LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 363 : Hạ Tuyết Nhị Tắc



I.

Ngày sáu tháng bảy năm Đinh hợi, ở Tô Châu có tuyết lớn, trăm họ hoảng sợ cùng tới cầu đảo ở miếu thờ thần. Thần chợt mượn lời người nói “Những kẻ xưng là Lão gia hiện nay đều thêm một chữ Đại ở trước, hạng thần nhỏ nhoi như ta không đáng được chữ Đại ấy”. Mọi người run sợ, cùng gọi thần là Đại Lão gia, tuyết lập tức ngừng rơi. Từ đó mà xem thì thần cũng thích nịnh, huống gì kẻ sang cả ăn trên ngồi trốc.

Dị Sử thị nói: Phong tục đổi thay, người dưới thì nịnh mà người trên thì kiêu, như trong khoảng bốn mươi mấy năm đầu niên hiệu Khang Hy (1662-1722) gọi là xưng hô không nệ cổ, rất đáng buồn cười. Cử nhân xưng là Gia, thì bắt đầu từ năm thứ 20 (1681), Tiến sĩ xưng là Lão gia, thì bắt đầu từ năm thứ 30 (1691), các quan ở Ty Viện xưng là Đại Lão gia, thì bắt đầu từ năm thứ 25 (1686). Trước đây quan tỉnh ra mắt đại thần, bất quá cũng chỉ xưng là Lão đại nhân mà thôi, nay thì cách xưng hô ấy đã bỏ lâu rồi. Cho dù là người quân tử thì gặp cảnh ngộ nịnh hót cũng phải làm theo lối nịnh hót, đâu dám xưng hô khác đi. Như vợ những người làm quan được gọi là Thái thái thì cũng chỉ mới vài năm nay thôi, chứ trước kia chỉ có mẹ của các quan mới được. Bắt đầu có lối xưng hô này, cứ vợ là được gọi như thế, chỉ có trong bọn lại rông càn là gọi bừa thôi, chứ ngoài ra chưa thấy. Thời Đường vua muốn gia phong cho Trương Duyệt làm Đại Học sĩ, Duyệt từ chối tâu rằng “Xưa nay chức Học sĩ không có chữ Đại, thần không dám nhận”, chữ Đại ngày nay ai cho là lớn? Buổi đầu là do bọn tiểu nhân nịnh hót, rồi vì kẻ sang cả vui thích cứ nghiễm nhiên nhận lấy, nên thiên hạ cứ đua nhau mà gọi thôi. Trộm nghĩ vài năm nữa, kẻ xưng Gia sẽ trở thành Lão gia, kẻ xưng Lão gia sẽ trở thành Đại Lão gia, thì không biết bậc Đại Lão gia sẽ được tôn xưng thế nào cho cao hơn, thật là không biết ra sao nữa!

II.

Ngày ba tháng sáu năm Đinh hợi, ở phủ Quy Đức tỉnh Hà Nam có tuyết lớn ngập hơn một thước, lúa má chết sạch. Tiếc cho dân ở đó còn chưa biết cách nịnh hót thần, xót xa thay!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.