LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 278 : Tần Cối



Nhà Tể tướng họ Phùng ở huyện Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) giết một con heo, đổ nước sôi cạo lông thấy da có hàng chữ rằng “Thân sau bảy đời của Tần Cối”. Mổ ra thì thịt rất hôi thối, bèn vứt bỏ cho chó. Ô hô, thịt của Cối mà chó cũng không thèm ăn. Nghe người ở huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông) nói: Tổ tiên của Tể tướng bị Cối hại, nên lúc bình sinh rất kính trọng Vũ Mục vương*, lập một điện thờ Nhạc vương ở cạnh ngã tư đường phía bắc thành Thanh Châu, có tượng Tần Cối và Vạn Hầu Oa quỳ dưới đất để người tới cúng tế thì ném đá vào, hương lửa không dứt. Về sau lúc đại binh chinh phạt Vu Thất**, con cháu họ Phùng hủy tượng Nhạc vương, người quanh đó lại có tục thờ Tử Tôn Nương nương, nên đặt tượng của Cối và Oa lên giữa cho mọi người quỳ lạy. Sau trăm đời, chắc sẽ có chuyện lầm lẫn như Đỗ Thập di, Ngũ Tỳ Tu***, thật đáng cười.

* Vũ Mục vương: tức Nhạc Phi, tướng giỏi thời Nam Tống, cầm quân đánh Kim có công, bị gian thần là Tần Cối giả mệnh vua triệu về rồi vu khống giết chết trong ngục, được các triều đại sau truy phong là Vũ Mục vương.

**Vu Thất: thủ lãnh chống triều đình đời Thuận Trị nhà Thanh (1644-1661).

*** Đỗ Thập di, Ngũ Tỳ Tu: dân quê Trung Quốc thường ngoa truyền, tương đền thờ Ngũ Tử Tư (tức Ngũ Viên) thờ Ngũ Tỳ Tu, đền thờ Đỗ Thập di (tức Đỗ Phủ) thờ Đỗ Thập di (dì họ Đỗ thứ mười), vì đồng âm nên lầm ra như thế.

Lại ở trong thành Thanh Châu trước có đền thờ Tử Vũ, lúc Ngụy Đang nắm quyền, trong các nhà thế gia có kẻ xu nịnh, bôi xóa râu tóc áo mũ trên tượng Tử Vũ, đổi làm tượng Ngụy giám*, cũng là chuyện khiến người ta nghe thấy phải khiếp sợ vậy

*Ngụy giám: tức Ngụy Trung Hiền, hoạn quan thời Minh, có thế lực rất lớn, khuynh loát cả trong triều ngoài quận, sử sách xưa coi là kẻ gian thần


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.