LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 067 : Ngũ Thông



I.

Phương nam có dâm thần Ngũ thông cũng như phương bắc có hồ vậy. Nhưng ở phương bắc bị hồ ám thì còn tìm đủ cách khu trừ, chứ ở vùng Giang Tô Chiết Giang đàn bà con gái xinh đẹp trong dân gian mà bị thần Ngũ thông hành dâm thì cha mẹ anh em không ai dám ho he, gây hại còn dữ hơn cả hồ.

Có Thiệu Hồ là nhà buôn mở cửa hiệu ở huyện Ngô (tỉnh Giang Tô), vợ là Diêm thị rất xinh đẹp. Một hôm có người đàn ông nghênh ngang từ ngoài vào, vỗ kiếm trừng mắt nhìn quanh, vú già tớ gái trong nhà chạy sạch. Diêm muốn chạy ra, người ấy chặn lại nói “Đừng sợ, ta là Tứ lang trong Ngũ thông đây. Ta yêu nàng, không làm hại nàng đâu” rồi ôm ngang lưng Diêm thị nhấc lên như bế trẻ con đặt lên giường, giải quần nàng tự tuột ra, y bèn cưỡng hiếp, nhưng dương vật to cứng nàng không chịu nổi, lúc mê man đau đớn kêu rên như sắp chết. Tứ lang cũng thương xót không làm hết sức, kế bước xuống giường nói “Năm ngày nữa ta sẽ lại tới”, rồi đi.

Hồ bày cửa hiệu ngoài cổng, đêm ấy đám tớ gái chạy tới thưa, Hồ biết là thần Ngũ thông không dám nói gì. Đến sáng thấy vợ mỏi mệt không dậy nổi, trong lòng rất nhục nhã xấu hổ, dặn người nhà không được kể rộng ra. Người đàn bà qua ba bốn ngày mới khỏe lại, nhưng sợ thần Ngũ thông lại tới, đám vú già tớ gái không dám ngủ đêm trong phòng, tránh hết ra nhà ngoài, chỉ có người đàn bà buồn rầu ngồi trước đèn chờ. Không bao lâu, Tứ lang dắt hai người nữa tới, đều là thiếu niên ôn nhã, có tên tiểu đồng bày rượu thịt ra cùng ăn uống với người đàn bà. Người đàn bà xấu hổ cúi đầu, họ ép uống rượu cũng không uống, trong lòng nơm nớp sợ họ thay phiên hành dâm thì hết sống. Ba người uống rượu vui vẻ với nhau, người gọi là đại ca người gọi là tam đệ. Uống đến khuya, hai người khách đứng lên nói “Hôm nay Tứ lang được mỹ nhân nên mời, cũng nên gọi Nhị lang Ngũ lang tới uống rượu mừng”, rồi từ biệt đi.

Tứ lang kéo người đàn bà vào màn, nàng khóc lóc năn nỉ, Tứ lang cứ ép giao hoan, nàng máu me đầm đìa ngất đi không biết gì nữa, Tứ lang mới đi. Người đàn bà nằm vật ra trên giường khôn xiết căm hờn xấu hổ, nghĩ định tự tử nhưng treo cổ thì dây tự đứt, mấy lần đều như thế, khổ không sao chết được. May mà Tứ lang cũng không tới thường, cứ chờ khoảng nàng đỡ bệnh mới lại tới một lần, cứ thế hơn ba tháng, cả nhà không yên.

Có Vạn sinh ở Cối Kê (huyện Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang) là em họ ngoại của Thiệu, dũng mãnh thiện xạ, một hôm tới thăm Thiệu. Lúc ấy trời đã tối, Thiệu vì nhà khách đã cho gia nhân ở bèn đưa Vạn vào ngủ nhà trong. Vạn nằm hồi lâu không ngủ, nghe trong sân có tiếng chân người bèn núp cạnh cửa sổ nhìn ra, thấy một người đàn ông bước vào phòng vợ Thiệu, lấy làm ngờ vực xách đao lẻn theo. Thấy người ấy ngồi sánh vai với Diêm thị, trên bàn thì đầy rượu thịt liền nổi giận sấn vào, người đàn ông giật mình vội đứng dậy nắm lấy kiếm thì đã bị chém toác đầu ngã xuống, nhìn ra thì là một con ngựa con to như con lừa.

Vạn kinh ngạc hỏi Diêm thị, người đàn bà kể lại mọi chuyện rồi nói “Các thần sắp tới, làm sao bây giờ?”. Vạn xua tay ra hiệu đừng lên tiếng rồi tắt đèn cầm cung tên nằm chờ trong bóng tối. Không bao lâu có bốn năm người trên không đáp xuống, Vạn bắn mau một phát, người đi đầu trúng tên chết tươi. Ba người kia tức giận gầm thét, tuốt kiếm xông vào tìm kẻ bắn tên, Vạn cầm đao núp sau cánh cửa im lặng không động đậy, một người bước vào bị Vạn chém trúng đầu cũng lăn ra chết. Vạn đứng im chỗ cũ chờ hồi lâu thấy im ắng bèn bước ra gọi Thiệu dậy kể chuyện. Thiệu cả kinh cùng đốt đuốc vào xem thì thấy một con ngựa và hai con heo chết trong phòng. Cả nhà đều mừng rỡ, nhưng sợ hai con quái còn sống tới trả thù bèn giữ Vạn ở lại. Nấu nướng thịt heo thịt ngựa đem lên mời, thấy ngon ngọt khác hẳn thịt heo ngựa thường, từ đó Vạn sinh lừng lẫy tiếng tăm.

Vạn ở lại hơn tháng, không thấy đám quái tới nữa bèn từ giã Thiệu, sắp lên đường thì có nhà buôn Mỗ tới mời. Trước là Mỗ có con gái chưa lấy chồng, chợt Ngũ thông giữa ban ngày hiện ra, là một người đàn ông đẹp trai hơn hai mươi tuổi, nói sẽ cưới cô gái làm vợ, đưa một trăm lượng vàng làm sính lễ rồi hẹn ngày cưới. Mỗ tính lại sắp tới ngày hẹn, cả nhà lo sợ, nghe danh Vạn sinh bèn nài nỉ mời bằng được về nhà, nhưng sợ Vạn từ chối nên giấu không nói thật, thết tiệc xong mới cho con gái ăn mặc đẹp đẽ ra lạy chào. Vạn thấy cô gái khoảng mười sáu mười bảy tuổi, dung mạo xinh đẹp kinh ngạc không hiểu là có ý gì, vội đứng lên chào, Mỗ kéo ngồi xuống kể thật mọi việc. Vạn nghe thấy cả kinh, nhưng bình sinh ý khí hào hùng nên cũng không từ chối.

Đến ngày cưới, Mỗ cũng hoa giăng dây lụa ngũ sắc ngoài cổng, bảo Vạn ngồi trong phòng. Đến trưa vẫn không thấy Ngũ thông tới, Vạn mừng rỡ nghĩ thầm chắc tân lang là trong số đã bị mình giết. Phút chốc chợt thấy trước thềm có vật như con chim sa xuống rồi một thiếu niên ăn mặc đẹp đẽ bước vào, nhìn thấy Vạn quay người bỏ chạy. Vạn đuổi ra tới ngoài, chỉ thấy một làn khí đen sắp bay lên, vội rút đao nhảy lên chém theo, chặt đứt một chân, thiếu niên kêu gào bay mất. Cúi nhìn thì khúc chân là một cái móng lớn to bằng bàn tay, không biết là con gì, tìm theo vết máu thì thấy nhảy xuống sông. Mỗ cả mừng, lại nghe nói Vạn không có vợ, ngay đêm ấy chuẩn bị giường chiếu cho làm lễ hợp cẩn với cô gái. Từ đó những người vốn sợ Ngũ thông đều mời Vạn tới nhà mình ngủ một đêm. Được hơn năm Vạn mới đưa vợ về nhà, từ đó Ngô Trung chỉ còn một trong Ngũ thông, không dám công nhiên tác quái nữa.

Dị Sử thị nói: Ngũ thông Thanh oa làm mê hoặc thế tục đã lâu đến nỗi cứ mặc cho chúng tùy ý dâm loạn mà không ai dám nói một tiếng, Vạn sinh thật là người hào sảng trong thiên hạ vậy. 

 

II.

Kim sinh tự Vương Tôn, người Tô Châu (tỉnh Giang Tô). Tới đất Hoài (tỉnh Giang Tô) dạy học, ở trong vườn một vị thân sĩ lầu gác không nhiều nhưng cây cối rậm rạp. Hàng đêm đến khuya, khi bọn tiểu đồng đầy tớ đã ngủ hết thường một mình ngồi trước đèn, trong lòng buồn bã. Một đêm vừa hết canh hai chợt nghe có người lấy ngón tay búng cửa sổ, sinh vội lên tiếng hỏi, bên ngoài nói là xin lửa, giọng nói như đứa tiểu đồng. Sinh mở cửa cho vào thì là một người đẹp khoảng mười sáu tuổi, có một tỳ nữ theo sau. Sinh ngờ là yêu quái, gạn hỏi cặn kẽ, cô gái nói “Thiếp thấy chàng là kẻ sĩ phong nhã mà cô tịch đáng thương nên không ngại sương gió tới định cùng vui vầy đêm nay, chứ sợ nói lai lịch ra thì thiếp không dám tới mà chàng cũng không dám chứa chấp đâu”. Sinh lại nghĩ là con gái hư hỏng trong làng, lấy cớ sợ mang tiếng để từ tạ. Cô gái đưa mắt liếc, sinh thấy thần trí mê man, tâm thần điên đảo không thể tự chủ được nữa. Người tỳ nữ biết, bèn nói “Cô Hà, em đi đây”. cô gái gật đầu, kế mắng “Đi thì cứ đi, còn Hà Hà Vân Vân gì?”.

Người tỳ nữ đi rồi, nàng mới cười nói “Gặp lúc nhà không có ai mới dắt nó tới đây, ngu ngốc như thế đấy, nói lộ ra cho chàng biết tên tự của thiếp”. Sinh nói “Nàng tinh tế sâu sắc quá làm ta sợ có tai họa”. Nàng nói “Về sau sẽ biết thôi, nhưng thiếp cam đoan là không làm gì có hại cho chàng đâu, đừng lo”. Kế nàng lên giường tháo gỡ đồ trang sức, sinh thấy trên tay nàng có đeo một cái xuyến bằng vàng tía khảm hai viên ngọc minh châu, tắt đèn vẫn lóng lánh chiếu sáng cả phòng. Sinh càng sợ hãi, không đoán được là nàng từ đâu tới. Vừa giao hoan xong thì người tỳ nữ tới gõ cửa, cô gái trở dậy, lấy chiếc xuyến soi đường vào trong rặng cây um tùm đi mất.

Từ đó đêm nào cũng tới, có lần sinh định lén đi theo, cô gái như đã biết bèn che ánh sáng, cây cối rậm rạp tối om giơ bàn tay lên cũng không nhìn thấy, sinh đành quay về. Một hôm sinh đi Hà Bắc, dây mũ bị đứt, gió thổi suýt rơi, ngồi trên ngựa cứ phải lấy tay giữ. Tới sông lên ngồi trên thuyền, mũ bị gió thổi rơi xuống sông rồi bị nước cuốn đi, nghĩ là mất rồi. Đến khi lên bờ thì gặp con gió lớn thổi chiếc mũ bay tới, chao chao trên không rồi rơi xuống, giơ tay chụp lấy thì thấy dây mũ đã liền lại, lấy làm lạ.

Khi trở về kể lại với cô gái, nàng không nói gì mà chỉ cười khẽ. Sinh ngờ là do nàng làm bèn nói “Nếu quả nàng là thần thì xin nói rõ cho ta yên lòng”. Cô gái nói “Chàng lúc vắng vẻ tịch mịch lại được kẻ si tình giải khuây cho, thiếp tự nghĩ như thế là không xấu. Giả như thiếp làm được như thế thì cũng là yêu thương nhau đó thôi, căn vặn làm gì muốn tuyệt tình sao?”, Sinh không dám nói nữa.

Trước Sinh có nuôi đứa cháu gái, đã đi lấy chồng, bị Ngũ thông quấy phá, rất lo lắng nhưng chưa từng nới với ai, vì quen biết thân mật với cô gái đã lâu nên kể ra không giấu giếm gì. Nàng nói “Những loại ấy thì cha thiếp có thể diệt trừ được, nhưng làm sao thiếp dám đem việc riêng của người tình mà kể với cha”. Sinh năn nỉ xin bày cách cho, nàng ngẫm nghĩ rồi nói ”Loại ấy cũng dễ trừ, nhưng phải đích thân thiếp đi, mà bọn ấy đều là đầy tớ nhà thiếp, nếu chỉ để chúng chạm một ngón tay vào người thôi thì nước Tây Giang cũng không rửa hết nhục”. Sinh nài nỉ mãi, nàng nói “Để thiếp tính cho”. Đêm sau nàng tới nói “Thiếp đã vì chàng sai đứa tỳ nữ xuống nam rồi, nhưng nó yếu ớt, sợ không giết được chúng thôi”.

Đêm sau đang ngủ thì đứa tỳ nữ tới gọi, Sinh vội dậy mở cửa cho vào. Cô gái hỏi công việc thế nào, đứa tỳ nữ đáp “Con không đủ sức bắt sống, nên đã thiến nó rồi”. Nàng cười hỏi đầu đuôi, đứa tỳ nữ kể “Ban đầu con tưởng là ở nhà lang quân đây, nhưng tới nơi mới biết là không phải. Tới nhà chồng nàng thì đã lên đèn, vào trong thấy nàng ngồi trước đèn, gục xuống bàn như đang ngủ, con bèn thu hồn nàng cho vào vò úp lại. Giây lát con quái tới, vừa vào phòng thì lùi ra ngay, quát “Sao lại có người lạ nào thế?” nhưng nhìn kỹ không thấy ai khác lại bước vào. Con làm như đang mê man, y cởi quần áo ra leo lên, lại giật mình nói “Sao lại có binh khí thế này”. Ý con không muốn cầm vào vật bẩn dơ tay, nhưng sợ chậm trễ sinh biến bèn chụp lấy thiến luôn. Con quái đau đớn kêu la bỏ chạy, con trở dậy mở cái vò lên, nàng tỉnh dậy rồi thì con đi”. Sinh mừng rỡ tạ ơn, cô gái cùng đứa tỳ nữ ra về.

Hơn nửa năm sau không thấy nàng tới, Sinh đã tuyệt vọng. Cuối năm Sinh nghỉ dạy dịnh về quê, cô gái chợt tới. Sinh mừng rỡ ra đón, nói “Lâu quá nàng không tới, ta nghĩ chắc đã phạm lỗi gì, nay nàng không dứt tình chứ?”. Nàng đáp “Gắn bó với nhau cả năm mà chia tay nhau không có một lời thì cũng chưa trọn vẹn. Nghe nói chàng thôi dạy học nên lén tới nói lời từ biệt”. Sinh xin nàng cùng về quê với mình, nàng than “Khó nói lắm, hôm nay chia tay mà lòng không nỡ quên tình. Thiếp là con gái của Kim Long đại vương, vốn cùng chàng có túc duyên nên tới gặp gỡ. Không ngờ sai đứa tỳ nữ xuống Giang Nam làm giang hồ đồn ầm lên rằng thiếp vì chàng mà thiến Ngũ thông, cha thiếp nghe được cho là quá nhục nhã, đã định ban tội chết. May mà đứa tỳ nữ đứng ra nhận tội, ông mới hơi nguôi giận, phạt đánh nó một trăm gậy. Thiếp đi đâu nửa bước cũng có bà vú đi theo, chỉ nhân lúc sơ hở tới được đây một lần chứ không thể trọn duyên cầm sắt, biết làm sao được”.

Nói xong từ biệt, Sinh kéo lại rơi nước mắt, nàng nói “Chàng đừng làm thế, ba mươi năm sau sẽ lại sum họp mà”. Sinh nói “Ta nay ba mươi tuổi, ba mươi năm nữa đã là một ông già tóc bạc, còn mặt mũi nào gặp lại nhau?”. Cô gái nói “Không phải thế. Ở Long cung không có người già tóc bạc, mà người đời thọ hay yểu không phải ở chỗ dung mạo, song nếu chàng muốn giữ dung mạo cho không già là chuyện rất dễ”, kế viết một phương thuốc lên bìa quyển sách trên bàn rồi đi. Sinh về quê, cháu gái kể lại chuyện lạ, nói “Tối đến mơ thấy một người tới bắt bỏ vào vò, tỉnh dậy thấy máu đầm đìa cả chăn nệm, mà con quái tuyệt tích luôn”. Sinh nói “Đó là do ta cầu đảo Hà Bá đấy” mọi người mới rõ.

Về Sau sinh sáu mươi tuổi mà diện mạo vẫn như người ba mươi. Một hôm qua sông, nhìn thấy xa xa phía thượng lưu có chiếc lá sen to như chiếc chiếu trôi xuống, một người đẹp ngồi ở trên, tới gần thì là cô gái thần liền nhảy qua, người theo chiếc lá sen nhỏ dần lại, khi còn bằng đồng tiền thì biến mất. Chuyện này và chuyện Thiệu Hồ đều xảy ra thời Minh mạt, không biết chuyện nào trước chuyện nào sau. Nếu chuyện này xảy ra sau khi Vạn sinh dụng võ thì vùng Ngô Hạ chỉ còn có nửa tên Ngũ thông, chắc không đủ để tác quái làm hại nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.