LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 408 : Chiết Ngục Nhị Tắc



I.

Phía tây huyện ta có thôn cạnh núi. Có kẻ trong thôn đi buôn bị giết trên đường, đêm hôm sau thì người vợ tự tử, em trai người đi buôn khóc lóc lên kêu với quan. Lúc ấy ông Phí Huy Vĩ làm huyện lệnh Truy Xuyên, đích thân tới khám nghiệm, thấy bọc tiền của người ấy còn năm nén bạc vẫn giắt trong lưng, biết đây không phải là vụ giết người cướp của. Bèn đòi hương chức ở thôn ấp tới hỏi, thẩm xét qua một lượt không được chút manh mối gì, cũng thả cho về cả chứ không bắt bớ một ai, chỉ sai họ ngấm ngầm dò xét, cứ mười ngày một lần lên huyện bẩm lại mà thôi. Được nửa năm việc hầu như bị dìm đi, em trai người đi buôn oán ông nhân từ nhu nhược, lên huyện làm ầm ĩ. Ông giận nói “Người không nêu được đích danh kẻ nào, lại muốn ta bắt bớ đánh đập kẻ lương dân à?”, sai quát đuổi ra. Em trai người đi buôn không có cách nào, căm hờn trở về chôn cất anh và chị dâu.

Một hôm có mấy người thiếu thuế bị bắt giải lên huyện, trong đó có một người tên Chu Thành sợ bị giam, bẩm rằng đã lo đủ tiền nộp thuế, rút bọc tiền giắt trong lưng đưa lên cho quan xem. Ông xem xong hỏi “Nhà ngươi ở làng nào?”, đáp ở thôn Mỗ. Lại hỏi cách thôn cạnh núi phía tây huyện bao xa, đáp là năm sáu dặm. Ông hỏi “Năm rồi thôn ấy có người đi buôn bị giết, là gì của ngươi?”, đáp là không hề quen biết. Ông chợt đùng đùng nổi giận nói “Ngươi giết y, lại còn nói là không hề quen biết à?”, Chu ra sức phân trần, ông không nghe, sai tra tấn, quả nhiên y chịu nhận tội. Trước đó vợ người đi buôn là Vương thị đi thăm họ hàng, thẹn vì không có món đồ trang sức nào, nói với chồng bảo sang nhà hàng xóm mượn chiếc thoa, chồng không chịu. Vương thị bèn sang mượn rồi đi thăm họ hàng, giữ gìn rất cẩn thận, trên đường về tháo ra cho vào bọc tiền cất trong tay áo, về tới nhà xem lại thì đã làm rơi mất, không dám nói với chồng, cũng không có cách nào đền cho hàng xóm, lo buồn muốn chết.

Hôm ấy Chu tình cờ nhặt được, biết là của Vương thị làm rơi, bèn rình lúc người đi buôn vắng nhà, nửa đêm nhảy tường vào, định lấy đó ép Vương thị ngủ với mình. Hôm ấy trời nóng nực, Vương thị ngủ ở sân, Chu tới cưỡng ép, Vương thị tỉnh giấc la lớn. Chu vội ngăn lại, đưa chiếc thoa ra. Xong rồi Vương thị dặn “Từ nay về sau đừng tới nữa, đàn ông nhà ta dữ lắm, y biết thì chết cả”. Chu tức giận nói “Ta mà cầm cái thoa này tới kỹ viện thì đủ ngủ mấy đêm, chẳng lẽ mới có một lần mà đã đủ à?”. Vương thị nói ngọt rảng “Không phải ta không muốn. Nhưng chồng ta nhiều bệnh, chẳng bằng cứ thong thả, chờ y chết rồi sẽ tính”. Chu bèn về, vì vậy rình giết người đi buôn, đêm tới nói với Vương thị “Bây giờ y đã bị người ta giết rồi, xin nàng theo lời hứa”. Vương thị nghe thế khóc ầm lên, Chu hoảng sợ bỏ trốn, sáng ra thì Vương thị chết.

Ông hỏi rõ được hết sự thật, bèn khép tội Chu. Người ta đều phục là ông sáng suốt như thần, song không rõ ông dựa vào đâu mà biết là Chu giết người đi buôn. Ông nói “Chuyện này không khó, chỉ cần để ý đúng chỗ thôi. Lúc ta khám nghiệm xác chết, thấy bọc tiền có thêu chữ Vạn, bọc tiền của Chu cũng thế, cùng là do tay một người thêu. Khi hỏi thì y đáp là không hề quen biết người kia, lời lẽ sắc mặt đều có vẻ giả trá, cho nên biết được”.

Dị Sử thị nói: Những người xét án trên đời, nếu không thẳng tay kết tội cũng bắt bớ đánh đập vài mươi người, bừa bãi quá lắm! Trên thềm sai đánh người huỳnh huỵch, quát thét tới trưa, rồi nghênh ngang nói “Ta lo việc dân mệt quá!”. Gõ ba hồi trống nghỉ thì giọng nói sắc mặt đều lộ vẻ tự đắc, không quyết được việc án mà cũng chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ chờ tới lúc ra công đường thì tra khảo cho nặng mà thôi? Ô hô, có phải nhờ vậy mà rõ được dân tình đâu! 

II.

Trong huyện có Hồ Thành cùng làng với Phùng An, nhiều đời có hiềm khích với nhau. Cha con Hồ hung dữ, Phùng nhịn nhục qua lại chơi bời, song rốt lại Hồ vẫn ngờ vực. Một hôm cùng uống rượu, Hồ hơi say không còn giữ gìn nữa, bèn nói khoác rằng “Ta chẳng sợ gì nghèo, gia tài trăm lượng vàng chẳng phải là khó kiếm”. Phùng thấy nhà Hồ không giàu, bèn chế nhạo. Hồ tỏ vẻ thành thật nói “Nói thật nhé, đêm qua gặp nhà buôn giàu trên đường mang rất nhiều hàng, ta đã giết y quăng xuống giếng cạn ở núi nam rồi”. Phùng lại cười nhạo. Lúc ấy em rể của Hồ là Trịnh Luân nhờ mua ruộng đất, có gởi ở nhà Hồ mấy trăm đồng tiền vàng, Hồ bèn đem ra giả làm chứng cớ, Phùng mới tin. Hôm sau Phùng ngầm lên huyện tố cáo, ông cho bắt Hồ tra hỏi, Hồ bèn nói hết sự thật, hỏi tới Trịnh Luân và người bán ruộng cũng không sai. Bèn tới chỗ giếng cạn, dòng dây sai một người lính lệ xuống xem, thì quả có một cái thây người không đầu dưới đáy giếng. Hồ hoảng sợ không biết làm sao phân trần, chỉ kêu là oan.

Ông giận, sai đánh vài mươi tát, nói “Chứng cớ rõ ràng, còn kêu oan à?”, sai đóng gông tử tù giam lại. Cái thây thì không cho mang lên, chỉ hiểu thị cho các làng gọi người nhà tới nhận. Vài hôm sau có người đàn bà tới nhận là vợ người chết, nói rằng chồng tên Hà Giáp, mang vài trăm đồng tiền vàng đi buôn, bị Hồ giết chết. Ông nói “Dưới giếng có xác người chết thật, nhưng chắc đâu đúng là chồng ngươi”. Người đàn bà cả quyết đó là chồng mình, ông bèn cho mang cái xác lên, xét ra quả đúng. Người đàn bà không dám tới gần, chỉ đứng xa xa gào khóc. Ông nói “Đã bắt được thủ phạm rồi, nhưng thi thể người chết chưa đầy đủ, ngươi cứ tạm về nhà, khi nào tìm được cái đầu, sẽ báo quan trên xét rồi kết án”. Rồi cho gọi Hồ trong ngục ra, nói “Ngày mai mà không đem được cái đầu tới đây, sẽ đánh cho một trận”. Lính lệ giải Hồ đi cả ngày trở về, hỏi cái đầu đâu, Hồ chỉ kêu khóc. Ông sai bày các thứ hình cụ ra, làm như sắp tra khảo rồi bảo dừng lại, nói “Hay là trong đêm ngươi vội vã quăng bừa không biết là rơi ở đâu sao không chịu tìm cho kỹ?”. Hồ kêu là oan, ông tha cho, bắt phải tìm gấp.

Ông lại hỏi người đàn bà có mấy đứa con rồi, thưa rằng không có. Hỏi thân thích của Giáp còn những ai, thưa rằng “Chỉ còn có một ông chú. Ông bùi ngùi nói “Còn trẻ đã chết chồng, lênh đênh như vậy, rồi lấy gì mà sống?” Người đàn bà bật khóc, xin ông thương xót. Ông nói “Tội kẻ giết người đã rõ, chỉ cần tìm được đầu người chết, án này sẽ kết thúc. Kết thúc án này xong, ngươi có thể cải giá ngay. Ngươi là đàn bà trẻ tuổi, khỏi ra vào công đường nữa”. Người đàn bà cảm kích khóc lạy rồi ra, ông ra lệnh cho người làng tìm giúp cái đầu xác chết. Qua một đêm, lập tức có Vương Ngữ cùng thôn báo là đã tìm được, ông đưa ra khám nghiệm cái đầu rõ ràng xong, bèn thưởng cho y một ngàn đồng tiền, gọi chú của Giáp lên nói “án lớn đã xong nhưng mạng người là lớn, chưa hết năm chưa kết thúc được. Cháu ngươi đã chết, vợ y còn trẻ không biết lấy gì mà sống, cứ cho đi lấy chồng khác, từ nay về sau không hỏi tới nữa. Nếu có quan trên cần xem xét lại, chỉ cần ngươi có mặt là đủ”. Người chú của Giáp không chịu, ông ném hai cái thẻ tre xuống”*, vừa lại định cãi, ông lại ném ra một cái thẻ tre nữa, người chú của Giáp sợ, vâng dạ lui ra. Người đàn bà nghe chuyện tới tạ ơn ông, ông hết sức dịu ngọt an ủi, lại ra lệnh ai muốn cưới người ấy phải bẩm với quan.

*Ném hai cái thẻ tre xuống: ngày xưa lệ ở công đường sắp đánh đòn trách phạt kẻ có tội thì quan ném thẻ tre ra làm hiệu lệnh. Đây ý nói Phí Huy Vĩ dọa sẽ đánh đòn người chú của Hà Giáp.

Ngay sau đó có kẻ lên huyện thưa với quan xin cưới, đó là Vương Ngũ, người tìm ra cái đầu xác chết. ông gọi người đàn bà lên huyện hỏi “Ngươi đã biết kẻ giết người thật là ai chưa?” thưa là Hồ Thành. Ông nói “Không phải đâu, ngươi và Vương Ngũ mới đúng là thủ phạm đấy”. Hai người hoảng hốt, ra sức biện hộ là bị oan ức. Ông nói “Ta đã biết sự thật từ lâu, nhưng để từ từ mới nói ra, là vì sợ vạn nhất có chỗ oan uổng thôi. Cái thây chưa mang lên khỏi giếng, sao ngươi đã biết đó đúng là chồng ngươi, rõ ràng đã biết trước rằng y đã chết rồi. Vả lại người đi buôn chết mà áo mặc rách mướp, lấy đâu ra vài trăm đồng tiền vàng?”. Lại nói với Vương Ngữ rằng “Tại sao ngươi biết rõ chỗ cái đầu như vậy? Sở dĩ ngươi gấp gáp như thế, là vì muốn lấy ngườì đàn bà này sớm thôi”. Hai người mặt xám như tro không nói được câu nào, đến khi bị tra khảo, quả đều khai nhận tội. Đại khái Vương Ngũ và người đàn bà tư thông với nhau đã lâu, bèn mưu giết chồng người đàn bà, lại gặp đúng lúc Hồ Thành nói đùa nên thành chuyện. Ông bèn tha cho Hồ, phạt trượng rồi đày Phùng An ba năm vì tội vu cáo. Án ấy kết thúc, không người nào bị chịu cực hình oan uổng.

Dị Sử thị nói: Thầy ta nổi tiếng nhân ái, cứ xem chuyện này đủ biết người nhân dụng tâm lao khổ thế nào. Lúc ông vừa làm huyện lệnh Truy Xuyên, Tùng vừa tới tuổi nhược quan*, được ông quý mến lắm cho là tài giỏi, nhưng ngu độn bất tài, lại trở thành con hạc không múa khiến Dương công xấu hổ** . Đó là việc không sáng suốt duy nhất trong đời thầy ta đấy, mà thật là do tội của Tùng, nghĩ đau lòng thay! 

*Tùng: tức Bồ Tùng Linh tự xưng.

** Con hạc không múa khiến Dương công xấu hổ: lấy tích Dương Thúc Tử nuôi con hạc biết múa, nhưng có lần có khách, ra lệnh cho nó múa thì nó cứ đứng im. Đây tác giả có ý nói mình lận đận công danh làm phụ lòng tin tưởng của Phí Huy Vĩ .


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.