Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

3. NHỮNG KẺ HÈN HẠ VÀ ĐÊ TIỆN



Vào năm 1676, thời điểm bảy mươi năm sau khi Virginia được thành lập và một trăm năm trước khi những thế hệ lãnh đạo của cuộc Cách mạng Mỹ sinh ra, vùng thuộc địa này từng phải đối mặt với một cuộc nổi loạn của những người da trắng ở vùng biên giới, có sự tham gia của những người nô lệ và đầy tớ − một cuộc nổi loạn đã gây ra những mối đe dọa tới mức Thống đốc phải trốn chạy khỏi thủ phủ Jamestown đang chìm trong biển lửa, và Anh quốc đã quyết định cử một nghìn binh sỹ vượt Đại Tây Dương, với hy vọng sẽ duy trì được trật tự tại nơi có tới 40 nghìn người khai phá thuộc địa. Đó là Cuộc nổi dậy Bacon. Sau khi cuộc nổi dậy bị dập tắt, Nathaniel Bacon – lãnh đạo của phong trào thì chết, còn các cộng sự của ông bị treo cổ. Bản báo cáo của Hội đồng Hoàng gia mô tả lại Bacon:

Người ta nói rằng y khoảng chừng ba, bốn hay năm mươi tuổi gì đó, người không cao lắm nhưng dáng mảnh dẻ, mái tóc đen và mang một phong cách trầm tư, sầu muộn đáng ngại, những bài thuyết trình của y xét theo logic đang thịnh hành và lan tràn thời bấy giờ đều theo khuynh hướng vô thần… Y đã mê hoặc quần chúng và những người ít học nhất (chiếm hai phần ba mỗi hạt) trong vùng đặt hết niềm tin và hy vọng vào cuộc nổi loạn Bacon. Tiếp đó y đã kết tội Thống đốc là một kẻ cẩu thả và nguy hiểm, phản bội và không có năng lực, luật lệ và thuế khóa đầy rẫy những áp bức, bất công và dấy lên dư luận rằng cần phải có những sửa đổi. Do đó, Bacon kích động quần chúng và đám đông theo bước y; y ghi danh những người tới ghi tên vào một tờ giấy lớn theo một chuỗi vòng tròn, cách thức thông minh để kẻ cầm đầu các nhóm không bị phát hiện. Lôi cuốn quần chúng vào vòng quay này, tiếp cho họ đôi chút rượu mạnh để khuấy động phong trào, khiến họ vui vẻ với lời thề và nhanh chóng đoàn kết, sát cánh với Bacon. Thực hiện lời thề đó, Bacon đã đi và vận động được cả hạt New Kent tham gia cuộc nổi dậy.

Cuộc nổi dậy Bacon khởi đầu bằng cuộc xung đột liên quan đến cách thức xử sự với người Anh-điêng, ở ngay sát sườn, trên khu vực biên giới miền Tây. Người da trắng không được đếm xỉa đến khi các quyết định cấp đất quanh khu vực Jamestown được đưa ra một cách ồ ạt, nên họ đã phải tiến về miền Tây nhằm tìm kiếm đất đai. Ở đó họ đã chạm trán với những người da đỏ. Liệu những người ở vùng Virginia giáp giới có cảm thấy phẫn uất rằng các chính trị gia và giới quý tộc có đất vốn vẫn chi phối chính quyền thuộc địa tại Jamestown ban đầu đẩy họ vào lãnh thổ của người Anh-điêng tại miền Tây, sau đó lại tỏ vẻ thiếu quyết đoán trong cuộc chiến chống lại người Anh-điêng? Điều này có thể giúp giải thích đặc điểm Cuộc nổi dậy Bacon, vốn không dễ để phân biệt là cuộc đấu tranh chống lại giới quý tộc hay chống lại người Anh-điêng, bởi nó có cả hai yếu tố.

Và Thống đốc William Berkeley, cũng như người của ông ta tại vùng Jamestown, khi đã độc quyền đối với đất đai ở miền Đông, có tinh thần hòa giải với người Anh-điêng (họ đã cố tranh thủ một số người làm gián điệp hoặc đồng minh), liệu họ có sử dụng người da trắng vùng giáp giới như một “tấm đệm” và có cần hòa bình? Sự bất lực của chính phủ trong việc đàn áp cuộc nổi dậy dường như bắt nguồn từ hai lý do: xây dựng một chính sách “chia để trị” đối với người Anh-điêng (tại New England vào thời điểm đó, Metacom − con trai của Massasoit − đã đe dọa sẽ thống nhất các bộ lạc Anh-điêng, cũng như đã gây ra những tổn thất đáng sợ đối với cộng đồng Thanh giáo vốn đã định cư trong cuộc “Chiến tranh của Vua Philip” ); cũng như dạy cho những người da trắng nghèo tại Virginia một bài học rằng cuộc nổi dậy sẽ không mang lại lợi lộc bởi lực lượng tinh nhuệ sẽ ra tay, bởi quân lính từ Anh quốc sẽ tới, bởi hàng loạt vụ treo cổ sẽ được tiến hành.

Bạo lực đã lan rộng tại các vùng giáp giới trước khi cuộc nổi dậy diễn ra. Một số người da đỏ thuộc bộ lạc Doeg đã dùng súc vật nuôi để trả nợ; và những người da trắng trong khi cố gắng thu hồi nợ đã giết chết hai người da đỏ. Đáp lại, thổ dân Doeg đã cử một nhóm chiến đấu tới giết chết một người da trắng chăn gia súc, ngay sau đó quân da trắng đã giết chết 24 người da đỏ. Vụ việc này dẫn đến hàng loạt cuộc tiến công của người Anh-điêng với lực lượng đông hơn, các cuộc tiến công đã dần chuyển thành cuộc chiến tranh du kích. Hội đồng thành phố Jamestown tuyên chiến với người da đỏ, nhưng không nhằm vào những người da đỏ đã hợp tác. Điều này dường như đã làm những người ở vùng giáp giới tức giận, họ muốn một cuộc chiến tổng lực nhưng đồng thời cũng bất bình vì các khoản thuế khóa quá cao được dùng chi cho cuộc chiến.

Năm 1676 là quãng thời gian khó khăn. Sử dụng báo cáo thuộc địa của Anh để thực hiện một công trình nghiên cứu kỹ càng về Cuộc nổi dậy Bacon, Wilcomb Washburn đã viết: “Thật sự khốn cùng, nghèo đói… Tất cả các nguồn thông tin lúc bấy giờ đều đề cập việc đại đa số dân chúng đang sống trong khó khăn nghiêm trọng về kinh tế.” Chuyện xảy ra trong một mùa hè khô cằn, khiến vụ ngô để làm thức ăn và vụ thuốc lá để xuất khẩu bị thất thu. Thống đốc Berkeley, ở độ tuổi 70, phát chán với công việc nhiệm sở của mình và mô tả một cách mệt mỏi về tình trạng của ông ta: “Thật đau khổ cho một người phải cai quản cộng đồng dân cư mà trong đó ít nhất sáu phần bảy số người có vũ khí và tràn ngập không khí bất mãn.”

Cụm từ “sáu phần bảy” của ông ta ám chỉ sự tồn tại của một tầng lớp không phải chịu cảnh đói kém. Thực tế, đã có một tầng lớp dạng như vậy hình thành tại Virginia. Bản thân Bacon xuất phát từ tầng lớp này, cũng từng có chút đất đai, và hẳn từng hứng thú với việc giết chóc người Anh-điêng hơn là tìm cách đáp ứng những nỗi thống khổ của người nghèo. Nhưng ông đã trở thành một biểu tượng sự oán giận của quần chúng nhân dân đối với hiện trạng tại Virginia. Mùa xuân năm 1676, ông được bầu chọn vào Hội đồng Thành phố. Khi ông cố gắng thuyết phục về việc tổ chức các biệt đội vũ trang nằm ngoài tầm kiểm soát chính thức, nhằm chống lại người Anh-điêng, Berkeley đã gọi Bacon là kẻ nổi loạn và ra lệnh bắt giữ. Trong khi đó, khoảng hai nghìn người Virginia đã diễu hành tại Jamestown để ủng hộ Bacon. Berkeley thả Bacon để đổi lấy một lời xin lỗi, nhưng Bacon đã “chuồn thẳng”, tập hợp lực lượng dân quân của ông ta và bắt đầu các cuộc tấn công người Anh-điêng.

“Tuyên bố của Nhân dân” do Bacon đưa ra vào tháng 7 năm 1676 cho thấy sự đan xen giữa việc chống lại tầng lớp giàu có và lòng căm ghét người Anh-điêng. Tuyên bố đã lên án chính quyền Berkeley áp dụng chế độ thuế khóa bất công khi dành nhiều đặc quyền, đặc lợi cho tầng lớp giàu, ưu tiên độc quyền việc kinh doanh cho những người có máu mặt và phó mặc những người khai phá miền Tây trước sự đe dọa của người Anh-điêng. Tiếp đó, Bacon tiếp tục các cuộc tấn công vào những thổ dân da đỏ Pamunkey thân thiện, giết tám người, giam giữ những người khác và tước đoạt tài sản của họ.

Đã có bằng chứng cho thấy hàng ngũ trong đội quân nổi dậy của Bacon cũng như binh lính chính thức của Berkeley không nhiệt tình như các lãnh đạo của họ. Theo Washburn, cả hai bên đều có hiện tượng đào ngũ hàng loạt. Vào mùa thu, Bacon, lúc đó mới hai mươi chín tuổi đã đổ bệnh và chết, vì một nguyên nhân mà những người thời đó miêu tả là “hàng loạt ký sinh trùng đã sinh sôi nảy nở trong cơ thể ông ta”. Một vị mục sư, hình như không phải là người có cảm tình với cuộc nổi dậy, viết trong bài điếu văn:

Bacon đã chết và thâm tâm tôi lấy làm tiếc rằng dòi bọ và bệnh kiết lỵ đã làm thay phần việc của những tay chuyên treo cổ.

Cuộc nổi dậy không kéo dài bao lâu nữa. Một con tàu với 30 tay súng đã vượt sông York, là cơ sở để vãn hồi trật tự an ninh; còn thuyền trưởng Thomas Grantham điều binh khiển tướng và sử dụng mánh khóe để tước hết vũ khí của nhóm nổi loạn cuối cùng. Đột kích đơn vị đồn trú chính của lực lượng nổi loạn, ông ta thấy có đến 400 người Anh và người da đen đều được trang bị vũ khí, gồm cả những người tự do, đầy tớ và nô lệ. ông ta hứa sẽ tha cho tất cả, trả lại tự do cho nô lệ và đầy tớ, và thế là họ đã chấp nhận nộp vũ khí và tự giải tán, trừ 80 người da đen và 20 người Anh vẫn tiếp tục giữ vũ khí. Grantham hứa sẽ đưa họ tới khu vực đóng quân ở hạ nguồn sông, nhưng khi những người này lên thuyền, ông ta đã chĩa những khẩu súng lớn về phía họ, tước vũ khí, và cuối cùng là trao trả lại nô lệ và đầy tớ cho phía chủ. Các nhóm quân nổi loạn còn lại lần lượt bị trấn áp. Cuối cùng, người cầm đầu cuộc nổi loạn đã bị treo cổ.

Đó là một chiến dịch đàn áp có quy mô phức tạp tại Virginia. Những người Anh-điêng chịu cảnh cướp bóc của những người da trắng tại các vùng giáp giới, bản thân những người da trắng này cũng phải chịu cảnh thuế khóa và kiểm soát của thành phần cai trị ở Jamestown. Và toàn bộ thuộc địa đều chịu sự bóc lột của Anh quốc, vốn mua thuốc lá từ thuộc địa với mức giá do họ tự quyết và mỗi năm thu được khoản tiền 100 nghìn bảng để nộp cho Đức vua. Bản thân Berkeley, khi trở về Anh quốc những năm trước đó đều phản đối Bộ luật Hàng hải Anh quốc, theo đó cho phép các thương gia người Anh được hưởng chế độ độc quyền đối với việc kinh doanh ở thuộc địa, đã nói:

… Chúng ta không thể không phẫn nộ trước thực tế là khoảng 40 nghìn người đã bị bòn rút chỉ để làm giàu cho một nhóm hơn 40 thương gia – những khách hàng thuốc lá duy nhất của chúng ta, và họ chỉ trả cho chúng ta ở chừng mực mà họ muốn, và sau đó họ tùy tiện đưa ra giá bán; và thực tế là họ có tới 40 nghìn đầy tớ, chính là chúng ta, với chi phí phải trả rẻ mạt, rẻ hơn chi phí mà các ông chủ phải chi cho đám nô lệ…

Từ lời thừa nhận của bản thân viên Thống đốc, cuộc nổi dậy chống lại ông ta đã nhận được sự ủng hộ rộng khắp của dân chúng vùng Virginia. Một thành viên trong Hội đồng thành phố đã báo cáo rằng việc đào ngũ trở nên “rất phổ biến” và nó trở thành “khuynh hướng sai trái của những kẻ thất bại trong sự nghiệp”, những kẻ “vốn có tham vọng hão huyền là giành lấy toàn bộ đất nước khỏi tay Nhà vua”. Richard Lee, một thành viên khác trong Hội đồng Thống đốc nhận xét rằng Cuộc nổi dậy Bacon đã khởi đầu từ chính sách đối với người Anh-điêng. Nhưng thiên hướng nhiệt tình của đám đông quần chúng trong việc ủng hộ Bacon là do niềm hy vọng về bình đẳng xã hội.

“Bình đẳng xã hội” có nghĩa là cân bằng về của cải. Bình đẳng xã hội là động lực trong nhiều hành động của những người da trắng nghèo nhằm chống lại những người giàu tại tất cả các thuộc địa của nước Anh, trong suốt một thế kỷ rưỡi trước khi nổ ra Cách mạng.

Những người đầy tớ gia nhập Cuộc nổi dậy Bacon là một bộ phận thuộc tầng lớp dưới rộng khắp, gồm những người da trắng nghèo khó. Họ tới các thuộc địa tại Bắc Mỹ từ các thành phố châu âu, nơi mà chính quyền nóng lòng tìm cách đuổi họ đi. Tại nước Anh, sự phát triển của thương mại và chủ nghĩa tư bản vào những năm 1500-1600 cùng với việc khoanh các vùng đất để thúc đẩy sản xuất len đã khiến cho các thành phố đầy rẫy những người nghèo lang thang, và kể từ thời Nữ hoàng Elizabeth trở đi, đã có nhiều bộ luật được ban hành để trừng phạt họ, tống giam họ vào các trại cải tạo, hoặc lưu đày họ. Định nghĩa dưới thời Elizabeth về “những kẻ lêu lổng và lang thang” bao gồm:

… Tất cả những người vẫn tự gọi họ là sinh viên nghệ thuật hành nghề ăn xin, tất cả những thủy thủ giả vờ rằng tàu hoặc hàng hóa của họ đã bị mất sau đó lang thang khắp nơi để ăn xin, cũng như tất cả những người “vô công rồi nghề” lang thang đi ăn xin bằng các mánh khóe tinh vi hoặc các trò phi pháp… những tay biểu diễn và hát rong từ vùng này sang vùng khác… tất cả những người đi lang thang, cũng như những nhân công bình thường có đủ sức lao động nhưng lại từ chối làm việc với mức lương vừa phải sau khi đã chịu thuế…

Những người như vậy khi bị phát hiện là ăn xin sẽ bị lột trần đến thắt lưng và đánh cho tóe máu, bị trục xuất khỏi thành phố, tống giam vào trại cải tạo hoặc bị tống khứ ra khỏi đất nước.

Vào những năm 1600-1700, việc lưu đày, dụ dỗ, hứa hẹn, dối trá, bắt cóc và nhu cầu cấp thiết muốn thoát khỏi điều kiện sống tại đất nước mình, đã biến những người nghèo có nhu cầu sang Mỹ trở thành một “mặt hàng” có giá đối với các thương gia, thuyền trưởng và cuối cùng là những ông chủ của họ tại Mỹ. Abbot Smith, trong nghiên cứu về tình trạng nô lệ bị ràng buộc (Colonists in Bondage – Những thực dân trong cảnh nô lệ), đã viết: “Từ nhiều nguyên nhân phức tạp dẫn đến việc hình thành làn sóng di cư tới các khu thuộc địa tại Mỹ, một nguyên nhân nổi trội mạnh mẽ nhất tạo ra phong trào của người đầy tớ, đó chính là lợi nhuận tiền bạc từ việc chuyên chở những người này.”

Sau khi đã ký vào bản giao kèo, theo đó những người nhập cư đồng ý trả tiền công vận chuyển họ bằng cách làm việc cho chủ trong vòng năm hoặc bảy năm, họ thường bị cầm giữ cho đến khi tàu nhổ neo, để bảo đảm là họ không bỏ trốn. Năm 1619, Nghị viện Virginia, được ra đời vào năm đó với tư cách là hội đồng đại diện đầu tiên tại Hoa Kỳ (đó cũng là năm đầu tiên diễn ra việc nhập khẩu nô lệ da đen), đã cho phép ghi chép lại và thực thi các hợp đồng giữa chủ và đầy tớ. Giống như bất cứ một hợp đồng nào giữa các bên quyền lực không tương xứng nhau, dù trên giấy tờ tỏ vẻ công bằng, nhưng khi thực thi, ưu ái bao giờ cũng dành cho giới chủ hơn là đầy tớ.

Hành trình tàu biển sang Mỹ thường kéo dài từ tám, mười đến mười hai tuần và những người đầy tớ bị nhồi nhét đến mức tối đa để có thể đạt được lợi nhuận như những con tàu chở nô lệ. Nếu thời tiết xấu, hành trình thường phải kéo dài hơn và họ thường cạn kiệt lương thực. Một con tàu có tên Sea-Flower, khởi hành từ Belfast vào năm 1741 đã lênh đênh trên biển suốt mười sáu tuần, và khi nó cập bến tại Boston, 46 trong số 106 hành khách đã chết vì đói, sáu người trong số đó đã bị những người khác ăn thịt. Trong một hành trình khác, 32 trẻ em chết vì đói khát và bệnh tật đã bị quẳng xuống biển. Gottlieb Mittelberger, một nhạc sỹ, trên hành trình từ Đức tới Mỹ vào khoảng năm 1750 đã mô tả lại chuyến đi của ông:

Trong suốt chuyến đi, trên con tàu chứa đầy nỗi đau đớn khốn cùng – mùi hôi thối, khói, sự sợ hãi, nôn mửa, hàng loạt hậu quả khác nhau từ cơn say sóng, sốt, kiết lỵ, đau đầu, táo bón, nhiễm trùng, thiếu máu, ung thư, rộp lưỡi, và đủ mọi nỗi khổ sở tương tự, tất cả các hiện tượng đó chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chính là thức ăn quá hạn và quá mặn, đặc biệt là thịt, cũng như nguồn nước rất bẩn và ô nhiễm… Ngoài vấn đề thiếu lương thực, nạn đói khát, rét mướt, nắng nóng, không khí ẩm ướt, sự sợ hãi, những phiền toái, tiếng khóc than cũng là những điều rắc rối khác…Trên boong con tàu của chúng tôi, vào đúng hôm có bão lớn, một phụ nữ chuyển dạ mà không thể sinh nở trong hoàn cảnh đó đã bị đẩy xuống biển qua cửa sổ mạn tàu…

Đầy tớ đã ký giao kèo đã bị mua bán không khác gì nô lệ. Trên tờ Virginia Gazette ra ngày 28 tháng 3 năm 1771 đã đăng một thông báo với nội dung sau:

Tàu Justitia vừa cập bến tại Leedstown kèm theo khoảng Một trăm Đầy tớ Khỏe mạnh, có cả Đàn ông, Đàn bà và Trẻ con… Phiên bán đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 2 tháng 4.

Ngược với mong đợi về một cuộc đổi đời tại nước Mỹ, nhiều người đã phải đạp lên người khác, giống như được mô tả trong một lá thư từ nước Mỹ: “Ai mà có khả năng đôi chút tại châu âu thì nên ở lại đó. Ở đây toàn những điều khốn khó và nhọc nhằn, đối với một số người thì tình hình còn tồi tệ hơn cả châu âu.”

Việc bị đánh đập và ngược đãi diễn ra khá phổ biến. Những người hầu nữ thì bị cưỡng hiếp. Một người làm chứng ra điều trần: “Tôi đã chứng kiến một tay đốc công đã dùng gậy đánh vào đầu một người đầy tớ cho đến tóe máu, chỉ vì một lỗi nhỏ không đáng kể…” Hồ sơ của tòa án Maryland cho thấy có nhiều vụ đầy tớ đã tự tử. Năm 1671, Thống đốc bang Virginia là Berkeley báo cáo rằng trong những năm trước đây đã có đến bốn trong số năm đầy tớ bị chết vì bệnh tật sau khi họ đặt chân đến vùng này. Hàng trăm trẻ em nghèo tập trung trên đường phố của các thành phố tại Anh và được chở đến Virginia để làm việc.

Giới chủ thường cố gắng kiểm soát triệt để đời sống tình dục của đầy tớ. Để bảo đảm lợi ích kinh tế, ông chủ thường tìm cách ngăn chặn người hầu nữ kết hôn hoặc có các mối quan hệ yêu đương, bởi có con sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ. Năm 1763, Benjamin Franklin , với bút danh “Poor Richard” (Richard Khốn khổ), đã khuyên độc giả: “Hãy để những người hầu gái bày tỏ sự trung thành, mạnh mẽ và đảm đang việc nhà.”

Đầy tớ không thể kết hôn nếu không được cho phép, cũng có thể bị tách khỏi gia đình, hoặc bị đánh đập vì những lý do khác nhau. Luật lệ tại Pennsylvania vào thế kỷ XVII quy định rằng việc kết hôn của đầy tớ “khi chưa có sự ưng thuận của chủ… sẽ bị xử lý như tội ngoại tình, hoặc gian dâm, và đứa trẻ sinh ra bị xem là con hoang”.

Dù rằng vẫn có một số bộ luật của thuộc địa tồn tại nhằm ngăn chặn các hành động thái quá đối với đầy tớ, nhưng những luật đó không được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Chúng ta có thể thấy điều này trong một nghiên cứu bao quát của Richard Morris về hồ sơ các phiên tòa buổi đầu mang tên Government and Labor in Early America (Chính quyền và người lao động tại nước Mỹ trong thời kỳ đầu). Các đầy tớ không được tham gia vào hội thẩm đoàn, còn giới chủ thì ngược lại (và do không có tài sản, người đầy tớ không đi bầu cử). Năm 1666, một tòa án tại New England đã kết tội một cặp vợ chồng là cố tình gây ra cái chết cho một đầy tớ, sau khi bà vợ đã chặt đứt các ngón chân của người này. Tuy nhiên hội thẩm đoàn tuyên bố trắng án. Vào những năm 1660 tại Virginia, một ông chủ đã bị kết tội là cưỡng hiếp hai đầy tớ nữ. ông ta cũng từng mang tiếng vì tội hay đánh vợ, con, ngoài ra đã xích và đánh đập một đầy tớ khác đến chết. Tay chủ nợ bị tòa lên án, nhưng đặc biệt tội cưỡng dâm được xóa trắng, bất chấp các chứng cứ đã rõ ràng.

Đôi khi đầy tớ cũng tổ chức các cuộc nổi loạn, nhưng không ai có thể phát hiện các âm mưu có quy mô lớn của những đầy tớ tại đất liền như đã xảy ra tại đảo Barbados thuộc vùng Tây Ấn. (Abbot Smith đưa ra gợi ý rằng điều này là do khả năng thành công tại các đảo nhỏ lớn hơn).

Tuy nhiên, vào năm 1661, tại hạt York, Virginia, một đầy tớ tên là Isaac Friend đã bàn với đầy tớ khác, do quá bất mãn với các khẩu phần ăn được chia, về một kế hoạch theo đó sẽ “tập hợp 40 người lại với nhau, trang bị súng đạn, và anh ta sẽ đi đầu, dẫn dắt họ, vừa đi vừa hô vang kêu gọi ‘những ai dám đấu tranh cho tự do, thoát khỏi cảnh lệ thuộc’, tiếp đó sẽ có thêm nhiều người gia nhập và họ sẽ đi suốt dọc vùng đất, giết những ai chống lại họ và sẵn sàng chọn lựa tự do hay là chết”. Kế hoạch đó đã không bao giờ được thực hiện, nhưng hai năm sau, tại hạt Gloucester, các đầy tớ lại dự tính một cuộc tổng nổi dậy. Một người trong số đó đã tiết lộ âm mưu này và bốn người đã bị xử tử. Kẻ cung cấp thông tin được trả tự do và nhận phần thưởng là 2,2 tấn thuốc lá. Mặc dù hiếm khi xảy ra các cuộc nổi loạn của đầy tớ, nhưng nguy cơ vẫn rình rập và giới chủ luôn cảm thấy lo sợ.

Nhận thấy rằng tình trạng của mình là không thể chấp nhận được, và nổi loạn là điều phi thực tế trong xã hội ngày càng được tổ chức chặt chẽ, các đầy tớ đã có các cách phản ứng cá nhân. Hồ sơ lưu tại các tòa án địa phương thuộc New England cho thấy có trường hợp một đầy tớ đã dùng cây xỉa rơm để tấn công ông chủ. Một thợ học việc khác bị kết tội “là đã có những hành động bạo lực bằng tay đối với ông chủ… của anh ta, nhấc ông chủ lê rồi ném xuống, đánh, dọa bẻ cổ, ném ghế vào mặt chủ…” Một người hầu gái phải ra trước tòa vì đã có những hành vi “ngang ngược, bất cẩn, phá hoại và bất phục tùng”.

Sau khi các đầy tớ tham gia Cuộc nổi dậy Bacon, cơ quan lập pháp tại Virginia đã thông qua các bộ luật nhằm trừng phạt đầy tớ nổi loạn. Phần mở đầu của bộ luật có đoạn viết:

Xét thấy, nhiều đầy tớ có suy nghĩ tồi tệ trong khoảng thời gian diễn ra cuộc nổi loạn kinh khủng gần đây, lợi dụng quãng thời gian lơi lỏng và tự do, đã trốn việc, gia nhập quân nổi loạn, hoàn toàn bỏ bê công việc mà giới chủ tạo ra, vì vậy mà những người chủ đã phải chịu thiệt hại và tổn thất lớn.

Hai đại đội lính Anh được duy trì tại Virginia nhằm chống lại những bất trắc trong tương lai và sự hiện diện của họ ủng hộ như đã được đề cập trong một báo cáo gửi các nhà tư bản thương mại và đồn điền: “Giờ đây Virginia đã trở nên nghèo nàn và đông dân hơn bao giờ hết. Luôn tiềm ẩn nguy cơ nổi dậy rất lớn trong giới đầy tớ, do những nhu cầu cấp thiết cũng như cơm ăn áo mặc, họ có thể tiến hành cướp bóc tại các nhà kho và trên biển.”

Chạy trốn thường là dễ hơn nổi loạn. Dựa trên cơ sở của việc điều tra báo chí thuộc địa vào những năm 1700, Richard Morris cho hay “có vô khối dẫn chứng về các vụ bỏ trốn hàng loạt của đầy tớ da trắng tại các thuộc địa miền Nam” và “bầu không khí ở Virginia vào thế kỷ XVII ngập tràn âm mưu và tin đồn về việc đầy tớ cùng bắt tay nhau bỏ trốn”. Hồ sơ tòa án tại Maryland cho thấy vào những năm 1650, hàng chục đầy tớ đã âm mưu cướp một con tàu và sẵn sàng chống cự bằng vũ khí nếu bị chặn lại. Họ đã bị bắt và đánh đập.

Cơ chế kiểm soát rất ghê gớm. Những người lạ mặt bị yêu cầu phải trình hộ chiếu hoặc giấy xác nhận để khẳng định họ là người tự do. Thỏa thuận chung giữa các thuộc địa cho phép dẫn độ đầy tớ bỏ trốn – những điều này trở thành cơ sở cho một điều khoản trong Hiến pháp Hoa Kỳ, theo đó quy định những người “đang phục vụ hoặc lao động tại một bang… chạy trốn sang bang khác… sẽ bị trao trả lại…”

Thỉnh thoảng, các đầy tớ cũng tổ chức đình công. Năm 1663, một ông chủ tại Maryland thưa kiện lên Tòa án tỉnh rằng đầy tớ của ông ta “kiên quyết và dứt khoát từ chối thực hiện công việc bình thường mà họ được giao”. Các đầy tớ đáp lại là họ chỉ được cho ăn toàn “đậu và bánh mỳ”, do vậy “chúng tôi đã trở nên quá yếu và không đủ sức để thực hiện công việc mà ông chủ giao phó”. Họ đã bị tòa phạt ba mươi roi.

Đến hơn một nửa những người đi khai phá thuộc địa khi đặt chân đến các bờ biển Bắc Mỹ trong thời thuộc địa đã trở thành đầy tớ. Đa phần trong số đó là người Anh đến từ thế kỷ XVII, người Ailen và Đức đến từ thế kỷ XVIII. Dần dần, những người nô lệ thế chân họ, sau khi họ đã tìm cách bỏ trốn để tìm sự tự do hoặc đã chấm dứt thời hạn hợp đồng, nhưng đến tận năm 1755, đầy tớ da trắng vẫn chiếm tới 10% tổng dân số Maryland.

Điều gì xảy ra đối với những đầy tớ này sau khi họ được tự do? Cũng có một số người được số phận mỉm cười vươn lên đến sự giàu có, trở thành chủ đất hoặc những nhân vật quan trọng. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Abbot Smith đã kết luận rằng xã hội thuộc địa “không hề dân chủ và chắc chắn không công bằng, xã hội đó bị chi phối bởi những người có đủ tiền để bắt người khác làm việc cho họ”. Và “chỉ rất ít trong số những người thành đạt đó có nguồn gốc là đầy tớ và trên thực tế là không có đầy tớ nào được trực tiếp xếp vào tầng lớp đó”.

Sau khi tiếp cận theo cái nhìn khinh bỉ của Abbot Smith đối với đầy tớ (“đó là những người đàn ông và đàn bà bẩn thỉu, lười nhác, thô lậu, ngu dốt, dâm đãng và thường hay phạm tội”, “những kẻ thường hay lang thang, trộm cắp, có những đứa con hoang và đầu độc xã hội với đủ loại bệnh tật”), chúng ta thấy một thực tế là “chỉ khoảng 1/10 là những cá nhân khỏe mạnh, cứng cáp, những người mà nếu may mắn sống sót, kết thúc thời gian hợp đồng, kiếm ít đất đai và dần phát đạt”. Có lẽ khoảng một phần mười khác trở thành thợ thủ công hoặc đốc công. 80% còn lại chỉ là “… những cá nhân ươn hèn, vô vọng, suy nhược” sẽ “hoặc là chết trong thời gian đang phục vụ, quay trở về Anh sau khi hết thời hạn, hoặc trở thành những người da trắng nghèo khó”.

Kết luận của Smith càng được củng cố bởi một nghiên cứu rất gần đây về đầy tớ vào thế kỷ XVII tại Maryland, ở đó người ta phát hiện rằng nhóm đầy tớ đầu tiên đã trở thành các chủ đất và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị tại thuộc địa, nhưng sang đến nửa sau của thế kỷ, hơn một nửa số đầy tớ, thậm chí sau khi đã được trả tự do mười năm vẫn không hề có chút đất đai. Đầy tớ trở thành tá điền, cung cấp sức lao động rẻ mạt cho các chủ đồn điền lớn trong thời hạn và cả sau khi hết hạn hợp đồng.

Một điều có vẻ rất rõ ràng là ranh giới giai cấp trở nên rõ nét trong thời thuộc địa, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt hơn. Đến năm 1700, có khoảng 50 gia đình giàu có tại Virginia, với tài sản tương đương 50 nghìn bảng (một khoản tiền khổng lồ lúc bấy giờ). Các gia đình này sống trên sức lao động của những người nô lệ da đen và đầy tớ da trắng, sở hữu các đồn điền, giữ các vị trí trong hội đồng các cấp, đóng vai trò như các quan tòa địa phương. Tại Maryland, những người đến định cư bị cai quản bởi một tay chủ − người toàn quyền kiểm soát đối với thuộc địa mà Hoàng gia Anh đã công nhận. Từ năm 1650-1689, đã có năm cuộc nổi dậy chống lại tay chủ này.

Năm 1660, tại Carolinas , Hiến pháp Cơ bản đã được John Locke, người được xem là bậc thầy triết học của Những người cha lập quốc và chế độ của nước Mỹ, soạn thảo. Hiến pháp này xây dựng một chế độ quý tộc theo kiểu phong kiến, trong đó tám nam tước có thể sở hữu 40% tổng diện tích đất đai thuộc địa, và chỉ có một nam tước có thể trở thành thống đốc. Khi nhà vua giành quyền kiểm soát trực tiếp đối với vùng Bắc Carolina, và sau cuộc nổi loạn chống lại cách phân bổ về đất đai, những tay đầu cơ giàu có đã chiếm được nửa triệu mẫu, độc chiếm những khoảnh đất tốt gần khu vực duyên hải − nơi những người nghèo liều mạng chiếm dụng bất hợp pháp đất trồng trọt và tranh đấu chống lại việc chủ đất đòi tiền cho thuê trong suốt thời kỳ tiền Cách mạng.

Nghiên cứu của Carl Bridenbaugh về các thành phố thuộc địa mang tên Cities in the Wilderness (Các thành phố bỏ hoang) thể hiện một hệ thống giai cấp rõ nét. ông phát hiện:

Lãnh đạo của vùng Boston buổi sơ khai là những tay nhà giàu, cấu kết với các tăng lữ nhằm nỗ lực duy trì nước Mỹ theo cách sắp xếp mô hình xã hội của Mẫu quốc. Bằng cách kiểm soát thương mại và buôn bán, bằng cách chi phối về mặt chính trị đối với các cư dân thông qua nhà thờ và các cuộc họp thị trấn và bằng cách gia tăng mối quan hệ đồng minh thông qua hôn nhân, các thành viên chính thể đầu sỏ này đã đặt nền móng cho một tầng lớp quý tộc tại Boston vào thế kỷ XVII.

Ngay từ thời kỳ đầu của chế độ thuộc địa tại Vịnh Massachusetts vào năm 1630, Thống đốc John Winthrop đã tuyên bố phương châm của những kẻ cai trị: “… thời nào nhất định cũng có người giàu và người nghèo, có người quyền cao chức trọng, số khác thấp kém và bị phụ thuộc”.

Những thương gia giàu có bắt đầu khởi công xây dựng các biệt thự; những người thuộc hàng “đẳng cấp cao” dạo chơi trên bờ biển hoặc ngồi trên ghế kiệu, để người khác vẽ chân dung, đội lên đầu bộ tóc giả, ăn uống toàn sơn hào hải vị kèm rượu vang Madeira. Năm 1678, đã có một đơn thỉnh cầu từ thị trấn Deerfield gửi Tòa Đại hình Massachusetts: “Có lẽ các ngài sẽ rất hài lòng được biết rằng những khoảnh đất tốt nhất, màu mỡ nhất, nằm ở vị trí thuận tiện nhất, ngay ở trung tâm thị trấn, đến gần một nửa thuộc về tám, chín ông chủ…”.

Tại Newport, Rhode Island, cũng như tại Boston, Bridenbaugh đã phát hiện ra rằng “các cuộc họp của thị trấn, trông có vẻ rất dân chủ, nhưng hết năm này sang năm khác bị kiểm soát bởi một nhóm quý tộc thương gia − những người giữ hầu hết các trọng trách quan trọng…” Một người thời đó đã miêu tả các thương gia vùng Newport là “… những người đàn ông trong gi-lê và áo khoác màu đỏ sặc sỡ, trang điểm thêm bằng dây và đính tua màu vàng lấp lánh. Những người theo giáo phái Quaker ranh mãnh, dẫu thích những bộ quần áo lộng lẫy này nhưng không dám vận lên người và thường trang trí tủ búp-phê của họ bằng các bộ bát đĩa bằng vàng, bạc”.

Tầng lớp quý tộc ở New York là những người hay phô trương nhất, Bridenbaugh đã miêu tả “cửa sổ trang trí các tấm vải lạc đà, những chiếc bàn kiểu Nhật, kính đeo mắt gọng vàng, đàn xpinet và những chiếc đồng hồ quả lắc lớn với động cơ chạy được tám ngày mới phải lên giây… đồ gỗ chạm khảm cầu kỳ, đồ trang sức, các bộ đồ ăn bằng bạc… Những đầy tớ da đen”.

New York thời thuộc địa chẳng khác gì một quốc gia phong kiến. Người Hà Lan đã thiết lập một hệ thống bảo hộ dọc theo sông Hudson với những điền trang khổng lồ, trong đó các nam tước kiểm soát chặt chẽ cuộc sống của các tá điền. Năm 1689, mối bất bình của nhiều người nghèo đã hòa quyện trong một cuộc nổi dậy của nông dân do Jacob Leisler và nhóm của ông ta lãnh đạo. Leisler bị treo cổ, việc phong tỏa các điền trang vẫn tiếp tục. Dưới thời Thống đốc Benjamin Fletcher, ba phần tư diện tích đất tại New York đã được cấp cho khoảng 30 người. ông ta đã dành cho một người bạn nửa triệu mẫu chỉ đổi lấy một khoản chi trả tượng trưng hàng năm là 30 đồng shilling (1 shilling bằng 1/20 bảng Anh). Dưới thời Lord Cornbury (Thống đốc New York và New Jersey – ND) vào đầu những năm 1700, người ta đã cấp không hai triệu mẫu đất cho một nhóm các tay đầu cơ.

Năm 1700, các giám mục nhà thờ tại thành phố New York đã yêu cầu hội đồng chung cấp ngân sách bởi lẽ “tiếng kêu khóc của những người nghèo và bất lực mong muốn được cứu giúp là vô cùng thống thiết”. Vào những năm 1730, nhu cầu lập các trung tâm từ thiện để chứa chấp “rất nhiều người ăn mày lang thang cơ nhỡ trên khắp các đường phố” bắt đầu tăng cao. Hội đồng thành phố đã ra một nghị quyết:

Chiểu theo nhu cầu cấp thiết, do số lượng người nghèo ngày càng gia tăng trong thành phố, thường có những cách cư xử xấu; những người vô công rồi nghề và thất nghiệp, trở nên sống trác táng hoặc làm cho những người khác cũng bị nhiễm thói trộm cắp hoặc sống trụy lạc. Do đó các biện pháp tức thì là xây dựng các khu nhà chắc chắn, thuận tiện cho các đối tượng trên.

Một tòa nhà gạch hai tầng được xây dựng có tên là “Nhà tế bần, Trại cải tạo, Nhà trừng giới”.

Năm 1737, một lá thư gửi Peter Zenger, chủ bút của New York Journal, đã miêu tả những đứa trẻ cầu bơ cầu bất của các khu phố nghèo ở New York như sau: “một vật thể trong hình dạng con người, đói lả trong giá rét, áo xống như xơ mướp không che nổi khuỷu tay, đầu gối lòi hết khỏi ống quần, tóc tai dựng đứng… Trong lứa tuổi khoảng từ bốn đến mười bốn thì chúng vất vưởng cả ngày trên đường phố… sau đó bị bắt đi học nghề, có lẽ trong từ bốn đến năm, sáu năm…”

Các thuộc địa đã phát triển nhanh chóng vào những năm 1700. Bổ sung vào nhóm người định cư từ Anh là những người nhập cư từ Đức, Scotland – Ailen. Nô lệ da đen cũng được chở đến ùn ùn; họ chiếm 8% dân số vào năm 1690, 21% vào năm 1770. Dân số của các thuộc địa năm 1700 là 250 nghìn người, đến năm 1760, con số đó đã lên tới 1.600 nghìn người. Nông nghiệp rất phát triển. Nền sản xuất nhỏ cũng bắt đầu phát triển. Vận chuyển bằng đường biển và buôn bán được mở rộng. Các thành phố lớn như Boston, New York, Philadelphia, Charleston gần như đã phát triển gấp đôi, gấp ba về quy mô.

Nhờ vào sự tăng trưởng đó, tầng lớp thượng lưu giành được hầu hết các lợi ích và độc quyền chính trị. Một nhà sử học chuyên nghiên cứu về vấn đề thuế tại Boston vào những năm 1687 và 1771 đã phát hiện ra rằng, vào năm 1687, trong số 6 nghìn dân, chỉ có khoảng 1 nghìn chủ sở hữu bất động sản; và 5% hàng đầu của số đó, tương đương 1% dân số, bao gồm 50 cá nhân giàu có sở hữu tài sản chiếm 25% tổng tài sản của cả cộng đồng. Đến năm 1770, chỉ 1% hàng đầu trong số các chủ bất động sản đã chiếm tới 44% toàn bộ của cải.

Trong giai đoạn Boston phát triển từ năm 1687-1770, tỷ lệ nam giới trưởng thành thuộc diện nghèo, thường sống trong cảnh thuê phòng, hoặc ngủ nhờ ở góc quán trọ, thường là không có tài sản đã tăng từ 14% lên 29%. Không có tài sản cũng đồng nghĩa với không có quyền bỏ phiếu.

Ở bất cứ chỗ nào, người nghèo cũng phải vật lộn để tồn tại, có khi chỉ là để khỏi chết rét trong mùa đông lạnh giá. Vào những năm 1730, tất cả các thành phố đều xây dựng nhà tế bần, không chỉ dành cho người già, người góa bụa, người khuyết tật, trẻ mồ côi, mà còn dành cho cả những người thất nghiệp, cựu binh, những người mới nhập cư. Vào giữa thế kỷ XVIII, tại New York, nhà tế bần của thành phố − vốn được thiết kế để phục vụ 100 người nghèo − đã trở thành nơi tá túc của 400 người. Năm 1748, một công dân tại Philadelphia đã viết: “Thật ngạc nhiên không hiểu tại sao mùa đông năm nay tại thành phố này lại có nhiều người ăn xin đến thế”. Năm 1757, các quan chức thành phố Boston đã nói đến việc “một lượng lớn những người nghèo… thi thoảng mới có thể mua được bánh mỳ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình và bản thân họ”.

Trong một nghiên cứu về khu thuộc địa New England, Kenneth Lockridge đã phát hiện ra rằng những người lang thang khốn khổ liên tục gia tăng và hình ảnh “những người nghèo lang thang” là một đặc điểm nổi bật trong đời sống của New England vào giữa những năm 1700. James T. Lemon và Gary Nash cũng phát hiện sự tập trung của cải, sự gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong nghiên cứu của họ về hạt Chester, Pennsylvania vào những năm 1700.

Các thuộc địa có vẻ như là xã hội của sự xung đột tầng lớp – một thực tế bị làm mờ đi bằng cách nhấn mạnh, theo cách viết lịch sử truyền thống, vào cuộc chiến chống lại Anh, vào tình đoàn kết của những người đi khai phá thuộc địa trong cuộc Cách mạng. Bởi vậy, đất nước này không phải “khi sinh ra đã được tự do” mà là sinh ra đã có cả nô lệ và người tự do, đầy tớ và ông chủ, tá điền và chủ đất, người nghèo và người giàu. Kết quả là, bộ máy cầm quyền chính trị, theo Nash, đã bị chống đối “một cách thường xuyên, ầm ĩ và đôi khi có cả bạo lực”. “Sự hỗn loạn bùng nổ đã nhấn chìm hơn 20 năm cuối thế kỷ XVII, làm lung lay các chính quyền mới được thành lập tại Massachusetts, New York, Maryland, Virginia và Bắc Carolina.”

Công nhân da trắng tự do khá giả hơn nô lệ và đầy tớ, nhưng họ vẫn cảm thấy phẫn nộ với cách đối xử bất công của các tầng lớp thượng lưu. Đầu năm 1636, một tay chủ
ở miền duyên hải Maine cho biết công nhân và những người đánh cá của ông ta “đã nổi loạn” vì ông ta giữ lại lương của họ, rất nhiều người bỏ trốn. Năm năm sau, để phản đối việc đồ ăn không thỏa đáng, những người thợ mộc tại Maine đã giảm tốc độ sản xuất. Năm 1640, tại các xưởng đóng tàu ở Gloucester, sự việc mà Richard Morris từng gọi là “vụ đóng cửa đầu tiên trong lịch sử lao động nước Mỹ” đã nổ ra khi giới cầm quyền nói với một nhóm những người thợ đóng tàu được cho là gây rối rằng họ “không được phép làm việc nữa”.

Bắt đầu có các cuộc đình công của những người thợ đóng thùng, hàng thịt, thợ làm bánh mỳ để phản đối việc chính phủ kiểm soát những khoản tiền mà họ đã thu. Năm 1650, những người phu khuân vác tại New York đã từ chối bốc muối, những người lái xe tải tham gia đình công đã bị kết án tại thành phố New York do “không chịu thực hiện các mệnh lệnh và làm những công việc có sẵn tại nơi chốn của họ”. Năm 1741, những người thợ làm bánh mỳ đã rủ nhau từ chối làm bánh vì họ phải trả giá bột mỳ quá cao.

Một đợt khan hiếm lương thực gay gắt xảy ra tại Boston vào năm 1713 khiến những người đại diện của dân phải lên tiếng cảnh báo tại Đại hội đồng của Massachusetts về “nguy cơ khan hiếm nguồn cung thực phẩm”, dẫn đến “giá cả bị đội lên khủng khiếp, gây sức ép mạnh mẽ đối với nhu cầu cần thiết của người nghèo trong mùa đông tới”. Andrew Belcher, một thương gia giàu có đã xuất khẩu ngũ cốc sang vùng Caribe vì lợi nhuận thu được ở đó lớn hơn. Vào ngày 19 tháng 5, 200 người đã gây bạo loạn tại khu vực công viên Boston Common. Họ đã tấn công các con tàu của Belcher, phá các kho dự trữ của ông ta để lấy ngô, đồng thời giết viên phó thống đốc khi ông này cố gắng can thiệp.

Tám năm sau cuộc “bạo loạn bánh mỳ” (tên gọi bắt nguồn từ phản ứng của người dân do thiếu lương thực và giá bánh mỳ tăng cao – ND) tại công viên Boston Common, một nhà văn chuyên viết pamphlet (sách nhỏ có bìa mềm, bàn về vấn đề thời sự – ND) đã phản đối những người làm giàu “bằng cách bóc lột người nghèo” thông qua việc tìm hiểu cách thức họ làm “để đàn áp, bịp bợm, đánh lừa những người láng giềng”. ông đã vạch mặt “bọn nhà giàu, có quyền hành” là những kẻ “sẵn sàng dùng bạo lực đè bẹp bất cứ ai chắn trước mặt mình…”

Vào những năm 1730, tại Boston, những người tham gia phản đối giá cả tăng cao do các thương gia áp đặt đã phá hủy một khu chợ công tại Dock Square vào thời điểm (như một nhà văn theo trường phái bảo thủ kể lại) “dấy lên lời than phiền đối với chính phủ và tầng lớp giàu có”. Không ai bị bắt, sau khi những người biểu tình đe dọa rằng việc bắt giữ sẽ xúc phạm “khoảng 500 người thuộc Liên hiệp Nhà thờ Anh và Scotland” (Solemn League and Covenent) − những người sẽ san phẳng các khu chợ được xây dựng để phục vụ lợi ích của tầng lớp thương gia giàu có.

Cũng trong khoảng thời gian đó, tại New York đã xuất hiện cuốn sách nhỏ vận động bầu cử thúc giục cử tri New York gia nhập các nhóm “Con thoi” của những người thợ dệt, nhóm “Cái bào” của những người thợ mộc, nhóm “Tay lái” của những người đánh xe, nhóm “Vôi vữa” của những người thợ xây, nhóm “Thủy thủ” của những người đi biển, nhóm “Cắt kéo” của những người thợ may, nhóm “Thuê mướn nhỏ” của những ông chủ nhà công bằng, nhóm “John nghèo khó” của các tá điền để chống lại với các “Thương gia hay kêu ca, Chủ cửa hàng ăn chặn, Luật sư thêu dệt và ngụy biện”. Toàn bộ cử tri được khuyến khích là bỏ phiếu loại bỏ ra khỏi cơ quan công quyền “những người ở địa vị cao quý”, những người có thái độ khinh bỉ đối với “tầng lớp mà họ gọi là bọn thường dân thô tục, bọn hỗn tạp, hay bọn thợ máy”.

Một ủy ban thuộc hội nghị thành phố Boston đã lên tiếng ủng hộ những người dân thành phố phải sống trong cảnh nợ nần, những con nợ này muốn tiền giấy được phát hành để thuận tiện hơn trong việc trả nợ cho giới thương gia. Họ tuyên bố rằng họ không muốn “bánh mỳ và nước của chúng tôi lại bị đong đếm bởi những kẻ sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt chúng tôi…”.

Những người dân ở Boston cũng nổi dậy chống lại việc bắt lính, việc đàn ông phải thực hiện nghĩa vụ quân dịch trong hải quân. Họ bao vây nhà của thống đốc, đánh cảnh sát trưởng, nhốt phó cảnh sát trưởng, tấn công tòa thị chính nơi đặt tòa án. Dân quân không dám phản ứng lại khi được gọi đến để đàn áp, còn thống đốc đã phải chạy trốn. Một nhóm thương gia đã chỉ trích đám đông này là “Một lũ hỗn độn những tên thủy thủ nước ngoài, đầy tớ, bọn da đen cùng những kẻ hèn hạ và đê tiện khác”.

Vào những năm 1740-1750, tại New Jersey, những nông dân nghèo cư ngụ trên mảnh đất mà họ và các điền chủ đang còn tranh chấp đã nổi loạn khi bị đòi tiền thuê đất. Năm 1745, Samuel Baldwin, một người sống nhiều năm trên mảnh đất của mình và đã thiết kế một hệ thống thủy lợi theo kiểu người Anh-điêng trên đó, bị bắt vì không chịu trả tiền thuê đất cho một tay điền chủ và bị tống vào nhà tù Newark. Một người cùng thời mô tả những gì xảy ra khi ấy: “Nhìn chung, những người dân này đều cho rằng mưu đồ của các tay chủ sở hữu là nhằm hủy hoại họ… nên họ đã tới nhà tù, mở cửa và giải thoát cho Baldwin.”

Khi hai người đàn ông giải thoát cho Baldwin bị bắt, hàng trăm công dân New Jersey đã vây quanh nhà tù. Một bản báo cáo của chính quyền New Jersey gửi Trùm Thương mại tại London (Lords of Trade in London) đã mô tả lại khung cảnh đó:

Hai trong số các chỉ huy mới thuộc các đại đội cảnh sát tại Newark thừa lệnh của cảnh sát trưởng mang theo trống phách tới gặp người dân và đề nghị tất cả mọi người ở đó gia nhập các đại đội của họ, tuân theo trống lệnh để bảo vệ nhà tù, tuy nhiên không ai bước theo… Đám đông đó… trong khoảng từ bốn đến năm giờ chiều đã xuống ngựa, tiến tới nhà tù la hét và vung vẩy những chiếc gậy mang theo… mãi đến khi họ đến sát tầm lính gác và dùng gậy tấn công. Lúc đó, lính gác (do chưa có lệnh được bắn) đã dùng súng chống trả lại, cả hai bên đều có người bị thương nhưng không ai tử vong. Đám đông đổ xô vào cổng chính nhà giam, nơi viên cảnh sát trưởng đứng chắn với thanh gươm tuốt trần nhằm ngăn chặn đám đông cho đến khi bị đám đông đánh mấy gậy, ông ta mới chịu rời khỏi vị trí đó. Tiếp đó, đám đông dùng rìu và các dụng cụ khác phá cửa nhà tù, giải thoát cho hai người bị bắt do cứu Baldwin. Một tù nhân khác, bị bắt do thiếu nợ, cũng được giải thoát.

Trong suốt giai đoạn này, nước Anh đã phải trải qua hàng loạt cuộc Chiến tranh (Chiến tranh Hoàng hậu Anne vào đầu những năm 1770, Chiến tranh Vua George vào những năm 1730). Một số thương gia trở nên phát đạt từ các cuộc chiến tranh này, nhưng đối với hầu hết người khác, các cuộc chiến đó chỉ có nghĩa là sưu cao thuế nặng, nạn thất nghiệp và nghèo đói gia tăng. Sau khi nổ ra cuộc chiến của Vua George, một người viết truyện vô danh tại Massachusetts giận dữ mô tả lại tình hình lúc bấy giờ: “Nghèo đói và sự bất mãn in hằn trên mọi khuôn mặt (ngoại trừ vẻ mặt của những tay nhà giàu) và được nhắc đến liên tục.” ông cũng đề cập một số nhân vật, vốn được nuôi dưỡng bằng “tham vọng quyền lực và tiền tài”, đã phất lên trong thời chiến. “Không có gì ngạc nhiên khi những gã như thế lại có thể đóng tàu riêng, dựng

nhà cửa, mua trang trại, đóng cỗ xe ngựa, sống vô cùng xa hoa, bỏ tiền mua danh vọng, tước vị”. ông gọi đó là “những con chim mồi… kẻ thù của cộng đồng”.

Chế độ quân dịch bắt buộc đối với các thủy thủ đã dẫn đến một cuộc nổi dậy chống lại việc bắt lính tại Boston vào năm 1747. Tiếp đó, dân chúng chuyển sang chống lại Thomas Hutchinson, một thương gia giàu có và là công chức thuộc địa, người hậu thuẫn Thống đốc đàn áp cuộc nổi loạn, đồng thời cũng là kẻ vạch ra chính sách tiền tệ được cho là phân biệt đối xử với người nghèo ở Massachusetts. Căn nhà của Hutchinson bị cháy một cách bí ẩn còn đám đông dân chúng tập trung trên phố, nguyền rủa Hutchinson và la hét “Hãy thiêu trụi hết đi!”

Đến giai đoạn khủng hoảng Cách mạng vào những năm 1760, tầng lớp thượng lưu vốn cai trị các thuộc địa của Anh tại Mỹ đã có tới 150 năm kinh nghiệm, và đã rút ra được nhiều bài học về cách cai trị. Họ cũng có nhiều mối lo sợ, song đã biết cách xây dựng sách lược đối phó với những gì mà họ lo sợ.

Họ nhận ra rằng người Anh-điêng quá bất trị để có thể trở thành lực lượng lao động, đồng thời là một trở ngại cho quá trình bành trướng. Nô lệ da đen dễ kiểm soát hơn, và chính khả năng thu lợi từ nô lệ da đen tại các đồn điền ở miền nam đã khiến số lượng nô lệ nhập khẩu gia tăng nhanh chóng. Những nô lệ này ngày càng chiếm đa số tại một số thuộc địa và chiếm tới một phần năm tổng dân số của toàn bộ các thuộc địa. Nhưng khi số lượng tăng cao, không phải người da đen nào cũng vâng lời, khả năng xảy ra cuộc nổi dậy của nô lệ da đen ngày một tăng.

Trước sự chống đối của người Anh-điêng và nguy cơ nổi dậy của nô lệ, những kẻ cai trị thuộc địa còn phải để mắt tới sự phản kháng mang tính giai cấp từ những người da trắng nghèo, tá điền, người nghèo thành thị, những người không có tài sản, những người phải nộp thuế, binh lính và thủy thủ. Khi các thuộc địa đã trải qua năm thứ một trăm và tiến tới khoảng giữa những năm 1700, khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn khi bạo lực và nguy cơ bạo lực gia tăng, vấn đề kiểm soát càng trở nên hệ trọng hơn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhóm bị khinh thường này – người Anh-điêng, nô lệ, người da trắng nghèo – kết hợp lại với nhau? Thậm chí trước khi xuất hiện nhiều người da đen, vào thế kỷ XVII, Abbot Smith từng viết: “có một nỗi sợ hiện hữu đó là đầy tớ sẽ bắt tay với người da đen hoặc người Anh-điêng để đè bẹp một số ít là các ông chủ”.

Tại Bắc Mỹ, người da trắng và người Anh-điêng có rất ít cơ hội kết hợp với nhau, khác với ở Nam hoặc Trung Mỹ, nơi do thiếu phụ nữ, người ta đã phải sử dụng người Anh-điêng làm việc tại các đồn điền, dẫn đến việc gặp nhau hàng ngày. Chỉ có ở vùng Georgia và Nam Carolina, nơi phụ nữ da trắng hiếm, nên đã có một số trường hợp xảy ra quan hệ tình dục giữa đàn ông da trắng và phụ nữ Anh-điêng. Nhìn chung, người Anh-điêng đã bị đẩy đi khuất mắt. Tuy nhiên, lại có một thực tế gây lúng túng: những người da trắng bỏ trốn rồi gia nhập bộ lạc Anh-điêng, hoặc bị bắt sống trong chiến trận rồi được nuôi dưỡng giữa những người Anh-điêng, và khi điều này xảy ra, dù có cơ hội để ra đi vẫn chọn cách ở lại trong cộng đồng Anh-điêng. Ngược lại, người Anh-điêng, khi đứng trước sự lựa chọn tương tự, hầu như không bao giờ quyết định gia nhập cộng đồng người da trắng.

Trong tác phẩm Letters from an American Farmer (Những lá thư của một nông dân Mỹ), Hector St. Jean Crevecoeur − một người Pháp sống tại Mỹ gần 20 năm − đã kể lại việc trẻ em bị bắt trong Cuộc chiến Bảy năm , được bố mẹ tìm thấy khi chúng đang sống cùng người Anh-điêng, đã từ chối trở về với gia đình cũ. ông nói: “Chắc chắn chúng phải có những ràng buộc xã hội, một sức hấp dẫn kỳ lạ nào đó, một điều phi thường vượt xa bất cứ thứ gì mà chúng ta đang lấy làm tự đắc; đã có hàng nghìn người châu âu trở thành người Anh-điêng, và chúng ta không hề có thí dụ nào về việc thổ dân, dù chỉ là một người, lựa chọn trở thành người châu âu.”

Nhìn chung, người Anh-điêng luôn bị giữ một khoảng cách. Và chế độ thuộc địa cũng tìm được một cách hạn chế các nguy cơ: thông qua việc độc quyền chiếm giữ các khu đất tốt ở vùng biển phía đông, họ ép những người da trắng không có đất tiến dần về phía tây tới vùng giáp giới, nơi những người này phải chạm trán trực tiếp với người Anh-điêng cũng là để tạo ra vùng đệm bảo vệ giới nhà giàu ven biển trước những rắc rối với người Anh-điêng, những người da trắng cũng phải lệ thuộc vào sự bảo hộ của chính phủ. Cuộc nổi dậy Bacon đã để lại một bài học: Thu phục số dân Anh-điêng đang trên đà giảm sút bằng cách chọc giận những người da trắng này tại các vùng giáp giới là một điều rất mạo hiểm. Tốt hơn hết là gây chiến với người Anh-điêng, giành sự ủng hộ của người da trắng, cố gắng chuyển hướng cuộc xung đột giai cấp tiềm tàng thành cuộc đấu tranh của người nghèo da trắng với người Anh-điêng nhằm bảo đảm an ninh cho tầng lớp thượng lưu.

Liệu người da đen và người Anh-điêng có bắt tay với nhau để chống kẻ thù da trắng? Tại các thuộc địa ở miền Bắc, (trừ các vùng Cape Cod, Martha’s Vineyard và Rhode Island, nơi có các mối quan hệ gần gũi và quan hệ hôn nhân), cơ hội để nhóm người da đen từ châu Phi và người Anh-điêng gặp gỡ nhau không nhiều lắm. New York có lượng nô lệ lớn nhất ở miền Bắc, người da đen và người Anh-điêng ở đây có mối liên hệ với nhau. Năm 1712, cả người da đen và người Anh-điêng cùng tham gia một cuộc nổi dậy. song nó nhanh chóng bị dập tắt.

Tuy nhiên, tại Carolinas, số lượng người da trắng thua xa người da đen và người Anh-điêng. Vào những năm 1750, người da trắng chiếm 25 nghìn người, trong khi nô lệ da đen chiếm tới 40 nghìn người, còn người Anh-điêng (thuộc các bộ lạc Creek, Cherokee, Choctaw và Chickasaw) lên tới 60 nghìn người. Gary Nash viết: “Những cuộc nổi dậy của người Anh-điêng đã làm ngắt quãng thời kỳ thuộc địa cùng một chuỗi các cuộc nổi dậy của nô lệ và các âm mưu nổi dậy bị bóp chết từ trứng nước – tất cả khiến giới cầm quyền ở Nam Carolina nhận thức ra rằng chỉ có thông qua cảnh giác cao độ và áp dụng các chính sách nhằm phân hóa kẻ thù, họ mới có hy vọng kiểm soát tình hình.”

Tầng lớp cai trị da trắng tại Carolinas rất ý thức về việc cần phải có một chính sách, như một người trong số họ đã nêu, “dùng người Anh-điêng để kìm hãm người da đen và ngược lại, vì rằng với số dân da đen và Anh-điêng đông đảo, chúng ta có thể bị một trong hai nhóm người này tiêu diệt”. Do đó, các bộ luật đã được thông qua nhằm ngăn chặn người da đen tự do đi lại đến vùng đất của người Anh-điêng. Các hiệp ước với người Anh-điêng có thêm điều khoản yêu cầu trả lại những nô lệ bỏ trốn. Năm 1738, Thống đốc của Nam Carolina là Lyttletown đã viết: “Tạo ra ác cảm giữa họ (người Anh-điêng) và người da đen luôn là chính sách của chính quyền.”

Một phần của chính sách này là đưa nô lệ da đen tham gia lực lượng dân quân tại Nam Carolina để chống lại người Anh-điêng. Tuy nhiên, chính phủ vẫn lo ngại người da đen nổi dậy, và trong thời gian diễn ra cuộc chiến với bộ lạc Cherokee vào những năm 1760, kiến nghị về việc trang bị vũ khí cho 500 nô lệ chống lại người Anh-điêng đã bị hội đồng Carolina bác bỏ chỉ với một phiếu chống.

Người da đen chạy trốn vào các ngôi làng của người Anh-điêng, và những người thuộc các bộ lạc Creek và Cherokee đã che giấu hàng trăm nô lệ bỏ trốn. Nhiều người trong số này đã hòa nhập vào các bộ lạc Anh-điêng, lập gia đình, sinh con đẻ cái. Nhưng sự kết hợp giữa các bộ luật nô lệ hết sức tàn bạo và việc mua chuộc người Anh-điêng nhằm đàn áp các cuộc nổi dậy của người da đen khiến tình hình vẫn nằm trong vòng kiểm soát.

Chính triển vọng hợp tác giữa người da trắng nghèo và người da đen đã khiến các chủ đồn điền da trắng giàu có lo sợ hơn cả. Nếu như có những mối ác cảm về mặt chủng tộc như các lý thuyết gia từng giả định, việc kiểm soát đã phải dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sự hấp dẫn giới tính lại rất mạnh mẽ, vượt qua cả những ranh giới chủng tộc. Năm 1743, một tòa đại hình tại Charleston, Nam Carolina đã lên án “tội thông dâm với người da đen và các nữ nô lệ khác đã trở nên quá phổ biến ở tỉnh này”. Trong suốt thời kỳ thuộc địa, các thế hệ con lai giữa người da trắng và da đen vẫn tiếp tục được sản sinh, bất chấp các luật lệ cấm đoán việc kết hôn khác chủng tộc tại Virginia, Massachusetts, Maryland, Delaware, Pennsylvania, Carolinas và Georgia. Bằng cách tuyên bố những đứa trẻ này là ngoài giá thú, người ta cố gắng giữ chúng trong các gia đình da đen, còn dân da trắng vẫn duy trì được sự “thuần chủng” và nằm trong tầm kiểm soát.

Lý do khiến Cuộc nổi dậy Bacon làm các tầng lớp cai trị tại Virginia hoảng sợ là những nô lệ da đen sát cánh cùng đầy tớ da trắng. Cuối cùng, “400 người Anh và người da đen có vũ khí” tại một đơn vị đồn trú và “300 người tự do, đầy tớ Anh và gốc Phi làm việc theo hợp đồng” tại một đơn vị đồn trú khác đã ra hàng. Viên chỉ huy hải quân đã đánh bại 400 người nói trên viết: “Tôi thuyết phục đa phần trong số họ quay về nhà, vì thế họ đã làm theo, trừ khoảng 80 người da đen và 20 người Anh không chịu giao nộp vũ khí.”

Trong suốt những năm đầu đó, nô lệ da đen và đầy tớ da trắng đã cùng nhau bỏ trốn, như các luật lệ được đưa ra nhằm chấm dứt việc này cũng như các hồ sơ lưu tại tòa án đã cho thấy. Năm 1698, Nam Carolina thông qua “luật thiếu hụt” (deficiency law), trong đó yêu cầu các chủ đồn điền cứ sáu người đàn ông da đen trưởng thành phải có ít nhất một đầy tớ da trắng quản lý. Một lá thư từ thuộc địa miền Nam năm 1682 đã than phiền về việc “không đủ người da trắng để giám sát người da đen, hoặc trấn áp các cuộc nổi dậy của người da đen…” Năm 1691, Hạ viện nhận được “một thỉnh nguyện đơn của các thành phần khác nhau: thương gia, chủ tàu, chủ đồn điền và những người có quan hệ thương mại với các đồn điền ở nước ngoài… trình bày rằng hệ thống đồn điền không thể nào duy trì được nếu không có số lượng đáng kể đầy tớ da trắng, không thể khuất phục được những người da đen, cũng như không thể cầm vũ khí trong trường hợp bị xâm lấn”.

Một báo cáo gửi chính phủ Anh năm 1721 nói rằng tại Nam Carolina, “các nô lệ da đen mới đây gần như đã thành công trong một cuộc cách mạng mới… và do đó, rất cần… đề xuất luật mới khuyến khích tiếp nhận thêm đầy tớ da trắng trong tương lai. Lực lượng dân quân ở tỉnh này chưa bao gồm thành phần khoảng 2 nghìnngười nói trên”. Dường như 2 nghìn người này vẫn chưa được xem là đủ để đối phó các mối đe dọa.

Nỗi lo sợ này có thể giúp lý giải tại sao vào năm 1717, Quốc hội quyết định việc đi đày sang Tân Thế giới là một hình phạt dành cho tội phạm. Sau đó, khoảng 10 nghìn người bị kết án đã được chở đến Virginia, Maryland và các thuộc địa khác. Đó cũng là lý do giải thích tại sao sau Cuộc nổi dậy Bacon, Hội đồng lập pháp ở Virginia đã ân xá cho đầy tớ da trắng tham gia nổi loạn, chứ không phải những người da đen. Người da đen bị cấm mang theo các loại vũ khí, trong khi đó đầy tớ da trắng sau khi hết hạn phục vụ có thể được nhận súng trường, ngô hoặc tiền bạc. Sự phân biệt địa vị giữa đầy tớ da trắng và da đen ngày càng trở nên rõ nét.

Vào những năm 1720, khi nỗi lo sợ các cuộc nổi dậy của nô lệ gia tăng, đầy tớ da trắng tại Virginia được phép gia nhập đội ngũ dân quân với tư cách dự bị cho những người da trắng tự do. Đồng thời, các nhóm giám sát nô lệ cũng được thiết lập tại Virginia nhằm đương đầu với “những mối đe dọa to lớn có thể… xảy ra do các cuộc nổi dậy của người da đen…”. Những người da trắng nghèo được đứng vào hàng ngũ, đảm nhiệm việc giám sát này, và được nhận các khoản tiền thưởng.

Phân biệt chủng tộc ngày càng trở nên rõ nét hơn. Trên cơ sở nghiên cứu hết sức tỉ mỉ về chế độ nô lệ tại Virginia, Edmund Morgan đã nhận ra rằng sự phân biệt chủng tộc không còn thuần túy là sự khác nhau mang tính tự nhiên giữa người da đen-da trắng, mà có một điều gì đó đã xuất phát từ sự khinh miệt giai cấp, một công cụ hữu hiệu để kiểm soát. “Nếu những người tự do mang theo nỗi thất vọng đứng về phe những nô lệ tuyệt vọng, kết quả sẽ còn tồi tệ hơn những gì Bacon từng làm. Câu trả lời cho vấn đề này, hiển nhiên trong trường hợp không nói ra ngay và chỉ được nhận thức dần dần là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nhằm chia tách những người da trắng tự do nguy hiểm khỏi những người nô lệ da đen nguy hiểm bằng cách tạo ra một bức màn về sự khinh miệt chủng tộc.”

Trong điều kiện các thuộc địa ngày càng phát triển, còn một cách kiểm soát khác đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các tầng lớp thượng lưu tiếp tục thống trị xuyên suốt lịch sử nước Mỹ. Cùng với những người rất nghèo và những người rất giàu, đã xuất hiện một tầng lớp da trắng trung lưu gồm các chủ đồn điền nhỏ, nông dân độc lập, thợ thủ công thành phố − những người đã được trao những phần thưởng nho nhỏ vì đứng về phía các thương gia, chủ đồn điền – và họ trở thành một vùng đệm chắc chắn trước các nô lệ da đen, người Anh-điêng tại vùng giáp giới và những người da trắng nghèo.

Các thành phố phát triển đã tạo thêm nhiều công nhân lành nghề, chính quyền đã giành sự ủng hộ của các thợ cơ khí da trắng bằng cách bảo vệ họ trước sự cạnh tranh của nô lệ và những người da đen tự do. Đầu năm 1686, Hội đồng thành phố New York ban lệnh: “không người da đen hoặc nô lệ nào được làm phu khuân vác trên cầu cảng để chuyên chở bất kỳ loại hàng hóa gì dù là nhập khẩu hay xuất khẩu ra hoặc vào thành phố này”. Tương tự, tại các thành phố miền Nam cũng tương tự, thợ thủ công và thương nhân da trắng được bảo hộ trước sự cạnh tranh của người da đen. Năm 1764, cơ quan lập pháp tại Nam Carolina đã cấm giới chủ tại Charleston thuê người da đen hoặc các nô lệ khác làm nghề cơ khí hoặc kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ.

Những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu có thể được mời tham gia tầng lớp thượng lưu mới bằng cách công kích nạn tham nhũng trong giới nhà giàu có uy tín. Trong tác phẩm Address to the Freeholders (Gửi tới các ông chủ thái ấp) xuất bản năm 1747, Cadwallader Golden, một người New York, đã công kích tầng lớp nhà giàu là những kẻ lách thuế không thèm quan tâm đến phúc lợi của người khác (mặc dù bản thân ông ta cũng là một người giàu có) và ông ta cũng nói về tính trung thực và độ tin cậy của “tầng lớp trung lưu trong xã hội”, những người mà người dân có thể giao phó “tự do và tài sản của chúng ta”. Điều này trở thành châm ngôn hoa mỹ quan trọng trong việc cai trị của một số kẻ luôn nói đến tự do “của chúng ta”, tài sản “của chúng ta”, đất nước “của chúng ta”.

Tương tự, tại Boston, một tay nhà giàu tên là James Otis có thể kêu gọi sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu bằng cách công kích thành viên Đảng Bảo thủ Anh là Thomas Hutchinson . James Henretta đã chỉ ra rằng, trong khi giới nhà giàu chính là những người cai trị Boston, vẫn có sẵn các công việc công cộng cho tầng lớp trung lưu, như “người chọn gỗ” (để đóng thuyền, làm thùng rượu), “người đo giỏ than”, “người giám sát hàng rào” (đây là những vị trí được bổ nhiệm có từ thời sơ khai ở Mỹ). Tác giả Aubrey Land đã phát hiện tại Maryland có một tầng lớp điền chủ nhỏ, không phải là những “người hưởng lợi” từ chế độ đồn điền, như giới nhà giàu khác được hưởng, nhưng họ cũng mang danh chủ đồn điền và là “những công dân đáng kính gánh vác trách nhiệm cộng đồng, đóng vai trò giám sát các tuyến đường, định giá tài sản và các trách nhiệm tương tự”. Điều đó giúp liên minh chấp nhận tầng lớp trung lưu về mặt xã hội trong “một chuỗi hoạt động bao gồm các vấn đề chính trị địa phương… khiêu vũ, đua ngựa, chọi gà và đôi khi còn kết thúc bằng những trận cãi vã vì rượu…”

Năm 1756, tờ Pennsylvania Journal viết: “Người dân tỉnh này thuộc loại trung lưu, và hiện nay trên mức đó một chút. Nhìn chung họ là nông dân, thợ thủ công hoặc làm nghề kinh doanh; họ rất yêu tự do, và những người chắt bóp nhất trong số họ có thể nghĩ rằng anh ta có quyền được đối xử lịch sự từ những người vĩ đại nhất. Trên thực tế cũng có một bộ phận đáng kể tầng lớp trung lưu thích hợp với đoạn mô tả đó. Gọi họ là ‘người dân’ là để bỏ qua những nô lệ da đen, đầy tớ da trắng, hay người Anh-điêng bị mất đất. Và khái niệm ‘trung lưu’ che giấu một sự thật từ rất lâu về đất nước này, điều mà như Richard Hofstadter từng nói: ‘đó là… một xã hội trung lưu mà phần lớn chịu sự điều hành của tầng lớp trên’”.

Để cai trị, những tầng lớp trên cần phải nhượng bộ tầng lớp trung lưu, ở mức độ không gây thiệt hại gì đối với của cải và quyền lực của họ, ngoài việc phải đụng đến nô lệ, người Anh-điêng và người da trắng nghèo. Điều đó đã mang đến lòng trung thành. Và để gắn kết lòng trung thành đó với những điều còn mạnh mẽ hơn quyền lợi vật chất, vào những năm 1760 và 1770, giới cầm quyền đã tìm ra một công cụ vô cùng hữu ích. Công cụ đó là cụm từ “tự do” và “bình đẳng”, những điều đủ giúp đoàn kết người da trắng thực hiện cuộc cách mạng chống lại nước Anh, mà không cần phải chấm dứt chế độ nô lệ hoặc tình trạng bất bình đẳng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.