Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
8. ƠN CHÚA! CHÚNG TA KHÔNG CHIẾM ĐOẠT ĐƯỢC GÌ BẰNG CÁCH XÂM LƯỢC
Đại tá Ethan Allen Hitchcock − một quân nhân chuyên nghiệp, tốt nghiệp Học viện Quân sự, Tư lệnh Trung đoàn Bộ binh số 3, một độc giả của Shakespeare, Chaucer , Hegel, Spinoza − đã viết trong hồi ký của mình:
Pháo đài Jesup, La., ngày 30 tháng 6 năm 1845. Mệnh lệnh đã được truyền khẩn cấp từ thành phố Washington yêu cầu Tướng Taylor ngay lập tức di chuyển đến một số vị trí dọc bờ biển gần vùng Sabine và một số địa điểm khác; và ngay khi nghe được sự chấp nhận của hội nghị Texas đối với các nghị quyết về sáp nhập của Quốc hội, ngay lập tức ông ta phải ra lệnh để chiếm lấy toàn bộ biên giới phía tây Texas, cũng như đến trấn giữ vị trí bên bờ sông hoặc gần vùng Rio Grande. ông ta có nhiệm vụ đánh bật bất cứ lực lượng vũ trang nào của Mexico có ý định vượt sông. Bliss đã đọc mệnh lệnh cho tôi một cách hấp tấp và dồn dập. Tôi chỉ kịp chợp mắt một lát và vắt óc suy nghĩ về những điều cần phải chuẩn bị. Tôi được đánh thức bằng ánh nến và chờ đợi tín hiệu tập trung quân… Bạo lực lại dẫn đến bạo lực; và nếu như chiến dịch này của chúng tôi không đưa đến những chiến dịch khác và những trận đổ máu, thì có lẽ tôi đã nhầm.
Hitchcock đã không nhầm. Việc Jefferson mua Louisiana đã làm tăng gấp đôi lãnh thổ của Hợp chúng quốc, kéo dài đến tận vùng núi Rocky. Phía tây nam là Mexico đã giành được độc lập trong cuộc đấu tranh cách mạng chống lại Tây Ban Nha vào năm 1821 – lúc đó vẫn là một quốc gia rộng lớn, bao gồm Texas, phần lãnh thổ ngày nay là New Mexico, Utah, Nevada, Arizona, California và một phần Colorado. Năm 1836, sau những suy xét thận trọng và nhận được viện trợ từ Hoa Kỳ, Texas đã tách ra khỏi Mexico và tuyên bố là “Nước Cộng hòa Ngôi sao cô đơn” (Lone Star Republic). Năm 1845, Quốc hội Hoa Kỳ cho phép vùng này sáp nhập vào Hợp chúng quốc với tư cách một bang.
ông chủ Nhà Trắng lúc bấy giờ là James Polk, thuộc Đảng Dân chủ, một người yêu nước đến nỗi ngay trong đêm tuyên thệ nhậm chức đã tiết lộ với Bộ trưởng Hải quân rằng, một trong những mục tiêu chính của ông là tìm cách sáp nhập California. Mệnh lệnh của ông yêu cầu Tướng Taylor chuyển quân đến Rio Grande thật sự đã trở thành một thách thức với người Mexico. Việc Rio Grande được xem là biên giới phía nam của Texas vẫn chưa hề rõ ràng, dù Texas đã yêu cầu Santa Anna, viên tướng thất trận người Mexico tuyên bố như thế khi ông ta bị bắt làm tù binh. Biên giới truyền thống giữa Texas và Mexico là sông Nueces, khoảng 150 dặm về phía bắc; cả Mexico lẫn Hoa Kỳ đều xem đây là biên giới chính thức. Tuy nhiên, Polk, trong khi khuyến khích người Texas chấp nhận sáp nhập, đã bảo đảm với họ là ông sẽ ủng hộ việc họ tuyên bố đòi Rio Grande.
Ra lệnh cho quân lính tiến vào Rio Grande, lãnh thổ mà người Mexico đang sinh sống rõ ràng là một sự khiêu khích. Taylor từng có lần lên án ý đồ sáp nhập Texas. Nhưng giờ đây khi nhận được lệnh hành quân, quan điểm ông ta dường như đã thay đổi. Việc ông ta đến lều của Hitchcock, viên sỹ quan tùy tùng, để thảo luận về việc di chuyển đã được Hitchcock ghi lại trong nhật ký:
ông ta dường như đã mất hết sự tôn trọng đối với các quyền lợi của người Mexico và sẵn sàng trở thành một công cụ của Tổng thống Polk trong việc đẩy biên giới của chúng ta càng xa về phía tây càng tốt. Khi tôi nói với ông ta rằng, nếu như ông ta gợi ý một đợt di chuyển quân (ông ta nói với tôi là ông ta dự định thực hiện), Tổng thống Polk sẽ chộp lấy thời cơ và giao trách nhiệm cho ông ta. Lập tức ông ta trả lời rằng ông ta sẽ gánh vác trách nhiệm đó và còn bổ sung rằng, nếu Tổng thống cho phép ông ta tự quyết, thì ông ta không chờ lệnh mà sẽ tiến thẳng về phía Rio Grande ngay khi có các phương tiện vận tải. Tôi nghĩ rằng Taylor muốn được thăng chức và đang cố gắng ghi điểm để đạt được điều đó.
Taylor di chuyển quân đến Corpus Christ! Quân Texas giờ chỉ cần vượt qua sông Nueces và chờ đợi tiếp các chỉ thị. Đến tháng 2 năm 1846, họ xuôi theo Gulf Coast xuống vùng Rio Grande. Đoàn quân của Taylor tiến theo hàng đôi, vượt qua các đồng cỏ bát ngát, tiến lên phía trước. Bao bọc hai bên sườn là các đội trinh sát, khóa đuôi là đoàn xe chở quân nhu. Tiếp đó, họ tiến dọc theo một con đường hẹp và đến ngày 28 tháng 3 năm 1846, họ đặt chân đến những cánh đồng mới thu hoạch và những mái nhà lợp tranh của những người dân Mexico đã bỏ đi, vượt qua sông để sang thành phố Matamoros. Taylor cho dựng trại và bắt đầu xây dựng một pháo đài, lắp đặt các khẩu ca-nông chĩa nòng về phía các tòa nhà trắng ở thành phố Matamoro. Dân cư thành phố này tò mò nhìn cảnh đội quân đóng dọc bờ của dòng sông vốn tĩnh lặng.
Washington Union, một tờ báo phản ánh quan điểm của Tổng thống Polk và Đảng
Dân chủ, từ đầu năm 1845 đã nói đến chuyện sáp nhập Texas:
Hãy để các biện pháp sáp nhập, cũng như các vấn đề về đường biên giới và tuyên bố chủ quyền được thực hiện. Ai có thể chặn được dòng nước đang tràn về phía Tây? Đường tới California sẽ rộng mở với chúng ta. Ai chặn được hành trình của người dân chúng ta ở miền Tây?
Tờ báo đã đề cập đó là một hành trình thanh bình hướng về phía Tây, ngoại trừ ở một số đoạn mô tả: “Một đoàn quân tình nguyện được tổ chức chặt chẽ… sẽ tràn lên, tàn phá và chiếm lấy Mexico. Những việc đó không chỉ giúp chúng ta lấy được, mà còn bảo vệ được California.” Sau đó không lâu, vào mùa hè năm 1845, John O’Sullivan, chủ bút tờ Democratic Review đã sử dụng một cụm từ mà sau này rất nổi tiếng, đó là “Vận mệnh hiển nhiên của chúng ta là phủ khắp lục địa mà Chúa trời đã ban cho, sự phát triển tự do của hàng triệu người dân chúng ta không ngừng tăng lên hàng năm”. Đúng, một vận mệnh rõ ràng.
Tất cả những gì cần thiết trong mùa hè năm 1846 là một cuộc đụng độ vũ trang để bắt đầu cuộc chiến mà Polk mong muốn. Đến tháng 4, viên sỹ quan phụ trách hậu cần của Tướng Taylor là Đại tá Cross đã biến mất, trong khi đang trên đường tới phía Rio Grande. Mười một ngày sau, xác của ông ta mới được tìm thấy, trên đầu có vết đánh rất mạnh. Người ta quy kết cho du kích Mexico khi vượt sông đã giết ông ta. Trong lễ tang quân sự trang trọng, cốt để những người Mexico ở thành phố Matamoros đang túm tụm trên các mái nhà phía Rio Grande nhìn sang, Cross đã được mai táng với các nghi thức tôn giáo, kèm theo ba loạt súng trường tiễn biệt.
Ngay hôm sau, ngày 25 tháng 4, một đội lính tuần tra của Taylor đã bị người Mexico bao vây, tấn công và xóa sổ: 16 binh lính bị giết, một số bị thương, số còn lại bị bắt. Taylor đã gửi một thông điệp đến thống đốc các bang Texas và Louisiana yêu cầu họ tuyển ngay năm nghìn quân tình nguyện; ông ta đã được Nhà Trắng ban cho quyền lực này trước khi lên đường tới Texas. ông ta cũng gửi một bức điện tới Polk với nội dung: “Đã đến lúc cân nhắc hành động tuyên chiến.”
Người Mexico đã nổ phát súng đầu tiên. Nhưng theo những gì mà Đại tá viết lại trong nhật ký, thực ra họ đã làm cái điều mà chính phủ Mỹ mong muốn từ rất lâu, trước khi những trận đụng độ đầu tiên xảy ra:
Ngay từ đầu tôi đã nói rằng Hợp chúng quốc là những kẻ xâm lược… Chúng ta không có một chút quyền để được phép đến đây… Dường như chính phủ đã gửi một nhóm quân đến để tạo ra cuộc chiến và viện đó làm cớ để chiếm California, cũng như rất nhiều nơi khác mà đất nước này đã lựa chọn. Cho nên không cần biết là đội quân này như thế nào, cuộc chiến giữa Mexico và Hoa Kỳ là điều không còn nghi ngờ gì nữa… Trái tim tôi không muốn can dự việc này…, nhưng vì là một quân nhân, tôi phải thi hành mệnh lệnh.
Trước những đợt xung đột đầu tiên, Taylor đã gửi các thông điệp tới Polk, khiến vị Tổng thống này nhận ra rằng “khả năng nổ ra cuộc chiến là rất nhanh chóng”. Ngày 9 tháng 5, trước khi có tin tức về trận đánh, Polk đã đề nghị Nội các tuyên chiến, dựa trên một số tuyên bố liên quan đến các khoản tiền chống lại Mexico và việc Mexico tẩy chay một nhà đàm phán phía Mỹ tên là John Slidell. Polk đã ghi lại trong nhật ký những điều ông ta phát biểu trong cuộc họp Nội các:
Tôi xin nhấn mạnh rằng… đến thời điểm này, chúng ta chưa hề thấy hành động tuyên chiến công khai của Mexico, tuy nhiên tình hình nguy hiểm hiện nay báo trước rằng hành động tuyên chiến là điều chắc chắn. Quan điểm cá nhân tôi là chúng ta đã có cơ sở để tham chiến… chúng ta không thể nào giữ im lặng được lâu hơn nữa… đất nước chúng ta đã quá nóng lòng và bất bình về vấn đề này…
Thực ra nước Mỹ không “quá nóng lòng và bất bình”, mà bản thân Tổng thống đúng là như vậy. Khi những thông điệp của Tướng Taylor cho biết con số thương vong do các cuộc tấn công của Mexico, Polk đã tập hợp Nội các để nghe tin mới và họ ngầm đồng ý rằng Tổng thống cần phải đề nghị tuyên chiến. Thông điệp của Polk với Quốc hội chứa đầy sự phẫn nộ:
Sự kiên nhẫn đã vượt quá giới hạn, thậm chí trước khi xuất hiện các thông tin từ vùng biên giới Del Norte (Rio Grande). Nhưng giờ đây, sau khi lặp đi lặp lại các hành động khiêu khích, phía Mexico đã dám vượt qua biên giới của Hoa Kỳ, xâm chiếm lãnh thổ của chúng ta, làm những công dân Hoa Kỳ đổ máu ngay trên mảnh đất quê hương mình…
Vì cuộc chiến đã nổ ra bất chấp tất cả những nỗ lực ngăn chặn của chúng ta, do những hành động gây hấn của phía Mexico, chúng ta phải cân nhắc bằng trách nhiệm và lòng yêu nước để đưa ra quyết định nhằm bảo đảm danh dự, quyền và lợi ích của đất nước chúng ta.
Polk nói rằng việc triển khai quân Mỹ đến Rio Grande là một biện pháp phòng vệ cần thiết. Như John Schroeder đã viết trong cuốn Mr. Polk’s War (Cuộc chiến tranh của Ngài Polk): “Thực tế, sự thật cần được đảo ngược, Tổng thống Polk đã kích động gây chiến bằng cách gửi quân lính Mỹ đến khu vực đang tranh chấp, mà trong lịch sử lâu đời, khu vực này đã do người Mexico kiểm soát và sinh sống.”
Tiếp đó, Quốc hội vội vàng phê chuẩn lệnh tuyên chiến. Schroeder nhận xét: “Các thành viên của Đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện vốn rất nguyên tắc giờ đây đã sốt sắng đáp lại đề xuất tuyên chiến của Polk ngày 11 tháng 5”. Hàng loạt công văn giấy tờ mang theo các thông điệp chiến tranh, được xem là bằng chứng về tuyên bố của Polk, đã không thông qua kiểm tra mà vẫn được đưa lên bàn nghị sự của Hạ viện. Việc thảo luận về cung cấp lính tình nguyện và tài chính cho chiến tranh bị giới hạn trong vòng hai giờ đồng hồ mà thực ra khoảng thời gian đó chủ yếu chỉ dùng cho việc đọc lướt số tài liệu được đưa ra, chỉ còn non nửa tiếng đồng hồ dành để thảo luận các vấn đề.
Có lẽ Đảng Whig chống lại cuộc chiến ở Mexico, nhưng họ lại không phản đối việc mở rộng đất đai. Đảng Whig cũng muốn lấy được California, nhưng theo cách thức không phải tiến hành một cuộc chiến tranh. Schroeder đã nêu rõ vấn đề này: “Đề xuất của họ là một cuộc bành trướng về thương mại nhằm đảm bảo các tiền đồn ở Thái Bình Dương mà không cần phải tiến hành một cuộc chiến tranh.” Tương tự, họ cũng không tỏ ra đủ mạnh mẽ để chống lại hành động quân sự, bằng cách từ chối cấp nhân lực và tài chính cho các chiến dịch. Họ cũng không muốn đối mặt với rủi ro bị lên án là đã đẩy lính Mỹ vào tình trạng nguy hiểm, nếu không cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho binh sỹ chiến đấu. Kết quả là Đảng Whig đã bắt tay với Đảng Dân chủ trong việc bỏ phiếu áp đảo đối với một nghị quyết chiến tranh, với tỷ lệ 174 phiếu thuận và 14 phiếu chống. Những người phản đối là một nhóm nhỏ thành viên Đảng Whig chống lại chế độ nô lệ, hoặc “cái nút cực đoan”, như cách gọi của một đại biểu Quốc hội của Massachusetts, đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến.
Tại Thượng viện cũng có tranh luận, nhưng chỉ giới hạn trong một ngày và theo lời sử gia Frederick Merk, “chiến thuật đám đông cũng đã được lặp lại”. Biện pháp gây chiến đã được thông qua, với tỷ lệ 40 phiếu thuận và 2 phiếu chống, nhờ việc Đảng Whig bắt tay với Đảng Dân chủ. Trong suốt thời gian chiến tranh, theo Schroeder, “một nhóm thiểu số thành viên Đảng Whig nhạy cảm về chính trị chỉ có thể ‘quấy rầy’ chính quyền bằng cách đưa ra những chướng ngại bằng lời nói khi phải bỏ phiếu duyệt chi ngân sách cho các chiến dịch quân sự”. Tờ National Intelligencer Washington của Đảng Whig cũng chung quan điểm này. John Quincy Adams, bang Massachusetts, ban đầu đã bỏ phiếu cùng với “14 kẻ cứng đầu”, nhưng sau đó lại bỏ phiếu ủng hộ việc phân bổ ngân sách cho chiến tranh.
Abraham Lincoln của bang Illinois vẫn chưa là nghị sỹ Quốc hội khi cuộc chiến bắt đầu, nhưng sau khi được bầu vào năm 1846, ông cũng có dịp tham gia bỏ phiếu và nói về cuộc chiến. “Giải pháp các điểm” của ông đã trở nên rất nổi tiếng – ông thách thức Tổng thống Polk xác định được chính xác các điểm mà máu người Mỹ đã đổ “trên lãnh thổ nước Mỹ”. Nhưng ông cũng không cố gắng chấm dứt cuộc chiến bằng cách ngưng việc cung cấp tài chính, nhu yếu phẩm cho quân lính. Ngày 27 tháng 7
năm 1848, được sự ủng hộ của Tướng Zachary Taylor, ứng cử viên Tổng thống lúc bấy giờ, ông nói:
Nhân có Tướng Taylor, một vị anh hùng của cuộc Chiến tranh Mexico và các ngài, các thành viên Đảng Dân chủ vẫn nói rằng Đảng Whig chúng tôi luôn phản đối cuộc chiến, các ngài nghĩ rằng chúng tôi phải lúng túng và xấu hổ khi quay sang ủng hộ Tướng Taylor. Lời tuyên bố rằng chúng tôi luôn chống đối cuộc chiến là đúng hay sai, sẽ phụ thuộc vào cách mọi người hiểu cụm từ “chống đối cuộc chiến”. Nếu như nói rằng “cuộc chiến là không cần thiết và đã được Tổng thống khởi xướng một cách không hợp hiến”, là chống đối cuộc chiến, có lẽ đúng là Đảng Whig luôn chống lại… Việc đẩy quân vào một vùng đất thanh bình của người Mexico, đe dọa cưỡng bức khiến thường dân phải bỏ đi, để lại sau lưng họ mùa màng, tài sản bị tàn phá, đối với các ông là một quá trình bình thường, không có gì đáng bàn cãi; nhưng đối với chúng tôi thì không… Tuy nhiên, một khi cuộc chiến bắt đầu và nó đã trở thành việc đại sự của quốc gia, thì việc đóng góp tiền bạc, mạng sống của chúng tôi, cùng với các ông để hỗ trợ cuộc chiến, để rồi nói rằng chúng tôi chống lại cuộc chiến là không đúng. Ngoài một vài trường hợp hãn hữu, còn lại các ông đều nhận được sự đồng thuận của chúng tôi trong hầu hết các đợt bỏ phiếu bổ sung ngân sách, quân nhu…
Một nhóm đại biểu Quốc hội chống chế độ nô lệ đã cực lực lên án các biện pháp chiến tranh, họ cho rằng chiến dịch chiếm Mexico là một phương tiện để bành trướng lãnh thổ nô lệ ở miền Nam. Một trong số đại biểu này là Joshua Giddings của bang Ohio, vốn là một nhà hùng biện, với dáng người mạnh mẽ, ông đã gọi đó là “một cuộc chiến hung hăng, xấu xa và bất công”. ông giải thích về hành động mình bỏ phiếu chống lại việc cung cấp thêm binh lính và vũ khí: “Để giết người Mexico trên chính mảnh đất của họ, hoặc cướp bóc đất nước của họ, trước sau gì tôi cũng không tham gia vào công việc đó. Người khác có thể ủng hộ những tội ác này – còn tôi sẽ không bao giờ tham gia với họ…” Giddings cũng nhắc lại việc Đảng Whig tại Anh quốc, trong thời gian Cách mạng Mỹ, đã tuyên bố trước Quốc hội năm 1776 rằng, họ sẽ không bỏ phiếu để ủng hộ việc cung cấp nhu yếu phẩm cho cuộc chiến chống lại người Mỹ.
Sau khi Quốc hội nhóm họp vào tháng 5 năm 1846, đã có hàng loạt cuộc tuần hành, mít-tinh hô hào ủng hộ chiến tranh diễn ra khắp New York, Baltimore, Indianapolis, Philadelphia và nhiều nơi khác nữa. Hàng nghìn người đổ xô xin gia nhập đội quân tình nguyện. Trong những ngày đầu cuộc chiến, trên tờ Brooklyn Eagle, nhà thơ Walt Whitman đã viết: “Đúng! Mexico cần phải bị trừng phạt đích đáng!… Hãy để những đoàn quân của chúng ta được trang bị một sức mạnh tinh thần để chứng tỏ cho cả thế giới biết rằng, trong khi chúng ta không hề gây ra tranh chấp, nước Mỹ vẫn biết cách nghiền nát quân thù, biết cách làm thế nào để mở rộng bờ cõi!”
Đi kèm với thái độ hung hăng này là ý tưởng về việc Hợp chúng quốc sẽ ban phước để mở rộng tự do, dân chủ đến cho các dân tộc khác. Trộn lẫn với ý tưởng này là suy nghĩ cho rằng mình thuộc chủng tộc thượng đẳng hơn, niềm khát khao đối với những mảnh đất New Mexico và California tươi đẹp, những suy nghĩ về việc đẩy mạnh các hoạt động thương mại tới Thái Bình Dương.
Khi nói tới California, tờ Illinois State Register đặt ra câu hỏi: “Liệu khu vườn xinh đẹp này còn phải ngủ quên trong sự phong phú hoang dại và vô dụng trong bao lâu nữa?… Hàng đoàn người Mỹ năng động sẽ tràn vào những đồng cỏ màu mỡ và hứa hẹn ở đó. Tiếng rền máy móc của nền công nghiệp Anh-Mỹ sẽ vang lên tại các thung lũng đó, các thành phố sẽ mọc lên từ khu vực đồng bằng và vùng duyên hải, các nguồn tài nguyên và sự giàu có của đất nước sẽ tăng lên đến mức không đếm xuể.” Tờ American Review nói tới việc những người dân Mexico đang giang tay mời chào “một dân tộc thượng đẳng tràn vào lãnh thổ của Mexico, thay đổi các phong tục, thay đổi lối sống, thay đổi cách buôn bán, triệt tiêu dòng máu yếu đuối của đất nước này…” Còn tờ New York Herald viết năm 1847: “Nước Mỹ có thể giải phóng và cải tạo dân tộc Mexico trong vòng vài năm, và chúng tôi tin tưởng rằng một phần trong vận mệnh của chúng ta là khai hóa văn minh cho đất nước tươi đẹp này.”
Một lá thư xuất hiện trên New York Journal of Commerce đưa thêm khía cạnh Chúa trời vào trong bối cảnh: “Đấng Tối cao của vũ trụ đã sai khiến và cung cấp năng lượng cho con người trong việc mang lại lợi ích cho cả loài người. Việc sai khiến của
Người… đối với tôi là những thắng lợi mà quân đội chúng ta đã đạt được… Cứu 7 triệu linh hồn thoát khỏi những điều xấu xa vốn vẫn ngập tràn trong loài người, là mục tiêu… có vẻ là hiển nhiên.”
Thượng nghị sỹ H. V. Johnson nói:
Tôi tin rằng nếu như chúng ta từ chối phục tùng những mục đích cao cả của Chúa trời anh minh, có lẽ chúng ta đã phản bội lại sứ mệnh cao cả của mình. Chiến tranh luôn có những mặt xấu xa của nó. Trong mọi thời đại nó từng là tác giả của hàng loạt cái chết và sự tàn phá khủng khiếp, tuy nhiên nó cũng có những điều hết sức bí ẩn đối với chúng ta; được “Người bào chế đầy quyền năng” các sự kiện tạo ra như phương tiện để đạt mục đích cao cả của quá trình tiến hóa và kiếm tìm hạnh phúc của loài người… Nếu nhìn nhận theo quan điểm này, tôi tán thành học thuyết về “số phận định sẵn”.
Tờ Congressional Globe ra ngày 11 tháng 2 năm 1847 viết:
Thưa Ngài Giles, bang Maryland, tôi cho rằng một điều hết sức hiển nhiên là chúng tôi sẽ chiếm và phải chiếm vùng đất của Ngài trước khi chúng tôi đóng cửa các ngôi đền thần Janus… Chúng tôi sẽ phải hành quân từ đại dương này sang đại dương khác… Chúng tôi cần phải hành quân từ Texas thẳng tới Thái Bình Dương và chỉ có thể bị giới hạn bởi những cơn sóng dữ… Đó là số mệnh của người da trắng, đó là số mệnh của chủng tộc Anglo-Saxon…
Nhìn từ góc độ khác, Hiệp hội Chống Chế độ nô lệ Mỹ cho rằng cuộc chiến chỉ nhằm “đáp ứng mục đích đáng ghê tởm và khủng khiếp là mở rộng và duy trì chế độ nô lệ của Mỹ trên khắp lãnh thổ rộng lớn của Mexico”. James Russell Lowell – một nhà thơ trẻ mới 27 tuổi và là một người theo chủ nghĩa bãi nô ở Boston đã bắt đầu viết các bài thơ trào phúng trên tờ Boston Courier – những bài thơ sau này đã được sưu tầm lại dưới cái tên Biglow Papers (Những bài viết của Biglow). Trong đó, một nông dân New England tên là Hosea Biglow, bằng giọng địa phương của mình, đã nói về cuộc chiến:
Chiến tranh, tôi gọi là kẻ giết người,
Ở đây anh có đồng bằng và đầm lầy Tôi chẳng muốn đi xa hơn
Hơn những người Texas quê tôi… Chúng có thể nói về các thần Tự do Hãy nói thẳng với dân chúng,
Đó là cái mộ khổng lồ
Chôn vùi cả giống nòi chúng ta Chúng chỉ muốn chiếm Californy này Để mở rộng các bang nô lệ mới
Để lăng mạ anh và khinh miệt anh Và cướp bóc anh, như một tội đồ.
Khi cuộc chiến tranh vừa bắt đầu, đến mùa xuân năm 1846, Henry David Thoreau, một nhà văn sống ở Concord, Massachusetts đã từ chối đóng thuế thân để phản đối cuộc chiến tranh Mexico. ông đã bị bắt và giam giữ một đêm. Những người bạn, dù chưa có sự đồng ý của ông, đã nộp thuế thay cho ông và ông đã được thả ra. Hai năm sau, ông có một bài thuyết trình mang tên “Cuộc phản kháng chính phủ dân sự”, sau được in lại dưới dạng một luận văn với tiêu đề “Civil Disobedience” (Sự bất tuân dân sự):
Không thể mong đợi người ta nuôi dưỡng sự tôn trọng đối với luật pháp nhiều như đối với quyền lợi… Luật pháp chưa bao giờ khiến con người trở nên công bằng hơn chút nào, thậm chí mầm mống của sự bất công xuất hiện hàng ngày chính là thông
qua việc tôn trọng luật pháp. Một kết quả tự nhiên và thường thấy của việc không tôn trọng luật pháp thích đáng là bạn có thể được xem hồ sơ những người lính… đang hành quân theo mệnh lệnh đáng kính, trèo đèo lội suối để dấn thân vào các cuộc chiến, chống lại nguyện vọng của chính họ, chống lại lẽ phải và lương tâm ‒ những yếu tố giúp thúc đẩy bước chân hành quân và nhịp đập con tim họ.
Bạn của ông, nhà văn Ralph Waldo Emerson, đồng ý với quan điểm đó, song cũng cho rằng việc phản đối là vô ích. Khi thăm Thoreau đang ở tù, Emerson hỏi: “ông đang làm gì ở trong này?” Người ta kể rằng, Thoreau đáp lại: “Còn ông làm gì ở ngoài đó?”
Các nhà thờ hầu như đều lên tiếng ủng hộ chiến tranh, hoặc giữ thái độ im lặng. Nhìn chung, chỉ có các nhà thờ thuộc phái Thuyết nhất thể (Unitarian), phái Giáo hữu (Quaker), phái Giáo đoàn (Congregational) là quyết liệt chống chiến tranh. Tuy nhiên, một mục sư theo phái Baptist, Đức cha Francis Wayland, chủ tịch Đại học Tổng hợp Brown, đã có ba bài thuyết giáo tại nhà nguyện của trường. Tại đó ông ta đã nói rằng, những cuộc chiến tranh tự vệ là chính nghĩa; trong trường hợp có những cuộc chiến tranh không chính nghĩa, các cá nhân phải có trách nhiệm đạo đức là chống lại và không ủng hộ tài chính cho chính phủ để duy trì cuộc chiến.
Đức cha Theodore Parker, một mục sư phái Thuyết nhất thể ở Boston lại kết hợp việc phê phán cuộc chiến với thái độ coi khinh người Mexico, những người bị ông ta xem là “bọn đáng ghét, đáng ghét từ gốc gác, lịch sử đến tính cách” và những người này phải cuốn xéo, giống như thổ dân Anh-điêng. Theo ông ta, Hoa Kỳ cần phải bành trướng, nhưng không phải bằng cách thông qua chiến tranh mà bằng sức mạnh ý chí, bằng sức ép về thương mại, bằng “những tiến bộ vững vàng của một chủng tộc ưu việt hơn, với ý chí quật cường hơn và một nền văn minh tiến bộ hơn… và trong một vị thế đáng nể hơn Mexico, khôn ngoan hơn, nhân đạo hơn, có nhiều sự tự do và can đảm hơn”. Năm 1847, Parker kêu gọi chống lại cuộc chiến: “Hãy để những người đàn ông New England đăng ký tham chiến, những thương nhân New England sẵn sàng bỏ tiền của, hoặc cho mượn các đội tàu của họ để phục vụ cuộc chiến nhơ bẩn này phải cảm
thấy xấu hổ; hãy để những kẻ sản xuất đại bác, dao kiếm và thuốc súng giết những người anh em của chúng ta phải cảm thấy hổ thẹn…”
Quan điểm phân biệt chủng tộc của Parker ngày càng lan rộng. Nghị sỹ Delano, ở bang Ohio, thành viên Đảng Whig với chủ trương chống chế độ nô lệ, đã phản đối cuộc chiến vì ông sợ rằng người Mỹ sẽ bị trộn lẫn với những người kém thế, những hạng người “đủ loại màu da… một sự hòa trộn đáng buồn các dòng máu Tây Ban Nha, Anh quốc, thổ dân Anh-điêng và người da đen… Và hậu quả là cho ra đời những chủng tộc ngu đần và lười biếng”.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, sự phản đối càng gia tăng. Hiệp hội Hòa bình Mỹ đã ra một tờ báo có tên Advocate of Peace, trong đó đăng tải các bài thơ, diễn văn, kiến nghị và các bài thuyết trình chống chiến tranh, cũng như chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe về sự xuống cấp trong cuộc sống quân ngũ và những điều khủng khiếp trong các trận đánh. Những người theo chủ nghĩa bãi nô thông qua tờ Liberator của William Lloyd Garrison đã tố cáo cuộc chiến là một trong những “sự hung hăng, xâm lược, cướp đoạt do một lũ lưu manh, phản bội và tất cả các đặc điểm xấu xa trong sự suy đồi của một dân tộc…” So sánh với những nỗ lực của các nhà lãnh đạo nước Mỹ trong việc xây dựng và khơi dậy lòng yêu nước, số lượng những lời phê phán và bất bình bày tỏ công khai không phải là nhỏ. Hàng loạt cuộc biểu tình phản chiến vẫn nổ ra bất chấp các cuộc tấn công của các phe nhóm đại diện cho lòng yêu nước.
Khi quân đội tiến gần Mexico City, tờ Liberator vẫn dám tuyên bố mong ước là quân Mỹ sẽ thất trận: “Tất cả những ai yêu chuộng tự do và nhân đạo trên toàn thế giới, đều mong muốn [người Mexico] sẽ giành được những thắng lợi vẻ vang… Chúng tôi chỉ hy vọng rằng, nếu như máu có phải đổ thì đó sẽ là máu của quân Mỹ, và tin tiếp theo chúng ta hy vọng sẽ được nghe là Tướng Scott và đoàn quân của ông ta bị rơi vào tay người Mexico… Chúng tôi mong ông ta và quân lính sẽ không bị thiệt hại gì về tính mạng, nhưng sẽ phải chịu những thất bại và nhục nhã ê chề.”
Ngày 21 tháng 1 năm 1848, trên tờ North Star ở Rochester, Frederick Douglass, người từng là nô lệ, một diễn giả và tác giả xuất sắc, đã viết đây là “cuộc chiến ô nhục, tàn
nhẫn và trái đạo lý với nước cộng hòa anh em của chúng ta. Dường như Mexico là một nạn nhân bất hạnh của lòng tham, nỗi khát khao cai trị của người Anglo-Saxon”. Douglass tỏ ra khinh bỉ hành động ngập ngừng không cụ thể của những người chống lại cuộc chiến (thậm chí những người theo phong trào bãi nô vẫn tiếp tục nộp thuế):
Sự kiên quyết gây chiến của vị Tổng thống vốn chủ trương chế độ nô lệ và khả năng ông ta sẽ thành công trong việc vắt kiệt sức người và sức của để nướng vào cuộc chiến, đã trở thành bằng chứng rõ ràng, chứ không còn là nghi ngờ, đối với tình trạng chống lại ông ta. Chưa có một chính trị gia đáng kính hoặc lỗi lạc nào dám sẵn sàng mạo hiểm sự tín nhiệm của cử tri đối với đảng của ông ta, bằng cách công khai phản đối cuộc chiến. Không ai dám quả quyết sẽ đấu tranh vì hòa bình bằng mọi giá và hầu như tất cả đều cho rằng cuộc chiến phải được tiến hành, bằng cách này hay cách khác.
Quan điểm công chúng thì sao? Thật khó nói. Sau chiến dịch đầu tiên, việc tuyển quân bắt đầu chững lại. Cuộc bầu cử năm 1846 đã chỉ ra nhiều làn sóng chống Polk, nhưng liệu ai có thể tính được bao nhiêu phần trăm trong số ý kiến phản đối này là do cuộc chiến? Tại Massachusetts, đại biểu Quốc hội Robert Winthrop, người từng bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến, đã được bầu lại với tỷ lệ ủng hộ cao, so với một thành viên Đảng Whig chống lại cuộc chiến. Schroeder kết luận rằng, mặc dù sự tín nhiệm đối với Polk đã giảm, song “những nỗ lực ủng hộ cuộc chiến tranh Mexico vẫn cao”. Nhưng điều này cũng chỉ là phỏng đoán. Lúc đó không hề có các cuộc điều tra về dư luận. Nói về việc bỏ phiếu, phần đông dân chúng không hề bỏ phiếu và những người không đi bỏ phiếu này nghĩ gì về cuộc chiến?
Các sử gia về cuộc chiến tranh Mexico đã dễ dàng nói về “nhân dân” và “quan điểm công chúng” – như Justin H. Smith, tác giả của công trình nghiên cứu dày hai tập có tên The War with Mexico (Cuộc chiến tranh với Mexico), được xem như một công trình mẫu mực: “Tất nhiên, tất cả những sức ép phải ủng hộ cuộc chiến trong nhân dân chúng ta… cần được ghi nhận, không ít thì nhiều, đó cũng chính là bản chất của chính phủ.”
Tuy nhiên, chứng cứ mà Smith đưa ra không phải là từ “nhân dân” mà là từ báo chí,
được xem là cơ quan phát ngôn của nhân dân. Tháng 8 năm 1845, tờ New York Herald viết: “Dân chúng đã kêu gào ủng hộ cuộc chiến.” Và tờ New York Journal of Commerce nửa đùa, nửa thật viết: “Chúng ta hãy cùng nhau tham chiến. Thế giới đã trở nên quá cũ kỹ và tẻ nhạt, hãy để cho tất cả các con tàu đều bị bắt, các thành phố bị đập phá tan nát và thế giới bị thiêu trụi, để rồi chúng ta có thể bắt đầu lại. Nghe những điều này có vẻ buồn cười. Nhưng cũng có rất nhiều điều thú vị để bàn bạc.” Tờ New York Morning News viết: “lòng nhiệt thành và tuổi trẻ sục sôi trong các thành phố… muốn có một hướng đi để giải phóng nguồn năng lượng vô tận của mình và cuối cùng, sự chú ý đã tập trung vào Mexico”.
Liệu báo chí có phản ánh tâm tư tình cảm của công chúng, hay tạo ra tâm tư trong công chúng? Những người phản ánh tâm tư tình cảm của công chúng, như Justin Smith, thường bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về sự cần thiết của cuộc chiến. Smith đã liệt kê một danh sách dài về những tội lỗi của Mexico đối với nước Mỹ, ông kết thúc bằng câu: “Điều đó phụ thuộc vào chính phủ của chúng ta, do đó, với tư cách là tác nhân quyền lợi và nhân cách của dân tộc, chúng ta phải áp dụng một liệu pháp để điều trị.” Đáp lại lời kêu gọi ủng hộ cuộc chiến của Polk, ông nhận xét: “Sự thật chẳng có sự nghiệp nào là sự nghiệp yêu nước hoặc dựa trên lý trí cả.”
Không thể nào biết được là công chúng ủng hộ cuộc chiến đến mức nào. Và cũng có rất ít bằng chứng cho thấy nhiều tầng lớp lao động có tổ chức chống lại cuộc chiến. Trước kia, khi việc sáp nhập Texas được cân nhắc, các tầng lớp lao động tại New England đã tổ chức mít-tinh phản đối sáp nhập. Một tờ báo ở Manchester, New Hampshire, đã viết:
Cho đến nay chúng ta vẫn giữ bình tĩnh khi xem xét việc sáp nhập Texas, với mục đích xem xét liệu đất nước chúng ta có nỗ lực dựa vào điều đó để hành động hay không. Chúng tôi gọi đó là cơ sở, bởi lẽ điều đó có thể tạo cho những người vốn sống trên máu của người khác có thêm cơ hội nhúng sâu đôi tay họ vào những tội lỗi của chế độ nô lệ… Đến nay chúng ta đã thực hiện bãi nô đủ chưa?
Nhà sử học Philip Foner thống kê là đã có các cuộc biểu tình của công nhân người
Ireland tại New York, Boston và Lowell chống lại việc thôn tính Texas. Tháng 5, khi cuộc chiến chống Mexico bắt đầu, giới lao động tại New York kêu gọi tổ chức mít-tinh chống lại cuộc chiến, nhiều công nhân Ireland đã hưởng ứng. Cuộc mít-tinh đã gọi cuộc chiến là một mục đích của giới chủ nô và yêu cầu rút quân Mỹ ra khỏi lãnh thổ đang tranh chấp. Cũng năm đó, một đại hội của Hiệp hội Người lao động New England cũng lên án cuộc chiến và tuyên bố không “cầm vũ khí để giúp các chủ nô miền Nam duy trì việc cướp bóc một phần năm số người đang trong độ tuổi lao động”.
Một số tờ báo đã lên tiếng phản đối, ngay từ lúc bắt đầu cuộc chiến. Trên tờ New York Tribune, Horace Greeley viết:
Chúng ta có thể dễ dàng đánh bại các đoàn quân Mexico, tiêu diệt hàng nghìn tên địch và truy đuổi đến tận thủ đô của họ, chúng ta có thể chinh phục và “sáp nhập” lãnh thổ của họ, nhưng rồi chuyện gì sẽ nối tiếp? Phải chăng lịch sử điêu tàn của Hy Lạp và La Mã trong công cuộc giải phóng và mở rộng đế chế bằng gươm đao, không để lại bài học nào cho chúng ta? Ai có thể tin rằng với những chiến thắng trước Mexico, hoặc việc “sáp nhập” một nửa số tỉnh của họ, sẽ giúp chúng ta có Tự do nhiều hơn, Đạo đức trong sáng hơn và Công nghiệp phát triển hơn những gì chúng ta có hiện nay?… Phải chăng cuộc sống chưa đủ tồi tệ hay cái chết chưa đến đủ nhanh, nếu chúng ta không dùng đến cỗ máy gớm ghiếc của thần Chiến tranh?
Còn những người phải chết vì tham gia chiến đấu – những người lính hành quân, ướt đẫm mồ hôi, ốm đau, bị giết chết – thì sao? Những người lính Mexico. Những người lính Mỹ?
Chúng ta ít biết về phản ứng của những người lính Mexico. Chúng ta cũng không biết rằng Mexico là một chế độ chuyên quyền, một miền đất của người Anh-điêng và người mestizos (lai giữa người Anh-điêng và người Tây Ban Nha), được cai quản bởi người criollos (người da trắng gốc Tây Ban Nha). Trong đó có khoảng chừng một triệu người criollos, hai triệu người mestizos và ba triệu dân Anh-điêng. Phải chăng là sự miễn cưỡng tự nhiên khi những người nông dân phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ
một đất nước do bọn địa chủ cai quản, vượt qua bằng tinh thần dân tộc để bùng lên chống lại kẻ ngoại xâm?
Chúng ta biết rõ hơn về đội quân tình nguyện Mỹ, không chỉ là những người lính nhập ngũ theo luật định, mà còn là bị lôi kéo bởi tiền bạc và giấc mơ đổi đời nhờ những cơ hội thăng tiến trong quân đội. Một nửa quân số của Tướng Taylor chủ yếu là dân Ireland và Đức mới nhập cư. Trong khi vào năm 1830, khoảng 1% dân số của Hoa Kỳ chủ yếu là người sinh ra ở nước ngoài, thì đến giai đoạn chiến tranh Mexico, con số này lên tới 10%. Lòng yêu nước của họ không mạnh mẽ lắm. Niềm tin của họ đối với tất cả các cuộc tranh luận trên báo chí về việc mở rộng lãnh thổ, có thể cũng không lớn lao. Thực tế, nhiều người trong số họ chấp nhận đào ngũ sang phía Mexico là do bị tiền bạc lôi kéo. Một số người gia nhập quân đội Mexico và họ thành lập đội quân riêng, đó là Tiểu đoàn San Patrick (St. Patrick).
Ban đầu dường như có một sự nhiệt tình gắn bó trong quân đội, được tiền bạc và lòng yêu nước khích lệ. Tinh thần chiến tranh lên cao ở New York, nơi cơ quan lập pháp cho phép thống đốc được huy động tới 50 nghìn quân tình nguyện. Placards đã đọc diễn văn “Mexico hay là Chết”. Hai mươi nghìn người đã tụ họp tại Philadelphia, ba nghìn người tại Ohio đăng ký tham gia quân tình nguyện.
Tinh thần này chẳng mấy chốc đã tan biến. Một phụ nữ tại Greensboro, Bắc Carolina ghi lại trong nhật ký:
Thứ Ba, ngày 5 tháng 1 năm 1847…, hôm nay là ngày tập trung, Ngài Gorrell và Ngài Henry diễn thuyết. Tướng Logan đã đón tiếp họ trên đường phố này và yêu cầu tất cả những người tình nguyện đi theo sau. Khi ông ta đi lại trên đường phố, tôi thấy 6, 7 người gì đó trông sắc diện không được tốt lắm theo sau, đi đầu là anh chàng Jim Laine tội nghiệp. Không biết có bao nhiêu sinh linh tội nghiệp đã và sẽ tiếp tục hy sinh trước bàn thờ của lòng kiêu hãnh và tham vọng này?
Các áp-phích kêu gọi quân tình nguyện tại Massachusetts: “Hỡi các chàng trai của Essex cổ kính! Hỡi các chàng trai của Newburyport! Hãy mau mau gia nhập đoàn
quân dũng cảm, lịch lãm, với trái tim sư tử. Các bạn sẽ đến với vinh quang và chiến thắng!” Họ hứa mỗi tháng sẽ trả cho 7-10 đô-la, cộng thêm một khoản tiền thưởng của liên bang là 24 đô-la và 160 mẫu đất. Nhưng có một thanh niên giấu tên đã viết trên tờ Cambridge Chronicle:
Tôi không hề có ý tưởng “gia nhập” với các người, cũng như hỗ trợ cuộc chiến chống lại Mexico. Tôi không mong muốn tham gia những cái lò mổ phụ nữ và trẻ em “vinh quang” như bức tranh minh họa việc chiếm đóng Montercy, v.v… Tôi cũng không hề có nguyện vọng đặt mình dưới sự sai khiến của mấy tay bạo chúa nhà binh tầm thường, mà những mệnh lệnh thất thường của họ buộc tôi phải tuyệt đối tuân theo. Thưa ngài – không bao giờ! Chừng nào tôi còn có thể làm việc, thậm chí đi ăn xin hoặc đến nhà tế bần, tôi cũng sẽ không thèm đi Mexico, để bị giam mình trong những căn cứ ẩm ướt, nửa chết đói và nửa như bị quay chín, làm mồi cho muỗi, rắn rết và nhện độc khi luyện tập và lải nhải những điều vô nghĩa để rồi bị bắn tung xác, chỉ để đổi lấy 8 đô-la mỗi tháng và những khẩu phần ăn hẩm hiu. Đúng thế, tôi sẽ không làm vậy… Cối xay thịt người cũng có hạn định của nó… Chẳng mấy chốc sẽ đến lúc những tên lính chuyên nghiệp sẽ bị xếp ngang hàng như bọn cướp, giống bọn du cư và sát nhân hung dữ.
Báo cáo về tình trạng nam giới bị ép trở thành lính tình nguyện, bị kích động về công việc trong quân ngũ ngày càng gia tăng. Có lần James Miller, ở Norfolk, Virginia kể rằng anh ta bị “tác động của một lượng rượu mạnh quá mức” đến nỗi đã ký tên vào tờ đăng ký nghĩa vụ quân sự. “Sáng hôm sau, tôi bị kéo lê lên một con tàu đi về phía Pháo đài Monroe, ở đó tôi bị giám sát chặt chẽ tại một nhà giam trong 16 ngày.”
Đã có rất nhiều lời hứa hẹn được thổi phồng và những lời nói dối trắng trợn được đưa ra nhằm xây dựng các đơn vị quân tình nguyện. Khi viết về lịch sử lính tình nguyện ở New York, một người đã tuyên bố:
Nếu coi việc tách người da đen khỏi nhà của họ là một điều tàn ác, thì sẽ coi là tàn ác gấp bao nhiêu lần khi lôi kéo người da trắng ra khỏi nhà của họ, bằng những sự khích lệ giả dối và ép buộc họ phải rời bỏ vợ con, mà không để lại một xu hay bất cứ sự hỗ
trợ nào, ra đi vào thời điểm lạnh lẽo nhất trong năm để đến một nơi khí hậu hoàn toàn khác biệt, rất dễ ốm đau!… Nhiều người không có công ăn việc làm, họ đăng ký nhập ngũ vì gia đình, họ đã được “tạm ứng trước ba tháng lương” và có thể để lại một phần tiền lương cho gia đình nhằm bù đắp việc họ vắng nhà… Tôi nói thẳng ra rằng, cả trung đoàn đều đã bị lừa – quả lừa đối với người lính, đối với thành phố New York, đối với chính phủ Hoa Kỳ…
Đến cuối năm 1846, việc tuyển quân giảm sút, vì thế, các yêu cầu về thể lực cũng giảm xuống và nếu ai giới thiệu được người chấp nhận tuyển quân sẽ được trả 2 đô-la mỗi người. Nhưng điều này cũng không giải quyết được nhiều. Đầu năm 1847, Quốc hội cho phép thành lập 10 trung đoàn chính quy mới để phục vụ cuộc chiến, đồng thời hứa khi hoàn thành nhiệm vụ, mỗi người sẽ được hỗ trợ 100 mẫu đất công. Nhưng sự không hài lòng vẫn tiếp diễn. Những người lính tình nguyện kêu ca rằng lính chính quy được hưởng nhiều đặc ân hơn. Những người đăng lính than phiền các sỹ quan đối xử với họ như với kẻ hèn người hạ vậy.
Không lâu sau, thực tế của các trận đánh đã trùm lên vinh quang và những lời hứa. Trên đường đi Rio Grande, trước khi đến Matamoros, đoàn quân gồm năm nghìn lính Mexico, dưới sự chỉ huy của Tướng Arista, đã đụng độ với đoàn quân gồm ba nghìn lính của Taylor, súng cối bắt đầu khai hỏa và anh chàng pháo thủ Samuel French đã được chứng kiến cái chết đầu tiên của trận chiến. John Weems đã mô tả lại:
Anh ta nhìn chằm chằm một người đang ngồi trên ngựa, bỗng nhiên anh ta nhìn thấy một viên đạn xuyên qua yên ngựa, khoét một lỗ trên cơ thể của người lính và phía bên kia vọt ra một luồng máu đỏ sẫm. Những mảnh xương hoặc kim loại gì đó xé toạc hông, chẻ đôi môi và hàm răng của con ngựa thứ nhất, làm bay hết hàm răng của con ngựa thứ hai và vỡ vụn hàm của con ngựa thứ ba.
Trung úy Grant thuộc Trung đoàn số 4 đã “nhìn thấy một quả cầu lửa bay đến gần, nổ tung một khẩu súng hỏa mai trong tay một người lính và xé toạc đầu anh ta, sau đó cắt đứt khuôn mặt của một viên đại úy”. Khi trận chiến kết thúc, 500 lính Mexico đã chết hoặc bị thương. Phía Mỹ, thiệt hại khoảng 50 quân. Weems đã miêu tả lại khung cảnh
sau cuộc chiến: “Màn đêm buông xuống che phủ những người lính buồn ngủ rũ rượi, nằm lăn lóc trên các bãi cỏ bị giày xéo, xung quanh họ là những người lính khác của cả hai phía nằm sõng soài kêu la, rên rỉ đau đớn vì các vết thương. Thấp thoáng ngoài ánh đèn pin leo lét của các bác sỹ phẫu thuật, người ta chỉ thấy bóng đêm vô tận.”
Ra khỏi chiến trận, sự lãng mạn của những tờ áp-phích quảng cáo tuyển quân cũng nhanh chóng bị lãng quên trong các doanh trại quân đội. Một viên sỹ quan pháo binh trẻ tuổi đã mô tả về cuộc sống trong doanh trại ở vùng Corpus Christi mùa hè năm 1845, thậm chí trước khi cuộc chiến nổ ra rất lâu:
Phải nói về cảnh ốm đau, sự vất vả và những cái chết do sự cẩu thả tội lỗi là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề của chúng tôi. Hai phần ba lều trại phục vụ cho quân đội đều bị rách và mục nát hết… Việc dựng trại được thực hiện tại một đất nước mà một năm có tới ba tháng liền mưa to liên tục kéo dài… Trong suốt tháng 11 và 12, mưa thường như trút nước, hoặc những cơn gió bấc dồn dập giật đổ cả các cột lều trại và xé toạc các lớp vải bạt. Có khi hàng tuần, mọi đồ đạc trong hàng trăm lều trại đều bị ướt sũng. Trong những tháng tồi tệ đó, những khổ sở phải chịu đựng vì ốm đau tại các lều bệnh viện còn kinh khủng hơn cả mức có thể tưởng tượng nổi…
Khi tiến quân vào New Orleans, Trung đoàn Bộ binh số 2 của Mississippi đã bị giá lạnh và bệnh tật tấn công. Báo cáo quân y của trung đoàn cho biết: “Sáu tháng sau khi trung đoàn được thành lập, 167 người đã chết và 134 người giải ngũ.” Lính trung đoàn bị nhồi nhét trong các đợt vận chuyển, 800 người được sắp xếp trên ba chiếc tàu thủy. Báo cáo nêu tiếp:
Đám mây đen tối của bệnh tật vẫn lơ lửng trên đầu chúng ta. Các khoang tàu… nhanh chóng chất đầy người ốm. Mùi hôi thối xông lên đến mức không ai chịu nổi… biển động… Suốt đêm, con tàu cứ xô những người ốm từ bên này sang bên kia, rồi dồn họ vào thành từng cục. Những tiếng la hét man rợ của người mê sảng, những lời than vãn của người ốm, tiếng rên ai oán của người sắp chết, tất cả tạo ra một khung cảnh hỗn loạn triền miên… Bốn tuần phải có mặt trên đoàn tàu kinh khủng và trước khi cập bờ ở Brasos, chúng tôi đã phải tống tiễn hai mươi tám người lính xuống làn nước đen
ngòm.
Trong khi đó, các lực lượng Mỹ gốc Anh cũng tiến quân bằng cả đường biển và đường bộ đến California. Một viên sỹ quan hải quân trẻ tuổi, sau một hành trình dài vòng quanh mũi nam của Nam Mỹ và tiến đến vùng duyên hải Monterey ở California, đã ghi lại trong nhật ký:
Châu á… sẽ được mang đến tất cả các cửa ngõ của chúng tôi. Người dân sẽ đổ xô vào các vùng trù phú của California. Các nguồn tài nguyên của cả đất nước… sẽ được phát triển… Các khu đất công dọc các trục đường [xe lửa] sẽ biến hoang mạc thành các khu vườn, và số lượng lớn dân cư sẽ được định cư tại đó…
Cuộc chiến tại California là cuộc chiến ly khai, quân Mỹ gốc Anh đã tấn công các khu định cư của người Tây Ban Nha, ăn cắp ngựa và tuyên bố California ly khai khỏi Mexico – “Nước Cộng hòa Lá cờ Gấu” (Bear Flag Republic). Người Anh-điêng sống ở đó, vậy nên viên sỹ quan hải quân Revere đã tập hợp các tù trưởng Anh-điêng và nói với họ (như sau này anh ta đã hồi tưởng lại):
Tôi gọi các bạn vì có chuyện muốn nói với các bạn. Miền đất mà các bạn vẫn đang sinh sống không còn thuộc về Mexico, mà thuộc về một quốc gia hùng mạnh với lãnh thổ trải rộng từ đại dương vĩ đại mà các bạn có thể đã nhìn hoặc nghe thấy, tới một đai dương vĩ đại khác mà chỉ cách mặt trời mọc khoảng vài nghìn dặm… Tôi là một sỹ quan của quốc gia vĩ đại đó, và để đến được đây, tôi đã phải vượt qua hai đại dương vĩ đại ấy trên những chiếc tàu chiến, với những tiếng động khủng khiếp, khạc ra lửa khói và sấm sét từ các vũ khí, để tiêu diệt kẻ thù của chúng tôi. Quân đội của chúng tôi giờ đã có mặt ở Mexico và sẽ nhanh chóng chiếm được toàn bộ đất nước này. Nhưng các bạn không có gì phải lo ngại, nếu các bạn làm đúng…, nếu các bạn trung thành với những người cai quản mới của các bạn… Chúng tôi đến đây là để chuẩn bị miền đất hoa lệ này cho những người khác, cho những cư dân trên thế giới cần nơi cư trú và đây có thể là nơi cu trú cho hàng triệu người, những người sẽ đến đây sống mãi mãi và khai thác mảnh đất này. Chấp nhận người khác đến, nhưng chúng tôi không có ý chuyển các bạn đi, nếu như các bạn hành động hợp lý… Các bạn có thể học một cách
dễ dàng, nhưng các bạn hơi lười biếng một chút. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ thay đổi thói quen, cần cù và tiết kiệm hơn, từ bỏ mọi thói hư tật xấu mà các bạn vẫn đang sống cùng; nhưng nếu như các bạn lười biếng và hoang phí, chẳng mấy chốc, các bạn sẽ tuyệt chủng. Chúng tôi sẽ giám sát các bạn và dành cho các bạn tự do thực thụ; nhưng hãy dè chừng sự nổi loạn, tình trạng vô luật pháp và tất cả các tội ác khác, bởi lẽ sự che chắn của quân đội sẽ bảo đảm để các biện pháp trừng phạt sẽ truy đuổi đến tận những nơi xa xôi nhất mà các bạn có thể ẩn nấp.
Tướng Kearney tiến vào New Mexico một cách dễ dàng và Santa Fe đã bị chiếm mà không hề có một trận giao chiến. Một sỹ quan Mỹ đã miêu tả phản ứng của người dân Mexico trước việc quân Mỹ tiến vào thành phố thủ đô:
Cuộc hành quân của chúng tôi tiến vào thành phố… hết sức hiếu chiến, với các đội kỵ binh dàn hàng và gươm luôn sẵn sàng tuốt ra khỏi vỏ. Từ các góc phố, những người đàn ông nhìn chúng tôi với một vẻ cảnh giác, nếu không nói là khiếp đảm, những đôi mắt đen thì lén nhìn các chàng kỵ sĩ của chúng tôi qua các cửa sổ mắt cáo, một số có vẻ tràn đầy hy vọng, một số nước mắt đầm đìa… Khi lá quốc kỳ của Mỹ được dựng lên và khẩu đại bác rền vang mấy loạt để chào mừng khúc khải hoàn của dân tộc, thì cảm xúc dồn nén của nhiều phụ nữ không thể giấu kín được nữa… tiếng la khóc vang vọng từ những ngôi nhà ảm đạm đã át cả tiếng bước chân của đoàn ngựa, vọng vào thẳng tai chúng tôi từ nhiều phía.
Đó là vào tháng 8. Đến tháng 12, người Mexico ở Taos, New Mexico, đã nổi dậy chống lại sự cai trị của người Mỹ. Một báo cáo gửi Washington đã nêu rõ: “Rất nhiều trong số những người có ảnh hưởng nhất ở vùng phía bắc lãnh thổ này liên quan đến cuộc nổi loạn.” Cuộc nổi dậy đã bị đàn áp, việc bắt giữ được tiến hành. Nhưng nhiều người nổi loạn đã trốn thoát và thi thoảng họ vẫn tiến hành các cuộc tấn công, giết một số quân Mỹ, sau đó lại lẩn trốn trong các vùng núi. Quân Mỹ đuổi theo và một trận quyết chiến liều mạng cuối cùng diễn ra, trong đó có đến 600-700 quân nổi loạn tham chiến, chừng 150 người trong số này đã bỏ mạng và cuộc nổi loạn coi như chấm dứt.
Tại Los Angeles cũng xảy ra một cuộc nổi loạn. Những người Mexico đã khiến đội quân đồn trú của Mỹ tại đó phải đầu hàng vào tháng 9 năm 1846. Hoa Kỳ đã không lấy lại được Los Angeles cho đến tận tháng 1, sau một trận huyết chiến.
Tướng Taylor đã vượt qua Rio Grande, xâm chiếm Matamoros và di chuyển về phía nam đi qua Mexico. Nhưng những người lính tình nguyện của ông ta ngày càng trở nên ngỗ ngược trên lãnh thổ Mexico. Các ngôi làng của người Mexico bị cướp bóc. Một viên sỹ quan đã ghi lại trong nhật ký của mình vào mùa hè năm 1846: “Chúng tôi đến Burrita vào lúc 5 giờ chiều, rất nhiều lính tình nguyện đã có mặt ở đó – thực ra đó là một đám đông say rượu vô kỷ luật. Họ xua đuổi và cướp bóc tài sản của người dân địa phương, thi nhau thể hiện thú tính của mình.” Các trường hợp cưỡng hiếp bắt đầu lan tràn.
Khi quân lính dời Rio Grande để tiến đến Camargo, trời trở nên nóng nực khủng khiếp, nước hết sức bẩn thỉu và bệnh tật tăng lên nhanh chóng – nào là tiêu chảy, kiết lỵ và nhiều các loại bệnh khác – cho tới khi có người chết. Đầu tiên những người chết còn được chôn cất theo nghi thức và có dàn kèn “đưa hồn tử sỹ” tiễn biệt. Đến khi số lượng chết tăng lên quá nhanh thì các nghi lễ chính thức của quân đội không được tổ chức nữa.
Hành quân về phía nam và phải đối mặt với một trận chiến khác, người, ngựa chết ngổn ngang trông rất thê thảm, một viên sỹ quan đã mô tả cảnh chiến trường “nhầy nhụa mồ hôi ngựa và máu người”.
Sau khi quân đội của Taylor chiếm được Monterey, ông ta miêu tả là đã chứng kiến “một số hành động tàn ác đáng hổ thẹn” của Đội biệt động Texas. Và khi thời hạn trong quân ngũ của những người này hết, Taylor đã tống họ về quê. Trong khi đó, những tên lính khác vẫn tiếp tục cướp bóc và giết hại người Mexico. Một toán quân thuộc Trung đoàn Kentucky đã đột nhập một khu dân cư của người Mexico, đuổi hết những người chồng và hãm hiếp những người vợ. Quân du kích Mexico đáp trả bằng những cuộc trả thù ác liệt.
Khi quân Mỹ càng tiến công thì càng có nhiều trận chiến nổ ra, thêm hàng nghìn người của cả hai phía chết, thêm hàng nghìn người bị thương và thêm hàng nghìn người bị ốm đau vì dịch bệnh. Chỉ trong một trận tại Chihuahua, 300 người Mexico đã chết và 500 người bị thương, theo con số thống kê của phía quân Mỹ đưa ra, chỉ có một số lính Mỹ gốc Anh bị thương vong: “Các bác sỹ phẫu thuật giờ đây rất bận rộn với việc chữa chạy cho những người Mexico bị thương, có thể dễ dàng nhìn thấy hàng đống chân, tay bị cắt bỏ.”
Một đại úy pháo binh tên là John Vinton, viết thư về cho mẹ đã kể chuyến đi biển đến
Vera Cruz:
Thời tiết thật đẹp, đoàn quân chúng con rất hứng khởi, mọi người đều chỉnh tề và tràn đầy niềm tin chiến thắng. Con chỉ sợ là bọn Mexico sẽ không dám giao chiến với chúng con, chỉ sợ chúng con sẽ chiếm được tất cả thật dễ dàng, không bõ công chuẩn bị rất lâu và kỹ lưỡng… điều đó sẽ khiến cho nhóm sỹ quan chúng con không có cơ hội để thi thố và lập công.
Vinton đã chết trong khi bao vây Vera Cruz. Việc quân Mỹ bắn phá bừa bãi vào thành phố đã giết chết biết bao thường dân. Loạt đạn pháo từ tàu hải quân nã vào một bưu điện, các loạt khác thì dội xuống thành phố. Một quan sát viên Mexico đã viết lại:
Bệnh viện giải phẫu nhằm ở Nhà tu kín của Santo Domingo bốc cháy, một số bệnh nhân chết vì mảnh đạn nổ tung tại khu vực đó. Trong khi người ta đang tiến hành mổ cho một người bị thương, đạn pháo đã nổ tung làm tắt ngấm đèn, khi ánh sáng được khôi phục trở lại, người ta thấy bệnh nhân đã bị tan thành hàng trăm mảnh, rất nhiều người xung quanh chết và bị thương.
Trong vòng hai ngày, 1.300 quả đạn pháo đã bắn vào thành phố, mãi đến khi thành phố chấp nhận đầu hàng. Một phóng viên tờ New Orleans Delta viết: “Phía Mexico đưa ra các ước tính khác nhau với con số từ 500 đến 1.000 người chết và bị thương, nhưng tất cả đều đồng ý một nhận xét là thiệt hại đối với quân lính là không đáng kể, trong khi những thiệt hại đối với phụ nữ và trẻ em là vô cùng lớn.”
Khi Đại tá Hitchcock tiến vào thành phố, ông ta đã viết lại: “Tôi sẽ không bao giờ quên được những đám cháy khủng khiếp do đạn cối của chúng tôi gây ra… chắc chắn đã gây ra những cái chết khủng khiếp và những tiếng kêu than thảm thiết tại các khu dân cư – thật là khủng khiếp. Cứ nghĩ đến cảnh đó tôi lại cảm thấy rùng mình.” Tuy nhiên, Hitchcock với tư cách một người lính có trách nhiệm, đã phải chuẩn bị cho Tướng Scott “một bài diễn văn để đọc trước người Mexico”, bài diễn văn này sau đó được in ra hàng nghìn bản bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, trong đó có câu “… chúng tôi không có chút ác ý nào đối với các bạn – chúng tôi đã cố gắng cư xử hết sức lịch sự với các bạn – thực tế chúng tôi không phải là kẻ thù của các bạn, chúng tôi không hề cướp bóc tài sản của các bạn hay nhục mạ phụ nữ, tôn giáo của các bạn… chúng tôi không hề có mục đích nào ngoài hy vọng duy trì hòa bình”.
Đấy là người lính Hitchcock. Sau này nhà sử học Weems viết:
Hitchcock, một triết gia phản chiến già cỗi, có vẻ hợp với miêu tả của Henry David Thoreau “giống như những pháo đài và những cuốn tạp chí di động, chỉ để phục vụ cho mấy tay có quyền lực nhưng không có đạo đức”. Cần lưu ý rằng Hitchcock trước hết là một người lính – và là một người lính tốt, vì thế ngay cả những tay sỹ quan cao cấp hơn ông ta, dù bị ông ta chống đối, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận.
Đó là cuộc chiến tập hợp những điều tinh túy nhất của Mỹ chống lại những gì tinh túy nhất của Mexico, bên nào cũng hô hào, tận dụng và tranh thủ tiêu diệt dân của chính mình cũng như của phía bên kia. Viên chỉ huy phía Mexico là Santa Anna đã đàn áp hết cuộc nổi dậy này đến cuộc nổi dậy khác, quân lính của hắn ta cũng cưỡng hiếp và cướp bóc sau khi giành được chiến thắng. Khi Đại tá Hitchcock và Tướng Winfield Scott tiến vào điền trang của Santa Anna, họ đã tìm thấy hằng hà sa số các bức tranh lộng lẫy. Nhưng một nửa số quân của hắn ta đã bị giết chết hoặc bị thương.
Tướng Winfield Scott dẫn đầu mười nghìn quân tiến dần đến trận giao chiến cuối cùng giành lại Mexico City. Họ không lo lắng về trận chiến. Ba ngày hành quân từ Mexico City đến được Jalapa, bảy trong số mười một trung đoàn của ông ta đã bốc hơi, do thời gian tại ngũ của những người này đã kết thúc. Justin Smith ghi chép lại:
Đầu tiên người ta đều đồng ý nán lại Jalapa… nhưng do quân lính đã quá hiểu cảnh cấm quân trong trại. Họ được phép giải ngũ mà chính phủ sẽ không phải trả lương hoặc hỗ trợ gì thêm nữa. Họ đã đối mặt với không biết bao nhiêu khó khăn vất vả, sự riêng tư thì hầu như không còn tồn tại trong suốt thời gian tại ngũ. Bệnh tật, chiến trận, chết chóc, công việc mệt nhọc, hành quân trong nỗi sợ hãi – tất cả đều bắt gặp trên thực tế… Bất chấp khát vọng mãnh liệt của họ được đặt chân đến Lâu đài Montezumas, từ 3.700 người chỉ còn số ít binh sỹ đủ để cơ cấu lại thành một nhóm nhỏ, với sự động viên đặc biệt của vị tướng chỉ huy, trở thành một đội xe tải; điều này chứng tỏ mọi chuyện bất lực đến nhường nào.
Tại Churubusco, ngoại ô của Mexico City, đã diễn ra một trận đụng độ giữa quân Mỹ và quân Mexico kéo dài ba tiếng đồng hồ. Weems đã mô tả lại trận này:
Giờ đây, các cánh đồng quanh Churubusco phủ hàng nghìn xác người, xác ngựa và la bị chém nham nhở, bịt kín đường đi và các mương rãnh. Bốn nghìn quân Mexico la liệt nằm chết và bị thương la liệt; ba nghìn quân khác bị bắt làm tù binh (trong đó có cả 69 lính Mỹ đã đào ngũ với hy vọng sẽ được các sỹ quan của Scott che chở, nhằm thoát khỏi sự trừng phạt từ những đồng đội cũ của họ)… Phía Mỹ thiệt hại gần một nghìn người cả chết, bị thương hoặc mất tích.
Như trong mọi cuộc chiến tranh, các trận giao chiến thường diễn ra không có điểm đầu và điểm cuối. Sau một trận như thế gần Mexico City, với số thương vong rất cao, một tay đại úy hải quân đã đổ lỗi cho Tướng Scott: “ông ta đã gây ra lỗi và khiến trận giao chiến nổ ra, trong điều kiện lực lượng hai bên không cần bằng, để giành lấy một mục tiêu không hề tồn tại.”
Trong trận chiến cuối cùng giành Mexico City, quân Mỹ gốc Anh đã chiếm cao điểm Chapultepec và tiến vào thành phố 200 nghìn dân. Tướng Santa Anna di chuyển về phía bắc. Đó là tháng 9 năm 1847. Một thương gia Mexico đã viết thư kể lại cho một người bạn về việc oanh tạc thành phố: “Ở một số nơi, rất nhiều khu nhà đã bị phá hủy, một số lượng lớn đàn ông, phụ nữ, trẻ em đã bị chết và thương vong.”
Tướng Santa Anna rút chạy về phía Huamantla, tại đó một trận chiến khác lại nổ ra. Một trung úy bộ binh viết thư cho bố mẹ kể lại chuyện đã xảy ra sau khi một viên sỹ quan tên là Walker bị giết chết trong trận giao tranh:
Tướng Lane… ra lệnh chúng con “trả thù cho cái chết của anh chàng Walker dũng cảm, cho phép… lấy tất cả những gì mà chúng con có thể chạm tay vào”. Mọi người vừa mừng vừa sợ khi thực hiện mệnh lệnh của ông ta. Đầu tiên các quán bán rượu bị phá tung, sau khi nốc rượu say sưa, đủ trò bậy bạ đã diễn ra. Đàn bà con gái bị lột truồng và cưỡng hiếp. Đàn ông bị bắn chết… tài sản, nhà thờ, cửa hiệu, nhà ở bị lục soát và cướp bóc bừa bãi… Xác người, xác ngựa nằm la liệt, trong khi mấy tay lính say xỉn, la hét và phá phách nhà cửa hoặc đuổi theo những người Mexico tội nghiệp đang phải cố bỏ nhà, bỏ của chạy trốn tìm chỗ thoát thân. Con hy vọng sẽ không bao giờ phải bắt gặp lại khung cảnh đó. Con có một cảm giác thảm hại đối với bản chất con người… và điều đó cũng làm cho con lần đầu tiên cảm thấy xấu hổ về đất nước mình.
Các biên tập viên tờ Chronicles of the Gringos đã tóm tắt thái độ chung của lính Mỹ đối với cuộc chiến:
Mặc dù họ tình nguyện tham gia cuộc chiến và rất nhiều người cảm thấy vinh dự vì những cam kết của họ đối với việc chịu đựng vô vàn khó khăn gian khổ của chiến trận, cũng như hành động đúng đắn là người lính, tại một đất nước thù địch, nhưng họ vẫn không thích thú gì quân đội, họ cũng không ưa gì cuộc chiến tranh và nói chung, họ cũng không thích gì Mexico hoặc người Mexico. Và đây là quan điểm chung của đại đa số: không thích thú gì khi trở thành binh lính, phẫn nộ với các kỷ luật và hệ thống đẳng cấp của quân đội, muốn thoát ra và trở về nhà.
Một người lính tình nguyện ở Pennsylvania, đóng quân rất lâu ở Matamoros, viết:
Ở đây, chúng tôi phải chịu đựng những kỷ luật rất nghiêm ngặt. Một số sỹ quan rất tử tế, nhưng số còn lại đối xử với người khác thô lỗ và tàn bạo… tối nay trong phiên diễn tập, một viên sỹ quan đã chém vỡ sọ một người lính… Nhưng thời gian trôi đi và
sẽ đến lúc các viên sỹ quan và những người khác trở nên bình đẳng… Đời lính thật đáng kinh tởm.
Vào đêm ngày 15 tháng 8 năm 1847, khi đang đóng quân ở bắc Mexico, các trung đoàn quân tình nguyện đến từ Virginia, Mississippi và Bắc Carolina đã nổi dậy chống lại Đại tá Robert Treat Paine. Paine đã giết chết một người lính nổi loạn, nhưng hai tay trung úy của ông ta từ chối đàn áp cuộc nổi loạn. Cuối cùng, những người nổi loạn cũng được miễn tội nhằm giữ hòa khí cho các bên.
Đào ngũ gia tăng. Tháng 3 năm 1847, quân đội báo cáo có hơn một nghìn trường hợp đào ngũ. Tổng số người đào ngũ trong toàn cuộc chiến là 9.207, trong đó có 5.331 lính chính quy và 3.876 lính tình nguyện. Những người không đào ngũ thì ngày càng trở nên khó bảo. Khi nói đến 65 người lính tại Trung đoàn Bộ binh số 1 của Massachusetts, Tướng Gushing đã gọi họ là “một lũ bất trị và làm loạn không gì lay chuyển được”.
Vinh quang của chiến thắng thuộc về Tổng thống và các vị tướng, chứ không phải những người lính đào ngũ, bị chết, bị thương. 167 người thuộc Trung đoàn số 2 của Mississippi đã chết vì bệnh tật. Hai trung đoàn từ Pennsylvania khởi hành với 1.800 quân khỏe mạnh và trở về chỉ còn 600 lính. John Calhoun ở Bắc Carolina nói trước Quốc hội rằng, 20% quân sỹ đã chết vì trận mạc hoặc ốm đau. Đoàn quân tình nguyện của Massachusetts khởi hành với 630 người và khi trở về Mỹ, 300 người đã chết, chủ yếu vì bệnh tật. Thậm chí tại buổi tiệc tiếp đón họ trở về, Tướng Gushing, người chỉ huy đoàn quân này đã bị quân lính huýt gió chê bai. Tờ Cambridge Chronicle viết: “Các quan chức quân sự luôn bị những người lính tình nguyện nói xấu và kể tội.”
Khi các cựu binh trở về nhà, các tay đầu cơ lập tức mò đến gạ gẫm mua các giấy chứng nhận đất đai do chính phủ cấp. Nhiều người lính, do cần tiền, đã bán tới 160 mẫu đất với giá chưa đến 50 đô-la. Tháng 6 năm 1847, tờ New York Commercial Advertiser viết: “Một thực tế rất rõ ràng là đã có nhiều tay đầu cơ có được khối tài sản khổng lồ vốn thuộc về những người lính khốn khổ, đã phải đổ máu của mình cho
cuộc chiến tranh cách mạng, nhưng sau đó lại trở thành nạn nhân của các tay cò mồi. Một hệ thống cướp bóc tương tự đã được áp dụng trở lại với những người lính trong cuộc chiến vừa qua.”
Mexico đầu hàng. Đã có nhiều lời kêu gọi trong lòng nước Mỹ là chiếm hết Mexico. Hiệp ước Guadalupe Hidalgo được ký kết vào tháng 2 năm 1848 mới chỉ đề cập đến việc lấy một nửa (Mexico). Biên giới của Texas được thiết lập tại Rio Grande; New Mexico và California được sáp nhập. Hoa Kỳ trả cho Mexico 15 triệu đô-la, sự kiện này đã khiến Đảng Whig kết luận rằng “Chúng ta đã không chiếm đoạt được bất cứ cái gì bằng việc xâm lược cả… Ơn Chúa!”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.