LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 145 : Liễu Sinh



Chu sinh là dòng dõi nhà quan ở phủ Thuận Thiên (kinh đô ở tỉnh Hà Bắc), chơi thân với Liễu sinh. Liễu được dị nhân dạy cho thuật xem tướng, thường nói với Chu rằng “Ông không có phận làm quan, còn sự giàu có muôn chung thì sức người cũng lo được, nhưng tôn phu nhân tướng bạc sợ không thể giúp ông dựng được cơ nghiệp”. Không bao lâu quả vợ Chu chết, nhà cửa tiêu điều không ai coi sóc, Chu bèn tới nhà Liễu sinh nhờ bói về hôn nhân. Vào phòng khách cùng ngồi hồi lâu thì Liễu bỏ vào trong mãi không ra, gọi hai ba lần mới trở ra nói “Ta hàng ngày vẫn tìm cho ông một người vợ giỏi, hôm nay mới tìm được, mới rồi là ở nhà trong thi thố chút thuật mọn, xin Nguyệt lão xe sợi tơ hồng cho ông đấy thôi”. Chu mừng rỡ hỏi han, Liễu đáp “Mới rồi có một người xách cái bị ở đây ra, ông có gặp không?”. Chu nói “Có gặp, thấy rách rưới như thằng ăn mày”. Liễu nói “Đó là cha vợ của ông, nên kính lễ”. Chu nói “Vì thân thiết với nhau mới tới bàn chuyện riêng, sao đùa cợt nhau quá thế? Ta tuy nghèo hèn cũng là dòng dõi nhà quan, sao đến nỗi phải cưới con nhà đầu đường xó chợ”. Liễu nói “Không phải thế, con bò lang còn sinh được bê đẹp, có hại gì đâu”. Chu hỏi “Ông gặp con gái y chưa?”. Liễu đáp “Chưa, ta với y không từng quen biết, ngay cả tên họ cũng mới hỏi mà biết đây thôi”. Chu cười nói “Bò lang còn chưa biết, làm sao biết được bê?”, Liễu nói “Ta lấy số mệnh mà tin thôi, người ấy hung dữ mà hèn hạ nhưng ắt sinh được con gái có phúc lớn. Nhưng nếu miễn cưỡng tác hơp bừa thì ắt có nạn lớn, nên mới phải cầu đảo”.

Chu về cũng chưa tin hẳn vào lời Liễu, tìm đủ cách mai mối lấy vợ, nhưng không cưới được đám nào. Một hôm Liễu chợt tới nói “Có một người khách, ta đã thay ông gởi thư mời”. Chu hỏi là ai, Liễu đáp “Đừng hỏi han gì cả, cứ lo cơm nước cho mau”. Chu không hiểu chuyện gì, cứ theo lời chuẩn bị cơm rượu. Giây lát khách tới thì ra là họ Phó, làm lính trong doanh. Chu trong lòng không thích nhưng bề ngoài vẫn làm ra vẻ vồn vã trò chuyện, còn Liễu sinh thì một dạ hai thưa rất mực cung kính. Giây lát rượu thịt bày lên, có lẫn cả cỏ dại trong mâm. Liễu sinh đứng dậy nói với khách “Công tử đây hâm mộ ông đã lâu, thường nhờ ta đi mời, nhưng lần trước mới được gặp, lại nghe không mấy bữa nữa lại đi chinh phạt nơi xa nên ta lập tức mời ngay khiến chủ nhân bị bất ngờ”. Trong lúc uống rượu, Phó lo ngựa bị bệnh không cưỡi được, Liễu cũng gật gù cùng tính toán này nọ. Kế khách ra về, Liễu trách Chu “Có ngàn vàng cũng không mua được người bạn như thế, sao ông lại im lặng ngồi nhìn rồi mượn ngựa Chu để về, nhân đó giả lời Chu dắt ra cổng đưa dây cương tặng luôn cho Phó. Chu biết được bực lắm nhưng chẳng biết làm sao. Qua năm sau Chu định đi Giang Tây làm mạc khách ở ty Niết, tới nhà Liễu nhờ xem giùm một quẻ. Liễu nói chuyến này đi là đại cát, Chu cười nói “Ta không có ý gì khác, chỉ là có ít tiền định cưới người vợ đẹp, may mà lời nói trước kia của ông không nghiệm, thì có được không?”. Liễu nói “Tất cả đều như ông muốn mà”.

Chu tới Giang Tây thì vừa gặp lúc có bọn giặc lớn nổi loạn, ba năm không về được. Sau mới hơi yên bèn chọn ngày lên đường về, giữa đường bị bọn cướp bắt, bảy tám người cùng gặp nạn bị cướp hết tiền rồi thả ra, duy Chu bị giải về tận sào huyệt của bọn cướp. Tên đầu đảng hỏi kỹ gia thế của Chu rồi nói “Ta có đứa con gái muốn dâng ông lo việc hầu hạ quét dọn, xin đừng chối từ”. Chu không đáp, tên cướp tức giận liền sai đem Chu ra chém. Chu sữ, nghĩ rằng cứ tạm vâng lời y rồi thong thả sẽ tìm cách trốn đi, bèn nói “Sở dĩ tiểu sinh còn chần chừ vì thấy mình là học trò yếu ớt không thể theo việc binh, chỉ e càng làm lụy cho trượng nhân thôi. Chứ nếu được cho vợ chồng dắt nhau đi khỏi nơi này, thì còn ơn đức nào lớn bằng”. Tên cướp nói “Ta đang lo con gái làm phiền lụy, chuyện đó có gì mà không nghe theo được”. Bèn dẫn Chu vào trong, cho con gái ăn mặc đẹp đẽ ra gặp, thấy nàng khoảng mười tám mười chín tuổi, xinh đẹp như tiên. Ngay đêm ấy làm lễ hợp cẩn, nàng đằm thắm hơn cả lòng Chu mong mỏi, hỏi kỹ họ tên mới biết cha nàng chính là người xách cái bị ở nhà Liễu sinh năm trước. Nhân thuật lại lời Liễu cho nàng nghe, hai người cùng than thở.

Qua bốn hôm, tên cướp định đưa hai người đi, chợt đại quân bất ngờ kéo tới, cả nhà đều bị bắt trói. Có ba vị quan tướng giám trảm, đem cha vợ Chu ra chém xong, lần lượt tới Chu, Chu đã nghĩ phen này ắt phải chết thì một viên tướng nhìn kỹ nói “Có phải Chu mỗ không?”, té ra đó là người lính họ Phó nhờ có quân công đã được thăng tới chức Phó tướng quân. Phó nói với hai người kia rằng “Đây là danh sĩ dòng dõi thế gia ở quê ta, lẽ nào lại đi làm giặc?”, rồi cởi trói cho Chu, hỏi từ đâu tới. Chu bịa đặt nói “Vừa ở ty Niết tỉnh Giang Tây cưới vợ về, không ngờ bị bọn cướp bắt, may được ông cứu vớt cho, ơn tái sinh lớn như trời đất, nhưng vợ chồng chia lìa, xin nhờ oai lớn giúp cho được ngói lành”. Phó liền sai giải hết tù nhân ra cho Chu nhận mặt vợ. Chu tìm được cô gái rồi, Phó cho ăn uống, giúp đỡ tiền bạc, nói “Trước đây nhờ cái ơn cho ngựa, sớm tối vẫn không quên, nhưng việc quân bận rộn không rảnh rỗi tới tham kiến đươc, nay xin giúp ông hai cỗ ngựa tất, năm mươi lượng vàng để về quê”, lại sai hai tên quân kỵ đi hộ tống.

Trên đường cô gái nói với Chu “Cha ngu dại không chịu nghe lời nói thẳng, mẹ lúc chết đã biết có ngày hôm nay lâu rồi. Sở dĩ còn nương náu sớm tối vì lúc nhỏ từng được ông thầy tướng xem cho, nói rằng ngày sau có thể thu lượm được hài cốt của cha mẹ mà thôi. Chỗ ấy có số tiền lớn chôn giấu, có thể đào lên chuộc xác cha, còn thừa đem về cũng đủ mưu sinh”. Bèn dặn hai tên quân kỵ đợi trên đường, hai người quay về chỗ cũ, thấy nhà cửa đã cháy sạch, lấy bội đao đào đống tro, xương dưới một thước quả được vàng, gói vào hành lý rồi quay trở lại. Đem một trăm lượng đút lót hai tên quân kỵ nhờ họ chôn cất xác cha cô gái, nàng lại đưa Chu tới lạy trước mộ mẹ xong mới lên đường. Tới địa giới tỉnh Trực Lệ, hai người thưởng cho hai tên quân kỵ rất hậu rồi chia tay.

Chu lâu ngày không về, gia nhân đều cho rằng đã chết, thả sức trộm cắp, thóc gạo vải lụa vật dùng trong nhà không còn chút gì. Đến lúc nghe chủ nhân về, sợ hãi kéo nhau trốn sạch, chỉ còn một bà già, một người tỳ nữ và một lão bộc ở lại. Chu vì ra khỏi chỗ chết được sống mà trở về nên cũng không hỏi gì tới, qua thăm Liễu thì không rõ đã đi đâu mất rồi. Cô gái coi sóc việc nhà còn hơn cả đàn ông, chọn những người thành thật siêng năng đưa vốn cho buôn bán, lời lãi chia đôi. Mỗi khi các bạn buôn họp nhau tính toán ở nhà, nàng buông rèm ngồi trong lắng nghe, ai lầm một con số là chỉ ngay ra chỗ sai, vì thế trong ngoài không ai dám lừa dối. Vài năm có tới hàng trăm bạn buôn, nhà giàu có hàng mấy mươi vạn lượng vàng, mới sai người bốc mộ cha mẹ đem về hậu táng.

Dị Sử thị nói: Nguyệt lão cũng có thể đút lót, nên không lạ gì mà những kẻ mai mối cũng giống như người buôn bán. Nhưng tên cướp kia lại có người con gái như thế sao? Gò đất nhỏ không có tùng bách lớn, đó là lời luận bàn của kẻ quê mùa dốt nát mà thôi. Đàn bà con gái mà còn để mất, huống hồ đem kiến thức ấy xem xét kẻ sĩ trong thiên hạ ư?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.