pháp yêu cầu rằng người chiến thắng sẽ được xác định bởi các đại cử tri của từng bang. Kết quả bầu rất sít sao, đến mức mà kết cục gần như được quyết định bởi các đại cử tri của bang Florida. Kết quả khác nhau này, giữa việc bỏ phiếu phổ thông và bỏ phiếu thông qua đại cử tri, từng diễn ra hai lần vào năm 1876 và 1888.

Ứng cử viên với đa số phiếu bầu tại Florida sẽ giành được phiếu bầu của tất cả các đại cử tri của bang đó và đắc cử chức tổng thống. Tuy nhiên, đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa xoay quanh vấn đề là liệu Bush hay Gore nhận được nhiều phiếu hơn tại Florida. Một điều có vẻ như là rất nhiều phiếu bầu đã không được tính, đặc biệt tại các quận có nhiều người da đen sinh sống; việc bỏ phiếu rõ ràng đã vi phạm các khía cạnh kỹ thuật; các dấu đánh trên phiếu bầu do máy bỏ phiếu thực thiện cũng không rõ ràng.

Bush đã có được hai lợi thế: em trai của ông ta, Jeb Bush, là thống đốc bang Florida; đồng thời Katherine Harris, một người theo Đảng Cộng hòa, có quyền xác nhận ai là người được nhiều phiếu hơn và là người chiến thắng. Khi đối mặt với những cáo buộc về việc kiểm phiếu gian lận, Harris đã vội vàng tổ chức kiểm lại một phần số phiếu vốn đã giúp Bush vượt lên.

Kháng cáo lên Tòa án Tối cao Florida, nơi Đảng Dân chủ chi phối, đã đưa đến một phán quyết của Tòa án, trong đó yêu cầu Harris chưa được xác nhận ai là người chiến thắng và tiếp tục việc kiểm lại phiếu bầu. Harris đã đặt ra hạn chót cho việc kiểm tra lại các phiếu bầu, tuy nhiên trong khi vẫn còn hàng nghìn phiếu gây tranh cãi, bà ta đã vội vàng đưa ra tuyên bố xác nhận rằng Bush giành chiến thắng với 537 phiếu bầu. Có lẽ đây là chiến thắng sát nút nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống. Trước việc Gore không thừa nhận việc xác nhận trên và yêu cầu kiểm lại phiếu theo phán quyết của Tòa án Tối cao Florida, Đảng Cộng hòa đã mang vụ việc trên trình lên Tối cao Pháp viện.

Tối cao Pháp viện vốn bị chia rẽ bởi các ý thức hệ khác nhau. Năm vị thượng thẩm (Rehnquist, Scalia, Thomas, Kennedy, O’Connor) theo đường lối bảo thủ, bất chấp quy tắc truyền thống là không can thiệp vào quyền lực của các bang, đã gạt bỏ quyết định của Tòa án Tối cao Florida và yêu cầu dừng việc kiểm lại các phiếu bầu. Họ nói rằng, việc kiểm lại phiếu vi phạm yêu cầu của Hiến pháp đối với “việc bảo vệ công bằng của luật pháp”, bởi lẽ tại các quận khác nhau của Florida người ta áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho việc kiểm phiếu.

Bốn vị thượng thẩm (Stevens, Ginsburg, Breyer, Souter) theo trường phái tự do thì đưa ra quan điểm rằng Pháp viện không có quyền can thiệp vào quyết định của Tòa án Tối cao Florida. Breyer và Souter còn cho rằng thậm chí nếu việc kiểm phiếu gặp sai sót với tiêu chuẩn chung thì giải pháp cần thiết ở đây là tổ chức một cuộc bầu cử mới tại Florida với một tiêu chuẩn chung.

Thực tế, Tối cao Pháp viện từ chối cho phép xem xét lại cuộc bầu cử thể hiện rằng Pháp viện mong muốn nhìn thấy Bush – ứng cử viên được Pháp viện ủng hộ – sẽ trở thành tổng thống. Thượng thẩm Stevens, với đôi chút cay đắng, đã chỉ ra điều này trong một bản báo cáo hiếm hoi của ông: “Dù chúng ta chưa thể nào biết được chắc chắn về người thắng cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, nhưng chân dung của kẻ thua cuộc thì đã hết sức rõ ràng. Đó là lòng tin của dân tộc vào hệ thống tòa án vốn vẫn được xem như người bảo vệ pháp quyền một cách không thiên vị.”

Sau khi nhậm chức, Bush bắt tay theo đuổi chương trình ủng hộ các doanh nghiệp với tất cả sự tự tin, dường như ông ta đã nhận được sự phê chuẩn đa số của toàn dân tộc. Và Đảng Dân chủ, với triết lý nền tảng không mấy khác, đã trở thành đảng đối lập một cách rụt rè, gần như song hành hoàn toàn với Bush trong các chính sách đối ngoại của ông ta, chỉ hơi khác ông ta trong các chính sách đối nội.

Chương trình của Bush ngay lập tức đã trở nên rõ ràng. ông ta thúc đẩy việc giảm thuế cho tầng lớp giàu có, chống lại các quy định nghiêm ngặt về môi trường có thể ảnh hưởng tới lợi ích kinh doanh và đề ra kế hoạch “tư nhân hóa” hệ thống an sinh xã hội bằng cách biến các quỹ lương hưu của người dân phụ thuộc vào thị trường chứng khoán. ông ta cũng chuyển sang hướng tăng ngân sách quân sự, theo đuổi chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”, bất chấp các quan điểm khoa học cho rằng không thể để tên lửa chống tên lửa đạn đạo hoạt động trong vũ trụ; thậm chí nếu như kế hoạch này được thực hiện, nó sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí quyết liệt hơn trên toàn thế giới.

Chín tháng sau khi Bush nhậm chức tổng thống, ngày 11 tháng 9 năm 2001, một sự kiện khủng khiếp đã đẩy tất cả các vấn đề khác nhau vào cùng chung một bối cảnh. Bọn không tặc trên ba chiếc máy bay chở khách khổng lồ, chất đầy nguyên liệu, đã lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở khu buôn bán kinh doanh của New York và tấn công một bên hông của Lầu Năm Góc tại Washington D.C. Qua màn hình tivi, toàn nước Mỹ đã phải chứng kiến cảnh sụp đổ khủng khiếp của các tòa tháp được kết cấu từ xi-măng và kim loại, thiêu cháy hàng nghìn nhân viên. Hàng trăm nhân viên cứu hỏa, cảnh sát đã tham gia hoạt động cứu hộ.

Đó là một cuộc tấn công chưa từng có chống lại các biểu tượng giàu có và quyền lực khổng lồ của Mỹ, được thực hiện bởi 19 con người từ khu vực Trung Đông, phần đa trong số đó là đến từ Arap Saudi. Những người này sẵn sàng liều chết để có thể thực hiện được việc “thổi tung” kẻ thù của họ – một siêu cường vốn luôn cho rằng mình là không thể bị tấn công.

Bush ngay lập tức tuyên bố “Cuộc chiến chống khủng bố” và nêu rõ: “Chúng ta sẽ không phân biệt những kẻ khủng bố và những quốc gia che giấu kẻ khủng bố.” Quốc hội vội vã thông qua các nghị quyết nhằm tạo cho Bush quyền được tiến hành các hoạt động quân sự mà không cần phải tuyên bố chiến tranh như Hiến pháp đã quy định. Một nghị quyết đã được Thượng viện nhất trí thông qua; còn tại Hạ viện chỉ có duy nhất một tiếng nói phản đối của Barbara Lee, người Mỹ gốc Phi đến từ bang California.

Với việc phỏng đoán rằng Osama bin Laden – một chiến binh Hồi giáo – phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9, lúc đó đang trú ẩn tại Afghanistan, Bush đã ra lệnh ném bom quốc gia này.

Bush tuyên bố mục tiêu của ông ta là quyết bắt giữ (“kể cả còn sống hay đã chết”) Osama bin Laden và đập tan tổ chức chiến binh Hồi giáo Al Qaeda. Nhưng sau năm tháng ném bom Afghanistan, khi Bush đọc Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện, ông ta đã phải thừa nhận rằng, trong khi khẳng định “chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến khủng bố”, thì vẫn có tới “hàng nghìn tên khủng bố được huấn luyện” và “hàng chục quốc gia” che giấu bọn khủng bố.

Một điều vốn dĩ rất hiển nhiên đối với Bush và các cố vấn của ông ta, đó là chủ nghĩa khủng bố không thể đánh bại bằng bạo lực. Lịch sử lưu rất nhiều chứng cứ về điều này. Nước Anh đã phản ứng với các hành động mang tính khủng bố của lực lượng Quân đội Cộng hòa Ailen bằng rất nhiều hành động quân sự, vậy mà vẫn phải đối mặt với các hành động khủng bố ngày càng gia tăng. Trong hàng thập kỷ, Israel đã chống lại các hoạt động khủng bố của Palestin bằng các cuộc tấn công quân sự, cũng chỉ khiến các vụ đánh bom của Palestin gia tăng. Sau cuộc tấn công vào sứ quán Mỹ tại Tanzania và Kenya năm 1998, Bill Clinton đã ra lệnh ném bom Afghanistan và Sudan. Rõ ràng, nếu như nhìn vào vụ ngày 11 tháng 9 thì việc làm trên đã không ngăn chặn được chủ nghĩa khủng bố.

Hơn nữa, hành động ném bom hàng tháng trời đã tàn phá một quốc gia vốn đã kiệt quệ qua hàng thập kỷ nội chiến và phá hoại. Lầu Năm Góc đã tuyên bố họ chỉ ném bom vào “các mục tiêu quân sự” và việc dân thường bị thương vong chỉ là “… tai nạn… không mong muốn… và đáng tiếc”. Tuy nhiên, theo các nhóm hoạt động nhân quyền và các bài tổng hợp trên báo chí của phương Tây và Mỹ, ít nhất có từ 1-4 nghìn dân thường Afghanistan đã chết dưới làn bom của Mỹ.

Có vẻ như Mỹ đang đáp trả những hành động ghê rợn mà bọn khủng bố đã áp dụng đối với người dân vô tội tại New York, bằng cách tiêu diệt người dân vô tội tại Afghanistan. Hàng ngày New York Times vẫn đăng những mẩu tin tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa ở Trung tâm Thương mại Thế giới, kèm theo ảnh chân dung, mô tả về công việc, sở thích và gia đình của họ.

Tuy nhiên, không hề có những thông tin tương tự đối với các nạn nhân người Afghanistan, thay vào đó là các con số ngày càng gia tăng về hậu quả của bom Mỹ do đội ngũ phóng viên cập nhật từ các bệnh viện hoặc các làng mạc xa xôi. Một phóng viên của tờ Boston Globe đã viết bài từ một bệnh viện ở Jalalabad: Trên giường bệnh, một cậu bé tên là Noor Mohammad, mới mười tuổi, người quấn đầy bông băng. Cậu bé đã bị mù mắt và mất tay vì một quả bom đã ném xuống nhà cậu sau bữa ăn tối Chủ nhật. Guloja Shimwari – giám đốc bệnh viện − lắc đầu trước những vết thương của cậu bé. “Hẳn nước Mỹ nghĩ rằng cậu bé này là Osama”, Shimwari nói tiếp, “Nếu như cậu bé không phải là Osama, thì sao họ lại phải hành xử như vậy?”

Bài báo viết tiếp: “Cuối tuần vừa rồi, nhà xác bệnh viện đã nhận được 17 xác chết. Các quan chức ở đây ước tính là ít nhất 89 nạn nhân đã bị giết chết ở một số làng mạc. Hôm qua, ngay tại bệnh viện, sự tàn phá của bom đạn có thể ghi chép lại được thông qua cuộc sống của một gia đình. Một quả bom đã giết chết người cha tên là Faisal Karim. Trên một giường bệnh, vợ của anh ta là Mustafa Jama, phải chịu một số vết thương ở đầu… nằm gần chị là sáu đứa con quấn đầy băng… Một đứa trong số đó là Zahidullah, mới lên tám, đang trong tình trạng hôn mê.”

Công luận Mỹ, từ khi xảy ra thảm họa ngày 11 tháng 9, đã tỏ ra ủng hộ một cách quá khích đối với chính sách của Bush về “Cuộc chiến chống khủng bố”. Các thành viên Đảng Dân chủ cũng chạy đua với các thành viên Đảng Cộng hòa để thử xem ai có giọng điệu cứng rắn hơn chống lại chủ nghĩa khủng bố. New York Times từng chống lại Bush trong thời gian bầu cử, nhưng xã luận tháng 12 năm 2001 viết: “Tổng thống Bush… đã chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo thời chiến mạnh mẽ, người đã mang lại cho dân tộc cảm giác an toàn trong một giai đoạn khủng hoảng.”

Nhưng bức tranh đầy đủ về thảm họa của việc ném bom Afghanistan không được truyền tải đến người Mỹ thông qua các mạng lưới truyền hình và báo chí chính thống – các hệ thống vốn thường khẳng định mạnh mẽ “lòng yêu nước” của họ.

Walter Issacson, người đứng đầu mạng lưới truyền hình CNN, đã gửi một văn bản đến các nhân viên, yêu cầu khi đưa các hình ảnh về thương vong đối với dân thường cần phải có giải thích đính kèm rằng đó là hành động trả đũa đối với các hành vi che giấu bọn khủng bố. “Thật là sai lầm nếu quá tập trung vào các trường hợp thương vong tại Afghanistan”, ông ta nói. Dan Rather, một nhân vật gạo cội trong ngành truyền hình, cũng tuyên bố: “George Bush là Tổng thống… Tôi sẵn sàng có mặt bất cứ nơi nào ông ấy muốn.”

Chính phủ Mỹ đã cố gắng hết sức để kiểm soát các dòng thông tin từ Afghanistan. Tòa nhà của Al-Jazeera – đài truyền hình lớn nhất Trung Đông – đã bị ném bom, một tổ chức vệ tinh chuyên chụp các bức ảnh tại hiện trường cũng chịu cùng cảnh ngộ.

Việc phổ biến rộng rãi các tạp chí đã dấy lên bầu không khí trả thù. Trên tạp chí Time xuất hiện bài báo có tựa đề “Cơn thịnh nộ và sự báo thù”, kêu gọi hướng tới một chính sách “tàn bạo mang tính tập trung”. Bill O’Reilly, một bình luận viên truyền hình nổi tiếng, đã kêu gọi Mỹ “ném bom các cơ sở hạ tầng của Afghanistan để phá hủy sân bay, các nhà máy điện, các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và đường sá”.

Sự hiện diện lá cờ Mỹ trên cửa sổ của các ngôi nhà, cửa hàng, trên xe cộ ngày càng trở nên phổ biến và trong bầu không khí thời chiến, các công dân khó có thể phê phán chính sách của chính phủ. Một nhân viên làm việc tại một câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe ở California sau khi chỉ trích gay gắt Tổng thống Bush đã bị FBI “viếng thăm” và thẩm tra. Một phụ nữ trẻ được hai nhân viên FBI đến thông báo rằng họ đã tìm thấy trên tường nhà chị ta dán các bức tranh lên án Tổng thống.

Thượng viện đã thông qua Đạo luật Yêu nước Hoa Kỳ (USA Patriot Act), tạo điều kiện cho Bộ Tư pháp quyền được giam giữ những người không phải là công dân Mỹ có các hành vi đáng ngờ, mà không cần phải xét xử, không cần phải tuân theo trình tự các bước như đã quy định trong Hiến pháp. Đạo luật này cũng cho phép Ngoại trưởng có thể gán biệt danh “khủng bố” cho bất cứ nhóm nào; bất cứ thành viên nào tham gia gây quỹ cho các tổ chức như thế có thể bị bắt và giam giữ cho đến khi bị trục xuất.

Tổng thống Bush nhắc nhở toàn dân không được tỏ thái độ thù địch đối với những người Mỹ gốc Arap, nhưng trên thực tế chính phủ lại áp dụng việc khoanh vùng người dân lại để thẩm vấn, hầu hết là người Hồi giáo, giam cầm hàng nghìn người mà không cần xét xử. Anthony Lewis – phóng viên chuyên mục của New York Times – đã kể về một người bị bắt vì một chứng cứ bí mật, và đến khi tòa án liên bang thấy rằng không có lý do để kết luận người đàn ông đó là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, ông ta đã được phóng thích. Tuy nhiên, sau ngày 11 tháng 9, Bộ Tư pháp đã bỏ qua nhận định của tòa án, tống giam ông ta trở lại, thậm chí bị biệt giam trong suốt 23 giờ và gia đình không được phép tiếp xúc.

Cũng có những tiếng nói thiểu số lên án cuộc chiến. Các cuộc hội thảo, tuần hành vì hòa bình diễn ra trên toàn nước Mỹ. Các biểu ngữ điển hình nhất thường gặp trong các sự kiện này là “Công lý chứ không phải chiến tranh” và “Nỗi đau của chúng tôi không phải là tiếng khóc kêu gọi sự trả thù”. Tại Arizona, một nơi vốn không phải là địa điểm tích cực cho các hoạt động chống đối, 600 công dân đã ký tên vào một mục quảng cáo của một tờ báo, trong đó đề cập đến Tuyên bố chung về Nhân quyền. Họ kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế “rút lui các nguồn lực đang tìm cách tàn phá đất nước Afghanistan và tìm cách gạt bỏ mọi rào cản ngăn chặn những người dân đói khát tiếp cận nguồn lương thực”.

Một số thành viên của những gia đình có người thân thiệt mạng tại Trung tâm Thương mại Thế giới, hoặc tại Lầu Năm Góc, đã viết thư cho Bush, kêu gọi ông ta không sử dụng các biện pháp bạo lực để đáp trả, rằng ông ta không được cho phép ném bom tiêu diệt người dân Afghanistan. Amber Amundson, có chồng là một phi công quân đội đã thiệt mạng trong cuộc tấn công Lầu Năm Góc, nói:

Tôi đã được nghe những lời giận dữ đầy ngụy biện của một số người Mỹ, kể cả nhiều nhà lãnh đạo chính phủ, những người kêu gọi áp dụng biện pháp trả thù và trừng phạt mạnh tay. Đối với các nhà lãnh đạo đó, tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng gia đình và cá nhân tôi không hứng thú gì với những lời lẽ thịnh nộ của các vị. Nếu các vị chọn cách ứng phó tàn bạo thiển cận này để chống lại những người vô tội khác, thì xin đừng nhân danh vì sự công bằng cho chồng tôi.

Trong chuyến thăm Afghanistan vào tháng 1 năm 2002, một số gia đình nạn nhân đã gặp những gia đình Afghanistan bị mất người thân trong các đợt ném bom của Mỹ. Họ đã gặp Abdul và Shakila Amin, cặp vợ chồng có bé gái năm tuổi tên là Nazila bị bom Mỹ sát hại. Một trong những người Mỹ đó là Rita Lasar, có anh trai từng được Tổng thổng Bush tôn vinh như một anh hùng (thay vì chạy thoát một mình, anh đã ở lại cùng người bạn bị liệt hai chân tại một tầng cao chót vót), bản thân cô nguyện sẽ dành nốt phần đời còn lại cho sự nghiệp hòa bình.

Hành động lên án việc ném bom cũng khoét sâu thêm những mối bất bình chống Mỹ, cũng như ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố. Không quá khó để nhận ra những mối bất bình này: việc đồn trú của lính Mỹ tại Arap Saudi − địa điểm được xem là nơi thờ tự linh thiêng nhất của Hồi giáo; mười năm cấm vận chống lại Iraq, mà theo như đánh giá của Liên Hiệp Quốc, đã gây ra cái chết của hàng trăm nghìn trẻ em; việc Mỹ tiếp tục ủng hộ sự chiếm đóng của Israel tại các khu vực của người Palestin, trong đó gồm hàng tỷ đô-la viện trợ quân sự.

Tuy nhiên, các vấn đề này không thể giải quyết được nếu không có những thay đổi nền tảng trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Nhưng những thay đổi đó lại không được chấp nhận bởi các tổ hợp công nghiệp – quân sự, vốn chi phối cả hai chính đảng, bởi lẽ nó đòi hỏi việc rút quân khắp nơi trên thế giới, từ bỏ quyền kiểm soát chính trị và kinh tế của các quốc gia khác – tóm lại là từ bỏ vai trò siêu cường mà Mỹ vẫn ấp ủ.

Những thay đổi mang tính nền tảng đó đòi hỏi sự thay đổi quyết liệt về các thứ tự ưu tiên, từ việc mỗi năm chi khoảng từ 300-400 tỷ đô-la cho hoạt động quân sự, sang việc sử dụng khoản tiền này để cải thiện mức sống người Mỹ và người dân ở các nơi khác trên thế giới. Thí dụ, theo ước tích của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ cần một phần nhỏ trong ngân sách quân sự của Mỹ được dùng để điều trị bệnh lao phổi thì cũng đủ để cứu sống hàng triệu người.

Với những thay đổi nêu trên về mặt chính sách, Mỹ sẽ không còn là cường quốc quân sự, mà sẽ trở thành một cường quốc nhân đạo, sử dụng sự giàu có của mình để giúp đỡ những người đang cần trợ giúp.

Ba năm trước khi xảy ra sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, một viên thiếu tá không quân Mỹ tên là Robert Bowman, từng tham gia 101 trận không kích tại Việt Nam, sau đó trở thành một giám mục Thiên chúa giáo, đã có những bình luận về các vụ đánh bom khủng bố các sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania. Trong một bài báo trên tờ National Catholic Reporter, ông đã viết về nguồn gốc chủ nghĩa khủng bố:

Chúng ta không bị căm ghét vì chúng ta đã thực thi dân chủ, coi trọng tự do, hay thúc đẩy các quyền con người. Chúng ta bị căm ghét vì chính phủ của chúng ta đã từ chối những điều đó tại các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba, mà nguồn lực của các quốc gia này đã bị các công ty đa quốc gia của chúng ta vơ vét. Lòng căm thù mà chúng ta đã gieo rắc đã quay lại ám ảnh chúng ta, dưới hình thức chủ nghĩa khủng bố… Thay vì cử những đứa con trai và con gái của chúng ta đến khắp nơi trên thế giới tìm cách giết người Arap, để rồi chúng ta có thể giành được dầu lửa dưới lớp đất cát của họ… thì thay vào đó, chúng ta nên cử con cái của chúng ta đến đó để xây dựng lại các hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp nước sạch và chăm sóc những đứa trẻ đang phải chịu cảnh chết đói…

Chúng ta cần phải thực hiện những điều tốt đẹp, chứ không phải những điều xấu xa. Ai cấm chúng ta làm việc đó? Ai muốn đánh bom chúng ta? Đó là sự thật mà người dân Mỹ cần lắng nghe.

Những đề xuất như thế gần như bị loại khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Nhưng đó là một thông điệp mang tính tiên tri và có ít nhất một khả năng, đó là một thông điệp mang tính đạo đức mạnh mẽ lan truyền khắp nước Mỹ, một khi sự thất bại của việc lấy bạo lực trả thù bạo lực trở nên rõ ràng. Chắc chắn, nếu những kinh nghiệm lịch sử có một ý nghĩa nhất định, thì tương lai của hòa bình và công lý không thể chỉ phụ thuộc vào thiện chí của chính phủ.

Nguyên tắc dân chủ vốn được đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định rằng, chính phủ chỉ đứng ở vị trí thứ yếu và người dân lập nên chính phủ mới đóng vai trò chủ yếu. Do vậy, tương lai của dân chủ phụ thuộc vào nhân dân và sự nhận thức ngày càng trưởng thành của họ về cách thức phù hợp trong mối quan hệ với nhân loại trên toàn thế giới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.