LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 111 : Điền Thất Lang



Vũ Thừa Hưu người huyện Liêu Dương (tỉnh Liêu Ninh), tính thích giao du, bạn bè đều là kẻ sĩ có danh tiếng. Đêm mơ thấy một người nói “Anh kết giao khắp trong nước nhưng đều là bạn thừa, chỉ có một người có thể cùng chia hoạn nạn thì lại không biết”. Hỏi đó là ai, người ấy đáp “Điền Thất Lang chứ ai”, Vũ tỉnh dậy lấy làm lạ. Sáng ra gặp bạn bè nào cũng hỏi thăm Thất Lang là ai, khách có người biết đó là người thợ săn ở thôn Đông. Vũ kính cẩn tới yết kiến, cầm roi ngựa gõ cửa. Không bao lâu có một người bước ra, thấy khoảng hơn hai mươi tuổi lưng ong mắt báo, đội khăn mềm, vận áo ngắn quần cụt vá nhiều chỗ, chắp tay ngang trán hỏi khách ở đâu tới. Vũ xưng tên họ, nói thác là đi đường mệt mỏi muốn vào nghỉ nhờ. Hỏi Thất Lang, người ấy đáp “Chính là ta đây” rồi mời khách vào nhà. Thấy có mấy gian nhà nát, vách chống bằng cây, vào một phòng nhỏ thấy trên cột treo đầy da cọp da sói mà không có giường ghế gì để ngồi, Thất Lang trải một tấm da cọp dưới đất.

Vũ cùng Thất Lang trò chuyện, thấy lời lẽ thật thà rất thích, liền tặng tiền để làm ăn. Thất Lang không nhận, Vũ cố ép, Thất Lang bèn cầm vào nhà trong thưa lại với mẹ, giây lát trở ra đưa trả không lấy. Vũ ép đôi ba lần, bà mẹ lọm khọm bước ra, nghiêm sắc mặt nói “Già này chỉ có đứa con đó, không muốn sai nó thờ người sang”. Vũ thẹn ra về, dọc đường ngẫm nghĩ không hiểu ý bà thế nào, có kẻ tùy tùng lúc nãy đứng sau nhà nghe được lời bà mẹ bèn kể lại cho Vũ. Vốn là khi Thất Lang cầm tiền vào thưa, bà mẹ nói “Ta vừa thấy mặt công tử có sắc mờ tối, ắt sẽ gặp họa lớn. Thường nghe Được người biết thì phải chia sẻ điều lo âu, được người giúp thì phải báo đáp lúc hoạn nạn, kẻ giàu lấy tiền báo đáp, người nghèo lấy nghĩa báo đáp. Nay vô cớ mà được cho nhiều tiền là điềm không lành, e người ta muốn con đem cái chết báo đáp đấy”.

Vũ nghe thế rất phục bà mẹ giỏi, nhưng càng dốc lòng hâm mộ Thất Lang. Hôm sau làm tiệc mời nhưng Thất Lang từ chối không tới, Vũ bèn tới nhà đòi uống rượu, Thất Lang tự đi mua rượu, đem khô nai ra đãi khách hết sức niềm nở. Qua hôm sau nữa Vũ mời, Thất Lang mới tới, cùng uống rượu trò chuyện rất vui vẻ nhưng tặng tiền bạc thì không nhận, Vũ nói thác là mua da cọp mới nhận. Thất Lang về nhà xem lại số da cọp để dành thì không đủ so với số tiền, tự nghĩ phải đi săn nữa mới đủ giao nộp. Vào núi liền ba ngày không săn được gì. Gặp lúc vợ bệnh phải ở nhà lo thuốc thang không rảnh đi săn được, qua mười ngày vợ chết phải lo chôn cất, số tiền nhận được đem tiêu gần hết. Vũ tới điếu tang, phúng viếng rất hậu. Chôn cất vợ xong, Thất Lang lại mang nỏ vào núi, càng nóng lòng trả nợ Vũ, nhưng rốt lại vẫn không săn được gì.

Vũ nghe biết chuyện, khuyên đừng gấp, mong Thất Lang tới chơi một lần nhưng Thất Lang vẫn băn khoăn về nỗi còn thiếu nợ nên không chịu tới. Vũ đòi giao số da đã có để Thất Lang tới, Thất Lang kiểm lại những bộ da cũ thấy mối mọt làm hư, lông rụng mất sạch, càng thêm buồn bã. Vũ biết vội tới nhà, hết lời an ủi rồi vào xem những tấm da hư, nói “Thế này lại hay, ý ta là không cần những da có lông”. Rồi gỡ xuống đem ra, mời Thất Lang cùng về nhà chơi, Thất Lang không chịu đi, Vũ đành về một mình. Thất Lang vẫn nghĩ ngợi về việc còn thiếu tiền Vũ, lại mang lương khô vào núi, qua vài đêm bắn được một con cọp, mang cả về đưa cho Vũ. Vũ mừng bày tiệc khoản đãi, mời ở lại chơi ba hôm. Thất Lang nhất quyết từ chối, Vũ sai khóa chặt cổng không cho về.

Tân khách thấy Thất Lang quê mùa chất phác, thầm cho rằng công tử chọn bạn sai, nhưng Vũ lo toan cho Thất Lang hơn tất cả khách khứa khác. Vũ mang áo mới cho thay, Thất Lang chối từ không nhận, bèn nhân lúc Thất Lang ngủ lén đánh đổi, Thất Lang bất đắc dĩ phải mặc áo mới. Sau về nhà lại vâng lời mẹ đem trả áo mới đòi áo cũ, Vũ cười nói “Về thưa giùm với lão mẫu rằng đã cắt áo cũ ra may lót giày rồi”. Từ đó Thất Lang thường sai mang thịt thỏ thịt hươu tới biếu, nhưng Vũ mời thì không tới nữa. Một hôm Vũ tới nhà Thất Lang, gặp lúc Thất Lang đi săn chưa về bà mẹ ra đứng dựa cửa nói “Từ nay xin đừng rủ rê con ta nữa, cho khỏi mất lòng”. Vũ lễ phép chào, ngượng ngùng ra về.

Nửa năm sau, chợt gia nhân vào báo “Thất Lang vì tranh giành con beo săn được mà đánh chết người, hiện đã bắt giải lên quan rồi”. Vũ cả kinh, lập tức tới thăm thì Thất Lang đã bị đóng gông hạ ngục, gặp Vũ không nói gì, chỉ dặn “Từ nay phiền ông săn sóc giùm mẹ già”. Vũ đau xót trở ra, vội đem nhiều tiền đút lót quan huyện, lại đem trăm lượng vàng nhét cho gia đình người bị giết. Hơn tháng họ không kiện cáo, quan bèn tha Thất Lang về, Bà mẹ cảm khái nói “Mạng sống của con nay là nhờ Vũ công tử mà có, không phải là già này được thương tiếc nữa. Chỉ cầu mong công tử suốt đời không gặp tai họa, thì đó là cái phúc của con”. Thất Lang muốn tới tạ ơn Vũ, bà nói “Con tới thì tới, nhưng gặp công tử đừng có tạ ơn, ơn nhỏ còn tạ được chứ ơn lớn không tạ được đâu”.

Thất Lang tới nhà Vũ, Vũ dịu ngọt an ủi. Thất Lang chỉ dạ dạ, người nhà có kẻ lấy làm quái lạ vì hời hợt, nhưng Vũ mừng là thật thà, đối xử càng tử tế hơn. Từ đó thường tới chơi nhà công tử hàng hai ba ngày, tặng cho vật gì cũng nhận, không chối từ mà cũng không tặng gì đáp lễ. Gặp ngày sinh nhật của Vũ, khách khứa và bọn tùy tùng đông đúc, tối ngủ lại chật nhà, Vũ tới ngủ chung với Thất Lang trong một phòng nhỏ, ba người đầy tớ trải rơm nằm dưới giường. Qua canh hai chúng đều ngủ say, hai người vẫn nhỏ to trò chuyện.

Thanh bội đao của Thất Lang treo trên vách bỗng tự vọt lên, tuốt ra khỏi vỏ đến mấy tấc, loảng xoảng thành tiếng, lóe sáng như chớp. Vũ giật mình, Thất Lang cũng vùng dậy hỏi ba người nằm dưới giường là những ai, Vũ đáp đều là tôi tớ. Thất Lang nói “Trong bọn này ắt có kẻ ác”. Vũ hỏi sao biết, Thất Lang đáp,Thanh đao này mua ở nước ngoài, giết người chưa từng dính máu, dòng họ ta đeo đã ba đời, chặt đầu người có tới hàng ngàn mà vẫn sắc bén như mới mài, gặp kẻ ác thì khua vang tuốt ra, chắc sắp phải giết người rồi. Xin công tử nên thân người quân tử, xa kẻ tiểu nhân thì may ra tránh khỏi tai họa.

Vũ gật đầu, Thất Lang vẫn không vui, trằn trọc mãi trên giường. Vũ nói “Lành dữ có số, sao lại lo lắng quá thế?”. Thất Lang đáp “Ta chẳng sợ gì nguy hiểm, chỉ vì còn có mẹ già thôi”. Vũ nói “Làm gì mà tai họa tới mau thế được?”, Thất Lang đáp “Không tới thì càng hay”. Đại khái ba người đầy tớ ngủ dưới giường, một là Lâm Nhi, Vũ rất vừa ý, một là đứa tiểu đồng khoảng mười hai mười ba tuổi, Vũ thường sai phái này nọ, một là Lý ứng tính rất bướng bỉnh, thường vì chuyện nhỏ cãi lại công tử, Vũ đã nhiều lần nổi giận. Đêm ấy Vũ nghĩ thầm chuyện này chắc có dính líu tới nó nên sáng ra gọi tới nói khéo rồi bảo nó đi.

Con trưởng của Vũ là Thân, lấy Vương thị làm vợ. Một hôm công tử đi vắng, sai Lâm Nhi coi phòng sách, trong phòng có cây cúc đang trổ hoa. Vợ Thân nghĩ cha chồng đi vắng, phòng sách chắc vắng vẻ bèn một mình tới hái hoa cúc. Lâm Nhi chợt xông ra níu kéo trêu ghẹo, nàng toan bỏ chạy thì Lâm Nhi bế xốc vào phòng. Nàng kêu gào chống cự xám mặt khản tiếng, Thân chạy vào Lâm Nhi mới buông nàng ra bỏ trốn. Vũ về nghe chuyện, nổi giận tìm Lâm Nhi nhưng không rõ đã trốn đi đâu, qua hai ba hôm mới rõ nó tới xin làm tôi tớ trong nhà quan Ngự sử Mỗ. Mỗ làm quan ở kinh, việc nhà đều giao cho người em, Vũ lấy tình thân gởi thư đòi trả Lâm Nhi, em Mỗ cứ để đó không trả.

Vũ càng tức, thưa lên quan huyện, quan tuy có trát bắt mà lính không bắt, quan cũng không hỏi. Vũ đang tức giận thì gặp lúc Thất Lang tới, Vũ nói “Lời ông nói đã nghiệm rồi”. Nhân kể lại mọi chuyện, Thất Lang nghe xong sắc mặt tái xanh không nói câu nào, bỏ về ngay. Vũ sai bọn gia nhân đắc lực theo dõi Lâm Nhi, tối đến Lâm Nhi ra đường bị bọn kia bắt được trói lại mang về nộp Vũ. Vũ lấy gậy đánh, Lâm Nhi gào thét chửi mắng rất hỗn láo. Chú Vũ tên Hằng vốn là bậc trưởng giả sợ cháu nóng giận gây họa, khuyên đưa Lâm Nhi lên để quan trị tội. Vũ nghe theo, giải Lâm Nhi lên công đường, nhưng nhà Ngự sử gởi thư tới quan huyện bèn thả Lâm Nhi ra, cho muốn theo ai tùy ý.

Lâm Nhi càng rông càn, trước chỗ đông người bịa đặt nói vung lên rằng Vũ tư thông với con dâu, Vũ không nhịn được, phẫn uất muốn chết. Hôm sau Vũ tới cổng nhà Ngự sử kêu gào chửi rủa, người chung quanh khuyên giải bảo về. Qua một đêm, chợt gia nhân vào bẩm Lâm Nhi bị người ta giết chết lóc thịt ném xác ngoài đồng trống, Vũ ngạc nhiên mừng rỡ, mới hơi hả dạ. Kế nghe nhà Ngự sử kiện hai chú cháu, Vũ bèn đưa chú tới đối chất, quan huyện không nói năng gì, sai đánh Hằng, Vũ lớn tiếng nói “Đã vu cho tội giết người, lại làm nhục bậc thân sĩ à? Chuyện này cứ hỏi ta, đừng kéo chú ta vào”. Quan huyện không thèm nghe, Vũ trợn mắt toan sấn lên, đám nha lại đánh đập ngăn lại. Bọn đánh Hằng đều là chó săn của nhà quan, Hằng lại già yếu, chịu chưa đủ nửa số roi phạt đã tắt hơi chết rồi, quan huyện thấy chú Vũ đã chết cũng không xét xử nữa. Vũ gào thét chửi mắng, quan huyện làm ngơ như không nghe thấy gì đành khiêng xác chú về, căm hờn đau xót không biết làm sao.

Nghĩ muốn bàn với Thất Lang, nhưng không thấy Thất Lang tới điếu tang, tự nghĩ mình đối xử với Thất Lang không tệ, sao lại làm ngơ như kẻ qua đường? Cũng ngờ rằng kẻ giết Lâm Nhi là Thất Lang, nhưng lại nghĩ thế sao không bàn với mình? Bèn sai người tới nhà Thất Lang thăm dò nhưng thấy cửa đóng im ỉm, láng giềng đều không rõ đi đâu. Một hôm em Mỗ đang ngồi trong dinh trò chuyện với quan huyện, gặp ngày nộp củi đuốc, chợt một người tiều phu tới trước mặt, ném gánh củi xuống rút đao sắc sấn vào chém. Em Mỗ hoảng sợ giơ tay lên đỡ, lưỡi đao lướt qua cánh tay rơi xuống, lại thêm nhát nữa rơi đầu. Quan huyện cả sợ bỏ chạy, tiều phu còn nhìn quanh thì dám nha lại vội đóng cổng, cầm gậy gộc la lớn xúm lại, tiều phu liền tự đâm cổ chết. Mọi người nhao nhao xúm lại nhận mặt, biết đó là Điền Thất Lang. Quan huyện hoàn hồn mới trở ra xem xét, thấy Thất Lang nằm cứng đờ giữa vũng máu, tay còn cầm đao. Vừa tới gần nhìn kỹ, xác chết chợt vùng dậy chém bay đầu quan huyện rồi lại ngã xuống. Lính huyện tới bắt bà mẹ Thất Lang thì bà đã bỏ trốn từ mấy hôm trước.

Vũ nghe Thất Lang chết, chạy tới khóc lóc rất đau thương, có người nói là chính Vũ sai Thất Lang làm thế, Vũ bán hết điền sản lo lót mới được vô sự. Xác Thất Lang bị vứt ra đồng trống hơn ba chục ngày, chim muông thay nhau canh giữ, Vũ thu nhặt về tống táng rất hậu. Con trai Thất Lang tới lưu ngụ ở phủ Đăng Châu (tỉnh Sơn Đông) đổi họ là Đồng, lớn lên đi lính, nhờ quân công làm tới chức Đồng tri tướng quân, khi trở về Liêu Dương thì Vũ đã hơn tám mươi tuổi, chỉ cho biết mồ cha.

Dị Sử thị nói: Không khinh suất nhận một đồng tiền, thì đúng là không quên báo ơn một bữa cơm, người mẹ Thất Lang mới hiền làm sao! Còn như Thất Lang chưa phát tiết nỗi hận nhưng chết rồi vẫn trút hờn được, sao mà thiêng như thế. Nếu Kinh Kha* làm được như vậy, thì ngàn năm đâu còn mối hận không đâm được vua Tần. Nếu có được người như thế thì có thể vá những chỗ lưới trời bị lọt**. Thế đạo mênh mang, hận là những kẻ như Thất Lang quá ít, thật đau lòng thay!

*Kinh Kha: kiếm khách nổi tiếng thời Chiến quốc, nhận lệnh Thái tử Đan nước Yên vào đất Tần ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng không thành công.

**Vá những chỗ lưới trời bị lọt: lấy ý từ câu “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới trời giăng giăng, thưa mà không lọt), ý nói những kẻ làm điều ác trước sau cũng bị trừng trị. Vá những chỗ lưới trời bị lọt đây ý nói có những kẻ làm ác không bị trừng trị nên phải có những người như Điền Thất Lang để thi hành đạo trời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.