LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 128 : Nha Đầu



Chư sinh Vương Văn người huyện Đông Xương (tỉnh Sơn Đông), lúc trẻ tính thành thật. Đi chơi tới đất Sở (tỉnh Hồ Nam), qua sông Hoàng Hà, nghỉ lại ở nhà trọ, nhân rảnh rỗi dạo bước ngoài cửa. Có người đồng hương là Triệu Đông Lâu buôn bán lớn, thường mấy năm không về, gặp Vương cầm tay mừng rỡ, mời tới chỗ mình chơi. Tới nơi sinh thấy có mỹ nhân ngồi trong phòng, ngạc nhiên dừng bước. Triệu kéo vào, lại đứng ngoài cửa sổ gọi Nật Tử bảo đi chỗ khác, Vương bèn vào. Triệu dọn cơm rượu thết đãi, cùng nhau trò chuyện. Vương hỏi đây là nơi nào, Triệu đáp “Đây là một nhà chứa nhỏ, ta xa nhà lâu ngày nên tạm lấy làm nơi ngủ” Trong lúc hai người trò chuyện, Nật Tử cứ lui tới ra vào, Vương áy náy không yên, đứng dậy từ biệt, Triệu cố giữ ngồi lại. Chợt một thiếu nữ đi ngang qua cửa, nhìn thấy Vưong liếc mắt đưa tình, thấy phong tư xinh đẹp như thần tiên. Vương vốn đứng đắn, nhưng đến lúc ấy thấy say mê điên đảo, bèn hỏi người đẹp ấy là ai. Triệu đáp “Đó là con gái thứ hai của bà chủ nhà chứa này, tiểu tự là Nha Đầu, vừa mười bốn tuổi. Bọn khách chơi giàu có nhiều lần đưa tiền bạc ngỏ ý với bà mẹ nhưng nàng nhất định không chịu, đến nỗi bị bà đánh đập, nàng lấy cớ còn nhỏ tuổi xin tha, nay còn đang chờ người nộp sính lễ”.

Vương nghe thế cúi đầu yên lặng tơ tưởng, trò chuyện lơ đãng cứ hỏi gà lại đáp vịt. Triệu đùa nói “Nếu anh ưng ý thì ta xin làm mai cho”. Vương bùi ngùi nói “Thật không dám có ý ấy”, nhưng trời đã xế chiều vẫn không nói tới chuyện ra về. Triệu lại đùa hỏi, Vương nói “Thật rất cảm tạ lòng tốt của ông, nhưng cạn túi biết làm sao được?”. Triệu biết tính nàng cứng cỏi, ắt không chịu tiếp nên hứa giúp thêm mười lượng vàng. Sinh cảm tạ về nhà trọ, dốc hết tiền bạc tới, được năm lượng bèn ép Triệu nói giùm với mụ dầu, quả nhiên mụ chê ít. Nha Đầu nói “Hàng ngày mẹ vẫn trách con không làm cây tiền cho mẹ, nay xin theo ý mẹ. Con mới học ra đời, còn nhiều dịp báo đáp ơn mẹ, xin đừng vì cái cớ nhỏ mọn mà khước từ Thần Tài”. Mụ dầu thấy nàng vốn bướng bỉnh, nay đã chịu ra tiếp khách nên rất mừng rỡ bèn nhận lời, sai tỳ nữ đi mời Vương lang.

Triệu không nuốt lời được bèn lấy tiền đưa thêm. Vương cùng cô gái vui vầy rất sung sướng, kế nàng nói “Thiếp là kẻ hạ tiện chốn yên hoa, không xứng sánh đôi với chàng, nay được đội ơn thương tới rất cảm kích, nhưng chàng dốc túi mua một đêm vui, ngày mai sẽ ra sao?”. Vương rơi lệ sụt sùi, cô gái nói “Chàng đừng buồn, thiếp gởi thân trong chốn phong trần song không phải thật lòng muốn thế, chỉ vì chưa gặp được người thành thật xứng đáng trao thân gởi phận như chàng mà thôi, xin nhân đêm cùng nhau trốn đi”. Vương mừng rỡ vùng dậy, cô gái cũng dậy, nghe trống đã điểm canh ba, nàng vội đổi y phục giả làm con trai cùng nhau đi ngay. Sinh gõ cửa nhà trọ, vốn có hai con lừa bèn lấy cớ có việc gấp gọi đầy tớ lên đường.

Cô gái lấy bùa buộc vào chân người đầy tớ và tai lừa, thả cương chạy thật nhanh, không cho mở mắt, chỉ nghe gió rít ào ào bên tai. Sáng ra tới cửa Hán Giang (thuộc tỉnh Hồ Bắc) thuê nhà ở lại, Vương kinh ngạc vì chuyện lạ, nàng nói “Nói ra xin chàng đừng sợ, thiếp không phải là người mà là hồ thôi. Vì mẹ tham dâm nên hàng ngày bị ngược đãi, lòng vẫn oán hờn, nay may mắn thoát khỏi bể khổ, ở ngoài trăm dặm thì mẹ không thể biết được, may ra có thể yên ổn”. Vương yên lòng không ngờ vực gì nữa, chỉ chậm rãi nói “Trong phòng có người đẹp như đoá phù dung mà nhà nghèo trơ bốn bức vách, thật khó yên lòng, sợ rốt lại nàng sẽ bỏ đi”. Cô gái nói “Sao lại lo lắng chuyện ấy? Nay buôn bán cũng đủ sống, nhà có ba miệng ăn, sống đạm bạc cũng có thể no đủ, cứ bán con lừa lấy tiền làm vốn”.

Vương theo lời, mở ngay một cửa hàng nhỏ trước cổng, cùng đầy tớ làm lụng, bán rượu và nước tương. Cô gái thì may thuê thêu mướn, hàng ngày kiếm dư tiền chợ, ăn uống cũng đầy đủ. Hơn một năm dần dần nuôi được tôi tớ, Vương từ đó không phải đích thân làm lụng nữa, chỉ đứng trông nom. Một hôm chợt cô gái buồn rầu nói “Đêm nay sẽ có nạn, biết làm thế nào?”, Vương hỏi thì nàng đáp “Mẹ đã biết tin tức của thiếp, ắt sẽ kiếm chuyện, nếu sai chị Nật tới thì chúng ta khỏi lo, chỉ sợ bà đích thân tới thôi”. Đến khuya nàng mừng rỡ nói “Không sao, là chị Nật tới”. Không bao lâu Nật Tử đẩy cửa vào, nàng tươi cười ra đón, Nật Tử mắng “Con nhãi không biết nhục, bỏ trốn theo trai, mẹ sai ta trói ngươi dẫn về”, rồi lấy dây ra buộc vào cổ nàng. Cô gái tức giận nói “Chỉ theo một người thì có tội gì?”, Nật Tử càng tức, kéo nàng đứt cả vạt áo. Tôi tớ trong nhà cùng đổ tới, Nật Tử sợ hãi chạy đi. Cô gái nói “Chị ấy về báo ắt mẹ sẽ đích thân tới, sắp có vạ lớn, phải tính kế ngay”. Liền sắp xếp đồ đạc định dời nhà đi chợt bà mẹ sồng sộc bước vào, nét mặt hầm hầm nói “Ta đã biết con nhãi vô lễ, phải tự tới mới xong”. Cô gái quỳ xuống khóc lóc năn nỉ, mụ ta không nói gì, cứ nắm tóc nàng lôi đi.

Vương tha thiết nhớ thương, bỏ cả ăn ngủ, vội tới Đại Hà định chuộc nàng về, nhưng tới nơi thì cửa nhà như cũ mà người ở khác xưa. Hỏi người ở đó thì không ai biết mụ dọn nhà đi đâu, đành đau xót trở về. Rồi đó cho hết đồ đạc, mang tiền về Sơn Đông. Vài năm sau tình cờ lên Yên Kinh, qua Viện mồ côi thấy một đứa nhỏ bảy tám tuổi, người đầy tớ lấy làm lạ vì rất giống chủ mình nên cứ quay nhìn chằm chằm. Vương hỏi sao cứ nhìn đứa nhỏ, người đầy tớ cười thưa rõ, Vương cũng cười nhìn kỹ đúa nhỏ thấy dáng vẻ hiên ngang, tự nghĩ chưa có con nối dõi, nhân thấy giống mình nên yêu mến xuất tiền ra chuộc. Hỏi tên họ, nó đáp là Vương Tư, Vương nói “Cháu bị cha mẹ bỏ rơi lúc còn trong tã, làm sao biết được tên họ?”, nó đáp “Thầy học con vẫn nói lúc nhặt được con thì thấy trước bụng có viết hàng chữ “Con của Vương Văn ở Sơn Đông”*. Vương cả sợ nói “Ta chính là Vương Văn, nhưng lấy đâu ra thằng con này, chắc là ai trùng tên đó thôi”, nhưng cũng mừng thầm nên rất thương yêu.

* Con của Vương Văn ở Sơn Đông: theo lối chiết tự trong chữ Hán thì chữ Tư có thể hiểu như Văn tử (con của Văn).

Khi về tới quê, ai thấy cũng biết ngay là con của Vương không cần phải hỏi. Tư dần lớn lên, vạm vỡ khỏe mạnh, thích săn bắn chứ không lo làm ăn, thích đánh nhau ưa giết người, Vương cũng không sao kiềm chế được. Tư lại tự nói có thể nhìn thấy ma quỷ hồ tinh nhưng không ai tin, gặp lúc trong làng có nhà nọ bị hồ ám mời tới xem. Tư tới nơi chỉ vào nơi hồ trốn núp, bảo mấy người cứ theo chỗ mình chỉ mà đánh, lập tức nghe tiếng hồ kêu, lông máu ngỗn ngang, từ đó được yên ổn, vì vậy mọi người càng lấy làm lạ. Một hôm Vương đi trong chợ chợt gặp Triệu Đông Lâu, thấy khăn áo xốc xếch, mặt mũi tiều tụy, bèn sửng sốt hỏi vì sao. Triệu buồn bã xin chờ thong thả sẽ kể, Vương liền dẫn về nhà thết đãi. Triệu nói “Mụ dầu bắt được Nha Đầu về, đánh đập tàn nhẫn, khi dời nhà lên Bắc rồi lại muốn ép gả cho người ta, nhưng nàng thề không lấy hai chồng nên mụ còn nhốt để đó. Nàng sinh được một con trai, mụ vứt ra đường, nghe nói được đưa vào Viện mồ côi, nay chắc đã trưởng thành, đó là giọt máu của ông đấy”.

Vương sa nước mắt nói “Nhờ trời thằng nhỏ đã về đây rồi”, rồi kể lại đầu đuôi, kế hỏi “Sao ông lại tới nông nỗi này?”. Triệu than “Nay mới biết không thể quá tin vào sự tử tế ở chốn lầu xanh, nhưng còn nói gì được nữa?”. Nguyên lúc mụ dầu dời nhà lên Yên Kinh, Triệu cũng nhân buôn bán đi theo, những hàng hóa nặng nề khó chở thì bán rẻ hết, dọc đường lại gánh vác sự chi tiêu, phí tổn rất lớn nên ăn vào vốn rất nhiều. Nật Tử lại đòi hỏi quá quắt nên trong mấy năm, vốn liếng hàng vạn lượng vàng hết sạch. Mụ dầu thấy Triệu hết tiền, ngày càng khinh rẻ, Nật Tử dần dần cũng đi ngủ ở các nhà giàu có, thường mấy đêm liền không về. Triệu căm tức không nhịn được nhưng không biết làm sao. Gặp lúc mụ dầu đi vắng, Nha Đầu trong cửa sổ gọi Triệu nói “Chốn lầu xanh vốn không có tình nghĩa, sở dĩ gắn bó chiều chuộng chỉ vì tiền đó thôi. Ông mà còn lưu luyến nơi này, ắt sẽ gặp họa lớn đấy”

Triệu sợ hãi như mới tỉnh mộng, lúc sắp lên đường lén tới thăm nàng, nàng đưa một lá thư nhờ chuyển tới Vương, Triệu bèn đi. Nhân kể lại tình cảnh của Nha Đầu rồi lấy thư đưa Vương, thư viết “Được biết thằng Tư đã về với chàng. Tai ách của thiếp thì ông Đông Lâu đã biết rõ, đó là cái oan nghiệt kiếp trước, còn biết nói gì! Thiếp bị giam trong phòng tối, không thấy ánh mặt trời, đòn roi nát thân, lửa đói đốt ruột, một ngày dài như một năm. Nếu chàng không quên lúc ở Hán Giang, đêm tuyết chỉ có chiếc chăn đơn, ôm nhau cho ấm thì xin nên cùng con mưu tính giải thoát cho thiếp ra khỏi tai ách. Mẹ và chị thiếp tuy tàn ác cũng là cốt nhục, xin đừng làm cho thương tổn, đó là điều thiếp mong mỏi vậy”.

Vương xem thư khóc ròng, lấy vàng lụa ra đưa chân Triệu. Lúc ấy Tư đã mười tám tuổi, Vương kể rõ đầu đuôi, nhân đưa cho xem thư mẹ. Tư tức giận trợn mắt tưởng chừng rách khóe, ngay hôm ấy lên đường vào kinh, hỏi thăm tới được nơi mụ dầu đất Ngô ở thì đang lúc ngựa xe dày đặc trước cổng. Tư xông thẳng vào, Nật Tử đang uống rượu với khách, thấy Tư cầm đao biến sắc, Tư sấn tới chém chết. Khách khứa cả sợ cho là giặc cướp, nhưng nhìn lại xác Nật Tử thì thấy đã hóa ra con chồn. Tư xách dao vào thẳng nhà trong thấy mụ dầu đang sai bảo tỳ nữ làm thức ăn, Tư xông tới gần cửa thì mụ biến mất. Tư nhìn quanh rồi rút mau cung tên bắn lên xà nhà, một con chồn bị bắn xuyên tim rơi xuống, Tư liền chặt lấy đầu. Tìm được chỗ mẹ bị giam, vác đá phá tung cửa, mẹ con cùng khóc không ra tiếng. Mẹ hỏi mụ dầu, Tư đáp đã giết rồi. Mẹ oán trách nói “Sao con không nghe lời ta?”, rồi sai mang ra ngoài đồng chôn cất.

Tư giả vâng dạ nhưng lột lấy bộ da giấu đi. Kế kiểm lại rương hòm của mụ đầu, lấy hết vàng bạc rồi đưa mẹ về. Vợ chồng gặp lại nhau nửa mừng nửa tủi, kế hỏi về mụ dầu, Tư nói đang trong túi con. Giật mình hỏi lại, nó lấy hai bộ da dâng lên. Mẹ tức giận mắng “Thằng con ngỗ nghịch sao dám làm thế”, rồi gào khóc tự đánh mình, lăn lộn dưới đất muốn chết đi. Vương hết sức khuyên giải an ủi, quát bảo con đem chôn hai bộ da, Tư uất ức nói “Nay được yên vui đã quên ngay lúc bị roi vọt à?”. Mẹ càng giận dữ gào khóc không thôi. Tư đi chôn hai bộ da rồi trở về thưa, mẹ mới hơi nguôi giận. Vương từ khi cô gái trở về, trong nhà càng thêm sung túc, lại nhớ ơn Triệu, báo đáp rất hậu, Triệu lúc ấy mới biết mẹ con mụ dầu đều là hồ.

Tư thờ phụng cha mẹ rất có hiếu, nhưng có ai lỡ xúc phạm thì lớn tiếng gầm thét. Cô gái nói với Vương “Con ta có sợi gân hung dữ, nếu không đâm hủy đi thì về sau thế nào cũng vì giết người mà mất nghiệp”. Tối đến chờ Tư ngủ say, ngầm lấy dây trói chặt tay chân. Tư tỉnh dậy nói “Con không có tội gì”, mẹ nói “Ta định chữa bệnh cho con, đừng kêu la”. Tư gào lớn lăn lộn nhưng không vùng ra được. Cô gái lấy kim lớn đâm vào cạnh xương mắt cá chân của nó, sâu tới ba bốn phân, dùng sức ngoáy mạnh đứt nghe răng rắc, lại đâm vào khuỷu tay và sau gáy, cũng làm như vậy, kế cởi trói cho, vỗ về bảo cứ ngủ yên. Sáng ra Tư tới hầu cha mẹ, sa nước mắt nói “Con từ khuya đến sáng nhớ lại việc làm trước đây, thật đều không phải giống người”. Cha mẹ cả mừng, từ đó Tư nhu mì nhỏ nhẹ như con gái, làng xóm đều khen là hiền đức.

Dị Sử thị nói: Kỹ nữ đều là hồ, những kẻ không cho rằng có hồ làm kỹ nữ, tới chỗ hồ tìm gà mái, thú mà làm cầm thì những chuyện thương luân bại lý có gì là lạ. Nhưng tới chuyện trải trăm cay ngàn đắng, đến chết không chịu theo người khác thì loài người vẫn cho là khó mà hồ cũng làm được sao? Vua Đường vẫn nói Ngụy Trưng có vẻ yếu ớt như đàn bà* ta cũng nói về Nha Đầu như vậy.

*Vua Đường… đàn bà: Ngụy Trưng là Thừa tướng của Đường Thái tông, tính cương trực trầm tĩnh, trước mặt vua dám can gián những việc lớn, Thái tông nhiều phen nổi giận nhưng Trung cứ thản nhiên tâu bày, vua vì thế cũng nguôi dần, thường nói “Người ta vẫn nói Trưng ngạo nghễ, nhưng ta xem có vẻ yếu ớt như đàn bà”. Đây ý nói nhân vật Nha Đầu bề ngoài hiền dịu nhưng trong lòng cương cường, không thể khuất phục được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.