Lịch Sử Vạn Vật

25. THUYẾT TIẾN HÓA CỦA DARWIN



Đầu mùa Thu năm 1859, Whitwell Elwin, biên tập viên của tập san nổi tiếng tại Anh quốc Quarterly Review, nhận được bản thảo một cuốn sách mới từ nhà nghiên cứu tự nhiên Charles Darwin. Elwin đọc cuốn sách này với sự say mê và xác nhận rằng đây là một cuốn sách xuất sắc, nhưng ông lại e rằng đề tài của cuốn sách không thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng. Thay vì thế ông thuyết phục Darwin hãy viết một cuốn sách nói về loài bồ câu. “Mọi người đều quan tâm đến chim bồ câu”, ông nhận xét.

Lời khuyên nghiêm túc của Elwin bị phớt lờ. Và cuốn On the Origin of Species by Means of Natural Selection hay còn gọi là cuốn the Preservation of Favoured Races in the Struggle for Life đã được phát hành vào cuối tháng mười hai 1859 với giá mười lăm si–ling. Ấn bản đầu tiên gồm 1.250 cuốn được bán sạch chỉ trong ngày đầu tiên. Từ đó đến nay nó liên tục được tái bản và không ngừng tạo ra sự tranh cãi.

Charles Robert Darwin sinh ngày 12 tháng hai, 1809 [1], tại Shrewsbury, một thành phố yên tĩnh thuộc phía Tây miền trung nước Anh. Cha ông là một nhà vật lý tài năng. Mẹ ông, qua đời khi Charles mới tám tuổi, là con gái của Josiah Wedgwood, nổi danh trong nghề gốm thủ công.

Darwin lớn lên trong sự thuận lợi về mọi mặt, nhưng ông không ngừng khiến cha mình thất vọng vì khả năng học tập không mấy sáng sủa của mình. “Con chẳng quan tâm đến thứ gì ngoại trừ việc săn bắn, chăm sóc chó, và bắt chuột, và con sẽ đem lại sự hổ thẹn cho chính mình cũng như cho cả gia đình”, cha ông đã từng nói như vậy. Ông quan tâm đến thế giới tự nhiên, nhưng vì chiều theo ý cha mình nên ông cố gắng nghiên cứu y học tại Đại học Edinburgh, rốt cuộc ông không chịu được cảnh máu me và bệnh tật. Ông luôn bị ám ảnh mỗi khi phải chứng kiến một ca giải phẫu nào đó – dĩ nhiên đây là những ngày thuốc gây tê chưa ra đời. Thay vì thế ông thử theo học ngành luật, dù nhận thấy đây là ngành học rất tẻ nhạt nhưng ông vẫn cố gắng hoàn tất chương trình học tại Đại học Cambridge.

Một ngày nọ Darwin được mời lên boong tàu thủy quân HMS Beagle dùng bữa tối cùng thuyền trưởng Robert Fitzroy. Fitzroy, vốn là người khá kỳ quặc, rất thích cái mũi của Darwin. (Nó cho thấy một người có cá tính sâu sắc, ông nghĩ vậy). Lúc này Fitzroy chỉ mới hai mươi ba tuổi và Darwin chỉ mới hai mươi hai.

Sứ mệnh của Fitzroy là lập bản đồ các dòng nước duyên hải, nhưng điều ông quan tâm – thực ra phải gọi là đam mê – là tìm kiếm bằng chứng để giải thích về sự sáng tạo được nói đến trong Kinh Thánh.

Khoảng thời gian Darwin ở trên tàu HMS Beagle, từ 1831 đến 1836, rõ ràng là một trải nghiệm cơ sở cho kiến thức của ông về sau. Darwin và Fitzroy cùng ở trong một căn buồng nhỏ, hai người không ngừng cãi cọ, “gần như điên rồ”, theo lời kể của Darwin. Tuy nhiên, nhìn chung cuộc hành trình trên tàu HMS Beagle là một thắng lợi. Qua trải nghiệm này Darwin thu thập được rất nhiều mẫu vật để tạo nên danh tiếng của mình và giúp ông bận rộn với công việc trong suốt thời gian còn lại trong đời. Ông khám phá các hóa thạch khổng lồ, gồm cả hóa thạch nổi tiếng Megatherium, sống sót qua cơn động đất chết người tại Chile, khám phá một chủng loài cá heo mới (ông đặt tên là Delphinus fitzroyi), tiến hành nhiều thử nghiệm sinh học hữu ích, và phát triển một học thuyết nổi tiếng về kết cấu của đảo san hô vòng, ông cho rằng đảo san hô vòng không thể hình thành trong khoảng thời gian ít hơn một triệu năm. Năm 1836, ở độ tuổi hai mươi bảy, ông quay về quê hương sau năm năm hai ngày xa xứ. Từ đó trở đi ông không bao giờ rời khỏi Anh quốc.

Trong cuộc hành trình này Darwin không đề xuất học thuyết nào về sự tiến hóa. Tính đến những năm 1830 thì khái niệm về sự tiến hóa đã tồn tại vài thập niên, ông nội của Darwin, Erasmus, luôn đánh giá cao các nguyên lý tiến hóa trong bài thơ “The Temple of Nature” nhiều năm trước khi Charles chào đời. Mãi đến khi chàng trai trẻ Darwin quay về Anh quốc và đọc bài tiểu luận Essay on the Principle of Population của Thomas Malthus (tài liệu này đề xuất rằng sự gia tăng nguồn thực phẩm không thể theo đuổi kịp sự gia tăng dân số vì những lý do tính toán) thì ý tưởng này mới xuất hiện trong tâm trí ông: sự sống là một cuộc đấu tranh liên tục và sự chọn lọc tự nhiên là phương tiện để một số chủng loài phát triển thịnh vượng trong khi các chủng loài khác bị diệt vong. Đặc biệt Darwin nói rằng mọi sinh vật đều cạnh tranh để giành nguồn sống, và những loài bẩm sinh có hoàn cảnh thuận lợi là những loài phát triển mạnh và truyền lại cho thế hệ sau những ưu điểm hiện có. Theo cách đó các chủng loài này không ngừng cải thiện.

Dường như đây là một ý tưởng vô cùng đơn giản – quả thực nó rất đơn giản – nhưng nó giải thích được rất nhiều điều quan trọng, và Darwin sẵn sàng dành cả đời mình để theo đuổi ý tưởng này. “Sao tôi lại có thể không nghĩ ra được điều đó nhỉ!” T. H. Huxley gào lên khi đang đọc tài liệu cuốn On the Origin of Species.

Darwin không dùng từ ngữ “sự tồn tại của những loài thích hợp nhất” trong bất kỳ tác phẩm nào của mình (dù ông thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho việc này). Từ ngữ này xuất hiện năm năm sau khi cuốn On the Origin of Species được phát hành (trong cuốn Principles of Biology của Herbert Spencer vào năm 1864). Ông cũng không dùng từ ngữ “sự tiến hóa” trong các sách của mình mãi đến khi ấn bản lần thứ sáu của cuốn On the Origin of Species ra đời (đến lúc này thì từ ngữ này đã được sử dụng quá phổ biến nên không thể cưỡng lại), thay vì thế ông dùng từ ngữ “sự biến thể”. Trên hết, các kết luận của Darwin không xuất nguồn từ những nhận biết của ông về sự đa dạng nơi mỏ của loài chim sẻ suốt khoảng thời gian ông sống tại quần đảo Galápagos. Người ta kể rằng trong khi Darwin di chuyển từ đảo này sang đảo khác, ông nhận thấy rằng mỏ của loài chim sẻ tại mỗi đảo luôn thay đổi hình dạng khác nhau để thích nghi với việc khai thác tài nguyên ở từng nơi – tại đảo này mỏ chim sẻ ngắn và chắc chắn, thích hợp cho việc đập vỡ các loại quả hạch, trong khi đó tại đảo khác mỏ chim sẻ lại dài và nhỏ hơn, thích hợp cho việc săn bắt thức ăn từ các kẽ đá – và chính điều này khiến ông nghĩ rằng có lẽ đây là các chủng loài chim khác nhau trong thế giới tự nhiên.

Thực ra, chính chim sẻ đã tự thay đổi cấu trúc mỏ như thế, nhưng Darwin không nhận ra điều này. Tại thời điểm tham gia cuộc hành trình Beagle, Darwin mới vừa tốt nghiệp đại học và vẫn chưa phải là nhà nghiên cứu tự nhiên thành thạo, thế nên ông không ý thức được rằng tất cả chim tại quần đảo Galápagos đều là loài chim sẻ. Chính bạn ông, nhà điểu cầm học tên là John Gould, đã xác định được rằng tất cả chúng đều là loài chim sẻ với những khả năng săn bắt khác nhau. Thật đáng tiếc, vì thiếu kinh nghiệm nên Darwin không xác định được những con chim nào đến từ hòn đảo nào. (Ông cũng phạm cùng một sai lầm như thế đối với loài rùa). Phải mất nhiều năm người ta mới có thể giải quyết được những rối ren này.

Do những thiếu sót này, và việc phân loại các mẫu vật thu thập được từ cuộc hành trình Beagle, mãi đến năm 1842, sáu năm sau khi quay về Anh quốc, Darwin mới có thể phác họa được các kiến thức cơ sở nơi học thuyết mới của mình. Ông trình bày những hiểu biết này trong tập tài liệu dày 230 trang sau đó hai năm. Về sau ông thực hiện một việc phi thường: ông gác lại mọi việc cho thập niên sau và bắt đầu quan tâm đến các vấn đề khác. Ông trở thành cha của mười đứa con, dành tám năm để viết một tài liệu đầy đủ về loài sum (“Tôi ghét loài sum, trước đây chưa ai ghét chúng cả”, ông kết thúc tác phẩm của mình bằng câu nói này), và mắc phải một chứng bệnh lạ khiến ông rơi vào trạng thái mệt mỏi, bơ phờ, và “khích động” theo lời ông. Các triệu chứng này luôn đi kèm với sự nôn mửa, đau nửa đầu, nhịp tim nhanh, kiệt sức, hồi hộp, thở ngắn, và suy nhược nghiêm trọng.

Vẫn chưa ai xác định được nguyên nhân khiến ông ngã bệnh, nhưng theo ước đoán thì có khả năng ông mắc phải chứng Chagas, một chứng bệnh nhiệt đới kéo dài, lây nhiễm từ loài rệp Benchuga ở Nam Mỹ. Ông dành phần lớn đời mình cho việc chữa trị bệnh tật. Ông trở thành người sống ẩn dật, hiếm khi rời khỏi nhà tại Kent, Down House.

Darwin giữ kín học thuyết của mình vì ông hiểu rõ những sóng gió mà nó có thể tạo ra. Năm 1844, trong khi học thuyết của ông vẫn chưa được phổ biến, một cuốn sách được gọi là Vestiges of the Natural History of Creation đã khuấy động thế giới với ý tưởng rằng có lẽ con người đã tiến hóa từ một loài động vật có vú mà không có sự can thiệp của đấng Tạo hóa. Vì đoán biết được sự phản đối từ phía công chúng, tác giả của cuốn sách giấu nhẹm tên tuổi của mình, ngay cả với những người bạn thân nhất, suốt bốn mươi năm. Một số người băn khoăn liệu tác giả cuốn sách này có phải là Darwin hay không. Một số khác đoán rằng tác giả cuốn sách này là của Prince Albert. Thật ra, tác giả của cuốn sách này là Robert Chambers vốn là chủ của một nhà xuất bản nọ. Lý do ông nặc danh là vì nhà xuất bản của ông là nhà xuất bản hàng đầu trong việc xuất bản Kinh Thánh. Cuốn Vestiges of the Natural History of Creation bị giới tăng lữ tại Anh quốc và nhiều nơi khác nguyền rủa, đồng thời cũng nhận được phản ứng giận dữ từ phía các học giả thời ấy. Cuốn Edinburgh Review dành phần lớn số trang sách – tám mươi lăm trang – để chỉ trích cuốn Vestiges of the Natural History of Creation. Ngay cả T. H. Huxley, một người tin vào sự tiến hóa, cũng lên án cuốn sách này bằng những lời lẽ chua cay, và không hề biết rằng tác giả của cuốn sách này là một người bạn của mình.

Darwin luôn bị dằn vặt bởi suy nghĩ của chính mình. Ông tự xem mình là “Giáo sĩ của loài ma quỷ” và nói rằng việc tiết lộ thuyết tiến hóa của mình cũng giống như việc “tự thú về tội sát nhân”. Ngoài ra, ông biết rõ rằng thuyết tiến hóa sẽ làm tổn thương sâu sắc người vợ ngoan đạo của mình. Tạm thời ông phát hành bản thảo với tựa đề An Abstract of an Essay on the Origin of Species and Varieties through Natural Selection – một tựa đề nhạt nhẽo đến mức người xuất bản của ông, John Murray, quyết định chỉ in năm trăm bản. Nhưng ngay khi đọc nội dung bản thảo, Murray quyết định lại và gia tăng số lượng lên đến 1.250.

An Abstract of an Essay on the Origin of Species and Varieties through Natural Selection lập tức đem lại lợi nhuận to lớn, nhưng ít bị chỉ trích hơn. Học thuyết của Darwin gần như không được chứng thực qua các bằng chứng hóa thạch. Nếu các chủng loài mới liên tục tiến hóa, vậy thì phải có nhiều hình thức tiến hóa trung gian còn tồn tại qua các hóa thạch, nhưng sự thật lại không có. [2]

Nhưng lúc này Darwin, không trình bày được bằng chứng nào, lại khẳng định rằng ắt hẳn các đại dương cổ là nơi cư trú của muôn loài và rằng chúng ta vẫn chưa tìm kiếm được vì nó không được bảo tồn. Về phần giải thích thì Darwin tự biện – có sáng tạo nhưng không xác thực – rằng có lẽ các đại dương trước kỷ Cambri quá sạch nên không thể lắng trầm tích thế nên không có các hóa thạch về các hình thức tiến hóa trung gian.

Ngay cả những người bạn thân nhất của Darwin cũng cảm thấy khó có thế tán thành với sự quyết đoán của Darwin. Adam Segwick, người đã dạy Darwin tại Đại học Cambridge và đưa Darwin tham quan xứ Wales vào năm 1831, nói rằng cuốn sách được gửi tặng ông khiến ông cảm thấy “đau đầu hơn là thú vị”. Louis Agassiz bác bỏ nó và xem đó là một ước đoán nghèo nàn. Thậm chí Lyell còn phải than thở rằng: “Darwin đã đi quá xa vấn đề”.

T. H. Huxley không thích sự ngoan cố của Darwin vì ông vốn là người ủng hộ thuyết đột biến, ông tin rằng quá trình tiến hóa là một quá trình diễn ra đột ngột chứ không phải chầm chậm theo thời gian. Những người theo thuyết đột biến không thể chấp nhận rằng các cơ quan tinh vi xuất hiện chầm chậm theo từng giai đoạn. Rốt cục thì một nửa con mắt và một phần mười chiếc cánh có thể làm được gì? Những cơ quan như thế, họ nghĩ, chỉ có thế hữu ích khi xuất hiện ở trạng thái trọn vẹn.

Niềm tin này gắn chặt vào tâm trí của Huxley vì gợi nhắc một niềm tin tín ngưỡng thủ cựu được đề xuất bởi nhà thần học người Anh tên là William Paley vào năm 1802. Paley tin rằng nếu bạn tìm thấy một chiếc đồng hồ đeo tay trên mặt đất, dù rằng trước đây bạn chưa bao giờ trông thấy bất kỳ vật gì giống như thế, bạn luôn lập tức ý thức được rằng nó đã được tạo ra bởi một đối tượng nào đó có trí thông minh. Tương tự với thế giới tự nhiên, ông tin rằng: sự tinh vi của nó là bằng chứng về hình dạng của nó. Niềm tin này tồn tại mạnh mẽ suốt thế kỷ mười chín, và nó cũng khiến Darwin gặp rắc rối. Trong cuốn An Abstract of an Essay on the Origin of Species and Varieties through Natural Selection ông cũng thừa nhận rằng “xét ở mức độ cao nhất thì có lẽ ý tưởng này cũng trở thành ngớ ngẩn” khi nói rằng sự chọn lọc tự nhiên có thể tạo ra các bước phát triển như thế.

Dù thế, Darwin vẫn không những khăng khăng rằng mọi thay đổi đều diễn ra chầm chậm, mà trong mọi ấn bản của cuốn An Abstract of an Essay on the Origin of Species and Varieties through Natural Selection ông vẫn dành thêm nhiều trang giấy nữa để khẳng định điều này, chính điều này làm cho ý tưởng của ông ngày càng nhận được nhiều sự phản đối. “Cuối cùng”, theo lời nhà khoa học kiêm nhà sử học Jeffrey Schwartz, “Darwin gần như đánh mất mọi sự ủng hộ”.

Thật trớ trêu, dù cuốn sách của Darwin có tựa đề là An Abstract of an Essay on the Origin of Species and Varieties through Natural Selection, ông vẫn không giải thích được nguồn gốc của các chủng loài. Học thuyết của Darwin nói đến một cơ cấu giúp các chủng loài ngày càng phát triển mạnh khỏe hơn, hoặc nhanh nhẹn hơn, hoặc tốt hơn – phù hợp hơn – nhưng lại không nói đến việc một chủng loài mới xuất hiện như thế nào. Một kỹ sư người Scotland, Fleeming Jenkin, trình bày thiếu sót này trong khi tranh luận cùng Darwin. Darwin tin rằng bất kỳ đặc điểm ích lợi nào cũng được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để củng cố chủng loài.

Jenkin vạch ra rằng một đặc điểm ích lợi đối với bậc cha mẹ có thể không xuất hiện ở thế hệ sau, nhưng thực ra đặc điểm này sẽ trở nên yếu ớt hơn do quá trình pha trộn giữa cha và mẹ. Nếu bạn rót rượu whisky vào một cốc nước, bạn không thể làm cho whisky mạnh hơn, bạn chỉ khiến nó yếu hơn. Và nếu bạn rót loại rượu loãng này vào một cốc nước khác, nó sẽ suy yếu hơn nữa. Tương tự, một đặc điểm ích lợi nơi một con vật nào đó sẽ bị pha trộn cùng bạn tình của nó, khiến cho đặc điểm ích lợi này ngày một suy yếu mãi đến khi nó hoàn toàn biến mất. Thế nên học thuyết của Darwin không phải là phương cách để thay đổi, mà chỉ là phương cách để không thay đổi. Nếu có sự chọn lọc tự nhiên, chúng ta cần có một cơ cấu khác.

Cách đó tám trăm dặm, tại một góc yên tĩnh của Trung Âu có một thầy tu tên là Gregor Mendel, chính ông là người đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Mendel sinh năm 1822 trong một gia đình nông dân tại vùng sông nước thuộc Áo, ngày nay thuộc địa phận Cộng hòa Séc. Mendel là nhà khoa học chính thức – ông nghiên cứu vật lý và toán học tại Học viện Olmutz và tại Đại học Vienna – ông có khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mọi công việc của mình. Hơn nữa, tu viện tại Brno nơi ông sống từ năm 1843 cũng là một học viện. Nó có một thư viện chứa hơn hai mươi nghìn cuốn sách và phòng nghiên cứu khoa học.

Trước khi bắt tay vào các thử nghiệm, Mendel dành hai năm để chuẩn bị các mẫu vật, bảy giống đậu, để đảm bảo rằng chúng sinh sản đúng cách. Sau đó, với sự trợ giúp của hai phụ tá, ông liên tục gây giống và lai giống từ ba mươi nghìn cây đậu. Đó là một công việc tỉ mỉ, đòi hỏi họ phải cố gắng tránh sự thụ tinh chéo và ghi nhận từng thay đổi nhỏ nhặt trong quá trình phát triển của chúng, những thay đổi về hạt, vỏ hạt, lá, thân cây, và hoa. Mendel biết rõ mình đang làm gì.

Ông không bao giờ dùng từ “gen” – mãi đến năm 1913 từ này mới xuất hiện, trong một cuốn từ điển y khoa tiếng Anh – dù rằng chính ông là người tạo ra từ “trội” và “lặn”. Ông xác định rằng mọi hạt mầm đều chứa hai “nhân tố” hay “yếu tố” – một trội và một lặn – và các nhân tố này, khi kết hợp với nhau, tạo ra các kiểu di truyền có thể tiên đoán được.

Ông trình bày các kết quả này bằng các công thức toán học chính xác. Tổng cộng Mendel trải qua tám năm thử nghiệm, sau đó xác định các kết quả của mình với các thử nghiệm tương tự đối với các loài hoa, bắp, và các thực vật khác.

Khi báo cáo của Mendel được phát hành, ông háo hức gửi một bản đến nhà thực vật học nổi tiếng người Thụy Sĩ tên là Karl–Wilhelm von Nageli. Đáng tiếc là Nageli không nhận ra được tầm quan trọng từ những khám phá của Mendel. Ông đề nghị rằng Mendel nên thử gây giống đối với cây thuộc họ cúc (có hoa đỏ, da cam hoặc vàng, thường mọc thành cụm). Mendel ngoan ngoãn nghe theo lời đề nghị của Nageli, nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng cây thuộc họ cúc không có các đặc tính cần thiết cho việc nghiên cứu tính di truyền. Ông nhận thấy rõ ràng là Nageli không đọc kỹ tài liệu của ông, hoặc có thể chẳng đọc trang nào. Nản lòng, Mendel từ bỏ việc nghiên cứu tính di truyền và trải qua phần đời còn lại nuôi trồng các loại thực vật nổi tiếng và nghiên cứu ong, chuột, vệt đen ở mặt trời, vân vân. Cuối cùng ông được phong làm cha trưởng tu viện.

Những khám phá của Mendel không hoàn toàn bị quên lãng. Nghiên cứu của ông được trình bày trong tập san Encyclopaedia Britannica và nhiều lần được trích dẫn trong tài liệu quan trọng của nhà khoa học người Đức tên là Wilhelm Olbers Focke. Thật ra, vì những ý tưởng của Mendel không bao giờ bị chìm ngập dưới mớn nước của tư duy khoa học nên chúng dễ dàng hồi sinh khi thế giới sẵn sàng đón nhận chúng.

Không hề biết được điều này, cả Darwin lẫn Mendel đã thiết lập nền tảng quan trọng cho mọi môn khoa học đời sống suốt thế kỷ hai mươi. Darwin nhận thấy rằng mọi đời sống đều có mối liên hệ tương quan, rằng rút cục thì “chúng xuất nguồn từ một tổ tiên duy nhất, một nguồn chung”, trong khi khám phá của Mendel cung cấp cơ cấu nhằm giải thích tại sao điều này lại xảy ra. Lẽ ra hai người này có thể dễ dàng trợ giúp lẫn nhau. Mendel có một bản tiếng Đức cuốn An Abstract of an Essay on the Origin of Species and Varieties through Natural Selection, người ta cho rằng ắt hẳn ông đã đọc nó, thế nên ắt hẳn ông đã nhận thấy khả năng ứng dụng những khám phá của mình vào những khám phá của Darwin, tuy nhiên dường như ông không muốn tìm cách liên hệ các khám phá này. Về phần Darwin, ông đã đọc tài liệu nổi tiếng của Focke (trong đó trích dẫn nhiều khám phá của Mendel), nhưng lại không kết hợp được những khám phá của Mendel với những khám phá của chính mình.

Trong những khám phá của Darwin, điều mà mọi người đều cho rằng do tưởng tượng mà có – Darwin cho rằng loài người tiến hóa từ loài khỉ không đuôi – hóa ra lại hoàn toàn không phải do tưởng tượng. Cuộc tranh cãi cuối cùng diễn ra vào thứ Bảy ngày 30 tháng Ba, 1860, tại cuộc họp của Hội Khoa học Tiên tiến Anh quốc tại Oxford. Huxley bị ép buộc tham gia bởi Thượng viện Robert, tác giả cuốn Vestiges of the Natural History of Creation, dù rằng ông vẫn chưa biết được mối quan hệ giữa Robert và bộ sách đem lại nhiều tranh cãi này. Hơn một nghìn người tụ tập trong khán phòng. Mọi người đều biết rằng một điều gì đó lớn lao sắp xảy ra, dù trước tiên họ phải chờ đợi trong khi diễn giả John William Drapher của Đại học New York dành hai giờ đồng hồ để nói về “Tư duy mới mẻ của Darwin”.

Cuối cùng, Giám mục tại Oxford, Samuel Wilberforce, đứng lên phát biểu. Trước đó Wilberforce đã trao đổi cặn kẽ với người luôn phản đối học thuyết của Darwin là Richard Owen. Người ta kể rằng, Wilberforce hướng về phía Huxley với nụ cười khô khan và hỏi Huxley rằng liệu ông có thể quả quyết về mối liên hệ với loài khỉ không đuôi giống như mối quan hệ giữa ông với ông bà của mình không. Dĩ nhiên đây là một câu hỏi nhằm châm biếm.

Cuối cùng Darwin cũng trình bày rõ niềm tin của mình vào mối quan hệ giữa con người với loài khỉ không đuôi trong cuốn The Descent of Man vào năm 1871. Đây là một kết luận táo bạo vì không có một mẩu hóa thạch nào xác nhận khái niệm này. Vết tích duy nhất về loài người giống loài khỉ không đuôi đó là các mẩu xương của người Neanderthal được khám phá tại Đức và vài mảnh xương hàm không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, Darwin dành phần lớn những ngày tháng cuối cùng của mình cho các đề tài khác, hầu hết các đề tài này đều không liên quan đến sự chọn lọc tự nhiên. Ông dành nhiều thời gian để thu thập và nghiên cứu phân chim nhằm tìm hiểu tại sao hạt mầm thực vật lại có thể được đưa đi từ lục địa này đến lục địa khác, và ông trải qua nhiều năm nghiên cứu về các loài giun. Một trong những thử nghiệm nổi tiếng của ông là chơi đàn dương cầm cho chúng nghe, không phải để giúp chúng cảm thấy vui mà là để nghiên cứu tác động của âm thanh đối với chúng. Ông cũng là người đầu tiên xác định được rằng chính loài giun giúp đất trồng luôn được tơi xốp. “Chúng ta có thể nghĩ rằng có nhiều chủng loài động vật khác đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới”, ông viết trong kiệt tác của mình về đề tài này, cuốn The Formation of Vegetable Mould Through the Action of Worms (1881), thực ra cuốn sách này còn nổi tiếng hơn cả cuốn An Abstract of an Essay on the Origin of Species and Varieties through Natural Selection. Các tác phẩm nổi tiếng khác của ông gồm có On the Various Contrivances by Which British and Foreign Orchids Are Fertilised by Insects (1862), Expressions of Emotions in Man and Animals (1872), cuốn này bán được 5.300 bản chỉ trong ngày đầu tiên xuất bản, The Effects of Cross and Self Fertilization in the Vegetable Kingdom (1876), và cuốn cuối cùng của ông, The Power of Movement in Plants. Cuối cùng, ông dành nhiều nỗ lực cho việc nghiên cứu hậu quả từ sự giao phối các đối tượng có quan hệ thân thuộc gần gũi (trực hệ) – đây là vấn đề ông quan tâm rất nhiều. Darwin kết hôn với em họ của mình nên ông thường lo lắng về những khuyết điểm về trí não có thể xuất hiện nơi con cái.

Darwin nhận được nhiều sự ca ngợi trong suốt cuộc đời, nhưng chưa bao giờ vì cuốn An Abstract of an Essay on the Origin of Species and Varieties through Natural Selection. Khi Hội Hoàng gia tặng ông huy chương danh dự, ông chỉ nhận được các huy chương về địa chất học, động vật học, và thực vật học, nhưng ông chưa bao giờ nhận được huy chương về thuyết tiến hóa của mình. Ông chưa bao giờ được phong tước Hầu, dù ông được chôn cất tại tu viện Westminter – kế bên Newton. Ông qua đời tại Down vào tháng Tư 1882. Mendel qua đời hai năm sau đó.

Học thuyết của Darwin không nhận được sự ủng hộ phổ biến mãi đến thập niên 1930 và 1940, với sự phát triển của các học thuyết đã được gọt dũa được gọi là Modern Synthesis, kết hợp các ý tưởng của Darwin với các ý tưởng của Mendel cùng nhiều ý tưởng khác, về phần Mendel, sự cảm kích dành cho ông cũng chỉ xuất hiện sau khi ông qua đời, dù có muộn màng hơn.

Thế giới đã sẵn sàng để hiểu được tại sao chúng ta lại xuất hiện ở đây – chúng ta sinh sản như thế nào. Thật ngạc nhiên khi nghĩ đến việc vào đầu thế kỷ hai mươi, và suốt vài năm sau đó, các nhà khoa học giỏi nhất trên thế giới cũng không thể khẳng định được với bạn rằng em bé được hình thành từ đâu.

Và đây cũng là những người cho rằng khoa học sắp đi đến điểm cuối.

____________

[1] Cũng ngày này tại Kentucky, Abraham Lincoln chào đời.

[2] Thật ngẫu nhiên, vào năm 1861, trong khi sự tranh cãi vẫn diễn ra quyết liệt, có một bằng chứng như thế xuất hiện khi các công nhân tại Bavaria tìm thấy xương của một con chim thủy tổ, một sinh vật nửa chim nửa khủng long. (Nó có lông, nhưng cũng có răng). Đây là một khám phá ấn tượng và hữu ích, và ý nghĩa của nó được đánh giá cao, nhưng chỉ một bằng chứng không thôi thì khó có thể thuyết phục.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.